NGƯỜI BẠN VÀ BÀI THƠ THỜI CHIẾN ...
*
Thời chúng tôi từ Huế vào SaiGon học Bưu Điện (1960) chẳng khác nào thời của một sinh viên du học hiện nay. Còn nhớ cuối năm học thứ nhất về quê nghỉ hè, một buổi ra đình làng vui chơi với chúng bạn, cả bọn ngồi vắt vẻo trên những bàn học trường làng, Phan Dũng (sau nầy là kỹ sư canh nông, hiện ở Australia) cứ bắt tôi kể chuyện SaiGon.Bọn nó tưởng tượng SaiGon là một thế giới xa lạ kiểu như nửa vòng trái đất, nghìn trùng xa cách. Chàng trai chập chững vào đời kể ngay cái ấn tượng choáng ngợp khi lạc vào bùng binh Ngã Bảy thiên la địa võng. Quê làng thưa vắng, có lúc cả ngày không thấy bóng dáng chiếc xe đạp nào lượn qua thôn xóm – đúng là xóm vắng - bây giờ đứng tại một góc đường Ngã Bảy tôi hoa mắt nhìn làn sóng xe đạp dập dìu chao lượn liên tu bất tận quanh bùng binh , xe đâu từ bảy ngã cứ hướng vào bùng binh như dòng nước lặng lờ trôi đi, trôi đi không có ùn tắc chen lấn. Mình cứ nghĩ sao tụi SaiGon chúng nó chạy xe cừ quá, xớ rớ mình đạp xe vào chốn nầy chỉ có chết. Con gái , nữ sinh SaiGon nói cười tỉnh bơ trước mặt con trai, không chút e ấp thẹn thuồng
như gái Huế. Phố xá đi đâu phải lẻo đẽo theo sau cậu Bùi văn Tánh là anh họ mẹ tôi, ngơ ngác như chú chim non rời tổ. Rối rắm quá nhiều chuyện làm sao kể hết được, tụi nó chỉ nghe được mấy chuyện như vậy cũng biết qua hình ảnh Saigon…
Trong nhóm bạn Bưu Điện, Nguyễn Đăng Mừng gắn bó với tôi suốt khoảng đời sôi nổi chuẩn bị vào đời.Còn hơn cả một cặp bài trùng. An Hòa, Đức Bưu thuộc xã Hương Sơ là nơi chúng tôi sống qua tuổi học trò .Chúng tôi cùng học Đệ Tam Quốc Học (tôi B7, Mừng B8). Cuối niên khóa Đệ Tam, cùng thi Sư Phạm Tiểu Học Trần Quốc Toản Huế và Bưu Điện SaiGon. Cả hai cùng đổ Sư Phạm và Bưu Điện. Đang học Sư Phạm chưa được một tháng, cả hai cùng nhận giấy báo nhập học từ Trường Bưu Điện.Cùng nhau bỏ ngang sư phạm vào SaiGon trên cùng một chuyến tàu.
Năm thứ nhất học lớp Dự Bị,chương trình học : ôn tập toán hai lớp Đệ Nhị , Đệ Nhất, chuẩn bị chuyên ngành kỹ thuật (thực hành hàn ráp, đo thử, vẽ kỹ thuật…). Bài học toàn chữ Pháp, trong lớp có người từ trường Tây Taberd, Jean Jacques Rousseau qua học như ông bạn tóc xù tên Trịnh Công Đạt. Khóa 2 trước đó, Nguyễn Huy Tuấn cũng là dân Taberd rành tiếng Pháp. Một vài tuần đầu xem bộ người nào cũng bối rối trước những bài học và thầy dạy tiếng Pháp . Ba tháng sau quen dần, rồi ổn hết. Qua kinh nghiệm bản thân, trước một việc quan trọng như bỏ Sư phạm vào SaiGon học Bưu Điện luôn luôn có những tay rách việc chuyên cản mũi kỳ đà.Họ đưa ra đủ lý do làm cho ta chùn bước lo sợ, bỏ học.Nhưng tôi và Nguyễn Đăng Mừng đã trả lời đơn giản : chuyện không nghe giảng được bài học chữ Pháp tính sau,có dịp vào SaiGon dại gì không đi... Đúng là chúng tôi rất háo hức muốn vào học SàiGon. Nhờ học lớp dự bị, chúng tôi có thuận lợi để hoàn thành Tú Tài I (năm 1961) và Tú Tài II (1962) - như đã nhắc lại- và ghi danh học nhiều ngành Đại Học như Luật Khoa SaiGon, Chính Trị Kinh Doanh Đalạt , Văn Khoa Huế , Pháp Văn (Quảng Đà - ĐàNẳng). Chúng tôi cùng học chuyên ngành Vô Tuyến Điện, mãn khóa Mừng chuyển ra Đài Phát Tin Huế, tôi đến Đài ĐàNẳng. Chúng tôi thường vô ra Huế - ĐàNẳng trong các dịp lễ, Tết vui đùa gặp nhau đến lúc động viên nhập ngũ…Dịp Tết Mậu Thân 1968, đang học giai đoạn hai khóa 26/SQTB Thủ Đức tại Trường Truyền Tin Vũng Tàu , tôi nhận thư Nguyễn Đăng Mừng kể chuyện chạng vạng tối mùng một Tết đạp xe từ Phu Văn Lâu về An Hòa , bắt từ cầu Bạch Hổ hướng về Quãng Trị bỗng linh cảm điều bất thường : cảnh vật im phăng phắc không một bóng người, đi giữa hoàng hôn rình rập . Đang hồi hộp đạp xe, Mừng hoảng hồn nhận ra những mái đầu nhấp nhô cựa quậy ẩn núp dọc theo đường ray tàu hỏa. Nhìn kỹ, anh nhận ra những chiếc mũ cối với những đầu súng ngọ ngoậy. Đúng là bạn đã tận mắt chứng kiến hồi chuông báo tử cho Huế đổ nát. Đó là bức thư cuối cùng Mừng gởi cho tôi. Sau Mậu Thân ,Mừng vào quân trường Thủ Đức ,ra trường phục vụ tại Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn II ở Pleiku, và trong một chuyến công tác từ Pleiku xuống NhaTrang máy bay trực thăng bị nạn, Mừng mất tích.
Sau nầy, một lần về Huế ghé thăm nhà người chị của anh, bất ngờ gặp cô cháu gái của Mừng (T.M) đang ngồi đọc sách trước cửa ra vào. Nghĩ thật vô tình, vì lúc người bạn còn sống, chúng tôi đã nhiều lần vô ra căn nhà nầy mà chưa khi nào biết hoặc để ý đến một cô bé học Trường Bồ Đề Thành Nội, nổi tiếng hoa khôi nhí nhảnh dễ thương. Nay bước vào cũng ngưỡng cửa nầy nhưng không còn bạn cũ, tôi sững sờ khi cô bé mở to đôi mắt đen nhánh chào hỏi…Tình cảm chàng trai tuổi đôi mươi,nẩy nỡ tự nhiên đến mức tôi không thể nhớ nó đã diển tiến như thế nào. Giống hệt như anh em trong một gia đình.Bà con quen biết tin chắc có chuyện hôn nhân gì đây. Trên chuyến bay trực thăng quân sự ĐàNẳng vào Quảng Ngãi , lúc xuống phi trường Chu Lai chờ chuyển tiếp xe vào Trung Tâm Viễn Thông 3 thuộc Tiểu Đoàn 610 Khai Thác Truyền Tin Diện Địa, đứng nhìn bãi đáp trực thăng dã chiến mênh mông cát trắng, hình ảnh cô bé trường Bồ Đề Thành Nội bỗng dưng nổi lên làm tôi xúc động. Đến Quảng Ngãi cảm hứng tuông trào với bài thơ Quê Hương Và Em. Mình phải cất giấu không cho cô bé biết, vì cứ nghĩ không nên lảng mạn quá đối với một tình yêu sắp trở thành hôn nhân:
Em lên công chúa ngôi chung thủy
Lấp loáng hào quang mẹ dịu hiền
Từng bữa đong đầy cơm nước Việt
Vành nôi ru bé ngủ bình yên
Tôi đã dẫn cô bé mười tám tuổi ra mắt mẹ , nhưng rồi duyên số (hay do loạn lạc chiến ttranh ?) sao đó cũng không đi đến cùng. Tháng 11/2004 tôi về Huế hỏi thăm , chồng TM là một Hoa kiều chủ một hiệu buôn trên đường Trần Hưng Đạo Huế. Vậy cũng êm ấm một đời nàng. Tôi giữ bài thơ làm kỷ niệm…
Thơ còn mang hơi thở tiền chiến tôi không gởi đăng báo, nhưng không thể xóa bỏ một tình yêu thời thanh xuân. Thời gian đủ dài để nó trở thành một hoài niệm...
QUÊ HƯƠNG VÀ EM
Gởi TM
Anh gọi tên em một sớm mai
Sầu nghe rưng rức bến Chu Lai
Nhớ thương mấy cửa thành đất Huế
Che chở em qua trận chiến dài...
Mùa thu trước em nhìn mây trắng
Lảng đãng trôi theo mộng cuối trời
Biến cố năm Thân tràn máu lửa
Đưa em về sống giữa chơi vơi...
Em lớn lên trong cuộc chiến nầy
Không ai nuôi dưỡng tuổi thơ ngây
Một mình ngơ ngác nhìn bom đỗ
Đốt rụi quê hương cháy cỏ gầy...
Anh biết quê mình ngày lửa đỏ
Nhưng đành nước mắt xót thương theo
Ai đâu sống chết vùi trong lửa
Mù mịt vời trông lạnh bóng chiều
Mẹ hiền em đó và em nữa
Biền biệt phương trời trốn chạy đâu
Gạch đỗ tan tành chôn xác chết
Rưng rưng anh khóc một vì sao
Sau mùa xáp chiến về quê cũ
Sung sướng nhìn em muốn nghẹn ngào
Kiêu hảnh em làm cô gái nhỏ
Mỉm cười đi giữa biển trăng sao
Bóng tối dừng thôi bước trở về
Anh ru tiếng hát, hát em nghe
Những lời kinh nguyện không hờn dổi
Thê thiết buồn hơn gió nảo nề
Anh say điệp khúc con thuyền lạ
Đã tám năm dài không bến sông
Đất đỏ bụi mờ mê mệt quá
Giờ còn nghi ngại sóng mênh mông
Em vào thắp sáng đêm huyền ảo
Anh ngước nhìn theo hướng hải đăng
Trong khoảng hồn anh hoang vắng ấy
Đường dài em có nhớ anh chăng
Tiếng nói em trong màu ngọc bích
Tâm hồn em phơi phới pha lê
Anh đi qua đó thiên thần dậy
Nhạc ngút ngàn thơm tuổi dậy thì
Giấc mộng giao hòa hương lạ tỏa
Thần giao ngây ngất choáng men say
Lang thang bốn phía trời mang góp
Anh dựng lâu đài của lứa đôi
Một sớm mai nào anh bỗng thức
Nhìn quê hương trỗ đóa hoa thơm
Anh kêu rúng động vang lòng đất
Súng đạn ngừng thôi giết Việt Nam
Em lên công chúa ngôi chung thủy
Lấp loáng hào quang mẹ dịu hiền
Từng bữa đong đầy cơm nước Việt
Vành nôi ru bé ngủ bình yên
Anh vẫn ngồi đây nhận diện mình
Vẫn còn nghe sóng vỗ lênh đênh
Chung quanh còn lạnh từng cơn gió
Không có em gần chắc chết anh...
Anh gọi tên em một sớm mai
Sầu lên rưng rức bến Chu Lai
Nhớ thương mấy cửa thành đất Huế
Che chở em qua trận chiến dài
Cho anh phiêu bạt thêm lần nữa
Mang bóng hình em đến xứ người
Súng nổ từng đêm thiên hạ ngủ
Anh làm thi sĩ với em thôi
Anh gọi tên em một sớm mai
Quê hương em có sợ đêm dài
Quê hương em có ôm hờn tủi
Anh ở nơi nầy gọi Tuyết Mai...
(Quãng Ngãi Mùa Mưa 1969)
Trích Hồi Ký Ba Mươi Năm Dạy Nghề
(Câu Chuyện về TRƯỜNG ĐIỆN TỬ ĐAKAO)
EM ĐÃ ĐƯA TA VÀO NGHỀ
*
ĐàNẳng khoảng những năm cuối thập niên 1960 việc dạy nghề sửa ampli, radio chỉ xuất hiện trong các tiệm tư nhân dưới hình thức kềm cặp trong phạm vi con cháu bạn hữu chủ tiệm. Năm 1970 ở ĐàNẳng có một Trường Chuyên Nghiệp tư thục trên đường Phan Thanh Giản, dạy đánh máy chữ, cắt may…,nhưng không có ngành điện tử. Hiệu Trưởng Phan Công H. là một tay làm ăn nổi tiếng ở ĐàNẳng . Một người bạn ở cạnh nhà ông H. đã nói với tôi :ông H. là một con ma, con quỹ. Anh ta kể rằng có lần đã dùng nắm đấm để ngăn chận một vụ xây cất ma giáo của ông lấn chiếm một phần nhà của anh ta. Và nhắc tôi coi chừng ông lường gạt. Thật ra tôi bén duyên với Trường Chuyên Nghiệp ĐàNẳng do một cô em tên là Bích Ngọc đang học đánh máy chữ vào mỗi chiều tối. Một lần đi ngang Trường Chuyên Nghiệp vào khoảng sáu giờ tối, tôi bắt gặp một em xinh như mộng dáng dấp một nữ sinh Đồng Khánh Huế. Diển tả kiểu giọng Huế là : Dễ Thương Chi lạ. Vậy là tôi tìm cách xâm nhập vào Trường ông H.. Tôi dựng cái xe Bridgeston 50 phân khối ở mặt tiền, vào văn phòng tìm gặp ông hiệu trưởng với quân phục một anh thiếu úy. Gặp ông hiệu trưởng tôi vào đề ngay :
-
-Tôi làm việc trong ngành điện tử đã lâu, nhận thấy trường chúng ta chưa có ngành nầy, nếu ông hiệu trưởng đồng ý, tôi tình nguyện tổ chức lớp dạy sửa chữa ampli, Radio sau đó tổ chức tiếp lớp sửa TV.
Như bấm trúng huyệt, ông H. vui sướng nhảy dựng lên. Ông rời ghế bước ra ôm chặt lấy tôi mừng rỡ như bắt được vàng. Ông gọi tôi bằng thầy ngay không cần biết nguồn gốc dạy nghề của tôi xuất phát từ đâu và kinh nghiệm chuyên môn như thế nào. Điều nầy chứng tỏ ông đã khao khát mở lớp điện tử trong trường ông đến mức nào, nhưng không tìm ra người cọng tác. Tôi tuần tự kể cho ông nghe quá trình học và hành của tôi trong ngành kỹ thuật. Khi biết tôi là Trưởng đài Phát Tin VTĐ ĐàNẳng trước khi động viên vào quân đội,khuôn mặt ông trở nên rạng rỡ khác thường.
-
Chào thầy..chào thầy. Quý hóa quá…
-
Tôi đề nghị ông hiệu trưởng cho quảng cáo thâu nhận học viên khóa đầu tiên Lớp Điện Tử Căn Bản vào đầu tháng. Chỉ mở lớp tối thôi. Tôi sẽ soạn chương trình lý thuyết, thực hành của lớp căn bản.
Ông ta đồng ý ngay đề nghị của tôi và đi lấy tấm lịch tìm chọn ngày khai giảng để quảng cáo. Chọn được ngày khai giảng, ông chỉ tay vào tấm lịch nhắc đi nhắc lại tôi nhớ ngày giờ khai giảng. Bắt tay ông ra về, cả ông và tôi hầu như đứng trước một “vận hội” mới. Tôi tự tin bắt tay vào việc một cách tích cực, hào hứng. Mặc dù chưa bao giờ dạy nghề, nhưng mấy đàn anh của tôi ở SaiGon đã dạy tại Trường Vô Tuyến Điện Tấn Phát từ nhiều năm nay. Họ làm được tôi cũng sẽ làm được,vì tôi cũng học Bưu Điện VTĐ như học và đang có một cô em thúc đẫy... Giao mấy tờ chương trình lý thuyết, thực hành cho Trường chuyên nghiệp vào buổi tối , sáng mai tôi mua vé lên máy bay vào SaiGon đến Trường Vô Tuyến Điện Tấn Phát, mua đủ dụng cụ, tài liệu sách học của Tấn Phát chuẩn bị cho lớp học.
Khai giảng khóa đầu tiên tại trường chuyên nghiệp, lớp học xem như thành công – sỉ số từ 10 đến 15 học viên. Tôi đứng lớp dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành cho học viên ra vẻ kinh nghiệm, bởi vì đây chính là những thao tác tôi đã từng làm , chỉ khác vai trò, tên gọi...
Rõ ràng tôi bén duyên với nghiệp dạy nghề do cô em học đánh máy chữ khai mở. Không có em tôi sẽ không xâm nhập vào Trường Chuyên Nghiệp bày đặt ra chuyện dạy nghề để được gần em. Không có em sẽ không có Trường Điện Tử ĐaKao sau nầy để chắc góp lo cho hai con tôi, một du học Mỹ 1997, một du học Thụy Sĩ 2005 để chúng tôi đoàn tụ tại Mỹ năm 2008. Kể chuyện tình với em cũng là cách gởi lời cám ơn em. Thật tình tôi đã mơ tưởng tới em đến phải làm thơ từ một rung động êm ái vô song . Viết lại không thiếu những cung bậc say đắm. Còn nhớ vào giờ dạy lớp tối trên lầu một ,tôi canh chừng thời điểm em vào lớp, ngồi mở mấy trang chữ mẩu, tập luyện ngón. Một lần học viên bận thực hành , tôi nhẹ nhàng đi xuống cầu thang ,đến kéo ghế ngồi cạnh em. Em tỉnh bơ ngồi gõ máy chữ. Rất bất ngờ, tôi cất giọng đọc …Hằng năm cứ vào cuối thu…Bảng tiếng Anh em đang đánh máy dịch từ bài Tôi đi học của Thanh Tịnh.Tôi nhìn bài chữ Anh nhưng đọc thành tiếng Việt. Em ngững đầu lên nhìn tôi e ấp ngượng ngịu : Thầy…Đúng, em là cô gái Huế. Gọi tôi bằng thầy, em đã biết tôi đang dạy nghề trên lầu một. Vậy là mình đã vượt qua cửa ãi đầu tiên. Một buổi trưa vắng người tôi bóc tấm ảnh của em dán trong sổ lưu hồ sơ. Ông PCH hiệu trưởng gọi cảnh cáo tôi. Cười xòa. Mấy cửa ải tiếp theo diển tiến tự nhiên hiền hòa. Tôi đến nhà em đi đánh bóng bàn với anh nàng. Nhiều đêm tôi ngồi cạnh em sau bàn máy may, chỉ để xem nàng may áo mới… Bỗng một hôm cô học trò tôi dạy kèm thi Tú Tài I báo một tin động trời . Cô ta bảo Bích Ngọc – gọi ngay tên - học đánh máy chữ đi làm sở Mỹ.Thật hư thế nào tôi không rỏ ,chỉ biết nhiều lần tôi hỏi thăm chuyện việc làm nàng im lặng khó hiểu. Đến khi nhận nhiệm vụ mới ở Hội An thì mơ ước đã tàn phai…Chuyện tình với em Bích Ngọc đã một lần tôi biến cải thành truyện ngắn Hương Tình gởi cho Trần Hoài Thư là nhà văn chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo lúc mới chân ướt chân ráo định cư ở Mỹ. THT không trả lời. Bây giờ tôi tra lục trên email lấy lại nguyên bản và đọc : Hương Tình viết theo kiểu tiểu thuyết ba xu.Mới hay viết truyện tình trong văn học nghệ thuật khó biết bao. Mặc dù trước bảy mươi lăm tôi đã có Kể Một Truyện Tình đăng trên báo Văn Chương Thời Tập của Viên Linh.
Xin tặng Những Bông Ngàn Gởi Em cho BN nếu đâu đó nàng còn nhớ đến tác giả bài thơ nấy...
oOo
NHỮNG BÔNG NGÀN GỞI EM
không hiểu sao
ta vẫn còn sức vùng vẫy
có phải những hạnh phúc tình cờ
còn sáng một niềm tin
khi em đến ta quay nhìn lại
những vết đi bụi phủ đường trường
những cuộc tình cắt ngang đời mỏi mệt
vỏ phấn hương nhạt giọng hư hao
em có phải là cơn mưa mộng mị
gõ vào hồn thạch nhũ
xối lên ngọn cây khô
chảy thành giòng suối ngọt
trăm ngàn đợt mưa hoa
hởi người em qua cây cầu gió
em có thấy duy nhất
một nhịp cầu đời vắt vẽo bắt qua
hai lần biết mấy vạn ưu phiền
thế thì
những vết đi mờ dấu
lớp son nhạt mất hao
chỉ là tên lái buôn
của một linh hồn mọt gỗ
một đời gian trá
chưa đến lúc ăn năn
sáng nay rất đổi tình cờ
em bỗng là nguồn ân sủng đất trời
ngập giữa bông ngàn đền đáp
một bông hy vọng
một bông thiết tha
một bông mất ngủ
một bông cầu xin
những bông ngàn sẽ lung lạc tình em
ta đứng đầu gió bão chờ đợi
sẽ có ngày em muốn hiểu
tại sao đời ta như nòng súng lạnh
giữa im lặng trùng vây
sao những vầng trăng trầm mặc
không trôi về đại tây dương
sao bạn bè ta
lại ngất ngư giữa chiến cuộc điên cuồng...
(1970)