Mới sáng ra mà ông Qúy đã bận rộn. Hai chục mẫu mía chưa bỏ phân. Chục mấy mẫu khoai mỳ chưa làm cỏ. Đất trồng bạch dàn đã cầy xong chưa xuống giống , cũng gần hai chục mẫu chớ có ít gì . Đám nhãn đã bắt đầu tượng trái , phải lo dăng lưới chống dơi ăn . Đủ mọi thứ việc , ấy là những việc lớn , còn hàng đống việc nho nhỏ khác , cũng phải có ông mới xong . Ông thường bảo, mỗi buổi sáng ông làm giám đốc nửa giờ là xong hết mọi việc .
Đã có thời ông làm giám đốc thiệt . Giám đốc một nhà máy chế biến mía đường vào loại lớn nhất của xứ Tây Nam này . Lớn nhất là vào thời điểm đó , chớ còn bây giờ , ở đây đã có mấy nhà máy khác lớn hơn nhà máy của ông nhiều . Ông làm giám đốc cái nhà máy đó kể từ khi nó được lắp đặt những thiết bị đầu tiên , ra mẻ đường đầu tiên . Nếu không có đợt thanh tra đột xuất , xúc phạm đến ông thì chắc là ông chưa nghỉ .
Bây giờ nhắc lại chuyện thanh tra hồi đó ông vẫn còn lẩm bẩm chửi thề :" Mẹ kiếp , lo cho nó đàng hoàng , nó phản mình cái một …"
Người mà ông chửi là cậu phó giám đốc còn trẻ . Hắn có cái xốc của tuổi trẻ. Có cái thâm trầm của người lớn tuổi , và đặc biệt ,hắn không chấp nhận ai coi thường hắn dù chỉ một lần, hắn có thể đánh đổi tất cả chỉ để chứng minh cho kẻ coi thường hắn biết hắn không dễ để người ta qua mặt. Hắn không phải là người xứ này . Hắn đã làm một chuyến di chuyển cả ngàn cây số đến đây xin việc . Công việc mà hắn làm , ngày ấy ở xứ này không nhiều . Hoặc có cũng chỉ là một số học sinh mới ra trường không kinh nghiệm .Trong một chuyến công tác ra Hà Nội , ông Bí thư tỉnh ủy tỉnh này vô tình gặp cậu ta trong một hội nghị dành do những nhà khoa học chuyên về hóa nghiệm công nghiệp thực phẩm . Ông ngỏ ý mời hắn vào cộng tác với Tây Nam . Ai dè , hắn vào thực . Hắn trình diện ông Bí thư trước . Ông Bí thư gọi ông Tổng giám đốc ngành mía đường lên và gần như bàn giao hắn cho ông ta . Nhưng ai dè , khi hắn mang hồ sơ đến nộp cho ngành mía đường , thì bị một cú như trời giáng : " Anh thông cảm , lúc này đang trong tình hình giảm biên chế , chúng tôi không thể bố trí công việc cho anh được ". Sau đó là một chuỗi ngày hắn lang thang trên đất Tây Nam, mang hồ sơ đi hết nơi này đến nơi khác , nhưng ở đâu người ta cũng lắc đầu từ chối. Sau này hắn nói với mọi người bằng một giọng ngang ngạnh : " Xứ này thiếu người làm hóa nghiệm thực phẩm .Nhưng phải là người biết hóa nghiệm luôn cả mình; chớ thực thà quá ,giống như thằng ngu vậy ". Lần cuối cùng ,hắn trở lại ngành mía đường . Hắn nói chuyện khá sòng phẳng với ông tổng giám đốc :
-Xin hỏi ông lần cuối cùng , ông có thể bố trí công việc cho tôi được không ?
-Anh thông cảm - Ông Tổng giám đốc vẫn bài cũ .
-Vậy ông có thể ghi mấy chữ để tôi trình lại với ông bí thư , trước khi tôi về …
- Không được , tôi không làm việc đó được .Vả lại , anh còn mang hồ sơ đi xin việc nơi khác , mấy chữ của tôi …
-Thôi được rồi , ông không phải nói gì thêm nữa . Ông cho tôi nhờ cái bàn làm việc một chút .
Hắn ngồi ngay bàn làm việc của ông Tổng giám đốc , bóc ra một tờ giấy trong cuốn sách dành cho học trò , rút cây viết , viết những dòng chữ loằng ngoằng , chữ nào , chữ nấy lớn như hạt bắp :" Kính gởi ông Bí thư . Vì có thư của ông mà tôi có mặt ở xứ này, xin cảm ơn tấm thịnh tình của ông . Quê tôi không đến nỗi đói mà tôi phải vào đây xin ăn , không thất nghiệp đến nỗi tôi phải vào đây xin việc . Có thể xứ này không dung nạp tôi . Vì vậy tôi đề nghị ông : Một là bằng uy tín của ông , bố trí việc cho tôi làm , làm gì cũng được . Nếu không thể bố trí dược , đề nghị ông trả tôi một khoản tiền để tôi trở ngược về quê , ở đó công việc còn đang chờ tôi." Không ngờ lá thư phạm thượng ấy đã đến tay ông Bí thư tỉnh ủy . Ông ghi một dòng xéo xẹo bên góc lá thư :" Kính gởi anh Tư chủ tịch. Tôi không sợ mất uy tín cá nhân, nhưng, tôi thấy tỉnh mình rất cần cán bộ như anh Tấn ( tên của hắn là Tấn ). Đề nghị anh bàn bạc bố trí công việc cho anh Tấn " . Ngay sau đó có thêm một dòng của ông Tư chủ tịch gởi cho anh Hai phó chủ tịch :" Đề nghị anh Hai gặp lại anh Tấn , nếu anh Tấn có thiện chí ở lại làm việc ở tỉnh mình thì bố trí công việc cho anh Tấn . Nếu không bố trí được thì xếp anh Tấn làm trợ lý cho tôi …" Bộ hồ sơ của hắn bay đi khắp những cơ sở liên quan đến mía đường của Tây Nam này .Cuối cùng , nó nàm ngay trước mặt ông Qúy .Ông lẳng lặng nhìn tập hồ sơ của Tấn . Một lát , ông trả lời anh cán bộ văn phòng Uy ban :
-Thôi được không ai nhận , tôi nhận . Dẫu sao , nay mai , nhà máy của tôi cũng vào sản xuất , nhất định phải có cán bộ hóa nghiệm .
Ông rút bút ký cái xoẹt , coi như xong . Tất cả những công việc của một người xin việc , hắn không phải làm kể từ khi hắn viết lá thư phạm thượng cho ông bí thư . Động tác cuối cùng của hắn là lên tổ chức chính quyền tỉnh để hỏi bao giờ thì có quyết định tiếp nhận . Hắn chỉ lên đó có hai lần , lần thứ nhất chưa có tín hiệu từ phía lãnh đạo Ủy ban . Lần thứ hai , chỉ cần đặt chân đến là hắn biết có một kết quả gì đó . Anh cán bộ tiếp hắn còn trẻ. Thấy hắn đến , anh ta nói ngay :
-Hồ sơ của ông , tụi tui có trong tay rồi .
Anh ta rút từ đống hồ sơ ngồn ngộn trước mắt ra tập hồ sơ đã thấm những giọt mồ hôi của hắn , lật lật mấy trang , phán :
-Anh học Đại học Bách khoa khóa … Cỡ anh chỉ vào loại …
Thực vô phước cho anh ta gặp phải thằng gàn dở . Hắn vằn mắt lên xừng xộ:
-Anh gọi tôi là loại gì ? Hả? Tôi đến đây đâu có phải để cho anh phán xét. Anh trả tôi hồ sơ. Tôi cóc cần.
Anh cán bộ kia lung túng , nhét vội , nhét vàng bộ hồ sơ của hắn vào thật sâu trong đống hồ sơ trước mặt , rồi ngoảnh sang người đàn bà kế bên cầu cứu :
- Sao bây giờ cô Mười? Trường hợp của anh này tính sao ?
-Thì các anh lãnh đạo đã có ý kiến rồi , cứ thế mà làm . Cậu còn chất vấn người ta làm nữa.
Thấy cậu ta ngơ ngác tội nghiệp , hắn bảo :
- Thực tình tôi không muốn cao ngạo với các anh , nhưng cứ nhìn người như các anh thì chết tôi cũng không thèm . Có điều , tôi không muốn gây khó dễ cho các anh với lãnh đạo . Nay tôi về Sóc Chàm, Thái Vĩnh Đông ở , nếu có tin tức gì , mong các anh thông báo giùm một tiếng .
Đi xin việc mà còn làm tàng . Ai biết rằng , trong túi hắn lúc đó không còn lấy một đồng bạc lẻ . Hắn phải nhờ thằng bạn thân , gởi ở đậu tại nhà một bà dì . May mà trước đây hắn con nhà lao động nên khi về ở đây có phải làm chút ít công việccũng không sao. Ban đầu hắn làm cỏ rau muống giúp bà dì. Khi cỏ rau muống hết , hắn bàn với thằng con trai bà đào cái ao . Rồi tính sang bên Thanh Điền cắt lúa . Cũng làm một chuyến sang đó thực, nhưng sau một đêm ngủ bên sông Vàm Cỏ Đông , hắn cùng thằng con trai bà chủ quay về , vì xem ra sức vóc hắn không thể kham nổi công việc đồng áng. Có người mướn đào ao , hai anh em hăm hở nhận, nhưng khốn thay , lâu rồi , hắn không làm việc nặng , ngày đầu còn theo được . Ngày thứ hai , khi hắn vung lưỡi vá lên , hất tảng đất lên bờ , thì vai hắn bỗng nghe cái rật . Đau tê tái . Từ hôm đó hắn trở thành kẻ ăn không ngồi rồi . Đấy là lần đầu tiên hắn biết thế nào là sự nhục nhã khi phải ăn nhờ ở đậu . Bữa cơm không dám ăn no . Cuốn một điếu thuốc rê , cũng nhỏ hơn của bà chủ một chút . Nhà hết đồ ăn , nghe bà chủ rức lác kêu than , hắn không cầm lòng , xách bao bố ra rạch Tây Nam bắt con chem chép làm đồ ăn .
Cho đến một hôm , hắn nghe bà chủ rủa thằng con :
- Mày là cái thứ hạng gì mà ăn bám tao hoài vậy . Thà mày đi tu cho rồi , tao đỡ nặng nợ . Mày còn ở nhà, mày còn bám tao . Tao ngỡ mày làm được đến ông to bà lớn gì đó tao còn nhờ cậy , chớ bây giờ đến cái chén mẻ tao cũng phải lo cho mày …Vậy mày là cái hạng gì …
Mới may làm sao ,bà ngoại của thằng bạn có việc phải đi Thành phố , bà lại không tin cô cháu dâu , mới nhờ hắn ra coi nhà . Thằng con út của bà chủ nhà theo hắn ra bà ngoại . Không có thằng nhỏ ấy thì hắn vô phương. Thằng nhỏ khá hiếu động . Hết tiền , nó đi thẩy đáo lỗ , không nhiều , cũng mua được cọng rau . Nhà bà ngoại có ít gạo bị thấm dầu hôi , hai anh em thay nhau chà thật kỹ , nấu lên vẫn sặc mùi dầu , vẫn cứ phải nhắm mắt nhắm mũi mà nuốt . Thằng nhỏ còn chịu khó đi bắt cá ở những vũng sình ngoài ruộng . Cũng có khi được cả ký , bán mọt ít , còn một ít mua muối đổ vào kho , ăn trong vài ngày.
Một hôm hắn bệnh . Hắn ho sòng sọc cả đêm và ban ngày hắn ngồi so ro trước cửa nhà phô cái thân hình ốm nhách của hắn ra trước thiên hạ. Căn nhà của bà già này cất đến lạ . Lọt thỏm giữa những ngôi nhà . Có một con đường mòn nhỏ chạy ngang . Ngay trước cửa nhà là mấy ngôi mô chẳng biết của ai . Một cái giếng nước ngay gần những ngôi mộ . Quên đi thì thôi , chớ bỗng nhớ đến là hắn hoảng , không biết cái mạch nào chạy qua ngôi mộ mà đổ nước vào giếng không? Lúc bệnh , không tiền mua lấy một viên thuốc , hắn càng thấy đời mình nhục nhã hơn . Có một cô bé nhà bên cạnh , hình như đang học lớp y tá , y sỹ gì đó thấy thế , kiếm mấy viên thuốc mang sang cho hắn . Tay hắn run lên vì xúc động . Mấy viên thuốc thực hiệu nghiệm , chỉ một bữa là hắn hết bệnh . Hắn muốn tìm cô gái để cảm ơn , nhưng không sao gặp được .
Khi sắp sửa hết mọi hy vọng , hắn bực bội lội bộ lên tổ chức chính quyền. Thì ra vì bị một cú nổi đóa bất ngờ của hắn , có quyết định tiếp nhận rồi , nhưng tay cán bộ trẻ bữa đó không gởi tin cho hắn , buộc hắn phải lên tận nơi lấy. Hắn gần như giật lất tấm giấy quyết định , cái mảnh giấy con con này , mà hắn phải chịu đựng bao nhục nhã , đắng cay .
Khi hắn đến nhận việc,ông Qúy nhìn hắn với cặp mắt lãnh đạm :
- Cậu làm gì bây giờ , khi nhà máy chưa vào sản xuất?
- Chẳng lẽ không có việc gì cho tôi sao ? Anh biết là tôi có thể lội ruộng làm cỏ rau muống được mà.
Ông bố trí tạm thời hắn vào tổ chuẩn bị sản xuất . Những ngày ấy tạm quên đi vì hắn chẳng có vai trò gì và hắn cũng không tỏ ra sự xuất sắc của hắn trong côngviệc .
*
* *
Hắn lấy vợ . Chuyện hắn lấy vợ có gì mà ồn ào. Vậy mà ồn ào. Chẳng hiểu bằng cách nào , hắn quen được một cô giáo dậy học ở một trường lớn trong tỉnh . Lúc quen nhau thì cô gái còn đang ở với một người đàn ông khác . Đùng một cái cô gái bỏ chồng theo hắn . Ngày cô đi , anh chồng cũ của cô săn lùng khắp nơi . Nhưng cũng không biết bằng cách nào hắn dấu cô biệt tich . Anh chồng đến trường cô đánh tiếng : anh ta lấy cô có cưới hỏi đàng hoàng ,nếu cô không muốn ở với anh ta nữa thì trả cho anh ta cái nhẫn cưới năm phân vàng. Nghe vậy hắn cười khẩy :Tình cảm con người không lẽ chỉ tính bằng năm phân vàng . Ông Qúy nghe đâu hai người đưa nhau về ở một căn phòng ngang dọc không đầy tám mét vuông. Vài năm sau hắn mua đất , thêm vài năm nữa hắn cất nhà , xem ra hắn có vẻ hợp với xứ này , ăn nên làm ra … Có người đề nghị ông phải xử lý vụ này . Ông nói : Chuyện của người ta , đâu phải chuyện của mấy người . Không ai kiện tụng , khi không mình mang xử là sao ? Thây kệ người ta , Họ làm , họ chịu trách nhiệm .
Vậy mà hắn quậy . Mà không quậy ai, đi quậy ông . Lần thứ nhất hắn quậy ông là khi ông sửa xong phòng làm việc giám đốc . Ông lắp thêm một cái máy lạnh , kê vào đó một cái tủ lạnh để chứa những thứ cần thiết cho một giám đốc như bia , nước ngọt , trái cây . Ông cho trải một cái thảm sơ dừa loại mắc tiền nhất . Ngoài ra , ông cho kê bộ sa-long cũ vào một góc , kê một cái bàn mặt kiếng mầu trà sang trọng và những cái ghế nệm có thể nằm ưỡn ra, thảnh thơi. Một lần hắn vào phòng ông , mới bước vào phòng,hắn đã ha hả cười :
- Tuyệt vời , thời đại ông hoàng trở lại rồi . Nhưng , này , ông hoàng cũng cần phải cải thiện cách ăn mặc mới được. Chớ sao cứ quần xà lỏn , áo thun lỗ tròn , chân đất , giống nông dân vậy ông .
-Thì sao? Vậy chớ ông không biết tôi là anh nông dân đi làm cách mạng sao .Từ hồi nào đến giờ tôi cứ đau trần chân đất vầy , có sao đâu .
-Thì đâu có sao ? Là tôi nhiều chuyện vậy thôi .
-Nè , cạu có biết không . Lúc tớ mới có hăm mấy tuổi , tớ đã làm tới phó ban kinh tài của tỉnh rồi đó . Hồi chiến tranh ấy mà , phó ban kinh tài tức như là phó giám đốc bây giờ đó . Ban đầu cũng lo , nhưng rồi tớ làm trớt hà. Có gì đâu, cứ tung quân xuống , bám sát địa bàn, huy động tối đa sức hậu phương , thu lúa , thu tiền , mua bán hàng với vùng địch chiếm , càng nhiều càng tốt. Thậm chí móc ngoặc với lính Ngụy , với đám vợ con sĩ quan Ngụy , làm những cú áp phe … Tớ có cái mẽ bề ngoài trỗ trượng , ăn to , nói lớn, hai mắt lúc nào cũng trố tròn , khiến nhiều kẻ hoảng hồn khi chợt bắt gặp … Cho nên cũng có lúc có lợi . Cái đám vợ sĩ quan Ngụy ấy mà , có đứa mê tớ chết đi được . Hồi đó không vững , chắc giờ này tớ đi Mỹ rồi cũng nên. Nói thiệt , lắm lúc cũng thèm thấy mẹ . Ở trong cứ , gặp đàn bà con gái toàn là bà ba đen , khăn rằn quấn cổ . Có cô nào trắng trẻo xinh xắn , còn khá , còn có người dòm ngó . Nhưng đâu có đến phần mình. Gặp cái đám vợ con Ngụy , chúng nó thơm nức hà . Nhất là lũ chịu áp phe với mình , đứa nào cũng giầu có. Chúng trang điểm vào , coi gợi nước hết biết . Hồi đó tớ cũng có tiền chớ bộ. Thì tiền của cách mạng , sài chút chút có sao đâu , miễn có hàng , có súng , có đạn cho cứ là được rồi . Mình xài tí chút cũng cho công việc , có sao . Bây giờ cậu thấy đấy, làm cái gì mà không tiền. Hồi tớ chỉ huy công trình xây dựng nhà máy này tớ biết . Mình chạy xin vốn , cũng phải có cái gì cầm tay mang theo . Đến lúc vào thi công , những thằng công ty xây dựng , công ty lắp máy , nó kiếm mình rần rần …Chúng nó đến phong bì đi theo . Cái thằng con nít nào chế cái câu :" Bên B là chùm khế ngọt , bên A trèo hái mỗi ngày " .Hay thực . Càng ngẫm càng đúng …
- Ông không ngại tôi tố cáo ông hay sao ?- Hắn hỏi .
- Ngại gì ? Chuyện xong từ đời nảo , đời nào , ai lục ra nữa mà ngại. Vả lại , cái nạn chung nó là như vậy . Mình không ăn , họ nói mình ngu sao. Hơn nữa , khi cánh B đưa phong bì , mình có nhận hay không nào ai biết .
Sau này , Ông Qúy mới biết mình dại dột . Khi không nói với nó những chuyện đó làm gì , khi không thòi đuôi ra làm gì để nó nắm. Nhưng ngày đó ông chẳng thấy có điều gì phải lo. Vả lại đời ông thiếu gì chuyện dại dột , nhưng có qúy nhân phù trợ , lần nào ông cũng thoát nạn. Khác người, mỗi lần thoát nạn xong , chỉ ít lâu sau ông có thể khơi khơi kể hết mọi chuyện cho mọi người nghe . Người nghe mỗi người hiểu một cách . Có người khen ông giỏi khéo chèo chống . Có người bảo ông là thằng liều. Cũng không ít người chê ông rằng ăn ở thất nhân . Còn hầu hết khi nghe chuyện cười thích thú giống như nghe chuyên tiếu lâm . Ông kể , có lần về vùng địch chuẩn bị cho một đợt thu gom hàng hóa cho căn cứ . Ông thong dong cưỡi một chiến honda đam lướt trên con đường về tỉnh lỵ . Ông có cái khoái như vậy . Hễ ra khỏi cứ rồi , ông có tấm căn cước dùng tiền mua được và cho phép mình tận hưởng những phút thong dong như thế . Bỗng nhiên có một người con gái vẫy tay . Còn gì sướng hơn nữa . Sau lưng có một nhành hồng . Vừa chạy xe , ông vừa ngoái cổ lại sau làm quen với cô gái . Ông biết cô đã có chồng . Chồng cô đang làm công vụ ở miệt dưới, cuối tuần mới về nhà . Đôi ba lời cảm thán, thông cảm, ai dè làm thiếu phụ vắng chồng bỗng ngưỡng mộ anh kinh tài Việt Cộng to con , liền mời cho được anh ghé qua nhà chơi . Đến nhà rồi , cái nỗi cảm thông cảnh phòng không chiếc bóng càng bùi ngùi hơn. Nhất là sau một ly uyski thiếu phụ mời , lại nhất là sau khi thiếu phụ từ nhà sau lên đã rũ xong bụi đường, đã xức lên mình một thứ nước hoa thơm quyến rũ , thêm một cái nhất là nữa là khi cái con người trần tục trong ông thúc dục , ông đã nâng thiếu phụ trên tay , tìm vào phòng dành cho vợ chồng nàng .Cơn hoan lạc chưa thành thì ông bỗng choàng tỉnh vì một đòn đánh mạnh vào mông . Ông choàng tỉnh , ngẩng phắt lên . Một khúc mía nữa sắp sửa quất xuống mông . Một gương mặt nhăn nheo già nua. Phản ứng của ông lúc đó nhanh như chớp là quơ lấy khẩu súng ngắn chĩa vào ông già . Ông già đứng xững, khúc mía dừng lại giữa không trung , run run . Thiếu phụ kịp nói với ông :
-Tiá em , anh chạy đi …
Chớ không chạy thì còn làm gì được nữa. Một tay lăm lăm khẩu súng, tay kia ôm đống quần áo . Một bên ống quần tà lỏn còn mắc trên người , ông rũ xuống cho rớt luôn .
- Rồi làm sao mặc quần ? - Có người nghe chuyện hỏi .
-Thì các cha thử nghĩ coi , làm sao mặc . Nhưng tiếc thật . Chưa kịp làm gì ăn nguyên một khúc mía . Đau tới ba ngày.Vợ mình ba ngày vuốt mông cho mình . Nó hỏi hoài mình nạt : Đau chết mẹ,hỏi , hỏi …Nó nín , nhưng hình như nó vẫn nghi …Cái lần sau này mới ghê …
Và ông lại kể đến cái lần sau của ông . Cứ như ông kể thì cái mặt của ông dể cảm đàn bà lắm thì phải . Bất cứ lần gặp nào cũng không quá tám tiếng là người ta đã mời ông lên cõi non bồng rồi .Ông nói : Tớ đâu có muốn làm hại đến phẩm tiết của họ . Nhưng họ muốn thì mình chiều . Lần này là vợ của một cậu bạn . Thì bạn hồi còn nhỏ xíu hà , ăn nhằm gì - Ông giải thích. Cái lần ấy xui , xui tàn mạng . Hai đứa mùi mẫm lắm rồi mới rủ nhau về nhà cổ . Ngày khác không rủ , rủ ngay vào cái ngày chồng cổ lù lù về. Vừa leo lên giường dã nghe tiếng gọi cửa . Cô nàng rít lên :Trời ơi , chồng em về .Tớ tông cái ào ra ra cửa sau , tuông qua một bụi tre , càn qua một ruộng lúa ,chui cha trời đất ơi , gai tre nó cào , lá lúa nó cắt . Thì đâu có kịp mặc quần , mặc áo . Mông còn dám để vợ nó xoa bóp , chớ còn chỗ đó …đâu dám. Nó nát còn hơn Chí Phèo rạch mặt …Tớ lấy cớ đi công tác , trốn vợ một mách , nửa tháng sau mới dám xuất hiện trước mặt bả.
Chuyện ấy có thực bao nhiêu không ai biết , vì nó diễn ra từ thuở còn chiến tranh . Hoà bình đã chục mấy năm , nghe ông kể lại , thôi thì cũng cứ cho là chuyện cười kháng chiến đi . Còn bây giờ, khi ông làm chỉ huy trưởng công trường , sau đó làm giám đốc luôn cái Nhà máy mà ông vừa làm chỉ huy trưởng thì người ta lại đồn đến chuyện khác . Tất cả những cô gái bộ phận văn phòng đều gọi ông bằng bố hết . Mỗi chiều , nhất định là phải có hai đứa con gái lên cạo gió cho ông . Chẳng biết gió nó xâm nhập vào ông đường nào mà ngày nào ông cũng phải gió . Ngày nào cũng cạo . Ấy vậy mà nhiều cô thích cạo gió cho ông , nhất là những cô quá lứa một chút , hay những cô giá chồng cũng thích . Nghe đâu đã có lần mấy cô giận hờn nhau vì người này được cạo gió , người kia không. Những lúc đó ông nạt nghe thấy thương :" Bay tưởng tao chết rồi sao , bay". Chắc còn muốn cạo gió cho chú Tư , nên mọi chuyện dàn xếp nhanh lắm . Nay về hưu rồi ông kể khơi khơi : Con nhỏ Phi mập mập đó nó biểu tôi , con chỉ muốn cạo gió cho chú Tư suốt đời thôi . Chú chú , con con vậy chớ , lúc kia, anh em ngọt sớt hà . "Giờ về hưu rồi chú Tư có tiếc không?" Có người hỏi như vậy . Ông cười: " Vậy chớ mấy cha có tiếc không , nói nghe coi ". Ai bảo không tiếc?
Thế đấy , ông kể mọi chuyện giống như chuyện đùa vậy . Ngay cả chuyện vì sao ông có nhiều đất như hiện nay , ông giải thích cũng như đùa. Hồi còn làm giám đốc Nhà máy đường , ông thường xuyên có mặt trên những cánh đồng mía của các nông trường phụ thuộc. Ông không dám nói với những cộng sự của mình rằng mình chẳng hiểu mô tê gì về máy móc cả . Chuyện kỹ thuật đã có cậu Phó giám đốc vốn quen với máy móc từ lúc nhỏ , học hai lần lấy xong bằng kỹ sư . Cậu phó giám đốc thứ hai do ông cất nhắc, chính là cái thằng lang thang khắp Tây Nam không ai nhận kia . Nhưng hắn giỏi . Gì chứ chất lượng đường kính có hắn quản lý khỏi lo. Ông có hai việc quan trọng nhất: nhắc việc và đi họp . Ngoài những việc đó , ông xuống ruộng mía. Xem ra việc này hợp với ông. Cánh nhà nông thấy ông giám đốc xuống ruộng thì mừng lắm. Ông tới khu vực nào , khu vực ấy tổ chức đón ông thịnh soạn. Cũng chẳng có gì . Con gà , con cá và can rượu. Đó là thời gian ông tìm ra khối chỗ thừa đất mà thiếu người làm. Thì ông tới. Vốn , có nhà máy lo, phương tiện cấy bừa nhà máy lo , giống cũng nhà máy và phân bón cũng … nhà máy luôn . Thiếu gì những người còn oai hơn ông ( oai cả cái tên và cái chức kèm theo tên) , nhận đất của nhà máy ông trồng mía , ông bao tất . Kể cả việc thu hoạch, người hợp đồng chỉ việc đến nhận tiền . Lời nhiều , gom nhiều, lời ít gom ít, còn lỗ vốn nhà máy gánh. Đấy là khách , còn ông là chủ , thì đương nhiên . Chí ít thì bằng với sự ưu tiên vốn có với những khách qúy của Nhà máy .Vài năm thôi , ông đã làm chủ gần một trăm mẫu đất . Có gì đâu, người bên kia biên giới họ sang mình phá rừng làm rẫy - Ông giải thích như vậy -thì mình tìm cách mình thu hồi lại. Rẻ thối hà . Mỗi hecta , họ đòi có bốn ký bột ngọt . Tớ chở vài xe bột ngọt lên . Nhưng mà sao chỉ có mỗi một mình ông biết đất Việt Nam được người nước khác bán cho người Việt nam với giá quá rẻ như vậy nhỉ . Chẳng biết ông nói có đúng không , nhưng ông có tới năm bẩy cái lợi, trong đó ngoài có đất ông còn được tuyên dương vì có thành tích thu hồi đất đai giữ vững chủ quyền quốc gia trên biên giới. Trước đây ông cho không biết bao nhiêu người nhà đứng tên đất, nay nhà nước chủ trương có kinh tế trang trại , thế là ông đương nhiên thành ông chủ trang trại khỏi phải cho ai đứng tên …
Ông chủ trang trại ấy có vài cơ ngơi . Nhưng chính nơi là trang trại lại được xây cất cẩu thả nhất. Chỗ chỉ dành để chứa phân tro. Cẩu thả , nhưng những người làm công cho ông có được một ngôi nhà như vậy chắc cũng xem như dược lên thiên đường rồi . Một cái trệt đúng là chứa phân diêm. Một tầng lầu ,ít ai được mời lên .Nếu ai bước chân lên đó một lần rồi thì đầy ấn tượng. Một bức tranh lớn gần bằng bức tường mô tả hai người khác giới đang đưa nhau lên tiên giới . Ngay cạnh bức tranh là một tủ rượu, với đủ mọi thứ rượu đang hiện bán đầy ở các siêu thị . Cả rượu Tây , lẫn rượu Tầu . Không thiếu bình rượu ngũ xà loại hai mươi lít với những con rắn quấn lại với nhau . Có cả những bình rượu ngâm những vị thuốc Bắc nghe đã thấy sung độ: Minh Mạng thang , Mao Trạch Đông thang. Có dạo Đài truyền hình chiếu phim Tể tướng Lưu Gù , ông còn quả quyết với bạn bè thân hữu ông có cả rượu ngâm Càn Long thang nữa. Thảo nào , thấy ông lúc nào cũng đỏ phây phây , ngực trần nở căng , phân thành từng miếng , từng miếng . Bắp tay cuồn cuộn .Lúc nào cũng chỉ một cái tà lỏn. Ngày xưa làm giám đốc , khổ nhất là phải " ăng-te-ni ", thành ra cứ vào đến phòng giám đốc là tớ lột hết , chỉ cái tà lỏn . Ông nói vậy với mọi người .Thế cái hồi ông đi nước ngòai thì sao . Thì chịu thôi , chớ sao bây giờ. Nhưng thoát được là tớ cũng lột hết hà. Thì bọn con gái Tây , Tầu gì nó cũng như gái mình thôi … Lúc đó thì cũng thành nhộng hết .Ông lại nói đùa, đi theo đòan không có cách chi thoát ra để đi thưởng thức đặc sản một mình được. Nhưng ông kể hay lắm , khiến cũng có người tin. Có người còn bắt ông kể đi kể lại cái đoạn mấy đứa con gái Thái Lan dùng của quý của mình diễn xiếc thổi bong bóng , hút thuốc lá . Ghê thật .Trở lại cái phòng lầu ở trang trại ông Qúy. Không thiếu cái máy lạnh . Một cái giường toàn bằng inox, trên đó là cái nệm , nhìn đã thấy ấm lưng . Cái ông này lạ , không muốn ăn mặc cho đang hoàng , nhưng cái giường thì cái tỉnh Tây Nam này khó tìm cái thứ hai . Hai cái chân đen thui lui của ông mà vác lên cái nệm kia quả cũng hơi bị phí . Vậy thì ai mới được mời vào đó? Bạn ,thật thân. Mỗi lần chỉ hai ba người cho đủ , "càphê tam,rượu tứ". Khách an bài xong, ông bấm điện thoại di động . Lát sau sẽ có một cặp giai nhân có mặt. Mẹ và con . Một sồn sồn . Một nữa. má mới hết lông tơ. Nghe đâu chồng của bà mẹ bỗng nhiên đổi giới tính , nay chỉ thích những cậu con trai trẻ măng và đẹp trai . Nên bà mẹ còn phây phây , hơ hớ như thế không kiếm đến ông Qúy cũng phí. Còn cô con gái , trước đây chỉ theo mẹ làm tài xế , nhưng rồi cũng thích lối sống phóng khoáng của mẹ , thế là cũng theo vào luôn những mâm nhậu . Ở đấy mẹ cũng "em " và con cũng "em". Trong bữa nhậu có "em mẹ", "em con" như thế, ông thường xuyên tái bản những tuyên bố của ông: "Người ta làm để mà ăn , mà chơi.Ăn thì phải ăn cho được những gì thiên hạ có . Chơi thì phải chơi đến tận cùng sự sướng; rồi cũng sẽ đến lúc người ta ăn không được nữa , ngủ không được nữa và cả chơi cũng không được nữa chết được rồi …" . Vậy mà có người tin vào "học thuyết "ăn chơi của ông mới chết chớ . Đơn cử , có một cha cũng có vai vế kha khá. Ông thương lắm những thiếu phụ cô đơn . Có hồi ông cũng có vài trăm mẫu đất để trồng mía. Ông nhận vốn đầu tư của mọi nhà máy, bạc trăm triệu chứ không ít . Người ta trồng mía thì lên ào ào, còn ông thì không . Vì cứ nhận phân diêm từ vốn đầu tư về , thứ tốt tuồn vào các hiệu buôn , cây mía của ông chỉ được ăn vôi bột .Khi thu họach, mía người ta sáu bẩy chữ đường , còn mía của ông tới mười bốn , mười lăm chữ đường , có điều mía người ta cả trăm tấn một mẫu , còn mía của ông …thương thay , giống y như cây sậy . Có người chọc quê ông ta : trồng lau xuất khẩu. Không sao, ông cưu mang được kha khá những thiếu phụ cô đơn và nhờ họ mà cuộc chơi đời ông phong phú lên nhiều .Xin lỗi , phải trở lại cái phòng lầu nhà ông Qúy. Như vậy là đủ rồi còn gì : Rượu đủ loại , em có có rồi . Chết quên , còn đồ ăn , tùy bạn mà ông tiếp . Loại sung độ , ông chơi món nướng y , cu nướng y , gà nướng y , cá lóc nướng y … Không có đồ dùng để ăn uống . Bốc tay , cắn , xé , nhai . Có mỡ thì mỡ chảy ròng ròng quanh mép , có tro than thì đóng vành ở miệng , dính bết ở tay . Loại khách ưa sự sang trọng thì mượn xe du lịch , đi chợ , kéo thợ nấu loại khéo nhất lên tận trang trại . Chi phí không cần nói trước , làm xong đưa về , trả tiền sòng phẳng , "Buộc-boa" có khi gần bằng tiền công …Tuy nhiên ông không nhiều khách , tháng đôi ba lần , đỡ hơn hồi còn làm giám đốc , hồi đó ngày nào cũng khách , ngày nào cũng nhậu , một thứ bia , một thứ mồi chán chết . Xem ra sống vương giả có cái thú của nó thực . Ít , nhưng mà chất … Ông chưa bao giờ nhận mình là người tốt . Theo ông , tốt hay xấu thì cũng một kiếp người . Nổi tiếng được thì nổi tiếng , mà không nổi tiếng được thì cứ làm người bình thường, nhưng , lúc nào cũng phải sướng. Đúng là ông có sướng thực. Ngay cả thời chiến tranh , ông cũng được phân công những công việc thơm tho.
Tóm lại là ông Qúy bây giờ chỉ phải làm giám đốc chừng ba mươi phút lúc buổi sáng . Còn lại nguyên ngày , nhiều lúc chính ông cũng thấy mình hơi thừa thãi . Ai cũng có việc làm , còn ông thì không . Những lúc như thế ông ngẫm về đủ thứ chuyện . Chuyện nào cũng làm ông hỷ hả , nhưng mỗi khi nhớ đến thằng Tấn là ông giận cành hông . Hắn tố cáo ông đúng vào lúc ông đang sung mãn nhất . Đường công danh có lẽ đến lúc đó không cần phải bàn đến nữa. Nhưng còn những cái khác, những cái mà những người khác mơ cũng không được. Vậy mà chỉ một lá đơn của hắn. Một lần hờn dỗi . Thế là ông thành ra như hôm nay . Nhiều lúc ông thèm được như ngày xưa hô một cái vài người răm rắp làm theo . Nghĩ đến hắn là ông tức ứa gan . Biết vậy ông đừng tự ái xin nghỉ , có khi bây giờ ông trị hắn văng đi nơi khác rồi . Không hiểu sao , ông hay nghĩ đến hắn , nhất là những lúc rỗi rãi như thế này. Không lẽ hắn không phải là người . Hắn không mê tiền, không mê bổng lộc, không mê đàn bà . Hắn tố cáo ông, nhưng cái ghế giám đốc đâu có đến lượt hắn . Loại như hắn , dân ngụ cư, khi nào được giao trọng trách … hão huyền . Ông Qúy bỗng bật cười …
-Thằng Út , thằng Út đâu rồi bay …Đứa nào kêu thằng Út lấy xe chở tao ra ngoài vườn nhãn coi …
Lát sau , một chiếc xe JEP lùn lượn một vòng thiệt đẹp dừng lại trước sân nhà . Ông Qúy bỗng nổi máu ngang tàng , lận bộ đồ bệt hiệu USA hẳn hoi. Nện thêm đôi giầy "Bốt-đờ-xô " cũng hiệu USA , thêm chiếc mũ tai bèo rộng vành kiểu "cao-bồi", và ra xe … Chiếc xe tuông ra đường. Lướt vèo vèo trên con đường trải đá đỏ , cuốn bụi tung mù mịt. Ông Qúy ngồi ghế sau , mặt ngẩng cao , ngực vươn ra trước vẻ uy nghi như tướng duyệt hàng quân danh dự. Ầy ,tưởng là cái gì , ông không theo ngành quân đội , chớ theo , hàm tướng đâu thoát khỏi tay ông. Cả một lũ bạn , bây giờ có thằng đã là bộ trưởng bộ này , bộ kia . Nói trộm , xứ này đâu có ai dám mày tao với phó thủ tướng đâu . Chỉ có ông . Chiếc JEP vẫn lao về phía trước với tốc độ kinh người . Cả nhà ông ưa thằng Út nhất ở cái nết chạy xe. Nó bang bất kể , với nó , tốc độ là quan trọng. Nó cũng giống ông ở cái khoa kiếm đàn bà. Ngoài hai mươi lăm , xài tới hai đời vợ . Không kể bồ bịch , nhân tình. Con vợ thứ ba hiện nay của nó chịu đựng giỏi , lại khôn , nên ở được . Mỗi khi thằng Út dở trò , con nhỏ đến núp bóng ông Qúy. Chỉ cần ông Qúy trợn trắng con mắt lên là thằng Út nín khe, líu ríu đón vợ về … Khi chỉ còn hai cha con , ông dậy thằng Út :
- Mày ngu. Vợ là con nợ của mày, mày không nợ con này thì sẽ nợ con khác.Sao mày không để chỉ nợ một con thôi .Chơi không ai cấm , nhưng chơi phải biết buông. Bám , rồi con đàn bà nó bám càng chặt hơn. Nợ mạt kiếp đó nghe không con . Mày để con vợ mày nó yên , nó còn lo cho mày lúc sa cơ , thất thế . Mày quậy nó , lúc đói , mút ngón tay không no được đâu .
Thằng Út vậy mà nó nghe ông .Thì nó là con ông mà. Ông cũng chỉ xài đến đời vợ thứ hai , nay thì bả ra dáng bà chủ lắm rồi . Ông làm cho bả một biệt thự dưới quê để bà hủ hỉ với mấy đứa cháu nội , cháu ngoại . Còn ở đây ông mặc sức xài cho hết những thú vui mà ở tuổi như ông còn xài được. Với bả , ông là người đứng mũi chịu sào chăm lo chu đáo cho gia đình . Nhưng bà đâu có biết , ngoài cái chăm lo , ông còn có thêm một may mắn là được hoát khỏi cái thân xác đã xị xệ , mãn kinh , hết thèm khát , để mặc sức phung phí phần còn lại của cuộc đời .Vậy thì tội gì mà không phóng xe chạy ào ào trên con đường thẳng băng , không bóng người cản trở kia. Hương gió , hương đất , hương trời bao la kia tội gì mà không tận hưởng. Con người mà . Ơ mà thằng Tấn nó có là người không nhỉ . Bỗng nhiên ông lại nghĩ đến thằng Tấn . Nó tố cáo ông khi một lần bất thình lình vào phòng giám đốc khi không phải cô cháu cạo gió cho ông mà ông đang phô diễn vẻ sung mãn của mình trên cơ thể trần như nhộng của cô gái . Chuyện có thể không lớn nếu ông không chữa thẹn bằng những lời chửi rủa thô tục . Ở nhà máy này , ai mà không biết những cô cháu đã từng cạo gió cho ông . Không ai lên tiếng , thì ông cứ cạo gió. Vậy thì thằng Tấn cũng đâu phải là ngoại lệ , nó cũng phải im như không có chuyện gì xẩy ra. Nhưng nó không im. Đầu tiên chỉ là góp ý trong cuộc họp nội bộ . Ông nạt , không cho nó nói . Ai dè ông đã chọc đúng vào tính ngang ngạnh của hắn . Không được nói thì nó viết lên giấy . Nó không chỉ viết chuyện cạo gió , mà còn viết đủ thứ về ông và gởi lên cấp trên. Cái gì nó viết ra cũng có hết . Nhưng có một cái nó không có , đó là sự quen biết sâu nặng giữa ông và những người có trọng trách giải quyết những vấn đề mà nó nêu ra. Chuyện kín bưng và ông giận hờn . Ông làm đơn xin nghỉ. Là để làm mình làm mẩy vậy thôi , ai dè , người ta cho ông nghỉ thực. Có lúc ông nghĩ: liệu lá đơn của ông có phải là cái cớ để người ta loại ông ra khỏi cuộc chơi. Có thể là như vậy . Nhưng không sao,thời gian và mánh khóe đã giúp ông trở thành một chủ trang trại vào loại lơn nhất tỉnh Tây Nam này rồi . Nhưng thằng Tấn nó có phải là người không há? Thử coi. Ông rút chiếc điện thoại cầm tay ra và bấm số máy phòng làm việc của phó giám đốc cái nhà máy một thời ông làm giám đốc kia. Chuông reo :
-Alô. ấn phải không. Tôi nè . Giám đốc về hưu Võ Văn Qúy nè. Mới đó mà quên giọng nói của tôi rồi sao. Không sao , không sao . Nè, thứ bảy này vô rẫy tôi chơi nghe . Có gì hả . Rượu thịt và có cả những gì cậu thích. Đến nghe , tôi chờ cậu đó .
Ông cúp máy không cho người đầu dây bên kia kịp nhận lời hay từ chối. Như một cái lệnh .
Sẽ là một chai rượu chát khai vị , loại thời thượng nhất bây giờ. Sẽ là món khai vị với những vị thuốc tạo sung mãn hầm với gà ác. Phải mời tay Xưởng Ba Tầu lên chủ trì món này . Sau đó là một chai "Mạc-ten"… mà không , phải là Napoleon …và một con thỏ rừng nướng . Nửa chai xong sẽ đến món đặc sản ."Em mẹ " sẽ ngồi mớm đút , còn "em con" sẽ ngồi trên một cái bàn tròn trước mặt .Tất cả trên người nó phải mỏng tang , mỏng đến mức có thể thấy được cái nốt ruồi bên dưới vú trái. Và khi cần thiết , tức là đến khúc mức nhất , thì "em con" sẽ thoát y hoàn toàn . Lúc đó ông và "em mẹ" sẽ sang phòng khác , kế bên , nơi có một cái lỗ cửa trang trí , có thể coi thằng Tấn và "em con" mở cuộc tiệc thân xác trên cái nệm đắt tiền trong phòng ông . Chỉ một khi thằng Tấn không phải là người mới không sử dụng ngần ấy thứ mà ông bầy sẵn . Chẳng để làm gì . Chỉ để sau khi sự việc diễn ra đúng như ông sắp xếp , ông sẽ nói với thằng Tấn một câu thôi. Đại loại là :"Tớ tưởng chỉ có tớ mới thích những cái đó " hoặc: "Cậu muốn nữa hôm nào cứ đến tớ ". Hay cũng có thể :"Thế mà tớ cứ ngỡ cậu là thánh đấy". Không nói nhiều , chỉ một câu thôi , đủ để cho nó nhớ đời là được.
Gió cứ phả vào mặt ông mát rười rượi . Những ý nghĩ thú vị tràn ngập trong ông , khiến ông sảng khoái . Chiếc điện thoại trong túi áo reo . Ông lấy ra :
-Alô, ai đó . Ủa Tấn hả . Nè tớ khôngthích nghe những lời từ chối đâu nghe. Sao phải đến chiều thứ ba tuần tới nữa. Thôi được tớ chiều cậu. Nhưng nhất định không được hồi nữa đó nghe không .
Thứ nào cũng được miễn là mày tới . Bất giác , ông bật cười ha hả , khoái trá. Ông mong ngày ấy ông cũng được một trận cười sảng khoái như hôm nay .
o
o o
Tất cả mọi chuyện dược xếp đặt đúng như ông Qúy muốn. Tay Xưởng Ba Tầu được đón từ thị xã lên từ hôm trước . Ông ta lên đây chỉ để làm có một việc: hầm nồi canh gà ác thuốc bắc . Phải hầm đủ mười hai giờ để sao cho tất cả gà và thuốc phải tan thành nước hết . Bốn con gà ác , bốn thang thuốc bắc loại tốt nhất , chỉ lấy bốn chén canh . Hai cho ông và Tấn, còn hai cho "em mẹ " ,"em con". Sẽ có những chén canh tuyệt vời , uống vào không cần phải tinh lọc qua ruột mà ngấm thẳng vào máu và từng đường gân thớ thịt sẽ bừng bừng cục cựa . Rượu thì khỏi lo , ông có sẵn một hầm. Ta có , Tây có ,Tầu có …Chỉ cần Tấn hô cái gì là có cái đó . Chỉ có rượu khai vị là phải chọn. Ba cái thứ "Boọc Đô " xanh xanh , đỏ đỏ kia chỉ là một thứ rởm . Chọn ngay rượu nho , bà vợ làm cách đây hơn chục năm , đóng tĩnh , chôn xuống đất mới móc lên cách đây vài tháng ông chưa nếm. Ông cũng đã ra lệnh cho người làm , bằng mọi cách phải có một con thỏ rừng vào lúc hai giờ chiều thứ ba như đã hẹn với Tấn . Nó phải tươi rói. Bóp chết , làm lông , để nguyên da nướng nguyên con trên bếp than cầy. Thế mới biết cuộc chơi nào cũng lắm công phu thực ."Em mẹ , em con" lần này đặt giá hơi cao: một dàn Karaoke vi tính để họ còn hành nghề ngoài phố chợ . Họ bảo: Một mẹ , một con thế này đủ sức hút với đám gà mới mọc cựa. Ông gật liền .Với ông nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Ông chăng hát hò bao giờ mà ở đây một dàn , dưới quê một dàn , thêm một dàn nữa cho cuộc chơi , cũng đáng giá lắm …
Rồi trời cũng dần về chiều . Lần đầu tiên , ông Qúy thấy chiều trên biên giới đẹp đến như vậy. Gió thổi hiu hiu . Trời xanh ngắt , lảng vảng vài lọn mây trắng như bông . Mặt trời xuống thấp , xỉa những tia nắng yếu ớt cuối ngày vào giữa những hàng cây . Xa xa , rừng biên giới kẻ thành những đường chân trời hình răng cưa xanh ngắt . Một bầy cò đến giờ về tổ bay trắng trời . Không gian bắt đầu mờ ảo dần . Sao những ngày trước đây ông chưa bao giờ thấy cảnh vật này ? Bạn rộn với công việc? Thờ ơ với xung quanh ? Qúa nhiều trò vui mà quên cảnh sắc đất trời ? Sao phải đến hôm nay ông mới thấy , hay là trời đất cũng muốn cho ông một cuộc chơi đầu mỹ mãn .
Một chiếc xe bây giờ nguời ta thường gọi là " xuyên lục địa " đang tiến về phía nhà ông . Hắn đến đó . Ông hét người nhà vào cuộc . Ông Xưởng Ba Tấu chuẩn bị những cái chén sang nhất để múc canh . " Em mẹ em con " lên ngay phòng trên , chuẩn bị rượu . Con thỏ chuẩn bị cho chín , cho vàng.
Khi chiếc xe xịch đậu trước nhà , ông Qúy bước ra vẻ rất trịnh trọng, những vẫn chỉ có cái thun cổ tròn và chiếc quần tà lỏn như ngày xưa ông làm giám đốc . Bước từtrên xe xuống là Tấn , tiếp theo sau Tấn là cậu trưởng phòng hành chánh quản trị . Ông cũng không lạ gì cậu ta . Còn nữa, có hai cô gái mặc áo dài , lóng lánh đồ trang sức và thơm tho . Trên tay hai cô là một cái bọc gói bằng giấy trang kim cũng lóng lánh . Tấn bước lại phía ông , xoè hai tay đón lấy bàn tay ông Qúy xiết chặt . Bàn tay ông Qúy không ra nắm , không ra buông. Không phải một mình Tấn? Cuộc chơi của ông chắc hỏng. Vậy thì vui nỗi gì mà cười . Tấn buông tay ông ra trước và nói với vẻ trịnh trọng:
-Thưa anh Tư . Rất cám ơn cú điện thoại của anh đã nhắc chúng tôi về người giám đốc đã gắn bó với nhà máy từ lúc khởi công xây dựng đến khi vào sản xuất ổn định . Hôm nay , nhân kỷ niệm lần thứ sáu mươi của anh , Nhà máy có chút quà gởi anh , trước là để cám ơn những công sức mà anh đã đóng góp cho Nhà máy , sau là chúc anh mạnh khỏe, hạnh phúc , an khang , thịnh vượng …
Ông Qúy ngây người , dơ tay ra như cái máy nhận gói quà từ tay hai cô gái thơm tho trao . Ông lắp bắp :
- Sao các cậu…biết ngày sinh của tớ …
-Thì trong hồ sơ lưu ở nhà máy …Tôi phải hẹn anh lùi đến hôm nay , vì cũng muốn thăm anh đúng ngày sinh nhật cho nó bao hàm nhiều ý nghĩa. Được chớ anh Tư ?
Chưa bao giờ ông Qúy xúc động đến như vậy . Đời ông có quá nhiều những cuộc vui , đâu có cần một ngày vui sinh nhật. Nên ông quên luôn cái ngày mẹ sinh ra ông , cho ông làm người … Nếu không có hôm nay:
- Được , được lắm .
Ông la lên , và hai mắt ông long lanh .
Bữa tiệc được bầy ngay sau đó . Canh gà ác múc thành tô , thỏ nướng xé thành cục. Rượu mang ra đầy bàn . Ly cốc đụng nhau lanh canh. Hai cô gái thơm tho ngồi chung với "em mẹ,em con" và cùng e lệ nâng ly rượu nho chúc ông Qúy trường thọ. Rượu ngà ngà , ông Qúy nắm lấy tay Tấn mà lắc :
-Tao cảm ơn chú mày đã nhắc tao một ngày cần phải nhớ . Làm người mà quên ngày đầu tiên mình được làm người , quên ngày có người banh da, xé thịt cho mình được làm người ,thì không đáng làm người , phải không chú mày …
Ông cứ ha hả cười suốt cuộc tiệc , vẻ như thỏa mãn lắm . Nhưng nếu để ý thì thấy khóe mắt của ông lúc nào cũng long lanh ngấn nước …