Muôn sự tại duyên! Mỗi ngày tôi đọc thơ anh, có bài dài, bài ngắn, có bài vừa đăng báo, có bài đăng đã lâu… Thơ Võ Văn Luyến mặc định trong tôi một gợi nhớ tâm tình. Đề tài nào trong thơ anh cũng mang dấu ấn của miền Trung, của Quảng Trị quê anh, nơi có nắng và gió Lào cát bỏng, nơi có những ngày rét đến tím da, nơi có những địa danh mà ai có ở có cảm nhận, có nếm trải mới viết về nó bằng chính gan ruột. Tôi đọc về anh bởi nơi đó anh giãi bày, anh tâm sự, anh tự nhìn mình, tự so sánh, đối chiếu để cuối cùng tìm ra chính cái bản thể con người anh – một đời người – một đời thơ – một đời thầy giáo!
Từ hai tập thơ “Sự trinh bạch của ngọn nến” (2007), “Người câu bóng mình” (2011) ta thấy bề dày sáng tác văn chương của nhà thơ cùng với chiều sâu nghiên cứu phê bình trong cuốn “Đối ngọn đèn khuya” (2014). Trước “sự trinh bạch của ngọn nến” anh tự độc thoại với mình, tự vấn mình “Anh chú thích cuộc đời anh vào chỗ cuối cùng của trang giấy còn lại… Anh chú thích cuộc đời anh bằng nỗi đam mê” và rồi chính anh cũng thừa nhận: “Thế mà chả ăn thua gì, trước sự trinh bạch của ngọn nến”. Viết ra những dòng thơ như thế là nhà thơ đã đối diện với chính mình trong cái tĩnh lặng của không gian và trong cái thời gian đã khuya “đối ngọn đèn khuya” – một không thời gian thích hợp cho con người thơ tự tìm về với chính mình mà tự bạch “mình ta lang thang qua bao cơn mơ, chân thành mà chưa nên hình câu thơ, vòng đời hư hao ăn năn mơ hồ”. Nhà thơ khác với nhà văn viết truyện là ở chỗ đó. Người viết truyện thường đứng ở vị trí khách quan để kể chuyện và câu chuyện như là của ai đó, dù họ có thể là người đã trải qua. Còn nhà thơ phải kể ra cái tôi của anh, bộc lộ cảm xúc bằng cái tôi của anh, và chính anh “cập nhật tôi, điều chỉnh tôi, thông báo trạng thái tôi” (Vecto – thơ Phan Thanh Bình), với nhà thơ sự thể nghiệm thường viết ra những câu thơ như máu thịt của chính họ. Trường hợp “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” (Tương tư) của Nguyễn Bính hay Xuân Diệu với những câu thơ để đời kiểu như: “Tình yêu đến tình yêu đi ai biết, Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt” (Giục giã). Tự viết về mình, khi suy ngẫm về thời gian, hiểu quy luật về cái vô hạn của thời gian vũ trụ và cái hữu hạn của thời gian đời người, nhà thơ nhiều khi không giấu nỗi buồn: “Tôi mang bóng chiều lẫn bóng em vào bóng núi, Ngước xanh cao hư ảnh một màu trời, Gió nhện giăng quấn vào tôi tơ rối, Một vì sao lạc giữa chơi vơi” (Thời gian). Và dẫu “thời gian có quên đi tất cả” thì trái tim anh vẫn “rung nhịp đập vô hồi”, cho nên thi hứng về mùa xuân dường như bất tận trong thơ Võ Văn Luyến. Những bài “Nõn xuân”, “Mùa xuân”, “Mùa xuân gõ cửa”, “Khoảng trời mùa xuân”, “Bất chợt mùa xuân”… gợi cái tình da diết, cái hồn thơ thẳm sâu thương nhớ: “Em tơ nõn, kiếp ta đòi xanh lá, Cháy trăm năm da diết tuổi xuân thì” (Mùa xuân); mùa xuân như là dự cảm cho những gì đang khát khao trong sự rung động của trái tim thi sĩ: “Bất chợt như chưa hò hẹn, Mà sao pháo nở rậm trời, Dòng thơ tưởng chừng vơi cạn, Tự dưng xiết chảy trong người” (Bất chợt mùa xuân).
Mùa xuân là đề tài quen thuộc trong thơ anh, đến tập thơ “Người câu bóng mình”, ta lại bắt gặp những bài thơ “Vần tháng giêng”, “Chớm xuân”, “Mẹ ơi, xuân đến rồi kìa”, “Xuân thức”, “Tâm thức xuân”… Đây là cảm thức của thi nhân – thầy giáo mang trong mình chất liệu quen thuộc của thơ cổ, thơ Mới. Các nhà thơ xưa cũng thường viết về mùa xuân, như Mãn Giác thiền sư với bài thơ kinh điển: “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người): “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” – Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, Đêm qua sân trước một nhành mai (Bản dịch của Ngô Tất Tố); hay Trần Nhân Tông với bài thơ “Xuân hiểu” (Buổi sáng mùa xuân): “Thụy khởi khải song phi, Bất tri xuân dĩ quy” – Buổi sáng mở cửa sổ, A, xuân về rồi đây… (Bản dịch của Trần Lê Văn) và Nguyễn Trãi từng có câu thơ rất hay: “Cầm đuốc chơi đêm này khách nói, Tiếng chuông chưa gióng ắt còn xuân”… Các nhà thơ Mới như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính… cũng có những vần thơ xuân trong cái nôn nao, chộn rộn với nhịp mùa đi. Và nhà thơ Võ Văn Luyến cũng đã có cảm thức xuân xuyên suốt chặng đường thơ của mình, càng lúc anh càng có cảm giác sốt ruột, nhận ra cái nhịp mùa đi thật là khắc nghiệt với thời gian đời người, âu đó cũng là một kiểu “bi kịch”: “người đàn ông giết mình bằng thời gian, bằng những hạt hồng cầu mê ngủ…”, vì “người đàn ông bỏ quên nụ hôn” (Người câu bóng mình) – tiếc nuối vô cùng .
Dường như cảm thức xuân trở thành ấn tượng đặc biệt với người miền Trung chúng tôi, bởi sau những tháng ngày hạ nắng, gió Lào cháy da, bỏng thịt, là những ngày mưa dầm gió bấc, bão lũ liên miên, thì xuân đến như xua đi giá rét, như quên đi cái nắng đang chờ chực, và nhất là với nông thôn thì xuân đến còn là xong mùa vụ, là cái mới của đất trời và lòng người: Tháng giêng vào ta gió lộng trăng ngà/ cúc áo nở bông bèo vẫn trên sông mẹ ta lưng còng gậy cong tay nải/ này người em gái mà mắt thị thành mà áo phong phanh ngó sen ngơ ngác…/ Tháng giêng vào ta, hoa cưới phố làng/ Tháng giêng vào ta, lúa cóng bên sông/ Tháng giêng vào ta, mơ ước đòng đòng (Vần tháng giêng). Bài thơ “Vần tháng giêng” tươi mới, rộn ràng, háo hức, xanh non… và có lẽ đây là bài thơ rất hay trong tập thơ “Người câu bóng mình” của anh. Tôi có cảm giác như, hễ viết về miền quê, viết về ruộng đồng, viết về dân quê “một nắng hai sương” tâm hồn anh thư thái, nhẹ nhõm, dường như vốn sống, kinh nghiệm, sự từng trãi trong anh đã đánh thức tiềm năng nghệ thuật để anh có những bài thơ hay về đề tài này: “Con cà con cuống”, “Thương mẹ đêm mùa mưa lũ”, “Nhìn bóng biển”, “Đoản ca về miền gió cát”, “Tuổi thơ gió đồng”, “Chân dung làng cá”, “Giếng quê”, “Mẹ vùng lũ quê”… “Tuổi thơ tôi/ quấn rơm rạ ruộng đồng/ nắng nôi đất ải/ chạy giặc càn bàn chân toác móng/ tội nghiêp mạ, tiếc dần sàng thúng mủng/ quảy gánh theo đi/ thương các con khoai sắn, nhiều khi/ nước mắt ràn, mạ giấu vào vạt áo/ chúng tôi hồn nhiên chân sáo/ nhìn khói bom như khói đốt đồng… (Tuổi thơ gió đồng). Không ai viết về ký ức mà hay đến như thế. Ký ức đạn bom, ký ức chạy giặc thất kinh, mệt nhọc trong mắt mẹ nhưng với tôi – trẻ con thì nhìn khói bom như khói đốt đồng, nhìn đạn bom mà không sợ hãi, quen đến mức chẳng cuống cuồng, lo sợ, ngây thơ nghĩ như niềm vui con trẻ. Đọc đến đây, bất chợt tôi nhớ, có lần, một gia đình ở Huế có đám tang, các sư thầy tụng kinh gõ mõ, trong nhịp kinh cầu đều đặn như thế một cháu trai chừng 3 tuổi nhẹ nhàng múa theo làn hương khói. Bất chợt, người lớn quên cả niềm tiếc thương, mỉm cười theo sự thơ ngây của con trẻ. Hình ảnh mẹ tôi chạy giặc “toác móng bàn chân” thật thương xót, vậy mà trong cái tôi kí ức về khói bom đạn lại nhẹ nhàng như khói đốt đồng. Âu đây cũng là quy luật tâm lý: Ta đi qua kí ức xưa như đi qua cánh đồng sương mù, và kí ức bao giờ cũng màu hồng. Tuổi thơ tôi trôi chảy trong miền hoài niệm: “Tuổi thơ tôi, lấm lem mượn nước gương soi… Tuổi thơ tôi, ngụp lặn dòng sông… Tuổi thơ tôi, thao thiết gió đồng”. Những câu thơ quá hay bởi cái tứ thơ chặt chẽ, tuôn chảy về kí ức xưa trong hoài niệm thân thương đến cháy lòng. Đọc bài thơ này của anh, tôi như thấy mình trong đó, như thấy các bạn tôi trong đó, với nông thôn, với ruộng đồng, bờ bãi như ngấm vào tâm thức, ngấm vào cuộc đời, dù cái thị thành hôm nay có hiện đại bao nhiêu, có văn minh bao nhiêu thì cũng không làm bật cái gốc văn hóa ngàn đời trong mỗi một công dân Việt, bởi chúng ta là đất nước thuần nông, nông nghiệp đã mấy ngàn đời văn hiến.
Anh đã tìm về kí ức với “Giếng quê”, nơi đất cằn sỏi đá, mùa hạ nắng cháy mặt người, tìm ra giọt nước thật là khó khăn, và giếng quê đã trở thành kỉ niệm của anh, của em, của cha, của mạ, của mỗi người từng lớn lên ở nơi này: “- Mạ tôi bảo: Con ơi mỗi lúc muộn phiền soi mặt vào giếng nước quê ta/ - Cha tôi bảo: Những lúc nguy nan lấm bụi đường lạc bước/ hãy tìm về mắt giếng mẹ nghiêng soi/ - Chị tôi bảo: Tìm tình yêu đừng đi đâu xa/ giếng làng mình trong veo mắt biếc/ - Em tôi bảo/ Khi nào anh thơ thẩn vào ra/ … ra giếng hỏi Bống về thả lá/ - Và riêng tôi/ Khẩn nguyện trước vô cùng/ ơn giếng làng – hồn trời đất bao dung (Giếng quê). Đời làm thơ mấy ai viết được những bài thơ hay đến như thế. Thân thương máu thịt, gắn bó thiết tha đã bật lên trong tâm thức anh những câu thơ làm cháy lên tình thương mến với giếng quê. Giếng quê – nơi chứng kiến, nơi giãi bày, nơi tâm sự, nơi nhắn nhủ, nơi hứa hẹn, nơi mong chờ. Mô típ bến quê, sông quê, giếng quê không mới, cái mới là ở thi hứng. Anh không kể về một mối tình đã hò hẹn nơi đây, anh không nhắc về một kỉ niệm luyến lưu, mà anh đã nhắc nhở, nhớ nhung, gửi gắm cả tâm thức cuộc đời anh vào “giếng quê” với những lời nhắc nhở, dặn dò thân thương của mẹ, của cha, của em thân thương và cả chính anh cũng đã nhận ra nơi đó “hồn trời đất bao dung”, thật là nhân văn. Vẻ đẹp của bài thơ chứa đựng ngay trong cái lý tưởng nhân văn về vùng quê mà anh hằng gắn bó.
Mỗi nơi anh đi qua, mỗi nơi anh cảm nhận đều có những vần thơ về nơi đó, đó là kỉ niệm thoáng qua, là miền nhung nhớ, là nơi yêu thương. Nhưng, có lẽ thơ anh vẫn rất hay khi viết về giếng quê, về tuổi thơ gió đồng. Thơ anh khá đa dạng về thể loại, cấu tứ, có bài mượn thể thơ đồng dao, có bài viết theo lối văn xuôi, nhưng tôi vẫn thích những bài thơ viết theo thể tự do, nhất là những bài thơ có những câu thơ dài đến 3, 4 dòng thơ, tôi có cảm giác như cảm xúc tuôn trào đến mức câu chữ không diễn tả hết cảm xúc và tâm hồn của anh. Thật đáng trân trọng. Mong những vần thơ của anh vẫn sáng mãi cùng “ngọn đèn khuya”, trước “sự trinh bạch của ngọn nến”.
Huế ngày 18/6/2018