Toàn và Thủy thân nhau từ khi vào cấp II. Nhà họ cùng tựa lưng vào một quả đồi, từ lâu có tên là “Động Mù u”. Mỗi mùa trái chín, lũ trẻ trong làng suốt ngày sục sạo, tìm hái thứ trái rừng ngọt chát, hấp dẫn ấy. Trên động còn có một loài cây, tuy không cao lớn nhưng mầu lá luôn xanh biếc, hoa nở bốn mùa. Ở quê thường gọi cây “Bông trang” nhưng sách vở gọi là “Mẫu đơn” - Mẫu đơn rừng!
Thủy rất thích loài hoa này. Mỗi bận cùng Toàn tìm hái mù u, thế nào cô cũng ngắt lấy một ít bông mang về cắm lên bàn học… Thế nhưng những ngày vui, đẹp đẽ, ngây thơ ấy chẳng được bao lâu. Chiến tranh nổ ra, ngày một dữ dội và ác liệt. Mới đầu, mỗi lần có báo động, dân làng thường chạy lên động Mù u để tránh máy bay Mỹ. Lâu dần chúng đánh vào bất kể chỗ nào, xóm làng, trường học, chợ búa… cả những nơi tránh trú của bà con. Đau thương đã đến với gia đình Thủy, mẹ cô qua đời trong một trận bom như thế…
Hai người hết cấp II, cả nước đã có chiến tranh. Chưa ai tính việc sẽ đi học tiếp cấp III. Họ tạm xa bạn bè, trường lớp và kỷ niệm về những ngày đẹp đẽ xen lẫn đau thương trên động Mù u. Ít lâu sau, Toàn chia tay gia đình và quê hương hăm hở ra trận. Ngày lên đường, Thủy thấy lòng mình hụt hẫng và buồn vô cớ. Cô tiễn anh qua bên kia con sông Tùng Sơn nằm vắt ngang giữa làng. Khi người lái đò vừa chuyển hướng, Thủy vùi mặt vào chiếc khăn mỏng, con thuyền trườn lên theo nhịp chèo, khiến người Thủy cứ chao đảo trông càng não ruột. Toàn bước xăm xăm trên mặt đê, túi hành lý lép kẹp lủng lẳng bên vai. Mấy đồng ngũ của anh phải vừa đi vừa chạy mới theo kịp.
Hơn năm sau, chiến tranh càng ác liệt, thôn xóm tiêu điều, động Mù u dày đặc hố bom. Có tiếng ô tô thoắt đến rồi thoắt đi trong đêm, Toàn trong bộ quân phục khét lẹt, đầy bụi, khó nhọc bước xuống, tay trái và đầu quấn băng. Anh bị thương, được ra Bắc điều trị tại Quân y viện gần quê… Mới sáng, tin Toàn về loang ra khắp thôn, người người tạm xếp công việc chạy đến, nhiều bà mẹ lấy vạt áo lau khóe mắt…
Khác với trước, hai người qua lại bất kể lúc nào, vậy mà hôm nay… Thủy sốt ruột mong thời gian trôi thật nhanh… Họ đi bên nhau, thực mà như mơ, bao kỷ niệm dồn về như làn gió mơn man trên mặt sông. Đâu đó phía Trường Sơn chốc chốc lại lóe lên từng ánh chớp xé rách trời đêm, tiếng ùng oàng nặng nề vọng về như báo rằng, ở đó những cuộc đọ sức giữa sự sống và cái chết đang diễn ra. Hai người không lên động Mù u, bởi muốn tránh những dấu tích buồn về cái ngày mẹ Thủy lâm chung và dấu tích những gốc mù u, gốc mẫu đơn rừng khô cháy. Thủy sốt sắng, vân vê mớ băng đang quấn trên đầu và tay của anh. Thủy muốn biết anh bị thương như thế nào và điều trị ra sao. Toàn kể lại trường hợp mình bị thương, khi cùng đơn vị đánh vào căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ, vừa an ủi Thủy coi như đó là chuyện thường tình. Họ đi thật chậm. Và, bến đò Tùng Sơn, nơi chứng kiến biết bao cuộc tiễn đưa đã hiện ra phía trước. Bổng Toàn thả lơ lửng:
- Thủy có nghĩ mình còn có ngày gặp lại thế này không?
- Đi đâu mà không gặp? Thủy nhỏ nhẹ! Toàn vẫn chưa buông tha:
- Thủy có biết ở chiến trường tôi hay nghĩ về cái gì nhiều nhất không?
- Thì nghĩ làm sao để giết được nhiều giặc chớ còn gì nữa…!
- Khỏi nói! Nhưng ngoài những suy nghĩ ấy cơ?
- Em chịu! Thủy đã thay đổi cách xưng hô, cũng như nguồn cảm xúc đang dâng lên trong lòng cô…
Toàn với nắm bàn tay Thủy, cô rụt rè nửa muốn để yên, nửa như muốn khéo léo tìm cách gở ra… Chính lúc đó Toàn tiếp:
- Thủy ạ! Ngoài việc nghĩ cách diệt địch như em nói, anh thường nghĩ nhiều về quê hương, nhất là những kỷ niệm tuổi thơ của chúng mình.
- Của chúng mình a?
- Chứ ai nữa!
- Có gì đâu mà kỷ niệm?
- Không có gì sao? Có sự trong trắng và đẹp đẽ!
- Mộng mơ dễ sợ …!
Đêm ở vùng đồi đến sớm hơn và cũng chìm vào im ắng nhanh hơn, làng xóm lặng yên như đi ngủ sớm. Mấy năm nay mọi sinh hoạt ban đêm đều dưới những căn hầm chữ A, chẳng tìm đâu được ánh đèn. Thỉnh thoảng rộ lên khô khốc, tiếng của một vài chú chó còn sót lại, mỗi khi chúng nhận được tiếng bom rùng rình mặt đất. Hai người vẫn dè dặt từng bước bên nhau:
- Em nghĩ rằng đã là người lính thì không được phép mơ mộng hay sao?
- Không phải vậy… nhưng em thấy “chi lạ”…! Thôi mình đi về đi!
Một tay Toàn băng choàng lên cổ, một tay dành cho nhau. Họ trở về theo lối cũ, sau đó Thủy tự mình đi về nhà…
*
Bệnh viện QV4 “nửa nổi nửa chìm” nằm giữa các rặng tre. Người ta khéo léo bắt các ngọn tre lại với nhau tạo thành vòm ngụy trang vĩnh cữu cho các nhà hầm điều trị. Chiều tới, nhiều lúc chưa nghĩ đến cơm nước, Thủy sang nhà với lý do “bác gái có gửi gì cho anh” rồi vào bệnh viện thăm Toàn. Giờ này chắc bọn giặc lái Mỹ còn bận “đấm mõm” nên chưa thấy vo ve trên đầu. Hai người đứng bên nhau, ánh sáng vì sao hôm lọt qua kẽ lá vẫn đủ để họ nhận ra gương mặt nhau. Thủy ríu ra hỏi Toàn đủ việc, từ ăn uống, sức khỏe, vết thương… Mọi sự quan tâm của Thủy lúc này là ở Toàn, cô thật lòng:
- Anh về đây là để điều trị. Em ở nhà đi làm nhưng ruột gan cứ để nơi anh thôi!
Toàn không dấu lòng mình, anh hiểu tình cảm Thủy đang dành cho anh:
- Về đây anh đang khỏe ra từng ngày đấy. Em đừng bận tâm nhiều vì anh!
Thủy nũng nịu:
- Em chẳng biết đâu! Anh cố mà chăm sóc cho mình đó!
Sống mũi Thủy cay cay, mắt rơm rớm lệ, tay Thủy ngắt liên tục bất kể lá cây gì mà cô đụng phải… Toàn vòng tay qua lưng Thủy, nguồn hơi ấm rần rần lan truyền qua từng mạch nhỏ của hai người. Anh an ủi:
- Về đây, trong tình thương của gia đình, bà con thôn xóm và tình cảm của Thủy, anh biết mình phải làm gì chứ! Anh chỉ sợ…!
Thủy không để cho Toàn nói hết câu:
- Sợ gì? Anh sợ gì mới được chứ?
- Sợ anh không xứng đáng với tình cảm của bà con…!
- Chỉ thế thôi à? Còn ai nữa không?
- Trong đó có…!
- Có ai…?
Cũng với bàn tay phải, Toàn dí ngón trỏ vào trán Thủy: “Em!”
Một nguồn cảm xúc đầy tin tưởng rộn lên trong lòng Thủy, cô áp sát tấm thân vào gần người anh hơn. Lúc này, làn môi Toàn đặt gọn trên mái tóc Thủy, anh hôn nhẹ lên đó và anh biết Thủy đang cảm nhận hạnh phúc…
Biết tin Toàn về, cô bác phấn khởi đến thăm, chia vui cùng anh và gia đình, mong cho anh chóng bình phục. Người đôi ba bơ gạo nếp, người dăm quả trứng gà, bó chè xanh, nải chuối… gọi là “cây nhà lá vườn” mừng anh bộ đội giải phóng chiến đấu dũng cảm và để anh bồi dưỡng cho lại sức. Bố mẹ Toàn thông cảm hết lời bà con cũng chẳng chịu: “Bọn tui không đi đánh giặc được nhưng mấy thứ ni bọn tui mần được”, đành xin nhận và cám ơn cho cô bác vui.
Toàn ra viện, cái xã vùng đồi này được dịp chứng kiến hạnh phúc của đôi trai gái, họ vừa được nết được người, lại xứng đôi vừa lứa. Thành hôn xong chưa đến một tuần thì Toàn trở lại chiến trường. Thủy tiễn chồng gần hai chục cây số, đến điểm đón quân tít trên làng Đ.D. Thời chiến, mọi việc diễn ra rất chóng vánh. Chiếc “Zin 130” bê bết bùn đỏ, phủ đầy lá ngụy trang trườn theo đường 12A, mang theo niềm thương nỗi nhớ của Thủy thẳng hướng đại ngàn. Không còn để tâm đến mọi người xung quanh, Thủy nhìn theo cho đến khi vùng bụi đỏ tan dần vào không gian, cô mới trở hướng đạp xe về nhà…
Thủy thức khuya dậy sớm, lấy công việc làm niềm vui. Từ ngày giặc Mỹ leo thang, xã liên tục được giao chỉ tiêu tuyển chọn người ra trận. Lúc bộ đội, lúc thanh niên xung phong và nay là dân công hỏa tuyến. Chẳng ai nhớ bao nhiêu trai gái đã lần lượt lên đường. Thủy trình bày nguyện vọng cùng bố mẹ chồng, xin phép được tham gia. Đánh Mỹ lúc này là nhiệm vụ ưu tiên nhất, thì bố mẹ nào nỡ cản bước dâu con, thậm chí các cụ vui hơn vì thấy Thuỷ suy nghĩ và hành động đúng. Toàn huyện được biên chế vào một đại đội, toàn C tập trung tại xã V.T, một xã vùng núi huyện B chuẩn bị hành quân vào tuyến lửa.
Hơn chín giờ đêm, trong căn nhà hầm khá rộng, đơn vị Thủy vừa kết thúc buổi sinh hoạt. Máy bay địch không ngớt nhào lộn, gầm rú trên bầu trời. Từng chùm pháo sáng thay nhau bùm bụp bật dù, săm soi từng ngõ ngách dưới mặt đất. Chừng như không moi móc được gì, chúng trút vội tất cả bom đạn mang theo xuống mấy cánh rừng rồi chuồn mất dạng.
Mặt đất bình yên trở lại, mọi sinh hoạt thời chiến diễn ra theo lệ thường. Bổng đâu đó vọng lại tiếng hỏi chào… Một đơn vị bộ đội vừa hành quân từ trong tuyến ra và sẽ nghỉ lại Trạm quân này. Ai ngờ, trong đoàn quân đó có Toàn chồng Thủy. Thông tin trên lan nhanh, không chỉ ở đơn vị Thủy mà còn đến tận tai anh bộ đội giải phóng. Mặc mồ hôi, mặc bụi đường dát dày trên quần áo, Toàn ào đến ôm ghì lấy Thủy, khiến đồng đội vừa vui vừa ứa nước mắt. Mọi người trong tiểu đội chia vui với Thủy và nhanh chóng chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ chớp nhoáng của hai người. Ai cũng biết rằng đúng ba giờ sáng cả đơn vị sẽ hành quân vào phía trong.
Sau ngày cưới, chưa kịp quen hơi đã xa nhau, gần hai năm trong nhớ thương, mong đợi, những lá thư cũng thưa dần... Thế mà đêm nay, giữa miền đất nóng bỏng lửa đạn này, họ thực sự đã về bên nhau. Mắt nhìn mắt, mặt tận mặt nhưng dè dặt, ý tứ. Không gian như muốn chia sẻ cùng họ, bởi qua ánh mắt hai người như thầm hứa, hãy cố giữ lòng mình vượt qua lúc này…
Tiếng máy bay Mỹ lại xẹt ngang như muốn xé rách bầu trời, như thể thằng giặc lái đã nhìn thấy họ. Theo một bản năng tự vệ, cả hai lăn nhanh tới vách nhà hầm… Tiếng rít của lũ quạ sắt xa dần, cả hai đều nhận ra họ đang ở trong vòng tay nhau, thân thể nóng bừng, luồng hơi thở hầm hập, hối hả phả giữa hai khuôn mặt, Thủy cảm thấy toàn thân mềm dần trong vòng tay sực nức cái mùi quen thuộc của chồng… Côn trùng xung quanh được dịp hoan hỷ, râm ran thông báo cho nhau bằng âm thanh riêng… Bổng, như ý thức được điều gì, cả hai người tự rời nhau và khẽ khàng ngồi dậy! Không ai ngoài họ có thể hiểu được sự hy sinh đẹp đẽ, cao thượng đó. Chỉ ít giờ nữa Thủy sẽ lên đường với nhiệm vụ nặng nề, nhiều gian khổ đang chờ đợi chị. Toàn cũng vậy, sau kỳ ra Bắc đơn vị anh sẽ nhận nhiệm vụ mới ở chiến trường nước bạn. Không ai muốn làm vướng bận người thân của mình trong lúc này, nếu điều gì đó xảy ra... Họ hôn nhau, những nụ hôn của thời chiến tranh và trao nhau cái nhìn đầy thông cảm trước giờ chia tay…
Tiễn vợ xong, Toàn đứng khá lâu giữa trời đêm V.T, Thủy khoác vội ba lô, cùng đồng đội bước nhanh về phía trước…
*
Gần một năm lăn lộn trong bom đạn, Thủy không nhớ đã bao lần lội qua sông suối, vượt bao cây số vùng trọng điểm, tải bao nhiêu tấn hàng, chuyển mấy lượt thương binh… Chiến trường dù gian khổ, hiểm nguy đến mức nào, chị vẫn luôn lạc quan. Dịp ấy, cấp trên đang xét phong tặng chị danh hiệu Chiến sỹ thi đua. Không may, Thủy bị ốm nặng. Những cơn sốt ác tính liên tục đè bẹp sức khoẻ gái hai mươi, lấy đi vẻ hồn nhiên, tươi tắn, khỏe mạnh ngày nào của chị. Do điều kiện ở mặt trận, đơn vị quyết định chuyển gấp Thủy về hậu phương chữa trị. Gần một ngày đêm, các chiến sỹ không ngớt động viên Thủy, vừa thay nhau cáng và theo dõi thuốc men. Máy bay Mỹ vẫn xèn xẹt trên đầu, lắm lúc đồng đội phải nằm úp lên Thủy, cố che chắn những hiểm nguy có thể xảy đến với chị. Thế nhưng khi cách Bệnh xá Đoàn bộ non nửa ngày đường, Thủy sốt li bì trên võng, mắt nhắm nghiền, da tím tái, đôi môi nhợt nhạt ú ớ liên tục nhưng không ai hiểu điều gì. Mọi người cố gắng chăm sóc Thủy và di chuyển khẩn trương hơn nhưng chị đã không qua khỏi. Tình hình Thủy càng lúc càng xấu, tay chân co giật, toàn thân bần bật, lát sau chị lả đi, nhịp mạch yếu dần rồi ngưng thở. Chị đã vĩnh viễn gửi lại tuổi hai mươi đẹp đẽ của mình giữa khu rừng mé Đông Trường Sơn. Không ai có thể ngờ rằng, cái đêm gặp nhau bên rừng V.T chính là những phút hạnh phúc ngọt ngào cuối cùng bên nhau của họ…
Thiên nhiên lắm khi ngẫu nhiên. Nơi Thủy nằm bom đạn địch từng cày đi xới lại nhưng từ dưới đất đá lổn nhổn, những nhánh mẫu đơn vẫn cố vượt lên tìm sự hồi sinh. Ngày ngày vào ra tuyến lửa, đồng đội nào vô tình hay hữu ý đã trồng bên mộ chị một khóm mẫu đơn rừng. Những trận máy bay địch oanh tạc, tuốt sạch lá nhưng rồi búi cây vẫn âm ỉ sống và sinh nở ngày càng đông đúc như muốn an ủi cố nhân dưới lòng đất sâu…
Ngày đất nước hết chiến tranh, Thủy không để lại một di ảnh nào, chị chưa từng đứng trước ống kính của người thợ ảnh bao giờ. Phần mộ chị đã được cát táng về Nghĩa trang liệt sỹ thanh niên xung phong Đoàn 5 xã V, huyện Q. Cuộc chiến đấu giúp bạn cũng đã kết thúc, Toàn không thể tưởng tượng, ngày đó anh đã chịu đựng như thế nào khi hay tin vợ hy sinh. Toàn như trở thành một con người khác, anh hét lên nghẹn ngào trong vòng tay đồng đội. Những tháng ngày trên đất bạn anh chỉ biết lấy nhiệm vụ làm liều thuốc an ủi cho bản thân. Ngày trở về, trong anh bề bộn giữa vui buồn, giữa hội ngộ và đau thương. Việc đầu tiên là đi tìm mộ Thủy. Vượt hơn trăm cây số anh đứng lặng trước tấm bia “Liệt sỹ Dương Thị Thủy…”, trên tay ngoài giỏ bánh trái và hương nước là một bó mẫu đơn rừng tươi thắm, loài hoa Thủy yêu thích thủa thiếu thời. Toàn không biết nói gì trước nấm mộ của người vợ thân yêu, anh thầm thì hình như chỉ một câu “Anh xin lỗi em!”. Trước khi rời nghĩa trang, Toàn cắm bó hoa dưới chân mộ Thuỷ rồi tưới phần nước mang theo xuống đó. Chẳng ngờ, ít lâu sau khi anh trở lại, một khóm mẫu đơn rừng khoẻ khoắn lạ thường, lá lớn, bông to, rực rỡ phô sắc đỏ tươi như muốn nói “hãy tha lỗi cho em!”…
*
Mang thương tật hạng hai, trở về quê hương anh không muốn ngày ngày phải đối mặt với cái nơi đầy ắp ký ức ấy. Với lại, sau hơn mười năm, ruộng đồng, đất đai đã có nhiều thay đổi. Toàn bỏ ra khá nhiều thời gian đi xem cung cách làm ăn của bà con, sau cùng anh tìm một vùng đất bên kia sông Cái, “làm lại từ đầu” bằng nghề muối và nuôi trồng thủy sản. Rồi như ai đưa đẩy, một phụ nữ có chồng hy sinh tại mặt trận phía Nam, hai nỗi đau có dịp gặp nhau và sẵn sàng thông cảm cho nhau, cùng nhau đi tiếp cuộc đời. Hai tâm hồn mang trong mình nỗi đau riêng đã kết thành tổ ấm hạnh phúc. Rồi những tín hiệu đầu tiên đã cho thấy, một mầm sống đang lớn dần trong cơ thể. Chị Liên cố dấu chồng niềm vui ấy nhưng tự anh đã phát hiện ra những thay đổi trên cơ thể vợ. Họ hạnh phúc mong sớm đến ngày khai hoa nở nhụy. Thế nhưng, ngày con gái đầu lòng ra đời lại một lần nữa họ gánh thêm nỗi đau mới. Con gái không hoàn chỉnh và chỉ tồn tại ít ngày. Không ai bảo ai nhưng họ đều hiểu được, điều gì đã xảy ra trong những ngày Toàn chiến đấu trong vùng rải chất độc hóa học da cam đi-ô-xin của Mỹ. Nén nỗi đau vào lòng, anh chị cố động viên nhau “vẫn còn hy vọng”. Quả thực, những năm sau hai người có với nhau một con trai duy nhất. Và có lẽ, đó là những gì quý nhất trong cuộc đời họ…
Đất nước đã bước vào thời kỳ mở cửa, mọi người có thể phát triển kinh tế theo khả năng của mình. Thu nhập từ mấy sào ruộng muối và những hồ tôm, cá cộng với chế độ của bản thân, kinh tế gia đinh không đến mức khó khăn nhưng theo Toàn còn làm được hãy cứ làm, chất lính trong anh không muốn để tay chân và đầu óc mình nhàn rỗi. Tìm hiểu thị trường, anh chị quyết định mở doanh nghiệp nước khoáng đóng chai, trước thì lập nghiệp cho con cháu, sau thì giúp đỡ các đồng đội có thêm việc làm.
Chồng cũ chị Liên đã được về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà. Phần mộ Thủy vẫn đỏ thắm hoa mẫu đơn rừng, giữa hàng ngũ những người đồng đội. Hàng năm, “tổ ba người” của gia đình lại đến thăm và chăm sóc hương khói cả hai nơi. Cùng khấn khứa trước mộ Thủy là một phụ nữ luống tuổi, từng trải không ít đau thương trong đời. Toàn thầm thì điều gì đó, đoạn anh nhẹ nhàng ngắt mấy đoá “bông trang” cắm lên những ngôi mộ quanh nơi Thủy nằm. Mọi người tin rằng, ở một nơi nào đó Thủy cũng đang mỉm cười mãn nguyện…
Quảng Bình 7-2015