Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.075
123.198.264
 
Trao đổi với Ông Hà Văn Thùy về bản dịch bài thơ”Khiến Hoài” của Cụ Trần Trọng Kim
Mai Văn Hoan

 

                    

                             

        Theo ông Hà Văn Thùy thì cụ Trần Trọng Kim có dịch bài thơ “Khiển hoài” của Đỗ Mục. Nguyên tác bài thơ như sau:

Lạc phách giang hồ tái tửu hành

Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh.

Thập niên nhất giác Dương Châu mộng,

Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.

 

           Bản dịch của cụ Trần Trọng Kim:

 

                    “Phóng phát sự nghĩ trong lòng”:

 

Giang hồ lạc phách rượu say,

Lưng eo bụng lép, trong tay không tiền,

Dương-Châu giấc mộng mười niên,

Nổi danh bạc-hạnh ở miền lầu xanh.

 

        Ông Hà Văn Thùy rất kỳ công phân tích trên các phương diện: Nghĩa đen, tâm lý sáng tác, nghệ thuật thơ, ý nghĩa mỹ học để chứng minh rằng bản dịch của cụ Trần Trọng Kim đối với câu thứ hai: Lưng eo bụng lép, trong tay không tiền là đúng, là phù hợp; còn bản dịch của Hán Giang Nhạn: Cùng người nhỏ bé ở bên nhau là sai, là không phù hợp. Thú thật, mới đọc lần đầu bài viết của ông Hà Văn Thùy, tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Nhưng đọc đi rồi đọc lại, tôi cảm thấy hơi băn khoăn nên xin mạo muội trình bày một vài thiển ý của mình.

        Ông Hà Văn Thùy khẳng định: “Dịch Lưng eo gái Sở trong tay nhẹ nhàng không đúng với nghĩa đen: bàn tay không thể nắm được một người - chưởng trung là ở trong tay, tức nắm trong tay - dù nhỏ đến đâu, hơn nữa lại nắm một cách nhẹ nhàng! Như vậy cách hiểu này không đúng với thực tế câu thơ”. Theo tác giả: “Hai câu đầu có chủ ngữ duy nhất lạc phách giang hồ. Tái tửu hành là vị ngữ thể hiện hành động của chủ ngữ duy nhất đó. Sở yêu tiêm tế là tính ngữ (adjective) bổ nghĩa cho chủ ngữ để nói rằng: cái kẻ giang hồ ấy ốm đói lưng eo bụng lép. Chưởng trung khinh là tính ngữ thứ hai bổ nghĩa cho chủ ngữ: cái gã giang hồ ấy trắng tay, trong tay không tiền”. Tôi đã rà soát lại một số bản dịch nghĩa câu thứ hai này thì hầu hết đều dịch là: “Lưng gái Sở thon nhỏ êm nhẹ trong tay”, cùng với chú thích chưởng trung khinh là “nhẹ trong lòng tay”. Do tích nàng Phi Yến xinh đẹp, có thể múa nhẹ nhàng trên lòng bàn tay. Đây là biện pháp cường điệu để chỉ người có nghệ thuật múa siêu đẳng. Cụ Trần Trọng Kim chắc cũng biết điều này, nhưng có thể cụ muốn dịch theo ý riêng cụ chăng? Ngược với ông Hà Văn Thùy, tôi thấy cách dịch câu thơ này của cụ Trần có mấy điểm không đúng, không phù hợp. Tra từ điển Hán – Việt ta thấy chữ “yêu” trong “Khiển hoài” nghĩa là cái lưng. Trước chữ yêu là chữ “Sở”, cũng theo từ điển Hán – Việt là nước Sở. Tương truyền con gái  nước Sở có tấm lưng ong rất đẹp. Vùng đất Giang Tây – nơi Đỗ Mục được cử làm  Tuần phủ trong nhiều năm vốn là đất cũ nước Sở. Do đó, dịch “gái Sở lưng ong” mới đúng với nguyên tác. Còn “chưởng trung khinh” vốn là thành ngữ chỉ những cô gái múa nhẹ nhàng như nàng Phi Yến. Cụ Trần Trọng Kim dịch “trong tay không tiền” là không có cơ sở. Lưu lạc trên chốn giang hồ (sông hồ) đến 10 năm, lại còn mang theo cả rượu để uống nữa thì sao có thể “lưng eo, bụng lép, không tiền” được! Mà đàn ông ai lại nói “lưng eo”. “Lưng eo” chỉ để dùng cho đàn bà con gái thôi. Ông Hà Văn Thùy cho rằng “giang hồ” trong câu đầu là “kẻ giang hồ”, theo tôi cũng không đúng. “Giang hồ” ở đây là nói lưu lạc ở chốn sông hồ. Vùng đất Giang Tây có rất nhiều sông và hồ. Cả bài thơ chỉ có một chủ ngữ ẩn là “ta”. Thân xác (ta) lưu lạc ở chốn sông hồ, mang theo rượu và những cô gái đẹp nước Sở lưng ong. (Ta) chợt tỉnh giấc mộng 10 năm ở Dương Châu. Và thời đó (ta) chỉ được tiếng là kẻ bạc tình ở chốn lầu xanh! Ông Hà Văn Thùy  cho biết thêm: “Ở phần chú thích bài thơ, người dịch (cụ Trần Trọng Kim) còn ghi: “Tác giả làm bài thơ này nhắc lại mấy năm chơi bời lêu lổng ở Dương Châu”. Ông Thùy quả quyết: “Như vậy có nghĩa là thời trẻ Đỗ Mục từng ăn chơi phóng đãng. Sau đó tỉnh ngộ lại, tu chí học hành rồi đỗ đạt cao, làm quan to”. Tôi chỉ xin ông Thùy đọc lại đôi dòng tiểu sử của Đỗ Mục để nhận ra những điều anh suy đoán là hoàn toàn vô căn cứ. Ông nội và anh trai Đỗ Mục đều làm quan đến chức tể tướng. Năm 25 tuổi, Đỗ Mục đã thi đỗ tiến sĩ, được bổ chức Hiệu thư lang ở Sùng văn quán, rồi lần lượt trải qua các chức: Tuần phủ Giang Tây, Thư ký cho Tiết độ sứ Ngưu Tăng Nhụ ở Hoài Nam, Giám sát ngự sử ở Lạc Dương, Thứ sử tại Hoàng Châu, Từ Châu và Mục Châu. Về sau, ông được triệu về triều làm chức Khảo công lang. Thời trẻ mà ông Hà Văn Thùy nói chỉ có thể là từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Nếu suốt 10 năm chơi bời, lêu lổng ở chốn sông hồ, bụng đói, không tiền như vậy thì lấy đâu ra thời gian, điều kiện để học hành? Ông nội và anh trai đều là tể tướng có cho phép cháu mình, em mình chơi bời lêu lổng đến 10 năm thế không?  Phải trên 30 tuổi, Đỗ Mục mới  có dịp đặt chân đến Dương Châu thì cũng đã qua thời tuổi trẻ rồi, đã thi cử đỗ đạt và làm quan to rồi. Bởi vậy, tôi không đồng tình với cách dịch của cụ Trần và cách phân tích, lý giải của anh Hà Văn Thùy.

      Vậy thì nên hiểu bài thơ này như thế nào? Có phải là lời “sám hối”, có phải là Đỗ Mục viết để “răn dạy con cháu” không? Đọc gần 200 bài thơ của Đỗ Mục đã được dịch ra tiếng Việt, tôi thấy ở Đỗ Mục có hai con người. Một Đỗ Mục yêu nước, thương dân, nuôi hoài bảo, ước mơ đưa đất nước trở lại thời thịnh trị. Ngoài thơ, ông còn viết những công trình nghiên cứu về các lĩnh vực kinh tế, quân sự. Những bài thơ vịnh sử của ông ẩn chứa nỗi niềm “ưu quốc, ái dân”. Lại có một Đỗ Mục hết sức đa tình, lãng mạn. Ta gặp trong thơ ông rất nhiều rượu và gái đẹp. Thời vãn Đường, ít ai tả gái đẹp kỹ lưỡng như ông. Hãy đọc bài thơ “Khuê tình” thì biết:  

Quyên quyên khước nguyệt my,
Tân mấn học nha phi.
Ám thế quân đàn phấn,
Tình song hoạ giáp y.
Tụ hồng thuỳ tịch mịch,
My đại liễm y hy.
Hoàn hướng Trường Lăng khứ,
Kim tiêu quy bất quy?

              Dịch nghĩa

“Lông mày (của nàng) uyển chuyển như vừng trăng non
Mái tóc chải kiểu mới học theo dáng quạ bay
Xoa nhẹ trên mặt một lớp phấn hồng
Ngoài cửa sổ, trời trong sáng, (nàng) khoác trên người một chiếc áo thêu hoa
Hai ống tay hồng rủ thấp,  lặng lẽ
Lông mày kẻ to khiến khuôn mặt trở nên mơ màng
Chàng trai trẻ thì đã lại đi về hướng Trường Lăng rồi
Đêm nay không biết có về hay không nữa?”.

       Những khi buồn, hễ gặp gái đẹp là ông tươi tỉnh hẳn lên: Nam Lăng thuỷ diện mạn du du/ Phong khẩn vân khinh dục biến thu/ Chính thị khách tâm cô quýnh xứ/ Thuỳ gia hồng tụ bằng giang lâu! (Dòng sông Nam Lăng tràn đầy, mênh mông/ Gió thổi mạnh, mây tản mạn, trời đang vào thu/ Chính vào lúc lữ khách đang cảm thấy cô đơn nơi xa lạ/ Thì có cô gái nhà ai mặc áo hồng đang đứng trước nhà bên sông –Nam Lăng đạo trung”).

       Phong cách thơ Đỗ Mục đa dạng, ngoài chất trữ tình Đỗ Mục có không ít những bài thơ tự trào, tự diễu mình hết sức thâm thúy. Chỉ đơn cử một bài thơ tiêu biểu sau đây:

                           Quy gia

Trĩ tử khiên y vấn,
Quy gia hà thái trì?
Cộng thuỳ tranh tuế nguyệt,
Doanh đắc mấn như ti?

            Dịch nghĩa

“Thằng bé níu áo hỏi:
Vì sao về nhà muộn quá thế?
Cùng giành nhau năm tháng với ai
Để nay được mái tóc trắng như tơ?”.

        Theo tôi, “Khiển hoài” nằm trong số bài thơ tác giả tự trào, tự diễu mình như thế. Đỗ Mục coi mười năm làm Tuần phủ ở Giang Tây chẳng khác gì lưu lạc ở chốn sông hồ, chỉ có gái đẹp, rượu và mang tiếng là kẻ bạc tình ở chốn lầu xanh mà thôi. Bởi bao hoài bảo, ước mơ của ông đã tan thành mây khói: Cuồng phong lạc tận thâm hồng sắc (Cuồng phong thổi rụng hết những bông hoa hồng thắm – Thán hoa). Vì thế thơ ông chứa đầy tâm trạng: Độc đăng hoàn độc há/ Thuỳ hội ngã du du? (Một mình mình trèo lên, rồi lại một mình mình bước xuống/ Ai là người hiểu được tâm trạng u buồn của ta lúc này đây? – “Đề Kính Ái tự lâu”). Ông đâu muốn răn dạy ai, cũng không hề hối hận về cái tính đa tình, lãng mạn, thích rượu, thích gái đẹp của mình. Nghiền ngẫm “Khiển hoài” ta có thể nhận thấy những giọt nước mắt ẩn đằng sau  tiếng cười đầy chua chát, mỉa mai ấy.

       Trong hàng chục bản dịch “Khiển hoài”, theo tôi,  bản dịch của Lê Nguyễn Lưu là tương đối sát ý hơn cả:

“Chếnh choáng sông hồ chén rượu ngon

Trong tay múa nhẹ gái lưng thon

Dương Châu chợt tỉnh mười năm mộng

Phụ bạc lầu xanh dậy tiếng đồn”.

 

                                                                 

     Huế, tháng 8-2018

                                                                     

 

 

 

 

 

 

 

Mai Văn Hoan
Số lần đọc: 1376
Ngày đăng: 10.09.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miền thao thức trong thơ Võ Văn Luyến - Hoàng Thị Thu Thủy
Di tích tuổi thơ - Nguyễn Thánh Ngã
Cảm nhận bài thơ “Lỡ” của Đặng Xuân Xuyến - Hà Nguyên
Áo em mùa lụa mỏng – khúc tự tình của nhà thơ Bùi Đức Ánh - Hoàng Thị Thu Thủy
Cõi trần ai và dòng sữa ngọt lành trong tập truyện ngắn “Vàng trên biển đá đen” - Nguyễn thị Liên Tâm
Trao đổi từ cuộc hội thảo kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ - Tuấn Giang
Yêu thương trao lời… - Phan Nam
Khái quát văn học Bình Định 43 năm (1975 – 2018) Diện mạo & Thành tựu. - Mang Viên Long
Người thức qua cuộc đời nhìn tình yêu. Một kỷ niệm với nhà thơ, nhà báo Trần Hòa Bình - Nguyễn Anh Tuấn
Tính dân gian trong thơ Phạm Ngọc Thái - Phạm Ngọc Thái