Trên phi cơ , nhìn ra tấm mây bạc trải dài trên những chóp núi Trường sơn, tôi mang nổi lòng riêng của một thằng con trai bỏ xóm bỏ làng. Từ lâu khối thâm tình to lớn của thân nhân đã chết mòn trong ý nghĩ tôi như dãy Trường sơn kia bị chôn vùi dưới tấm mây. Chiếc DC-6 đang chun mình qua lớp mây để đưa tôi về sưởi ấm mẹ, thăm mộ ba.
Tôi rời phi trường. Chuyến xe hàng chở theo những nhung nhớ mung lung mà tôi đang ghì chặt. Tôi nghĩ nhiều đến mẹ , đến chị , đến những biến đổi của một dòng đời…
Lúc tôi còn nhỏ lắm ,mẹ đã một mình xuôi ngược lo lắng vì tôi cho đến khi đôi chân tôi đã cứng cõi, trí óc tôi đã hiểu khổ đau. Bên cạnh mẹ, tôi còn có chị và những cơn gió đồng nội nuôi lớn ấu thơ. Những buổi chiều da trời xanh và ánh mặt trời làm méo lệch hình tôi trên bãi cỏ hoang, tôi ôm con diều giấy và lồng chim con ra nô đùa ở đó. Có lần sơ ý , tôi không kịp đóng kín cửa lồng, con chim vụt bay ra… bay lên rồi đâm đầu về phía da trời xanh ngắt…Tôi quên hết cả công khó đã nuôi nấng con chim, đứng vỗ tay cười thích thú theo những vùng vẫy của nó giữa một bầu trời tự do. Nó bay đi , bỏ lại cho tôi chiếc lồng trống trải và một buổi chiều cô độc. Tôi lại mang niềm cô độc đó về nhà làm nũng với chị. Chị chẳng hề rầy tôi, còn hứa sẽ bắt chim khác cho tôi.
Tôi thương chị bằng một tấm lòng ngây thơ. Chị đã cho tôi những nụ hôn trìu mến , những bộ quần áo mới hay những chiếc bong bóng lợn…Những lần chị thay mẹ dỗ giấc ngủ trẻ thơ của tôi , tôi đón nhận tình thương ấy bằng một vòng tay ôm kín chị. Tôi ngoan ngoản nằm yên , mắt mơ màng bên những cái vuốt dịu dàng của chị trên mình tôi. Chị quạt đều đều, tiếng quạt kêu xành xạch ru tôi vào giấc mộng. Mỗi khi tôi đòi ba , những ngón tay trắng muốt hình bút lông của chị thường xoa lên má, chãi lên tóc tôi. Mắt chị long lanh sau hàng lệ mỏng nhìn vào tôi âu yếm khuyên lơn. Chị đã ra công che giấu đau thương, không cho những chuyện mủi lòng bày ra trước mắt.
Rồi chị bỏ đi. Chị đi vào một đêm mùa Tết. Buổi chia ly không có một tiếng khóc,không mang một điệu buồn .Tôi tiển chị bằng một nụ cười dể thương như âm thanh của đêm giao thừa. Những rét mướt mùa đông còn sót lại vẫn khiến lạnh nhiều trên da thịt. Chị bảo chị đi lấy chồng , tôi cũng tin vậy dù người chồng dẫn chị đi trong đêm tối là một người đàn bà và trước khi chị theo chồng, mẹ không làm đám cưới. Thật ra lúc đó tôi vẫn còn đần độn như bao đứa trẻ khác – thường lẩn lộn hai chữ vợ chồng . Có lẻ chị đã biết trước như vậy nên mới dể dàng lừa tôi mà đi. Chị đi rồi, tôi lại nghe rời rạc ở chung quanh tiếng pháo mừng xuân len lỏi giữa màn đêm với màu đen dầu hắc dày đặc . Có thể đó cũng là những tiếng súng phá vỡ xóm làng , nhưng trong đầu óc non nớt tôi chưa từng biết oán thù nó. Tuy thế,tôi vẫn thích những xác pháo đầu năm hơn những chiếc vỏ đạn carbin của bọn lê-dương rơi vải trên các nẽo đường …Những lời chị giảng tôi chỉ hiểu một cách hời hợt như hiểu lời giáo huấn trong mấy trang sách tiểu học.
Sau đêm chị đi , tôi đã bỏ rơi thương nhớ trong ba năm . Những tràng liên thanh của bọn lê-dương vẫn còn ngự trị trên miếng đất quê.Và cũng từ đó , tôi thấy mẹ bắt đầu vấp váp chông gai.Mẹ thường ngồi thở dài nhìn ra vuông cửa sổ . Chiều nào cũng vậy, khi bóng đêm nuốt gần hết những tia nắng màu tím thẩm yếu ớt , tôi lại buồn theo đôi mắt hoàng hôn của mẹ. Tôi đọc thấy có một điều gì đó khổ sở lắm đang tượng hình trong đó. Mẹ thường trốn tôi để khóc một mình. Tôi không hiểu mẹ đau xót vì lý do gì, chỉ thấy mẹ cứ buồn , buồn lắm . Vào mỗi lúc nửa đêm , tiếng còi tàu rúc lên , lôi đầu tôi dậy ngồi bên mẹ. Mẹ vuốt vội những giọt nước mắt lăn dài trên má rồi cúi xuống hôn tôi…Một đêm một lần , mẹ dổ tôi ngủ khi con tàu rúc trước nhà tôi. Tiếng còi tàu vẫn rít mạnh giữa đêm lạnh. Tôi cứ thế lớn dần bên cạnh mẹ , trong lòng đất quê. Và cuộc đời tôi cứ thế mà đi lần vào khoảng trống đơn côi. Những gì mẹ đã chôn chặt , bây giờ tôi lại muốn moi ra. Tôi bắt đầu ý thức được rằng , tôi không có quyền để cho mẹ tiếp nối những đớn đau âm thầm nầy nữa. Một lần , cũng vào lúc con tàu rúc ngang trước nhà tôi, tôi hỏi mẹ :
-
Chị con đâu , sao con không nghe má nhắc tới lần nào cả ?
Mẹ vẫn xem tôi còn con nít không hơn không kém :
-
Câu hỏi con làm mẹ tức cười. Chị con lấy chồng thì đi theo chồng chứ ở đâu .
Tôi không bằng lòng về lối trả lời của mẹ :
-
Con không muốn mẹ giấu mãi con như vậy. Con lớn rồi mà ! Má phải tập cho con làm người lớn với chứ . Má tưởng con còn dại như lúc trước nữa sao ?
Nhưng rồi chuyện buồn mẹ vẫn khép kín. Mẹ vẫn tin rằng thời gian sẽ giúp mẹ quên hết âu lo. Mà tôi thì không muốn mẹ kéo dài mãi cuộc sống nội tâm như thế. Tôi phải tạo ra những gì để cho mẹ bớt buồn bớt khổ. Ý nghĩ ra đi lại về chiếm một chỗ lớn trong tâm tưởng tôi. Tôi quay nhớ đến trách nhiệm , bổn phận. Ở quê hương không còn gì cho tôi khai thác để có thể đem đến nụ cười cho mọi người. Tôi xin phép mẹ được rời làng đi cầu tiến ở đất khách. Tôi đã nói với mẹ :
-
Thưa má…Con nói ra má sẽ khổ, nhưng con đã nghĩ rồi. Con không thể nhốt cuộc đời thanh niên nầy trong mấy dãy tre làng xác xơ kia. Má cho phép con đi. Ở đây mãi mình sẽ ngộp thở và có thể nguy hiểm. Má chịu khó một thời gian nữa. Con hứa chắc với má ngày về của con sẽ làm má thỏa mãn…
Tay mẹ cầm vạt áo bưng mặt khóc :
-
Mẹ cũng muốn thế, nhưng chân con đang còn yếu chưa thể bước vững giữa xả hội khó khăn phải chen lấn nầy. Má lo nhiều cho con. Con còn dại lắm.
Tôi tỏ ra cương quyết cho mẹ an lòng :
-
Không đâu. Má cứ yên tâm về con. Chân con yếu xã hội sẽ uốn thành mạnh. Con dại , xã hội sẽ dạy cho con khôn . Con sẽ trưởng thành trên những nguy nan cuộc đời…
-
Nhưng má vẫn không hết lo , con ơi…
-
Má cứ tin tưởng ở con. Không một thanh niên nào làm được việc mà không bị xã hội “ban” cho những đối xử cộc cằn , những nhánh cây gai góc . Con đã biết trước những chiếc bẫy đang giăng đầy trên đường con đi…
Nghe thế mẹ cũng bằng lòng để tôi đi, nhưng với tâm trạng liều mất một thằng con . Dù trong tim tôi như bị những mũi kim chích vào , tôi vẫn cắn răng gạt nước mắt ra đi , mang theo hình ảnh đôi mắt xế chiều của mẹ. Nhưng biết sao hơn khi quanh tôi là những linh hồn dỡ chết , tôi phải tìm một lối thoát không thì sẽ trở thành như họ cả. Lúc trước tôi buồn vì con chim bay đi để lại cho tôi những buổi chiều trống trải , nay đến lượt mẹ thương khóc một thằng con . Tôi đã để lại cho mẹ một căn nhà vắng vẻ và một khoảng đời chiều tái tê. Dù rằng lúc đó chưa phải là lúc cho tôi vùng vẫy giữa một bầu trời tự do như con chim kia, nhưng tôi đã hành động như nó.
Tôi đi vào một cuộc sống mới bằng những vui buồn xáo trộn trong lòng . Sau khi đã mang vào những vết thương tê buốt do những chông gai của xã hội giăng ra để thử thách, tôi đã đi tới đích một phần nào…
Chuyến về quê nầy ở trong tôi là một mớ cảm nghĩ nhẹ nhàng mới lạ. Mẹ sẽ cười trước nụ cười khôn lớn của tôi. Mẹ sẽ đọc được những nét ưu tư trên vầng tráng cuả thằng con trai mình để chứng nhận cho nó đã trưởng thành . Mẹ ơi ! Mẹ hãy vui lên và tiêu hũy đi tâm trạng liều mất một thằng con…
*
Tiếng còi xe vang lên , chấm dứt trong tôi những ý nghĩ hồi tưởng. Tôi xuống xe, vội vả về quê bằng một chuyến xe lam. Quê hương đón tôi bằng một bộ mặt mới sáng sủa. Có một thay đổi cải cách lớn lao ở đây. Mẹ sẽ khóc vì sung sướng…
Tôi bước vào nhà trước những cặp mắt ngạc nhiên. Thoáng một chốc mẹ kêu lên :
-
Trời…Thằng Thông…Con về sao không cho má hay. Con có nhận được điện tín của chị con không ?
Tôi kinh ngạc hướng tất cả xúc động về hình ảnh người chị thân yêu ngày trước , hối thúc mẹ :
Trên mặt mẹ hiện lên nhiều thỏa mãn :
-
Thì chị ruột con chớ ai . Chị con về hôm qua. Con chờ vài phút nũa…
Tôi ôm mẹ khóc vì sung sướng. Mẹ cũng khóc vì sung sướng. Mẹ nói nhỏ cảm động :
-
Con chờ vài phút nữa …Chị con đi chùa lễ Phật sẽ về ngay bây giờ…Chúng ta còn nhiều chuyện để nói…
-
-
(XI-1961)