Viết cho tập thơ Song Tử của Như Quỳnh de Prelle
Tại sao người ta viết? Đó không phải là để có tác phẩm. Có thể bởi vì nhà văn có một sức khoẻ mong manh, một thể tạng quá yếu đuối...đối với đời sống đang đi xuyên qua, với những tác động của nó đang diễn ra nơi ông ta" (Gilles Deleuze, De la Supériorité de la Littérature Anglaise-Américaine trong Dialogues)
@
Tôi muốn bắt đầu cuộc khai phá Song Tử bằng một trò chơi chữ nghĩa, chữ nghĩa của Như Quỳnh de Prelle bằng cách trích ra bất chợt những câu thơ trong những bài thơ.:
“cô bé ấy bẻ đi một cành hoa thơm trong lúc giận hờn
cô ấy giết một con sâu trong tưởng tượng
những mầm xanh như nhú lên
thầm trách sao buồn quá cuộc thế này
nàng đang đi trên dây giữa hai trái tim của hai người đàn ông
của hiện thực và thi ca
những con đường tình yêu còn vẹn nguyên ký ức
nước mắt của em
thấm vào da thịt dòng máu nhiệt đới buồn
nắng không thể cạo hết nỗi buồn của nàng
những trái tim đầy vết xước, nước mắt rõ trên máu
em chôn những nỗi buồn vào đá nghìn năm nguyên vẹn
mặt trời trên đầu lưỡi trong cái nắng nực
có lúc cô ấy gào thét trong im lặng trong bóng đêm trùng trùng
bản tính của đàn bà được sinh ra từ loài mèo
nàng biến thành một con sâu
rồi sinh ra cả một đàn sâu
những nụ mầm mọc trên thân cây già
từ xa một cây gỗ lớn mục ruỗng
mỗi cá nhân
tìm đường sống cho riêng mình
tự do của nàng là tự thân nàng
và sự thật là hạnh phúc luôn có máu thịt chia ra
có những lúc như người điên
có những lúc như một người hiền
tôi đã nhìn thấy từ phía sau lưng mình
như trong gương chiếu hậu
em bật khóc giữa cơn mưa hạ chí của mùa hè
khi nhìn thấy tim mình sưng tấy
những cơn thở dài không phải là yếm thế
nỗi buồn lặn sâu cào sới những rạn nứt
có lúc sự phản bội là một nụ cười
và tôi nằm xuống
trong hầm mộ
chả ai còn biết đến tên
trên mảnh bia mòn”
Và đó chỉ là một số rất nhỏ trong những điều đáng đọc về thơ Như Quỳnh de Prelle
Tôi đã qua giai đoạn đọc và nghiền ngẫm thơ tình. Đây lại là những vần thơ dành cho Song Tử của Bảo Bình. Dành cho và không dành cho. Bởi tôi nghe vang vọng tiếng riêng nàng. Dành cho mọi người và không dành riêng ai. Trong tình thơ, Như Quỳnh de Prelle trải nỗi niềm tự nhiên và da diết, trong sáng và nồng nàn. Nhưng tôi chú ý mảng thơ đời của Như Quỳnh de Prelle, Nàng quan sát đời lạ lẫm và nhìn xuyên vào tận thâm sâu. Chúng toát ra từng mùi riêng từ khuôn mặt, con chữ, tình yêu, nụ cười và cả mùi của ngày mai:
“nhận ra trên một và những khuôn mặt
mùi của hôi tanh
quyền thế
nhận ra trên những con chữ
mùi của khát khao yếu mềm
thầm kín đong đưa
nhận ra trên một lời nói
mùi của giả vờ
dối trá
nhận ra trên một tình yêu
mùi của kim cương
chả có hoa hồng
nhận ra trên một bàn cờ
mùi của thắng thua
thí tốt
…..
Nhận ra trên một nụ cười
Mùi của đớn đau
buồn chán
Ngày mai
ra đi
Ngày mai
oán thù
Ngày mai
chết còn chi
Ngày mai
Cõi thế mù lòa dang dở
mùi của tận thế”
(Như Quỳnh de Prelle, Mùi, Song Tử)
Những dòng thơ không vần, những con chữ không mới, đơn sơ như cánh đồng hoa dại lắc lư theo gió ngàn nhưng sao tôi cũng nghe ra những mùi đời phảng phất giữa tầm nhìn của người đàn bà có lẽ có khuôn mặt buồn miễn cưỡng sống giữa đời say. Trong một bài phỏng vấn của Đặng Thơ Thơ, Như Quỳnh de Prelle đã nói:
“Đa dạng và đa nhân cách. Là chính tôi. Trầm cảm trên từng con chữ là tôi. Trong thơ, cũng không cần trạng thái thăng bằng mà cần sự tự do, tự do. Cần vượt qua những nhàm cũ, những xáo trá của ngôn từ…”(Như Quỳnh de Prelle)
Như Quỳnh de Prelle đã trông thấy những đôi mắt có mùi của nỗi niềm không thốt nổi thành lời để đớn đau dự tri một n thế hệ tương lai.
“những đôi mắt quặn
của những người đàn bà có học
không có hy vọng
không có ngày mai
từ tâm vô định
của những người đàn ông thối tha
rục ruỗng tinh hoàn
có thế hệ n cho đôi mắt quặn
thiếu sinh lực
không sự sống
bần cùng trong đống vật chất hàng hiệu mùi Tàu”
(Như Quỳnh de Prelle, Ký ức, Song Tử)
Những câu nhận diện về hạnh phúc của Như Quỳnh de Prelle cũng
là một trải nghiệm chân thật về cái giá đắng cay của nó:
“tôi nhận ra hạnh phúc là màu đó
của máu
màu tím của những vết thâm
hằn sâu của sẹo
sẹo của tình yêu
sẹo của thời gian
sẹo của bất hạnh
thịt da nào cũng như nhau
bầm giập nào cũng đớn đau”
(Như Quỳnh de Prelle, Màu của sẹo, Song Tử)
Như Quỳnh de Prelle vốn từng là nhà sản xuất phim độc lập, viết kịch bản và hoạt động truyền thông. Có bài thơ Nỗi buồn trên cây đã được chuyển thể thành phim ngắn với tên mới là Tối 30 và được trình chiếu tại Liên hoan phim Canne năm 2014. Đó cũng chính là thế mạnh của dòng thơ tự nhiên Như Quỳnh de Prelle. Cô đọng và sâu lắng. Đơn giản trong ngôn ngữ nhưng đa ngữ nghĩa. Như Quỳnh de Prelle thích thể hiện thơ từ trái tim lên giấy và cô gọi đó là thơ tự nhiên để phân biệt với dòng thơ nhân tạo, vốn vẫn còn gò bó bởi kỹ năng, hình thức:
“Nhịp điệu của thơ nhân tạo như những âm thanh kêu răng rắc từ những khớp nối của robot, có lúc nó lặp đi lặp lại như kiểu THT bị mắc kẹt giữa tự do hay không tự do, giữa vắt dòng hay xuống dòng đúng mực, giữa những lý thuyết hay những tạp chí thơ đã từng giết đi những bài thơ tự nhiên đẹp nhất của loài người” (Như Quỳnh de Prelle, Thơ nhân tạo, Song Tử,)
Nếu chỉ cô đọng thơ Như Quỳnh de Prelle trong vài dòng, có lẽ cảm giác của Hồ Đăng Thanh Ngọc gợi được cho ta nhiều cảm xúc về thơ Như Quỳnh de Prelle’
“Khi đọc tập thơ này, tôi đã nhiều lần mở cửa sổ để thở, để thoát khỏi thế giới thơ đang bị đốt cháy bởi nham thạch, xem lại thế giới ngoài kia mình đang nhìn lại có tồn tại thực hay không?” (Hồ Đăng Thanh Ngọc)
Riêng tôi muốn gởi thêm cho độc giả một bài thơ
BUỔI SÁNG PHỦ ĐỊNH
Như Quỳnh De Prelle
“Dự báo thời tiết hôm nay âm vài độ
tin về người cha của bạn vừa qua đời
lạnh giá nhớ Hà Nội
đào phai
cúc vàng nắng đỏ
buổi sáng hôm nay
tôi không muốn đọc những bảng tin về bóng đá
về những cái chết
và những kẻ bệnh hoạn tâm thần
về những ngày lịch sử đi qua
đầy xác chết hận thù
làm sao dân tộc này tha thứ cho nhau
làm sao chúng ta thương nhau nhiều hơn
cho những người đang sống
tôi sợ hãi những dòng người trên mạng
đùn đùn nhau trên chiếc cầu qua sông
sập xuống
chìm sâu trong sa mạc tuyết
và trên cả những tảng băng trôi
không bao giờ vữa ra
buổi sáng hôm nay
tôi phủ định tuổi 40 đang đến
trên đôi bàn tay nhỏ bé
làn da trắng muốt
tôi đã khác của thời thanh xuân
tôi đã già đi
và biết im lặng
biết cách thức sống
biết ích kỷ
biết nói Không
và lựa chọn
những khoảng nhìn
đứng xa những cách trở
không chạm vào những ồn ào
buổi sáng phủ định
trong bồn tắm
bọn trẻ gọi mẹ ơi
nước đang trôi
những bông hoa trên mây
và bầu trời xanh ngát
tôi sẽ ra công viên
nhìn lên những giọt nước đọng trên những đốt cây
lắng nghe sự sinh sôi
tràn đầy
mùa xuân đang đến
hoa hồng sẽ nở
cả những chùm đỗ quyên xa lạ
người ta nói với nhau
về món miến xào lòng gà với tỏi và nước tương
tết của một người xa quê nhà
không còn bánh chưng
không còn chả lụa bún thang
soup miso, kim chi và cơm trắng shushi
và ADN luôn là An Nam chính hiệu
người đàn ông vẫn ngủ trên giường
buổi sáng chủ nhật
radio cũng không mở tự động như mọi ngày
Chào tháng 2 của những người mang nước”
Đó là một bài thơ đậm thương hiệu Như Quỳnh de Prelle. Bạn có nghe ra một khúc phim đời. Như Quỳnh de Prelle đã nhìn đời bằng cặp mắt nhi bất hoặc, từ lâu.
19-09-2018