Năm ấy, ông cùng hai người bạn Đức đi thăm lại thành phố sinh quán.
»Em đang bệnh nặng, muốn gặp mặt anh … có lẽ lần cuối …«, giọng em gái ông nghẹn ngào qua điện thoại vài tuần trước.
Tháng mười, cơn mưa cuối mùa rớt xuống Sài gòn. Mưa đêm lất phất trên đường đến khách sạn nằm trong hẻm phố tây Phạm Ngũ Lão. Tâm tư ông váng vất những ký ức chưa phai. Thành phố thay đổi nhiều. Ông hỏi thăm người tài xế những tên đường thuở trước. Anh còn nhớ. Trương Minh Giảng. Công Lý. Hồng Thập Tự. Lê văn Duyệt. Dòng hồi tưởng ông bật thức, quắt quay những hình bóng cũ.
Mười chín tuổi, ông đã rời quê hương, trong thời chiến. Từ đó đến nay, ông chỉ về thăm nhà một lần duy nhất. Sáu tuần lễ hè một chín bảy ba. Sau hiệp định Paris.
Khuya ấy, ông nằm trăn trở. Chợp sáng, phố xá đã khua thức. Tiếng rao hàng từ lòng hẻm vẳng lên. Phải chú tâm vài phút, ông mới nghe ra. "Bánh mi ì… nóng giòn… đây." "Bánh khu.. úc…, bánh gio.. ò… nóng đây." Bữa điểm tâm đầu tiên trong khách sạn, ông gọi một tô phở bò và một ly cà phê sữa đá. Phở không ngon. Mỗi ly cà phê sữa còn đậm đà hương quê quán. Lát sau, người anh tới chở ông về nhà em gái. Dọc đường, anh chở ông ghé ngang ngôi nhà cũ phố Tân Định. Những con ở đây vẫn còn giữ tên những danh tướng đời nhà Trần. Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Đặng Dung, Đặng Tất, Trần Quí Khoách.
Ngôi nhà niên thiếu của ông ở đường Đặng Tất, giờ đã đổi chủ. Người chủ mới đã đốn mất cây trứng cá bên cửa ra vào. Nhà hàng xóm được sửa đổi thành một quán cơm cao cấp.
Tâm trí ông, trong khoảnh khắc, ngoi dậy lớp lớp kỷ niệm.
Những giấc mơ đêm trăng sáng, ma quái tàn ổi chập chờn đỉnh mùng. Những chủ nhật đi Cấp tắm biển, rạo rực không yên. Chồng dĩa nhạc vọng cổ nặng trịch bảy mươi lăm vòng. Những sáng mùng một, tóc xức bi-dăng-tin, áo mới, tràng pháo đầu năm, tiền mừng tuổi, ván bài xì dách trải chiếu ngoài sân gạch, dưới tàn mận hồng đào, mặt mày bí rị, "mới mười lăm tuổi đã lấy tây". Những năm tiểu học, làm biếng, thi vô trường công rớt hai lần. Bắt chước các chị, chép và hát nhạc tình Boléro. Tối tối đi coi chiếu bóng với ba má tại mấy rạp gần nhà. Modern, Kinh thành, Casino Đa kao, Văn hoa. Về, ghé chợ ăn sâm bửu lượng hay mì hoành thánh đình Phú Hoà. Chiếc xe đạp đầu tiên. Những ca khúc ngoại quốc thời danh thập niên sáu mươi. Bài thơ búp bê đầu tay đăng trong nhật báo Sống. Nỗi buồn day dứt sau cái chết bất ngờ của người bạn văn chương đầu đời. Một đêm mưa, thèm khát vu vơ, lái xe gắn máy ra Tự do, mua một bao Capstan, xoè diêm điếu thuốc dậy thì, đầu óc choáng váng, dụi tắt. Những tối giáng sinh đi nhảy đầm lậu với đám bạn trường tây. Tập tành đọc tiểu thuyết người lớn. Đôi khi tự hỏi về giới hạn của ý nghĩ. Tâm tư vướng bận nhiều tư tưởng bi luỵ.
Đầu trưa, nguời anh lái xe gắn máy tới chở ông tới thăm gia đình em gái. Nhà em nằm trong một chúng cư bình dân ở Bình Thạnh. Cùng em xem lại xấp ảnh lưu niệm. Ảnh đen trắng nhạt màu thuốc rửa ghi lại những chuyến du ngoạn ấu thời. Nha trang, Đà lạt, Vũng tàu. Anh em ông nhắc lại những người bạn tuổi nhỏ. Giờ, sau những biến động thời cuộc, không biết lưu lạc nơi đâu, còn sống hay đã chết?
Em thủ thỉ kể chuyện thời đi học. Ngày ngày, ông và em tới trường bằng chiếc Suzuki nữ. Đoạn đường từ nhà tới trường và ngược lại còn rõ nét trong trí nhớ. Ra Trần Quang Khải, quẹo phải Trần văn Thạch, rẽ trái Hai Bà Trưng, tới đèn xanh đèn đỏ quẹo phải Hiền Vuơng, chạy thêm quãng ngắn, tới cây xăng, quẹo trái Duy Tân, ôm nửa vòng hồ con rùa, chạy tới Hồng Thập Tự quẹo phải, và quẹo trái Bùi Chu là tới.
Anh em nhỏ nhẻ tâm tình chuyện quá khứ. Chiều mát, cả nhà tới chùa Vạn Thọ thắp nhang khấn vái vong linh ba má.
Một sáng, ông thức sớm, từ khách sạn tản bộ một mình ra Bùi Viện, chụp ảnh cảnh sinh hoạt đường phố. Ghé mua một phần xôi bắp. Đi hết Cống Quỳnh, thấy trên vỉa hè phố có người đàn bà lớn tuổi ngồi đong sữa đậu nành vô bịch. Hương lá dứa thơm lừng góc phố. Ông sà lại hỏi thăm, chuyện trò vu vơ chuyện mưa nắng. Sau khi biết ông là người nước ngoài về thăm, bà kể lể bộc trực những biến động thời thế sau một chín bảy lăm. Trước khi từ giã, ông mua vài bịch đem về. Dọc đường ghé lại ăn một dĩa bánh ướt chả lụa như đã hứa mới nãy với cô chủ quán. Không thấy ngon như ngày xưa. Cả món xôi bắp, mùi vị cũng không giống trước. Ông chợt nhận ra ý nghĩa triết lý ẩm thực của Tản Đà tiên sinh: chỗ ăn cũng phải ngon.
Những thay đổi từ từ rõ nét trong ý thức ông. Không phải chỉ riêng thị hay thính giác, mà ngay cả khứu và vị giác cùng cảm xúc. Tất cả, đã không còn như xưa.
Chuyến đi thăm nhà đầu tiên của ông vỏn vẹn mười ngày. Nửa năm sau, bệnh tình em gái ông trở nặng, phải vào nằm viện. Ông điện thoại nói chuyện với em. Giọng em yếu, không mấy tỉnh táo. Đường dây viễn liên xấu, anh em ông không nói chuyện được lâu. Em lặp đi lặp lại, muốn ông về nhìn mặt lần cuối. Ông bảo em chờ tới hè, được nghỉ, ông sẽ về. Cố chờ nghe em! Cố chờ! Anh về. Giọng ông thảng thốt, ngôn ngữ lạc lõng vào không gian vô tận, trong xích mắc những hợp tan của kiếp người.
Em không chờ được, từ giã cõi đời vài tuần sau đó.
Một năm sau, ông thấy mình trở lại. Bi kịch lần này là cái chết bất ngờ của người em rể, chồng cô em gái lìa đời nửa năm trước. Chú em ra đi, một ngày sau ngày ông tới. Lần đầu tiên trong đời, ông tham dự và chứng kiến nghi thức ma chay hiện đại. Ban đạo tỳ tụng kinh, xướng lễ nhiều ngày liên tiếp. Thân nhân, bạn bè tới chia buồn, phúng điếu. Nhiều người ở lại canh quan tài qua đêm. Ăn uống, đánh bạc giải khuây, đôi khi lớn tiếng. Hôm đưa quan tài đi thiêu, ban nhạc đạo tỳ đàn hát nhạc nam xen kẽ nhạc mới. Tro cốt chú em được đem vào chùa Vạn Thọ bên kinh Nhiêu Lộc, trú chung với ba má và em gái ông.
Sau những tai ương dồn dập, nhịp sống gia đình đứa cháu trai cũng từ từ vào nếp. Ban ngày, vợ chồng cháu đi làm, người anh chở ông thăm thú quẩn quanh. Thăm lại những góc phố quen, những quán ăn ngày xưa. Thương xá Eden đã bị đập phá, xây mới. Không còn Givral, La Pagode, Xuân Thu. Hai hàng me cổ thụ được ân xá, đang thoi thóp chút dưỡng khí ô nhiễm khói xe gắn máy giờ tan tầm. Ông hỏi thăm anh quán cháo cá Chợ cũ ở đường Tôn Thất Đạm. Đóng cửa lâu rồi, anh đáp. Không dưng ông buồn man mác. Và bật nhớ da diết. Cái quán thuở nào ba má thường dẫn cả nhà tới ăn món cháo cá Quảng Đông cực kỳ khoái khẩu ...
Ông tìm tòi đọc lại một đoạn sách cũ:
"Một tô 'bột gạo nát nấu thật nhừ', thả vào một mớ đu đủ ngâm nước cam thảo, gừng xắt vụn, ít lá hành, ít bụi tiêu cà, đĩa cá tươi để riêng đặt trên ăn bàn chờ khách tự tay cho cá vào tô, muốn ăn tái hay thật chín tuỳ sở thích, giá một cắc bạc (0$10) thời đó; khách nào muốn ăn thêm cá, gọi thêm một đĩa tính bốn xu (0$04), kẻ nào muốn ăn sang, gọi một tô cá trộn gỏi riêng, giá mười xu (0$10), muốn dằn bụng thật no, kêu thêm bánh 'dầu cha quảy', mỗi cái bánh một xu (0$01), vị chi xài chưa tới một cắc ngoài, mà vừa xong một bữa vĩ vèo, vừa nhẹ nhàng thơ thới, lại thêm bổ khỏe." (*)
Ông chợt nhận ra, ông giống cha ở vài điểm: thích ăn cháo, và viết.
Bữa nọ, ông theo vợ chồng người anh Ba, mang danh Việt kiều Mỹ, về quê ngoại Vĩnh Long thăm bà con. Cầu Mỹ Thuận đã được xây xong. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, trông "hoành tráng" như một xứ tân tiến. Thăm bà con xong xuôi, anh Ba mướn một ghe máy chở đoàn gia đình đi thăm những nơi làm bánh kẹo, vườn trồng mít, và được thưởng thức màn đờn ca tài tử Nam bộ.
Đã hơn bốn mươi năm, ông mới có dịp nghe lại người miền Tây ca diễn cổ nhạc. Lại nhớ. Nhớ quay quắt dĩa nhạc vọng cổ "Trái gùi Bến Cát" qua tiếng hát của nghệ sĩ Thanh Sơn. Nhớ luôn những Ngọc Ánh, Lệ Liễu, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Hữu Phước. Nhớ những đêm theo má và hai bà ngoại, một ruột một nuôi, đi coi cải lương. Tuồng "Người Vợ Không Bao Giờ Cưới", tuồng "Nửa Đời Hương Phấn" của đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Mấy tuồng phỏng theo phim truyện thần thoại Ấn độ của đoàn Hoài Dung Hoài Mỹ. Đôi lúc, vãn tuồng, cả nhà đi xích lô máy về nhà, ông được ngồi dưới sàn xe, thú vị vô cùng.
Đôi nam nữ trung niên ca diễn bài vọng cổ. Người phụ nữ mặc áo bà ba hoa hoè, quần sa-teng đen, điểm trang còn vụng. Giọng cô lanh lảnh, ngân rảy không mượt mà như đào hát Sài gòn, nhưng không hiểu sao, ông cảm động. Trời ơi, giọng hát, tiếng đàn của ấu thời đây mà! Ông kêu thầm, chậm rãi gắn kính mát lên mắt, che khoé lệ ứa.
Trong chuyến đi thăm quê nhà lần thứ ba, ông có hẹn trước với vợ chồng anh Ba Việt kiều Mỹ, sẽ ra Đà nẵng, Hội an, Huế chơi vài ngày. Cư dân thành phố Đà nẵng năm ấy đang xôn xao về tình trạng sức khoẻ của ông Nguyễn Bá Thanh đang được điều trị tại Hoa kỳ. Đà nẵng trong mắt ông, trong năm ngày lưu lại, là một thành phố đang được hiện đại hoá. Năm cây cầu bắc ngang sông Hàn đã được xây xong. Duy nhất một chiếc cầu sắt xây trước một chín bảy lăm còn được lưu giữ làm di tích cổ. Đêm buông, những chiếc cầu treo thắp đèn, đổi màu rực rỡ, bắt mắt như những hoạ phẩm trang trí made in China. Những chiếc du thuyền và nhà hàng nổi lướt chậm trên mặt sông đen quánh. Nhà cửa hai bên đường soi bóng loè nhoè lên mặt nước. Quang cảnh trông giống mô hình một phố cảng nào đó, ông đã xem trong truyền hình. Hương Cảng? Hay Thượng Hải? Lặp lại đồng dạng. Như thể "sao y bản chính". Tự dưng ông cảm thấy chua xót. Như tối qua, tình cờ ghé ngang một sòng bạc của Trung quốc xây ven bãi Mỹ Khê, biết ra, khách Việt không được phép bén mãng.
Hôm trước, có cơn bão quét ngang. Thời tiết mưa nắng bất chợt. Tới ngày đi chơi cù lao Chàm, bão lắng. Hòn đảo vắng, thưa thớt dân cư. Ngôi chùa nghèo trơ vơ giữa ruộng đồng trưa nắng. Ghé lại giây lát, thắp nhang, cúng dường, uống một tách trà, chuyện vãn vu vơ với nhà sư trú trì. Trong chốc lát, lòng trần lắng xuống thanh thản như bãi cỏ non, như con trâu nằm nhai cỏ ngoài kia.
Phố cổ Hội an về đêm, những tháng đầu năm, tương đối ít du khách. Tiết trời dễ chịu. Không quá náo nhiệt. Không thấy ai kèo nài mua vé số. Không có cảnh xe gắn máy lèn lách luông tuồng. Khách du lịch đủ màu da, ngôn ngữ, dạo thong dong trong những ngõ hẹp đèn vàng, ngồi thơi thả trong quán xá tù mù đèn lồng. Chùa Cầu về đêm rực rỡ đèn màu. Lũ trẻ mời mọc mua hoa đăng ven sông Thu Bồn. Hàng quà vặt rải rác lề đường. Bắp nướng mỡ hành. Chè bắp. Bánh khoai chiên. Tào phớ. Chí mã phù. Cảnh tượng nô nức như một đêm lễ hội dân gian.
Ra Huế, lượt đi, anh Ba đề nghị vượt đèo Hải Vân thay vì xuyên đường hầm, để ngắm cảnh. Đường đèo hẹp, xấu, ngược xuôi xe tải. Bù lại, phong cảnh tuyệt đẹp, dù trời giăng mây mù. Càng lên cao, càng ngoạn mục. Vách núi bên này, vực sâu bên kia mở ra cảnh đại dương mờ ảo, bao la. Tới đỉnh đèo, xe dừng nghỉ. Lác đác vài quán ăn và dăm ba sạp bán quà lưu niệm. Mưa rơi lất phất. Ông đứng bên bờ vực, trông xuống. Dưới kia, không biết từ đâu, sương khói thốc lên, mảnh đậm mảnh nhạt. Ngoại giới nhoà nhạt. Nội tâm ngẩn ngơ.
Tới Huế. Trái tim của đất Việt. Vùng đất tán đã gánh chịu nhiều khổ ải trong thập niên một chín sáu mươi. Sau hơn nủa đời người, lần đầu ông ghé lại nơi này, chỉ nửa ngày. Thăm viếng một vài danh lam thắng cảnh. Điện Thái Hoà. Chùa Thiên Mụ. Dạo thuyền sông Hương ban chiều. Tất bật, vội vã, như thể vụng trộm.
Về lại Đức, ông kể cho cô bạn quê Đà nẵng nghe về một Đà Nẵng "hiện đại" và "hoành tráng". Cô buông tiếng: "Đà Nẵng bây giờ không phải là Đà Nẵng của em ngày xưa." Ngắn gọn. Dứt khoát.
Trong chuyến đi lần thứ tư, vừa lúc ngôi nhà của anh chị Ba Việt kiều Mỹ được xây xong. Anh chị mướn xe mời cả nhà từ Sài gòn về Cầu Kè, Trà Vinh, dự tiệc tân gia. Ngôi nhà khang trang, vườn cây kiểng tươm tất. Nhưng quạnh quẽ, vì xa phố chợ. Và khi chạng vạng, muỗi xông tới từng đàn, đập mệt nghỉ.
Anh chị Ba có mướn giàn nhạc sống miệt vườn. Lúc tiệc sắp tàn, ông hát tặng anh chị một bài nhạc vàng. "Xin trả lại thời gian" của cố nhạc sĩ Thanh Sơn. "Xin trả lại những kỷ niệm buồn vui. Ngày xanh đã theo thời gian qua mất rồi …"
Ký ức những mưa nắng xuân xanh ùa về …
Anh Ba hơn tôi bảy tuổi, là người phóng khoáng và chịu chơi nhất nhà. Một chín sáu ba, trong thời hỗn mang chính trị ở Sài gòn, anh rời quê hương, sang Pháp du học. Paris. Bordeaux. Tôi, mười hai tuổi choai choai, rụt rè, nhút nhát. Thích văn chương, mê phim ảnh, yêu nhạc. Cái cảm xúc kỳ quặc, thuở ấy, mỗi khi tôi tình cờ nghe được tiếng hát vang vẳng từ bóng tối quán cà phê. Của Françoise Hardy. "Tous les garçons et les filles de mon âge …" Của Cliff Richard. "The young ones. Darling we're the young ones ..." Hay xem một cuốn phim tâm lý. L'Osédé. Với Terence Stamp, kẻ sưu tầm bướm. Và Samantha Eggar diễn vai cô gái có tên bắt đầu bằng vần M: Miranda. Thời gian trôi, cảm xúc trổ mã. Tâm tư biết xúc động khi nghe Lệ Thu cất giọng Hoài Cảm một Cung Tiến. "Chiều buồn len lén tâm tư ..." Qua rồi cái thời thổn thức nhạc Boléro đại chúng. Những chương trình phụ diễn tân nhạc trước khi chiếu phim. Những đại nhạc hội Kim Cương, Thẩm Thuý Hằng trưa chủ nhật. Áo dài trắng Phương Dung. Mái tóc bồng Minh Hiếu. Chuyến xe lửa mùng một tết Trần văn Trạch. Cao Thái, giọng nam cao Mexico. Ô Mê Ly tiếng hát Thái Thanh và ban Thăng Long ... Tất cả, như một cơn mưa, dẫu nhẹ, cũng đủ tưới đẫm mảnh hồn tôi mười bốn. Cuốn tiểu thuyết đầu đời mua từ mớ tiền túi chắt chiu hằng tháng. "Điệu Ru Nước Mắt" của Duyên Anh. Và những người bạn thanh xuân. Điếu Capstan mười tám tuổi một đêm mưa góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Sợi khói ngầy ngật, choáng váng, tan vào lòng đêm ẩm ướt.
Với chiến tranh rình rập. Như những bóng ma khuya trăng sáng len qua cửa sổ, đè tôi ú ớ, bật thức, không dám mở mắt.
Tôi nhắc anh Ba những chuyện cũ. Anh đổ xí ngầu thắng ông chệt bán bò vò viên đường Trần Nhật Duật. Ăn không hết, về nhà kêu em út đem gà mên ra lấy về. Mùng một tết, sau khi được tiền lì xì, anh chị em xúm lại chơi bài cào. Lần nào anh cũng thắng. Tôi khóc, đòi tiền lại, không phải anh Ba, mà đòi má.
Tiền hằng tháng má cho những năm ấu thơ, tôi để dành trong hộp thiếc, cất trong tủ áo của má. Một hôm anh Ba rủ rỉ, hùn tiền để anh đi mua dĩa hát. Lát sau anh đem về tiếng hát Connie Francis, bốn mươi lăm vòng. Một đám anh em nằm dài ra sàn nhà lót gạch bông, thưởng thức. Hay, nhưng không hiểu một chữ. Ảnh hưởng anh Ba, tôi làm quen và thích nghe nhạc ngoại quốc. Elvis Presley. Pat Boone. Ricky Nelson. Connie Francis. Brenda Lee. Sau này là Beatles, Rolling Stones, Simon and Garfunkel, Carpenters. Nhiều, nhiều nữa. Nhớ không hết.
Anh Ba rất thương em út. Thuở ấy, mỗi khi được bảng danh dự trong lớp, tôi lại xin anh mua dĩa nhạc gởi về. Mỗi gói mười dĩa được anh Ba đóng gói cẩn thận. Mở ra, còn vướng vất hương giấy bìa, và hơi lạnh đất Pháp.
Trở lại Sài gòn. Đôi lúc, ông chợt thấu hiểu lời cô bạn đã có lần tâm sự, và thấy ra: "Sài gòn bây giờ không còn là Sài gòn trong ký ức ông thời hoa niên." Những con đường mất diện mạo, mang những cái tên lạ. Hương vị những món ngon cũng khác xưa.
Ông nhớ tiệm phở "Tuyệt", phát xuất từ tên đường Turc thời Pháp, về sau dời về Hai Bà Trưng. Chủ tiệm là dân Bắc năm mươi tư, nhưng nhập gia tuỳ tục, ai thích, sẽ có thêm giá trụng, và trên bàn bày đầy đủ húng quế, ngò tây, tương đen, tương đỏ. Ông nhớ món bún suông Thanh Thế ở góc đường Nguyễn Trung Trực và Pasteur. Ông nhớ món cơm gà ở quán cơm tây chợ Cũ của người Tàu. Ông nhớ tô mì vịt Chợ Lớn. Ông nhớ món hủ tiếu dai Thanh Xuân chùa Chà đường Tôn Thất Thiệp, ăn kèm rau tần ô, rắc hành phi thơm lừng. Ông nhớ những món tỉm-sấm nhà hàng Đồng Khánh, có thang máy, dập dìu xe đẩy chất đầy rổ hấp, líu lo lời mời mọc há cảo, xíu mại. Có lúc, ăn sáng xa hơn. Đi chợ Búng Bình Dương ăn bánh bèo bì. Đi Biên Hoà ăn món cá lóc hấp cuốn bánh tráng. Ông nhớ bữa ăn tối thịt bò bảy món Ánh Hồng ở Phú Nhuận. Món cua rang muối Bình Lợi quán. Và những buổi ăn khuya sau khi đi coi chiếu bóng.
Bây giờ, cũng phở, cũng hủ tiếu, cũng cơm tấm, cũng bánh cuốn, cũng ... Nhưng, dường như thiếu chút gì. Một chút gia vị nhớ? Một chút hương rau trái đồng nội? Một không gian thoải mái, không ô nhiễm những tiếng chửi thề vô cớ?
Bẵng đi vài năm, ông lánh mặt Sài gòn, vì những lý do riêng. Nhớ, nhưng không tiếc. Buồn, nhưng không khổ. Cuộc sống tha hương tiếp diễn lặng lẽ cùng những thăng trầm khó tránh. Của những nỗi nắng niềm mưa khó giãi bày.
(09. 2018)
* Trích "Sài gòn tạp pín lù", Vương Hồng Sển, nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2005.