Chuyến xe khách chất lượng cao hôm ấy rời thành phố Huế khá muộn so với mọi ngày. Là bệnh nhân được ra viện, tôi háo hức mong từng cây số để sớm được về hít thở cái không khí gia đình, làng xóm sau hơn hai tuần như bị giam hãm trong không gian bệnh viện. Những bộ blu trắng với dáng đi vội vã, những gương mặt lo âu của người nhà và tiếng rên của người bệnh…
Nắng chiều chiếu qua kính xe làm tăng thêm không khí ngột ngạt, không ít hành khách khó chịu vì phải đi một loại xe chất lượng “dở cao dở thấp”. Bổng tiếng xe phanh gấp, tôi đọc nhanh một biển hiệu bên đường và nhận biết xe đã đến thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Một người phụ nữ chừng như đã đi qua thời tuổi trẻ, tay xách túi hàng bước lên xe với đôi kính màu nâu và bộ đồ khá chau chuốt. Từ giờ phút ấy trở đi không khí trên xe dường như thay đổi hẳn. Chị vui vẻ bắt chuyện với tài xế, hỏi han mọi người, khiến ai có mệt đến mấy cũng phải trả lời và giao lưu với chị ta. Riêng tôi, giọng nói của chị làm tôi phải hồi tưởng về quá khứ. Một giọng nói tôi đã nghe ở đâu, thậm chí nghe nhiều, nghe quen rồi thì phải… Chạy thêm chừng vài chục cây số, xe đỗ lại cho hành khách có nhu cầu. Mọi người xuống xe tạm thoát ra khỏi cái nóng, tôi tranh thủ bắt chuyện với người khách mình đang chú ý. Như được dịp, chị sẵn sàng bộc bạch mọi chi tiết rối rắm trong cuộc đời. Thì ra đó chính là Hường, một người đồng hương kém tôi chừng hai tuổi. Nhận ra nhau Hường phấn khởi rối rít và câu chuyện càng say sưa hơn…
*
Giặc Mỹ trở lại đánh phá hủy diệt miền Bắc, đây là giai đoạn ác liệt nhất, bằng nhiều thủ đoạn man rợ, phương tiện và vũ khí tối tân nhất của chúng. Thời chiến tranh hơn thua nhau vài ba tuổi nhưng học cùng một lớp là chuyện thường tình. Chúng tôi, lứa học sinh đầu tiên của một làng quê “chiêm khô mùa lép” ra trường từ những lớp học nửa nổi nửa chìm. Như đàn chim non vừa rẽ mẹ đã bay vào vùng trời mịt mù lửa đạn. Đứa vào bộ đội, thanh niên xung phong, hỏa tuyến, “ba sẵn sàng” và các lực lượng đảm bảo giao thông đường thủy, đường bộ… Đứa vào chiến trường, đứa bám trụ tại hậu phương, tất cả hừng hực lao vào cuộc chiến đấu. Bạn bè dù ra đi cùng đợt nhưng mỗi người một lĩnh vực, một nhiệm vụ nên chẳng có điều kiện để ý đến nhau, huống gì như tôi với Hường. Khi tôi rời quê hương Hường còn tham gia các phong trào gần ba năm nữa. Sau đó cô đi những đâu, làm những gì, gửi gắm cuộc đời ở miền quê nào? Thú thực, tôi cũng ít có điều kiện thu thập thông tin về cô.
Gần bốn lăm năm qua, bao nhiêu biến chuyển thăng trầm, hạnh phúc, khổ đau được cô gói gọn trong hành trình từ thành phố Đông Hà đến thị xã trẻ Ba Đồn, chẳng khác nào cố tình nén một đống rơm to vào một chiếc túi bé xíu. Hường kể không biết mệt, như thể dồn ứ trong lòng từ bao giờ. Không chỉ với riêng tôi, người đồng hương lâu ngày vừa gặp lại, mà Hường không có ý dấu diếm đối với tất cả mọi người trên xe. Cô cố tình dồn hết âm lượng, sợ cái giọng khàn khàn của mình không đủ át tiếng động cơ ô tô. Khác với Hường, mọi người có phần ái ngại, sợ “bác tài” phân tâm khi xử lý các tình huống trên đường. Rốt cuộc, bác tài vẫn tận tình đưa mọi người về đúng những địa chỉ của họ.
*
Vùng đất kham khổ quê tôi lúc đó là trọng điểm oanh tạc của máy bay, tàu chiến Mỹ. Khói bom chưa tan thì tiếng rít của đạn pháo từ Hạm đội 7 đã “véo véo” như xé toạc không gian. Người già, trẻ em đi sơ tán. Các độ tuổi khác “ăn hầm ở hố” để bám lại làng xóm và ruộng đồng. Cày cấy, bắn tàu bay Mỹ, tiếp đạn, cáng thương, bốc dỡ vũ khí, lương thực, chữa cháy, cứu sập hầm… Ai sẵn đâu tự giác làm đó như ca từ trong một bài hát: “…Chiến trường chật chội, tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu…”. Nhà cửa đã có bộ đội, công nhân, tùy đó mà sử dụng, ăn ngủ, làm kho cất dấu hàng hóa, vũ khí… Trong số các chú “bộ đội về làng”, Hường đã không dấu được lòng mình trước một người. Quê anh ở tận ngoài Bắc, tốt nghiệp cấp III anh tình nguyện nhập ngũ và không lâu sau đó vào đóng quân trên đất lửa Quảng Bình. Nghe đâu là con trai vùng biển nhưng anh có nước da trắng lạ, đẹp trai, nói chuyện cứ như muốn hút hồn người khác. Càng ngày, Hường nhận ra mình cũng đã nằm trong vùng phủ sóng của người ấy. Trong một đêm trực chiến, tuần tra bờ biển phối hợp giữa bộ đội và Đoàn thanh niên địa phương. Trên đường đổi gác trở về, sau những đắn đo Cường chủ động nắm tay Hường. Được gần nhau bấy lâu em có hiểu cho lòng anh không? Anh đã tìm thấy ở em những điều đáng quý, đáng yêu đó Hường ạ! Hường cảm nhận toàn thân mình nóng ran song cô đã khéo léo gỡ bàn tay anh. Từ hôm đó Hường thực sự thấy lòng mình rạo rực. Thế rồi chẳng hiểu từ đâu bổng dưng xuất hiện biệt danh “Cường lùn”. Thực ra, Hường có vẻ “nhĩnh” hơn anh chưa đến năm “xăng-ti”. Ấy thế mà cái biệt danh kia đã làm Hường kém hứng thú khi liên tưởng cái cảnh “chồng thấp vợ cao”. Hường tìm cách từ chối những lần gặp gỡ. Nhiều đêm cô trằn trọc, tìm phương cách rút êm không để Cường thất vọng. Trong lúc rối rắm đó, Hường nghĩ ngay đến Hương, người cô ruột của mình vừa tốt nghiệp cấp III. Cố tình đóng vai “bà mai” đưa cô ruột vào “thay thế vị trí”, đó là cách tốt nhất Hường lựa chọn. Da trắng hồng, giọng nói trong như hát, nụ cười tươi ngự trị trên khuôn mặt thanh tú, khiến Cường không thể vô tư được ngay cuộc gặp đầu tiên do Hường “bố trí”. Họ “quen hơi mến tiếng” khá nhanh, mối tình buồm xuôi gió thuận. Sau chiến tranh hai người xây dựng tổ ấm và hạnh phúc bên nhau cho đến ngày hôm nay.
*
Hường thu xếp thật nhanh để kịp nhập học Trường Trung cấp Kinh tế của tỉnh. Lần đầu xa quê, lòng cô chộn rộn nỗi nhớ người thân, bạn bè. Xen vào đó là sự ân hận vì đã buông tay để tuột mối tình đầu. Khi tình yêu đến không nâng niu đón nhận. Mặc cảm về “đôi đũa lệch” đã khiến cô đưa ra quyết định sai lầm. Hường coi đây là vết cắt đầu đời mà chính mình là “thủ phạm”.
Hai năm học ở xứ sở cố đô đã giúp cô nhanh chóng xoa dịu những ký ức buồn. Với hình thể ưa nhìn, Hường dễ dàng lọt vào tầm ngắm của bao nam sinh nhưng cô cũng đã sắm cho mình sự dè dặt và thận trọng hơn nên các chàng càng nuôi mơ ước. Mãi tới một hôm, mọi người náo nức chuẩn bị cho chuyến thực tập làm đề án tốt nghiệp, “trai anh hùng” mới có dịp ra mắt “gái thuyền quyên”. Vũ hơn Hường hai tuổi, người thành phố, lịch thiệp hết chỗ nói. Tỏ ra vô tư giúp Hường khá nhiều công việc trong suốt chuyến đi, Vũ tạo được nhiều cơ hội gần Hường. Anh ta chủ động mời Hường đi chơi nhiều nơi, đi xem phim, xem hát và ăn uống… Đường phố đã thưa người, mưa bụi nhẹ bay qua những cụm đèn đường vàng vọt. Hai người như quấn hẳn vào nhau, di chuyển cực chậm dưới hàng me già. Vũ chủ động ghì Hường dừng lại rồi gắn lên môi cô một nụ hôn thật êm, thật ngọt. Đó là cách tỏ tình của Vũ. Toàn thân Hường như bủn rủn, cô thỏ thẻ thú thực, mình đã thầm yêu anh từ bao giờ không nhớ rõ… Mà chẳng riêng gì cô, sau lần Vũ về thăm nhà, bố mẹ cô đồng ý “tuốt tuồn tuột” đó thôi. Ra trường, Vũ và Hường tổ chức lễ cưới. May mắn hơn, cả hai cùng về nhận công tác tại thị xã Đông Hà. Những tưởng, đó là bước khởi đầu thuận lợi cho một tương lai tốt đẹp…
Được phân một gian nhà tập thể, tài sản đôi vợ chồng trẻ với chiếc giường mộc, một chiếc xe đạp cũ, hai va-ly, chiếc bếp dầu, vài ba cái soong nhôm nho nhỏ… nhanh chóng làm quen với cuộc sống gia đình. Thời gian trôi vèo, tám năm chung sống, hai trai một gái ra đời. Cả nhà năm miệng ăn giữa thời “gạo châu củi quế”, nỗi lo toan ngày càng đè nặng lên đôi vai hai người. Hường gầy hẳn, khó tìm lại nét long lanh trong đôi mắt cô nữ sinh ngày nào nhưng cô vẫn miệt mài công việc và đảm đang gánh trọn gia đình. Trong khi Vũ thường phải đi công tác ở các vùng quê, mỗi tháng may chăng anh chỉ ở nhà cùng mẹ con Hường chưa tới một tuần. Trong những dịp đó, với sự nhạy cảm trời phú cho người phụ nữ, Hường mơ hồ thấy được sự khác thường ở anh. Và, một ngày kia Hường không tin vào tai mình. Vũ có bồ! Hơn thế, họ đang có ý định “nâng cấp” mối quan hệ lén lút này.
Hường cố gắng giữ cho mọi sinh hoạt hết sức bình thường. Ngày chồng tiếp tục đi công tác, Hường xin nghỉ việc về quê thăm mẹ ốm. Cô lặn lội đến tận nơi “công tác” của chồng và đã hiểu tất cả sự thật. Trở về cô lập ngay cho mình một kế hoạch. Phải kìm nén đến sau chuyến đi của Vũ, Hường hỏi thẳng chồng. Anh còn yêu em như tám năm trước nữa không? Em biết, có thể trong cuộc sống em chưa vừa ý anh nhưng các con của chúng ta, chúng có đáng yêu không anh? Vũ ngập ngừng xin lỗi vợ. Tiếp đến, cô còn đưa nhiều lý do xin cơ quan thay đổi vị trí công tác của Vũ. Như ngựa quen đường cũ, thân thể ở nhà nhưng con người của anh ở tận đâu đâu. Không khí gia đình nặng trĩu, mệt mỏi… Vào các ngày nghỉ anh lại tìm cách để đi. Hường chủ động về quê chồng, cô trình bày sự việc và xin phép bố mẹ để cho anh ấy tự do. Ngồi trên ô-tô cô miên man suy nghĩ, hay như người ta thường nói “gieo nhân nào thì gặp quả đó”? Dẫu gì thì mình cũng không thể chấp nhận được sự bội bạc của anh ta. Hường quyết định ly hôn dù đã đôi ba lần Tòa án gọi lên hòa giải.
*
Tách tỉnh, việc “đại sự quốc gia” nhưng cũng liên quan đến mỗi tổ ấm gia đình, cơ quan giải thể để cơ cấu lại. Cũng may, chuyện hai người đã được giải quyết xong. Chưa biết về đâu, Vũ khấp khởi xách va-ly đón xe lên với cô bồ chủ quán bia hơi, tuyệt nhiên không một đứa con nào theo bố. Chúng “đồng thanh” ở với mẹ, dù đói khổ bao nhiêu cũng chịu. Vẻn vẹn chưa đến hai tháng, buộc phải giã từ chốn sơn lâm cùng cô sơn nữ yêu kiều, Vũ trở về cố đô mang tập hồ sơ ngày ngày đi xin việc. Vẫn còn chỗ cho những kẻ như anh ta, Vũ được nhận làm ở ngành Vật tư nông nghiệp. Lại mang tài liệu đi liên hệ công tác, lại có mối tình mới. Nghe đâu lần này anh tổ chức mời mọc rình rang lắm. Hường thầm nghĩ, lại thêm một “con nai vàng ngơ ngác” dính đòn nữa rồi và cô nhanh chóng gạt những ý nghĩ “không đâu” ấy ra khỏi dòng suy tư của mình.
Cơ quan được tổ chức lại gọn nhẹ và quản lý chặt chẽ hơn, Hường được bố trí phụ trách Phó phòng. Một bên là công tác, một bên là gánh nặng ba con. Cuộc sống luôn đặt Hường giữa những lựa chọn khắt khe. Không giải pháp nào hơn là hết sức cố gắng. Ngoài giờ cơ quan cô tranh thủ làm mọi việc. Tính tới tính lui, cô nghĩ nuôi heo nái hay hơn cả. Gọn vốn, gọn lải. Xuất một đàn heo giải quyết bao nhiêu việc. Học hành, may sắm, trang trải nợ nần… Trước mắt, ông bà ngoại sẽ giúp về vốn, cô mua vật liệu mở rộng phía sau để xây chuồng heo. Cậu con trai lớn đã biết đỡ đần cùng mẹ, vớt bèo, nấu cám, trông em. Rồi cái ngày thu hoạch cũng đến, mẹ con Hường mát ruột khi cầm những đồng tiền bán lứa heo đầu. Từ đây, cuộc sống bốn mẹ con tuy chẳng dư giả gì nhưng đã cảm thấy dễ chịu.
Lại một thông tin khá hấp dẫn, ở cơ quan mọi người lại kháo nhau, Vũ đã ly hôn vợ mới nữa rồi! Có người còn phát hiện Vũ thường cặp kè cô nhân viên gì đó xuất hiện ở một huyện vùng cao. Họ còn thì thầm với Hường rằng, ăn chơi cho lắm vào, mấy năm rồi mà chẳng có lấy một mụn con. Vẫn bình thản, bởi cô không lạ lẫm gì con người này. Hường cho rằng sự dứt khoát của mình là đúng, là chấp nhận thương đau một lần cho cơ thể sớm lành lặn. Ý nghĩ đó giúp cô thư thái hơn, bớt căng thẳng hơn. Cô tập trung tất cả vào công việc cơ quan và gia đình. Được cái, các con rất thương mẹ, chăm học và biết giúp đỡ mẹ. Đó là tất cả đối với cô.
*
Hường được nghỉ hưu sớm tới ba năm, lại còn được nhận thêm một khoản tiền kha khá. Con trai tốt nghiệp Trường Đại học Quảng Bình, làm giáo viên Trung học cơ sở. Con gái lại tiếp tục vào trường. Chiếc gánh cuộc đời nặng trĩu tưởng như níu mãi mãi trên đôi vai Hường đang vợi dần. Được nghỉ việc lại có chút vốn, mẹ con cô có điều kiện sửa sang lại ngôi nhà, dọn một quày tạp hóa nho nhỏ và đầu tư cho chăn nuôi. Các con lần lượt học hành thành đạt, có công việc, có gia đình và biết chia sẻ cùng mẹ. Riêng cậu trai út chọn cho mình một hướng khác. Tìm về quê ngoại, biết được tiềm năng của vùng đất này, cháu mạnh dạn đầu tư cơ sở dịch vụ làm ăn tốt lắm. Mời mẹ ra phụ giúp trông coi công việc làm ăn, cậu còn muốn có điều kiện gần gũi để chăm sóc cho mẹ.
Trong suốt thời gian đó Vũ không hỗ trợ mẹ con gì sao? Ôi dào…! Xin lỗi anh chứ “một đi không trở lại!”, “ốc đã tha nổi mình ốc” đâu mà…! Còn căn nhà? Tôi tò mò hỏi thêm. Từ ngày lên thành phố đất đai ở đó có giá lắm mà? Thì chưa bán được nên chi còn phải vô ra ri đây anh! Mẹ con cũng tính giải quyết được thì giúp đỡ cho hai đứa lớn ít nhiều. Còn lại thì mang về quê đầu tư làm ăn và vun vén cho thằng út đó. Con người quê mình giờ nhạy bén lắm, thích ứng với cơ chế thị trường nhanh cực kỳ. Có rứa bù lại ngày trước bom đạn khổ sở nhiều rồi…!
Tôi nghe chị nói ngỡ như đang xem chị phác thảo một bức tranh. Bức tranh hứa hẹn bao viễn cảnh tốt đẹp… Cuộc đời thật công bằng và nhân hậu. Thời gian sẽ vá víu và bù đắp tất cả. Chị xuống xe, một làn gió từ biển nhẹ vén mớ tóc làm chị dịu bớt mệt mỏi. Chia tay người đồng hương, tôi còn nhìn theo bóng hai mẹ con trên chiếc Air Blade, lướt nhanh về cái nơi “ngày trước từng khổ sở nhiều rồi…!”.