Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.632
 
Cái khác thường của Tiên thơ Lý Bạch
Mai Văn Hoan

 

            

            

      Nhà thơ Lý Bạch người tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), sống cách chúng ta hơn một nghìn năm (ông sinh 701, mất 762). Thiên hạ gọi ông là trích tiên (tiên giáng trần), là tiên tửu (tiên rượu), là tiên thơ (thơ tiên) bởi cách sống khác thường, cách uống rượu khác thường và phong cách thơ khác thường của ông. Người trần ít ai phóng khoáng và lãng mạn như ông, ít ai kiêu hùng và giang hồ như ông, ít ai làm nhiều thơ và có nhiều bài thơ hay như ông. Tầm ảnh hưởng của ông khá rộng. Các nhà thơ nổi tiếng của nước ta như Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Cao Bá Quát, Tản Đà,  Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Quang Dũng… đều bị ông chi phối ít nhiều. Ông như con ngựa trời bay trên chín tầng mây. Đọc thơ ông, ta bắt gặp không ít những câu, những từ, những thi ảnh, những cách nói khác thường.

 

      Ngay từ thời trai trẻ, Lý Bạch đã thích ngao du sơn thủy, cầu tiên, học đạo, múa kiếm, uống rượu, ngâm thơ. Mặc dù có giai đoạn ông được vua Đường Minh Hoàng hết sức nể phục, yêu quý, chiều chuộng nhưng với bản tính phóng khoáng, lãng mạn, không chịu được cảnh “áo xiêm ràng buộc lấy mhau” nên làm quan ở kinh đô Trường An chỉ trong vòng chưa đến ba năm, ông đã từ quan, tiếp tục chống kiếm đi viễn du. Tài làm thơ ông lững lẫy khắp nơi, đi đến đâu ông cũng được bạn bè, những người mến mộ hậu đãi đến đó. Nghe  đồn ở đâu có cảnh đẹp, bạn hiền là ông quyết tìm đến cho bằng được, không quản đường sá xa xôi, dốc đèo hiểm trở. Ông ưa chiêm ngưỡng cảnh núi cao, biển rộng, sông dài, đầm phá mênh mông… Dù là cảnh thực hay cảnh do ông tưởng tưởng đều được ông cường điệu, phóng đại cho ngang tầm vóc vũ trụ. Đây là hai câu cuối trong bài “Xa ngắm thác núi Lư” được người đời truyền tụng và bàn luận: Phi lưu trực há tam thiên xích/ Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên (Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước/ Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây). Trước Lý Bạch đã có bao thi nhân nhìn ngắm nhưng chưa một ai “tưởng” một cách khác thường như thế cả. So sánh thác Hương Lô mà như dải Ngân Hà rơi từ chín tầng trời thì quả là một trí tưởng tượng phi thường. Bản dịch thơ của Tương Như đã hay, song nguyên tác còn hay hơn. “Tuột khỏi mây” chưa thể hiện được độ cao rơi từ “chín tâng trời”. Trong bài “Lên đài Phụng Hoàng ở Kim Lăng”, Lý Bạch phóng tầm mắt: Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại (Núi Tam Sơn rơi một nửa ra ngoài trời xanh). Đúng là không ai có tài quan sát và trí tưởng tượng siêu phàm như ông. Mắt thường chỉ có thể nhìn dãy núi in hình lên bầu trời, còn ông nhìn thấy một nửa dãy núi rơi ra ngoài bầu trời. Chỉ một thi ảnh khác thường ấy thôi, cũng đủ cho độc giả hình dung núi Tam Sơn hùng vĩ như thế nào. Còn đây là cảnh núi non trùng trùng điệp điệp ở vùng Ba Thục: Liên phong khứ thiên bất doanh xích (Đỉnh núi liền nhau cách trời chưa đầy thước – “Đường Thục khó đi”). Các đỉnh núi nối liền nhau cao đến mức tưởng như chỉ cách trời “chưa đầy thước”. Kiểu nói thậm xưng này không thể lẫn với ai được, không ai có thể bắt chước được. Sau này, nhà thơ Quang Dũng trong bài “Tây Tiến” có câu thơ khá hay: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, ít nhiều có hơi hướng kiểu nói của tiên thơ họ Lý. Thiên nhiên trong thơ Lý Bạch vô cùng hùng tráng, kỳ vĩ rất phù hợp với khí chất vừa mạnh mẽ, hào phóng; vừa ngạo nghễ. khoáng đạt của ông.      

    

        Như các thi nhân xưa nay, Lý Bạch cũng viết nhiều về trăng, nhưng trăng trong thơ ông lúc nào cũng có nét đặc biệt, khác người. Chẳng hạn như ở bài “Tiễn biệt khi qua Kinh Môn”: Nguyệt há phi thiên kính/ Vân sinh kết hải lâu (Trăng chiếu xuống như chiếc gương trời bay/ Mây đùn lên kết thành lầu trên biển). Ví mặt trăng như chiếc gương của trời thì mới mẻ vô cùng. Bác Hồ của chúng ta cũng từng so sánh “Trung thu trăng sáng như gương” chắc có gốc gác từ cách ví von độc đáo này của Lý Bạch? Ở “Bài hát của nàng của nàng Thử Dạ” có hai câu:  Trường An nhất phiến nguyệt/ Vạn hộ đảo y thanh (Một mảnh trăng ở Trường An/ Muôn nhà vang tiếng chày đập áo) đã được Nguyễn Du chế tác thành: “Hương Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu (Một mảnh trăng sông Hương/ Soi mối sầu kim cổ - “Thu chí”). Câu thứ nhất Nguyễn Du lấy nguyên câu thơ Lý Bạch chỉ đổi Trường An thành Hương Giang. Câu thứ hai thì có khác. Nếu Lý Bạch đề cập đến nỗi lòng của những người vợ xa chồng trong một không gian rộng lớn thì Nguyễn Du đề cập đến nỗi buồn chung của kiếp người trong thăm thẳm thời gian. Đây vừa là sự giống nhau và sự khác biệt của hai thiên tài. Bởi xem trăng là “chiếc gương của trời” nên trăng soi thấu mọi góc khuất trong tâm hồn thi nhân. Khi ông vui trăng cùng vui với ông: Ngã ca nguyệt bồi hồi(Ta hát trăng bồi hồi cùng ta - “Uống rượu một mình dưới trăng” ), khi ông buồn trăng cùng buồn theo ông: Minh nguyệt như tố sầu bất miên (Trăng sáng như lụa buồn không ngủ - “Nhớ nhau hoài”). Trăng thấu hiểu nỗi niềm nhớ thương quê nhà da diết của ông: Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương (Ngẩng đầu lên nhìn trăng sáng/ Cúi đầu xuống nhớ quê cũ – “Ý nghĩ trong đêm yên tĩnh”). Có khi Lý Bạch còn  muốn bay lên trời xanh nắm bắt vầng trăng sáng: Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt (“ Lầu Tuyên Châu, Tạ Diễu  tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân”). Nhà thơ Tản Đà của ta sau này cũng từng  có ước mong ngông cuồng như thế. Tương truyền, trong lúc say, Lý Bạch đã nhảy xuống sông ôm ghì lấy bóng trăng và ra đi vĩnh viễn. Yêu trăng, mê trăng đến mức ấy thì quả trên đời này có mỗi Lý tiên sinh.

 

        Không chỉ có trăng mà cỏ cây, hoa lá trong thơ Lý Bạch cũng hết sức khác thường. Ở bài “Dưới thành Sa Khâu, gửi Đỗ Phủ”, ông phát hiện: Thành biên hữu cổ thụ/ Nhật tịch liên thu thanh (Bên thành có cây cổ thụ/ Ngày đêm liên tiếp phát ra tiếng thu). Cây Lý Bạch chọn cũng phải là cây cao lớn dị thường. Nó cũng có những phẩm chất hết sức đặc biệt - phát ra tiếng thu. Phải có cái tai thật tinh tường mới nghe được tiếng mùa thu phát ra từ cây cổ thụ. Nhờ cái tai tinh tường  như thế mà sau này nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng nghe được “Tiếng thu”: “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức…”. Riêng nhà thơ họ Lý còn thấy được cả: Thu sắc lão ngô đồng (Vẻ thu làm già đi cây ngô đồng – “Mùa thu lên lầu bắc của Tạ Diễn”). Và: Huỳnh phi thu song mãn (Đom đóm bay đầy cửa sổ mùa thu – “Bài hát dưới ải”). câu “Đom đóm bay đầy cửa sổ mùa thu” nào khác gì những câu thơ hiện đại thời nay. Liên quan đến cây ngô đồng, trong “Bài hát về hào sĩ Phù Phong”, Lý Bạch nhìn thấy: Ngô đồng, dương liễu phất kim tỉnh (Ngô đồng, dương liễu chạm giếng vàng). Câu này có thể hiểu: mùa thu đến lá ngô đồng, lá dương liễu rơi chạm vào thành giếng, mặt nước giếng. Để diễn tả sự thay đổi của thời tiết, Nguyễn Du đã mượn ý thơ này của Lý Bạch, biến hóa thành: “Giếng vàng đã rụng một vài bông ngô” (“Truyện Kiều”). Cách chúng ta cả nghìn năm, Lý Bạch cũng đã sử dụng “mối tương giao giữa các giác quan” trong câu: Lê hoa bạch tuyết hương (Hoa lê thơm mùi tuyết trắng - “Thú vui trong cung”). Mùi mà mùi tuyết trắng! Khứu giác đã chuyển thành thị giác. Ai dám bảo thơ cổ không hiện đại? Cách nói hiện đại còn được thể hiện qua hai câu kết của bài “Gửi người phương xa”: Tương tư hoàng diệp lạc/ Bạch lộ thấp thanh đài. Nguyễn Hữu Bổng từng dịch: Nhớ nhau lá vàng rụng/ Rêu biếc sương dầm dề. Tưởng dịch như thế là hay lắm rồi, không ngờ gần đây chị Nguyễn Thị Bích Hải dịch theo thể thơ lục bát cũng hay không kém: Tương tư cho lá vàng rơi/ Cho sương trắng bủa biếc ngời rêu xanh! Nhưng cả hai vẫn dịch chưa thật sát ý. “Vàng diệp” không chỉ đơn thuần là lá vàng. Cái màu vàng của lá là do tác động của “tương tư” (nhớ nhau). Hai người yêu nhau, nhớ nhau đến nổi làm cho chiếc lá ngả sang màu vàng và rơi rụng. Đấy mới là Lý Bạch! Nỗi nhớ của ông cũng khác thường như thế đó! Dịch giã có tài ba đến mấy cũng khó lòng dịch nổi. Ông có thể đo được chiều dài của gió: Trường phong kỷ vạn lý/ Xuy độ Ngọc Môn quan (Gió dài đến mấy muôn dặm/ Thổi tới ải Ngọc Môn quan – “Trăng nơi quan san”). Ông có thể vén được cả mây: Bát vân tầm cổ đạo (Vén mây tìm con đường cũ - “Tìm nhà ẩn đật của thầy Ung”). Người đẹp với ông phải là cỡ Dương Quý Phi, hào sĩ với ông phải là cỡ Phù Phong… Những con đường ông từng đi qua không phải là những con đường bằng phẳng: Sơn tòng nhân diện khởi/ Vân bạng mã đầu sinh (Núi luôn nổi lên trước mặt người/ Mây cứ tuôn ra trước đầu ngựa - “Đưa bạn vào Thục”). Ông uống rượu thì khó ai địch nổi: Tam bách lục thập nhật/ Nhật nhật túy như nê (Ba trăm sáu chục ngày/ Ngày nào cũng say sưa như vùi trong bùn - “Tặng vợ”). Cái buồn, cái đau của ông cũng khác thường: Trừu đao đoạn thủy thủy cánh lưu/ Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu (Rút dao chém nước nước cứ chảy/ Nâng chén tiêu sầu sầu thêm sầu - “Tiễn hiệu úy Thúc Vân”).

        Văn học Trung đại của ta, người chịu ảnh hưởng Lý Bạch nhiều nhất là Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài những câu Nguyễn Du chế tác, biến hóa từ thơ Lý Bạch như “Hương Giang nhất phiến nguyệt/ Kim cổ hứa đa sầu” (“Thú chí”), “Giếng và đã rụng một vài bông ngô” (“Truyện Kiều”) đã nhắc ở trên, ta còn tìm thấy không ít những thi liệu khác. Chẳng hạn như: “Con oanh học nói trên cành mỉa mai” (“Truyện Kiều”) có nguồn gốc từ câu: Tá vấn thử hà nhật/ Xuân phong ngữ lưu oanh (Thử hỏi hôm nay là ngày nào/ Mà con oanh học nói trong gió xuân - “Ngày xuân say dậy, nói chí mình”) của Lý Bạch. Hay câu: “Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành” (“Truyện Kiều”) có gốc gác từ câu: Thanh sơn dục hàm bán biên nhật (Núi xanh sắp ngậm một nửa vầng mặt trời - “Khúc hát quạ đậu”) cũng của Lý Bạch.

 

         Đánh giá tài thơ và khí phách tiên thơ Lý Bạch một cách chính xác nhất, khái quát nhất, sinh động nhất không ai ngoài thánh thơ Đỗ Phủ. Trong bài “Ngày xuân nhớ Lý Bạch”, Đỗ Phủ khẳng định: Bạch dã thi vô địch/ Phiêu nhiên tứ bất quần (Thơ Lý Bạch không ai sánh nổi/ Ý ngang tàng khác hẳn mọi người). Còn trong “Bài ca tám vị tiên đang uống rượu”, đến đoạn nói về Lý Bạch, Đỗ Phủ miêu tả: Tuý trung vãng vãng ái đào thiền/ Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên/ Trường An thị thượng tửu gia miên/ Thiên tử hô lai bất thướng thuyền (Trốn thiền khi rượu ngà say/ Lý Bạch một đấu thơ hay trăm bài/ Trường An điếm rượu ngủ hoài/ Mặc cho vua gọi nằm dài không lên). Đấy chính là sự khác thường của tiên thơ Lý Bạch!

 

    Huế, tháng 7- 2018

                                                                          

 

 

 

 

Mai Văn Hoan
Số lần đọc: 3000
Ngày đăng: 02.10.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trúc Thanh và bài thơ Mùa thu rớm lệ - Phạm Ngọc Thái
Mơ quê trong “Xóm cỏ” của Nguyễn Khôi - Đặng Xuân Xuyến
Song Tử “dòng thơ trầm cảm khôn khuây” - Đặng Châu Long
Đọc “Mợ Hữu” của Trần Nhuận Minh - Đặng Xuân Xuyến
Sợi buồn trói chặt cô đơn - Nguyễn Thánh Ngã
Trao đổi với Ông Hà Văn Thùy về bản dịch bài thơ”Khiến Hoài” của Cụ Trần Trọng Kim - Mai Văn Hoan
Miền thao thức trong thơ Võ Văn Luyến - Hoàng Thị Thu Thủy
Di tích tuổi thơ - Nguyễn Thánh Ngã
Cảm nhận bài thơ “Lỡ” của Đặng Xuân Xuyến - Hà Nguyên
Áo em mùa lụa mỏng – khúc tự tình của nhà thơ Bùi Đức Ánh - Hoàng Thị Thu Thủy