Huế vào khoảng 1955 với làn sóng người di cư từ Bắc vào Nam sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, một hôm anh tôi từ trường học về , mang theo mấy tập thơ "tuyên truyền" của nhà nước Miền Nam , cổ vũ phong trào di cư. Đó là tập thơ của nhà thơ Thế Viên , Phạm Đình Bách... Ở SaiGon lúc đó , Mai Thảo với Đêm Giả Từ Hà Nội cũng được nhà nước Miền Nam in cả trăm ngàn bản giúp nhà văn Mai Thảo trở thành nhà giàu Nguyễn Đăng Quý. Văn ,thơ tuyên truyền của Mai Thảo , Thế Viên lạ thay, không phải là loại rẻ tiền.Những câu thơ của Thế Viên không ngờ lại gây mầm cho chú bé học lớp Nhất trường Tiểu học An Hòa. Tôi vẫn còn nhớ :
... Em vào đây
Nắng đẹp núi đồi
Trăng khơi bến nước
Lúa Đồng Nai xanh mướt cuối trời sâu
Cheo leo tre uốn nhịp cầu
Xứ Dinh vẫn đẹp miếng trầu đưa duyên
Em vào đây
Xuân thắm tóc huyền
Bài ca viễn xứ không nghiêng mắt sầu
Em vào đây hết thương đau
Thuyền thương mở rộng con tàu ra khơi...
Làng Đức Bưu ngày ấy tìm đâu ra những câu thơ như vậy. Tôi không rõ những câu thơ nầy có tác dụng gì đến cảm hứng đối với thầy Nguyễn Bá Nhiệm của tôi hay không. Bởi lẽ năm học đó,vào dịp Tết ,thầy làm bài thơ Xuân Giáp Ngọ và ngâm lên giữa lớp, một trường hợp hiếm có. Trải qua hơn sáu chục năm, đến nay tôi vẫn nhớ thuộc lòng bài thơ thầy sáng tác .Tôi ghi lại đây bài thơ Xuân Giáp Ngọ của thầy như chứng tích của một thầy giáo tiểu học làm thơ sau ngày chia đôi đất nước.Ghi lại không phải để phê bình chuyện hay, dở của bài thơ , mà như đã nói : giữ lại một chứng tích .
Xuân Giáp Ngọ, đây mùa xuân Giáp Ngọ
Bốn phương trời rạng tỏ ánh dương quang
Từ Cà Mâu suốt thẳng Ải Nam Quan
Thân kỳ ký xông pha ngàn vạn dặm
Vượt đồi cao vươn mình qua khe hẩm
Vó vững bền chi ngại bước gian nan
Quyết từ nay xung đột chốn sa trường
Để đem lại vinh quang cho Tổ Quốc
Non sông Việt sẽ từ nay mở mặt
Dưới trời Nam ca tấu khúc khải hoàn
Dẹp chinh yên hàn gắn vết đau thương
Thân thạch mã an nhàn trong muôn thuở.
Bài thơ in đậm trong trí nhớ ,tôi vẫn không hiểu tại sao nó lại không bị phai mờ theo thời gian mặc dù tôi không bao giờ ghi vào giấy và cất tiếng đọc nó.. Phải chăng bài thơ ra đời đúng vào năm tuổi (Nhâm Ngọ) của tôi ngày ấy. Từ đó , tôi cứ bị ám ảnh chuyện làm thơ do nhịp điệu , âm thanh trầm bổng của dòng thơ Thế Viên và bài Xuân Giáp Ngọ của thầy tôi , mặc dù không biết thơ hay, dở thế nào...
Có ai còn nhớ tờ nhật báo Công Dân ở Huế do Lê Trọng Quát làm chủ nhiệm khoảng năm 1960 ? Tờ báo ấy có mục Xướng Họa Thơ do Hà Hử Nhân phụ trách. Hà Hử Nhân chính là thầy Nguyễn Bá Nhiệm của tôi .Đây là một đầu đề kèm theo bài Nguyên Xướng khoảng tháng 5 -1960.
ĐẦU ĐỀ
" Mẹ ơi ! Con muốn lấy chồng
Con ơi! Mẹ cũng một lòng như con"
NGUYÊN XƯỚNG
Một nhà bà mẹ với cô con
Tâm sự đêm ngày luống nỉ non
Đến tuổi "dậy thì" con nhảy nhót
Từ hồi "chếch bóng" mẹ bôn chôn
Nóng lòng cô bé buông câu hát
Trúng ý bà ta tiếp vận dồn
Nhắn với ai ơi toan đến đó
Nhớ đem vung méo với vung tròn (*)
HƯƠNG BÌNH nữ sĩ
Nguyễn thị Xuân Lan
(*) Tục Ngữ :
Nồi tròn úp vung tròn
Nồi méo úp vung méo
Tôi cứ ngờ ngợ HƯƠNG BÌNH nữ sĩ Nguyễn thị Xuân Lan là bút hiệu của thầy trợ Nhiệm dùng cho bài XƯỚNG , vì thầy phụ trách mục Xướng-Họa nầy.Lúc đó tôi cũng tập tểnh làm thơ ... Và đã có bài họa gởi cho báo Công Dân , mục Xướng Họa Thơ do thầy phụ trách . Gởi nhưng không thấy tăm hơi bài họa , chẳng biết thầy có nhận được không.
Sau khi tôi thi đổ vào Sư Phạm Tiểu học Trần Quốc Toản, mẹ bảo anh em tôi đến thăm thầy , nhà ở đường Âm Hồn trong Thành Nội ,báo cho thầy vui, vì thấy là bạn của ba tôi ngày trước . Gặp thầy, chúng tôi chưa kịp báo ,thầy đã biết trước kết quả tôi đổ thứ năm và lên tiếng khen ngợi ngay. Thầy căn dặn một vài điều khi vào học ngành sư phạm. Xong, thầy lôi chuyện bài họa thơ của tôi gởi cho báo ra chê. Thầy nói bài họa còn non ,nên thầy không cho đăng lên báo và khuyến khích tôi tiếp tục...Đó là bài đầu tiên trong đời tôi gởi đăng báo . Tưởng nhớ thầy, tôi nghĩ thầy là người để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm nhất .Sau lần ghé thăm thầy ở đường Âm Hồn, tôi bỏ sư phạm vào SaiGon học ngành khác và không có dịp nào gặp lại thầy.
Chẳng biết ngôi nhà trên đường Âm Hồn Thành Nội ngày xưa có còn con cháu nào của thầy sinh sống...
Vào SaiGon học Bưu Điện , cuối niên khóa 1960- 1961 tôi ra Huế nghỉ hè. Nhớ người bạn cùng khóa Hoàng Ninh vẫn còn ở SaiGon, tôi làm bài thơ THƯ HÈ. Đây là bài thơ đầu tiên của tôi được đang báo , ký tên PHAN DUY.
*
* *
THƯ HÈ
Tôi về thăm xứ mẹ
Anh ở lại Đô thành
Đường đi xa vạn dặm
Có nhớ gì không anh
Tôi về thăm xứ mẹ
Xa gió bụi Đô thành
Đường nơi đây lặng lẻ
Bùi ngùi thương nhớ anh
Chúng mình người xứ Huế
Nơi đất khách thân nhau
Trong cuộc đời tuổi trẻ
Mình xa quê lần đầu
Anh khẻ bảo cùng tôi
Mình đi giữa cuộc đời
Trên đầu hoa xuân nở
Dưới chân nhiều chông gai
Nhìn xứ Huế hôm nay
Trên con đường phượng đỏ
Sao quên được những ngày
Ép hoa trong lòng vở
Mây chiều trăng Thương Bạc
Vẫn trắng trong như xưa
Đường về thôn Vĩ Dạ
Vẫn trầm lặng nên thơ...
PHAN DUY (Huế)
1961