TIẾNG CHIM THÊU
Những cành cây mùa Đông trơ khấc
để làm gì?
để nghe rõ tiếng chim thêu.
Anh bắt đầu hoài nghi từ dạo ấy
lờ mờ nhận ra giữa ánh sáng và bóng tối
là bản cập nhật chưa phải cuối cùng giữa có và không
những người đàn ông hàng ngày trong công sở
họ cũng giống như anh
đang thực hiện kế hoạch của người khác, ước mơ của người khác
những người đàn bà bịt khẩu trang đi trên phố
họ cũng giống như em. Rất vội
lo toan dường như là bất tận
hôm qua, mọi người nói về siêu phẩm vừa xuất hiện
anh cảnh giác như một thói quen
tìm một thang đo mới
khi dịch chuyển tự do rơi vào thăm thẳm
bất ngờ anh nghe được tiếng chim thêu
tiếng đầu núi gọi đàn
tiếng xa chừng ngái ngủ
làm sao biết người nào anh sẽ không gặp lại
những loài chim thêu ngôn ngữ của mình lên vách thời gian
bây giờ anh chạm biết
tiếng chim thêu lưỡi cuốc của cha lên cây gạo đầu làng
bắt gặp mỗi mùa sang
tiếng chim thêu giọt mồ hôi mẹ vãi từ thúng sang nia
bồ gạo trong nhà luôn đầy một nửa
tiếng chim thêu chiếc khăn mỏ quạ của bà lên nấc lửa đèn dầu
ánh trăng qua làng bị rào bởi những ngọn tre
và tiếng phà khói thuốc lào của ông bám theo cột kèo trong căn nhà quá cũ
mái ngói chưa cần thay [dù vài viên đã vỡ].
Mảnh như làn sương sớm bay lên từ mặt đất
tiếng chim thêu những gì mà cành cây trơ khấc?
còn anh tươi tốt trở lại.
2016
Phan Thanh Bình
Có lần trong vô thức, tôi gõ vu vơ lên bàn phím: em thêu chữ lên trang giấy trắng… và rồi nhớ ra đã từng đọc bài thơ Tiếng chim thêu của nhà thơ Phan Thanh Bình trong bài viết Đọc thơ Phan Thanh Bình vào ngày mồng 8 Tết năm nay. Vậy là tiếng chim thêu đã bất ngờ lưu giữ trong vô thức của tôi, và tôi đã đọc lại bài thơ này để tìm hiểu giá trị nghệ thuật của tác phẩm trong tập thơ Chạm & Vuốt.
Những cành cây mùa Đông trơ khấc
để làm gì?
để nghe rõ tiếng chim thêu
Hình ảnh thơ gợi liên tưởng về một hình tượng đẹp trong văn chương đã thành kinh điển, đó là hình tượng cây sồi mùa đông trong tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” của nhà văn Lep Tônxtôi. Sau khi từ chiến trường Austeclic trở về, Anđrây Boncônxki nhận ra cái nhỏ nhoi của con người trước bầu trời xanh rộng lớn và cùng với nó thì giấc mộng Tunlon đã tiêu tan, chàng đi qua thăm trang trại của gia đình Bá tước Rostov, nhìn thấy cây sồi mùa đông khẳng khiu, trơ trụi lá thật hợp với tâm trạng chán chường của mình. Còn trong thơ của Phan Thanh Bình thì không phải vậy, mà “cây mùa Đông trơ khấc, để nghe rõ tiếng chim thêu”, anh không nhìn “cây mùa Đông trơ khấc” một cách buồn bã, chán chường, mà nhờ sự trơ trụi của cây để anh nghe rõ tiếng chim thêu. Đây là phát hiện độc đáo của nhà thơ, ghi rõ dấu ấn cá tính sáng tạo. Trong cái “ẩn tàng” của mùa đông (xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng), điểm thấp nhất của quy luật âm dương là cành cây trơ khấc, anh đã lắng nghe rõ hơn tiếng chim, mà là tiếng chim thêu. Từ điển chưa có cụm từ “chim thêu”, hình ảnh “chim thêu” thật mới, thật lạ, từ ghép giữa danh từ “chim” và động từ “thêu” – chỉ về công việc thêu thùa tỉ mẩn và cẩn trọng. Có thể xem đây là đóng góp của nhà thơ trong việc làm mới từ vựng tiếng Việt qua thơ ca. Trước đây, nhà thơ Xuân Diệu có đưa vào thơ tính từ mới: “mơ phai” (Với áo mơ phai dệt lá vàng – Đây mùa thu tới); nhà thơ Tố Hữu cũng có thêm tính từ mới: “vàng tơ” (Những mái tóc vàng tơ đóng bó – Em ơi… Ba Lan)…
Nhìn cây trụi lá để nghe rõ tiếng chim thêu - tỉ mẩn và cẩn trọng, nên câu hỏi tu từ “để làm gì?” như hỏi mình, hỏi người, hỏi để mà hỏi, hỏi để mà khẳng định và hy vọng: “tiếng chim thêu những gì mà cành cây trơ khấc? còn anh tươi tốt trở lại”. Hình ảnh thơ đối lập: “cành cây trơ khấc” >< “còn anh tươi tốt trở lại” như là điểm nhấn, là tình yêu, là hy vọng cho cả tứ thơ. Kết cấu đầu cuối tương ứng, điệp hình ảnh “cành cây trơ khấc” tạo một ấn tượng thật đặc biệt.
Điều gì khiến anh khi nghe “tiếng chim thêu” mà “anh tươi tốt trở lại”?, dù cành cây vẫn trơ khấc, nghĩa là mùa đông vẫn chưa đi qua, mùa xuân vẫn chưa đến, anh đã hồi sinh, anh đã hy vọng, anh đã tươi tốt…
Vì anh đã “lờ mờ nhận ra giữa ánh sáng và bóng tối, là bản cập nhật chưa phải cuối cùng giữa có và không”. Khi nhà thơ nhận ra cái giới hạn và hữu hạn là vô thủy, vô chung, thì cũng là lúc bật lên ý nghĩ “bản cập nhật chưa phải cuối cùng”. Bi kịch lớn nhất của con người là khi nhận ra mâu thuẫn giữa cái hữu hạn của đời người với cái vô hạn của vũ trụ, hay nói hẹp hơn là giữa cái khát vọng và cái hiện thực nhiều khi không đáp ứng được nhau cũng là bi kịch. Nhưng với Phan Thanh Bình thì từ điểm cực thấp nhất của mùa – thời gian – cành cây trơ khấc – anh chợt nhận ra niềm hy vọng của con người không thể nào, không bao giờ lụi tàn. Bởi trong cái thinh không của vũ trụ “để nghe rõ tiếng chim thêu” anh nhận ra “anh” trong cái đông đúc của phố thị:
những người đàn ông hàng ngày trong công sở
họ cũng giống như anh
đang thực hiện kế hoạch của người khác, ước mơ của người khác
Trong cái chung cộng đồng, anh không là khác biệt, cũng như những người đàn ông trong công sở, điểm khác biệt là anh đã nghe được tiếng chim thêu trong cái cũ đi, cái mòn đi, cái nhàm đi của sự giống nhau đó để cảm nhận cái đẹp và bất tử hóa cái đẹp. Cái đẹp trong thơ anh chính là chọn điểm nhìn từ nơi cằn cỗi, lụi tàn – “cành cây trơ khấc” để định vị lại mình, để nhận ra mình và khẳng định mình vẫn mới mẻ, đầy hi vọng, vì “anh đã tươi tốt trở lại”. Tôi vẫn thường nhắc nhở với mọi người: ngày nào bạn không mơ ước, ngày đó bạn không tồn tại, “tiếng chim thêu” đã giúp tôi nhận ra lý do để con người sống, làm việc và cống hiến, bởi dù bạn ở trạng thái nào thì cũng hãy biết lắng nghe chính mình từ trong thiên nhiên để mà khẳng định được niềm vui của hy vọng.
Anh đi tìm những cách định vị mới, quan niệm mới, nghĩa là anh không mòn đi, cũ đi như những nhân vật trong tác phẩm Sống mòn của Nam Cao, như những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, mà anh tìm cho mình một thước đo mới, nên anh mới tươi tốt trở lại, nên anh mới nhận ra tiếng chim thêu.
Anh cũng nhận ra “em” trong cái đông đúc, xô bồ, nhộn nhạo trên đường:
những người đàn bà bịt khẩu trang đi trên phố
họ cũng giống như em. Rất vội
lo toan dường như là bất tận
Với phụ nữ “lo toan dường như là bất tận”, cái nhìn của nhà thơ về họ thật là nhân ái, anh nhận ra nổi khổ của người phụ nữ, người đàn bà, và trong đó có cả “em”, họ lúc nào cũng vội, lúc nào cũng tất bật, hình tượng phụ nữ như thân cò lặn lội, tảo tần trong thơ Việt đã quá quen thuộc, với Phan Thanh Bình hình ảnh mới hơn, hiện đại hơn “những người đàn bà bịt khẩu trang đi trên phố, và câu thơ so sánh giản dị đến mức đọc lên mà xúc động: họ cũng giống như em. Rất vội
Trong 33 dòng của bài thơ, tác giả chỉ sử dụng 3 dấu chấm, 2 dấu chấm hỏi và một dấu phẩy, nghĩa là kiệm hết sức khi sử dụng dấu câu, bởi nhiều khi nhà thơ không muốn dấu câu làm ngắt đoạn suy nghĩ của mình. Nhưng dấu chấm câu ở dòng thơ: “họ cũng giống như em. Rất vội” thì đắc địa đến mức không thể nào hay hơn, dấu chấm thay cho cả những ý nghĩ cảm thông, thương xót trong anh, anh không viết ra trên trang giấy nhưng người đọc nhận ra nó, người đàn bà, người phụ nữ “của anh” biết được cảm xúc trong anh. Xúc động!
Trong thi pháp nghệ thuật về con người, có lý giải rằng không phải cứ viết về con người là sáng tác văn học, mà sáng tác văn học là phải đem lại cho con người một sự khám phá, phát hiện và lý giải mới mẻ về con người. Thơ trữ tình thì nhân vật trữ tình chính là cái tôi của tác giả. Ở bài thơ này tác giả đã đứng ở ngôi thứ nhất “tôi” để tự lý giải về chính mình, nhưng người đọc đã nhận ra không chỉ có cái tôi của tác giả, mà có cả cái chúng ta. Trong chúng ta hẳn ai cũng không bao giờ muốn mình là bản cập nhật cuối cùng, và mỗi ngày chúng ta vẫn đang cố gắng, đang hy vọng, đang ước mơ để tìm “một thang đo mới”:
khi dịch chuyển tự do rơi vào thăm thẳm
bất ngờ anh nghe được tiếng chim thêu
tiếng đầu núi gọi đàn
tiếng xa chừng ngái ngủ
làm sao biết người nào anh sẽ không gặp lại
Nhận ra cái vô thường trong tự nhiên và cuộc sống, cảm xúc của nhà thơ đã nén chặt đến mức anh chỉ viết ra những dòng chữ giản dị, như kể, như tả, như hỏi, như có và như không… Tiếng chim thêu giờ đây được lắng đọng trong tâm thức, trong cái nhìn từ xa đến gần, từ hiện tại đến quá khứ “khi dịch chuyển tự do rơi vào thăm thẳm”:
những loài chim thêu ngôn ngữ của mình lên vách thời gian
bây giờ anh chạm biết
tiếng chim thêu lưỡi cuốc của cha lên cây gạo đầu làng
bắt gặp mỗi mùa sang
tiếng chim thêu giọt mồ hôi mẹ vãi từ thúng sang nia
bồ gạo trong nhà luôn đầy một nửa
tiếng chim thêu chiếc khăn mỏ quạ của bà lên nấc lửa đèn dầu
ánh trăng qua làng bị rào bởi những ngọn tre
và tiếng phà khói thuốc lào của ông bám theo cột kèo trong căn nhà quá cũ
mái ngói chưa cần thay [dù vài viên đã vỡ].
Thời gian, không gian trong thơ anh tràn ngập những hình ảnh thân thương, với những câu thơ hay đến mức không thể không gợi nhớ về những câu thơ, những bài thơ của những nhà thơ nổi tiếng khi viết về đất nước và nhân dân. Không biết bút lực nào đã giúp anh viết những câu thơ gợi quá nhiều kỉ niệm về cha, về mẹ, về ông, về bà, về ruộng lúa, bờ tre, về văn minh, văn hóa của một đất nước nông nghiệp:
- tiếng chim thêu lưỡi cuốc của cha lên cây gạo đầu làng
- tiếng chim thêu giọt mồ hôi mẹ vãi từ thúng sang nia
- tiếng chim thêu chiếc khăn mỏ quạ của bà lên nấc lửa đèn dầu
- và tiếng phà khói thuốc lào của ông bám theo cột kèo trong căn nhà quá cũ
Chao ôi, đọc lên mà rơm rớm mi mắt. Tôi biết anh từng sống ở miền Bắc, nên hình ảnh “chiếc khăn mỏ quạ” trong thơ anh gợi nhớ về những người phụ nữ miền Bắc với áo tứ thân, với khăn mỏ quạ thật thân quen và gần gũi. Truyền thống là ở đấy chứ ở đâu. Nguyễn Khoa Điềm trong chương thơ Đất nước cũng từng viết: “Cái kèo cái cột thành tên, hạt gạo phải một nắng hai sương xay giã dần sàng”… và đã đi vào tâm hồn người đọc qua biết bao thời gian. Nay, với Phan Thanh Bình anh cũng viết về nhân dân, đất nước bằng cái nhìn từ những hình ảnh thân thuộc từ cha, mẹ, ông, bà và mỗi hình ảnh gắn với một kỉ niệm, trong mỗi kỉ niệm có cả cái cần cù, nhẫn nại, cái thiếu thốn của con người Việt luôn luôn phải chịu đựng bởi đất nước ta “lắm tai, nhiều họa”. Dân tộc là đấy chứ đâu.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng nói rằng: anh viết nhiều thể loại: kịch, truyện, thơ, nhưng chỉ mong người đời nhớ được một câu thơ của anh. Với Phan Thanh Bình anh đã xuất bản hai tập thơ “Phẳng & nghiêng”, “Chạm & vuốt”, với nhiều bài thơ hay, nhiều câu thơ hay, nhiều tứ thơ hay… và khi tôi đọc bài thơ Tiếng chim thêu của anh, tôi nghĩ rằng: đời làm thơ mà có được bài thơ hay như thế này thì cũng thật là hạnh phúc. Thơ hay ở cái tứ, thơ hay ở thi pháp, thơ hay ở ngôn ngữ, thơ còn hay hơn là giữa cái xô bồ, bộn bề của cuộc sống hiện đại, thi nhân vẫn tìm ra một góc riêng, một cái nhìn riêng và cảm nhận nó đến tận chiều sâu của thi tứ. “Tiếng chim thêu” của Phan Thanh Bình không chỉ là thi ảnh mà đã được tác giả khái quát nên thành hình tượng nghệ thuật về đời sống của con người hôm nay. Phải chăng mỗi chúng ta hàng ngày, hàng giờ vẫn đang cặm cụi tỉ mẩn dệt lên tiếng chim thêu trong chính cuộc sống của riêng mình.
Huế ngày 10/5/2018