Bạch Cư Dị (772- 846) tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình quan lại bậc trung ở tỉnh Hà Nam, sau gia đình ông chuyển về tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Bạch Cư Dị đỗ tiến sĩ năm 30 tuổi dưới triều Đường Đức Tông, được phong Hàn lâm học sĩ. Do cương trực, thẳng thắn nên đường quan lộ của ông gặp không ít trắc trở. Ông từng bị giáng chức làm Tư mã Giang Châu, rồi bị điều động làm thứ sử Hàng Châu, Tô Châu…Trước khi về hưu (842), ông làm Thượng thư bộ hình và mất tại Hương Sơn, Lạc Dương. Bạch học sĩ không được sống những ngày tháng hoàng kim như Lý Bạch, không phải chịu cảnh chạy loạn như Đỗ Phủ. Đến thời ông, nhà Đường đã suy tàn, quan lại nhũng nhiễu, hạch sách, vơ vét, nạn thuế khóa hết sức nặng nề, dân chúng đói rách, lầm than. Bởi vậy, thơ ông giàu chất hiện thực và chứa đầy tâm trạng. Mặc dù xếp sau Lý Bạch và Đỗ Phủ nhưng thơ Lý Bạch và Đỗ Phủ chưa chắc đã được truyền bá rộng rãi như thơ ông. Thời đó, thiên hạ đọc, phẩm bình, dán thơ ông khắp nơi. Từ kẻ sĩ đến bình dân đều thích thơ ông. Bài “Tỳ bà hành” và “Trường hận ca” của ông không chỉ nổi tiếng trong nước mà được độc giả một số nước lân cận hết sức ngưỡng mộ (trong đó có Việt Nam).
Sở dĩ thơ Bạch Cư Dị được công chúng yêu thích, truyền tụng là vì thơ ông bình dị, chân thực, thâm thúy, hóm hỉnh và giàu tính nhân văn. Ngoài cái tài kể chuyện, tả cảnh, tả tình, châm biếm, trào lộng… ông còn có tài phát hiện, tài sắp xếp dẫn dắt các tình tiết, sự kiện, hình ảnh… khiến cho thơ ông có sức hấp hẫn, lôi cuốn đặc biệt. Bạch học sĩ thường kết thúc bài thơ với những liên tưởng bất ngờ. Chủ đề, tư tưởng bài thơ vì thế mà xoay chuyển 180 độ trước sự ngỡ ngàng của người đọc. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đi sâu tìm hiểu những nghịch lý và sự tương phản trong thơ ông.
Nghịch lý hiểu một cách nôm na là trái với cái lý thông thường, trái với ý nghĩ thông thường, trái với việc làm, kết quả thông thường. Trong đời sống con người, thường xảy ra các nghịch lý: Càng học nhiều thì càng nhận ra mình ít biết. Càng nhiều thất bại càng dễ gặt hái nhiều thành công. Thứ duy nhất không thay đổi là sự thay đổi… Nghịch lý đầu tiên là màu tóc của Bạch học sĩ. Trong bài “Sống chia lìa” ông phát hiện: Vi niên tam thập sinh bạch phát (Chưa đến ba mươi đầu đã bạc). Thông thường chưa đến ba mươi thì tóc đang còn xanh, sao tóc ông lại bạc? Phải chăng là bởi ông quá thương nhớ người thân, quá nhiều lo nghĩ nên mái tóc mới bạc sớm như thế? Sau này, Nguyễn Trãi từng tâm sự: Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông. Đó là nguyên nhân chính khiến “thi nhân đầu bạc sớm hơn ai” (Nguyễn Du).
Phát hiện nghịch lý thứ hai của Bạch học sĩ là: Tâm trung túy thì thắng tỉnh thì (Khi say trong lòng sáng hơn lúc tỉnh - “Mời rượu”). Người thường say thì mất hết tỉnh táo, thi sĩ say lại thấy mình sáng suốt hơn cả khi tỉnh. Đó phải chăng là sự khác biệt giữa tiên tửu và tục tửu? Nếu không thế sao Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và một số nhà thơ của nước ta như: Tản Đà, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Vũ Hoàng Chương… làm thơ về rượu hay đến như thế.
Trong bài “Bày tỏ nỗi lòng thay bạn”, Bạch Cư Dị còn phát hiện cái nghịch lý trở thành tâm lý chung của người đời: Túc tích sầu thân bất đắc lão/ Như kim hận tác bạch đầu ông (Ngày trước buồn mình chưa lên lão/ Nay hận vì thành lão bạc đầu).
Và đây là tâm trạng của những nàng cung nữ bị thất sủng: Lệ tận la cân mộng bất thành/ Dạ thâm tiền điện án ca thanh/ Hồng nhan vị lão ân tình đoạn/ Tà ỷ luân lung tọa đáo minh (Lệ đẫm khăn là, mộng nhạt phai/ Đêm thâu, điện trước hát ca hoài/ Má hồng chưa nhạt, ân tình dứt/ Ngồi tựa lò hương đến sớm mai - “Bài hát hậu cung”). Lẽ thông thường nhan sắc tàn phai thì đành chịu chấp nhận ân tình phai nhạt. Nhưng má hồng chưa nhạt mà ân tình đã dứt mới đau đớn làm sao! Bởi vì, trong cung lúc bấy giờ: Muôn hồng nghìn tía đua tươi/ Chúa xuân (vua) chỉ hái một hai bông gần (“Cung oán ngâm khúc” - Nguyễn Gia Thiều).
Đây là câu chuyện của một người Hán bị chính người Hán bắt tống giam do nghi ngờ ông ta là người Phiên: Một Phiên bị tù tư Hán thổ/ Quy Hán bị kiếp vi Phiên lỗ (Phiêu dạt đất Phiên bị tù, vì mong nhớ đất Hán/ Trốn về Hán lại bị bắt vì cho là giặc Phiên – “Tên rợ tù”). Tình cảnh ông ta thật là trớ trêu.
Còn đây là câu chuyện hết sức đau lòng của ông lão bán than: Khả liên thân thượng y chính đan/ Tâm ưu thán tiện nguyện thiên hàn (Thương thay trên mình ông quần áo phong phanh/ Nhưng lòng lo than rẻ nên cứ mong cho trời rét - “Mãi thán ông”). Ngồi giữa một đống than mà không dám đốt để sưởi ấm cũng chỉ vì ông sợ không đủ than bán lấy tiền mua gạo nuôi sống vợ con. Sáng mai, ông trầy trật đẩy xe than trong giá buốt ra chợ với bao nhiêu hy vọng. Quá nửa buổi chợ, nghìn cân than chưa bán được đồng nào thì người của triều đình đã đến bốc hết vào kho. Họ buộc một mảnh lụa đào bay phơ phất trên chiếc sừng trâu để thưởng công cho ông. Bao nhiêu hy vọng của ông tan thành mây khói. Đọc “Mãi thán ông” chúng ta càng thấm thía câu ca dao xưa: “Con ơi, nhớ lấy điều này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
Không chỉ phát hiện những nghịch lý, ông còn sử dụng nghệ thuật tương phản. Tương phản - hiểu một cách nôm na là những sự việc, những hình ảnh, những cảnh đời trái ngược, đối lập được đặt cạnh nhau. Hai câu thơ nổi tiếng của Đỗ Phủ: Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chết buốt là nhà thơ sử dụng nghệ thuật sắp đặt tương phản giữa giàu và nghèo để làm nổi bật sự bất công trong xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Đến Bạch Cư Dị, nghệ thuật sắp đặt tương phản này được sử dụng có phần đắc địa hơn, thường xuyên hơn, linh hoạt hơn.
Lướt qua 20 câu đầu bài thơ “Dựng bia” của Bạch học sĩ, ai cũng tưởng ông ca ngợi công lao, đạo đức của những người được khắc vào bia: Minh huân tất Thai Công/ Tự đức giai Trọng Ni (Ghi công đều như Lã Vọng, Kể đức đều như Trọng Ni). Mãi đến cuối bài, khi ông lệnh Cúc ở huyện Vọng Giang xuất hiên, mới biết là tác giả châm biếm, mỉa mai cả người viết văn bia lẫn người được khắc bia. Tư tưởng bài thơ chỉ được bộc lộ qua hai câu kết: Vô nhân lập bi kiệt/ Duy hữu ấp nhân tri (Không ai dựng bia cả/ Mà người trong vùng ai cũng biết và ghi nhớ công ơn). Những người như ông lệnh Cúc mới đáng nể trọng.
Bài thơ “Từ ô dạ đề” (Quạ hiền kêu đêm) cũng tương tự như vậy. Gần cả bài thơ gồm 22 câu, tác giả miêu tả tiếng kêu thảm thiết của quạ con mất mẹ: Kim niên thủ cố lâm/ Dạ dạ, dạ bán đề (Suốt năm giữ rừng cũ/ Đêm đêm, nửa đêm còn kêu). Mãi đến cuối bài thơ tác giả mới hạ bốn câu hết sức đột ngột: Tích hữu Ngô Khởi giả/ Mẫu một tang bất lâm/ Ta ai tư đò bồi/ Kỳ tâm bất như cầm (Xưa có viên quan Ngô Khởi/ Mẹ mất không về đưa đám/ Than ôi, cái lũ ấy/ Lòng dạ không bằng loài chim). Bằng nghệ thuật sắp đặt tương phản, ý nghĩa bài thơ được nhân lên gấp bội.
Bài thơ “Khinh phì” (Nhẹ và béo) cũng có lối sắp xếp và kết cấu tương tự. Cả 30 câu thơ đầu tác giả tập trung miểu tá cái thú ăn chơi của các vị quan trong triều: Tôn lôi dật cửu uấn/ Thủy lục la bát trân (Vò tràn đầy chín thứ rượu quý/ Cổ la liệt các món rừng, biển)…. Bạch Cư Dị chỉ dùng hai câu cuối làm xoay chuyển nội dung bài thơ: Thị tuế Giang Nam hạn/ Cù Châu nhân thự nhân (Năm ấy, Giang Nam bị khô hạn/ Ở Cù Châu người ăn thịt người). Nhà văn Lỗ Tấn từng đúc kết xã hội Trung Hoa thời ông sống là xã hội “người ăn thịt người” với nghĩa bóng, để ám chỉ sự bóc lột nặng nề của giai cấp thống trị. Nhưng hai câu thơ trên của Bạch Cư Dị là nói với nghĩa đen hoàn toàn. Chuyện người ăn thịt người ở Cù Châu, tỉnh Giang Nam vào thời đói kém đó là hoàn toàn có thật. Hai bức tranh tương phản đến cực điểm, vượt xa hai câu thơ của Đỗ Phủ: Cửa son rượu thịt ôi/ Ngoài đường xương chết buốt. Ta còn bắt gặp lối sắp xếp và kết cấu ấy trong rất nhiều bài thơ của Bạch Cư Dị. Nó hình thành một nét trong phong cách nghệ thuật độc đáo của ông. Chẳng hạn như bài “Ca vũ”: Chu môn xa mã khách/ Hồng chúc ca vũ lâu/ …Khởi tri Vân Hương ngục/ Trung hữu đống tử tù (Cửa son đầy khách ngựa xe/ Đuốc hồng rực lầu hát múa/ …Biết đâu trong lao Vân Hương/ Có người tù bị chết cóng). Bài “Mua hoa”: Chước chước bách đóa hồng/ Tiên tiên ngũ thúc tố/ …Nhất tùng thâm sắc hoa/ Thập hộ trung nhân phú (Rực rỡ trăm đóa hồng/ Nõn nà năm bó trắng/ …Một khóm hoa tươi thắm/ Bằng thuế mười hộ giàu). Bài “Rét dữ ở quê nhà”: Trúc bạch giai đống tử/ Huống bỉ vô y dân/… Thảo đường thâm yểm môn/ Cát cừu phú thi bị (Tre thông đều chết cóng/ Huống dân không áo mặc/…Còn ta ngồi trong nhà cỏ kín mít/ Đã áo kép lại thêm chăn bông). Hoặc bài “Con tuấn mã gầy gò”:Luy nga vô nhân mục (Gầy đói không ai chăm nuôi). Những người mua xem tướng ngựa chê gầy: Toại di thiên lý túc (Không thấy được bộ vó nghìn dặm). Bởi vậy loài ngựa thường thì được vỗ béo, còn tuấn mã thì ngày càng gầy rạc. Bạch Cư Dị đâu chỉ nói chuyện ngựa. Thơ ông thâm thúy là vì lẽ đó.
Những năm làm Tư mã Giang Châu (815- 818), Bach học sĩ viết một bức thư khá dài gửi Nguyên Chẩn. Trong thư có câu: “Xem thơ tôi thì biết được đạo của tôi ở trong đó”. Đạo của ông cũng giống Nguyễn Trãi là “ưu quốc, ái dân”. Bởi thương những người dân lao động nghèo khổ, bần hàn và căm ghét bọn quan lại tham lam, độc ác mà ông phát hiện không ít những nghịch lý và nghịch cảnh đau lòng.
Năm 845, mặc dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn tìm đến thôn Triệu để ngắm hoa hạnh đỏ lần cuối cùng: Triệu thôn hồng hạnh mỗi niên khai/ Thập ngũ niên trung khán kỷ hồi/ Thất thập tam nhân nan tái đáo/ Kim niên lại thị biệt hoa lai (Hạnh đỏ thôn Triệu năm nào cũng nở hoa/ Trong mười lăm năm ta đã mấy lần xem/ Người bảy mươi ba tuổi khó mà đến được lần nữa/ Năm nay ta đến chính là đến để từ giã hoa – “Hoa hạnh đỏ thôn Triệu”). Nhiều người đọc bài thơ này đã không sao cầm được nước mắt. Ông mất đúng một năm sau đó, nhưng những bài thơ hay của ông thì sống mãi với thời gian.
Huế, tháng 8 -2018