Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.122
123.141.528
 
Trò chuyện cùng Tháp Nghiêng của Hoàng Vũ Thuật
Hoàng Thị Thu Thủy

 

 

       Văn nghệ số 04 (27-1-2007) có ba bài thơ của Hoàng Vũ Thuật: Thế giới và tôi, Lá, Màu, ba bài thơ nhờ hộ lý chép lại sau một cơn tai biến. Kì lạ và may mắn làm sao. Tôi cuống quýt, cứ tưởng con người là mãi mãi, nhà thơ là mãi mãi, ai ngờ “và tôi cười nửa miệng/ nói nửa miệng/ âm thanh nghiêng nghiêng/ những tiếng đầu đời/ theo cách nói người thượng cổ” (Thế giới và tôi). Chao ôi, đọc những dòng thơ mà cứ rưng rưng... Đâu rồi câu thơ “Xa lắm thời em lên chín tuổi”, đâu rồi bài thơ “Mùa thu trước” anh chép tặng tôi vào ngày 14-3-1988. Nghe giọng anh qua điện thoại, biết là “tai qua nạn khỏi” mà cứ xốn xang, hóa ra tôi biết anh đã gần nửa thế kỷ, dù rằng tuổi tôi nay cũng mới gần nửa thế kỷ. Có nghĩa là biết anh - nhà thơ Hoàng Vũ Thuật khi tôi còn bé tí, khi tôi đứng trên làng cát Bảo Ninh không tìm ra nhà dù từ chỗ tôi đứng cách nơi tôi ở chỉ qua ba ngôi nhà. Anh dẫn tôi về như một chiến công vì ba tôi và các đồng nghiệp cũng lo tôi mất tích. Từ bé đến lớn tôi luôn được nghe thơ anh, đọc thơ anh, tôi cứ xem như đó là lẽ đương nhiên, vì anh là nhà thơ, tôi là nhà giáo, nhà giáo dạy văn thì đọc thơ của nhà thơ mà với mình quá nhiều kí ức.

 

       Anh tặng tập thơ Tháp nghiêng cho ba tôi vào năm 2004, tặng tôi tập thơ Lặng im mùa hạ vào năm 1985, Gửi những ngọn sóng vào năm 1986 và tôi đã viết bài “Gửi những ngọn sóng - sóng hồn anh” cũng vào năm đó, gửi Tạp chí Sông Hương, không được đăng. Tôi lặng lẽ mang về và vẫn còn cất giữ cho đến hôm nay, cách đây vài tháng tôi định gửi đăng lần nữa, tôi hỏi ý kiến anh, anh nói là viết về Tháp nghiêng đi, và hôm nay khi tôi điện thoại cho anh dù giọng nói của anh còn yếu ớt, nghe chưa rõ, anh vẫn nhắc lại lần nữa: hãy viết về Tháp nghiêng. Và tôi đã hứa với anh. Chỉ sợ không đủ năng lực để hiểu hết thơ anh. Từ lâu tôi vẫn nghĩ về một nhà thơ Hoàng Vũ Thuật rất nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, trong trăn trở, suy tư và anh thực sự đã sáng tạo cho mình một thế giới thơ mang nét riêng của mình. Ngay từ Gửi những ngọn sóng đã phần nào thể hiện chân dung đích thực của anh, không ồn ào phô trương, không náo nhiệt thời thượng mà xáo động, nồng nhiệt, cháy bỏng từ bên trong. Và có nhiều bài phải đọc lại nhiều lần mới cảm nhận hết cái mạch sóng ngầm ấy. Anh cởi mở trong tế nhị sâu kín. Anh say đắm mà không buông thả. Nhịp thơ không gò bó, câu nệ, sức thơ dồi dào, mãnh liệt mà đằm thắm, thâm trầm trong cảm và nghĩ, trong phát hiện và biểu hiện...

 

       Lấy tên bài thơ Tháp nghiêng đặt tên cho cả tập với 45 bài thơ thể hiện chủ ý của nhà thơ và anh đã nhắc lại với tôi tên tập thơ vừa đau đáu, vừa da diết bởi “Làm sao níu được bước chân thời gian?/ giữ lại chút mơ hồ làn sương mỏng/ và sợi tóc/ di sản ái tình ngày qua” (Di sản). “Làm sao níu được bước chân thời gian?” để gặp lại một Hoàng Vũ Thuật của hơn 20 năm trước tha thiết sống, tha thiết yêu, hăm hở đến với nàng thơ bằng trái tim đa tình, đa cảm, bằng giọng điệu thủ thỉ tâm tình, nhẹ nhàng sâu lắng, bằng sự tự tin của tuổi trẻ, bằng nhiệt tình cháy bỏng muốn đốt cháy mình trong ngọn lửa thơ ca “Như cánh chim không tuổi/ Tôi bay khắp bầu trời/ Cất tiếng ca lảnh lót/ Dâu da, dâu da ơi” (Bài hát trái dâu da - Gửi những ngọn sóng). Đúng là thời gian đã để lại dấu ấn trong Tháp nghiêng  “Không bến nước, không sân đình/ Mình tôi đợi với bóng mình thành hai... Đợi ai, ai đợi, ai nào!/ Mà tôi quanh quẩn ra vào quên tôi” (Đợi); “Một bên anh, một bên em/ Một biển thắm, một trời đêm mịt mùng... Một sinh thành, một tái tê/ Một đi mà ở, một về mà không” (Đếm). Cô đơn, lẻ bóng, trăn trở, buồn tái tê. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy từng đặt câu hỏi “Có một điều không thể lý giải được là tại sao các nhà thơ thường cô đơn như vậy?”([1])... Đọc Tháp nghiêng hay Những đám mây lơ lửng có thể nhận ra nỗi cô đơn trong Hoàng Vũ Thuật từ triết lý nhân sinh, từ những gì nhà thơ cảm và nhận được trong cuộc sống hiện tại, trong quá khứ và cả tương lai. Dường như nhà thơ cô đơn và buồn còn vì sự “lệch pha” của chính nhà thơ với cuộc đời thường nhật, và ngay cả nhà thơ cũng nhận ra mình “không bình thường”, “đãng trí”, “ngớ ngẩn”: “365 ngày, ngày nào anh cũng quên.../ 365 ngày, ngày nào anh cũng nhớ.../ 365 ngày, ngày nào anh cũng muộn.../ 365 ngày, ngày nào anh cũng nhầm.. / 365 ngày, ngày nào anh cũng nợ” (Ba trăm sáu lăm ngày)... “Lệch pha”, “không bình thường” để mọi người “đồn đại”, “đàm tiếu” cũng đã là cô đơn. “Lời đồn đại/ Con dao hai lưỡi/ Quay bên này ắt chạm mặt bên kia/ Thiện ác tong tênh tờ giấy mỏng/ trắng và đen/ Ấm và lạnh/ Bằng thừa” (Lời đồn đại). Hóa ra nhà thơ không vô tâm, không quay lưng với lời đồn đại, mà nhận ra cái tôi của mình cô đơn trong sự vây bủa của lời đồn đại, của sự nhập nhòa giữa trắng - đen - phải - trái, của “bia miệng”, của những điều tưởng như đơn giản mà không đơn giản chút nào: “Tôi tất bật với cuộc đời tất bật/ Kiếp dã tràng vật lộn gió cùng mưa/ Tôi còn đây, họ vẽ chuyện hôm qua/ Họ tính chuyện ngày mai chưa tới/ Tôi hèn nhát/ Ngu ngơ/ Dữ dội. Tôi thâm trầm/  Khôn ngoan/ Nông nổi/ Tôi cuồng mê/ Rối rắm/ Đa tình...” (Lời đồn đại). Đọc những câu thơ tưởng như tự sự, tưởng như tâm tình, mà đau đau, xót xót vì những gì nhà thơ từng chịu đựng, từng vượt qua, từng buồn bã “Lời đồn đại/ Rồi sẽ thành cây/ Rồi sẽ thành rừng”. Một nhà thơ với gần nửa thế kỷ sống cùng thơ, một nhà thơ từng in dấu chân mình trên khắp mọi miền đất nước, từng ngơ  ngác, vụng dại trước thời buổi kinh tế thị trường cũng đã thấm mệt vì lời đồn đại và rồi cô đơn nghĩ đến Cõi chếtTrên trán tôi, một làn mây óng/ Nở bung cơn mưa hạ/ Mười chiếc lá rừng/ Choàng qua cổ/ Tôi thanh thản trôi vào cõi chết...”. Nghĩ về Cõi chết mà không tuyệt vọng, mà hi vọng “Cây nến tim tôi bùng cháy”, và mơ Giấc mơ không có trong sự thật “Tôi mơ thấy khói trắng/ Bay trên mộ tôi nằm/ Và một nghìn cây nến/ Cháy qua mấy mùa trăng”... Giọng thơ của Hoàng Vũ Thuật cứ là lạ, vừa như có vừa như không, vừa như rơi vào trạng thái vô thức... “Cái tôi” thi nhân trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm, day dứt và thăm thẳm một nỗi buồn “rồi một mình/ Và tôi/ Và phố bài thơ đơn độc/ Một mình người hỡi/ Xin người đừng nghe nữa những giọng trầm/ Lạc nhịp/ Lênh đênh” (Đơn độc). Nỗi buồn này đã từng in dấu trong Gửi những ngọn sóng  “Mùa đông chưa kịp tới/ Mùa thu đi lúc nào/ Giữa hai mùa vời vợi/ Chỉ còn anh và sao” (Sao và anh - Gửi những ngọn sóng). Và nhiều khi ta đọc được nỗi buồn trong trái tim  quá nhạy cảm, biết dự cảm và linh cảm được cả nỗi cô đơn: “Tim ơi xin đừng khóc/ Cành cây tự giãi bày/ Sống - nghĩa là xa cách/ Duyên cớ nào ai hay?” (Lá và cành). Cho nên “Cái vành nôi yên tĩnh đời con” với mảnh đất “Bao cuộc đời cát lấp với phù sa, Cát trộn lẫn trong hạt cơm vừa chín” (Vùng bão cát - Gửi những ngọn sóng) của một thời, giờ đã trở lại trong Tháp nghiêng không chỉ là tâm thức, là tiềm thức mà còn là vô thức “Kẻ mộng du dò từng bước một/ Những bóng ma tự vuốt lấy mặt mình/ Tiếng khóc vỡ trên cát/ Nước mắt thấm trên cát/ Không đủ sức hồi sinh làn da non” (Kiếp hoa); “Có thật ông đấy không?/ Vừa đi vừa đếm bước/ Những bước trầm trên trảng cát/ Một bước lên, lại một bước lùi về” (Người điên). Hoàng Vũ Thuật tỏ ra sắc sảo khi viết về những hoài niệm, và thơ anh thật giàu liên tưởng, nhiều khi cái phi lý đi qua tâm tưởng nhà thơ để thành cái có lý “Bao mùa hoa đi qua/ Bao làn hương đã chết/ Hoa phượng nở tình cờ/ Để riêng mình tôi biết” (Hoa phượng tình cờ)

 

       Anh viết về bạn bè, về thơ như chính những gì đang diễn ra hàng ngày quanh anh, về bạn bè: “Không ai mang theo gì cả/ Họ ngồi bên biển với cốc rượu đầy” (Những người bạn của tôi). Trong ký ức của tôi,  bạn của Hoàng Vũ Thuật là những nhà thơ Hải Kỳ, Ngô Minh, Lý Hoài Xuân, Mai Văn Hoan... Họ “cùng một lứa bên trời”, từng hào hứng, rung cảm và xao xuyến khi vừa làm xong một bài thơ, họ say sưa đọc thơ suốt đêm, vô tư với nàng thơ và nàng thơ ban tặng cho họ những mùa quả ngọt “Không cần biện minh/ Không cần bày tỏ/ Câu thơ sinh ra quằn quại thế nào/ Cả lâu đài, cả túp lều cỏ/ Đã vào thơ ai biết khi nào!” (Nhà thơ). Ở bài thơ Những người bạn của tôi, tên bài thơ nằm trong cấu trúc của khổ thơ đầu tạo nên cảm xúc liền mạch, miên man trong hồi tưởng, trong suy tưởng và rồi những câu thơ bậc thang “Để làm gì/ làm gì/ không biết nữa!” lặp lại ba lần như điệp khúc nhấn mạnh cá tính nhà thơ “Họ đồng nghĩa với tâm thần, dại dột/ Và bao lời đồn đại vu vơ” (Nhà thơ). Viết về nàng thơ, nhà thơ như quên đi tất cả, quên cả nỗi buồn, quên cả lời đồn đại, quên cả cuộc sống thường nhật mà thăng hoa, mà bay bổng, mà sống trong trạng thái vô thức, mà khơi dậy tiềm thức “Những con chim sẻ rồi ngủ trong lùm tre cổ xưa/ anh mãi thức/ vì anh biết/ cuối chân trời, em là bài thơ duy nhất/ trụi trần như tình yêu/ như trái chín/ như mặt người tinh khôi” (Thơ).

 

      Vẫn sử dụng thể thơ tự do, chỉ có một số bài theo thể lục bát, thể 5 chữ, thể 7 chữ, mà cách viết của Hoàng Vũ Thuật trong Tháp nghiêng có gì là lạ. Lạ từ cấu tứ, lạ từ hình ảnh, lạ từ kết cấu, lạ từ câu thơ. Có phải vì “Chiều nay em quay nghiêng làm chi, cái dáng ngôi tháp cổ” - ngôi tháp cổ hay là anh - thi nhân - đang quay nghiêng làm nên điều kì diệu từ chính những câu thơ, những con chữ lạ lùng với những điệp khúc như nhắc nhở, như khắc sâu, như trái phá “Vươn về phía con người, ngôi tháp/ Tự tin/ Hy vọng/ Tự tin... Giữa triệu triệu thiên hà/ Vững bền/  Trường tồn/ Vững bền” (Tháp nghiêng). “Tại sao/ Tại sao/ Tại sao” (Kiếp hoa). “Ai bên cửa sổ để ngõ nụ cười.../ Ai giơ bàn tay, bàn tay năm ngón” (Ai bên cửa sổ). “Vì sao, Tại sao?/ Để giải nghĩa những điều vô cớ.../ Vì sao, Tại sao?/ Cánh chim bay ngược chiều gió thổi” (Những câu hỏi không phải trả lời). “Rồi sẽ thành cây/ Rồi sẽ thành rừng/ Rồi sẽ...” (Lời đồn đại). “Sao không cát bụi../ Sao không ngọn gio...” (Sao không la). “Thế kỷ trước/ hoài nghi/ trải đời trên cỏ xước/ Sông chầm chậm trôi/ khắc khoải/ không ngày/ không tháng/ không năm” (Thế kỷ trước). Kết cấu trùng điệp, ngôn ngữ trùng điệp tạo nên điểm nhấn trong hình ảnh, trong thi tứ và cũng là điểm nhấn của chính phong cách nhà thơ. Sau Những bông hoa trên cát, Thơ viết từ mùa hạ, Gửi những ngọn sóng, Đám mây lơ lửng, thì Tháp nghiêng đã định hình, định danh một phong cách, một sự đột phá, một sự đổi thay trong chính Hoàng Vũ Thuật. Con người từng trầm lắng dấu kín nỗi đam mê với nàng thơ từ thế kỷ trước giờ trở nên cởi mở, chân thành trong bao điều trăn trở. Cái tôi thi nhân không chỉ tìm về kí ức từ mái nhà xưa mà khao khát giải bày,  khao khát nhập cuộc, khao khát đổi mới thơ, khao khát cùng nàng thơ đi không mỏi mệt trên con đường thơ ca mà đời anh đã chọn. Anh không chỉ chọn thơ ca vì nó là tiếng lòng, là cảm xúc, mà còn là quý phái, là sang trọng, là tình yêu cháy bỏng; nên vừa sau cơn hoạn nạn anh đã gửi lòng mình qua những dòng thơ trong căn phòng bệnh viện, dường như thơ ca đã hồi sinh anh sau cơn tai biến và với anh “chiếc lá cuối cùng” không chỉ là niềm hy vọng mà còn là tình yêu cuộc sống cháy bỏng “Chiếc lá bông cẩn ..../ đặt lên môi tôi khô khát/ một nụ hôn xanh” (). Mong là nụ hôn xanh làm nên điều kì diệu với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật  trong thơ ca và cuộc đời.

 

      Cảm ơn Hội nhà văn, Báo Văn nghệ đã thông báo kịp thời cho độc giả biết về “cơn tai biến” của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cùng những bài thơ được xem là cứu cánh trong thời gian anh không ngồi dậy được, để tôi - một độc giả, một người thân, một người tri âm với thơ Hoàng Vũ Thuật có dịp đọc lại Tháp nghiêng cùng anh - nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

 

   Huế Mồng Hai Tết Đinh Hợi

                                                                                               

 

 



([1]) “Tháp nghiêng và nỗi ám ảnh bởi Đám mây lơ lửng (Nhân đọc thơ Hoàng Vũ Thuật) - Đỗ Lai Thúy

 

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 1767
Ngày đăng: 29.10.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc “Quê trong phố” của Nguyễn Xuân Môn - Đặng Xuân Xuyến
“Về với mẹ”- giọt nước mắt cho thân phận người phụ nữ ! - Đặng Chương Ngạn
Những nghịch lý và tương phản trong thơ Bạch Cư Dị - Mai Văn Hoan
Đường xa mây trắng - Đình Quân
Khi nàng thơ thay áo… - Yến Nhi
Là nước chẳng là sông - Đình Quân
Lâm Thị Mỹ Dạ và những bài thơ đi cùng năm tháng - Hoàng Thị Thu Thủy
Những bông hoa mùa trần gian (*) - Phan Nam
Trần Dzạ Lữ - hồn thơ nồng nàn lãng mạn - Hoàng Thị Bích Hà
Nguyễn Đức Phú Thọ - những vần thơ lay động, tinh tế - Hoàng Thị Thu Thủy
Cùng một tác giả