Tôi về trường nhận công tác vào một chiều đông. Mang túi xách, lạ lẫm đi về khu nội trú của trường, tôi gặp chị. Chị Hiền. Chị nói, trường Bổ túc văn hóa chỉ thích hợp cho giáo viên “già”, cậu về đây làm gì!
Trường Bổ túc văn hóa huyện miền núi Minh Hóa (những năm của thập kỉ 80) gần ga Đồng Lê, nằm trên khu đồi cao. Phía trước trường có đường sắt chạy qua, ngày đêm tàu chạy xình xịch nhả khói. Mỗi khi tàu xuất bến, tiếng còi hú lên dội vào vách đá vọng lại ngân dài, xa xăm. Xung quanh trường, những hàng cây bụi mờ mờ trong sương chiều. Sau trường là những vạt sắn đang lên xanh, đó là khu tự túc của giáo viên. Sân trường vắng hoe, không bồn hoa cây cảnh. Trường mới thành lập chưa đầy năm nên còn hoang sơ, mái lá khiêm nhường thoảng mùi lá cọ, những bức tường trát đất loang lổ ngai ngái mùi bùn.
Chị 26, hơn tôi hai tuổi. Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn. Khuôn mặt trắng hồng, luôn nở nụ cười để lộ hai răng khểnh trong cũng có duyên. Tôi hỏi, chị còn trẻ sao bảo trường này phải là giáo viên già. Chị nói. Cậu ngây thơ lắm, qua 25 là gái ế, như chị là già rồi. Chị xưng cậu với tôi cũng thân mật. Quê chị xuống ga Ngọc Lâm là đến, nhưng chị vẫn thường xuyên ở lại trường. Thế là có bạn nội trú.
Trường Bổ túc văn hóa dạy cho cán bộ xã trong huyện. Họ là những vị Chủ tịch, Bí thư, cán bộ Ban ngành của xã, trình độ mới hết cấp I( tương đương tiểu học bây giờ), nay bổ túc cấp II(THCS) cho có bằng, đủ thủ tục để tiếp tục làm việc. Đầu tuần, lác đác vài chục vị, đạp xe đạp gần năm chục cây số lục tục đến. Sau xe lỉnh kỉnh đùm to, gói nhỏ tư trang của một tuần. Cuối tuần, trường vắng teo, chỉ sót lại ba giáo viên nội trú, anh bảo vệ, chị cấp dưỡng. Bếp chiều nội trú lan man toả khói, đâu đó lóc cóc nhạt nhẽo tiếng bằm chặt cải thiện thêm bửa ăn.
Trăng nhạt, tôi nhắc bàn ghế ra hành lang cùng chị uống nước. Được biết quê chị ở Đức Hóa. Chị nói, quê chị đẹp lắm. Dòng sông Gianh uốn lượn quanh sườn đồi, thấp thoáng những mái nhà rủ bóng. Những hòn lèn (núi) dựng đứng rộn tiếng chim ca. Mùa ngô chín, bầy khỉ toang toác dắt nhau về bẻ trộm. Tiếng gõ mõ, tiếng đuổi của người dân làm rộn rã nơi quê mùa bình yên. Quê chị có đặc sản sắn ngon nổi tiếng. Sắn bùi, dẻo chấm muối vừng thơm ngậy. Chị nói, dạy ở đây buồn, nhưng vì người yêu chị xin về. Người yêu chị làm ở Hà Nội, mỗi khi về thăm chị xuống ga cho tiện. Chị có đứa cháu học cấp III(THPT) trường huyện, ở nội trú. Thế là tôi có bạn. Chị bảo tôi đừng ăn cơm tập thể nữa, để chị nấu cả ba người cùng ăn cho vui. Không cần suy tính, tôi nhận lời. Thằng Tâm - cháu chị - nó cũng gọi tôi bằng cậu, là thanh niên to khỏe, nhanh nhẹn, siêng năng, chăm học. Chị phân công rạch rồi lắm. Cậu cháu tôi chiều thứ bảy đi củi, chủ nhật cuốc đất trồng rau, còn chị đi chợ, nấu cơm. Có lúc, cuối tuần bận học thêm, chị Hiền thay phần việc nó cùng tôi đi hái củi, trồng rau. Một dạo, tôi và chị đi hái củi. Dọc đường chị kể cho tôi nghe chuyện sinh hoạt ở trường, chuyện nhà của chị. Bố mất sớm, mẹ lam lũ nuôi mấy chị em ăn học. Vất vả trăm bề, nhưng mấy chị em ai cũng ham học nên có việc làm ổn định, tuy đồng lương ít ỏi nhưng đều đặn. Rồi kể chuyện người yêu của chị. Đó là một chàng trai to khỏe, kỹ sư xây dựng hẵn hoi. Thế là oách lắm. Chuyện tình của chị bắt đầu từ một cuộc hứa hẹn của hai nhà. Bố chị và bố người ấy là hai người bạn thân, họ hẹn nhau sau này có con khác giới thì gả cho nhau. Lời thề ấy cứ thắt chặt họ cho đến khi bố chị ốm nặng. Trước khi qua đời đã dặn dò chị phải lấy người ấy, nếu không ông sẽ không yên lòng ra đi. Thương bố, chị ngoan ngoãn nhận lời dù không yêu, cũng không ghét. Kết thúc câu chuyện chị thả một câu chép miệng. Thế đó cậu, ông trời đã định. Tôi chặt cho cho chị gánh củi khô, không ngờ nặng thế, chị từng bước gánh về. Tôi bảo vứt bớt, nhưng chị không cho. Chị nói, chịu khó thôi, gần tối rồi về không kịp sợ lắm… Tôi chạy nhanh về trước rồi cùng Tâm đi đón chị. Hú mãi khắp rừng không thấy. Hai cậu cháu hoảng quá nghĩ dại, hay bị ông hổ bắt mất rồi. Ở rừng này, người ta đồn đại còn sót lại một con hổ già nó không chịu vào rừng sâu mà lẩn quất đâu đây tìm mồi. Nghe đâu hai năm trước có người bị hổ ăn thịt, thật hãi hùng. Đi thêm dăm bước nữa, có tiếng người đang rên. Đây rồi, chị nằm vật bên đường cách gánh củi một quảng. Chiếc quần lụa cũ bị rách dài xuống gối, máu ở chân ứ ra, đầu gối trầy xước trong thảm thương. Chị cho hay, có một con hoẳng ở trong rừng chạy tạt ngang đường, chị hoảng quá, bó củi rời vai, chị lảo đảo rồi ngã sóng xoài theo con dốc nên mới ra nông nỗi này. Thằng Tâm xuống suối lấy nước rửa cho chi, tôi bứt nắm lá cỏ hôi bên vệ đường nhai đắp lên chỗ chảy máu. Thế rồi, thằng Tâm gánh củi, tôi cõng chị về. Chị nằm trên lưng nhẹ nhõm nghe tiếng thở gấp, tức tưởi. Tôi ân hận lắm. Biết nói gì để động viên chị đây. Hai cậu cháu tôi nấu cháo cho chị ăn, nấu nước lá bưởi cho chị tắm. Xem chị có sao không để đưa đi bệnh viện. Chị lắc đầu. Không sao đâu. Vậy là yên tâm lắm rồi. Vài ngày sau, chân lên da non, chị đi lại được. Nụ cười trên môi chị lại nở làm cho hai cậu cháu tôi vui mừng lắm.
Người yêu chị về chơi. Rồi anh rủ chị và thằng Tâm về quê. Tối đó, tôi ở lại một minh, buồn vắng giữa núi rừng. Tiếng côn trùng nỉ non, tiếng thú rừng đi ăn đêm toang toác, tiếng xạc xào của bóng đêm nghe rờn rợn. Lần đầu tiên tôi thấy nhớ chị, chơi vơi…
Mùa xuân đến, chị rủ tôi về quê chơi. Tôi và thằng Tâm ra sông tắm. Trời sang xuân nhưng nước sông vẫn còn sót lại cái lạnh muà đông. Chị đưa rổ khoai đi theo ra sông để rửa. Tắm mau kẻo cảm lạnh, chị nói âu yếm như với một người em. Tôi nhìn chị mỉm cười. Không sao đâu. Thế là nhoài ra sông ngụp lặn. Trong bờ, năm sáu đứa trẻ con cũng đang tắm. Chị bảo mấy đứa đừng ra xa mà nguy hiểm. Sau một hồi ngụp lặn, mệt nhừ. Hai cậu cháu tôi bơi vào bờ. Bỗng chị kêu lên. Cứu ! Cứu mấy đứa trẻ. Ba đứa trẻ bơi vào và chạy lên bờ, còn có mấy cánh tay chới với trên mặt nước. Không toan tính, Tâm nhào tới túm tóc một đứa, tôi lặn xuống túm chân một đứa kéo vô bờ. May chưa đứa nào uống nước. Còn một đứa nữa. Hai cậu cháu lặn xuống, nước sâu độ ba mét. Ôi ! cái chân, cái chân bị làm sao ấy. Đúng là chuột rút rồi. Tôi đau nhói không còn đủ sức mà bơi nữa, vùng vẫy một lúc rồi từ từ chìm nghỉm.
Tôi tỉnh dậy trong niềm vui của cả nhà. Chị vừa mừng vừa tủi. May. Nếu cậu có làm sao chị ân hận cả đời. Tôi hỏi chị mấy đứa trẻ có sao không. Không sao ! May cứu kịp. Tôi nói với chị, có số mà. Chị nói, còn đùa được nữa. Nghe chị kể lại, khi tôi chìm nghỉm, chị hoảng hốt bảo thằng Tâm đi gọi mấy người trong xóm ra giúp. Chị ngồi trên bờ sụt suì. Khi vớt lên, bụng tôi no nước, mấy người trong xóm xóc nước, còn chị hô hấp nhân tạo cho tôi. Mấy đứa trẻ con trong xóm gặp tôi còn trêu, chị Hiền hôn chú ấy bây ạ !
Mấy ngày khỏe lại, tôi và chị ra ga tàu về trường. Không có tàu. Nghe đâu trật bánh ở ga Thọ Lộc, sáng mai mới có thể thông tàu. Thế là hai chị em đi bộ về trường, ngày mai là ngày đầu tuần nên không thể trể được.
Trăng thượng tuần, không một gợn mây, sáng như ban ngày. Hai chị em từng bước, khoan thai nhịp đều trên đường ray. Không ai nói điều gì, chỉ nghe tiếng gió xạc xào lá cây rừng. Không gian về đêm yên ắng không một bóng người. Thĩnh thoảng lấp ló ánh đèn của người đi tuần đường. Đi mệt, chị đề nghị tôi ngồi nghỉ. Lác đác vài hạt mưa đâu đó đổ xuống, tôi kéo chị sát gần lại để tránh những giọt rơi trên mái tóc, chị khẻ hất tay tôi rồi ngồi xích ra. Chị nói. Giá như chị có đứa em trai như cậu.. Tôi đùa, tưởng người yêu chứ làm em có khó gì. Chị mắng. Đồ quĩ. Rồi bỗng nhiên không cần ý tứ, chị nắm chặt tay kéo tôi về phía chị. Tim tôi đập loạn xạ. Chị thở gấp. Chị hôn lên má tôi và nói nhỏ, yêu cậu rồi đấy. Má tôi nóng ran, tim tôi hồi hộp. Lần đầu tiên được người con gái hôn lên má. Mồ hôi ướt đẫm, cơn mưa hết tự lúc nào mà tôi cứ tưởng bị dầm mưa. Con trai gì mà yếu vía thế, chị nói. Tôi lấy lại bình tĩnh ngồi gần chị hơn. Lúc này mới cảm nhận mùi hương bưởi trên mái tóc chị dịu nhẹ thoảng thơm. Ôi ! Cái ngày xưa ấy, vụng dại, thơ ngây đến thế là cùng! Nắm chặt tay tôi chị nói, tháng sau chị cưới chồng. Ánh mắt chị buồn buồn trong càng dễ thương. Tôi lặng nhìn chị không nói được câu nào, đôi mắt cay cay, ươn ướt.
Cái ngày chị lên xe hoa cũng là ngày tôi lên đường nhập ngũ vào quân đội. Nắm tay tôi chị nói, rồi chị sẽ nhớ cậu lắm, biên thư đều cho chị nhé. Tôi không dự đám cưới của chị được. Vai khoác ba lô, đi suốt dặm đường Trường Sơn, chuyển đơn vị này sang đơn vị khác. Những trang thư thưa dần và rồi bặt tin khi chị theo chồng ra Hà Nội.
Đã lâu tôi không gặp lại chị. Trường cũ không còn nữa, giờ là nơi trung tâm của huyện. Năm tháng qua đi, biết bao đổi thay, nhưng hình bóng chị cứ ấp iu, sâu lắng trong trái tim tôi. Không biết giờ chị đang ở nơi nào. Nếu được gặp lại chị tôi sẽ nói với chị một lời mà lâu nay cứ canh cánh trong lòng. Tôi yêu chị. Hiền ơi !