Lý Thương Ẩn (812-858) tên chữ là Nghĩa Sơn, người Hoài Châu, Hà Nội (nay là huyện Thẩm Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Ông thi đỗ tiến sĩ và từng giữ những chức tước quan trọng thời Đường Văn Tông. Ông là một trong những hiện tượng thơ khá phức tạp. Vì vậy, tiếp nhận thơ ông không hề đơn giản. Một trong những đặc điểm nổi bật của thơ Lý Thương Ẩn là tính ẩn dụ. Đi sâu tìm hiểu tính ẩn dụ trong thơ ông chúng ta có thể giải mã được phần nào những tâm sự sâu kín của ông.
Ẩn dụ cùng như các biện pháp tu từ khác được sử dụng khá nhiều trong văn chương. Nếu Lý Bạch thường dùng biện pháp cường điệu, Bạch Cư Dị thường dùng biện pháp đối nghịch, thì ẩn dụ là biện pháp tu từ mà Lý Thương Ẩn ưa thích. Ẩn dụ thực chất cũng là biện pháp so sánh, nhưng sự vật, sự việc muốn nói đến được ẩn đi. Sử dụng điển tích, điển cố, ngụ ngôn, biểu tượng hai mặt thực chất cũng là cách nói ẩn. Ẩn dụ gợi nhiều tầng nghĩa khác nhau. Trong những hoàn cảnh cụ thể, những thời điểm lịch sử cụ thể, không cho phép nói thẳng, các nhà văn, nhà thơ thường tìm đến với cách nói ẩn dụ để bày tỏ một cách kín đáo tư tưởng, tình cảm của mình. Lý Thương Ẩn sống vào thời mạt vận của nhà Đường. Các vị tự xưng “Thiên Tử” như Đường Văn Tông, Đường Tuyên Tông… chỉ thích nghe những lời xu nịnh, không muốn nghe những lời nói thật. Hơn nữa Lý Thương Ẩn còn bị rơi vào tình trạng hết sức khó xử. Trong triều đình lúc bấy giờ, thế lực Lý Thương Ẩn chịu ơn (từng cưu mang giúp đỡ ông thời ông gặp khó khăn) mâu thuẫn gay gắt với thế lực gia đình vợ. Do đó, ông đành chọn cách nói ẩn dụ để bày tỏ nỗi lòng u ẩn của mình. Thơ ông đa phần là thơ hướng nội, rất phù hợp với lối sống thiên về nội tâm.
Một số nhà nghiên cứu căn cứ vào chùm thơ “Vô đề” để gọi ông là nhà thơ tình. Thực tế thơ tình chỉ chiếm một phần nhỏ trong hơn 600 bài thơ ông để lại cho đời. Đọc và nghiền ngẫm “Lý Thương Ẩn thi tập” mới thấy ông là nhà thơ giàu lòng yêu nước, thương dân. Ông thường sử dụng các điển tích, điển cố, mượn xưa nói nay. Trong các nhà thơ Đường, có lẽ Lý Thương Ẩn là người dám phê phán, mỉa mai, châm biếm những đấng “Con Trời” thâm thúy nhất. Không đồng tình với những việc làm hại dân, hại nước của những ông vua hiện tại, nhà thơ thường mượn những ông vua quá khứ để kín đáo bày tỏ sự bất bình của mình. Ông hỏi Đường Minh Hoàng khi đi qua gò Mã Ngôi - nơi Đường Minh Hoàng đành lòng ngoảnh mặt để Dương Quý Phi bị quân sĩ thắt cổ: Như hà tứ kỷ vi thiên tử/ Bất cập Lư gia hữu Mạc Sầu (Cớ sao bốn mươi năm từng làm vua/ Mà không bằng nhà họ Lư có nàng Mạc Sầu? - “Mã Ngôi”). Đến trạm Trù Bút, thương tiếc Vũ Hầu (Gia Cát Lượng), ông bóng gió xa xôi: Đồ linh thượng tướng huy thần bút/ Chung kiến hàng vương tẩu truyện xa (Uổng công vị thượng tướng vẫy ngọn bút thần/ Rốt cuộc thấy ông vua thua trận đẩy cổ xe hàng - “Trù Bút dịch”). Ông còn mượn chuyện Giả Sinh để ám chỉ những ông vua chẳng quan tâm đến cuộc sống của muôn dân: Tuyên thất cầu hiền phỏng trục thần/ Giả Sinh tài điệu cánh vô luân/ Khả liên dạ bán hư tiền tịch/ Bất vấn thương sinh, vấn quỷ thần (Vua tìm người hiền đến tìm kẻ bầy tôi bị đày/ Tài của Giả Sinh không ai sánh kịp/ Thương thay đêm tối bên giường trống/ Chẳng hỏi chi dân hỏi quỷ thần – “Giả Sinh”). Trong bài “Hàn bi” (Văn bia do Hàn Dũ soạn lời), ông phê phán vị vua ngu dốt, cả tin nghe theo bọn nịnh thần đố kỵ, ghen ghét đã sai quân lính kéo đổ tấm bia cao ba trượng, chữ to như cái đấu, lấy cát thô, đã lớn mài nhẵn chữ, chỉ vì: Cú kỳ ngữ trọng dụ giả thiểu (Câu lạ, lời sâu ít kẻ hiểu thấu). Ông khẳng định: Công chi tư văn nhược nguyên khí/ Tiên thì dĩ nhập nhân can tì (Văn của Hàn Dũ đã trở thành nguyên khí/ Đi vào gan ruột người đời) dù có mài nhẵn chữ cũng không xóa mất được. Từ thái độ của Lý Thương Ẩn đối với các “Thiên Tử” vừa nhu nhược, vừa vô cảm, vừa dốt nát vừa cả tin như thế ta mới hiểu phần nào cách nói ẩn dụ trong chùm thơ “Vô đề”. Trước Lý Thương Ẩn chưa từng có thơ “Vô đề”. Chính việc không đặt đầu đề là tác giả muốn hướng người đọc thưởng thức bài thơ theo cách riêng của mình. Thơ Lý Thương Ẩn “ẩn từ quỷ ký” (từ ngữ giấu kín, ký thác tâm trạng lạ lùng), thuộc loại thơ “thi tại ngôn ngoại”(ý thơ nằm ngoài lời). Xưa nay người ta xem chùm thơ “Vô đề” chỉ đơn thuần viết về tình yêu nam nữ là chưa thật hiểu tính đa nghĩa của thơ ông. Phải đặt chùm thơ “Vô đề” trong toàn bộ sáng tác của ông mới hiểu hết những ẩn ý, ám chỉ của nhà thơ. Trong chùm thơ “Vô đề” có 4 câu được truyền tụng khá rộng rãi: Tương kiến thời nan biệt diệc nan/ Đông phong vô lực bách hoa tàn/ Xuân tàm đáo tử ty phương tận/ Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can (Gặp nhau đã khó, li biệt càng khó hơn/ Gió xuân không còn sức, để trăm hoa tàn úa/ Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ/ Ngọn nến thành tro mới khô nước mắt). Nghĩa mà ai cũng nhận biết là tác giả nói về mối tình sâu nặng nhưng đành phải chia lìa. Nhưng do cách nói ẩn dụ nên 4 câu thơ này còn có thêm một tầng nghĩa khác sâu xa hơn. “Đông phong” (gió xuân) vẫn được xem là chúa của loại hoa (Chúa xuân) nên thường liên tưởng đến vua. Trong “Cung oan ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều có câu: Muôn hồng nghìn tía đua tươi/ Chúa xuân chỉ hái một hai bông gần. Vì thế, câu thơ này còn có nghĩa ám chỉ: Nhà vua bất lực nên muôn dân rơi vào cảnh đau khổ, lầm than. Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can (Ngọn nến thành tro mới khô nước mắt) ngoài diễn tả nỗi đau khổ khi phải chia tay người yêu còn có thêm ẩn nghĩa: tác giả thương xót trước cảnh muôn dân lầm than, đau khổ. Và tấm lòng yêu nước thương dân của Lý Thương Ẩn có khác nào: Xuân tàm đáo tử ty phương tận (Tằm xuân đến chết mới nhả hết tơ). Khi qua tay Nguyễn Du, câu thơ này biến thành: Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ (“Truyện Kiều”). Chỉ một câu trong bài Cầm sắt: Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên (Vọng nhớ Thục đế gởi lòng xuân vào tiếng kêu thê thảm của chim đỗ quyên) đủ biết tấm lòng yêu nước thương dân của Lý Thương Ản sâu sắc đến mức nào! Bà Huyện Thanh Quan khi qua Đèo Ngang: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc; nhà thơ Nguyễn Khuyến cảm hứng khi nghe tiếng quốc kêu chắc là có nhớ câu thơ nổi tiếng này của Lý Thương Ẩn. Tả cảnh Đỗ Công Bộ rời chiếu rượu ở Thục, nhà thơ chia quan khách thành hai loại: Tọa trung túy khách diên tinh khách/ Giang thượng tinh vân tạp vũ vân (Trong chỗ ngồi khách đã say mời khách còn tỉnh/ Trên dòng sông mây tạnh chen lẫn với mây mưa). Mượn bàn tiệc, Lý Thương Ẩn muốn nói sự bát nháo trong triều đình cũng như trong xã hội đương thời. Tỉnh lẫn với say, tạnh lẫn với mưa chẳng khác nào cảnh: Trong lao tù cũ đón tù mới/ Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa (“Ngục trung nhật ký” của Hồ Chí Minh). Nhà thơ khái quát: Chung cổ thùy dương hữ mộ nha (Xưa nay liễu rũ có quạ chiều đậu – “Cung vua Tùy”). Sống giữa cái xã hội nhố nhăng như vậy, Lý Thương Ẩn cảm thấy mình hết sức cô đơn: Độc xao sơ dạ khánh (Một mình gõ khánh lúc hoàng hôn - “Bắc Thanh La”). Ông nhập thân vào nàng Thường Nga lẻ chiếc trên cung trăng: Thường Nga ưng hối thâu linh dược/ Bích hải thanh thiên da dạ thâm (Thường Nga hối hận trót lấy trộm thuốc tiên/ Để tấm lòng đêm đêm giữa biển biếc trời xanh - “Thường Nga”). Rồi ông tự trách mình, tự dằn vặt mình: Nguyệt lộ thuỳ giao quế diệp hương (Dưới trăng sương, ai khiến lá quế thơm - “Vô đề”). Ông cảm thương trước cái đẹp bị vùi dập, tàn phá: Hồng cừ hà sự diệc ly sinh (Sen hồng vì cớ gì mà chịu tả tơi? - Làm khi dự tiệc ở nhà Sùng Nhượng). Trong bài “Buổi sáng tiễn biệt Bản Kiều”, ông chia sẻ: Nhất dạ phù dung hồng lệ đa (Suốt đêm hoa sen rỏ đầy lệ hồng). Nhà thơ cảm thấy ước mơ của mình ngày càng xa vời: Lưu Lang dĩ hận Bồng sơn viễn/ Cánh cách Bồng sơn nhất vạn trùng (Chàng Lưu hận tiếc non Bồng cũ/ Vạn dặm non Bồng đã cách xa - “Vô đề”). Ông mất hết hy vọng vào những vị vua bất tài và hoang dâm vô độ: Phương tâm hướng xuân tận (Lòng thơm hướng tới mùa xuân đã cạn - “Lạc hoa”). Rõ ràng nếu không hiểu cách nói ẩn dụ ta không thể hiểu hết tư tưởng, tình cảm của ông. Ở những câu thơ trên, tác giả toàn mượn hoa, trăng, non Bồng, Lưu Lang… để ký thác tâm sự kín đáo của mình. Trong khi các bậc tiền bối thường tự ví với cây tùng, cây bách, với chim công, chim phượng… thì Lý Thương Ẩn chỉ xem mình như con ve bé nhỏ tầm thường: Bản dĩ cao nan bão/ Đồ lao hận phí thanh/ Ngũ canh sơ dục đoạn/ Nhất thụ bích vô tình (Vốn ở nơi cao nên khó no lòng/ Nhọc nhằn giận phí tiếng kêu/ Đêm năm canh rời rạc muốn ngừng/ Một cây xanh biếc thật vô tình – “Thiền”). Đoạn thơ có hai chi tiết đáng chú ý: Con ve “nhọc nhằn giận phí tiếng kêu” bởi ông cảm thấy những lời can dán vua của ông chẳng khác gì nói với cái đầu gối. “Một cây xanh biếc thật vô tình” là có ý chê trách đấng bề trên “vô tình” trước những lời gan ruột của ông. Thế nên: Sơ văn chinh nhạn dĩ vô thiền (Vừa nghe nhạn đi xa kêu lên, ve đã ngừng tiếng - “Sương nguyệt”). Thấy bóng núi đến gần, ông lo cho khu vườn nhỏ: Sơn sắc chính lai hàm tiểu uyển (Bóng núi đang đến gần ngậm khu vườn nhỏ - “Tức nhật”). Đây cũng là một cách nói ẩn dụ mà không phải người đời ai cũng hiểu.
Thơ Lý Thương Ẩn rất kén độc giả và có một số đánh giá bình luận trái chiều. Ngô Kiều nhận xét: “Con đường ý tứ của ông đã thâm sâu, ảo diệu mà ông còn đặt lời để chẳng cần ai biết được ý ông. Bởi thế, thơ ông đến nay đã trải bảy trăm năm rồi vẫn ít người biết đến”. Diệp Tiếp khi bàn về thơ ông cho rằng: “Thơ thất tuyệt của Lý Thương Ẩn, ý đã sâu xa mà lời lại uyển chuyển, thực là trăm đời không ai bì kịp”. Vương Đạt Tân nói về thơ Lý Thương Ẩn như sau: “Tuy chuộng đối ngẫu, dùng điển cố, nhưng ông luôn chủ trương lấy tự nhiên làm cơ sở. Ông từng nói một khối ngọc hoàn mỹ, hơn là ngọc bích đáng giá liên thành đã được mài dũa, tỉa tót”. Có người so sánh thơ Lý Thương Ẩn “như lan trong rừng vắng”, dù dãi dầu mưa nắng vẫn lặng lẽ tỏa hương cho đời.
Huế, tháng 8 - 2018