Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.130
123.140.300
 
Màu mắt em trong như cõi người vốn là
Nguyễn Hàng Tình

 

       

      

        Rằng tha nhân có những đôi mắt tươi, có những đô mắt ướt. Có những đôi mắt cạn, có những đôi mắt sâu. Có những đôi mắt câm lặng, bình thản, và có những đôi mắt biết nói. Có những đôi mắt mộng, có những đôi mắt nghiêm. Có những đôi mắt vui, có những đôi mắt lạnh. Có những đôi mắt sầu, có những đôi mắt chộn rộn. Có những đôi mắt sum vầy, và những đôi mắt hoang liêu…

 

 

          Tôi thả mình đi rong trong miền mắt từ độ bước vào cõi người.

           Như ở miền thượng Tây Nguyên, cao nguyên Trung phần rộng lớn này, mà theo lịch sử nó mới hé mở từ cuối thế kỷ XVIII, và vỡ ra dần đến nay còn trước đó nữa vẫn còn là xã hội công xã, bộ lạc, bán khai. Dù đang là thời hiện đại, nhưng ở Tây Nguyên những điều bí ẩn vẫn tiếp nối, chuyển sang một dạng bí ẩn khác, mà ánh mắt tha nhân ở đó là thứ chở nguyên những cái căn bản của loài mình. Từng ngày tôi càng chìm sâu vào cõi người ở chốn sơn nguyên Trung phần. Cái xứ sở gì kỳ lạ, mọi tinh túy  đều tụ về trạng thái hoang vu. “Hoang vu” nó như là cái “gen” của cây lá, đất đai, thời tiết, mùa màng, loài vật, con người. Mà với con người chưa tách khỏi thiên nhiên nhiều thì như thể nó kết tinh chính nơi ánh mắt… Có một “Thế giới ánh mắt” người sơn nguyên.

 

 

                                         

                                               *

 

 

 

           Họ luôn ngơ ngác, cho đến giờ. Có cái gì đó luôn trụ lại, hoặc  muốn “quay lại” bản nguyên nơi ánh mắt của họ. Sự ngơ ngác đến liêu trai. Lần đầu gặp họ ngơ ngác nhìn, lần sau, lần sâu, và muôn lần sau nữa, rồi đến khi được cho lên nhà sàn, được uống rượu chung cần, thành bạn, thành tri kỷ, họ vẫn nhìn nhau ngơ ngác. Cái ngơ ngác đẩy tôi bay lên hoặc đi lạc. Dù bao giờ họ cũng nhìn thẳng, trực diện, ngay chính, không cong cong, quẹo quẹo, mập mờ, và mở toang lòng, buông lỏng người. Thế mà vẫn ngơ ngác. Cái ngơ ngác ánh lên sự mộc, thật, thiện, lành tuyệt đối. Cái ngơ ngác đưa kẻ đối diện đi vào cái vô tận. Cái ngơ ngác nói về một cái gì đó thuần khiết, về một cái gì đó vô nhiễm, một cái gì đó xa lạ, cách trở trước toan tính, tiểu xảo, mưu mô của giống loài người. Hay nó là sự ngơ ngác chỉ dấu về một cái gì đó chưa hoàn thiện ?  Hay mọi thứ với nó luôn xa lạ ? Hay mọi thứ xung quanh lớn quá ? Hoặc, nó là sự tự ti. Hoặc nó hiển thị về một sự mặc cảm. Nó là sự bàng hoàng, hay nó là một thành vách yếu đuối của giống loài chúng ta vốn là thứ căn bản, tự vệ ? Hay vì  đạt đến  “tính người” tuyệt đối thì những cái gì bên trong phơi bày tới tận cùng, cứ ngây ngô, ngơ ngác, vụng khờ, lúng túng, bần thần, nông nổi, thả mình cho sự nổi trôi ? Đến cuối thế kỷ XIX, họ vẫn không có tôn giáo, mà vẫn chỉ cần có tâm linh trong đời sống sinh động của mình, tin ở trời đất, vạn vật có tâm hồn, hữu linh.

          Có qui luật rằng từ trời đất, khi bạn sống bằng tâm hồn, trái tim, thì lý trí là thứ ít cần, chỉ “huy động” đến nó khi gặp khác giống loài, đụng độ với trắc trở, hiểm nguy_đấu tranh sinh tồn.

 

            Người bản địa Tây Nguyên cho dù ở phố ánh mắt họ vẫn thế. Tôi nhận ra họ ngay, như người thân tiển kiếp nào đó. Họ có “hình ảnh” của họ, chỉ dấu của họ. Họ nhìn ta mà ta được thấy cuộc đời ở trần gian này mênh mông. Họ nhìn, mà ta thấy thân phận con người thật nhỏ nhoi. Họ nhìn mà ta thấy, phải bớt xài đi lý trí. Họ nhìn mà ta thấy đừng chơi trò tiểu xảo, phủ dụ, đối phó, rót dã tâm, giăng bẫy nhau. Họ nhìn mà ta thấy, lòng tham ơi, đừng xâm lấn tôi. Họ nhìn mà ta thấy, đừng lợi dụng sự trong sáng của họ. Họ nhìn mà ta thấy đừng đoạt giật những gì gắn bó sâu nặng với họ. Họ nhìn mà ta thấy đừng làm họ ngơ ngác hơn. Họ nhìn mà ta thấy đừng nuôi trong ấy trái tim thù. Ánh nhìn của họ là “tài sản” và là di sản còn lại của nhân loại sau khi nhân loại đã hoàn toàn chìm trong lý tính cùng sự tỉnh táo, dùng cái đầu để sống thay cho trái tim và tâm hồn, nên phá hủy dần những cội nguồn thiện lành của thiên nhiên, của giống loài.

            Ánh mắt ấy, nó ngang tàng hoang vu. Chỉ có thể so sánh nó với những ngọn núi thiêng của xứ sở. Chỉ có thể so sánh nó với những cánh rừng già. Chỉ có thể so sánh nó với sự  miệt mài của khe, suối, dòng sông luôn làm việc, chảy mãi, êm ái và quyết liệt, chứ không phẳng lì như sông đồng bằng chỉ làm việc theo mùa, khi bị tác động bởi thời tiết. Chỉ có thể so nó với sự cao cả của vũ trụ và sự phù du của cả kiếp người. Ánh mắt ấy chứa những yêu thương tinh khiết và thiện lành căn bản mà loài người từng có.  Là cái thuở tổng thể loài người chưa thành “ngợm” như bây giờ, với đầy những làn sóng di cư, IS, Taliban, chia rẽ thiên nhiên, thuộc địa, đế quốc, chủ nghĩa, tên lửa liên lục địa, hầm mỏ, nước lớn nước bé, độc tài, đe dọa, phô trương, đãi bôi chót lưỡi đầu môi, kỹ nghệ sống, kỹ nghệ yêu thương, kỹ nghệ tỏ tình, kỹ nghệ tâm hồn, kỹ nghệ tai ương…

 

 

                  

                                                *

 

 

 

          Tôi đã nhìn họ, người Brâu, Giẻ Triêng, Rơ Mâm, Sê Đăng, Bahnar, J’rai, Ê Đê, M’Nông, K’ho, Siêng, Mạ, Lạch, Chu ru… Từ những khe suối sâu trong rừng, giữa rẫy nương, trên núi, dưới “Giọt(Bến)nước” của làng, trong mùa lễ hội ở vùng sâu, những ngày kỷ niệm của quốc gia ở những phố cao nguyên… Ánh mắt ấy, ngày đô hội hân hoan chung nhất vẫn ngơ ngác. Người ta đưa máy ảnh chụp, máy quay phim sát mặt vẫn ngơ ngác. Chụp, quay xong, người ta về lại đồng bằng, Sài Gòn, Hà Nội, nó vẫn ngơ ngác. Ở bon, làng, quê xứ của mình họ ngơ ngác. Bất chợt xuất hiện ở Làng văn hóa các dân tộc VN ở Đồng Mô, sân khấu ở Thủ đô Hà Nội... cũng ngơ ngác. Cái ngơ ngác mang đi khắp nơi theo sự di chuyển của mình. Sự ngơ ngác sừng sững. Tôi nhìn suốt hai mươi lăm năm.

        Và sẽ còn nhìn nữa, nếu trời cho còn hiện diện ở mặt đất và còn quẩn quanh ở cõi người thời thế giới phẳng, WTO, AEC, và TPP.

 

 

 

                                                        *

 

 

 

             

           Biết và hiểu nhiều thứ về họ, nên cho tôi được gọi họ là… “Bạn”. Thuộc nhân chủng Indonésien nên đã cho bạn được như thế. Bạn nói ngôn ngữ Malaiyo-polynesien, hoặc Môn -Khơ me. Tổ tiên xa xăm của bạn là dân hải đảo mà. Da nâu, mặt vuông, tóc dày và quăn, môi không mỏng, lông mày rậm, ánh mắt hai mí thì mênh mông.  Bạn là cư dân thuần nông, hồn hậu như cây cỏ, nên ánh mắt nó như lá, như hoa, như nước trong khe, như con nai nơi thung lũng. Bạn thuần nông, không có nền thương mại, nên không biết mách mung, và “nói thách” với đồng loại. Không có tí tẹo hơi hám, bóng dáng nào văn hóa Hoa lục phương Bắc trên quê hương bạn, trong người bạn. Trên đất nước Việt Nam thân thương này bạn là trường hợp vô nhiễm hoàn toàn trước văn hóa Trung Hoa. Nghĩa là bạn không phải học thói nham hiểm từ lý trí sâu cay, tiểu xảo, mưu lược, thủ đoạn, chiến lược, trị vì, chăn dắt. Trong cuộc đời của bạn không có “Thiên tử”, và bạn không là “Thần dân”, con dân. Bạn không có chuyện “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Bạn nhân bản nên chồng chết sớm bạn cứ an nhiên có tiếp bạn đời để chia sẻ buồn vui, lao lực và sinh lạc thuận theo tự nhiên. Bạn nhân bản khi để phụ nữ làm chủ nhân của gia đình và con mang họ mẹ. Bạn thuận khiết và thuần khiết trong triết lý sống hướng vào thiên nhiên. Những người xung quanh bạn là cộng sinh yêu thương; rừng núi là của chung, đến con cá dưới nước, con chim bay trên trời, hay áng mây bay ngang mái nhà rông. Tất cả bạn bình đẳng trong thân phận con người, dưới vòm trời, trong vũ trụ này. Đấng tối cao nhất chỉ có thể là thiên nhiên, và hết thảy phải ý thức kiêng nể và bảo vệ cây cối, muôn loài xung quanh, đề cao giá trị của trời đất, tính thiện, lành. Cái cao cả đó bạn gọi là Yàng. Đó là ý thức, trí tri nghiêm túc, cho dù bên ngoài không hiểu hết nên có khi suy diễn là mê tín. Bạn chan hòa thiên nhiên, và lấy Niềm tin giữa con người với con người làm mục đích sống. Bạn sống tung hoành và từ tốn an trú giữa tự nhiên. Quê hương bạn là rừng, cơm áo bạn là rừng, bạn học bài học cuộc sống từ rừng, thở hơi thở của rừng. Điểm tựa của xác thân và tâm hồn của bạn là rừng, nên văn hóa, lề thói, tri thức của bạn từ rừng. Bạn chỉ thấy mình là mình khi ở bên rừng. Nghĩa là bạn hấp thụ rừng và trao đổi chất hằng ngày với rừng. Trường hợp của bạn thế giới hàn lâm phương Tây tiên tiến ngày nay bỗng một ngày nghiên mình cúi đầu kính trọng, ao ước và gọi tên nó là Penthesism(phiếm thần), nhưng bạn chả cần biết cái lý thuyết ấy. Con người ngày càng lý trí hóa, toan tính, và điên cuồng, thì bạn vẫn cứ an nhiên.

            Cái chất hải đảo xa xưa kia hôn phối với cái thâm sâu của đại ngàn sơn nguyên không biết có phải là căn nguyên của ánh mắt ấy. Bạn nhớ về đại dương bàng bạc qua các sử thi của bạn, qua những cái K’pan hiện hữu thực chất trong căn nhà dài. Nhưng bạn vào rừng miền Thượng để xin lấy thân cây về làm K’pan. Bạn cúng từng cái cây, mùa rẫy, đến cái “Giọt nước” mà mang về uống. Bạn ghê sợ ai phá cây phá núi, dời rừng, và nói dối. Bạn sống nhân ái đến mức ai dù có phạm trọng tội thì “sa thải”_buộc bỏ làng đi, “ra” khỏi cộng đồng_chứ bạn không ném đá, bỏ tù, hay xử chết, loại khỏi cõi người. Bạn mang hồn cốt biển và hồn cốt rừng. Ánh mắt của bạn nhìn thẳm vào đại ngàn, và mang nỗi nhớ thê thiết về biển dã mù xa trong ký ức. Thế thì bạn “lạ” là dĩ nhiên. Thế thì bạn huyền bí, bạn mênh mông, bạn hun hút là hiển nhiên. Thế thì cái nhìn của bạn hòa vào vũ trụ là hiển nhiên. Dù trong cộng đồng của bạn, trước cơn xáo động của thiên nhiên, núi đồi, sông suối, quê hương, đất nước, nên người hỏng, người hư, người xấu cũng đã xuất hiện nhiều rồi. Nhưng cái hồn cốt, nó vẫn còn in ngự nơi ánh mắt kìa. Đến khi vi phạm pháp luật mà ánh mắt vẫn còn… hoang vu.

 

 

                                           

                                                       *

 

 

                                                  

         Loài người chỉ có thể rảnh hơi đi giải phẫu nụ cười của nàng Mona Lisa trong một bức tranh vẽ chơi của Leonardo da Vinci, chứ không thể đi giải phẫu thấu được ánh mắt có thực ở trần gian của bạn. Ánh mắt bạn thách thức khoa học và tâm hồn.      

         Condominas_nhà dân tộc học vang tiếng người Pháp_ đã từ chối Paris hoa lệ để sống mấy chục năm trong bon làng của bạn vì sự huyền ảo của bạn. Jacques Dournes đã từ bổn phận một nhà truyền giáo của Vatican đã tự nhiên bị bạn “đồng hóa”, để rồi từ bỏ cả đạo của mình để bênh vực, nghiên cứu về bạn, là hiện thân về sự hấp dẫn kỳ lạ của thế giới bạn. Nguyễn Đổng Chi và Nguyễn Kinh Chi, rồi Nguyễn Bạt Tụy, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Tuệ (các nhà dân tộc học, ngôn ngữ người Kinh) ngất ngây trong nền văn hóa thảo mộc của bạn đến trọn đời thì bạn vẫn không biết sức quyến rũ mình. Khi người ta đổ xô đi khai thác “ánh mắt” của bạn để chụp ảnh, triển lãm, giật giải thưởng, và làm bao nhiêu thứ nghệ thuật khác, cho thấy ánh mắt của bạn là “báu vật” của loài người. Họ đi tìm những cái họ không đạt được, hoặc đã mất. Có chữ viết đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay và nền văn minh cao dày như dân tộc Chăm mà từ xa xưa đã kính trọng bạn, họ gọi bạn là Người ở trên cao, như khi họ đề cập đến một trong các bạn, sắc dân K’ho(nghĩa là Người ở trên cao). Cái gì trên cao thì thanh khiết, cao thiêng, lạ.

           Ánh mắt bạn đang nhắc loài người về những thứ cao quí mà loài người đã mất.

 

 

                                              

                                              *

 

 

 

           Nhưng nhiều lúc bạn đã chối bỏ những giá trị của mình. Nghĩa địa của bạn giờ đầy thánh giá. Và nghĩa địa của bạn giờ ngày càng vắng tượng nhà mồ. Mới ngày nào người chết đi bạn coi rằng người ấy là hạnh phúc, được hòa vào với rừng, trở lại rừng, họ biến mất khỏi trần gian vĩnh viễn_bỏ mã(Pơ thi); đùng một ngày bạn muốn người chết cũng “trường tồn”: xây mộ kiên cố và đi viếng muôn năm. Bạn đi xây mộ_ thay vì tài tử nghệ sĩ thăng hoa chỉ tạc tượng gỗ mà tặng rồi bỏ đi tất cả_mà ánh mắt cũng ngơ ngác.  Bạn đang “đi lên” hay “đi xuống”; đang khước từ hay bị đưa đẩy; đang hòa nhập hay hòa tan, tôi cũng không rõ.

           Tôi sợ một ngày nào đó, ánh mắt bạn cũng không còn trong vắt, thánh thiện, ngơ ngác như thế nữa. Chắc chính bạn cũng nào biết điều đó. Vì con người bạn, lối sống, lề thói, tâm hồn của bạn hình thành trên nền tảng cây cỏ, thuận theo không gian sống, trời đất, không có dự liệu và “kịch bản”. Không ai đi đến từng thành viên của bạn để ghi nhận rằng lúc này đây bạn đang sống rất hân hoan hay đang buồn. Sự sống động huyền ảo của nền văn hóa thảo mộc kia đang tồn tại, làm giàu có cho vốn liếng xã hội, văn hóa nước nhà.

         Nhưng có một điều tôi biết chắc là dù bạn đang vui hay buồn thì ánh mắt ấy vẫn còn ngơ ngác./.

 

Nguyễn Hàng Tình
Số lần đọc: 1836
Ngày đăng: 12.11.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chị Hiền - Nguyễn Đại Duẫn
Hà Nội như mảnh ghép tạng của chính tôi … - Phan Văn Thạnh
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 31) Trần Áng Sơn, cuối cùng anh tắm gội mình bằng thơ - Trần Dzạ Lữ
Kể chuyện làm thơ - Phan Tấn Uẩn
Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường (II) (tiếp theo) - Nguyễn Đức Tùng
Cỏ biếc - Yến Nhi
Xín Mần, Hoàng Su Phì du kí… - Hoàng Thị Thu Thủy
Kể chuyện viết văn (Chuyện bên lề Trường Điện Tử ĐaKao) * - Phan Tấn Uẩn
Hai chuyện tình thời chiến - Phan Tấn Uẩn
Lãng du qua Thổ Sơn Cổ Tháp - Phan Anh
Cùng một tác giả