Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.068
123.198.085
 
Dọc đường văn nghệ (phần 34) Những kỷ niệm khó quên với nhà văn Trần Doãn Nho
Trần Dzạ Lữ

 

 

 

 Từ thập niện 60,tôi đang còn mài đũng quần ở bậc trung học thì anh đã ở tầng trên: Đại Học.Vì là dân văn nghệ cùng viết bài trên các tạp chí văn chương ở SàiGòn nên dễ quen biết nhau.Những năm tháng ấy, ở Huế chúng tôi thường tụ tập về nhà ,nhà văn Lê Bá Lăng ở Vỹ Dạ đàn đúm, say sưa bàn luận chuyện văn học.Ở đây còn có Ngụy ngữ, Viêm Tịnh, Hồ Minh Dũng...Vẻ bề ngoài Trần Doãn Nho rất mô phạm nhưng bên trong tâm hồn anh chất lãng mạn cùng triết lý về nhân sinh quan, thế giới quan luôn thúc giục phải lên đường, phải làm gì đó, phải sống và viết cùng tâm cảm của mình.Chúng tôi say sưa đọc nào Nietzsche, nào Kant, nào Hegel,nào Shakespeare,nào Jean- Paul-Sartre, nào Dostoevsky, nào Camus , Khổng Tử, Lão Tử, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tuệ Sĩ... Đọc để thấu hiểu , để tiêu hóa và làm nên chất của mình riêng biệt.Không ai giống ai và đồng phục là điều chẳng bao giờ xảy ra thời chúng tôi sống và viết.

  Tôi thích cái lặng lẽ mà sóng ngầm của anh khi đọc những truyện ngắn anh viết trên Văn, Bách Khoa, Khởi Hành, Đối Diện, Tân Văn...Mỗi truyện đều có phảng phất  hương hoa của trái tim nhân bản và tình yêu quê hương cũng như những tra hỏi về phận người của tác giả.Nó có những men say riêng của Trần Doãn Nho khi  ai chạm tới những trang viết  ngồn ngộn ấy.

  Những năm tháng này, chiến tranh mỗi ngày một ác liệt-mặc dù chẳng ưa gì chiến tranh –Nhưng mỗi người một cách riêng  để ở lại hoặc lên đường theo vận nước.Thế rồi tôi phải ngút ngàn xa bạn bè đã từng sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống ở Huế.Từ thập niên 70 và nhất là biến cố 75.Năm 76 tôi hồi hương về Huế làm nông dân thì Trần Doãn Nho đã vào trại cải tạo.Lê Bá lăng lên Kinh tế mới Bình Điền.Và nhiều bạn bè khác đã như chim rã cánh lăng lắc bốn phương trời... Tôi biết chỉ còn Viêm Tịnh là thân thiết sau cùng với Trần Doãn Nho nơi cố thổ.Riêng tôi, cùng cực ở quê cha, quê mạ hơn một năm rồi tôi cũng” ù té chạy” khi bồng bế vợ con về lại phương Nam.

   Hoàn cảnh của “bên thua” là vậy đó.Nhưng tình bạn thì không bao giờ thay đổi.Cải tạo xong, Trần Doan Nho cũng trôi về nơi đất lành chim đậu SàiGòn của thập niên 80.

.Anh đã kiếm tôi ở chợ Trần Hữu Trang-gần ga xe lửa số 6, Phú Nhuận.( thật cảm động vì tôi thành kẻ chợ mà anh đâu có quên.Chính lúc này mới biết ai là bạn ,ai là bè)Chúng tôi rưng rưng và lần đó đã uống với nhau vài ly rượu để nhớ thơ Nguyễn Bính :

           ... Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ

           Uống say mà gọi thế nhân ơi!

           Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ

           Ta với nhà ngươi cả tiếng cười...

           ( Hành Phương Nam)

           Uống với nhau ngay trước sạp bán rau của vợ chồng tôi.Bà xã tôi hết sức ngạc nhiên vì có những người bạn Huế  chân tình như thế.

      Sau lần đó rồi không gặp nhau nữa.Nghe đâu anh chuẩn bị làm hồ sơ đi HO. Rồi năm 1993 anh cùng gia đình định cư tại Mỹ.Tôi nhớ không lầm thì năm 2001 anh về thăm quê hương và cũng đã ghé thăm tôi ở Phú Nhuận.Cũng là bia rượu lúc gặp lại, cũng tâm sự về bạn bè.Tôi mừng vì khí sắc anh lúc này “vượng “ hẳn.Được biết anh cầm bút trở lại và những đứa con tinh thần đã khai sinh  nơi quê người hây hẩy.Không chỉ  tác phẩm văn chương mà anh còn  viết tiểu luận  sắc bén như : Tác giả,tác phẩm và sự kiện ( 2005), Viết và đọc( 1999).Có một truyện dài tạo nên sự chú ý đặc biệt của bạn đọc.Đó là Dặm Trường( 2001 )

   Cũng từ lần ấy đến giờ tôi chưa nghe anh về lại VN.Song tôi tin một người như Trần Doãn Nho dù ở đâu, làm gì, thế nào thì chữ Tâm luôn như tấm gương sáng trước mặt anh và tài, tâm thường trú trong trái tim nhà văn bằng những trăn trở khôn nguôi...

   Có điều lạ là nhà văn Trần Doãn Nho hiếm khi làm thơ.Vậy mà, tôi đã tình cờ đọc được bài thơ của anh với ý, tứ, từ rất hay  khi viết về Huế-nơi chôn nhau cắt rún của anh cũng như tôi:

THƠ TRẦN DOÃN NHO:

NỖI HUẾ

   

nơi đó

thành quách nhiều hơn người

giai thoại đè lịch sử

thuở nhỏ

tôi đi dọc theo những con đường vuông

góc thành này đến góc thành kia

lớp lớp rêu bám đầy

nhẫn nhục, cổ sơ

nghiêm cẩn đến nao lòng

nhìn hoài vẫn cứ tự hỏi…

 

tôi giẫm bước vô danh trên những địa danh

quá khứ được ăn tiêu rất kỹ

những khu vườn có cổng chắn

tường lở nhiều chỗ

vài đoạn rào thép gai

chắp vá hờ hững

ngôi nhà thấp

chật ních kỷ vật

câu đối sơn son thếp vàng hồn nhiên ngủ kỹ

ngang và dọc

mục và quý phái

cũ và kiêu sa

giai thoại mọc lên từ mỗi góc nhỏ

ngày tháng co dãn 

đậm đặc nỗi tự hào

 

thuở thanh xuân

mân mê những livre-de-poche Ưng Hạ

đọc cọp báo Sài Gòn Mới Gia Long

tà tà Phan Bội Châu

nhìn trộm Phương Lan

dựa cột đèn Trần Hưng Ðạo

ngắm từng em từng em đi qua

rỡ ràng phố chật

cốc cà phê Lạc Sơn chiều muộn

hơi người hơi ruốc

nhớ bâng quơ

 

chiều mưa giông Ðồng Khánh

những con chim bồ câu

túa ra

ướt mèm áo trắng

cậu học trò không chịu về nhà

nép dưới tàn cây

hiên phố

ngẩn ngơ

 

huế rất lạnh mà rất nắng

mưa thì phùn và gió rất khô

trời mênh mang mà người thì lặng

những buổi chiều hiền

thẩn thơ đường nhỏ

em đi như tĩnh vật

tôi rụng rời cơn mơ 

 

nhiều lần lang thang quanh hoàng cung

nghe gạch ngói thở

sờ đám tượng trên sân chầu

ẩn nhẩn

đìu hiu

leo lên lầu ngọ môn

thấm thía dòng hư tự

quan ở đâu vua ở đâu cờ quạt ở đâu

chỉ là mấy bông sứ lặng lẽ rụng

trong hồ sen ngơ ngác

hít hà chút cổ sử

ngậm ngùi thơm

 

đó là nơi tỏ ra rất tiện lợi

cho nhiều màn trình diễn

ngoạn mục bất ngờ

có khi trịnh trọng có khi bình dân

có khi rất chuyên nghiệp

và những tan vỡ liên tục diễn ra

thật chậm rãi

đủ để người ta thưởng thức nỗi mất mát

của chính mình

 

lắm khi

từ trong cái ù lì lặng lẽ

bỗng vươn vai đứng dậy

y như thể đã chuẩn bị từ bao giờ

vội vội vàng vàng

băng cờ la hét

đường phố hừng hực

khát khao thu gọn chiều dài lịch sử

 

dưới kia

sông vẫn lặng

đò vẫn trôi

sông còn thơm

mà đò thì chật

 

những ngày xuân âm khí năm nào

thành quách nín

đất đá nghẹn

cỏ cây câm

hố hầm co quắp

ngột

âm bản cuộc liêu trai

 

lại có khi

thành phố bồng bế nhau

vứt cả rực rỡ hè mới chớm

rùng rùng bỏ chạy

đi đâu?

không biết đi đâu

miễn là xuôi Nam

để lại một cõi lặng

không gian rỗng

sàn diễn trống trơn

những con chó mất chủ chạy rất tự do

và vô vọng

hàng phượng lạc loài

chấp chới bay

gió nắng rong chơi

vòng vèo quanh nội thành ấm ức

 

kiêu binh về

bắt đầu mắng mỏ nhiếc móc

thậm chí oán thù

những người đã chết

y như thể không có họ

thì đất nước sẽ thành cường quốc từ thế kỷ 18!

bỗng nhiên

mọi thứ được vội vã  hóa thân

hội hè đình đám

những ngợi khen đẫm mùi tiếp thị

phục chế/tân trang kẻ thù

đem ra bày bán

 

chữ nghĩa không xương…

 

sorry huế!

 

đành phải ra đi

bỏ phía sau nhìn phía trước.

 

lạc lõng giữa đất trời lạ hoắc

ăn cũng huế

nói cũng huế

đi cũng huế

chào cũng huế

thương cũng huế

nhớ cũng huế

ngày huế

đêm huế

lao xao những ôn những mụ những o những dì

đám trẻ con ngỡ ngàng 

tưởng còn thời khuyết sử

cô cháu nhỏ tò mò

what’s hue, ngoai?

hue here! tôi chỉ vào bà ngoại

really, ngoai?

yes

ngoai oi, so i love hue so very very much.

 

tháng bảy quay quắt huế

đến hẹn

nước lại lên

nước tràn Ðập Ðá nước lút bến đò Cồn nước ngập Bao Vinh nước ngâm quốc lộ

…đãng trí

tôi không về

ai lội lụt thăm em

 

một thuở

vỉa hè/góc phố

nắng/mưa

lụt/bão

nghèo/thiếu/đói/no

tù/ngục

 

…một thuở…

 

thành phố thì còn

huế đã đi

 

vĩnh viễn đi!

Trần Doãn Nho

    Khi viết những dòng này, SàiGòn những ngày này “mưa trù trù” có khác chi mưa Huế? Mưa quê cha thúi đất Mưa quê mạ không thấy mặt trời..Con người không biết mần chi chỉ biết bó gối nhìn ra đầu ngõ...Sài Gòn là Huế sao? Chiến tranh đã gặm hết  tuổi thanh xuân của tôi.Tuổi bất hoặc phải ra ngồi chợ.Giờ tuổi hoàng hôn đang  sầm sập đến.Bao ước mơ ,hoài bão  tan thành mây khói...Bất giác thở dài.Quay qua kệ sách bắt gặp  Thư Quán Bản Thảo  số 32 , nhà văn Trần Hoài Thư  ưu ái dành chỗ cho tôi , trong đó có các bài viết của các anh Nguyễn Vy Khanh, Lương Thư Trung, Trần Yên Hòa ,Trần Doãn Nho.Đọc lại thấy anh đúng là người thấu hiểu và nắm bắt hết hồn vía của thơ tôi.Tôi thú vị với những đoạn trong bài viết của anh:” Nói chung, những bài thơ thành công nhất của Lữ thường là những đoản khúc lục bát hay thơ tám chữ.Chẳng hạn như đoản khúc sau, tả về tâm trạng xao xuyến của người lính hành quân trên núi:

      Lên đây vai nặng bước liều

      Quanh co sông núi khói chiều tơ vương

      Mùa xuân gối đất nằm sương

      Tôi thân co lạnh với hồn cây thưa

       Lên đây trời đất mập mờ

       Trong tôi buồn thổi từ giờ tử sinh

       ( Ngày Xuân Ở Thường Đức )

       Những bài tám chữ như Thư Gửi người Ở Lại, Ngày Vẫy Biệt Khu Rừng Mơ Tuổi Nhỏ, Gửi Người Xa Xăm, Sao Không Nói... dài hoặc khá dài là những bài hoàn chỉnh và lời thơ rất thiết tha.Nhiều hình ảnh, nhiều  ví von đa dạng.Với tôi “cái chất thơ Trần Dzạ Lữ” chân thật nhất thường tỏa ra nơi những bài thơ tám chữ đó.hơi thơ lắng đọng, nhịp thơ miên man, lời thơ níu kéo nhau tạo nên nhiều cảm xúc.”( Trích từ bài viết của Trần Doãn Nho:Trần Dzạ Lữ và Hát Dạo Bên Trời)

     Đọc bài viết lại nhớ  anh và thèm một buổi gặp lại để tôi ngâm hết bài thơ Hành  Phương Nam của thi sĩ Nguyễn Bính cho anh nghe.Thèm lắm, nhưng liệu còn có dịp nào nữa không anh Trần Doãn Nho, nhà văn mà tôi  hằng yêu mến?

 

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 2284
Ngày đăng: 15.11.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhớ Thầy tôi – Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng - Phan Văn Thạnh
Màu mắt em trong như cõi người vốn là - Nguyễn Hàng Tình
Chị Hiền - Nguyễn Đại Duẫn
Hà Nội như mảnh ghép tạng của chính tôi … - Phan Văn Thạnh
Dọc đường văn nghệ (tiếp theo phần 31) Trần Áng Sơn, cuối cùng anh tắm gội mình bằng thơ - Trần Dzạ Lữ
Kể chuyện làm thơ - Phan Tấn Uẩn
Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường (II) (tiếp theo) - Nguyễn Đức Tùng
Cỏ biếc - Yến Nhi
Xín Mần, Hoàng Su Phì du kí… - Hoàng Thị Thu Thủy
Kể chuyện viết văn (Chuyện bên lề Trường Điện Tử ĐaKao) * - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)