Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.109
123.144.430
 
Cô gái Huế
Vương Kiều

Mai em về quê mẹ

          Sông Hương vẫn lửng lờ

        Trường Tiền như áo lụa

     Huế bây giờ trời mưa.

 

 

                                                                                                                        

 

                  Mỗi năm xuân về tết đến, bà con Việt kiều từ năm châu bốn biển đều tưởng nhớ đến quê hương và mong được về đón xuân ăn tết . . . để bồi hồi nhớ lại những xuân xưa với bao kỷ niệm thủa thiếu thời, thời áo trắng sân trường . . . cho đến ngày ly hương.

                  Tâm tình ấy là nỗi lòng chung của những người con xa xứ, dù ở trong nước hay nước ngoài, dù ở trời tây hay trời đông, đều ước mơ có một ngày về như những đàn chim tìm về tổ ấm.

               Hương Lài  1967                                   

Và có lẽ, Huế, những người con xa quê, nỗi nhớ còn sâu đậm hơn nơi nào khác. Bởi lẽ

                                                          

Huế là non nước của đau thương và tài hoa như lời ca trong “ Tiếng Sông Hương “ của nhạc sĩ

                                                        

   Phạm-Đình-Chương đã cảm nhận :

   “. . .Miền Trung vọng tiếng khoan hò

    em sinh em bé tên là Hương-Giang

   đêm đêm khua ánh trăng tàn mà than :

  • Quê hương em nghèo lắm ai ơi !

  • mùa đông thiếu áo

  • hạ thời thiếu ăn

  • Trời rằng :

                                                                  

Trời hành cơn lụt mỗi năm

khiến đau thương khắp tràn

ngập Thuận-An . . . để làm biển khơi.

 

                     Mỗi cô gái Huế là một giọt nước Sông Hương. Sinh ra ở làng quê Hương-Thủy, cô Nguyễn-Thị Hương-Lài là một trong những giọt nước ấy. Dù định cư ở Montréal – Canada trên 30 năm nhưng tâm tính của cô gái Huế ngày xưa vẫn không thay đổi, ngay cả tên tuổi trong Passport cô vẫn giữ nguyên là N-T H-L chứ không thêm tiếng Tây, tiếng Mỹ đứng bên cạnh như bao Việt kiều mà ta thường biết.

                     Là một nữ sinh yêu kiều của thập niên 1965 – 1975 ở trường Trung-Học Thành-Nhân, nằm trên đường Lê-Lợi [ hiện nay là sở Giáo-Dục TT/Huế ]. Tuổi học sinh những năm ấy đẹp biết dường nào. Trò kính thầy, thầy yêu trò, bạn học thương nhau như anh em cùng một tổ ấm. Mỗi năm khi hè đến, ve sầu hát vang khúc biệt ly, phượng hồng rực rỡ khắp mọi nẻo đường, tâm trạng học sinh thời ấy đúng như lời ca “ Nỗi Buồn Hoa Phượng “ của nhạc sị Thanh-Sơn :

 Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn

 chín mươi ngày qua chứa chan tình thương

  ngày mai xa cách hai đứa hai nơi

  phút gần gũi nhau mất rồi.

 

   Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng

   biết ai còn nhớ đến ân tình không ? . . .

 

                      Bạn học đành bùi ngùi chia tay nhau, gởi cho nhau những dòng” Lưu Bút Ngày Xanh “ , hẹn với nhau niên học mới.

                      N-T H-L ngày ấy là một nữ sinh công dung ngôn hạnh, nên dưới mái trường rất nhiều bạn học cảm xúc, mơ tưởng, nhưng tuổi học sinh chỉ biết thầm yêu và làm thơ chứ không dám thể hiện gì khác. Trong tập “ Lưu Bút Ngày Xanh “ của Lưu-Trọng-Phú [ du học ở Đức – đã mất ] mà người em ruột Lưu-Trọng-Danh còn gìn giữ đến ngày nay sau khi người anh ra nước ngoài có mấy câu thơ của người bạn cảm xúc với N-T H-L đã thể hiện :

                                   

  Thân như cánh ve gầy guộc ấy

   không bao giờ tiếc nuối những lời ca

   máu có chảy trên môi tình phượng thắm

   lòng vẫn vui được chết giữa tay ngà.

 

                        Nhưng như người ta thường nói, vợ chồng có duyên có số, chứ đâu phải muốn là được. Năm 1971 khi chiến tranh sôi sục khắp nơi, cô nữ sinh hương sắc của Huế đã kết duyên cùng giáo sư Lê-Ngọc-Quang, thầy dạy trong trường. Thầy Quang là cháu ruột của nhạc sĩ tài hoa Lê-Mộng-Nguyên đã để lại tác phẩm “ Trăng Mờ Bên Suối “ sống mãi với thời gian. Từ đó bạn học chung trường có biết bao người thầm tiếc, tự hỏi sao N-T H-L sang ngang sớm vậy, khi tuổi đời mới mười chín, đôi mươi.

            Sau ngày lên xe hoa về nhà chồng, cả gia đình thầy L-N-Q đã chuyển vào Nha-Trang, thầy tiếp tục dạy học, còn vợ thầy thì mở một nhà sách ở Nha-Trang, nhà sách vẫn tồn tại sau cuộc bể dâu 1975. Rồi năm 1985, cả gia đình thầy Quang sang định cư ở Canada cho đến ngày nay.

            Những tưởng biến thiên cuộc đời dễ khiến lòng người phôi pha, có nhớ chăng thì chỉ vài khoảnh khắc tưởng về “ Ngày Em Hai Mươi Tuổi “ để biết mình là bông hoa thời ấy có nhiều bươm bướm vờn quanh.  Định cư ở Canada trên 30 năm, con cái đã trưởng thành, sau ngày thầy Quang mất vì bạo bệnh, cô đã lo toan mọi bề cho chồng yên nghỉ với tình nghĩa thiêng liêng của cô gái Huế.

            Cuối năm 2012 cô về Việt-Nam thăm bà con ruột thịt ở Giạ-Lê, Hương-Thủy, sau đó cô đi tìm lại những kỷ niệm, những hình bóng ngày xưa thời cô còn nữ sinh. Người bạn học đầu tiên cô tìm ra được là Nguyễn-Tấn-Sơn, nhà ở Phan-Chu-Trinh – Huế. Sơn thời ấy là người bạn trai thân nhất của cô trong lớp, luôn luôn cận kề cô nữ sinh xinh đẹp, liễu yếu trên đường đến trường. Gặp được bạn xưa mừng vui khôn xiết. Cô nhờ Sơn liên lạc với những bạn học cũ còn sống ở Huế cũng như những bạn dù sống ở xa có thể về Huế được. Ngày họ gặp nhau tại nhà N-T-S sau 43 năm là ngày “ Châu Về Hợp Phố “. Cảm xúc của họ là lệ chảy trong tim qua tiếng nói, tiếng cười trong ngày đông ở Huế mà hôm ấy trên sông Bến-Ngự trước mặt nhà Sơn có nắng.

             Họ tính đếm lại 36 bạn học ngồi chung lớp bây giờ chỉ còn lại chưa đủ mười ngón tay. Cuộc chiến tương tàn đã đẩy đưa anh em, bạn bè đi hai hướng, đối diện xem nhau là kẻ thù. Cô gái Việt ngày về tìm lại bạn cũ chỉ gặp được năm người. Đó là Nguyễn-Tấn-Sơn [ công-nhân viên đã về hưu ]  Ngô-Dzai ở Truồi [ nguyên phó hiệu-trưởng trường trung-học cấp II ở Phú-Lộc ] Nguyễn-Hữu-Minh ở Chợ Nọ [ nguyên hiệu trưởng trường trung-học cấp 2 – Phú-Vang ], cô Nguyễn-Thị-Đối, nhà ở chợ Mai. Và thêm một ông bạn từ Sài-Gòn bay về nữa.

             Thời gian cô gái Việt còn ở Huế, nhóm bạn cũ đã cùng nhau đi thăm thú khắp nơi. Họ đã về ngắm Tháp Chàm ở Phú-Diên, thưởng thức những dĩa mực tươi từ biển mới lên bờ buỏi sáng [ năm ấy chưa xảy ra thảm họa Formosa khốn nạn ]. Họ dẫn nhau vào nhà hàng Thủy-Triều ở DiênTrường, nằm giữa đầm phá mênh mông, thưởng thức những dĩa tôm tươi từ đầm vớt lên . . .Nhóm bạn còn lên thăm đền thờ Huyền-Trân trên núi cao, đánh những tiếng chuông nhớ ơn Công-Chúa, nhờ Công-Chúa mà dân Việt mới có được non nước Huế. Họ vào thăm hoàng cung, lên chùa Thiên-Mụ . . .Và trước ngày cô N-T H-L vào Sài-Gòn để về Canada, nhóm bạn đã đến trường Quốc-Học, trường Đồng-Khánh xưa và đứng bên Cô Gái Việt-Nam của điêu khắc gia Lê-Thành-Nhơn tặng cho Huế, hiện trưng bày trước trường trung-học Trưng-Trắc [ Đồng-Khánh xưa ] để nhớ về “ cô gái nữ sinh Đồng-Khánh kia ơi ! Cô đi về đâu tan buổi học rồi ?  . .”

              Tượng bán thân “ Cô Gái Việt-Nam “ của điêu khắc gia Lê-Thành-Nhơn là tuyệt tác chân dung cô gái Huế của Sông Hương Núi Ngự. Khi những người bạn cũ thay phiên nhau đứng cạnh Cô Gái Việt-Nam để chụp hình thì N-T-S buột miệng : “ Cô Gái Việt-Nam giống Hương-Lài dễ sợ, L. bây giờ chỉ còn thiếu chiếc áo dài nữa thôi “. Quả vậy, nét yêu kiều của H-L ngày xưa bây giờ vẫn hiện hữu, thời gian qua bao lâu chỉ để xác tín một điều : Cái đẹp là có thực, cũng như chân lý, lẽ sống, nghệ thuật là có thực.

                 Điêu khắc gia Lê-Thành-Nhơn sinh trưởng, sáng tạo, dạy học ở miền Nam nhưng duyên nợ của ông nặng tình với Huế. Ồng về sống ở Huế từ năm 1970 – 1975, ông ở trong căn phòng tại Trường Cao-Đẳng Mỹ-Thuật trong Đại-Nội, phòng do họa sĩ Tôn-Thất-Văn nhường lại. Ngày ấy họa sĩ Vĩnh-Phối là giám đốc trường, rồi họa sĩ Đinh-Cường, họa sĩ Tôn-Thất-Văn . . .những người bạn chung đam mê, chung chí hướng đã tạo mọi niềm vui để Lê-Thành-Nhơn vươn tới khát vọng của mình, là để lại cho Huế những gì ông yêu Huế hiện thực bằng tác phẩm.

                Theo dịch giả Bửu-Ý, bạn thân của ông có lần tâm sự :

                “ Năm 1972 tôi trót đưa Lê-Thành-Nhơn lên viếng chùa Linh-Mụ. Nhơn vốn người theo Công Giáo nhưng giờ đây ở trên cao, văng vẳng bên tai tiếng chuông chùa, nhìn xuống dưới kia con sông Hương trải rộng và uốn khúc, Nhơn đứng trầm ngâm như pho tượng và Nhơn quyết định ở lại Huế ăn Tết và làm cho Huế một cái gì. Đó là khởi đầu của pho tượng Phan-Bội-Châu “

                 Bức tượng đầu tiên mà thế hệ chúng tôi được chiêm ngưỡng là tượng Quan-Thế-Âm Bồ-Tát được dựng ở Trung-Tâm Liễu-Quán, nằm đối diện một phần Trường Trung-Học Thành-Nhân mà chúng tôi theo học. Chân dung của Đức Quán-Thế-Âm qua sáng tạo của điêu khắc gia Lê-Thành-Nhơn vượt ra khỏi ý niệm hình ảnh Bồ-Tát mà ta thường thấy thờ trong các đền chùa hay các tư gia. Tượng bán thân của Ngài tuyền một màu đen, toát lên tinh thần “ thù thắng “ đập vỡ vô minh.

                 Những năm chúng tôi học ở trường Thành-Nhân thì dịch giả Bửu-Ý dạy Pháp-Văn và thầy Nguyễn-Phước-Quả dạy toán [ tức nhà báo Nguyễn-Kinh-Châu – đại diện nhật báo Sóng-Thần tại Huế ] hai vị thầy đều là bạn thân của Lê-Thành-Nhơn. Sau nầy thầy Quả nghỉ dạy và mở quán cà-phê “ Góp Gió “ nằm ở góc đường Lê-Lợi – Trương-Định cũng là VPĐD nhật báo Sóng-Thần. Thủa ấy chúng tôi đã biết uống cà-phê, mơ hồ khói thuốc nên thỉnh thoảng đến “ Góp Gió “ để lắng nghe và chiêm ngưỡng những bậc thầy mà mình kính yêu. Và tôi đã gặp Lê-Thành-Nhơn ở đó.

                  Tượng cụ Phan-Bôi-Châu thủa ấy tôi nghe sẽ dựng bên cạnh cầu Sông Hương [bây giờ là cầu Phú-Xuân] nằm phía đường Lê-Lợi. Nhưng có lẽ vì thời cuộc nên công trình lịch sử ấy không thực hiện được. Hiện nay bức tượng kỳ vĩ của cụ Phan được dựng trên đường Lê-Lợi phía cầu Trường-Tiền. Khách du đến chiêm bái cụ sẽ thấy sông núi hồn thiêng ngàn đời phảng phất trên vầng tráng, trên lông mày, đôi mắt, sống mũi . . .của cụ. Và đó là tài năng của điêu khắc gia Lê-Thành-Nhơn dâng tặng cho Huế.

                   Còn bức tượng “ Cô Gái Việt-Nam “, khi hoàn thành thì được dựng ở 101 – Nguyễn-Du – Sài-Gòn. Theo lời của họa-sĩ Đinh-Cường, tượng chân dung phụ nữ quấn khăn, Lê-Thành-Nhơn đặt tên là “ Mẹ Việt-Nam “ được chọn tham dự triển lãm châu Á đầu tiên tại Singapore năm 1974. Sau nầy khi qua định cư ở Australia ông đã dành tặng cho Huế luôn. Hiện được trưng bày trước trường Trung-Học Hai Bà Trưng [trường Đồng-Khánh cũ ] vào ngày 30/4/2011.

                    Nhận xét về Lê-Thành-Nhơn khi ông thể hiện tài hoa ở Australia, ông Dawn Casey, giám đốc Viện Bảo-Tàng Australia, trong một bài báo của tờ “ The Sydney Morning Herald “ ra ngày 12-6-2001 đã tôn xưng Lê-Thành-Nhơn là anh hùng, trong ý nghĩa là người làm tốt những việc trong đời sống hằng ngày và là người góp phần làm nên nghệ thuật của Australia.

                     Và những người con xa quê mỗi khi nhớ về Huế làm sao không nhớ được tượng Đức Quán-Thế-Âm, tượng cụ Phan-Bội-Châu và bức tượng yêu kiều “ Cô Gái Việt-Nam “, ba bức tượng ấy đã thể hiện hồn Huế ngày xưa cho đến mai sau.

                      Năm người bạn học của N-T H-L sau khi cô về lại Canada có dịp gặp nhau thường hỏi “ Sao bức tượng “ Cô Gái Việt-Nam “ lại có đường nét yêu kiều giống H-L như vậy.

                      Những tác phẩm Lê-Thành-Nhơn tặng cho Huế đến từ hiện thực, Bửu-Ý và Nguyễn-Phước-Quả là hai vị thầy dạy trong trường, họ là bạn thân của Lê-Thành-Nhơn và người nghệ sĩ gặp học sinh của bạn mình là chuyện bình thường và cảm xúc của nghệ sĩ chỉ hồn họ biết thôi để sáng tạo. Bây giờ điêu khắc gia Lê-Thành-Nhơn đã về với thiên thu, chỉ có : “Cái Đẹp “ mới trả lời được Lê-Thành-Nhơn sáng tạo từ cảm xúc bóng hình hiện thực nào trong cuộc đời.

                       Sau 43 năm tìm lại được bạn cũ, thế là cách hai năm cô lại về chung vui những ngày xuân đến cùng năm người bạn cũ. Lần mới đây là tết năm 2017. Tìm về quê hương là tâm tình chung của những người con xa quê, vì ai cũng biết rằng, cuối cùng chỉ có tình quê hương mới là nơi ta tìm thấy niềm vui và yên nghỉ. Đó là ý nghĩa thiêng liêng mà trời đất ban tặng cho con người trần thế.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                                                                                                           

 

 

 

                                                                         

 

 

 

 

 

 

 

 

   

                                                                                                                 

 

Vương Kiều
Số lần đọc: 1940
Ngày đăng: 11.12.2018
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm - Lê Viết Yên
Tâm cảnh ngày Thu - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Sông quê - Giang Hiền Sơn
Mất tích - Phương Uy
Thơ tình tuổi vào đời - Phan Tấn Uẩn
Những thanh âm ngày cũ - Phan Văn Thạnh
Cà phê nhà nghèo, cà phê nhà giàu - Phạm Nga
Nỗi nắng niềm mưa - Ngô Nguyên Dũng
Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường (I) - Nguyễn Đức Tùng
Mùa thu - Vinh Anh
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)