Khi tôi nhận tập thơ “Gã thi sĩ hoang” của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã gửi tặng, tôi biết giữa tôi và thi nhân có chút đồng điệu về thơ ca và cuộc đời.
“Tôi – gã thi sĩ hoang
Như bông cỏ dại
Nở mặt sương mù”
Tự nhận mình như bông cỏ dại, thơ mình “câu chữ mưa hoang” – có gì đó thật giản dị, nhưng lại bật lên một sức sống mãnh liệt “Ta có thể bị vất đi dưới lưỡi cuốc ranh ma/ Nhưng loài cỏ âm thầm sức chịu/ Câu thơ có thể nằm nghiêng/ trổ một đóa nỗi buồn” (Gã thi sĩ hoang). Không biết đã có ai có cái nhìn “nhẫn” như nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã chưa? Nhẫn mà không nhẫn, bởi trên hành trình tìm về với cái đẹp của thơ ca, nhà thơ đã cố “vượt thoát” khỏi cái tôi của chính mình, cái tôi mà khiến bao người ngạo mạn, bao kẻ sống chết vì nó, còn anh, lặng lẽ mỉm nụ cười hiền: “khi anh không cần thiết mọi thứ trên đời/ là lúc anh cần một nụ cười con trẻ/ khi anh chạy trốn mọi thứ trên đời/ là lúc anh gặp lại chính mình trọn vẹn nhất” (Là lúc).
Để gặp lại chính mình trọn vẹn nhất, thì mỗi bài thơ của anh trong tập thơ “Gã thi sĩ hoang” như là một lần “đốn ngộ” với chính bản thân thi sĩ và thơ ca. “Thơ và thi sĩ” vẫn là câu hỏi để ngỏ với bất cứ ai, cả nhà thơ và độc giả. Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã đang trả lời cho câu hỏi đó, cho nên tập thơ “Gã thi sĩ hoang” là hành trình đến với cá nhân nhà thơ và thơ ca – những cảm nhận của anh về những bài thơ anh đã viết ra. Thi nhân là người cảm nhận cái đẹp và bất tử hóa cái đẹp. Nhìn giọt nước trên cành cây, nhà thơ nghĩ đến bông hoa hé nụ để đón nụ hôn từ trời (Sống như giọt nước), một lối quan sát tỉ mỉ, một cái nhìn nhân văn, một triết lý xuất hiện. Cũng như vậy, lúc nhìn về nỗi buồn, cái nhìn của thi nhân không dừng lại ở bi kịch của con người khi bị ruồng bỏ, mà đằng sau đó là một sự đổi thay: “nếu một ngày/ bạn bị người đàn bà ruồng bỏ/ như một đôi dép rách/ nếu một ngày bạn bị/ người đàn ông đó đánh đập tả tơi/ những vết thương sâu hoắm/ thì bạn ơi/ tự do đang chờ bạn bên kia chiếc cầu/ sự trống vắng đang băng bó vết thương cho bạn/ và niềm cô đơn an ủi bạn vô cùng” (Cần thiết) – không thể nào diễn tả hết cảm nhận nhân văn về bài thơ này của anh. Sao anh nhìn mọi bi kịch nhẹ nhàng đến vậy? Có lẽ trong anh, mọi cảm xúc: “hỷ, nộ, ái, ố, bi, khủng, kinh” đã trở nên nhẹ nhàng quá đỗi, bởi khi con người nắm được quy luật, con người sẽ tự do. Bài thơ thật hay, cái hay nằm ngay trong ý nghĩ “thuận theo tự nhiên” (vô vi): “sẽ không có gì quan trọng/ nếu em chẳng yêu tôi/ sẽ chẳng có gì trầm trọng/ nếu em không lấy tôi/ nhưng vườn cây của tâm hồn tôi đã đơm hoa kết trái/ và mùa màng đã cưới nhau từ lúc giao mùa” (Tiệc cưới). Nhìn hạnh phúc giản đơn vậy. Trong sự giản đơn là một cái nhìn thấu hiểu, thấu hiểu đến mức chữ “tôi” của anh không cần thiết, không tồn tại. Không dễ gì mà quên được cái tôi của mỗi con người. Với Nguyễn Thánh ngã, anh suy nghĩ được như thế, bởi anh cũng nhận ra: “khi chúng ta ký họ tên mình/ vào những đám mây/ mây sẽ mang mưa xuống/ lưu vào đất đai/ chờ ngày nhận diện” (Hóa thân). Ngỡ là quên cái tôi, mà không quên, bởi khi cái tôi sống hết mình với cuộc đời, thì lúc đó đâu cần nhớ đến nó. Đất đai nhận diện chữ ký của tên mỗi người, bởi vì bạn phải sống sao đó để sau khi không còn trên cõi đời, người đời vẫn nhận ra nét vạch bạn để lại.
Trên hành trình tìm lại chính mình – anh – thi sĩ đã nhận ra chân dung “thi nhân” với cái nhìn thẳng thắn, bạo liệt, nếu nhà thơ chưa biết buồn, biết khổ, chưa biết những khổ nhọc trần ai của kiếp con người thì: “Họ là những nhà thơ đục khoét nỗi buồn của kẻ khác/ Họ kéo lê chiếc thùng rỗng trên đời/ Chỉ để gõ vào những thây ma/ Khiến cho bầy quạ đen tìm tới” (Nhà thơ và bầy quạ).
Tìm về thi sĩ, anh tìm lại chính anh, và khi đọc thơ anh, tôi nhận ra trong anh có ý hướng của cõi thiền rất rõ: “Ao trong vắt/ Đáy nước in trời/ Một đóa sen của mùa khô còn sót lại… Những mùa sen bật ngộ/ Đem làn hương giải thoát đến trong đời” (Sen nở mùa xuân). Từ hình ảnh thơ, tứ thơ cho đến tiêu đề bài thơ mang hơi hướng thiền của những thi nhân đời Trần. Không gian tĩnh lặng, tươi trong, hình ảnh thơ sống động, chứa đựng cả một tâm hồn thanh cao, hướng thiện. Con người hướng thiện khi con người nắm vững quy luật – vô vi – thuận theo tự nhiên. Bởi vậy, khi đọc tập thơ “Gã thi sĩ hoang” ta sẽ có cảm giác bình an đến lạ, cái bình an trong cảm nhận một tâm hồn hiền lành, tha thiết với con người, cảnh vật, nhưng lại đến với nó như là sự mặc nhiên của bước chân thi sĩ.
Có phải đỉnh Langbiang vương vấn tâm hồn anh, có phải nắng gió cao nguyên để lại trong anh một tâm hồn khoáng đạt, anh phiêu du cùng mây trời, gió núi, nhiều khi lãng đãng quên cả lối về: “Đã có lần/ nhìn chim vỗ cánh/ Tôi học cách bay/ Từ những muộn phiền/ Đã có lần/ nhìn dơi treo ngược/ Tôi treo nổi đau/ ngược với phận mình/ Đã có lần/ nhìn hoa hàm tiếu/ Tôi tự hiểu tôi/ người hé tâm hồn… Vì như đất/ tôi yêu cây lá/ lá sẽ trở về/ nằm dưới gốc cây” (Đã có lần). Có lúc anh như người trên núi cao lạc về phố thị, anh sợ tiếng ồn, sợ những dối lừa: “Đứng giữa Sài Gòn/ Tôi ước mình hạt bụi/ bay khỏi những cao tầng/ biến khỏi những chung cư/ Về với núi/ yêu em “tộc núi”/ nằm trên nhà sàn rượu cần chảy chin bậc cầu thang” (Đứng giữa Sài Gòn). Thừa nhận mình là “Gã thi sĩ hoang” mà còn sợ chốn thị thành đến thế, đủ biết thi nhân ưa chốn núi cao yên bình, yêu nơi có núi cao phóng khoáng, nơi có “đàn goong của người Gia Rai/ Tâm tình của những đôi trai gái”.
Thi sĩ làm thơ phải tìm về câu chữ: “Câu thơ vị thần hộ mệnh/ Giữ gìn hồn phách, nhịp rung… Chữ níu thơ xin làm kiếp chữ/ Thơ vực tôi làm kiếp con tằm… Nhưng để quên kiếp người cho câu thơ mãnh liệt/ Tôi nguyện làm kiếp chữ mong manh” (Kiếp chữ). Xem như là tuyên ngôn của nhà thơ với nghiệp cầm bút, sống hết mình vì con chữ, thi ca, cháy hết mình vì nó thì sẽ có những bài thơ đích thực (Ngôn ngữ lửa). Mỗi nhà văn, nhà thơ thường có tuyên ngôn của mình với sự nghiệp cầm bút, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã cũng không ra ngoại lệ đó. Khoảng cách giữa ước muốn và hiện thực được rút ngắn, nếu cảm xúc thi ca bắt đầu từ tài năng và trái tim chân thành.
Những bài thơ tình của anh với cảm xúc nhẹ nhàng, lan tỏa: “Ngày thương mây/ Tôi về quàng vai xứ núi/ Nhón gót sương mù che khuất dã quỳ em… Tôi đưa mây qua sông/ Và đưa em qua sông/ Để bây giờ sông vắng/ Biết khi nào sông nhận ra tôi/ Tôi muốn viết câu thơ vào đó/ Sợ em về sông chẳng còn sông” (Đưa mây qua sông). Có lẽ “Gã thi sĩ hoang” nhận về mình biết bao thương nhớ, nuối tiếc, để em về tròn vạnh một vầng trăng. Anh tiếc nuối bóng hình em trong màu áo: “Em đã mang màu áo ấy cho anh/ Anh giữ nguyên màu nắng nhạt cho mình/ Ngơ ngáo thế, trong mắt rừng hoang dại” (Áo nắng hanh vàng). Mỗi một kỉ niệm, mỗi một ánh nhìn, mỗi một hình ảnh lưu lại trong trái tim thi sĩ một bản tình ca về tình yêu và cuộc sống.
Sẽ khó mà sắp xếp theo một trật tự nào đó về những bài thơ của cả tập thơ “Gã thi sĩ hoang”; vì hành trình đến với thơ cũng là hành trình tìm lại chính mình, cảm xúc đan xen hòa quyện giữa những câu hỏi tự vấn: Thi sĩ - anh là ai? Bài thơ hay là bài thơ như thế nào? Anh sẽ là ai nếu anh quên đi cái tôi của mình, và trong hành trình tìm lại chính mình, nhà thơ nắm vững quy luật vô vi - thuận theo tự nhiên, đó cũng là cõi thiền trong sạch, thanh cao của một nhà thơ sáng tác thơ. Nếu gọi thi pháp của tập thơ “Gã thi sĩ hoang” là “Gã thi sĩ hoang” chắc cũng không có độ chênh bao nhiêu. Bởi lẽ trong cả 73 bài thơ của tập thơ ta nhận ra bước chân lữ thứ của thi sĩ in dấu trên mọi nẻo đường, mọi miền quê của đất nước. Mỗi một nơi đi qua, mỗi một vùng kí ức, xúc cảm của thi nhân vẫn đi về với thi sĩ - thơ ca và con người cá nhân. Tôi biết anh có viết thơ Haiku, có lẽ trong quá trình về với thiền - vô vi - thuận theo tự nhiên để tìm ra quy luật anh đã đốn ngộ về mình, và Haiku là thể loại chuyển tải ngắn gọn nhất, tinh tế nhất cái cảm xúc nhẹ nhàng, thanh lọc trong anh. Nếu ở tập thơ “Gõ” (xuất bản năm 2011) với nhiều bài thơ có những câu thơ dài, những bài thơ văn xuôi với cảm xúc hăm hở, triết lý, suy ngẫm… thì đến với “Gã thi sĩ hoang” cũng vẫn cảm xúc đó nhưng lắng đọng hơn, nhẹ nhàng hơn, thâm trầm hơn; thời gian đã mài giũa tâm hồn thơ để những tứ thơ nhẹ nhàng, tinh tế, sâu sắc, lắng đọng của anh sẽ gợi mở trong lòng độc giả biết bao ý tưởng. Cho nên, có nhiều khi đọc xong bài thơ rồi mà ý tưởng vẫn chưa hết, vẫn còn vương vấn: “Lắng nghe tiếng chim trong mưa/ Lảnh lót/ Hình như mùa hạ đâu đây/ Người đàn bà mở cửa sổ nhìn mưa/ Thêu nỗi buồn hoang dại/ Trong đáy mắt tím sâu” (Cơn mưa lại về).
Huế ngày 1/12/2018