*Đi cùng bài là Ảnh bìa Cuốn Bút ký văn học “ Sương Gió Bơ Vơ” của Nguyễn Hàng Tình
Viết tự nhiên như cây cỏ…
“Tự nhiên như cây cỏ”, đó cũng là cách sống của tác giả.
Tôi đọc, choáng ngợp với những hình ảnh cứ hiện ra như đang xem một cuốn phim Tài Liệu dài, theo qua từng trang viết. Những hình ảnh lồ lộ trong sự lãng mạn của thiên nhiên, đầy khốc liệt khi vật vã để tồn tại trước ý thức của con người.
Những câu văn tràn đầy sự nuối tiếc, pha lẫn ngậm ngùi. Anh không phải dân cao nguyên nhưng yêu cao nguyên đến cực đoan, yêu từng gốc ngo, từng khoảnh rừng, từng mặt hồ, từng con dốc. Tình yêu ấy cũng đồng nghĩa với sự trăn trở. Khi cái “được”(cho ai đó) lộ ra thì đồng thời cái “mất” cũng hiển hiện. Và anh luôn nuối tiếc. Tôi đồng cảm với anh.
Tác giả như nghe được tiếng thì thào trong đất đai, và băn khoăn: Có bao giờ thiên nhiên vơi cạn cũng làm con người vong bản ? Rồi van nỉ: Lạy trời, đừng tiêu xài hết sạch mọi chỗ xinh đẹp, tốt tươi, đắc địa, thuận lợi. Vì nó là của để dành, với hậu thế.
Phải là con người có tấm lòng mới âu lo như thế.
Anh không chỉ yêu núi, mà tình yêu ấy còn tràn tận biển, khắp nơi.
Tưởng anh lãng tử, bỏ đời, nhưng không phải. Theo tôi đó là “nợ”. Và rằng, có cửa biển nào ở dưới kia mà không liên hệ, nợ nần với con sông thượng nguồn. Biển nợ nần với núi rừng như núi rừng nợ nần với biển.
Hành trình nội dung trong cuốn Bút ký văn học “Sương Gió Bơ Vơ” (Công ty văn hóa Phương Nam và Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn bản) của Nguyễn Hàng Tình này diễn ra từ năm 2000 đến nay. Xuôi ngược trên chiếc xe máy khắp nơi, tác giả sống trong không gian của nội dung, câu chuyện, nhân vật, rồi bằng văn chương để suy nghiệm về cõi loài người.
Tôi nghĩ, anh như không viết mà câu chữ tự khắc trào ra từ tâm hồn đa cảm và dễ thương tổn của anh, trước thiên nhiên đang ngày một đổi thay và những con người đúng nghĩa ngày càng hiếm hoi, vắng bóng (ít ra theo tác giả).
Anh tự mang vào mình sứ phận rằng, “Phải đi gặp đồng loại sống trên biển kia để biết họ tồn tại bằng cách nào”. Rồi nhận ra, khi long đong mưu sinh là ngư dân đang khẳng định chủ quyền đất mẹ trên quê hương biển của mình. Họ là những người bảo vệ lãnh thổ bằng tấm thân, duy nhất chỉ có tấm thân da thịt cháy nắng.
Ngòi bút của tác giả không chỉ dữ dội khi nói đến sự khốc liệt giữa thiên nhiên và con người, mà những trang viết về những chuyện nên thơ cũng ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Anh hỏi: Có cô gái nào trên đất nước này có thể "lắc đầu" với hoa hồng ? Tôi đọc, dù lớn lên tại Đà Lạt, nghĩ mình hiểu Đà Lạt, lại vẫn ngỡ ngàng với một thứ “Bi kịch hoa hồng” khi anh chỉ ra, cuộc đời thật của xứ hoa, với những con người lạc lõng thu mình vào mặt đất.
Cả khi anh viết về người Nghệ sĩ nơi xó chợ, cũng dậy tình người, khiến ta phải suy ngẫm. Nhiệm vụ của người nghệ sĩ ấy là hát, hát cho tâm thế yêu chân thành cuộc sống. Nhạc sống hẳn hoi, người hát bằng xương bằng thịt, không bao giờ có playback, hay dùng kỹ thuật gian xảo để dối lừa người nghe.
Tôi yêu tác giả, quý trọng con người anh không chỉ từ những gì anh đã viết, mà từ chính cách sống cách nghĩ và tấm lòng anh: Chỉ mong cho yêu thương trở về với hết thảy chúng sinh, tràn đầy cùng phận người trên mặt đất.
Khép lại những trang viết cuối cùng, lòng vẫn băn khoăn không dứt. Nó đọng lại trong lòng như sau một bữa rượu ngon. Hương vị đã qua nhưng dư vị như còn mãi.
Lại vang lên trong đầu: Tự Nhiên Như Cây Cỏ…
Tình ơi, nhưng liệu có như cây cỏ mãi được không, trong cuộc sống còn đầy trắc trở này !?./.
……………………