Tôi không phải là con chiên của chúa. Nhà thờ đối với tôi là ngoại đạo. Nhưng chẳng hiểu sao, từ lâu lắm rồi, cũng chẳng nhớ nổi từ khi nào, những giáo đường thênh thang với những toà nhà kiến trúc uy nghi có cây thánh giá trên các vòm cao mái rộng như đang muốn vươn mãi lên bầu trời xanh lồng lộng cùng tượng chúa nguy nga, hiền từ, tráng lệ đang trầm mặc trong tiếng chuông chiều từng hồi ngân dài vang vọng vào mỗi mùa đông cứ lắng lại, ám ảnh, neo đậu vào trong kí ức để rồi gần gũi, thân quen và trở thành một miền tâm tưởng.
Thủa nhỏ mẹ tôi bảo: mày có “hoa chân” ngồi chỗ không yên nên hay đi. Có lẽ đúng. Tôi thích xê dịch. Bởi vậy hễ có dịp đi đến nơi đâu, chỗ nào có nhà thờ của chúa là tôi lại lặng lẽ tìm đến. Đến để ngắm nhìn những mái vòm cổ điển theo phong cách Gothique; cho mãn nhãn những bảo tháp nguy nga cùng cây thánh giá hình chữ thập cao vút trên trời xanh bao la với bao nét rêu phong đang như nước thời gian buông trôi trên những mái nhà, bờ vôi, tường đá mà xưa kia từng có một thời đài các, kiêu sa như thể quí tộc Âu châu giữa mảnh hồn làng đất Việt nhưng nay cũng đang dần trở thành cổ kính, cũ xưa. Đến để được lắng nghe những hồi chuông lay thức tâm hồn với những giọt thanh âm trong veo, ngân rung khi thì dồn dập, quấn quýt lúc lại thánh thót, ngân nga đang loang ra khắp chốn không gian làm cho lòng mình được như lắng lại, nhẹ nhõm; cho hồn người được lâng lâng trong cái trạng thái như mơ hồ nhưng rất đỗi bình an.
Chiều cuối đông âm u, tháp chuông cao vút nơi thánh đường tôn nghiêm lại ngân vang những thanh âm như khảm vào đất trời cái vắng vẻ cô liêu của của xóm đạo. Tiếng chuông của nhà thờ vang lên từng hồi kính coong, kính coong giống như tiếng gọi bầy con chiên đi về bên chúa; cũng có khi là để thúc giục mọi người chuẩn bị trước giờ thánh lễ. Những tiếng chuông thiêng ấy mới đầu vang lên chầm chậm rồi nhanh dần một cách đầy hứng khởi. Từng thanh âm kính coong càng về sau càng vang xa, trong trẻo hơn lúc mới ban đầu. Đến khi vãn hồi chuông đổ chậm dần nhưng hình như thanh âm của nó lại quyện vào ngọn gió để tiếp tục lan xa tới tận nơi cuối trời và neo lại trong lòng người cái vẻ thanh bình, tĩnh lặng nơi chốn thôn quê. Hình như, cái hồn quê ấy có lần Văn Cao cũng đã từng gặp để cất lên rằng: “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung ...”.
Giáo đường trong những đêm thánh vô cùng cũng đầy mê luyến. Nến, đèn với đủ sắc màu huyền ảo giăng mắc từ mặt đất cho đến nơi tượng chúa và cây thánh giá cao vút trên tầng không của nhà thờ linh thiêng. Giữa bao la màn đêm mịt mùng giá lạnh đặc quánh của đêm cuối đông, trong cái ánh sáng mờ ảo, lập loè, lung linh bỗng vang lên trong thánh đường tôn nghiêm khúc nhạc thanh khiết, nhẹ nhàng nhưng có một sức cuốn hút đến lạ kỳ làm say lòng mê mẩn biết bao người con yêu của chúa và ru hồn người vào trong cái thế giới của những thiên thần đầy bí ẩn. Mê mải ngắm nhìn những nhạc công và ca đoàn nhìn hiền như đức mẹ đang nhẹ nhàng tấu lên từng giai điệu trầm bổng, du dương của hàng chục khúc ca mừng đêm giáng sinh để dâng lên chúa mà lòng không khỏi cảm xúc dâng trào. Đêm noel giữa nơi giáo đường cái lạnh của mùa đông dường như không còn nữa. Bầy con chiên của chúa quây quần bên nhau trong cái lâng lâng của cảm giác êm dịu, mơ màng giữa muôn tiếng dương cầm du dương trầm bổng và những giai điệu mềm mại, nồng nàn, da diết từ những chiếc loa vàng bóng trên hàng chục cây kèn saxophone vang vọng. Ngập tràn trong những sắc màu và giai điệu của đêm thánh lòng người cảm thấy như nhẹ tênh... Trong cái trạng thái đầy khoái cảm và mơ màng ấy, hồn người như thể đang được ru theo những giai điệu ấm áp, ngọt ngào của khúc ca Ave Maria. Lang thang trong đêm thánh, thả hồn trong giáo đường lung linh ta như thấy mình đang được bay bổng lên giữa trời cao để về bên đức mẹ hiền từ của nhân loại.
Giờ tan lễ, con đường trước cửa nhà thờ ngời sáng lung linh những ánh đèn như muôn vì sao giữa màn đêm đang dập dìu tay nắm và nồng nàn hơi thở của những lứa đôi trong xúng xính áo quần. Tay trong tay, em bên tôi hoà cùng bầy con chiên của chúa đang râm ran với những khúc kinh cầu và tay giơ làm dấu thánh giá một cách thành kính “a-men”. Những cây thông lóng lánh kim tuyến, lúc lỉu chông vàng cùng hang đá belem được dựng lên để tưởng nhớ lại cái ngày thiên chúa giáng sinh đã làm em thích thú vui sướng giữa màn đêm huyền ảo. Chẳng nói, em chỉ ngước nhìn trời cao, hướng về bên chúa, lòng như thầm nguyện những ước mong chúa lòng lành thương cho hai chữ bình an. Giữa miên man của đôi bờ hư thực cùng những lời ca giáng sinh du dương, êm ái đang cất lên ngọt ngào: “Quỳ bên em trong góc giáo đường/ Tiếng kinh cầu đẹp mộng yêu đương/ Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau...”; “Cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao sang/ Xin cho đôi mình suốt đời có nhau/ Vang trong đêm lạnh bài ca thiên chúa/ Khẽ hát theo câu: Đêm thánh vô cùng...” ai mà chẳng lạc trôi, say đắng, mộng mơ giữa thiên đường ở trên mặt đất với những giấc mơ hoa hồng mới nở.