Người xưa có nói: " Miếng ăn là miếng tồi tàn, ăn vô một miếng lộn gan lên đầu.". Trước kia tôi cũng nghĩ vậy, nên có thành kiến với những người hay có tánh xấu trong bữa ăn hoặc mỗi khi ăn hay đòi thêm này thêm nọ. Nhứt là những năm sau này, thủy thủ đến từ nhiều nước, có khi trên tàu chỉ có hơn chục người mà tới năm, sáu quốc tịch khác nhau. Đi chung chuyến tàu của Hoà Lan, dĩ nhiên phải ăn uống theo thực đơn của Hoà Lan. Theo luật trên tàu thì đầu bếp nấu món nào thì thủy thủ đoàn phải ăn món đó, hổng được ọ ẹ phàn nàn, nhưng nếu đầu bếp không sáng tạo và chỉ nấu hoài một loại thức ăn thì sẽ làm nhiều người ăn hổng được, thức ăn dư ra đổ bỏ uổng lắm. Nghĩ vậy nên tôi tìm học vài món ngon tiêu biểu của những vùng, miền nào mà nhiều người biết tiếng. Ban đầu tôi sợ lãng phí thức ăn nên cố công học hỏi những thực đơn cho nhiều người ăn được, cũng nhờ vậy tôi khám phá ra, ngoài chuyện ăn ngon miệng, món ăn có thể gây phiền phức cho người ham ăn, nhưng cũng có thể hoá giải được những xích mích và làm cho người với người gần gũi nhau hơn.
Không biết tôi có thói quen từ hồi nào, cứ mỗi năm vào tháng Mười Hai dương lịch là tôi thích nấu những món ăn đặc biệt của vùng miền nào mà tàu chúng tôi đang đi ngang. Tôi chọn món ăn sao cho hợp với thời tiết và khẩu vị của nhiều người. Hôm nay là trung tuần tháng Mười Hai, tàu tôi hiện hải hành vùng Bắc Đại Tây Dương, mùa này nơi đây trời lạnh lắm, nên tôi chọn nấu món súp khá thịnh hành của vùng Baltic. Tôi đang đứng xắc rau, củ để ra dĩa, chợt nghe sau lưng có tiếng hô với giọng vui mừng:
– Oh, borsch!
Tôi ngước lên thấy Liubomir đứng cạnh bên, nó xoa hai bàn tay vào nhau và hỏi:
– Ông cũng biết nấu soup borsch?
Tôi ngước nhìn nó cười, hất mặt ra vẻ kiêu hãnh và hỏi lại:
– Sao không?
– Món này đặc biệt của nước Nga.
Chuyện của con người, dù là người Á Châu hay người Âu Châu gì cũng vậy. Từ lãnh thổ, thiên nhiên, cây cối, lá hoa, con người cho tới thức ăn, thứ gì có vẻ đặc biệt, nổi tiếng mà ở cạnh bên thì dành cho là của mình. Như cái món rendang, người In Đô thì nói xuất xứ từ In Đô, người Mã Lai nói của Mã Lai rồi tranh cải om xòm trên báo. Món soup borsch cũng vậy. Tôi sắp phần củ dền tím vừa xắc xong để vô chiếc dĩa bầu dục cùng với những loại rau khác, trắng, xanh, cam, vàng, tím trông cũng bắt mắt. Tôi bưng dĩa rau lên, day qua đưa trước mặt Liubomir, cười nói:
– Đẹp hông?
– Oh, đẹp tuyệt.
Tôi nói:
– Chẳng những tao biết nấu borsch mà tao còn biết lai lịch của borsch nữa. Mày người Nga thì nói borsch của Nga, nếu là người Ukraine thì nói borsch của Ukraine. Tao là người Việt Nam thì tao nói Borsch là một món súp rau, củ bắt nguồn từ các bộ lạc xa xưa nằm về miền bắc Phần Lan và Nga. Nhưng ngày nay borsch rất thịnh hành trong vùng Baltic, nhứt là trong các nước lân cận Đông Bắc Âu Châu.
Liubomir gật gật đầu, nói:
– Ông nói đúng.
Nó lân la đứng lại khoe cái kiến thức nấu ăn của nó:
– Có những nơi thích nước súp loãng, trong và màu tím lợt, có những nơi thích nước súp màu tím đậm đặc hơn. Nhưng quan trọng là nước dùng.
Trước khi tiếp câu chuyện, tôi xin kể lại cái nguyên nhân tôi quen với Liubomir. Cách đây cũng hơn hai năm rồi, lần đầu tôi đi chung với nó trên chiếc Tina. Trưa hôm đó tôi làm món khoai tây chiên bột có tên là derung. Mọi người ăn xong và ra khỏi phòng ăn hết rồi, nó vô trễ nhưng tôi cũng có chừa phần cho nó, tôi sắp khoai thịt và rau vô dĩa đưa ra. Nó lấy dĩa thức ăn để lên bàn mà chưa chịu ăn, hổng biết mắc chứng gì mà mặt mày nó nhăn nhó giống như giẻ rách, nó nhào vô bếp lục tủ lạnh. Thấy chướng mắt, tôi hỏi:
– Mày tìm cái gì?
Nó day qua hỏi:
– Ông có kem chua hông?
– Hông.
– Sao ông hổng đặt.
Tôi bực mình chỉ tay ra cửa, ý kêu nó đi ra ngoài:
– Hổng có là hổng có, mày ra ăn với mayonaise, hổng ăn thì thôi.
Với giọng kẻ bề trên, nó nói:
– Tui cũng là đầu bếp, tui có nhà hàng, nếu có gì hổng biết thì ông hỏi, tui dạy cho.
Bình thường chắc tôi cho qua, nhưng nó dùng câu “I teach you.” làm tôi hơi khó chịu. Tôi hất mặt hỏi lại:
– Dạy cái gì?
– Thì... nấu…
Tôi đổi sắc mặt, nhìn nó cười khẩy và nói:
– Oh. Tưởng chuyện chế thuốc độc hoặc bôm hạt nhân, bôm nguyên tử, xe tăng, súng, đạn... những thứ giết chết người của nước Nga mày thì tao hổng biết, chớ còn thực đơn để nuôi sống con người thì nước Nga của mày có con c. gì mà dạy tao.
Có lẽ thấy mặt mày và giọng nói khó chịu của tôi nên nó ngán, nó hầm hầm cái bản mặt thịt và miệng sịt một cái rồi bỏ ra bàn ăn.
Trước buổi ăn chiều hôm đó, thuyền trưởng người Hoà Lan, xuống hỏi tôi:
– Ông nói gì mà thuyền phó nói ông châm biếm nó vậy?
Có chút chuyện mà nó cũng lên mét thuyền trưởng. Tôi biết thuyền trưởng người Hoà Lan cũng không ưa gì người Nga. Nhưng tôi hổng có tánh a dua, dựa vào đó mà nói xấu thuyền phó. Nhưng nó đã mét với thuyền trưởng rồi thì tôi cũng phải phân trần cho ông rõ. Tôi nói:
– Thiệt ra vì tánh cao ngạo của thuyền phó, cũng như cách sống của nhiều người Nga khác, tự nó đã là châm biếm rồi. Tui chỉ nói sự thật cho nó biết thôi.
– Nhưng chuyện gì?
Tôi kể với thuyền trưởng chuyện xảy ra hồi sáng xong và tôi nói:
– Có món Hamburger mà Nga cũng làm hổng được, dân Nga phải chờ gần một thế kỷ mới được ăn. Vậy mà nó đòi dạy tui nấu ăn.
– Thiệt hả?
– Thiệt, ngày đầu McDonald's khai trương ở St. Petersburg dân Nga đứng sắp hàng dài cả cây số chờ mua ăn.
Thuyền trưởng cười ha hả rồi bỏ đi. Ông lên nói gì với nó hổng biết mà sáng hôm sau nó xuống mặt mày vui vẻ đứng trước phòng bếp ló đầu vô, nói:
– Ông là người Hoà Lan.
Tôi đáp:
– Không, tao là người Việt.
– Tui tưởng ông người In Đô.
– In Đô thì đã sao?
Nó đưa ngón tay lên giữa miệng làm giấu bí mật và nói.
– Người In Đô ngu lắm, bếp In Đô nấu ăn hổng được.
Trơ trẽn như vậy là cùng, tôi có hơi khó chịu, nhưng muốn lên lớp cho nó biết chút ít về chuyện làm người, nên tôi dịu giọng, nói:
– Mày lầm rồi, mầy đừng tưởng là mầy thuyền phó và người Nga là thông minh. Thật tình thì bếp In Đô nào cũng có bằng cấp nấu ăn hết, tại mày hổng quen ăn thức ăn In Đô thôi, còn thủy thủ In Đô nhiều người có bằng đại học, nhưng vì ở bên nước nó hổng có việc làm thích hợp và lương bổng hổng bao nhiêu nên mới qua đây làm thủy thủ.
Hình như nó dè dặt trước những gì tôi nói, nên nó mới đổi sang chuyện khác:
– Ông viết sách hả?
– Hobby của tao. Có vấn đề sao?
– Ông viết về chuyện gì?
– Thì chuyện của tao với mày đương nói nè.
– Oh. Có lẽ nó ngại trò chuyện với một tên già dặn và có tánh móc lò như tôi nên nó chào tôi và bỏ đi ra ngoài. Đúng là tư cách của người Cộng Sản, trước khi muốn cư sử với người nào phải tra lý lịch người đó. Nhưng đỡ cái là từ đó trở đi, thái độ hống hách tự cao tự đại của nó không còn và hổng dám léo hánh vô bếp hỏi này hỏi nọ nữa.
Sau chuyến đó, cũng hơn hai năm rồi, tôi không gặp lại nó. Chuyến này gặp lại tôi, nó bắt tay mừng rỡ, làm như là bạn bè thân nhau lâu lắm vậy. Nó khoe với tôi, nó đi du lịch Việt Nam mới về, đi tour và có ăn phở. Tôi nói:
– Phở là món rẻ tiền, bộ tụi Nga mày hổng có tiền ăn món nào đắt giá hơn sao mà thằng nào đi du lịch qua đó trở về tao cũng nghe ăn chỉ có phở.
Nó cười hì hì:
– Phở ngon mà.
Kỳ này trên tàu thuyền trưởng và phụ máy là người Ukraine, chỉ có phụ thuyền phó là người Hoà Lan và tôi người Hoà Lan gốc Việt.
Tôi trở lại câu chuyện. Day qua nói với Liubomir:
– Dĩ nhiên nước dùng là nền tảng của các loại súp, nhưng sự kết hợp củ dền tím, bắp cải trắng, cà rốt, cọng cần và khoai tây nấu chung với nước dùng xương bò làm cho súp ngọt và thanh, hương vị và màu sắc củ dền làm cho borsch có màu tím và mùi thơm đặc biệt.
– Người Nga và người Ukraine thường trang trí nguyên cọng thìa là, kem chua hoặc maiyones và ăn với loại bánh nướng bột gạo nhân thịt, tiếng Nga gọi là pirozhki.
– Nhưng trên tàu chỉ có maiyones và bánh mì thôi.
– Ờ, trời lạnh ăn Borsch rất ngon.
Tôi nói:
– Soup borscht nấu đặc thích hợp cho mùa lạnh, mùa nóng nấu loãng một chút, mùa nào ăn soup borsch cũng được và ăn nóng hay nguội gì cũng ngon. Nhưng theo tao biết thì cách ăn borsch cũng khá quan trọng.
– Oh, vậy sao?
Tôi cười dí dỏm:
– Theo truyền thống cổ xưa, ăn soup borscht với cái tô bằng đất nung và muỗng gỗ. Thực khách phải trần truồng, ngoài tấm khăn che phía dưới ra, đàn ông, đàn bà, con nít hổng bận áo, quần gì hết.
– Thiệt hả?
– Thiệt, mày hổng tin thì tìm hiểu lịch sử borsch biết liền.
– Nhưng borsch cũng là một trong những món ăn truyền thống Giáng Sinh của nước Nga.
– Ờ, đúng rồi. Theo lịch chính thống của nước Nga, lễ Giáng Sinh ở Nga vào ngày bảy tháng Giêng.
– Nhiều người Nga vào những ngày đầu tháng Giêng, trước Giáng sinh đã tổ chức ăn uống rồi. Nhưng hổng phải người Nga nào cũng tổ chức Giáng Sinh vào ngày đầu tháng Giêng.
– Vậy hả?
– Nhiều người tổ chức Giáng Sinh bắt đầu ngày hai mươi lăm tháng Mười Hai. Trong thời gian này, tất cả cây cối trồng những nơi công cộng cũng trang trí đèn màu, giống như cây thông Noel, đó cũng là biểu tượng cho năm mới.
– Vậy là nước Nga có hai ông Jêsu.
– Ha ha.
– Cười gì, hổng lẽ hai ngày sanh mà chỉ có một Jêsu? Nhưng...
– Gì?
Tôi cười, nói:
– Hai chúa Jêsu dùng một Thánh Kinh nên xã hội nước Nga lộn xộn thấy mẹ.
Liubomir lại cười ha hả:
– Vậy đạo Phật có mấy ông Phật?
Tôi hô:
– Oh, a lot op Budha’s ! (vô số Phật).
– Vậy nước Việt Nam có lộn xộn hông?
– Có chớ, đạo Phật ở nước tao lộn xộn quá xá luôn.
– Ông đạo Phật mà.
– Cũng vì tao theo đạo Phật nên mới thấy nước Việt Nam tao nhiều Phật và lộn xộn giống như một đống phế thải. Mày đi khắp nước Việt Nam, nếu để ý thì thấy chỗ nào cũng có Phật và lủ khủ thầy chùa.
– Đúng rồi, tui tới Bình Định thấy tượng Phật trên núi lớn lắm.
– Tao biết, tượng Phật ở Bình Định lớn nhứt Đông Nam Á. Tuy đạo Phật nước tao có lộn xộn nhưng dù sao cũng đỡ hơn nước Nga mày.
– Sao vậy?
– Bên Nga có hai ông Jêsu mà chơi hổng lại ông Lenin, để ông ta biến nước Nga thành một quốc gia vô thần, hổng tôn giáo gì hết. Trong thế kỷ hai mươi, Người Nga hổng được mừng Giáng Sinh công khai, thời gian đó cũng có nhiều người Nga tự nhận mình là con cháu của bác Lenin, hổng thần, hổng Phật, hổng Chúa, hay Allah gì ráo. Chuyện tín ngưỡng bị dẹp qua, nhiều người cũng chẳng biết Giáng Sinh là gì, chỉ ăn mừng ngày Giáng Sinh của ông Lenin thôi.
– Nhưng bây giờ hết rồi.
– Từ ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, người Nga mới được phục hồi tín ngưỡng, chủ yếu là tôn giáo chính thống của Nga. Cả nước Nga, nhứt là tần lớp trung lưu trở lên, nô nức ăn mừng Giáng Sinh, tiệc tùng rất long trọng. Cũng có một số người theo Kitô giáo chính thống, bắt chước những truyền thống Giáng sinh ở các nước Đông Âu. Ví dụ, biểu tượng khăn trải bàn màu trắng và rải cỏ khô lên mặt bàn để nhắc nhớ đêm chúa Giáng sinh nằm trong máng cỏ. Ngày hai mươi bốn tháng mười hai, họ chuẩn bị một bữa ăn hổng có thịt và cả gia đình ra sân ngồi ngước mặt lên trời, chờ cho tới khi nào thấy ngôi sao đầu tiên xuất hiện của trên bầu trời, lúc đó mới ôm nhau chúc mừng và sau đó mới vào bàn nhập tiệc.
– Ha ha... Ông nói chuyện mắc cười quá.
– Bộ hổng đúng sao?
– Đúng, nhưng làm gì có chuyện cả gia đình ra sân ngồi ngước mặt lên trời.
– Nếu hổng ra sân nhìn cho kỹ thì làm sao biết được ngôi sao nào mọc trước.
– Tui cũng hổng biết, nước Nga hổng có phong tục này, hình như đó là phong tục của Ukraine.
– Ô kê. Phong tục nước Ukraine. Tao có nghe nói đên Giáng Sinh những nhà thờ chính thống Nga hành lễ rất long trọng và Tổng thống Nga cũng tham dự lễ này trong nhà thờ lớn ở Moscow.
Nó ngước mặt hãnh diện:
– Dĩ nhiên, nhưng Svyatki và Christmastide của Nga, sau những lễ lạc tiệc tùng Giáng sinh người Nga vẫn còn ăn nhậu cho đến ngày mười chín tháng Giêng.
Như chợt nhớ ra nó nói luôn:
– À, vậy là hai ông Jêsu thắng rồi.
– Đúng đúng, chuyện này mày đúng, cái tốt luôn lúc nào cũng thắng cái xấu, nhưng...
– Gì nữa ông?
– Mất hết một thế kỷ, cũng hơi lâu.
Tôi tiếp luôn:
– Nhưng lâu còn hơn không?
Chúng tôi cùng nhau cười thành tiếng. Liubomir là thuyền phó, khi tàu hải hành, nó trực lái từ bốn giờ tới tám giờ sáng, nên nó ăn sáng trễ hơn thủy thủ đoàn.
Hổng muốn lôi thôi mất thì giờ nữa, tôi nói:
– Mày ra ăn đi.
Bây giờ Liubomir mới chợt nhớ ra là giờ ăn của nó:
– À, ông luộc cho tôi hai trứng được hông?
– Dĩ nhiên, mày muốn luộc chín hay nửa chín nửa sống?
– Ông luộc chín phân nửa được rồi:
– Ok, chờ tao năm phút.
Luộc trứng cho Ivan xong, tôi sắp xếp lại mọi thứ và bắt đầu nấu soup borsch.
Tới bữa ăn trưa, mọi người trầm trồ vui vẻ với cái món soup borsch tuyệt vời do tôi nấu. Liubomir kể với mọi người chuyện hồi sáng, cả bàn cười rộ lên. Rồi nó day qua tôi nói:
– Ông nghe đó, tui kêu mọi người trước khi ăn soup borsch phải cởi áo quần rồi lấy giấy lau miệng che phía dưới lại nhưng hổng ai chịu hết. Cả bàn cười rộ lên. Tui cũng cười theo và nói:
– Nhưng phải có muỗng gỗ và tô đất nung nữa mới được. Dĩa sành, muỗng i-nốc thì bận đồ ăn cũng ngon...
Bắc Đại Tây Dương 25 -11- 2018