(Bài viết tưởng niệm 70 năm sinh (1948-2018) và 30 năm mất (1988 -2018) của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật)
-
Mở
Khi tôi viết những dòng chữ đầu tiên cho bài tham luận này, thì Lưu Quang Vũ đã rời xa cõi tạm gần tròn 30 năm. Ông mất ngày 29/8/1988 và sinh ngày 17/4/1948. Như vậy, Lưu Quang Vũ hiện hữu trên cõi đời thật ngắn ngũi, chỉ có 40 năm. Bốn mươi năm đối với hành trình một đời người quả thật mỏng manh và đó chỉ là 40 năm của định mệnh trong phận số một con người. Nhưng đối với người nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ tài năng thì trong 40 năm mệnh số ấy cũng đủ để làm nên một tên tuổi, một danh phận, một nhân vị trong vũ trụ văn chương và trong lòng công chúng. Đó là những văn tài như Hàn Mặc Tử (1912 -1940) chỉ đến rong “Chơi giữa mùa trăng” ở cõi nhân gian có 28 năm đã tạo nên những tập thơ dữ dội như “Gái quê”, “Thơ Điên” và là “chủ tướng” của Trường thơ Loạn “vang bóng một thời”; Đó là Bích Khê (1916-1946) đã vắt cạn “tinh huyết” của mình trong 39 năm để làm nên một “đỉnh núi lạ” (Chế Lan Viên), một “thi sĩ thần linh” (Hàn Mặc Tử) với “Tinh hoa” và “Tinh huyết” mà ở đó có những câu thơ “hay vào bậc nhất trong thơ ca Việt Nam” (Hoài Thanh); là Thâm Tâm (1913 -1950) chỉ với 37 năm ngắm “hoàng hôn trong mắt trong” đã làm nên tuyệt phẩm “Tống biệt hành” làm xốn xang lòng người.Đó còn là Nam Cao (1917 -1951) chỉ sống 34 năm, đã tạo nênChí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn… làm đớn đau nhân thế; là Vũ Trọng Phụng (1912 -1939) với 27 năm đã dựng nênSố đỏ, Làm đĩ, Giông tố… làm đảo điên thế sự; là Thạch Lam (1910 -1942) chỉ hiện hữu 32 năm, với Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Dưới bóng hoàng lan, Sợi tóc… làm thổn thức tâm cảm bao thế hệ người đọc. Và có lẽ, đối với những nhà văn tài năng, những kiệt tác văn chương họ để lại cho đời mãi mãi là những giá trị mà định mệnh dường như bất lực trước sức sáng tạo của họ. Bởi nói như André Maurois: “Nghệ thuật là thứ chống lại định mệnh”. Riêng Lưu Quang Vũ, với 40 năm “làm kiếp con người” (Trịnh Công Sơn),ông cũng kịp để lại cho nền văn học nước nhà một di sản văn nghệquí giá với nhiều tác phẩm thuộc các thể loại: truyện ngắn; thơ; kịch. Song, trước khi trở thành một kịch gia tài năng với 50 vở kịch chỉ sáng tác trong 10 năm cuối đời, Lưu Quang vũ đã hiện hữu giữa cuộc đời với tư cách một thi sĩ cũng không kém tài năng mà sự thể hiện rõ nhất thi tài của ông đó là sự lựa chọn một hướng đi khác, một thi pháp khác cho hành trình sáng tạo thi ca của mình trong việc khám phá và phản ánh hiện thực. Và một trong những điều khác biệt đã làm nên cái riêng của thi tài Lưu Quang Vũ đó là cảm thức hiện sinh hiện hữu trong thơ ông.
Đọc thơ Lưu Quang Vũ, người đọc sẽ trôi trong tâm thức hiện sinh mà thơ ông đã dẫn dụ. Đó là một cảm thức hiện sinh được khởi lên từ hiện thực mà thi nhân đã trải nghiệm và phóng chiếu vào thơ mình như một xác tín của hiện hữu. Cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ, vì thế, là một âm giai chủ đạo, một phẩm tính, làm nên sự khác biệt trong thơ ông với khí quyển thơ ca đương thời. Cảm thức hiện sinh đó bắt nguồn từ tâm thức hiện sinh nhân bản và từ quá trình tự ý thức về sự hiện hữu của thơ, như ông đã chia sẻ: “Tôi viết những bài thơ chống lại chính tôi/ Chống lại bóng đen trì trệ của đời/ (…) Giữa tàn bạo hư vô giữa đấu tranh khốc liệt / Thơ phải dạy ta nhìn bằng con mắt thật/ Đập vào ngực ta không cho ta cúi mặt/ Không cho ta lảng tránh…” (Nói với mình và các bạn). Bởi, cũng như sự hiện hữu của thi nhân, thơ cũng là một hiện hữu. Và sự hiện hữu của thơ sẽ trở thành hư ảo nếu không đem đến cho cuộc đời một hệ giá trị nào. Vì thế, hiện hữu là một yếu tính của thơ nên cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ cũng là biểu hiện của yếu tính này và sẽ được giải mã trong hành trình khám phá thi giới Lưu Quang Vũ, một thi giới không chỉ khác lạ mà còn mới lạ,thậm chí xa lạ đối với tầm đón đợi của người đọc cũng như trường tiếp nhận lúc bấy giờ. Đó là thi giới hiện sinh Lưu Quang Vũ.
2.Biểu hiện của cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ
Là triết lý về thân phận con người, chủ nghĩa hiện sinh luôn đề cập đến những khắc khoải, âu lo về sự tồn sinh của con ngườitrước hiện hữu và hư vô. Vì vậy, văn học hiện sinh là văn học luôn gắn với phận người và các mối quan hệ của nótrong cõi nhân sinh với những nỗi buồn,niềm cô đơn, sự phi lý, những âu lo về cái chết, về sựtồn sinh của cái tôi bản thể.Đây cũng là những biểu hiện của cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ, một thi sĩ mà chính cuộc đời của ông trong 40 năm trên trần thế cũng là một sự chọn lựa hiện sinh mà không hiểu ông chọn định mệnh hay định mệnh đã chọn ông. Nhưng dù sự chọn lựa đó ở phía nào thì chính sự hiện hữu của ông và văn nghiệp của mình trong cuộc đời cũng là một tuyên ngôn hiện sinh cho sự chọn lựa ấy.
2.1. Những trăn trở về sự tồn sinh của cái tôi trước hiện hữu và hư vô…
Có thể nói, một trong những vấn đề luôn ám ảnh tâm thức nhân loại đó là sự trăn trở, băn khoăn về hiện hữu trước cuộc đời. Bởi vậy, Chế Lan Viên năm 16 tuổi trong thi phẩm Điêu tàn nổi tiếng đã “thét gào” đến “bàng hoàng” với những ưu tư về sự hiện hữu, khi nhà thơ tự vấn: “Ai bảo giùm ta ta có có ta không?”.Và cả đời Chế Lan Viên, trải qua bao thăng trầm trong cõi sống, có lúc ông “ngây thơ” tưởng rằng mình đã tìm được lời giải đáp.Nhưng rồi, ông lại giật mình nhận ra đó chỉ là sự huyễn hoặc của “cái thời lãng mạn ấy”(Nguyễn Khải) và sự phản tỉnh đầy đau xót này lại trở thành cảm hứng cho ông viết “Di cảo thơ”. Và chínhDi Cảo thơ đã xác chứng cho sự“loay hoay” đi tìm câu hỏi ông đã đặt ra từ thuở Điêu tàn mà cho đến cuối đời, câu hỏi ấy, vẫn là một phương trình vô nghiệm. Còn Lưu Quang Vũ thì lại trở trăn tự hỏi “Ta là ai/ Ta đến làm gì? … Ta đến làm gì ta sẽ đi tới đâu?” (Bài hát trong một cuốn phim cũ). Như vậy, những câu hỏi thuộc phạm trù bản thể luận luôn ẩn chứa trong tâm thức nhân loại, nó mang tính phổ quát nên những trăn trở của Chế Lan Viên hay Lưu Quang Vũ về sự tồn sinh của cái tôi trước hiện hữu và hư vô, không phải là trường hợp cá biệt. Và đây chính là một biểu hiện của cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ. Nó chi phối khá sâu sắc thi giới của ông mà bài thơ Không là một minh chứng khá sinh động.
Không có làng quê nào để từ bỏ/Không có thành phố nào để đi đến / Không có vật quí nào để mất/ Không thư ai để chờ /Không hòn đảo nào để phát hiện/Không thành quách nào để chiếm lĩnh/Không vị thần nào để tin/Không quỉ ma nào để sợ/Không thuộc bài hát nào để tự hát lên/Không có góc tối nào để một mình giấu mặt/Không người con gái nào để thương yêu/Không người đàn ông nào để trọng/Không có kẻ thù nào để ác?/ Không có tội lỗi nào để phạm/Không có cả một nỗi buồn để khóc/Cũng chẳng có chiến lũy nào để chết/Chúng ta làm gì cho hết buổi chiều nay? (Không)
Bài thơ Không, có thể nói là một tuyên ngôn hiện sinh chi phối toàn bộ cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ.Với 17 câu thơ, trong đó có 15 từ“Không” được lặp lại ở đầu mỗi câu thơ như khẳng định một tâm thức hiện sinh thể hiện một cái nhìn hiện thực rất khác lạ với thơ ca đương thời. Cảm giác trống rỗng đong đầy không khí bài thơ. Đó là một cảm thức hiện sinh độc đáo đến lạ lùng với tâm trạng của một cái tôi bị đẩy đến tận cùng của sự vô vọng: không quê hương, không lý tưởng, không niềm tin, không buồn vui, không khổ đau – hạnh phúc, không có nơi nào để chạy trốn. Tất cả còn lại chỉ là sự hoài nghi, cô độc và tuyệt vọng. Cảm thức hiện sinh, vì thế cũng đẩy đến tận cùng của thân phận lưu đày, bởi con người ở đây như đang trôi trong vũng lầy của những hố thẳm. Thơ Lưu Quang Vũ, vì thế là thơ luôn trôi trong tâm thức hiện sinh và đây cũng là tâm thức hiện sinh trong thơ Văn Cao: “Tôi thả con thuyền giấy/Con thuyền giấy trôi/Tôi thả một bông hoa/bông hoa trôi/Tôi thả một chiếc lá/chiếc là trôi/Tôi ôm em trong tay/em vẫn trôi.”(Trôi - thơ Văn Cao). Dường như, những nghệ sĩ tài năng đều chọn cho mình một cách “trôi” và cách “trôi” ấy được xem như một sự lựa chọn của họ trước hiện hữu. Bởi, họ không bao giờ muốn mình trở thành một thứ “chim trong lồng”, một “thứ búp bê trong tủ kính”. Người nghệ sĩ đích thực là người nghệ sĩ biết đi đến tận cùng của sự sáng tạo theo sự chọn lựa hiện sinh của chính mình. Lưu Quang Vũ, Văn Cao là những nghệ sĩ như thế. Họ không chỉ là những nghệ sĩ đa tài mà còn là những nghệ sĩ biết chọn cho mình một cách sống, một cách hiện hữu cho dù phải trải qua những cay đắng, gian truân trong cuộc sống. Vì vậy, có thể nói Lưu Quang Vũ là một hiện tượng độc đáo của thơ ca lúc bấy giờ. Ông không nhìn hiện thực như nó phải có mà nhìn hiện thực như nó vốn có. Và cái nhìn đầy cá tính này chính là biểu hiện rõ ràng nhất cho cảm thức hiện sinh trong thơ ông. Song, để có được cái nhìn mang tính“nổi loạn” trong khí quyển văn học lúc bấy giờ là điều không đơn giản, nếu không có sự dự phóng của một cảm thức hiện sinh được đốt cháy trong hành trình sáng tạo để đủ năng lượng vượt lên hiện thực đầy oan nghiệt của cuộc sống. Thiên năng, tài năng, tâm năng, trí năng của một nghệ sĩ đích thực chính là ở đó mà Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ như thế: “Có những lúc tâm hồn tôi rách nát/Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn/ Một tấm gương chẳng biết soi gì/ Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì/ Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng.”(Có những lúc)
Bài thơ “Có những lúc” là một dấu ấn sâu sắc, một biểu hiện khác của cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ. Ở đây không phải là một sự tự vấn về hiện hữu mà là một sự cảm nhận về sự vô nghĩa của hiện hữu trước một hiện thực đầy những trống không vỡ nát. Sống trong cái thế giới trống không vỡ nát ấy, nhà thơ đã tự vấn về sựhiện hữu của mình và của tha nhân: “Thành phố đầy bụi bặm/ Những mặt người lì nhẵn chen nhau/Tôi biết làm gì tôi biết đi đâu…/ Tôi đi một mình trong phố vắng ban đêm.” (Có những lúc)
Sự cảm nhận về cáivô nghĩa của hiện hữu trong thơ Lưu Quang Vũ không chỉ thể hiện trong không gian mà còn thể hiện trong cả thời giankhi ông luôn ý thức về sự phôi pha và biến đổi của thời gian cũng đồng nghĩa với sựtan rã, hư haotrong phận kiếp con người.Thời gian trong cảm thức của Lưu Quang Vũ là thời gian chuyển động, không phải là thời gian ngưng đọng.Trong sựchuyển động này, thời gian là hiện hữunhưng cũng là hư vô. Và đólà thời gian mang tâm thức hiện sinh: “Anh viết thâu đêm đánh vật với từng trang/Rồi thao thức không sao ngủ được/Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc/Hai tiếng động nhỏ bé kia/ Hơn mọi ầm ào gầm thét/ Là tiếng động khủng khiếp nhất đối với con người/Đó là thời gian/Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại/Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối…”(Cho Quỳnh những ngày xa)
Héraclite từng xác quyết: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.Và như vậy, con người không thể quay ngược thời gian để tìm những gì của ngày xưa cũ. Thế nên, con người phải biết trân quí những gì đang hiện hữu. Là một nhà thơ có tâm hồn rất nhạy cảm trước những biến thiên của đời sống, Lưu Quang Vũ đã nhận ra “cái gì đang đợi ta ở cuối?”. Đó là cái chết, là sự tàn phai, là hư ảo, một bình diện của tâm thức hiện sinh mà nếu không ý thức được điều này con người sẽ không bao giờ có mộthiện hữu đúng nghĩa và cũng không cảm nhận được hết ý nghĩa của hiện hữu. Thơ Lưu Quang Vũ, vì thế là thơ của một sự khát khao không chỉ đi tìm bản thể mà còn khám phá bản thể, của cái tôi trước hiện hữu và hư vô mà trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ với sự chi phối của nhữngcảm hứng đại tự sự, ít có nghệ sĩ nào có những trăn trở mang cảm thức hiện sinhnhư Lưu Quang Vũ.
2.2. Sự phi lý của chiến tranh và sự ám ánh về cái chết
Chiến tranh hai tiếng ấy không xa lạ gì với người Việt Nam, khi họ phải sống trên đất nước đã có quá nhiều cuộc chiến, đển nỗi có người xem chiến tranh như một định mệnh của dân tộc. Vì vậy, nhìn về chiến tranh, nghĩ về chiến tranh, viết về chiến tranh, mỗi người đều có những cảm nhận của riêng mình tùy theo điểm nhìn và hệ qui chiếu mà họ tiếp nhận.Thế nên, trong thơ ca Việt Nam hiện đạivề đềtài chiến tranhbên cạnh những vần thơ thể hiện một cái nhìn đầy “lạc quan” và “lãng mạn”: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật) hay “Những buổi vui sao cả nước lên đường” (Chính Hữu)… thì Lưu Quang Vũ lại có một cái nhìn khác. Đó là một cái nhìn về chiến tranh như nó vốn có chứ không như nó phải có. Đó là một cái nhìn thấm đẫm tâm thức hiện sinh trước nỗi đau, sự mất mát đến phi lý của phận số con người mà những cái chết đầy dẫy trong chiến tranh luôn là một nỗi ám ảnh trong thơ ông. Chính cái chết và những đau thương đến phi lý mà chiến tranh đã đặt để lên số phậndân tộc mình, đất nước mình đã khiến Lưu Quang Vũnêu ra những câu hỏi nhức nhối của một thi sĩ luôn nêu cao ý thức về sứ mệnh của người cầm bút: “tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau/đặt lại những câu hỏi/về cuộc chiến tranh này/về mọi giá trị trên đời/nguồn gốc những nguyên nhân/của chém giết và thù hằn/bất công và đói rét/cấn phải làm gì/để có lý do mà hy vọng?” (Hồ sơ mùa hạ 1972)Đây cũnglà những câu hỏi của muôn đời, không chỉ đặt ra cho một dân tộc mà còn cho cả nhân loại.Và khisự hiện hữu củacon người vẫn còn chịunhững bất công, đói nghèo trong cuộc sống, những đau thương, mất mát bởi chiến tranhthì những câu hỏi đầy phẩm tính hiện sinhnày vẫn còn nguyên giá trị.
Đọc thơ Lưu Quang Vũ viết về chiến tranh, ta thấy luôn có những trăn trở, những hoài nghi, những dằn vặt trước sự phi lý của chiến tranh. Lưu Quang Vũ nhìn chiến tranh trong tâm thức của một con người luôn ý thức trước sự hiện hữu vốn đã ngắn ngủicủa kiếp người, nay còn bị chiến tranh làm cho ngắn ngủi hơn. Vì vậy, ông không bao giờ đồng lõavới những biện minh trước sự mất mát do chiến tranh đem đến cho con ngườidù được ngụy trangbằng những lời hào nhoáng “Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông/Ta kịp biết gì đâu/Vừa hết trẻ con đã là người lớn/Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng/ Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu/Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh/Tuổi trẻ đã đi qua bạn bè ta đã chết.”(Những bông hoa không chết)Và chiến tranh trong thơ Lưu Quang Vũ là sự nghiệm sinh từcuôc sống của chính mình. Không những thế, chiến tranh đối với thế hệ ông còn là một “phép thử” cho niềm tin và lý tưởng mà nếu không có nó, ông không thể nào hiểu hết được ý nghĩa của hiện hữu: “Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều/Rách tan cả những làn sương đẹp phủ/Chỉ còn lại nỗi buồn trơ núi đá/Điều em tin là nhảm nhí mà thôi.” (Gửi một người bạn gái)
Có thể nói, cái nhìn của Lưu Quang Vũ về chiến tranh hoàn toàn dị biệt với cái nhìn trong thơ ca cách mạng viết về chiến tranh lúc bấy giờ. Chiến tranh trong thơ ông là những hoài nghi, những sự tàn khốc, những mất mát, đớn đau của một dân tộc mang phận số “long đong” (chữ dùng của Trịnh Công Sơn) đã ám ảnh trong ông:“Lại sắp hết một năm/ Đất nước chưa xong giặc/Bao nhiêu người chết/Tiếng súng đóng đinh trên ngực cuộc đời/Trên nền cũ tay ta phá nát/Chưa xây xong được gì” (Lại sắp hết năm rồi) Bởi vì: “Khi con người giết nhau/Những lá thư không biết gửi về đâu/Những hải cảng không có tàu cập bến/Quen thất vọng tôi hồ nghi mọi chuyện/Tìm trong mắt em náo động những chân trời.” (Lá thu) Và điều này lại tương đồng với thơ ca viết về chiến tranh ở miền Nam trước 1975 của những nhà thơ luôn ấpủ mộttình tự dân tộc và tinh thần chán ghét chiến tranh như bài thơ “Nỗi buồn thời chiến” của Đỗ Việt: “Vầng trán cũng nhăn/ Nụ cười sao héo hon?/Vẻ mặt nào cũng sầu/ Căn nhà nào cũng buồn/ Bom đạn là đớn đau/ Cánh đồng đầy xác chết/ Ruộng đồng đành bỏ hoang/ Đất đen màu máu đọng”[2]. Hay những vần thơ của Minh Đức Hoài Trinh trong bài thơ “Nói với Anh” cũng đầy nỗi đau trong cuộc chiến mà thi nhân không nó muốn hiện hữutrên đất nước mình: “Anh có buồn giùm em không anh?/ Mỗi khi nhìn xác chết/ Chồng chấtlên nhau mở mắt đợi bàn tay/ Họ ở đâu? Vì sao lại nằm đây/ Họ đã làm chi anh ơi muôn kiếp cũ/ Để kiếp này chết phơi thây.”[3]
Quả thật, cái chết, nỗi đau, sự mất mát quá phi lý trong chiến tranh là nỗi ám ảnh trong thơ của các nhà thơ luôn quan tâm đến phậnsố con người dù là họ ở phía bên nào!? Lưu Quang Vũ,Đỗ Việt,Minh Đức Hoài Trinhlà những nhà thơ như thế. Lưu Quang Vũ viết về chiến tranh từ góc nhìn của nỗi đau thân phận nên thơ ông mang một cảm thức hiện sinhsâu sắc khinói đến sự phi lý,mất mát của con người trong chiến tranh.Bài thơ “Mặt trời trong nước lạnh” là một thông điệpnhư thế: “Đêm chiến tranh/Thành phố không đèn/Má em tựa vào tay anh gầy guộc/Tóc em trắng trong cơn mơ thảng thốt/Chúng mình chẳng nhận ra nhau/Đứng giữa hai ta là những người đã chết/Bóng họ che đen sì cả mặt/Những vết thương rách nát/Những nụ cười từ lâu đã tắt/Như tuổi trẻ sớm tàn trong cơ cực của ta (…) Những khổ đau dằng dặc/Những tai ương đang diễn ra khủng khiếp/Có chút gì nghĩa lý hay không? (…) Có ai nghe lời nói thật của ta đâu/ Đêm tối quá không tìm nhau được nữa.”(Mặt trời trong nước lạnh). Và trong những mất mát, đau thương của phận số con người trong chiến tranh thì hình ảnh người lính là hiện thântiêu biểu cho những nỗi đau ấy. Điều này cũng được thể hiện khá rõ qua thơ Lưu Quang Vũ.
Hình ảnh người lính trong thơ Lưu Quang Vũ không phải là người anh hùng với những bài ca chiến thắng thường gặp trong thơ ca viết về chiến tranh đương thời mà đó là hình ảnhcủa một con ngườiđi qua những tháng năm chiến tranh và khi trở về, nhận ra quanh mình tất cả sự đổ vỡ, cô đơn, tuyệt vọng từ một thế giới hoàn toàn xa lạ với thế giới mà mình đã từng sống. Và cái “nỗi buồn hậu chiến” này cũng là một bình diện của hiện hữu, thể hiện cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ: “Người con giai đi tìm em mười năm/Hắn từ mặt trận trở về/Từ quán rượu từ phố đông huyên náo/Từ những câu thơ tuyệt vọng trở về/Bị lừa dối, bị lăng nhục/Rách rưới, bơ phờ, cô độc/Hắn ngồi trước mặt em.” (Người con giai đến phòng em chiều thu) Và là nỗi đau của bi kịch phận người, khi người lính đã nhận ra hơn một lần sựphi lý không chỉ của chiến tranh mà của cả cuộc đời;Một sự phí lý đến buồn nôn: “Em bảo cuộc đời này thảm hại lắm xấu xa lắm/Tất cả đều buồn cười vô nghĩa lý/Mà khổ sở mà chết người.” (Người con giai đến phòng em chiều thu)
Chiến tranh phi lý! cái chết phi lý! tất cả những sự phi lý này đã trở thành nỗi ám ảnh trong thơ Lưu Quang Vũ. Đây cũng là điều đã được nói đến trong những tác phẩm văn học sáng tác dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam trước 1975 mà câu nói của Tuấn, một người lính bị tàn phế bởi chiến tranh trong truyện ngắn “Nắng qua sông” của Trịnh Thị Diệu Tân (Nhân Chứng xuất bản, Sài Gòn,1967) đã minh chứng cho điều ấy: “Tự tin và hy vọng! Không. Không có tự tin và hy vọng gì hết. Chỉ là những trống không vô nghĩa. 30 tuổi rồi. 30 tuổi rồi. Hai bàn tay trơ gầy khốn nạn. Chiếc chân cụt tàn nhẫn. Anh làm được gì! Bây giờ mới bắt đầu ư? Tuấn muốn gào lên. Môi anh khô khan. Mắt anh tối lại. Anh làm được gì nữa. Tình yêu ngu ngốc. Chiến tranh phi lý. Ngu ngốc. Phi lý.”[4]Vì thế, việc cảm nhận về sự phi lý của chiến tranh và sự ám ảnh của cái chết trong thơ Lưu Quang Vũ cũng là hệ quả tất yếu của cảm thức hiện sinh: “đêm chiến tranh thành phố tối âm u/ không đèn sáng lời ru không bếp lửa/ghế công viên hóa bầy dã thú/ nằm im lìm dưới mặt trăng đen/ xác người trôi trên biển sóng xô tan/ huyệt bom tối ầm ào cơn gió hú/ ta đi suốt một đời đau khổ/ chân lỡ lầm bao ảo ảnh chờ mong”(Em – Tình yêu những năm đau xót và hy vọng) Hay: “Giờ khắp nơi những tấm gương trong/Đã vỡ vụn sau dập vùi bom đạn/Người con giai yêu em/Đã chết ngoài mặt trận” (Gửi Hiền mùa đông) Và“Mông lung không đoán được ngày mai/Máu chảy thành sông thây chất núi/Bè bạn tan hoang mình rã rời” (Đêm đông chí,uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn)
Nói với con cuối năm là bài thơ chất chứa rất nhiều trăn trở, nghĩ suy của Lưu Quang Vũ về chiến tranh. Hình ảnh ngơ ngác của đôi mắt trẻ thơ trước những mất mát nghiệt ngã của chiến tranh càng cho thấy sự phi lý của chiến tranhlà điều nhân loại không thể chấp nhận: “sau lưng Hà Nội sương mờ/ thành phố vừa trải qua/những trận bom hủy diệt/ lòng cha giờgiập nát/ những xác người máu loang/biết nói gì với con/ đôi mắt trẻ đen tròn ngơ ngác thế/ cuộc chiến tranh đã mấy chục năm trời (...) rồi mai sau con sẽ nghi ngờ/ con sẽ trả lờinhững câu hỏi đời cha/ con cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi mới.” (Nói với con cuối năm). Song, cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ, không chỉ thể hiệnqua sự phí lý và sự ám ảnh về cái chết trong chiến tranh mà còn được thể hiện ở những khát vọng mang tính nhân bản về một cuộc sống hòa bình, nhân ái. Đây cũng là một biểu hiện khác về cảm thức hiện sinh, khi ông ước mơ: “những ban mai không tả tơi đạn xé/ không ai phải chôn dấu điều mình nghĩ/ không ai còn đạp lên những mối tình/ không còn hàng rào biên giới nhà giam/ không còn đứa trẻ móc túi nào để mọi người xúm vào đánh đập/ không đứa trẻ nào bị na pan thêu đốt/ không đứa trẻ nào không có đồ chơi/bà mẹ không đẻ ra những kẻ giết người/ không cònnhững ngày tháng lắt lay/ không ra sống không ra chết…(Những đám mây ban sớm) Vì vậy, có thể nói qua những bài thơ viết về chiến tranh của Lưu Quang Vũ, chúng ta không chỉ thấy dấu ấn của cảm thức hiện sinh mà còn thấy được tinh thần “phản chiến” trong thơ ông qua nhữngvần thơ lên án chiến tranh và khát vọng một cuộc sống hòa bình. Và có thể nói nếu Trịnh Công Sơn thể hiện tinh thần phản chiến bằng âm nhạc với “Ca khúc da vàng” (1967), “Ta phải thấy mặt trời” (1971) thì Lưu Quang Vũ thể hiện tinh thần “phản chiến” của mình qua thơ ca với những bài thơ như: Hồ sơ mùa hạ 1972; Những bông hoa không chết; Gửi một người bạn gái; Mặt trời trong nước lạnh; Lá thu, Người con giai đến phòng em chiều thu; Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh,nói về những cuộc chia tay thời loạn; Nói với con cuối năm…Chính điều này đã cho thấy tính nhân văn sâu sắc trong thơ Lưu Quang Vũ và đó là một hệ giá trị trong thơ ông.
2.3.Sự ám ảnh về nỗi buồn, niềm cô đơn và nỗi đau thân phận
Có lẽ, một trong những giá trị làm nên tính nhân văn của chủ nghĩa hiện sinh đó là chủ nghĩa hiện sinh luôn quan tâm đặc biệt đến thân phận con người và con người cũng là trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh. Song,con người của chủ nghĩa hiện sinh không phải là những kẻ “phi phàm”, những “siêu nhân”, không hềbiết đến buồn vui trong cuộc đời mà con người trong chủ nghĩa hiện sinh là những con người hiện hữu trong cuộc sốngđời thường, với tất cả những hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục như Đức Phật đã chỉ ra. Về điểm này, chủ nghĩa hiện sinh rất gần với triết lý Phật giáo. Trong thơ Lưu Quang Vũ, ta thấy ông luôn quan tâm tới thân phận con người với những phẩm tính cần có của nó,đó là sự ám ảnh về nỗi buồn, niềm cô đơn và nỗi đau thân phận - một bình diện khác trong cảm thức hiện sinh của thơ Lưu Quang Vũ.
Nhưng như đã nói ở trên, thơ Lưu Quang vũ là thơ của một cái nhìn khác, một hệ hình tư duy thơ khác, trên nền một hệ mỹ học khác. Thế nên, trong khi thơ ca đương thời ít nói đến nỗi buồn, niềm cô đơn và nỗi đau phận người, thậm chíkhông được quyền nói đến và xem là điều cấm kỵ thì thơ Lưu Quang vũ cũng viết trong thời ấy vẫn giăng kín nỗi buồn, niềm cô đơn và nỗi đau thân phận. Điều gì đã làm cho thơ ông đậm đặc những điều này nếu không phải bắt nguồn từ tâm thức hiện sinh mà Lưu Quang Vũ đã trải nghiệm từ chính cuộc đời mình mà bài“Hoa cẩm chướng trong mưa” có thể xem là một chứng từ xác tíncho cảm thức hiện sinh này: “Gã đàn ông quầng mắt tối đen/Trong cuốn sách buồn/Nói với tôi lời buồn bã:Con người chỉ là ống sậy cô đơn/ Trái đất giữa không trung/ Như một giọt nước mắt (….) Nỗi cô đơn tuyệt vọng… (Hoa cẩm chướng trong mưa) Và khi, nỗi cô đơn đã chạm đến bến bờ của tuyệt vọng thì mọi hiện hữu cũng trở thành vô nghĩa. Trong cái nhìn của triết học hiện sinh, cô đơn là một yếu tính của thân phận con người. Nếu chối bỏ cô đơn, “phê phán” cô đơn là vô hình trung, chối bỏ những phẩm tính Ngườitrong mỗi Con Người. Bởi, khi đến với cuộc đời,con người cũng đến trong sự cô đơn và khi từ giả cõi đời,con người cũng ra đi trong cô đơn. Không những thế, trong hành trình sống ở đời, không phải, không có những ngày tháng cô đơn, tuyệt vọng đến nỗi có người đã tìm đến cái chết như một sự giải thoát,một sự cứu rỗi cho thân phận cô đơn của mình.
Nỗi cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ thể hiện khá đa dạng và phong phú như một nỗi ám ảnh của vô thức và tâm linh ngập tràn trong thi giới của ông. Đó là hình ảnh “Một nhà ga cô quạnh/Một người đàn bà ướt lạnh/Đứng chờ anh” (Không đềI);Là hình ảnh một sân ga cuộc đời mà ở đó chất đầy những nỗi buồn và sự đơn độc của phận số: “Cả cuộc đời là ở sân ga/ Trước chuyến đi vôtận/ Cuộc lên đường tối tăm đơn độc/Người ta chết có một mình/ Đó là điều buồn nhất”. (Lời cuối)Hay những cuộc hẹn hò trong lặng im với đầy ắp nỗi buồn“Anh có hẹn đâu, anh chả nói câu nào/Anh chỉ buồn thôi, em chỉ buồn thôi, ai biết?” (Bầy ong trong đêm sâu),nên“Phải xa em anh chẳng còn gì nữa /Chẳng còn gì, kể cả nỗi cô đơn (Em vắng). Còn đây là nỗi cô đơn phận người qua cái nhìn của một người lính được thể hiện rất độc đáo. Nó như một thanh âm vang lên từ tâm thức của thi sĩ, tâm thức của một thực thể hiện sinh: “Sao tôi lại muốn em tin/ Khi chính tôi cũng chẳng tin ai cả/Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao (…)…. Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/ Nỗi cô đơn hoàn toàn cô đơn khủng khiếp/Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách….(Mấy đoạn thơ). Và nỗi cô đơn như là hệ quả tất yếu của sự đổ vỡ niềm tin, của sự vô vọng bao trùmhiện thực, không chỉ trong cuộc sống con người mà còn bao phủ cả thiên nhiên, được thể hiện trong thơ như một xác chứng: “Tuổi thơ buồn như một mảnh vườn hoang /Nơi ấp ủ con dế mèn cô độc” (Đất nước đàn bầu) Hay “Chẳng có chi phía trước để mong chờ/Chỉ còn lại một màu hoa gay gắt/ Cái màu hoa cô độc/ Nở âm thầm trong giá buốt heo may.” (Những đêm hoa vàng) Nhưng có lẽ, kết tinh nhất những trạng thái cô đơn trong thơ Lưu Quang Vũ là ởbài thơ Lá thu. Đó làniềm cô đơn gắn với nỗi đau thân phận: “Em u buồn em có nhận hay không/ Em gầy như huệ trắng xanh/Ngọn lửa nhỏ giữa hai vực thẳm/Em tê dại em âm thầm kiêu hảnh/Em cô đơn như biển lạ lùng ơi”(Lá thu)Hay: “Mai em đi mùa hạ cũng qua rồi/ Tôi ở lại một mình trên phố vắng (….) Đêm phòng không tiếng nổ vỡ khắp trời/ Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát/ Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực/Tôi muốn đi tới vách cùng em” (Lá thu) và tận cùng của nỗi cô đơn là sự kinh hoàng sợ hải trước những “miệng vực” cuộc đời: “Tôi tan nát tôi kinh hoàng sợ hãi / Em cô đơn rồ dại của tôi ơi.” (Lá thu)
Và cùng với nỗi buồn, niềm cô đơn,vô vọng là những cảm nhận về nỗi đau của sự mỏng manh kiếp người mà hơn ai hết, là một thi sĩ có tâm hồn dễ vỡ, Lưu Quang Vũ luôn thấu hiểu điều đó và ông đã chia sẻtrong thơ: “Mưa cướp đi ánh sáng của ngày/ Đường chập choạng trăm mối lo khó gỡ/ Thức chẳng yên dở dang giấc ngủ /Hạnh phúc con người mong manh mưa sa” (Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa). Quả thật, thân phận con người cũng chỉ như “điện ảnh hữu hoàn vô” (Vạn Hạnh thiền sư) thì hạnh phúc của con ngườicũng chỉlà một thứ sương khói mơ hồ. Hiểu và cảm được điều này, nên Lưu Quang Vũ rất có ý thức về sự hữu hạncủa thân phận và luôn dự cảm về sự tàn phai như một tất yếu của kiếp nhân sinh mà con người không thể vượt thoát được:“Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái/Áo em ướt để anh buồn rồi khóc mãi/Ngày mai chúng mình ra sao em ơi?”(Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa). Và thi sĩ tự nhận ra: “Chúng ta gặp nhau quá muộn trong đời/Tôi chỉ là cây trong nỗi buồn bão gió/Tự hiểu nhé với nụ cười bồn bã…”(Gửi…) Để rồi, ông tựlý giảinhư một lời trần tình: “Ta lớn lên cửa sổ thay màu/Nghe tiếng chim không thấy mùa nắng nữa/Con thuyền giấy nát nhàu sau trận gió/Thành phố nghèo hơn và cũng buồn hơn.” (Gửi một người bạn gái).
Cảm thức về nổi buồn, niềm cô đơn và nỗi đau thân phận, vì thế là một cái nhìn riêng có của Lưu Quang Vũ. Nó khác hoàn toàn với cái nhìn chỉ toàn màu hồng và đầy tính“hoan ca” của các nhà thơ đương thời như:Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng của Chế Lan Viên, Ngói mới của Xuân Diệu mà ông “Hoàng thơ tình” thuở nào đã hóa thân vào “Ngói mới”: “Tôi đi trên đất nước thân yêu/ Không biết bao nhiêu, chỉ biết nhiều: Ngói mới/ Muốn trùm hạnh phúc giữa trời xanh/ Có lẽ lòng tôi cũng hóa thành: Ngói mới” (Ngói mới).
Và như một sự tương phản, Nếu cái nhìn đầy lạc quan, khẳng định của Xuân Diệu qua “Ngói mới” là hệ quả của kiểu văn chương minh họa, nhìn hiện thực như nó phải có thì cái nhìn của Lưu Quang Vũ trước những vấn để đặt ra của kiếp nhân sinh khi nhà thơ nói đến nỗi buồn, niềm cô đơn và nỗi đau thân phận không phải là những suy nghĩ vu vơ, không có thực tiễn mà nó được hình thành từ sự nghiệm sinh của cuộc đời: “Em nông nổi như một dòng suối chảy/Tin bình minh nhưng chỉ gặp sương chiều(Gửi một người bạn gái). Bởi, Lưu Quang Vũ luôn nhận thức được những biến đổi của cuộc đời trong sự chuyển vận của vũ trụ là qui luật của hiện hữu. Trong cái nhìn của chủ nghĩa hiện sinh không có chỗ cho sự ngưng đọng, không có cái gì là vĩnh cửu, mà mọi sự vật, hiện tượng luôn trôi trong một tâm thức hiện sinh: “Khổ đau hôm nay không như khổ cũ/Nỗi lo âu cũng khác hẳn xưa rồi” (Anh đã mất chi anh đã được gì). Là một thi sĩ có một ăng ten tâm hồn cực nhạy, hơn ai hết, Lưu Quang Vũ hiểurất rõ điều này nên hiện thực trong thơ ông là một hiện thựcdang dở, phận số con người trong thơ ông là một phận số không có kết thúc viên mãn mà nó là những vỡ nát, khổ đau đang dần đi đến cõi hư không: “Ôi nếu phải tan thành bụi cát/Thành hư vô, không khí trời, không ánh sáng/Chỉ rỗng không, câm lặng, vô hình...” (Bài hát ấy vẫn còn là dang dở) Khi ngộ được qui luật này, nhà thơ đã tìm thấy trong sự vận chuyển hiện sinh đó niềm ủi an, sự giải thoát, sự cứu rỗi: “Khi cánh cửa cuối cùng khép lại/Chẳng còn gì ngoài cõi hư vô?/Cha thường yêu những dòng sông không ngừng chảy”(Buổi chiều ấy) Và sự hiện hữu trong thơ Lưu Quang Vũ là hiện hữu của những biến đổi: “Ai biết ngày mai sẽ có những gì/Người đổi thay năm tháng cũng qua đi/ Giữa thế giới mong manh và biến đổi.” (Và anh tồn tại) Từ nhãn quan này, hiện thực qua thơ ông chỉ là một sân khấu đang diễn ra, đang thay đổi, đang chuyển động như sự chuyển động của hiện hữu: “Quán cà phê chạng vạng khói bay/ Mùi khói cũ cay xè con mắt/ Ngồi quanh bàn giờ bao người lạ khác/ Cãi ồn ào những chuyện làm ăn/ Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường/ Thân tiều tụy ôm mặt cười lặng lẽ (Quán cà phê ngoại ô). Phải chăng, thân phận con người cũng chỉ là mộtcánh bèo đơn độc trên dòng sông cuộc đời. Và những nỗi buồn, niềm cô đơn, bi kịch phận người, ta còn thấy rõ hơn trong kịch của Lưu Quang Vũ, như sự tiếp nối những gì trong cảm thức hiện sinh mà ông không nói được hết trong thơ.
3. Kết
Như đã nói ở trên, cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ được thểhiện ở các bình diện:Những trăn trở về sự tồn sinh của cái tôi trước hiện hữu và hư vô; Sự phi lý của chiến tranh và sự ám ảnh về cái chết; về nỗi buồn, niềm cô đơn và nỗi đau thân phận.Đây là những điều cứ tưởng như có thể dẫn con người đến bi lụy như quan niệm ấu trĩ của một thời không xa khi luận bàn về chủ nghĩa hiện sinh. Song, tìm hiểu về cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ với một nhãn quan mới, khoa học và khách quan sẽ thấy được những giá trị nhân văn trong thơ ông.Đó là những trăn trở về sự hiện hữu của con người, với những nỗi buồn, niềm cô đơn và nỗi đau phận người mà sự phi lý của chiến tranh và những bất công trong xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến những nỗi đau ấy. Vì thế, đọc thơ Lưu Quang Vũ và luận giải về cảm thức hiện sinh trong thơ ông sẽ giúpta có một cái nhìn đúng, khách quan về hiện thực. Đó là một hiện thực như nó vốn có để từđó, ta càng trân quí hơn cuộc sống của mình và của tha nhân trong từng khoảnh khắc của hiện hữu, để ta không mơ hồ và cũng không hoang phí về sự hiện hữu của mình trong từng sát na của cuộc đời vốn không dài lắm và luôn bị bủa vây bởi rất nhiều giới hạn.Vì vậy, điều độc đáo của cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ là ông không hềphủ nhận hiện thực. Ông lên án chiến tranh với những điều phi lý nó đem đến cho nhân loại đó là khổ đau và cái chết nhưng Lưu Quang Vũ không hề phủ nhận sự hy sinh của dân tộc trong những năm chiến tranh vệ quốc. Bằng chứng là trong thơ Lưu Quang Vũ cũng có những bài thơ đậm chất sử thi của khí quyển thơ ca đương thời như:Gửi tới các anh; Ghi vội một đêm 1972; Đất nước đàn bầu; Người cùng tôi….Song, với trái tim nhạy cảm của một thi sĩ tài năng và đầy cá tính, Lưu Quang vũ đã tự khai phá cho mình một con đường sáng tạo riêng,biết tự mình vượt qua những rào cản, những quán tính của “tâm lý đám đông” trong thơ ca đương thời để khám phá và sáng tạo một vùng hiện thực mới, một thi giới mới. Chính điều này làm nên hệ giá trị riêng có cho thơ ông. Đó là hệ giá trị mang cảm thức hiện sinh sâu sắc.
Cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ còn là kết quả tất yếu của một nhân cách văn hóa ở một nghệ sĩ đích thực, chấp nhận sống cô đơn trong thân phận lưu đày, không hề bị chi phối bởi bất cứ quyền lực nào, sức mạnh nào. Thậm chí, ông chấp nhận sống trong nghèo khổ của phận số và xem đây như một sự đề kháng lại những cái tầm thường, cái ác, cái xấu để được sống là chính mình. Và nhân cách văn hóa đó cũng là một phẩm tính cao đẹp trong thơ Lưu Quang Vũ. Chính vì vậy, có thể nói, cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ mang tính nhân văn sâu sắc của một“chủ nghĩa hiện sinh nhân bản”(J. Paule Sartre).Bởi, trong thơ ông luôn ẩn chứa một niềm khát khao yêu đời, yêu cuộc sống đến si mêmà biểu hiện cụ thể là tình yêu của ông dành cho đất nước: “Đất nước tôi ơi/ Những dòng sông đã cho tôi gương mặt / Những chân trời đã cho tôi tiếng hát/Đồng bãi cho tôi sức vóc bàn tay/ Đồi núi cho tôi những bước dài/ Hoa và chim đã cho tôi mộng ước/ Những trái tim đập dồn trong ngực/Là của người - lẽ sống của đời tôi.” (Người cùng tôi)Sáng tạo văn nghệ đối với Lưu Quang Vũ là một nhu cầu tự biểu hiện. Bởi,nếu không viết “kẻo sau này, lớn lên, quên hếtvề những ngày kháng chiến gian khổ mà mình đã sống, vả lại không viết thì không chịu được vì những điều đó để ở tâm hồn mà không viết ra thì rất khó chịu.”[5]Điều này cho thấy ý thức công dân và thiên lương của người cầm bút mà ông đã khẳng định như một tuyên ngôn nghệ thuật đầy tính hiện sinh: “Chúng ta tụm năm tụm ba /Họp hành, giễu nhau, uống trà, đọc thơ, đi thực tế/ Ta viết những suy tư ngây ngô vờ là trí tuệ/Những câu nhạt phèo chiếu lệ/Những lời nhàm tai ai cũng quen rồi/Mọi người quanh ta mang nỗi khổ oằn vai/Ngực đất nước tai ương xé rách/ Ta viết mãi những điều vô ích/ Vô duyên sao ta cứ nhoẻn miệng cười/ Như phường bát âm thánh thót/ Mong cuộc đời xuôi tai/ Tôi không muốn viết những lời như thế.”(Nói với mình và các bạn) Vànhững câu thơ này đã minh chứng cho giá trị nhân văn không thể phủ nhận của cảm thức hiện sinh trong thơ Lưu Quang Vũ…
Xóm Đình An Nhơn – Gò Vấp, Sài Gòn,15/6/2018
Tài liệu tham khảo:
-
Huỳnh Phan Anh (1968) Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Nxb. Hoàng Đông Phương, Sài Gòn
-
Trần Hoài Anh ( 2010), Thơ- Quan niệm & Cảm nhận, Nxb. Thanh niên, Hà Nội
-
Trần Hoài Anh (2017), Đi tìm ẩn ngữ văn chương, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội
-
Nhân Chứng, (Phổ Đức, chủ biên) Tuyển tập giới thiệu chân dung sáng tác thơ văn hiện đại,Sài Gòn, 1967,
-
Giai phẩm Văn “số đặc biệt về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền”, ra ngày 12/10/1973, Sài Gòn
-
Thụy Khuê (1995),Cấu trúc thơ, Nxb. Văn nghệ, Westminster, CA, 92683 – USA
-
Lưu Khánh Thơ - Đông Mai (tuyển chọn) (2003), Xuân Quỳnh – Cuộc đời và tác phẩm, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội
-
Lưu Khánh Thơ (tuyển chọn)(2018),Di cảo Lưu Quang Vũ, Nxb. Trẻ
-
Lưu Quang Vũ (2010),Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (tuyển thơ) Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội,
[1]Thơ trích dẫn ở bài viết đều lấy trong Lưu Quang Vũ - Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (tuyển thơ) Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010
[2]Đỗ Việt, “Nỗi buồn thời chiến”, Nhân Chứng, Sài Gòn, 1967, tr.138
[3]Minh Đức Hoài Trinh, Nói với Anh, Nhân Chứng, Sài Gòn, 1967, tr.146
[4]Trịnh Thị Diệu Tân, Nắng qua sông, Nhân Chứng, Sài Gòn, 1967, tr.78
[5]Lưu Khánh Thơ (tuyển chọn) Di cảo, Lưu Quang Vũ, Nxb. Trẻ, 2018, tr.15