(Một Chuyên đề nên TÌM đọc).
Chuyên đề mùa Đông 2018, cái cớ chuyên đề chỉ tọa độ vị trí thời gian, nội dung không hoàn toàn nói về mùa đông.
Đây là tập sách thứ hai sau Chuyên đề mùa Thu 2018 xuất hiện cách đây 3 tháng,
Chuyên đề kỳ này là một tập hợp độc đáo, ngay tranh bìa của hoa sĩ Lê Thiết Cương tác phẩm độc sáng, hai hình ảnh cố định trong ý nghĩa di động, hình ảnh ngòi bút và hình ảnh giáo đường nhập lại một. Các phụ bản không phải phụ bản của các họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, Trần Văn Duy, Nguyễn Thuyên, Tôn Thất Tùng Hải, Lương Lưu Biên…là những tác phẩm hội họa độc lập.
Cuộc đối thoại thú vị của hai người vĩ đại của nhân loai: nhà thơ Rabindranath Tagore,đoạt giải Nobel Văn học năm 1913 và nhà bác học Alber Einstein, cba đẻ Thuyết tương đối. Trích một đoạn đối thoại:
- Tagore: Như vậy tính hai mặt có ở trong bề sâu của tồn tại, mâu thuẫn của xung năng tự do và cái ý chí có định hướng hoạt động dựa trên xung năng đó và tiến hóa một sự sắp đặt sự vật một cách có trật tự.
-Einstein: Vật lý hiện đại sẽ không nói rằng chúng mâu thuẩn lẫn nhau. Những đám mây trông từ xa như một khối, nhưng nếu anh thấy chúng dù gần, chúng tự phô bày như là những giọt nước vô trật tự.
-Tagore: Tôi thấy một sự tương đồng ở tâm lý con người. Những dục vọng và khao khát của chúng ta thì ngổn ngang, nhưng tính cách của chúng ta thu phuc những thành tố đó vào một tổng thể hài hòa. Liệu có cái gì đó giống như thể xảy ra trong thế giới vật lý không? Có phải các nguyên tố thì mới nổi loạn, năng động với xung năng thúc đẩy cá biệt? Và liệu có một nguyên lý nào trong thế giới vật lý thống trị chúng và đặt chúng vào một tổ chức có trật tự?
-Einstein: Ngay cả các nguyên tố đó cũng không phải không có trật tự mang tính thống kê: các nguyên tố radium sẽ luôn duy trì trật tự đặc thù của chúng, bây giờ và mãi mãi về sau, đúng như thế suốt từ trước đến nay. Vì vậy có một trật tự mang tính thống kê ở các nguyên tố.
Và một bất ngờ là Chuyên đề đã giới thiệu một chùm thơ hay của Đức Giáo Hoàng John Paul II, một thi sĩ:
“Rất nhiều lớn lên quanh tôi, qua tôi
Và từ tôi như thế
Tôi trở thành một con kênh buông thả một nguồn lực
Gọi là người
Những người khác không vay quanh, bóp méo
Người đàn ông là tôi?
Là mỗi người bọn họ, luôn luôn không hoàn hảo
Bản thân tôi quá gần bản thân tôi
Anh tồn tại trong tôi, anh có bao giờ có thể
Nhìn vào bản thân anh mà không sợ hai?”
(Diễn viên)
Đọc những bài thơ của Đức Giáo Hoàng, tôi lại nhớ đến tập Thơ Nhã Ca, trang đầu có trích mấy câu của Cựu Ước
“Chớ nhìn tôi, bởi vì tôi đen
mặt trờ đã nạm cháy tôi
anh em tôi đã ruồng bỏ đi
buộc tôi canh vườn nho cho họ
còn vườn nho của tôi
tôi không hề canh giữ”
(SALAMON Cựu Ước)
Trung tâm của chuyên đề là truyện ngắn Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc, đây là truyện ngắn tôi đọc nhiều lần, trước và sau khi tuyển vào Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta (Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 54-73), đây là một truyện ngắn mỗi lần đọc lại lại thấy khang khác, do dáng vẻ tân truyện không có cốt chuyện, công cuộc khẩn hoang còn ở phía trước, còn đi tới tìm đất mới. Một câu chuyện đồng quê với bút pháp mộc mạc nhưng hiện đại. Xung quanh về truyện ngắn là bài viết của: Trần Đức Tiến, Trần Nhã Thụy, Văn Thành Lê, Trần Minh Lương, Hoàng Hiền; tôi chú ý đến bài “Tôi thấy mình là Cộc” (tên nhân vật trẻ nhỏ trong Rừng Mắm) của Lê Quang Trạng.
Nó lôi cuốn như ca dao:
“Mắm trước đước sau tràm theo sát
Bên hàng dừa nước bến nhà ai”
Phần văn xuôi ngoài Rừng Mắm còn có các truyện ngắn hay: “Bên trong những tấm gương” của Trà Đóa, “Trái dưa chuột” của Vũ Thành Sơn, :Trên đồng cỏ” của Nguyễn Thị Kim Hòa.
Trong phần Phê bình & Tiểu luận có bài viết “Nhân thừa” với Khổng và…Nho giáo của Phạm Lưu Vũ, một người am hiểu tôn giáo, có lối viết “dữ” và hấp dẫn. Nghe tác giả nói về Nhân thừa:
“Trung Hoa xưa có hai người khổng lồ là Khổng với Lão. Khổng Tử thuộc về Nhân thừa (đạo thu Nhân), Lão Tử thuộc về Thiên thừa (đạo tu Tiên). Nhân thừa không thể với tới Thiên thừa được, bằng chứng là câu nói của Tử Cống: “Văn chương của thầy tôi đã nghe, nhưng tôi chưa nghe thầy nói về đạo trời”, Khổng Tử là một trí tuệ khổng lồ trùm khắp cõi người, Lão Tử là một trí tuệ khổng lồ trùm khắp tam giời. Nhưng cái ông Khổng Tử như ta biết ngày nay, tuyệt đối không phải ông Khổng Tử của Nhân thừa, mà chỉ là ông Khổng Tử của Nho giáo.Nho Giáo không phải đạo Nhân, cũng tức là không phải Nhân thừa vậy”.
Tác giả nước ngài có “Truyền thống hiện đại, sự phản bội của hiện dại” của Antoine Compagnon (Nguyễn Chí Hoan dịch) và “Tôi đến Việt Nam để được thanh thản”
Phần “Ân Tượng 90 Ngày”đề cập thời sự đang “nóng”: Thủ Thiêm, còn đó những câu hỏi” của Tạ Duy Anh, “Đếm lần bán dâm” của Đỗ Doãn Hoàng, và “Khi bức thành trì cuối cùng của nhân tính sụy đỗ” của Nguyễn Quang Thiều…
Phần Thơ có thơ của Trần Lê Khánh, Ánh Huỳnh, Cao Xuân Sơn, Ngô Liêm Khoan, Hoa Nip.
Cuốn sách có một lợn cợn nhỏ đó là phiên âm tên người nước ngoài: Giáo hoàng Giăng Pôn II và tên nguyên John Paul II, cả hai đều là một, và cùng hiện hữu trong Viết & Đọc, người đọc có thể nhầm tưởng là hai người, chữ “Giăng Pôn” nghe sao sao giống như nghe Niu Oóc từ hai chữ New York. Khuynh hướng bây giờ là giữ nguyên tên nước ngoài không phiên âm.
Những dòng trên không phải quảng cáo cho Chuyên đề, đó là sự thật, sự thật của những Mùa.
Giá bìa sách có trị giá 150.000 đồng, nhưng giá trị Chữ hơn thế.