Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.137
123.140.621
 
Nặng trĩu đỉnh Mẫu Sơn
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Chu Văn Sơn viết cho tôi: "Trên đỉnh Mẫu Sơn có một loài hoa do người Pháp mang sang trồng trong những khuôn viên biệt thự từ đầu thế kỉ trước. Sau 1945, người Pháp đã đi khỏi xứ này, hoa bị bỏ lại. Thành hoa hoang. Giờ vẫn mọc lẫn giữ hoa hoang cỏ dại. Giống bị thoái hóa, gầy guộc nhợt nhạt. Rất thương. Đó là Layơn. Phận Hoa? Phận đàn bà? Phận người? Thân phận cái đẹp?... Thấy lẫn lộn trong một kiếp Layơn ấy. Anh đọc nhé:

 

Những cành Layơn/ cong queo/ gầy rớt/ ngập đời giữa đám cỏ hoang/ từng bông lơ ngơ/ từng bông nhàu ướt/ từng bông tái nhợt/ cố nhoi lên/ cố kiễng lên/ nhìn mây cuốn về xa // Bàn tay xưa giờ nâng niu chăm chút chốn nào/ánh mắt xưa giờ say ngắm nơi đâu/ bỏ rơi hoa nơi lưng trời/ chôn chân hoa nơi đất khách / giữa thinh không mình em đơn độc / mòn mỏi kiếp hoa hoang vu…// Biết chia sẻ làm sao trước dáng hoa trầm cảm/ biết an ủi làm sao trước phận hoa lưu đày/ khi giọt tuyết của mùa đông cũ/ vẫn thầm hoen nhụy phấn mỗi ngày// Muốn nói với em lời vu vơ như gió/ e rằng hoa đã sương gió một đời/ muốn tỏ cùng hoa lời nồng nàn của nắng/ e hoàng hôn phai trên cánh / lại thôi/ Muốn nán lại bên hoa/ mà ngại mình nông nổi/ muốn đem hoa đi/ mà đời mình rong ruổi/ lại thôi/ Tần ngần Layơn/ dùng dằng đỉnh núi/ còi xa cuồng lên réo gọi/ đành lòng/ phải đành lòng/ thôi // Chào nhé/ chao ôi lời chào nhé/ lời cỏ hoang/ lời đỉnh vắng/ lời mặn sương/ lời nhạt nắng/ lời nào không cực lòng nhau // Sao từ khi/ một mình xuống núi/ trái núi nào/ cũng mộng mị Mẫu Sơn/ sắc hoa nào/ cũng tái nhợt/ Layơn..." 

 

    Dường như cái giá lạnh của mùa đông đối với nhiều người Hà Nội vẫn chưa đủ "đô", và họ thường lên các vùng núi phía Bắc lúc cuối năm để còn được chứng kiến tuyết rơi, nước đóng băng... Nhà giáo & nhà văn Chu Sơn là một trong những người thích "chơi ngông" như vậy!

    Nhân một lần tới đỉnh Mẫu sơn vào dịp mà ngay giữa Thủ đô mọi người phải mặc áo đại hàn, Chu Văn Sơn đã "gặt hái” được hai "bông hoa thơ” về TuyếtHoa Layơn. Đều là cảm hứng về sự cô đơn, sự lãng quên, song "Tuyết đỉnh Mẫu Sơn" mới chỉ là sự gợi mở, gợi hứng, còn "Hoa Layơn đỉnh Mẫu Sơn" lại như một sự tổng kết, sự suy ngẫm của anh về nhân tình thế thái…

 

    Là người chuyên nghiên cứu về thơ đến độ chìm đắm trong thơ, khi viết "Hoa Layơn ở Mẫu Sơn" chắc hẳn Chu Văn Sơn phải nghĩ ngay đến những nhà thơ lãng mạn Pháp thế kỷ XIX thường lấy hoa làm thi liệu, thi hứng, thi cảm… Nhưng cũng thật may, thói quen luận lý, khái quát của một nhà phê bình lý luận văn chương trong anh đã biến hẳn đi trước những bông Layơn mỏng manh yếu ớt, để mình anh trơ trọi với xúc cảm thi sĩ… Mà đã là thi sĩ đích thực, ai mà không thể không khóc cùng G. Apollinaire "Giã biệt” hoa: Anh đã ngắt chùm hoa thạch thảo này/ Mùa thu đã chết, em nhớ cho/ Chúng ta sẽ chẳng còn gặp nhau trên mặt đất/ Hương thời gian ở chùm hoa thạch thảo / Và em hãy nhớ: anh vẫn chờ đợi em (L’ Adieu- Hoàng Hưng dịch).  Xin nhớ lại cuốn tiểu thuyết kiệt tác "Vỡ mộng" của H. Balzac, nhân vật chính ở giai đoạn trong sáng đẹp đẽ nhất đã có một tập bản thảo thơ đầu tay mang tên hoa: "Những bông cúc”… Và những "bông cúc tâm hồn” của chàng thanh niên thi sĩ Lucien tội nghiệp đã bị những quy luật của đồng tiền giết dần giết mòn đến thê thảm!

    Đến Mẫu Sơn, thi sĩ đã "Bất ngờ” chứng kiến cảnh hoa Layơn, tuy chưa bị ngắt, bị giết, nhưng nếu như vậy còn đỡ đau lòng hơn cảnh: Những cành Layơn/ cong queo/ gầy rớt/ ngập đời giữa đám cỏ hoang/ từng bông lơ ngơ/ từng bông nhàu ướt/ từng bông tái nhợt/ cố nhoi lên/ cố kiễng lên/ nhìn mây cuốn về xa

    Thi sĩ buộc phải tự hỏi trong nỗi niềm se sắt, có đượm oán giận, trách móc: Ai đã đem em tới Mẫu Sơn… Bởi anh mặc nhiên coi hoa tựa một sinh mệnh đáng yêu, mỏng manh, yếu đuối, thơ ngây, mang trong mình biểu tượng của Tình yêu, sự hài hoà nguyên sơ thánh thiện nhưng lại có rất ít khả năng tự bảo vệ: Bàn tay xưa giờ nâng niu chăm chút chốn nào/ánh mắt xưa giờ say ngắm nơi đâu/ bỏ rơi hoa nơi lưng trời/ chôn chân hoa nơi đất khách / giữa thinh không mình em đơn độc / mòn mỏi kiếp hoa hoang vu…

    Đồng thời thi sĩ cũng cảm thấy rõ một sự thật cay đắng - đó là sự bất lực của chính mình trước phận người, phận hoa trong cơn lũ thực dụng của thế giới "Tấn trò đời”: Biết chia sẻ làm sao trước dáng hoa trầm cảm/ biết an ủi làm sao trước phận hoa lưu đày/ khi giọt tuyết của mùa đông cũ/ vẫn thầm hoen nhụy phấn mỗi ngày

 

    Thế rồi, sự tần ngần, băn khoăn, lưỡng lự với tâm lý đời thường nhưng cũng đầy nhân bản và tinh tế của thi sĩ trước những bông hoa gầy yếu khiến nỗi đau lòng xa xót như càng khía sâu thêm vào lòng người đọc: Muốn nói với em lời vu vơ như gió/ e rằng hoa đã sương gió một đời/ muốn tỏ cùng hoa lời nồng nàn của nắng/ e hoàng hôn phai trên cánh / lại thôi/ Muốn nán lại bên hoa/ mà ngại mình nông nổi/ muốn đem hoa đi/ mà đời mình rong ruổi/ lại thôi/ Tần ngần Layơn/ dùng dằng đỉnh núi/ còi xa cuồng lên réo gọi/ đành lòng/ phải đành lòng/ thôi

    Việc ngắt câu thất thường cũng góp phần diễn tả nỗi lòng ngổn ngang, đứt gãy, khó xử, để tới đoạn sau, lời chào của thi sĩ chợt giống một tiếng thở dài, sau đó là một tiếng khóc cố nén lại nhưng cuối cùng cũng phải vỡ ra thành những lời nghẹn ngào: Chào nhé/ chao ôi lời chào nhé/ lời cỏ hoang/ lời đỉnh vắng/ lời mặn sương/ lời nhạt nắng/ lời nào không cực lòng nhau

 

    Tĩnh tâm lại, chàng thi sĩ đa cảm đã ngẫm nghĩ về cái cuộc đời vốn nặng trĩu Mẫu Sơn, Layơn, nhưng ở đây lại có sức khái quát giàu khả năng liên tưởng và lay động: Sao từ khi/ một mình xuống núi/ trái núi nào/ cũng mộng mị Mẫu Sơn/ sắc hoa nào/ cũng tái nhợt/ Layơn

    Và cũng chính nhờ sự khái quát này mà thi sĩ đã vượt lên khỏi sự đa cảm thông thường của người đời, để lại một lần nữa mặc nhiên bước vào "quỹ đạo” của những người lấy Cái Đẹp làm cứu cánh, làm mục tiêu, làm phương tiện giúp con người hướng thiện- những người đã lấy Hoa làm một trong những thứ quan trọng để nhà thơ "đặt niềm tin vào”- nói như nhà thơ Pháp A. Rimbaud: Xác thịt, cẩm thạch, hoa, Vệ nữ, ta đặt niềm tin nơi các ngươi ( Soleil et Chaire).

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1537
Ngày đăng: 05.01.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm trong thơ Hoàng Thụy Anh - Trần Hoài Anh
Đọc “Rét cằn” của Đặng Xuân Xuyến - Nguyễn Xuân Dương
Mẹ ơi – con nhớ tiếng đàn... (nhân đọc bài thơ Mẹ của Vũ Trọng Quang) - Nguyễn thị Liên Tâm
Chiều Đông nghe vẳng tiếng thơ Tạ Ký - Phan Văn Thạnh
Tâm thức Phật giáo qua thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê trong Trường thơ Loạn - Trần Hoài Anh
Cõi nhân sinh trong Milano Sài Gòn, đang về hay sang? của Trương Văn Dân - Thiện Mỹ
[Thử một cách đọc bản thảo thơ: Trường hợp “Những mùa hoa anh nói” của Trương Anh Tú]* - Đỗ Quyên
Hoa tri ân bật nở - Nguyễn Thánh Ngã
Bùi Minh Vũ: Tiếng-thơ-siêu-thực-chính ngọ - Du Tử Lê
Ngõ Quê độc đáo trong “Hương Quê” của Đặng Xuân Xuyến - Nguyễn Xuân Dương
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)