Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.105
123.144.050
 
Hoài niệm những ngày cuối năm
Vinh Anh

 

 

 Hội bạn với các “thi nhân tự phong” gọi, bạn cũ gọi, đám cưới mời, lại còn bài viết sẽ đọc trên một diễn đàn hội thảo về một nhân vật lịch sử phải bàn lại… Tất cả dồn dập vào những ngày cuối năm. Nhưng tất cả những cái đó đều là cái sự không mong mà đến. Bởi một phần không thích thú, một phần cũng đã biết qua loa. Mình nghĩ còn có cái khác, sâu xa hơn, mong đợi hơn. Cái khác là cái gì, chưa hình dung ra hồn cốt của nó, nhưng lại như đã mơ hồ nhận ra, mờ ảo thôi, thoang thoảng thôi. Hình như đó chính là cái mong mà không đến. Cái mong sẽ sàng chỉ lảng vảng, ám ảnh mà thôi.

 

Những ngày cuối năm này thời tiết cũng thật đẹp. Đẹp theo cái nghĩa mùa đông. Giá buốt của mùa đông đúng dịp Nô-en làm cho người ta cảm nhận ra cái đẹp của mùa đông trong buốt giá. Đấy là mình đứng trên quan điểm trẻ để nói(!). Nghĩa là mọi cái sự đẹp đều cần có điều kiện. Một trong những điều kiện cần của của mùa đông là lạnh, lạnh cho tê người, lạnh cho co ro và lạnh cũng để thể hiện mình là người hiện đại, người của mốt nữa. Thật sự,  những ngày đầu đông không có gió lạnh, mình không thích vì nó cứ nhàng nhàng, nhàn nhạt thế nào ấy. Người trần thế gọi là dở dở ương ương.

 

Phía xa kia gió buốt thổi bùng một ánh lửa và một đám khói. Khói đang lan man trên các ngọn cây. Có lẽ do rét nên người ta đốt lửa để lấy hơi ấm. Dấm dứt một cái gì xa xưa khi nghĩ đến những ngọn khói lam chiều trên các mái rạ miền quê. Quê xưa là thế. Cái khổ, cái nghèo lại thành những kỷ niệm không quên. Chúng cứ vương vấn bên ta, tạo cho ta cái sự thấp thỏm, cái nhớ mơ hồ, bảng lảng và mềm mại như ngọn khói bay.

 

 Cuối năm, với người già, người ta hay nhìn lại. Nhìn lại để xem xem mình đã làm được những gì. Một sự sơ kết hay một bản kiểm điểm không bắt buộc. Giá mà thời trẻ mình cũng có động tác ngoái cổ nhìn lại nhỉ?

 

Mấy ngày nay, nghe đứa cháu nói, xem lại những cái gì đã viết ra trên blog. Những suy nghĩ thể hiện trên blog có đến 80% sự thật. Con số 80 đó cũng “à uôm” thôi. Có thể nhiều hơn. Nhưng nếu ở đâu đó, người đọc thấy người viết viết về mình nhiều quá, mà lại toàn nói hay về mình, thì xin hiểu đấy là phần còn lại của 20% không đúng sự thật.

 

Xem lại những gì đã viết thấy mỏi mắt. Cũng có những cái hay hay. Nảy ra ý định in lại những cái “hay hay” ấy. Ôi chao, một năm, nhiều quá. Lại  ngại. Lật qua vài trang của năm 2009, thấy còn nhiều nữa. Vốn không ưa đọc lại những điều mình đã viết, vì đọc lại thấy ngượng ngượng sao ấy, lại chán. Ư, làm gì lắm cái “hay hay” thế. Tự rủa mình là đồ dở hơi. Rồi nghĩ, sao mình già vậy mà vẫn cứ không chín chắn nhỉ. Làm cái gì thì cứ làm cho xong đi. Cái “chín chắn” là cái khỉ gì đấy không biết nữa? Dẫu sao, vẫn tự biết mình luôn trong trạng thái bồng bềnh. Không phải! Trạng thái của mình luôn bấp bênh. Sự bấp bênh đó khiến cái đầu của mình không ổn, luôn mất thăng bằng. Tỷ như, hôm cơ quan mời cơm nhân ngày 22, háo hức chờ, đến, nghe thấy phải đợi, không hiểu từ đâu cái tự ái tuổi già nổi lên. Chán! Chán là chán ai, vì gì mà tự ái? Đâu có biết. Tức thấy như bị coi thường, có lẽ là thế, mình cũng là khách mời cơ mà, đúng giờ, thậm chí đã quá giờ, tại sao mình phải đợi. Về. Nghĩ về mà vui. Vẫn muốn thể hiện. Chẳng gì ta cũng… chẳng là gì. Đồ dở hơi!

Dẫu đã biết mười mươi, mấy cái thằng “quá đát” như mình, đời nó còn coi là gì nữa đâu, vậy mà cứ muốn thể hiện. Nghe tin đồn, hội “thi nhân tự phong”, có ý định bầu mình vào ban chấp hành, cũng như cái hội người già của cơ quan ấy. Có lời cáo lui luôn. Mình biết là mình hơn khối thằng (!) nhưng mình không làm được và thực sự không muốn làm. Bây giờ nghĩ đến lãnh đạo là ngại. Cái anh nhà văn, nhà thơ (dù là tự phong) chỉ có thể nói thành lời khi có tác phẩm. Anh phải viết ra những cái để đọc và phải đọc được. Nếu không ít ra, anh phải là một người đã chững chạc trong giới rồi. Đừng tự cho mình là ghê gớm. Người đời chỉ coi anh là cái thùng rỗng, nếu anh không có tác phẩm.

 

Cứ như mình, đôi khi, chỉ đôi khi thôi, nghe được một người nói “ tôi thích bài của ông, thích cách viết của ông…” từ một người quen sơ sơ, không vì một lý do gì phải tung hứng nhau (cái sự tung hứng này đang đầy dẫy), nhưng lại nói những câu như vậy. Thế là vui rồi. Ngày hôm qua, trên hội nghị tổng hay sơ kết gì đó, có người lạ hoắc, nói với mình câu đó. Thấy sướng. Nhưng cái chờ đợi vẫn không phải như vậy. Nghe mãi, chán, lại bỏ về. Ngẫm thấy sao niềm vui thật sự trên đời hiếm hoi thế. Có phải càng già càng khó tìm nổi nguồn vui, hay bởi ta sống vì ta quá nhiều?

 

Có một điều, hình như mình vẫn nói chưa thoát được cái điều muốn nói. Cách nói hiện nay là “vẫn ngọng”. Cái sự ngọng chứng tỏ mình chưa được giải phóng thật sự. Lại nhớ Hoàng Công Khanh: “ Tôi đã sống rất nhiều ngày thảm hại/ khôn ngoan không dám làm người/ bao nhiêu lần tôi không thực là tôi…” Mình muốn được tự do nhưng lại vẫn sợ ông “ nâu công lý”.

 

Đâu đó, theo thói quen, theo phong trào, theo cách suy nghĩ và cách sống của xã hội. mình là người muốn quẫy đạp nhưng lại không thoát ra được, nói cho “vuông” là không dám quẫy, cụ thể hơn nữa là mình hèn. Lý do không thoát ra được là vì không muốn phá vỡ cái truyền thống vốn có sẵn, cái mà gần cả cuộc đời mình phải làm theo, phải nghĩ theo. Mọi hành động của mình phải tuân theo một lập trình có sẵn. Vòng kim cô đó còn theo đuổi những người như ta một thời gian dài nữa. Sự phá cách chắc phải để cho lớp con cháu. Cái bọn không thích nhạc đỏ, nhạc vàng. Cũng không thích nhạc trẻ nhí nhố ăn theo, noí leo mà lại thích nghe và hát bằng tiếng Tây. Phải để cho lớp người đó. Lớp trẻ đó mới có tư duy mới.

 

Cô con gái yêu liệu có cái tư duy đó? Nó đang phá cái truyền thống mà mình nghĩ, mình muốn. Mình chỉ ở cái dạng muốn cải tổ một nửa, cách tân một nửa. Còn một nửa muốn giữ là lề thói cũ. Đấy là văn hoá, là dân tộc. Mình nghĩ là mình đúng nhưng thật không đủ lý lẽ. Có phải cái đúng của mình là muốn dựa vào cái cổ xưa, như ngọn khói lam chiều bảng lảng bay trên mái nhà tranh? Nó đẹp đấy nhưng là đẹp trong sự cổ hủ và lạc hậu. Lẽ nào mình lại níu kéo cái xưa cũ, nói là nó đẹp và khoác cho nó cái từ mỹ miều “quê hương” nhỉ? “Cái quê, cái dân tộc, cái văn hoá, cái truyền thống” có cùng kèm theo cái xưa cũ không? Xưa cũ là cổ hủ ấy!

Vậy là mình lại phân tâm! Cái mà mình mong nó lại xa vời. Âu đấy cũng là số phận. Mà đâu đó có nói “ Số phận-Đó là cá tính”. Số phận thì đâu có quyền được chọn. Chẳng hiểu đúng được bao nhiêu phần với mình nhưng mình nghĩ, chắc là nhiều phần đúng. Số phận phản ảnh cá tính con người đó hay cũng có thể nói gần đúng, cá tính tạo nên số phận con người. Nếu như mình cứ bình lặng sống cuộc đời ít đối kháng, dẫu rằng có mẫn cán đi mấy chăng nữa để lo tiến thân, chắc cũng không thể có cuộc sống ngày hôm nay. Cuộc sống đã rẽ theo hướng khác, nhọc nhằn hơn, nhưng vinh quang có hay không thì không biết. Nhưng có điều, cách sống đó lại không tạo ra mình hôm nay. Mình của hôm nay là một tập hợp hỗn tạp các suy nghĩ và quan niệm, của mình cũng có nhưng đa phần mình nhận được là từ cuộc đời.

Vậy thì vào những ngày cuối năm này, mình chờ đợi điều gì, và chờ đợi ai. Có vẻ như đó là sự hoài niệm về dĩ vãng, xa xưa. Nó đấy nhưng không với  tới  được, lại  đằng  đẵng  theo suốt đời  con người. Mình không thích âu sầu, hoài cổ nhưng lại như muốn mãi nâng niu cái cũ êm đềm. Nó mong manh, dễ vỡ và trong suốt. Trắng trong như mối tình học trò. Đẹp long lanh và tươi roi rói như hoa trên cành buổi sớm mai. Tình bạn thân thiết gần gũi của thuở ấu thơ, tình yêu đam mê ngơ ngẩn của thời niên thiếu, sự hồi hộp run rảy khi lần đầu cầm tay người bạn gái. Tất cả như là của ta mà ta không bao giờ có. Những cái đó làm nên hoài niệm.

Nói gì thì nói, khi đã viết ra những dòng kiểu tâm tư thế này, người ở lứa tuổi như mình, không thể tránh nói ra những điều mà chính bản thân đã rút ra từ cuộc sống. Dù đấy chỉ là một cá thể không có chút gì để lại cho đời, không hề có dấu ấn với đời. Đấy là một con người bình thường. Giống như bố mẹ ta, ông bà ta, suốt đời không vượt qua cái làng quê bên luỹ tre, suốt đời lo toan, buồn vui bên cánh đồng, suốt đời làm bạn với con trâu, cái cày. Những con người như vậy, vẫn luôn có những bài học để lại cho con cháu.

 

Dẫu rằng ông bà ta, những người hiểu biết ít về sự biến đổi của hành tinh, chẳng thể bàn thảo về các loại chủ nghĩa trong cuộc sống, chẳng thể nói điều gì về các loại phát minh và tương lai loài người. Nhưng những người đó, với kinh nghiệm sống, vẫn có thể nói cho con cháu, dạy bảo con cháu những điều hay lẽ phải về tình yêu quê hương, về cách sống và cách làm người. Lời chỉ bảo, dạy dỗ đó có lẽ đơn giản,  đôi khi được thổ lộ qua nỗi nhớ cánh đồng vàng mùa lúa với những con đường làng thơm nức mùi rơm rạ, chỉ là bát canh cua rau đay ngày hè nắng và có lẽ không thể không nhớ những buổi chiều, khói lam bay lên vấn víu lả lơi trên các mái tranh. Đó là lúc những người mẹ, người chị đang chuẩn bị cho gia đình bữa cơm tối sau một ngày vất vả…

Và mình hiểu đó là hoài niệm. Bây giờ mình cần sự yên bình. Sống lại với những ký ức của một thời đau khổ, đói kém chẳng phải là điều gì xấu. Những hồi ức như vậy cho ta thấy sự thay đổi đến được với ấm no và hiểu biết phải trả một giá đắt thế nào. Lớp con cháu có lẽ không mấy đứa hiểu. Con người ta vẫn chuộng, vẫn thích được hưởng thụ hơn. Còn cái lý do vì sao được hưởng lại thường xem nhẹ. Sự ích kỷ là thế.

Có phải sự ích kỷ trong mỗi con người thường biểu lộ và thay đổi theo hoàn cảnh sống. Số phận đưa đẩy và tạo cách sống cho mỗi người, để từ đó hình thành tính cách con người và rồi từ đó tạo ra cá tính. Và đó là số phận?

 

Không hiểu sao, nghĩ về ngày xưa, ta thường hình dung đó là sự bình yên, là sự yên ả của dòng sông, là cánh diều buổi chiều vi vu, là những đêm trăng chơi trận giả. Mặc dù ngày xưa của mình gắn liền với chiến tranh, các cụ gọi đó là thời loạn lạc. Loạn lạc nghe dân dã và cổ xưa hơn và vì thế nó xa xôi, để đến nỗi bây giờ nó như chỉ còn là tiếng vọng… Thời chiến tranh ấy đã qua đi rồi. Nhớ thôi và đừng mong nó quay lại nữa. Nhưng sao nó lại êm đềm nhỉ?

 

Có thể có sự êm đềm là do tuổi trẻ trong sáng mang lại. Người lính “ra trận còn thương cành nguỵ trang mau héo” cơ mà. Và nếu : “Có ai đọc câu thơ người lính khắc trên cây/ đường ra trận vui như trảy hội/ mới biết lòng chúng tôi phơi phới…” Sự êm đềm có được chính do bởi sự trong sáng đó. Tình yêu quê hương ngấm đậm chính do bởi có sự trong sáng đó. Bởi thế ta gắn bó. Ta dần nhận ra những nhớ thương đó sau những trận đánh, những loạt bom là sự thân thiết của cánh đồng, của luỹ tre, của sự ấm áp khói lam chiều… nơi ông bà, bố mẹ ta đổ mồ hôi gây dựng. Ta nhớ, ta mơ, ta hoài niệm…

Cũng mong muốn cuộc sống của lũ trẻ bây giờ êm đềm như giấc mơ của ta. Cuộc đời dẫu muôn vàn sôi động kia có thay đổi, có đi lên, chúng vẫn nghĩ và gắn bó thiết tha với mảnh đất này. Mảnh đất mà ông bà, cha mẹ chúng đã trả giá cho sự phát triển hôm nay. Nhưng điều đó thường không được nhắc đến. Sự ích kỷ hình thành từ sự bận bịu chăng?

 

Hoá ra, cái mình mong ngóng chờ là cái ngày xưa. Hoài niệm cái ngày xưa. Vậy thì có bao giờ nó đến được nữa?

 

27/12/2010

 

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 1558
Ngày đăng: 08.01.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những phút đợi cha - Nguyễn Tiến Nên
Tản mạn: Ai qua? - Hà Thủy
Cảm xúc mùa đông - Vinh Anh
Cô gái Huế - Vương Kiều
Cảm - Lê Viết Yên
Tâm cảnh ngày Thu - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Sông quê - Giang Hiền Sơn
Mất tích - Phương Uy
Thơ tình tuổi vào đời - Phan Tấn Uẩn
Những thanh âm ngày cũ - Phan Văn Thạnh
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)