Ở miền Tây không quen cảnh kẹt xe và đường phố chật ních, nên tôi có mặt khi chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright (đại học Harvard - Mỹ và đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp tổ chức) chỉ còn năm phút nữa là bắt đầu - trễ so với “khuyến cáo” của thư mời là nên đến sớm 30 phút.
Toàn bộ tài liệu cho ngày học đầu tiên đã có trong hộc tủ ghi đầy đủ họ tên tôi mà ai đó đã thiết kế sẵn trong thư viện. “Mấy ông Mỹ này xem ra cũng để thời gian “chết” nhiều quá” - tôi thầm nghĩ về lời “khuyến cáo” khi thời gian làm thủ tục nhập học sau đó chưa đầy hai phút.
Nhưng… lầm! Vào lớp, “Hai Lúa” tôi lớ ngớ tìm chỗ khi thấy những người đến trước ngồi sẵn ở chỗ có cắm bảng tên của họ. “À. Mấy ông này chu đáo gớm!”. Nhưng đứng lớ ngớ tìm mãi không thấy chỗ ngồi ghi tên tôi. Một anh cùng lớp, ngó biết, vội chỉ cho một chỗ trống. “Bảng tên thì anh cứ lấy trong mớ tài liệu lúc nãy lấy trong thư viện”. Trời đất! Bảng tên nãy giờ cầm trên tay nên hèn chi không tìm thấy trên bàn. Thì ra, tất cả mọi thông tin - thậm chí rất cặn kẽ, họ đã cung cấp cho học viên, chỉ bởi mình không đọc vì đến trễ. Muốn làm quen cô bạn học nào cùng lớp cũng rất dễ vì trong tay ai cũng có một danh sách toàn bộ học viên kèm hình ảnh cùng một số thông tin về quê quán, nơi làm việc…
“Chúng tôi muốn các bạn thấy sự khác biệt so với những chương trình giảng dạy đại học, sau đại học khác ở Việt Nam. Và kể từ lúc này, các bạn sẽ phải leo núi cật lực” - một vị trong ban lãnh đạo trường phát biểu tại buổi “chào sân”. Riêng tôi cũng thấy, cái khác đầu tiên là phòng học ở đây như một rạp hát. Chỗ giảng viên là thấp nhất, sau đó cao dần khiến dãy bàn chót lại cao nhất. Nhờ vậy, ngay buổi học đầu tiên, giảng viên đã phát hiện vài anh ngủ gật, vài anh hăng hái phát biểu nhất dù ở vị trí nào…
“Có thể bạn thấy chỗ ngồi mình cao nhất, nhưng thực ra rất thấp nếu lấy chiều cao tất cả chỗ ngồi của những người khác cộng lại. Kiến thức cũng vậy. Có thể tôi biết nhiều hơn các bạn, nhưng hoàn toàn không thể sánh bằng kiến thức của tất cả chúng ta cộng lại” - một “ông thầy” Mỹ nói. Từ ví dụ này, ông muốn tất cả học viên hăng hái phát biểu, thậm chí nói nhiều hơn cả giảng viên. “Chúng ta sẽ học tập lẫn nhau. Một trường đại học tốt là nơi mà người ta không ngừng chống chỏi giữa quyền lực và ý tưởng. Chúng tôi sẽ rất hân hoan khi các bạn chứng minh chúng tôi sai một điểm nào đó trong nội dung giảng dạy. Chắc gì chúng tôi không sai? Đừng cứ câm lặng mà làm theo tất cả những gì chúng tôi nói như nghe sự chỉ đạo” - ông nói.
Một tuần trôi qua. Tôi cảm thấy nhớ miền Tây, nhớ công việc và thấy chán biết bao khi ngày nào cũng ngồi lì hai buổi, gặp những khuôn mặt quen thuộc… Nhưng thú thực, đó là biện hộ của tôi - “con cáo” và chương trình học một năm của Fulbright - “chùm nho” (một câu chuyện ngụ ngôn). Ở đây, các giảng viên dạy rất nhiều điều lý thú. Người ta còn dạy cả cách nhìn dự án xây nhà máy lọc dầu Dung Quất như là cách cất tiền trong túi không sinh lời khi giá dầu dự kiến sản xuất ra sẽ bằng đúng với giá nhập dầu về, dù đang còn biết bao thứ cần đầu tư, chi xài để phát triển, để kiếm lãi...
Còn đối với tôi, nhiều thứ lại rất khó hiểu vì họ giảng nhanh quá. Những công thức về toán kinh tế, ghi xong, về đọc chẳng hiểu phần tử Y bên này tượng trưng cho cái gì, tập hợp A bên kia là viết tắt của thứ chi. Điên đầu! Hỏi giảng viên, ổng nói: “Những thứ đó anh đã học từ trường đại học trước đây rồi còn gì, cần gì tôi giảng kỹ? Ở đây, tôi chỉ giúp anh biến những điều đó vào ứng dụng thực tế”. Xem kỹ, đúng thật! Tôi cầm trên tay, rồi làm mất, mà cứ trách không đâu…
Văn ôn võ luyện. Mười năm chúi đầu vào công việc, tôi đã quên những công thức này, cách tính nọ… Hay tại cái nếp đào tạo mà khi ngồi ở trường đại học trước đây, tôi và nhiều sinh viên khác chỉ biết đến sách vở khi vào mùa thi? (Cũng như dân đồng bằng, mùa màng xong là nhẹ lo). Mỗi năm học, chỉ cắm đầu học bài (không cần hiểu, chỉ cần thuộc) khoảng bốn tuần, thời gian còn lại hoàn toàn tự do. Thi xong, kể như cứ thoải mái “delete” dần, nạp tiếp năm học. Bài tập về nhà khi đó là chuyện hiếm. Ừ! Học trường ở xứ mình dễ hơn nhiều. Nhớ chiều qua, cậu sinh viên chung chỗ trọ, vừa khoe mới “nhét” cho thầy mấy “vé” để được hướng dẫn đề tài làm luận án về công nghệ viễn thông. Xem như tốt nghiệp cầm chắc…
Còn ở Fulbright, ngày nào cũng là mùa thi, đêm nào cũng hàng đống bài tập mà cứ nộp chậm một buổi là bị trừ 30% số điểm. Hai học viên có bài tập giống nhau dù chỉ một đoạn: điểm O và có thể bị treo cả môn học đó. Chưa hết, lại phải lo tìm đọc trước bài giảng của ngày học hôm sau để có vấn đề “chất vấn” giảng viên, nạp kiến thức cho mình.
Một giảng viên nói rằng, ở Fulbright là thi cử, kiểm tra liên tục. Hiểu phải đi đôi với thuộc, như cái xe gắn máy phải có người điều khiển mới chạy được. “Ở những trường khác, xong đầu vào là khoẻ chuyện đầu ra, hay ngược lại. Còn ở đây, chúng tôi không muốn điều đó xảy ra. Một sản phẩm lỗi phải được phát hiện ngay để tránh tình trạng lỗi của nó ngày một trầm trọng nhưng vẫn được xuất xưởng vì những chiêu “lách” nào đó”. Những ngày qua, đêm nào ngủ, tôi cũng thức giấc bất chợt vì lo chuyện mấy cái bài tập chưa xong. Tôi sống như chạy. Thời gian đâu mà khắc phục những kiến thức đã bị hẫng?
Ngồi lại ngẫm, không biết cơ chế đào tạo lỏng lẻo khiến tôi “hư” hay do chính tôi, để tới giờ ngồi Fulbright mà tiếc? Thôi, chắc tại tôi. Bởi tính đến giờ, gần 700 người đã tốt nghiệp các khóa tương tự của Fulbright.
Nhưng chắc rằng, Fulbright sẽ biến tôi thành một “căn nhà” hoàn thiện sau một năm học và tôi vẫn có thể đáp ứng điều đó với hai chữ “cật lực”. Nhưng không tài thánh nào có thể xây và giữ lâu căn nhà như vậy khi nền móng của nó đã bị lung lay... ./.