Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.803 tác phẩm
2.757 tác giả
743
122.647.626
 
Chuyện ở VƯỜN CÒ BẰNG LĂNG
Trương Công Khế

Ông Nguyễn Ngọc Thuyền, 60 tuổi, mà người dân ở Bằng Lăng, Thốt Nốt, Cần Thơ, gọi “chết danh” là Bảy Cò, nói: “Tôi chung sống với cò hơn 21 năm nay nên hiểu chúng nó như con của mình, biết rõ từng loài cò khi nào đi, khi nào về, đi bao lâu trở lại”. Lại bảo: “Tôi cùng chúng nó vui buồn có nhau, nhờ có nó mà tôi thành lập vườn cò làm du lịch kiếm sống. Đáp lại, gia đình tôi bảo vệ chúng có chổ ăn ở ổn định, an toàn, sanh con đẻ cái đầy đàn”.

            Mảnh vườn nhà ông Bảy Cò rộng gần 14 hecta, trước đây trồng tre bao quanh đê, bên trong đào mương thả cá, trồng màu. Đến năm 1983, cò không biết từ đâu kéo nhau về sống trên các lùm cây trong vườn có đến vài trăm con. Thấy cò về ở sát bên nhà nên ông thấy  vui, nghĩ rằng đất nhà mình lành nên chim còn về đậu. Rồi ông bảo các con đừng chọc phá chúng, phải bảo vệ cho chúng an toàn… Sau một thời gianthấy “an cư” tốt, cò rũ nhau về ở ngày một đông thêm. Đến năm 1992 đã có tới trên 20.000 con, sáng sáng, chiều chiều lũ lượt từng đàn kéo về hạt cánh xuống vườn, đậu trên các ngọn tre, gòn, gáo... đùa giỡn inh õi làm mê hoặc người dân trong làng.

Ông Bảy Cò đếm được 12 giống cò: nào là cò quắm, cò ngàn, cò cá, cò ruồi, cò ma, cò xanh, cò nhan, cò lép, cò ráng, cò sen, cò đúm, cò le... và 5 loài cồng cộc: cồng cộc đen mỏ vàng cóc, cồng cộc đế bụng đen trắng, bạc má đen mỏ ngọn, điên điển đen mỏ công, có ngón chân như chân gà... Mùa chúng về ở nhiều nhứt là từ tháng 9 đến tháng giêng năm sau, đông tới trên 350.000 con. Sau một thời gian sống yên ổn, năm 1994 chúng bắt đầu làm tổ đẻ trứng lềnh khênh trên các nhánh cây. Cho nên trong vườn lúc nào cũng có khoảng 30% số lượng đàn cò ở lại chăm sóc con, còn  lại đi kiếm ăn từ sáng đến chiều mới về.

Lúc đầu người dân trong vùng kéo nhau đến xem rồi đồn ra các huyện, các tỉnh lân cận, dần dần danh tiếng “vườn cò Bằng Lăng” lan ra cả nước, làm cho khách du lịch về với Cần Thơ ai cũng muốn ghé vườn cò Bằng Lăng. Thấy vậy, từ năm 1997 ngành du lịch Cần Thơ bắt đầu cho mở thêm điểm tham quan vườn cò Bằng Lăng và nó nhanh chóng trở thành tour hấp dẫn đối với khách nước ngoài. Đến năm 2001, ông Bảy Cò được nhà nước cho vay 142 triệu đồng để xây dựng nhà giữ xe, đài quan sát và cải tạo vườn, trồng thêm cây, làm hàng rào bảo vệ để bán vé tham quan (giá vé 2.000đ/người, khách nước ngoài 4.000đ/người). Giờ thì mỗi năm vườn đón trên 200.000 lượt du khách trong và ngoài nước, doanh thu cũng khoảng trên 100 triệu đồng, cũng chỉ đủ để ông Bảy trang trải nuôi sống gia đình 9 miệng ăn, còn bao nhiêu thì đầu tư vào việc nạo vét mương, trồng thêm cây và mua cá thả nuôi để làm mồi cho cò ăn…

Hầu như ít khi nào du khách được gặp ông Bảy Cò vì cả ngày ông ở trong vườn, hết trồng cây đến làm vệ sinh vườn rồi thả cá, bắt chim non bị rớt xuống đất mang vào nhà nuôi dưỡng. Ông kể: “Nhứt là vào mùa mưa giông, cò non thường bị rớt xuống đất gần chết, tôi mang chúng vô nhà cho uống thuốc Nam, tẩm bổ một thời gian đến khi nó mạnh khỏe thì thả về đàn. Vậy mà có nhiều con nuôi lâu ngày nó cứ đi theo quấn quít bên mình hoài đến lớn rồi mà vẫn không chịu bay đi”.

Ông Bảy kể tiếp chuyện cách cứu cò mắc câu hiếm thấy nơi nào làm như ông: “Tính ra từ lúc cò về ở đến nay, tôi cứu sống cả ngàn con cò bị mắc câu rồi đó. Trong lúc đi ăn, chúng bị mắc câu rồi lôi cả cần câu bay về vườn rồi bị mắc kẹt trên các ngọn cây nên tôi phải theo dõi hoài là vậy, hễ con nào bị mắc kẹt tôi dùng thang leo lên cắt dây câu mang chúng xuống. Rồi dùng cộng đu đủ nhỏ bằng ngón tay út, luồn cộng dây gân vào giữa ống đu đủ, giữ chặt cho cổ cò ngướt lên, thọt cộng đu đủ sâu vào trong bụng nó để đẩy lưỡi câu ra. Khi nghe cái “bựt” là biết lưỡi câu đã đứt, rồi nhẹ nhàng kéo lưỡi câu ra theo cộng đu đủ. Nuôi dưỡng nó ít bữa, cho ăn “cá tươi rút xương”, đợi chúng khỏe rồi thả về bầy”.

Ông Bảy lo nhứt là hiện nay, ngày càng có nhiều người đi bẫy cò, cồng cộc. Chúng dùng cò, cồng cộc con làm bẫy lưới ở những thủa ruộng gần vườn cò; hễ khi cò con kêu mẹ, thì còn mẹ, hay cộng cộc mẹ bay tìm con, rồi sa vào lưới. Mỗi ngày có cả trăm con cồng cộc bị bắt bán đầy ngoài chợ Thốt Nốt và ở một số nhà hàng quán nhậu. Ông Bảy nói: “Nhiều lần tôi đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ cấm bẫy bắt cò, cồng cộc. Nhưng họ trả lời là không được vì tụi nó bắt ngoài khu vực vườn nên đâu cấm được”.

“Hơn 21 năm qua, tôi như là một thành viên của bầy cò này – ông Bảy Cò nói - chúng nó hiểu tôi cũng như tôi hiểu chúng nó. Tôi biết rõ như bưng “lịch sinh hoạt” của chúng: 5giờ 30 – 6 giờ sáng, chúng tỏa đi bốn hướng Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ rồi mỗi chiều từ 5 -6 giờ chúng về lại vườn cò. Có loài như “cò ruồi”, mỗi năm nó đẻ vào thời điểm từ 22- 2 đến đầu tháng 7 âm lịch là đi; đúng tháng 2 âm lịch năm sau lại quay về. Còn”cò cá” thì đi tháng giêng về tháng 10”.

Trong vườn, lâu nay ông Bảy nuôi thêm giống “cò ruồi” để bán lại cho các hộ chăn nuôi trâu bò để loài cò này “làm vệ sinh” ruồi nhặng sống bám trên mình trâu bò. Nhưng ông Bảy cũng chỉ bán cho mỗi người chỉ mua không quá 2 con (giá 15.000đồng/con) vì ông “phòng hờ sợ người ta mua cò về ăn thịt”. Nghe như vậy tự nhiên thấy cảm động vì có một nông dân thầm lặng giữ gìn môi trường “ngon lành” quá trong khi bao nhiêu người khác thì hổng quan tâm gì tới chuyện này.

“Nói đến việc mua bán cò có nhiều nhà hàng đến đặt với tôi mỗi ngày cung cấp cho họ 100 con cò hay cồng cộc để làm món ăn đặc sản – Ông Bảy kể tiếp - Thiệt tình khi ra chợ thấy người ta bán đám chim cò này, tôi muốn rơi nước mắt. Ở nhà chúng bị mắt câu mình cứu sống từng con mà ở chợ họ làm thịt không thương tiếc”. Trong nhà ông Bảy còn nuôi thêm nhiều chim sáo, chích, gà nước... chúng sống quanh quẩn thân thiện với mọi người như gà, “Hễ nghe tiếng kêu của tôi là trong tích tắc chúng có mặt, hỏi anh như vậy có thú vị không chớ?”, ông Bảy tâm sự.

Chuyện vườn cò Bằng Lăng đã làm “động lòng” ngành du lịch thành phố Cần Thơ, vì họ mở thêm được tour mới đưa khách tới đây bằng xe gắn máy hoặc tắc ráng, đi từ ngõ sông Hậu vào. Và họ “hứa” sẽ mở đường ô-tô để khách du lịch ra vào tiện hơn, nhưng cả năm nay đó mới chỉ là lời hứa. Xa hơn một chút, vừa có một doanh nghiệp ở Long Xuyên, tỉnh An Giang tới ngã giá với ông Bảy Cò, muốn mua trọn khu vườn này với giá 5 tỷ đồng để đầu tư phát triển du lịch, và mong gia đình ông Bảy ở lại coi quản vườn cò luôn. Ông Bảy và cả nhà ông đang bị “hấp dẫn quá xá” với lời chào hàng mới mẻ này. “Nếu trót lọt, chắc là tui sẽ thuận, miễn là ai cũng có lợi, chim cò vẫn sống thân thiện với mình”, ông Bảy Cò lim dim nói.        ./.

Trương Công Khế
Số lần đọc: 3098
Ngày đăng: 20.10.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những kho tàng vô giá - Hồ Hùng
Đến ITALIA: Thăm KÌ QUAN MỚI của THẾ GIỚI HÔM NAY! - Lê Xuân Quang
Lên núi gặp đồng bằng - Huỳnh Kim
Đường về với Bác - Diệp Minh Châu
Trở lại nhà xưa - Trần Thanh Giao
Nhớ Về Thái Ngọc San :Đường đã rõ chân trần ta đi tới - Trần Kiêm Ðoàn
Không thể nào quên - Trần Thôi
PARIS mùa hè không có chiều thời gian - Lê Duy
Ra Phú Quốc - Hồ Hùng
5 Năm tới, VIỆT NAM sẽ phát triển theo CÁCH MỚI - Huỳnh Kim
Cùng một tác giả
Ao sen trắng (nhiếp ảnh)
Bãi dừa Phú Quốc (nhiếp ảnh)
Bà Nà Đà Nẳng (nhiếp ảnh)
Cầu khỉ (nhiếp ảnh)
Bán tre trên sông (nhiếp ảnh)
Bán lu trên sông (nhiếp ảnh)
Bạn già (nhiếp ảnh)
Bên nhau (nhiếp ảnh)
Bên dòng đời (nhiếp ảnh)
Bến Ninh Kiều (nhiếp ảnh)
Điệu múa ghe Ngo (nhiếp ảnh)
Dể thương (nhiếp ảnh)
Đá gà (nhiếp ảnh)
Đá gà (nhiếp ảnh)
Đá gà (nhiếp ảnh)
Dấu Ấn An Giang (điêu khắc)
Hoa mồng cọp (nhiếp ảnh)
Vườn cò (nhiếp ảnh)
Ao sen trắng (nhiếp ảnh)