Đầu tháng ba năm nay, theo đoàn ghe (thuyền theo tiếng Nam bộ) tàu vận chuyển lương thực từ Tiền Giang đi Tp.HCM, tôi đã làm quen với ông Hai Th. là chủ cổ phần chiếc ghe gỗ lớn có trọng tải hơn 110 tấn. Ông Hai Th. có thâm niên nghề sông nước gần nửa thế kỷ. Ông đã từng cắm sào ở hầu hết các bến sông Nam bộ. Theo ông kể, "thời đó" ông theo cha đi buôn bán đồ gốm bằng ghe, chủ lò gốm (là người Tàu) giao hàng cho ông, ông cùng gia đình chở hàng đến các ấp, chợ ở các tỉnh sông nước Cửu Long để bán đổi cho dân miệt vườn. Bạn ông, người bán tủ thờ, người bán khoai, bán muối, bán cát lẻ và bán đồ gốm như ông có cả trăm người đều đã gắn bó với sông nước Nam bộ. Họ đã đều trên dưới ngũ tuần, thế hệ con cháu đang dần dần kế tục nối nghiệp, cũng như họ đã từng nối nghiệp cha ông. Chỉ có điều những thế hệ sau này không làm nghề chủ tiệm hàng nổi di động bán dạo trên sông mà họ đã chính thức làm nghề kinh doanh vận tải đường sông trong một đơn vị kinh tế hợp tác.
Ông Hai Th. thường nói "có cách mạng mới có ngày hôm nay". Ngày giải phóng 30/4, gia đình ông chỉ có 1 chiếc ghe 35 tấn đưa vào HTX. Nay gia đình ông đã góp vào HTX hai chiếc, mỗi chiếc có trọng tải hơn 100 tấn và chuẩn bị ghim lô đóng 1 sà lan 200 tấn để tiếp tục đưa vào HTX. Trường hợp như ông không phải là cá biệt. Ở đơn vị ông rất nhiều người khi mới giải phóng chỉ có 1 hoặc 2 ghe trọng tải nhỏ, bây giờ đã có 2-3 ghe trọng tải lớn, hoặc sà lan để kinh doanh. Cá biệt có người đã góp vào HTX 7-8 sà lan trị giá gần chục tỷ đồng. Có người hỏi họ có nhiều sà lan như thế mà không ra lập công ty riêng lại tham gia HTX? Họ nói: "Lập công ty là để kinh doanh, ở HTX cũng kinh doanh cũng ăn ra làm nên thì việc gì phải ra lập công ty cho phiền phức. Nghề sông nước vốn dĩ đã có tình nghĩa thủy chung, khi nghèo khó có nhau, lúc làm ăn khá giả lại ra đi coi sao được".
Có gia đình bốn năm anh em và hàng chục con cháu đều ở HTX, có gia đình cả sui gia, nội ngoại góp hàng chục ghe tàu, sà lan làm ăn ngay từ ngày thành lập. Sông nước gắn bó với họ, giúp họ thoát khỏi đói nghèo rồi làm giàu. Đời ông cha họ, đời họ chẳng có ai học hết cấp II. Vậy mà con cháu họ trình độ cấp III, tú tài vô số, nhiều người đã tự hào dẫn con bước vào cổng trường đại học.
Sông nước, nghề nghiệp, tổ chức đã kéo họ gần lại với nhau, cùng nhau làm ăn, làm giàu, thế mới hay câu "hữu xạ tự nhiên hương" của ông cha ta là thế.
Vận tải sông nước vốn là nghề phân tán, ở đời chỗ vắng vẻ thì muốn sầm uất, chỗ ồn ào lại muốn yên tĩnh, do vậy làm nghề phân tán thì đương nhiên muốn tụ họp, do đó bến sông cầu cảng luôn là mục tiêu của các ghe tàu… Bởi đó không chỉ là nơi đậu hoặc xuống hàng của chuyến đi mà còn là điểm tụ họp gặp gỡ những người đồng nghiệp đồng tâm…
Đã về bến thì cùng với sự gặp mặt thường có chút gì nhâm nhi như càfê, rượu đế… và thế là câu chuyện quanh cái ly thật ồn ã, vui vẻ. Không ai làm nghề ghe tàu mà nói chuyện lại nhỏ nhẹ, nhất là khi lại có tí "cay" trong người, vì nghề nghiệp tạo ra vậy. Thử hỏi trong tiếng máy nổ ầm ầm, tiếng gió ào ào, sóng nước ì oạp mà thuyền trưởng lại ra lệnh nhỏ nhỏ thì ai nghe được? Cả câu nói cũng ngắn gọn nhưng hiểu ý nhau như: nếu cùng một lệnh "neo" thì khi rời bến là nhổ neo và khi tới bến là thả neo, hoặc khi tàu đang chạy, thuyền trưởng hô "rác" có nghĩa là thủy thủ phải nhảy xuống sông gỡ rác quấn ở chân vịt.
Nghề nào cũng có duyên phận, nghề sông nước cũng có lúc "thuận nước xuôi dòng, êm chèo mát máy" song cũng có khi gặp "sóng lớn gió to, tai nạn ập tới bất ngờ".
Gặp mùa khô ráo, nhu cầu vận chuyển cao, thuyền trưởng tha hồ tăng tốc quay vòng, hàng hóa luôn đợi ghe tàu vì vậy thu nhập cũng tăng, có người làm ăn luôn gặp may, rủi ro ít, song cũng có người phải chuyển nghề vì theo họ "không có duyên với nghề Bà cậu nên xui nhiều hơn hên".
Tôi nghĩ họ có lý do của họ. Nghề gì cũng vậy, không phải ai làm cũng có kết quả như nhau bởi ngoài cái "duyên" như họ nói còn phụ thuộc vào năng khiếu của từng người đối với từng nghề.
Tôi có anh bạn nếu viết báo, làm thơ thì chỉ 30 phút là anh đã có ngay một "tác phẩm" nhưng bảo anh đóng một cái chuồng gà thì cả tháng anh cũng chẳng được một cái cho ra hồn. Thế mới biết nghề nghiệp không thể chỉ học mà còn do bẩm sinh nữa.
Trên mặt sông Tiền, tôi đang thả hồn suy tư bay bổng theo gió mơn man cùng sóng nước vỗ ì oạp bên boong tàu thì đã tới ngã ba sông. Ôi ngã ba sông! Sao mà mênh mông hùng vĩ! Một tiếng còi dài và chiếc tàu quẹo trái, ông Hai nói: "Đây là vàm Kỳ Hôn, phải đi đường này mới tới cảng Sài Gòn được, nếu đi thẳng sẽ ra biển, ghe tàu của các ông đóng theo kiểu mui cao, đáy bằng, hệ số béo lớn không chịu được sóng biển. Rạch Kỳ Hôn không lớn nhưng sao mà đẹp thế: hai bên bờ bần, dừa nước mọc tự nhiên xanh ngắt, thấp thoáng có những căn nhà lợp ngói đỏ ló ra sau vườn cây sapôchê, xoài cát trĩu quả. Nếu tôi là nhà thơ thì hay biết mấy… Tàu bỗng giảm tốc độ, tiếng máy nổ gằn gằn nhè nhẹ… rồi thuyền trưởng - một thanh niên vạm vỡ tên là V. (con trai của ông Hai) giao tay lái cho cha nhảy xuống khoang lấy 1 cái cặp nhỏ trong đó đựng các loại giấy tờ về ghe tàu, hàng hóa… Và anh cũng lấy từ bóp ra 2 tờ giấy bạc 50 ngàn đồng bỏ vào túi áo, liếc nhìn tôi một cách ý nhị và đi về phía mũi tàu. Tại đó một chiếc xuồng đã cặp ngay từ lúc tàu giảm tốc độ. Ông Hai Th. nói: "Tới trạm rồi nó đi "làm luật" đấy", tôi đang suy nghĩ thì ông hai tiếp: "Đường sông bây giờ nhiều trạm kiểm soát lắm, từ Cao Lãnh đến cảng Sài Gòn tới 6 trạm. Công an, thuế vụ, quản lý thị trường, thanh tra giao thông… Trạm nào cũng phải "làm luật" cả, nếu không nộp phạt cũng vậy mà lại còn bị đì".
Nếu mình đủ giấy tờ, trang thiết bị thì sao họ phạt được? Giấy tờ thì đủ nhưng trang thiết bị tới mấy chục loại quy định rõ số lượng như dây buộc 2 sợi phi 18 dài 20 mét, đinh 10 phân 3 kg, bã sảm 1 kg, chai bột dầu trong 2 kg… những thứ này thường sắm đầy đủ nhưng đi đường nó bị hư hao hoặc sử dụng đi (dây bị đứt, đinh dùng đóng vào các chi tiết của ghe, chai bột bã sảm trét vào các kẽ nứt đột xuất…) mà chưa kịp bổ sung vô ghe chạy trên sông… chỉ cần thiếu 1 mét dây hoặc mấy cây đinh là vi phạm rồi! Ông có thể nêu lý do đó với họ? Lần này còn lần khác, trạm thì họ đậu ở nơi ghe tàu mình đi qua hàng ngày làm sao tránh khỏi…
Tôi nhẩm tính nếu cứ mỗi trạm "làm luật" một trăm thì sáu trạm hết tới sáu trăm ngàn?… Cách đây mấy ngày tôi được một thuyền trưởng (Mười N.H) ở Tiền Giang kể, có một trạm không nhận tiền mà chỉ nhận vịt. Mỗi lần ghe tàu trình trạm thì xách một đôi vịt để "làm luật". Tôi nghĩ nếu mỗi ghe tàu "làm luật" một đôi vịt thì số vịt một ngày có thể đến con số mấy trăm con vì đây là trạm huyết mạch từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tới Tp.HCM, một ngày có cả ngàn chiếc ghe tàu qua lại. Thế nhưng đúng là nộp vịt, nhưng lại không phải là vịt. Vì thế này: biết ghe tàu thường phải trình trạm nên ở gần đó đã có một số người với chiếc xuồng chèo tay đậu chờ sẵn khi ghe tàu giảm tốc độ thì họ bơi xuồng cặp mạn để đón thuyền trưởng đưa đến trạm trình giấy, để lấy tiền đưa rước. Và chính họ đã làm dịch vụ bán vịt, trên xuồng họ đã có sẵn vài đôi vịt và thuyền trưởng chỉ việc bỏ ra bốn năm chục ngàn rồi xách đôi vịt đó lên trạm "làm luật" và sau đó trạm lại "nhượng" đôi vịt đó cho chủ xuồng. Cứ như vậy cặp vịt được quay vòng đến "te tua" chỉ còn xương với lông. Mười N.H kể: "Khi đến lượt tôi cặp vịt muốn chết không còn kêu ra tiếng, tôi xách lên để ở dưới chân nó chẳng buồn kêu, chính vì vậy khi tôi trình giấy lên bị nạt: "Giấy tờ thế này mà đủ à?" Tôi biết ý lấy chân đạp mạnh vào cánh vịt, con vịt đau quá nhưng nó cũng chỉ kêu "khạc khạc" vài tiếng, may thay cũng vừa đủ để họ nghe thấy… và tôi được trả giấy, nhổ neo đi.
Ông Hai nói với tôi: "Nghề sông nước" là mình gọi chứ theo chữ Hán nó là "nghề giang hồ", cách giải thích của ông Hai không phải là không có cơ sở.
Khoảng 15 phút sau việc trình trạm đã xong, con tàu lại băng băng trên kênh Chợ Gạo. Ông Hai kêu mấy thủy thủ chuẩn bị chén bát và nói với tôi: "Hôm nay tôi đãi chú một bữa đặc sản quê hương". Tôi chưa biết món gì ông nói tiếp: "Nghề sông nước ở Nam bộ có một món mà Bà cậu (người vận tải sông thờ Bà cậu) rất khoái khẩu đó là cháo vịt, vịt vốn là con vật bơi lềnh bềnh mặt nước, nó tượng trưng cho việc ghe tàu luôn nổi và đi nhanh, chả thế mà trong ghe tàu cơ giới chiếc nào cũng có một "chân vịt", vì thế trước các chuyến đi, các ngày 16 hàng tháng, ghe tàu nào cũng dùng vịt để cúng mong cho Bà cậu phù hộ độ trì cho đi nhanh, an toàn và may mắn".
Món cháo vịt chấm nước mắm gừng được bày lên mui tàu. Tôi, ông Hai và anh con trai ông ngồi xếp bằng bằng chung quanh.
Một đĩa lớn thịt vịt đã được chặt đều tăm tắp, ra vàng mỡ béo ngậy, một đĩa rau gồm cọng rau muống chẻ, hoa chuối Xiêm (chuối tây) thái nhỏ ngâm nước trắng bong, 1 xoong cháo nóng hổi nổi mỡ và hành hoa, đĩa nước mắm gừng, 1 chai rượu đế và 1 cái ly xê chừng.
Chúng tôi bắt đầu lai rai, 30 phần trăm đối với tôi cũng nặng đô vì cái ly xê chừng đâu có nhỏ. Đây là lần đầu tiên tôi được ăn "cháo vịt đặc sản" miền Nam. Sau khi khai ly 30% tôi được ông Hai "ưu tiên" cho nửa lá gan vịt luộc chấm nước mắm gừng, quả thật sao mà nó ngon thế, vừa thơm, vừa ngậy béo. Tiếp theo tôi được nếm miếng lườn vịt được chặt dài theo chiều ngang, nó vừa thơm bùi lại dòn vì những miếng sụn, mùi vị nước mắm gừng quả là đặc biệt. Ông Hai nói: "Bây giờ chú đưa chén (bát ăn cơm) đây tôi lấy cháo", ông gắp vào chén của tôi một gắp hoa chuối thái nhỏ, sau đó ông múc hai môi cháo đổ vào rồi nêm thêm một chút mắm gừng. Tôi tiếp chén cháo vừa húp vừa ăn rau hoa chuối; quả thật đúng là món cháo tôi chưa được ăn bao giờ, nó ngọt, nó bùi, nó ngậy và chẳng có tí nào mùi hôi của vịt. Và tôi được ông Hai giảng giải cách làm món đặc sản này. Tôi sẽ viết cống hiến các bạn cách làm vào một dịp khác.
Tóm lại món đặc sản cháo vịt chỉ là đặc sản khi nó có đủ: cháo, hành hoa, hoa chuối Xiêm thái nhỏ ngâm sạch nhựa, nước mắm gừng, và vịt được chặt đúng kiểu… và tất nhiên nếu có vài xị rượu thuốc thì bạn không "say" cũng phải "ngà ngà".
Sau buổi cháo vịt đặc sản, trời cũng tối, tôi vào khoang nằm nghỉ và ngủ lúc nào không hay bỗng nghe tiếng "rầm". Tàu nghiêng đi một bên, tôi lăn qua một vòng và bừng tỉnh đã nghe tiếng quát ở trên mui "đi kiểu gì kỳ vậy?" Tôi bước lên khoang lái, trời đã rạng sáng, tàu đã gần đến cầu Rạch Ông. Anh V. nói với tôi: "Chút xíu nữa là mệt". Theo anh V. kể, tàu anh đang xuôi nước quẹo phải thì một chiếc ghe nhà trọng tải khoảng 10 tấn từ bên trái băng qua tỉnh bơ nếu anh không nhanh tay, nhanh trí bẻ lái quay đầu tàu của anh vào bờ phải thì chắc đã có "chuyện lớn" rồi. Thì ra cái tiếng rầm làm tôi lăn một vòng bật dậy và tỉnh liền chính là sự cố đó. Cũng anh V. nói, những người đi loại ghe đó kể như trăm phần trăm là không có bằng cấp chuyên môn, không được học luật lệ giao thông. Họ dòm chừng rồi chạy, thậm chí ghe không có đăng ký, cả gia đình sống trên ghe. Nếu đụng vào họ dù phải hay trái thì mình vẫn phải bồi thường cho họ theo "luật" ghe lớn đụng ghe nhỏ, kẻ có tiền đền người không tiền. Nếu mình đi thưa kiện với họ, sẽ mất thời gian làm ăn, dù có được kiện thì cuối cùng cũng lỗ…
Thế mới hay nghề nào cũng có vui có buồn, có may có rủi, cái nghề sông nước không phải lúc nào cũng "thuận buồm xuôi gió, chén chú chén anh" cũng như cái món cháo vịt đặc sản nếu chỉ có vịt và gạo thì không thể làm ra món cháo chúng ta ưa thích mà nó còn phải có ớt đỏ, gừng cay, hành thơm, hoa chuối chát…
Tác phẩm trích từ tập ký "Nỗi niềm sông nước", tác giả: Trần Đỗ Liêm, NXB Văn nghệ Tp.HCM xuất bản năm 2005
Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN ĐỨC BÌNH
Biên tập: NGUYỄN ÁNH TUYẾT
Bìa: TÍN TRUNG
Trình bày: TRỌNG NGHĨA
Sửa bản in: QUỐC CHÍNH - YÊN HIỀN