Gia đình Năm B. làm nghề sông nước cha truyền con nối đã được ba đời: đời nội, đời ba, hiện nay là đời Năm B. và tương lai sẽ là đời con cháu của Năm B., chúng sẽ nối tiếp nghề này. Ở HTX Rạch Gầm, những gia đình có truyền thống lâu đời theo nghề sông nước như gia đình Năm B. chiếm trên 70%. Điều này cũng dễ hiểu vì sông nước Nam bộ đã gắn bó với cuộc sống thường nhật của mỗi gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long. Quê hương Năm B. đi đâu cũng có sông, ở đâu cũng có kênh rạch, giao thông vận tải đường sông ở quê Năm B. đã có từ rất lâu đời và luôn chiếm ưu thế số một trong các phương tiện giao thông hiện có. Nhiều người thâm niên nghề nghiệp hơn số tuổi của mình gần một năm, bởi vì ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ họ đã ở trên ghe tàu, sinh ra, lớn lên trên ghe tàu của gia đình. Ghe tàu vừa là nhà, vừa là phương tiện, buôn bán, chở thuê kiếm sống hàng ngày và làm giàu. Tuy nhiên cuộc sống ngày càng đòi hỏi nhiều, nhu cầu ngày càng cao vì vậy ở HTX của Năm B. bây giờ mọi người đều có nhà cửa trên bờ. Dù vậy tình trạng ông thuyền trưởng, bà máy trưởng vẫn còn chiếm đa số bởi vì các bà ngoài nhiệm vụ coi sóc máy tàu còn phải "quản lý" các ông thuyền trưởng của mình nữa.
Lần đầu tiên được ra Hà Nội (thủ đô của đất nước) để báo cáo, để nhận phần thưởng, Năm B. rất phấn khởi và xúc động. Năm B. không ngờ rằng việc bảo quản ghe tàu hàng hóa bền đẹp an toàn, việc tranh thủ chạy cho nhanh chuyến, giao hàng cho đủ để tăng thu nhập, để có điều kiện đóng quỹ, thuế với đơn vị và Nhà nước là công việc thường ngày, hiển nhiên người thuyền viên phải làm, lại được các cấp quản lý Nhà nước quan tâm và đánh giá cao như vậy. Điều này ở các chế độ chính quyền trước đây mà Năm B. và gia đình đã từng sống hoàn toàn không có.
Đoàn Văn B. là thuyền trưởng quốc gia hạng nhất, cha anh là ông Đoàn Văn Đ., trước giải phóng, gia đình Năm B. có một ghe chài vỏ gỗ trọng tải 280T, đầu tàu kéo công suất 150 mã lực. Năm 1978 một số người đã lấy cắp tàu kéo để vượt biên nhưng may thay khi chúng đưa tàu kéo của Năm B. ra đến cửa biển thì không đi được vì tàu không chịu sóng và trườn lên bãi cạn, nên gia đình Năm B. tìm lại được. Năm 1979, khi thành lập HTX VTĐS Rạch Gầm, cha Năm B. đưa ghe tàu vào HTX, dạy Năm B. từ cách buộc dây, xem con nước, đến cách nghe tiếng máy nổ, tiếng bánh lái kêu... Sau này, Năm B. được HTX giao bảo quản vẫn ở tình trạng tốt. Những năm trước cha Năm B. là thuyền trưởng, Năm B. theo tàu cha đi từ khi còn nhỏ. Ông thầy trường Hàng Giang dạy lý thuyết, luật lệ rồi Ban chủ nhiệm chỉ bảo hướng dẫn cách giao nhận hàng, tính toán cước... Thực tế hàng ngày Năm B. rất chăm chỉ, chú ý những công việc như: giao nhận hàng sao cho đủ, bảo quản hàng không để hư, vận hành sao cho nhanh, tàu cho sạch, không có nước... Năm B. nghĩ rằng thuyền trưởng nên làm tốt những điều ấy thì cũng đủ rồi. Trong 5 năm vừa qua, đoàn tàu của HTX do Năm B. là thuyền trưởng chở được 50.000 tấn, sản lượng 5,5 triệu T.km. Năm B. là một trong những thuyền trưởng xuất sắc nhất HTX Rạch Gầm vừa được Ủy ban an toàn quốc gia tặng bằng khen.
Người Năm B. không to lớn nhưng săn chắc, da của Năm B. luôn có màu của sông nước, phù sa và ánh nắng của vùng nhiệt đới. B. nói ít, làm nhiều, nếu ai hỏi B. sông rạch đồng bằng Nam bộ chỗ nào sâu, chỗ nào cạn, chế độ thủy triều lên xuống thế nào, dòng chảy chỗ nào xoáy, chỗ nào thẳng, bến đậu nào vô dễ, bến đậu nào vô khó, cầu nào cao cầu nào thấp, từ Tp.HCM đi An Giang qua bao nhiêu trạm kiểm soát, trạm nào dễ, trạm nào khó, điểm chia nước kinh Chợ Gạo ở đâu, Năm B. có thể trả lời ngay và bảo đảm chính xác 100%. Khi ra dự hội nghị tại Hà Nội, các nhà báo gặp và yêu cầu B. nói những bài học kinh nghiệm thì năm B. chỉ nói ngắn ngọn: "Cha dạy, thầy dạy, lãnh đạo dạy cũng chỉ là một phần, cái chính là mình phải chuyên tâm vào nghề nghiệp - nghề dạy nghề cũng quan trọng không kém, hơn 20 năm làm nghề thuyền trưởng đã cho tôi nhiều kinh nghiệm. Nếu vận chuyển chuyên một vài loại hàng cùng đặc tính ở một số bến nhất định thì ít xảy ra sai sót khi giao nhận, ngược lại thì sẽ dễ bị mất mát, hao hụt". Năm B. kể với các nhà lãnh đạo ngành giao thông vận tải: "Vị trí của người cầm lái ghe tàu không chỉ là nơi quan sát dễ mà luôn ở tư thế phải đứng lái hoặc nếu ngồi lái thì ngồi ghế gỗ khập khiễng, không được ngồi ghế êm để tránh buồn ngủ, vì lái tàu sông thường êm ái, thời gian đi lâu dễ gây ngủ gật cho thuyền trưởng". Khi nghe họ đều gật gù tấm tắc khen hay. Sau buổi báo cáo, B. đã được ông chủ tịch Ủy ban an toàn quốc gia vỗ vai khen ngợi, B. rất vui.
Sông nước Nam bộ ít có bão gió nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào chế độ bán nhật triều của biển Đông, biên độ chênh lệch cao, tốc độ dòng chảy sẽ rất có lợi cho thuyền trưởng nếu biết lợi dụng được những ưu điểm, ngược lại sẽ là tai họa khôn lường nếu chủ quan, thiếu kinh nghiệm, vô trách nhiệm. Đã có rất nhiều thiệt hại do thủy triều gây ra như phương tiện bị cài cầu, bị bùn hít, bị lật nghiêng làm chìm đắm hàng hóa. Chính vì vậy đối với thuyền trưởng hoạt động trên sông rạch Nam bộ, việc khai thác thủy triều rất quan trọng. Để cho tàu an toàn, năng suất cao, tuổi thọ lớn, bạn bè đồng nghiệp của Năm B. đã có câu ca:
Không ngủ trọn đêm
Không chơi trọn ngày,
Không uống rượu say,
Không đánh bài bạc.
Làm nghề kinh doanh vận tải đường sông nếu thắng thì thắng đậm mà thua thì cũng thua rất nhanh, việc thắng thua ở đây phụ thuộc rất nhiều vào người thuyền trưởng trực tiếp lái tàu, nếu an toàn thì đã cầm chắc là không lỗ, nếu đủ hàng vận chuyển không thiếu hụt hàng hóa thì chắc có lời. Chính vì vậy những thuyền trưởng như Năm B. ở các đơn vị kinh doanh vận tải đường sông quý giá biết chừng nào.
Tp.HCM tháng 10 - 1998
Tác phẩm trích từ tập ký "Nỗi niềm sông nước", tác giả: Trần Đỗ Liêm, NXB Văn nghệ Tp.HCM xuất bản năm 2005
Chịu trách nhiệm xuất bản: NGUYỄN ĐỨC BÌNH
Biên tập: NGUYỄN ÁNH TUYẾT
Bìa: TÍN TRUNG
Trình bày: TRỌNG NGHĨA
Sửa bản in: QUỐC CHÍNH - YÊN HIỀN