Sau hơn 40 năm, chiến tranh đã lùi xa, cuốn sách “Cha và con lính trận” của Người lính, Thầy giáo dạy văn, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình Trần Khởi mới ra mắt bạn đọc. Cuốn sách với 289 trang sách của 26 câu chuyện kể theo thể loại truyện và ký. Ký thì xác thực từ tên người, tên đất, thời gian, địa điểm, sự kiện. Ký có ngả sang tùy bút khi có vài chuyện xen vào bài thơ hay đoạn thơ của người lính – thầy giáo dạy văn Trần Khởi. Truyện thì hư cấu từ cách nhìn về đồng đội, về bản thân, đến các sự kiện. Nói như nhà văn Sôlôkhốp: đi qua ký ức xưa như đi qua cánh đồng sương mù. Nếu không có phần hư cấu, tập truyện sẽ khô khan, bởi chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, bạn đọc bây giờ mang tư duy của thời đại mới, nếu chỉ khư khư thiên về ký, văn của anh sẽ kém hấp dẫn ngay. Đây chính là điểm ưu trội của nhà văn Trần Khởi.
26 câu chuyện kể về cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất, giai đoạn từ 1968 đến 1975 và những ký ức sau hòa bình. Mỗi câu chuyện là một vùng ký ức, mà nhân vật tôi là người tham gia chiến trận, là người trong cuộc, là người chứng kiến và trải qua tất cả những gian nan, hiểm nguy, kề cận giữa sinh tử… cho nên dẫu là truyện ký thì hình tượng nhân vật tôi vẫn ngời sáng trong từng trang văn. Và khi đọc xong tập truyện, tôi nhận ra, hình tượng nhân vật tôi là người lính đa năng nhất trong thời kì đánh Mĩ, cái thời mà “mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt” (Chế Lan Viên). Anh là lính công binh, anh là lính trinh sát, là lính làm về công tác chính trị, hay anh là lính điện đàm? Nghĩa là càng tham gia sâu vào cuộc chiến, thì người lính Trần Khởi càng đảm trách thêm vị trí mới, công việc mới; cũng chưa hẳn là công việc nào cũng toàn bích, cũng có lúc “đứng ngẩn tò te”, “đứng như trời trồng”, “khóc như mưa”… thử thách là không ít, sai lầm có thể xảy ra, nhưng với tinh thần quyết đánh quyết thắng thì anh chính là hình tượng anh hùng trong chiến tranh vệ quốc; bởi anh chưa một lần kể lể về cái khổ, cái đói, cái sợ, kể cả lúc bị thương… mà anh chỉ kể về đồng đội, về đồng chí đã hi sinh, rồi thương xót và tiếc nuối. Con người biết lo cho người khác sẽ sống tốt nhất cho bản thân mình. Tôi đã từng gặp anh ở quê hương anh cách đây 2 năm, tôi đã chứng kiến nhiệt tâm của anh khi hướng dẫn chúng tôi thăm chùa Hoằng Phúc, rồi nghe hò khoan Lệ Thủy… nghĩa là con người đã từng dạn dày với bom đạn, linh hoạt trong cuộc sống hiện tại, nhiệt tình với bạn bè trong mọi lúc, mọi nơi.
Ấn tượng sâu lắng nhất là tên đất, tên người trong toàn tập truyện. Những nơi mà người lính Trần Khởi đã tham gia chiến trận, bắt đầu từ đồi Mỹ Cương ở Quảng Bình, đến các địa danh ở tỉnh Bình Định, như Hoài Nhơn, Hoài Ân… Rồi các cứ địa ác liệt: Gò Loi, chốt Đây En, Đồi Đá, Gò Dê, Gò Thị… Dường như, mỗi nơi người lính Trần Khởi đóng quân và chiến đấu đều thấm mồ hôi, máu và nước mắt của anh cùng đồng đội. Các anh đã kiên cường trong từng trận đấu, nhưng không thể nén xúc động khi đồng chí, đồng bào của mình hi sinh. Những nơi này có được tập truyện “Cha và con chiến trận” của nhà văn Trần Khởi đưa vào nhà Bảo tàng thì thật quý hóa, vì đây chính là lịch sử hào hùng nhất của những vùng đất, những con người “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Khi dạy văn học, về phần thơ ca chiến tranh chống Mỹ, tôi vẫn nói rằng, ngọn cờ đầu của thơ ca Việt Nam lúc này là thơ ca của những người lính viết trên chiến trường đánh Mỹ. Chỉ những nhà thơ, nhà văn mang áo lính cầm bút thì văn thơ của họ mới mang hơi thở chiến trường: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Tiếng bom ở Siêng Phan”… (Phạm Tiến Duật)…
Ở câu chuyện thứ nhất: Cha và con. Lý tưởng của Trần Khởi là bằng bất cứ giá nào phải lên đường nhập ngũ. Vào quân đội rồi thì bằng tất cả nhiệt tình, kể cả sự xốc nổi của nhiệt huyết yêu nước, anh nằng nặc xin ra chiến trường, đối đầu với mũi tên hòn đạn. Câu chuyện hai cha con cùng chung chiến hào, cùng lo lắng, trao gửi cho nhau những kinh nghiệm của người lính già và trái tim của người lính trẻ được kể thật xúc động. Người đọc vừa cười vừa rơm rớm nước mắt trước hình ảnh đồng chí giữa lớp cha trước, lớp con sau, tình cha con hòa quyện trong tình yêu Tổ Quốc. Đọc xong câu chuyện này, tôi tiếc ngẩn ngơ, sao đây không hình thành thành một cuốn tiểu thuyết. Anh vào lính đã có cái bóng của cha che chở, nhưng anh không dựa vào cái bóng đó mà nằng nặc xin ra trận, lại còn trốn cha, để được ra nơi tuyến đầu, để được đối mặt với quân thù. Càng đọc tôi càng quý mến anh, thương cảm cho cả hai bố con, những tấm gương yêu nước tuyệt vời. Đâu cần khi người lính ngã xuống, mới có tấm biển đề: Anh hùng. Hai cha con cùng ra trận “Lớp cha trước, lớp con sau/ đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu).
Hình ảnh người lính Trần Khởi vừa gan dạ, vừa thông minh, vừa dũng cảm, vừa xông xáo tham gia biết bao nhiêu trận đánh, vượt qua biết bao nhiêu trận vây ráp của kẻ thù, chứng kiến sự hi sinh của đồng đội, của những người lính trẻ với tấm lòng thương cảm mà không yếu mềm bởi niềm tin chiến thắng.
Người lính Trần Khởi dám gửi thư lại cho cha mình để một mình đi vào vùng trọng điểm lại đã khóc khi mình phạm lỗi lầm...; lại tủi hờn khi cha gọi điện chúc Tết cho đơn vị mà không dặn riêng cho con trai câu nào. Tôi càng đọc văn của anh, tôi càng nhận ra trái tim anh thật bỏng cháy trước tình bạn, tình đồng chí, tình cha con. Trên chiến trường anh đã đối mặt với tất cả, từ bom đạn ác liệt nhất, đến lúc bị giặc đánh phá, càn quét đói rét nhất, kể cả lúc phải đứng trong máu của đồng đội mình sau trận bom kẻ thù giội xuống để kịp thông đường cho xe qua… anh đã kể với giọng văn thật ấn tượng, không thể nào quên được khi đọc văn của anh. Tôi đọc truyện thường có kĩ thuật đọc nhanh, vậy mà với cuốn truyện này, tôi không thể đọc bằng kĩ thuật, mà phải đọc chậm, đọc kĩ, bởi mỗi câu chuyện kể là “một lát cắt về cuộc sống” (Chu Lai).
Lợi thế của anh ở thể ký là nhờ vào trí nhớ tuyệt vời của anh về thời gian, địa điểm, không gian và cả các cuộc chiến ác liệt nhất. Từ anh lính công binh, anh trở thành một thông tín viên rất giỏi trong chuyện kể “Đêm sinh nhật Bác trên đồi 282”, giọng kể của anh dí dỏm, cách hành xử của anh có cái liều lĩnh, dường như sự liều lĩnh trong anh cộng với trí tuệ đã làm nên chiến công. Ngay từ những ngày đầu tham gia chiến trận, trong anh đã có tư chất đó, nên anh đã liên tiếp lập nên thành tích chiến trận; và với tư chất đó, thì anh mắc những sai lầm là không tránh khỏi, câu chuyện “Hai lần dại dột làm phiền cha nuôi” cho thấy anh vừa thẳng thắn, vừa thật thà không che đậy những lỗi lầm, dù thời gian đã lùi xa.
Viết văn, quan trọng là tìm ra được cái giọng, và nếu người đọc nhận ra thì đó là tri âm. Trong vài truyện ký anh xen vào vài bài thơ, vài đoạn thơ, thơ anh viết ra vội vàng nhưng nó rất thật, mang hơi thở thời đại. Vì thế nhiều truyện ký của anh có xu hướng nghiêng sang thể loại tùy bút, đó cũng là nét tài hoa của nhà văn. Nhờ thế mà kết cấu của cả tập truyện trở nên đa dạng, dễ đọc, người đọc thay đổi các cung bậc cảm xúc khi kết thúc chuyện này, đọc sang chuyện khác. Viết văn đã khó, tìm bố cục cho tập truyện càng khó, nếu bố cục chặt chẽ thì sẽ làm nên hiệu ứng của nghệ thuật kết cấu. Tập truyện này đã đạt đến độ đó. Khi đọc chuyện “Tổ quân báo trinh sát kỹ thuật trong chiến dịch Bắc Bình Định 1972”, bất giác tôi nhớ đến nhịp điệu hùng văn trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Giọng văn, nhịp điệu hùng tráng tuôn chảy trong 8 trang văn với các tín hiệu thẩm mĩ mang đậm chất ký: thời gian, địa điểm, trận đánh, thắng lợi của ta, thất bại của quân thù…
Câu chuyện “Anh ơi, mày đã về chưa”, đọc mà trào nước mắt. Bút lực của anh thật thâm hậu, ngắn gọn mà kể về những chiến tích và sự hy sinh của đồng đội thật hay. Người lính Nguyễn Văn Anh đã hi sinh ngày đó, nay vẫn chưa tìm được xác, và hôm nay trong giấc ngủ của anh giấc mơ về đồng đội hi sinh vẫn ám ảnh và giày vò anh. Hình ảnh người lính can trường trong những trang sử được bổ sung thêm những trang văn của anh Trần Khởi sẽ sinh động, hấp dẫn và không còn khô khan, nhàm chán để học sinh không còn nỗi sợ về môn lịch sử trong nhà trường. Hình ảnh bé Út Giang (Út Giang) vừa thông minh, vừa dũng cảm bảo vệ những người lính bằng cả tính mạng bé nhỏ của mình, thật đau đớn không chịu nổi. Trái tim can trường của anh đã bao lần đau khổ, bao lần lo lắng, bao lần vượt qua những lằn ranh giữa sự sống, cái chết, sự hy sinh… Tôi gặp anh rất ít, nhưng tôi biết anh rất nhiệt tình. Trong đám tang của nhà văn Ngô Minh, chỉ một câu nói của một đồng nghiệp, khiến tôi và anh đều chạnh buồn, nhưng không sao, người lính Trần Khởi, người anh hùng Trần khởi, nhà văn Trần Khởi, thầy giáo Trần Khởi quá từng trải, quá dạn dày với bom đạn, sao có thể để tâm đến những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt như thế. Người lính là vậy, họ xuề xòa, họ nhiệt tình, họ lăn xả trong mọi chuyện bởi khi phơi lưng với bom đạn họ đã nhận ra giá trị của cuộc sống, họ đã vượt lên cái tủn mủn hàng ngày, họ bổ bã bởi họ đã từng lấy núi rừng làm nhà, chiến trường là cuộc sống, có sá gì chỗ này chỗ kia. Câu chuyện đón giao thừa trong truyện ký “Mùa xuân trên đỉnh Hòn Chè”, càng đọc càng trân quý hôm nay. Khi ngày xuân ta thung thăng đón giao thừa, ta ngắm pháo hoa trên trời, đó cũng là nhờ sự hi sinh của các anh trên chiến trường. Cành đào cắm vội trên miệng hầm là một ký ức không thể nào quên của người lính năm xưa. Đón giao thừa trong bom đạn gầm réo, trong cuộc chiến giành giật từng tấc đường để thông xe ra chiến trường thật cảm động. Trong cuốn sách của anh, các tầng lớp tham gia đánh giặc đầy đủ, hùng hậu, từ bố anh – thế hệ đi trước, đến đội quân tóc dài, trẻ em, thiếu nhi (Đội thiếu niên quân giải phóng) đều có mặt đầy đủ.
Rất nhiều chi tiết lịch sử được làm sống lại dưới trang văn của anh Trần Khởi: “Bài thơ xin nước”, “Trao trả tù binh năm 1973”… Người ta từng nói rằng: Mọi cuộc chiến tranh lớn nhỏ khi kết thúc thì hậu quả của nó vô cùng ghê gớm với những người vợ góa, những người mẹ già và những đứa con thơ. Với hai mẩu chuyện này chúng ta thấy rằng dù cuộc chiến đang ở hồi gay cấn, thì quân đội hai bên vẫn phải nhân đạo với nhau khi lấy chung một giếng nước (Bài thơ xin nước); hoặc có hiệp định ký kết hòa bình, nhưng việc trao trả tù binh chưa xong thì tiếng súng đã vang rền trở lại, và trong đoàn người trao trả người ta vẫn nhận ra những kẻ đớn hèn, bán đứng đồng đội, nhân dân. Đọc những mẩu chuyện này thật hay, người thật, việc thật và người chứng kiến kể lại nên độ tin cậy khá cao, cũng cho chúng tôi thật nhiều suy ngẫm.
“Người lính đào hoa” là câu chuyện đời thường trong thời chiến, đọc rất xúc động. người lính ra trận, họ mang theo cả tài năng và khát vọng, khát vọng tình yêu đã đưa người lính đến gần với nhân dân, và rồi sự nuối tiếc, sự gặp gỡ vẫn kéo dài cho đến hôm nay. Đó là gì vậy, là tình yêu là tình người, là vẻ đẹp nhân văn của con người, chứ người lính không chỉ có bắn, không chỉ có hành quân… mà lúc tạm ngưng tiếng súng họ vẫn có những rung động và cảm xúc đẹp như hình tượng “đầu súng trăng treo” trong thơ ca kháng chiến. Có những bóng hồng đi qua cuộc đời người lính trận Trần Khởi, ấn tượng sâu đậm và những rung động rất đời thường được anh kể lại thật thú vị “Người con gái ở ngã ba Xuân Lộc”; duyên tình với người vợ tào khang với Cô Bảy đến bây giờ cũng được anh kể chân thành và bộc trực.
Câu chuyện “Mái trường bên dòng sông Kiến” gợi liên tưởng trong tôi về một thế hệ của những con người tài hoa, dũng cảm, sống hết mình vì lý tưởng, tình yêu và cuộc sống. Thế hệ các anh vừa biết trân trọng những ký ức, những kỷ niệm, vừa biết ơn những người thầy, người bạn, người cha, đã dạy dỗ, cưu mang, giúp đỡ mình. Và ba tôi cũng thật vinh dự khi đã dạy văn cho những thế hệ như thế. Mỗi khi nghĩ về các anh, chúng ta tin tưởng rằng sự trường tồn của một nền độc lập của dân tộc, sự phồn vinh của một dân tộc là phải nhờ vào tinh thần, tâm hồn, tình yêu và lý tưởng của những con người chân chính như họ. Tôi nghĩ rằng cuốn truyện ký “Cha và con chiến trận” còn nhiều giá trị thẩm mĩ người đọc sẽ tiếp tục khai thác, tìm kiếm nét đẹp tiềm ẩn trong những trang sách và trong cả chính nhà văn Trần Khởi – một ông đồ viết chữ, một nghệ nhân trồng hoa, một nhà thơ… Và hơn tất cả là một con người chân chính.
Huế ngày 18/2/2019