1.
Xưa nay, đường Tự Do (tên hiện nay là Đồng Khởi) ở khu trung tâm Quận 1 Sài Gòn dù chỉ là một con đường ngắn và hẹp nhưng vẫn được tiếng là con đường đẹp nhất, sang nhất, đông người nước ngoài nhất thành phố Sài Gòn xa xưa và cũng có thể nói như thế về quãng thời gian sau tháng 4-75 cho đến nay.
Vừa qua, trên trang trithucvn.net., trong bút ký tựa là “Văn hóa không tên tạo nên linh hồn của Sài Gòn xưa”, nhà văn Văn Quang đã ghi nhận trên con đường Tự Do đẹp, sang ấy lại có một chuỗi 3 nhà hàng/quán cà phê là La Pagode, Givral, Brodard đã tỏ lộ cái hồn văn hóa đầy sức sống tự tại của Sài Gòn xưa.
Văn Quang kể:
“Nói đến La Pagode, Givral, Brodard… chắc chắn những người đã từng sống, từng ghé qua Sài Gòn chưa ai quên.Nhất là những văn nghệ sĩ, nhà báo, dân biểu, thường ngồi ở đấy làm nơi trao đổi tin tức nghề nghiệp. Còn một số lớn khách du lịch, sĩ quan, quân nhân, công tư chức làm việc tại “thủ đô miền Nam” và các bạn trẻ Sài Gòn thập niên 60-75 cũng hay lui tới nơi này.”
Và:
“Ba nhà hàng ấy là 3 sắc thái riêng biệt làm nên cái trục “văn hóa không tên”, cái linh hồn của Sài Gòn, khó phai mờ trong ký ức của những người Sài Gòn.”
Khi nói về 3 “đệ nhất” nhà hàng/quán cà phê trên đường Tự Do xưa, nhà văn Văn Quang đã nêu những nhận xét thật sâu sắc, thấu đáo vào phần hồn văn hóa cố cựu của Sài Gòn, chứ không bám vào phần vỏ kinh tế bên ngoài của Sài Gòn, mặc dù trải qua các chế độ khác nhau, thành phố này luôn ở đỉnh cao phồn vinh nhất Việt Nam. Cũng cách nhận xét ấy đã cho thấy trong giới văn nghệ sĩ đất Sài Gòn cũ, tác giả cuốn tiểu thuyết ‘Đời chưa trang điểm’ quả là một đàn anh, một ‘chuyên gia’ về khoản lê la cà phê bia bọt, tán dóc quán xá vỉa hè, trước là giải trí /sau là lấy thông tin…
2.
Theo chọn lựa của Văn Quang, được nhắc trước tiên là nhà hàng La Pagode, nằm ở ngã tư Tự Do – Lê Thánh Tôn. Tên gọi tếu ‘Cái chùa’ (nghĩa tiếng Việt của từ ‘la pagode’ tiếng Pháp) cũng khá thông dụng.
Nhà văn Văn Quang kể:
“Trước hết phải kể đến nhà hàng La Pagode, tôi cho là “cổ kính” nhất.Ngay từ những năm 1953, khi tôi mới biết taxi là “cái giống gì” (bởi ở miến Bắc hồi đó chưa có taxi), tôi đã biết La Pagode. Hồi đó Pagode còn bày hàng ghế salon bọc da ra ngoài hành lang, theo lời ông Nguyên Sa thì nó giống hệt nhiều nhà hàng ở Paris. Ngồi ở đây thoáng đãng.Khách đến thường chỉ dùng một ly cà phê, ngồi từ chiều đến tối mịt.”
Đúng là một nhà hàng “cổ kính” khi từ bàn ghế, màu da bọc ghế cho đến quầy, kệ nội thất đều có màu chủ đạo là nâu hay đen, rõ hơn là các gam màu tối, cũ kỹ, lâu đời. Riêng về các mặt vách bằng kính thật dày cho phép khách nhìn ngắm đường phố, điều hay ho nữa là loại vách này ngăn được phần lớn tiếng động, tiếng xe cộ ồn ào bên ngoài. Như khi trời mưa lớn, bên ngoài ướt át, lạnh lẽo, sấm chớp rền vang…, nhưng bên trong quán, nhờ các vách kính dày, khách ngồi nhâm nhi tách cà phê hay tách trà lipton chanh nóng (món uống rất thường được khách gọi) thì vô cùng ấm áp, khô ráo, và có ồn ào gì đó là do tiếng tranh cãi, cười nói từ các bàn bên cạnh.
Văn Quang viết tiếp:
“Khách hàng của La Pagode hầu hết là nhà văn nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ.Cứ vào buổi chiều, sau giờ tan sở là tụ tập lại đây.Tất nhiên cũng ngồi thành nhóm. Những ngày đầu tôi thường đi cùng Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư và đến đây thường gặp các anh Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Mặc Thu, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Tạ Quang Khôi, Viên Linh, Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn, Anh Ngọc, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đình Toàn… Quá nhiều, tôi không thể nhớ hết.”
Ngoài giới văn nghệ sĩ ‘khách quen’ như trên, tất nhiên trong La Pagode còn thường có một số khách khác, như khách du lịch quốc tế, quân nhân, công tư chức và các bạn trẻ. Có điều là, như một nhà văn đã ghi nhận, cũng lai rai có hiện tượng ‘làm dáng trí thức’, như trên tay một số khách vào quán thường lấp ló những đầu sách – cả nguyên bản lẫn sách dịch – đang hot, đang gây nhiều tranh cải thời ấy, như ‘Hố thẳm của tư tưởng’ của Phạm Công Thiện, ‘Tropic of cancer’ của Henri Miller, ‘Zen Buddhism’ của D.T.Suzuki, ‘Dịch hạch’ (tiếng Pháp: La Peste) của Albert Camus… Hay ít ra cũng là những tạp chí, tuần báo, nguyệt san Anh ngữ, Pháp ngữ thời danh như Times, Newsweek, L’Express, Salut Les Copains… mà có lẽ người ta vừa mua ở Book Shop, tiệm chuyên bán sách báo ngoại quốc gần ngã tư Tự Do – Nguyễn Văn Thinh, tức cách La Pagode chừng 400m.
Kế tiếp là nhà hàng Givral, cũng 2 mặt tiền toàn vách kính, nằm ở ngã tư Tự Do – Lê Lợi, thuộc hành lang Eden (tiếng Pháp: passage Eden). Từ ‘hành lang’ nghe không qui mô, không bề thế bằng từ ‘thương xá’ – như thương xá Tax gần đó – nhưng khi phục hiện cái không khí văn hóa phong phú, đặc sắc của Sài Gòn, Văn Quang đi sâu vào một chi tiết đặc biệt, rằng trong khu Eden có một hiệu sách nổi tiếng hàng đầu Sài Gòn cũ, không kém cạnh nhà sách Khai Trí bên đường Lê Lợi chút nào, đó là nhà sách Xuân Thu. Xuân Thu nổi tiếng về các đầu sách ngoại văn (nhất là sách nghiên cứu văn hóa – văn minh Pháp và sách giáo khoa chương trình phổ thông trường Pháp) mà giới trí thức, nhà giáo, sinh viên Sài Gòn thời ấy khi cần là có thể đến lục tìm, hay đặt cho nhà sách mua dùm từ châu Âu, châu Mỹ.
Hơn thế, giới ‘chữ nghĩa’ ở Sài Gòn đã không khỏi ngưỡng mộ khi nhìn lên lầu 2 nhà sách Xuân Thu, nơi khoa chính trị kinh doanh (Science politique) của đại học Đà Lạt tổ chức lớp cao học ‘Science-po.’, ngành học nâng cao à la mode nhất của giới SV đã xong cử nhân một số ngành về khoa học nhân văn tại Việt Nam vào thời từ 1970 trở đi.
Văn Quang viết:
“Givral là một địa điểm trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho mọi việc, từ hẹn hò, mua sắm vài thứ, đợi giờ vào rạp chiếu phim, hoặc chỉ đi “bát phố”(… ). Hơn thế, thương hiệu bánh ngọt Gival rất nổi tiếng, thu hút nhiều khách sành ăn. Mấy bà đi ngang qua Lê Lợi – Tự Do ghé vào mua vài cái bánh mang về cho chồng con là chuyện bình thường.”
Cũng phải, dân Sài Gòn ưa ăn bánh Givral bởi nét tao nhã, tinh tế của nền văn hóa ẩm thực Pháp đã tồn tại gần 60 năm tại VN.Givral nổi tiếng với dòng bánh tươi, không dùng chất bảo quản và chất phụ gia độc hại hay không có lợi cho sức khỏe. Và “cái hậu” tốt đẹp của dòng bánh lành, sạch này là là ‘phiên bản’ sau tháng 4-75 mang tên ‘Công ty Cổ phần Bánh Givral’, khá có tiếng là bánh ngon, tuy giá cả khá cao chứ không bình dân, với lò sản xuất bánh hiện ở khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, Q. Tân Phú, Tp HCM.
Cuối cùng là về nhà hàng Brodard, Văn Quang ghi nhận:
“Còn nhà hàng Brodard nằm ở góc Tự Do – Nguyễn Thiệp, nhìn sang bên kia là vũ trường Tự Do của ông Cường (…). Ở đây lại đông vui vào những buổi sáng muộn và buổi tối khi “gà lên chuồng”. Nơi lui tới của những “dân đi chơi đêm” Sài Thành. Những anh hùng “hảo hớn” như Khê – Thăng Long Xích Thố, anh em ông Kim đầu bạc, Kính tennis, Chương Marine cũng lui tới ngồi tán chuyện giang hồ. Các “đại gia, tiểu gia” thời đó không nhiều, chỉ vỏn vẹn một số ông dược sĩ, tu bíp, doanh nhân có “xế bốn bánh” đủ để chở các em đi ăn đêm.”
Như thế, thành phần khách đến Brodard có tính chất một đại chúng rất đời thường, nặng về bề ngoài vật chất.Dân đến đây không khỏi ít nhiều có thái độ khoe mẽ về sự giàu có, khả năng mua vui, hưởng thụ cuộc đời của mình. So với Givral và La Pagode – nhất là so với La Pagode, nơi ‘đóng đô’ thường xuyên của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ trình diễn… – Brodard có vẻ ít chất văn nghệ, chữ nghĩa hơn.
Theo một ông công chức làm việc ở Phòng Thương mại Sài Gòn (nằm ở phía cuối đường Tự Do, cách Brodard chừng 300m), từng nhiều năm thường cùng các đồng nghiệp và gia đình vào Brodard ăn uống, ngắm phố phường thì với cách trang trí dùng nhiều màu sáng, nhà hàng này giống một tiệm kem, một tiệm bánh ngọt, một quán giải khát hơn là một quán cà phê đúng nghĩa dành cho dân ghiền cà phê “chuyên nghiệp”. Tính chất hiền lành, ngọt ngào – thay vì đắng chát như vị cà phê – càng tỏa lan trong bầu không khí yên tĩnh của Brodard qua một kiểu phục vụ bánh ngọt rất đặc biệt. Khách cứ ngồi tại bàn mà lên tiếng hay ra dấu, nhân viên nhà hàng sẽ mang đến tận bàn một khay lớn bày rất nhiều bánh ngọt, bánh kem kiểu Pháp, như bánh choux, Polonais, mille feuilles… để khách chọn. Như các cô khách, cậu khách nhí, sau khi được ba mẹ gật đầu, sẽ sướng rơn khi cứ thoải mái chỉ vào khay, ngay cái bánh mình thích là bánh sẽ được lấy bỏ vào đĩa nhỏ, dọn ra trước mặt mình…
3.
Ngày xưa, từ danh từ riêng ‘Catinat’ nguyên thủy do người Pháp dùng đặt tên cho đường Tự Do, học sinh các trường Tây ở Sài Gòn thời 1960-70 thường kháo nhau động từ chế‘catinater’, có nghĩa là ‘dạo chơi đường Catinat” và tương tự là ‘bonarder’, nghĩa ‘dạo chơi đường Nguyễn Huệ’ bởi tên Tây của đại lộ này là Bonard. Càng tếu hơn là nếu ‘catinater’và ‘bonarder’ nhiều quá, coi chừng bị… ‘déxiquachté’ (hết xí quách!).
Thêm một từ chế rất thú vị nữa là ‘radio Catinat’, chỉ những thông tin đủ loại phát ra từ những ‘cư dân’ thường xuyên tụ tập tại La Pagode, Givral và Brodard, gồm giới văn nghệ sĩ, báo chí và một số chính trị gia. Văn Quang đã phân tích:
“Thật sự cái nhu cầu chính là đến đây gặp nhau, để… nói dóc, “bình loạn” vài cái tin văn nghệ, thời sự chính trị cho vui thôi. Cả ba nhà hàng này với những cái “loa ngầm, loa không ai kiểm chứng” nên có thời người ta gọi những tin tức ấy là “radio Catinat” (bởi con đường Tự Do, thời Pháp được đặt tên là đường Catinat). Tuy nhiên cũng có những nguồn tin “bí mật quốc gia” rất chính xác bên cạnh những nguồn tin chẳng bao giờ là sự thật. Nó cứ nhập nhằng như thế nên “radio Catinat” chưa chắc đã là “láo toét” như nhiều người kết tội nó.”
Nhìn chung, ngoài 3 nhà hàng/cà phê La Pagode, Givral và Brodard, đường Tự Do càng hào nhoáng, đẹp đẽ hơn khi còn có quán Cafetaria Disco với nhạc pop rock mới nhất, phát bằng discothèque hiện đại nhất thời đó, rồi các phòng trà Tự Do, Maxim’s hoành tráng và Đêm Màu Hồng diễm ảo, chưa kể nằm 2 bên trụ sở Quốc hội/Hạ nghị viên là khách sạn Continental Palace với phong cách rất Tây và khách sạn Caravelle cao nhất nhì Sài Gòn thời 60, cùng khách sạn Majestic (ở cuối đường, nhìn ra bến Bạch Đằng, sông Sài Gòn), cả ba đều có đại sảnh cực kỳ tráng lệ, sang trọng. Ở nhiều vị trí dù lộ thiên hay sát bên quầy rượu, khách ngồi ghế mây, ghế bành nhâm nhi cà phê hay bia lạnh đều có view nhìn ra các góc phố thật đẹp mắt. Riêng ban đêm, phố Tự Do trở nên lung linh, đẹp rực rỡ với ánh sáng đèn đóm đủ màu.
Còn vào buổi chiều nào đó, khi có cơn mưa nhỏ, đường Tự Do/Catinat của Sài Gòn chợt lãng đãng một vẻ đẹp cổ điển, đầy sức quyến rũ, khiến những ai vốn thích loại phim chiến tranh – tình cảm – tâm lý không khỏi liên tưởng đến hình ảnh thủ đô Sài Gòn xưa, cũ trong cuốn phim Mỹ tựa ‘Người Mỹ trầm lặng’(The quiet American), sản xuất năm 2002, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene, nhà văn Anh, viết năm 1951 với bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam/Đông Dương…
(Tháng 2-2019)