Phần này bàn về cách dùng chên đơng thời các LM de Rhodes và Maiorica sang truyền đạo ở An Nam cho đến thế kỉ XX. Dựa vào một số văn bản, bài viết nhỏ này đề nghị một cách giải thích tại sao chân đăng lại xuất hiện ở mãi tận những hòn đảo thuộc thực dân Pháp ở Thái Bình Dương. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?
id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là HV (Hán Việt), CNNAGN (Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa), NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), ĐNQATV (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), CQN (Chữ Quốc Ngữ), TQ (Trung Quốc), BK (Bắc Kinh), NC (Nouvelle Calédonie - Tân Thế Giới), thế kỉ (TK). Tương quan ngữ âm HV và Việt ghi trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc Việt hay Hán Cổ của chúng, cần nhiều dữ kiện hơn để thêm chính xác. Trang/cột/tờ của VBL được ghi xuống để người đọc dễ tra cứu thêm. Các cách đọc phiên thiết trình bày theo thời gian (lịch đại): từ thời Hán đến thế kỉ XVII (Tự Vị, Chính Tự Thông) cho đến giọng BK hiện nay so sánh với các phương ngữ khác cũng như âm HV (đồng đại). Dấu hoa thị * đứng trước một âm cổ phục nguyên (reconstructed sound), không nên lầm thanh điệu hay chỉ số đứng sau một âm tiết và số phụ chú.
1. Bối cảnh tổng quát
Từ thập niên 1840, dân chúng tứ xứ đã đua nhau vào bang California (cơn sốt vàng California/California Gold Rush) hi vọng sẽ làm giàu nhanh chóng từ châu Mỹ. Ở châu Úc vào thập niên 1850, nhiều sắc dân cũng đổ xô về các thành phố nhỏ như Ballarat, Castlemaine, Clunes, Bendigo (bang Victoria) và Orange (bang New South Wales) để tìm vàng. Cho đến thời Pháp thuộc (1887-1945) thì nước Pháp cũng nổi "cơn sốt kim loại" phục vụ cho kỹ nghệ và quân sự, lần này thì là kền (nickel ~ niken) và chrome (crom, crôm) trong nhiều mỏ lớn đã tìm thấy ở thuộc địa Nouvelle Calédonie (New Caledonia/A, Pháp đã chiếm đóng[2] từ năm 1853). Để giải quyết vấn đề thiếu thốn nhân công, Pháp đã chở các phu mộ từ Nhật, Trung Hoa, Nam Dương và Việt Nam/Đông Dương đến NC (đều nằm trong vùng hoạt động của tàu Pháp). Nhân công, danh từ dùng trong một số văn bản CQN là ‘người cu-li’, từ VN lại đến từ Côn Đảo (tội phạm) hay thường từ Bắc Kỳ do tình hình kinh tế địa phương khá khó khăn. Các hợp đồng làm việc thường ký cho năm năm, đây cũng là những trường hợp xuất khẩu lao động đầu tiên từ VN - xem hình chụp bên dưới từ trang https://www.youtube.com/watch?v=3JYsInKlZu4
Một tờ hợp đồng làm việc (‘tờ giao-kèo’, contrat de travail) sau năm 1920.
Vài nhận xét thêm về trích đoạn giao kèo chụp bên trên: đánh máy sai (tốn kén ~ tốn kém, Novelles-Hébrides ~ Nouvelles-Hébrides, Clédonie ~ Calédonie), Tân Đảo chỉ cả hai thực thể Nouvelles-Hébrides và Nouvelle-Calédonie - bây giờ thì thường phân biệt Tân Đảo là Nouvelles-Hébrides và Tân Thế Giới là Nouvelle-Calédonie. "Tờ giao-kèo" (contrat) thường gặp ở Nam Kỳ so với "lời giao" ở Bắc Kỳ. Hình chụp tài liệu trang sau trích từ trang http://lecriducagou.org/2009/09/les-vietnamiens-la-communaute-%C2%ABlaborieuse%C2%BB-de-nouvelle-caledonie/ :
Sổ tuỳ thân của các phu mộ như là thẻ căn cước hay chứng minh nhân dân.
Vào cuối TK XIX thì để chỉ người VN trên văn bản ta thường gặp là Tonkinois (người Đông Kinh/Đàng Ngoài), Indochinois (người ở Đông Dương thuộc Pháp nói chung, gồm Lào/VN/Khme), Annamite (người An Nam), engagé (người được tuyển chọn/mộ, còn chỉ lính mộ - hàm ý tự nguyện), cu-li (thợ không rành nghề, hàm ý tiêu cực), kẻ làm thuê/mướn - phu (journalier, ouvrier, mercenaire, travailleur ...). Trong các danh từ trên, sau này đặc biệt có cách gọi "chân đăng" dùng để chỉ thế hệ đầu tiên[3] của người VN đi làm ở NC. Tìm về nguồn gốc của cách gọi này là trọng tâm của bài viết này.
2. Các giải thích cụm từ "chân đăng"
Đã có nhiều tác giả cố gắng tìm hiểu và giải thích nguồn gốc của cách gọi chân đăng như sau
2.1 Theo tác giả Nguyễn Thái An (xem mục tài liệu tham khảo về chi tiết bài viết), đây là bức thư gởi cho ông từ một người thuộc thế hệ thứ ba định cư ở Nouméa:
Chào An,
Theo tôi hiểu, từ 'Chân Đăng' là cái tên do những người Viêt Nam đi làm mộ phu trên quần đảo Tân Thế Giới tự đặt da cho mình. Những người Việt Nam đến đây mộ phu bắt đầu vào cuối thế kỷ 19. Cuộc sống và công việc hồi đấy rất khổ, có thể so sánh với lô lệ vậy. Mình có thể hiểu lôm la là cho chân vào đăng ký đi mộ phu. Cũng dống như bị bó chân rồi và không còn lối thoát.
Có lẽ từ Chân Đăng đã được phổ biến rộng dãi cho những người Pháp và cả những người Viêt Nam thế hệ sau này ở đây cùng với nhừng người Viêt Nam các nơi, do cuốn tiêu thuyết 'Chân Đăng' viết bằng tiếng Pháp của nhà văn Jean VANMAI; Một nhà văn sinh trưởng ở đây, là thế hệ đâu tiên con cháu của Chân Đăng.
Mình thấy từ 'Chân Đăng', từ một ý nghĩa nói lên cái hoàn cảnh và cuộc sống cùng khổ của những người đi mộ phu trên đảo, nó đã chuyển thành cái tên biệt danh cho những người Viêt Nam đi mộ phu ở Tân Thế Giới. Còn những người Viêt Nam hiện tại sinh sống ở đây thường gọi là con cháu của Chân Đăng (descendants des Chân Đăng).
Trước khi viết thư chả lời, tôi đã hỏi mẹ mình, xem còn nhớ hồi con nhỏ đã nghe thấy từ Chân Đăng chưạ Vì ông bà ngoại tôi là Chân Đăng đi mộ phu ở mỏ kền. Mẹ tôi trả lời là không, và ông bà ngoại chỉ nói với mẹ tôi là đi mộ phu thôi. Theo tôi nghĩ, hồi xưa, từ này chỉ dùng trong những lúc chò chuyện và tâm sự dữa các người mộ phu với nhau.
Mong rằng câu trả lời này sẽ giúp bạn hiểu phần nào vệ cộng đồng người Viêt Nam trên đảo Tân Thế Giới (Nouvelle Calédonie). Euh, còn Noumea là thủ đô của Tân Thế Giới.
XXXX (hết trích - NCT).
2.2 Cũng theo tác giả Nguyễn Thái An (2015), cập nhật thêm thông tin cho mục 2.1 và trích lời một người Việt từng làm giám đốc mỏ nickel ở Noumea - căn cứ theo tài liệu của công ty đã có một câu trả lời khác hơn trước như sau
“Chân Đăng là những nghèo đi chân không, đi chân đất (pieds nus) ký công tra (contrat: hợp đồng, khế ước) làm việc khai mỏ nickel trong 03 năm. Sau đó họ có thể quyết định ở lại hay về nước” (hết trích - NCT).
2.3 Theo các tác giả Đặng Đức và Kim Vân (2010) trong bài viết[4] "Tân Đảo Ngày Nay Và Hậu Duệ Việt "Chân Đen":
“Người đi làm phu mỏ được mang danh nôm na là" Chân Đăng" có nghĩa là đăng ký bằng chân (tác giả Jean Vanmai cũng cùng một ý - NCT). Khi sinh con đẻ cái, họ vẫn phải đi làm bởi thế đành đặt con vào tay nải treo lên cành cây nhauly[5] để dễ trông chừng, nên có thời kẻ lộng ngôn đặt luôn hậu duệ của họ là thế hệ "Nhau Ly ". Dân ta giản dị đến thế nhưng thật ra đó cũng chỉ là dấu mốc phân biệt thời gian mà thôi.” (hết trích - NCT).
2.4 Theo LM Ngô Quang Quý (2007) trong bài viết[6] "Người Việt Nam Đến Tân Đảo: Chân Đăng" thì “Trong số 791 người thì đại đa số là những người tù bị đi lưu đày, chỉ có 41 người là tự nguyện ghi tên đi làm, họ ký giấy làm việc trong một thời gian ấn định theo hợp đồng. Họ là những người “Chân-Đăng” đầu tiên với một niềm hy-vọng có một nếp sống mới tốt đẹp hơn, trình độ cao hơn là ở quê nhà. « Chân-Đăng » tạm dịch là người đi đăng ký xin việc” (hết trích - NCT).
2.5 Theo Wikipédia của Pháp[7] thì chân đăng có nghĩa là chân (pied) bị mướn/thuê (engagé), hay vì hợp đồng mà người ta bắt buộc phải đi làm sau khi đến NC. Chân tiếng Việt có nhiều nghĩa như (bàn) chân, địa vị, công việc ... Cũng như cách dùng Pied-Noir ('bàn chân đen' ~ Black Foot/A) dùng để chỉ dân Âu châu đến từ nước Algeria (Phi châu, có 'bàn chân đen'). Cũng vào những thập niên đầu TK XX, LM Gustave Hue (1937, sđd) cũng từng ghi cẩm trong "ông cẩm" là đọc tắt của tiếng Pháp "commissaire de police". Cấu trúc chữ [Việt+Pháp] chân đăng có thể giống như ông cẩm trong quá trình hình thành tiếng Việt.
2.6 Tác giả Nguyễn Hoàng (22/1/2016) trong bài báo "Theo dấu những người chân đăng..." đăng trên các trang Thế Giới & Việt Nam hay Dân Trí cũng ghi nhận cách giải thích từ một người Việt ở Tân Thế Giới:"Những người Việt Nam tới đây làm việc trong các khu mỏ được gọi là chân đăng (tiếng Pháp là D'engager). Theo giải thích của ông Phạm Văn Đức - người từng sống 22 năm ở Nouvelle-Calédonie lý giải thì "chân đăng" là một từ tiếng Việt cổ, có nghĩa là đăng ký đi phu. Tài liệu còn ghi lại, vào năm 1929, có đến 6.000 người Việt Nam đã sinh sống và làm việc tại hòn đảo ở châu Đại Dương này." (hết trích - NCT).
2.7 Theo ông Phạm Ngọc San (2016) – cố vấn Ban Chấp hành Hội Ái hữu Việt Nam Nouvelle-Calédonie (AVNC) - trích từ bài báo đăng trên tạp chí Quê Hương trang này http://quehuongonline.vn/nguoi-viet-o-nuoc-ngoai/nguoi-viet-o-tan-the-gioi-don-tet-co-truyen-20160122163457152.htm (tương tự như cách giải thích mục 2.6):
"Từ đấy, an cư lạc nghiệp, các cụ lập gia đình riêng, lập nghề lập nghiệp và như vậy, một thế hệ mới ra đời. Đó là anh chị em Niaouli chúng tôi, những đứa con của những người nông dân đi phu mỏ, sau này họ được gọi với biệt danh "Chân đăng".
Vậy Chân đăng là gì? Chúng tôi hiểu là: những người xin một chân đăng ký đi phu[8] (từ Nôm- Hán trong tiếng Việt cổ). Nhóm từ này, chúng tôi phải "vất vả" phân tích và cắt nghĩa với nhau qua bao nhiêu năm mới được 'sáng tỏ'." (hết trích - NCT)
2.8 Theo Jean Van Son (2017) - một Việt kiều tại Vanuatu (Tân Đảo), chủ blog[9] "Tân Đảo xưa và nay" – từ bài viết "NGƯỜI PHU MỘ CHÂN ĐĂNG - VIỆT NAM ở TÂN ĐẢO hay là "Nô lệ Da vàng" (Kỳ 2):
"Vậy 'chân đăng' là gì? Có tra từ điển mỏi mắt cũng không thấy. Cho đến nay có rất nhiều cách giải thích. Thậm chí một tờ báo ở Tân Thế Giới còn giải thích như sau: "chân" theo nghĩa chữ Pháp là "pieds" đọc là pi-ê, còn "đăng" thì họ bảo là "liés" đọc là li-ê. Tức là "pieds liés" có nghĩa là hai chân bị trói buộc. Theo nghĩa bóng thì nó gần giống như bị ràng buộc bởi cái gì đó. Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử về người công nhân phu mộ ở Tân Thế Giới (New Caledonia) thì từ "chân đăng" do chính người công nhân làm việc trong các min mỏ tự đặt cho mình. Tại sao? Bởi vị họ không có con đường nào thoát khỏi ách nô lệ. Họ tự cảm thấy như bị xiềng xích trói buộc bằng một sợi dây vô hình. Nhưng có nhiều người cho rằng cách giải thích sau đây có vẻ hợp lý hơn cả. Câu chuyện được nghe kể như sau:
Hồi ấy, ở Hải Phòng người ta dựng một cái lán trại để tiếp nhận người đăng ký đi phu mộ. Vì số người đông quá, họ chen lấn nhau. Có người đứng tận bên ngoài gọi với vào bên trong, bảo bạn: đăng cho tớ một "chân" với. Người khác cũng nhao nhao: đăng cho tớ một "chân". Có ý nói là cho tôi đăng ký một suất hoặc một chỗ. Giống như ở một chiếu bạc nọ, khi thiếu người thì kêu "này đằng ấy có làm một "chân" cho vui không? Tương tự như vậy. Và từ "chân đăng" đã được hợp thức hoá và trở thành tên gọi dân đăng ký đi phu mộ sang Tân Thế Giới. Đến nay vấn đề của cụm từ "chân đăng" vẫn còn tiếp tục được tranh luận." (hết trích - NCT)
Những cách giải thích khác nhau như trên là hậu quả của sự thiếu thốn văn bản thích hợp cùng dựa quá nhiều vào khẩu ngữ (truyền miệng). Để hiểu thêm chính xác nghĩa đen và bóng của cụm từ chân đăng, ta hãy đi ngược dòng thời gian đến giai đoạn tiếng Việt bắt đầu được kí âm bằng chữ quốc ngữ (con chữ La Tinh) hay thời tự điển Việt Bồ La ra đời (năm 1651).
3. “Chân đăng” đã hiện diện trong VBL
Chân vào thời VBL có thể đọc là chin hay chên (nguyên âm i hay ê nhỏ/trước) và đăng đọc là đơng - xem hình chụp trang/cột/tờ 233 trang dưới - chên đơng là chân đăng hay bàn đạp để leo lên yên ngựa ~ tiếng La Tinh là ephippiria mora; đến thời các LM Béhaine/Taberd (1772/1773-1838) thì tiếng La Tinh là stapeda (đã thay đổi cách dùng tuy cùng một nghĩa) - nhưng đều chỉ bàn đạp để leo lên lưng ngựa. Chữ Nôm đăng/đâng thời các LM Béhaine và Taberd là đăng HV 登 và chân là chân HV 眞.
VBL trang 233
Public Domain
Bài báo cáo
VBL và CNNAGN đều có các từ ghép lá thí (yên ngựa), thắng đới (dây cương), chân đăng (bàn đạp để leo lên lưng): đây là ba thiết bị cơ bản đề cỡi ngựa - xem hình ở trên. Các cách dùng này ngày nay hầu như không còn ai biết đến, nhưng lại được bảo lưu trong trong ngôn ngữ của cộng đồng người Việt ở NC qua cách gọi “người chân đăng”.
Trích tự điển "Dictionarium Annamitico-Latinum" của LM Béhaine (1772/1774) - tự điển Taberd (1838) chép lại hầu như nguyên bản.
Điều đáng chú ý là đăng bộ kim, bộ cách hay bộ thủ 鐙 ? ? ? đều có nghĩa là bàn đạp để leo lên lưng ngựa, cho nên cụm từ chân đăng có liên hệ trực tiếp với đăng HV. Bộ thủ là kim cho thấy bàn đạp leo lưng ngựa có thể làm bằng kim loại, nhưng cũng có thể bằng da thú (bộ cách). Cấu trúc chân đăng (bàn đạp lên yên ngựa) cũng giống như chân chàng (chin chàng/VBL ~ cái chàng giống hình chân người) vào thời VBL. Đi vào chi tiết hơn về các cách đọc chữ đăng (bộ kim) chẳng hạn.
3.1 Chữ đăng 鐙 ? ? ? (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu đăng 登 khứ/bình thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
都滕切 đô đằng thiết (ĐV)
都騰切,音登 đô đằng thiết, âm đăng (TV, VH, LT, CV, TVi)
音登 âm đăng (NT, LKTG, TNTTĐTA 精嚴新集大藏音, TTTH)
多鄧切 đa đặng thiết (NT, TTTH)
都鄧切 đô đặng thiết (QV) - QV/LKTG ghi thêm 鞍鐙 an đăng
都鄧反 đô đặng phản (LKTG)
丁鄧切,音嶝 đinh đặng thiết, âm đặng (TV, VH, LT, CV, TVi) - TV/LT cũng ghi thêm 馬鞁具 mã bị cụ (dụng cụ dùng cho cưỡi ngựa)
TNAV ghi vận bộ 庚青 canh thanh (khứ thanh)
CV ghi cùng vần/bình thanh 登 豋 ? 㲪 簦 燈 鐙 (đăng)
CV cũng ghi cùng vần/khứ thanh 嶝 磴 隥 墱 鐙 橙 凳 ? ? (đặng *đắng *đắng/tranh)
都增切,音登 đô tăng thiết, âm đăng (CTT) ...v.v...
Giọng BK bây giờ là dèng so với giọng Quảng Đông dang1 dang3 và các giọng Mân Nam 客家话: [海陆丰腔] den1 [客语拼音字汇] den1 [台湾四县腔] den1 [梅县腔] den1 [东莞腔] den5 [客英字典] den1 [宝安腔] den1 | den5 [客英字典] den1, tiếng Nhật tou và tiếng Hàn tung. Dựa vào các phương ngữ và cách đọc phiên thiết trên, một dạng âm cổ phục nguyên của đăng là *təŋ, gần với âm đơng vào thời VBL hơn so với đăng/đặng 鐙 (nghĩa là bàn đạp để lên lưng ngựa). Một điều thú vị là cấu trúc chân đăng[10] còn tương ứng với chữ đặng 蹬: bộ túc (chân) 足 hợp với chữ đăng 登. Chữ đặng/đăng 蹬 với nghĩa "chân đăng" (bàn đạp để lên lưng ngựa) từng hiện diện trong Nam Sử (soạn vào năm 659 SCN):
[婆利國王] 帶金裝劍, 偏坐金高坐, 以銀蹬支足 —《南史》[ Bà Lợi quốc vương] đái kim trang kiếm, thiên tọa kim cao tọa, dĩ ngân đặng chi túc —《 Nam Sử》.
Ngoài ra, tương quan giữa đăng và đơng còn được hỗ trợ bởi tương quan giữa đẳng[11] 等 và đớng (đớng thiên thần ~ đấng thiên thần) - xem mục đớng ngay dưới mục đơng của trang 233 VBL (hình chụp bên trên).
"Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa" cũng từng ghi chân đăng (trang 165, sđd):
Đề toả có hiệu đạp đăng
Lại dân mến nết chân đăng Diêu Sùng.
Đến thời “Đại Nam Quốc Ngữ”, tác giả Nguyễn Văn San/NVS (1808-1883) ghi mã đăng[12] là chân nâng ngựa (trang 191, sđd) cho thấy khả năng Bắc Bộ (chân nâng - NVS) đọc có khác Nam Bộ - như theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Étrier ~ chơn đâng/đưng - ở Bắc Kỳ gọi là bàn đạp (trang 598, sđd).
Học giả Vallot (1898 - Bắc Bộ, sđd) cũng ghi Étrier ~ chân nâng, bàn đạp.
H. Ravier và J.B. Dronet (1903 - Kẻ Sở, sđd) cũng ghi Étrier ~ chân nâng, bàn đạp.
G. Hue (1937 - Imprimerie Trung-hoà) giải thích chân nâng là étrier, pied en l'air, instable (trang 143, sđd), còn chân đâng là étrier (trang 252, sđd). Ta thấy chân đâng/nâng (chân đăng) đã mở rộng nghĩa chỉ trường hợp hổng chân ('chân để trên không' ~ pied en l'air) hay hàm ý lửng lơ, không chắc chắn, không vững vàng (instable – Gustave Hue). Đây là một cách diễn tả trung thực về cuộc sống của thế hệ người Việt đầu tiên ở Tân Thế Giới. Phương pháp ẩn dụ hình thức này được Việt Nam Tự Điển ghi lại khá rõ trong mục chân nâng/đăng – xem hình chụp trong mục 3.2 phần sau.
3.2 Việt Nam Tự Điển (VNTĐ)
Trang 115 Việt Nam Tự Điển (1931).
Vào giai đoạn chân đăng được dùng để chỉ thế hệ phu mộ qua NC, VNTĐ (do hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo - 1931) cho ta thêm thông tin liên hệ đến chân đăng/chân nâng và cách dùng mở rộng[13] (ẩn dụ hình thức) để chỉ một tình trạng không chắc chắn[14] (tạm bợ). VNTĐ đưa một thí dụ là "Tôi mới đến đây cũng còn chân đăng (nâng) lắm" cho thấy chân đăng được dùng như một tính từ, đặc biệt dùng cho cảnh sống chưa ổn định. Trường hợp này cũng giống như hoàn cảnh đi làm theo giao kèo của người VN ở Tân Đảo và Tân Thế Giới mà không biết ngày nào sẽ được trở về. Do đó, ta có cơ sở để liên hệ cách gọi chân đăng đã được bảo lưu trong cộng đồng người Việt khi sang Tân Thế Giới đi làm công "tạm thời".
Định nghĩa chân đăng/nâng từ VNTĐ rất quan trọng vì là tập hợp ý kiến từ các học giả hàng đầu vào thời dân làng ở Bắc Kỳ được mộ qua Tân Thế Giới (bốn thập niên đầu của TK XX).
Cụm từ chân đăng có thể mang những nét nghĩa như sau
|
Có tác giả đề xướng (+)
|
Có văn bản (+)
|
Ghi chú thêm: 1. cấu trúc ngôn ngữ hợp lí (+) 2. hợp với tình hình xã hội vào đầu TK XX (+)
|
1
|
-
|
-
|
- - chân của cái lọng (đăng HV 簦 là lọng/dù bằng tre)
|
2
|
-
|
-
|
- - chân của cái đèn (đăng HV 燈 ~ đèn)
|
3
|
-
|
-
|
+ - chân của cái đăng (bắt cá)
|
4
|
+
|
-
|
- - chân là người, đăng là đăng ký đi làm ở NC theo giao kèo
|
5
|
+
|
-
|
- + chân là người, đăng là âm tiết đầu của d'engagé(s)
|
6
|
+
|
-
|
- + chân đăng là âm đọc gần giống của gens d'engagé
|
7
|
+
|
-
|
- + chân đăng là chân bị trói buộc (pieds liés, đăng là bị trói buộc – hay phải lệ thuộc giao kèo đã ký)
|
8
|
+
|
-
|
- + đăng ký bằng chân (đi làm ở NC)
|
9
|
+
|
+
|
+ + chân đăng là bàn đạp yên ngựa/étrier, nghĩa mở rộng là (cuộc sống) không ổn định/ tạm bợ (VNTĐ, Gustave Hue - sđd)
|
Tóm lại, cách dùng "chân đăng" hay "người chân đăng" cho ta cơ hội tìm hiểu lịch sử cấu tạo tiếng Việt và các trường hợp đặc biệt trong quá trình hình thành tiếng Việt (trong và ngoài nước). Chân đăng (chân đưng, chân nâng) từng chỉ một bộ phận thuộc yên ngựa, hỗ trợ người ta để leo lên lưng ngựa, hay là một bàn đạp trung gian trong các hoạt động cỡi ngựa. Giai đoạn trung gian tạm bợ này đã được dùng bởi chính những người trong cuộc, các phu mỏ người Việt qua NC vào TK XX. Nghĩa của chân đăng đã được mở rộng và dùng để chỉ hoàn cảnh tạm bợ của các phụ mộ người Việt - tạm bợ vì chính thức thì chỉ sống và làm việc ở xứ người trong một thời gian có hạn (năm năm, ba năm theo giao kèo). Nhưng sự thật thì hoàn toàn khác hẳn, hi vọng đổi đời sau giai đoạn làm công tạm bợ đã mờ nhạt khi không còn được hồi hương vì nhiều nguyên nhân: ý nghĩa của chân đăng (bàn để đạp chân lên) lại càng thêm xót xa vì hàm chứa sự thật cụ thể liên hệ đến cuộc sống phức tạp và khó khăn nơi xứ người. Còn gì tạm bợ và đau khổ hơn khi tên cha sinh mẹ đẻ[15] đặt cho mình cũng không được dùng mà thay thế bằng một con số ghi trên hồ sơ di trú và khám sức khỏe - xem hình chụp trang 2 bài này - các tài liệu này còn lưu giữ trong Văn Khố New Caledonia (https://archives.gouv.nc/ ); nét nghĩa mở rộng của cái bàn đạp tạm thời "chân đăng" lại càng thấm thía hơn bao giờ hết. Nếu không có cộng đồng người Việt ở Tân Đảo[16] và Tân Thế Giới, thì còn ai biết đến nghĩa của “chân đăng” hay "chên đơng" (VBL) nữa. Ngoài ra, một điểm khá thú vị là tiếng La Tinh[17] dùng vào thời LM de Rhodes cũng có khác với tiếng La Tinh dùng vào thời các LM Béhaine và Taberd. Hi vọng bài viết nhỏ này gợi ý cho bạn đọc để tìm hiểu sâu xa hơn tiếng Việt phong phú của chúng ta, dù được nói ở tận chân trời góc bể nào trên thế giới.
4. Tài liệu tham khảo chính
1) Nguyễn Thái An (cập nhật 2015) "Ký Sự Noumea - Người Việt Chân Đăng: Niềm Xúc Động Chiếc Váy Đụp" có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn https://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=6317 …v.v…
2) Frédéric Angleviel (2000) "De l'engagement comme 'esclavage volontaire'. Le cas des Océaniens, Kanaks et Asiatiques en Nouvelle-Calédonie (1853-1963)", Journal de la Société des océanistes, vol. 110, 2000, p. 65-81
3) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).
(1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).
4) Claudy Chêne (2019) "La situation des engagés Tonkinois sous contrat en Nouvelle-Calédonie et aux Nouvelles- Hébrides : d’une crise Tonkinoise à une crise permanente en Océanie" Revue TRANSVERSALES du Centre Georges Chevrier - 14
5) Tess Do (2008) "Exile: Rupture and Continuity in Jean Vanmai's Chân Dang and Fils de Chân Dang" University of Melbourne - có thể đọc toàn bài trên trang https://www.researchgate.net/publication/233590021_Exile_Rupture_and_Continuity_in_Jean_Vanmai's_Chan_Dang_and_Fils_de_Chan_Dang ...v.v...
6) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
(1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
7) Hội Khai Trí Tiến Đức (1931/1954) "Việt Nam Tự Điển" Nhà in Trung-Bắc Tân-Văn xuất bản năm 1931, NXB Văn Mới in năm 1954 (Sài Gòn, Hà Nội).
8) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại (Sài Gòn).
9) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà - NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.
10) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l'union Nguyễn Văn Của (SAIGON)
11) Hoàng Thị Ngọ (1999) "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).
(1999) "Phật Thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh - chữ Nôm và tiếng Việt" NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội.
12) LM Phê Rô Ngô Quang Quý (2010) "Người Việt Nam Đến Tân Đảo: Chân Đăng" có thể xem toàn bài trên trang này http://www.buichu.net/index.php?option=com_content&task=view&id=916&Itemid=141
13) H. Ravier và J.B. Dronet (1903) "Lexique Franco-Annamite" Imprimerie de la mission (Kẻ Sở)
14) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
"Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
15) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).
16) Nguyễn Cung Thông (2015) "Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim … óc? (phần 6.1)" có thể xem toàn bài trang này http://www.daophatngaynay.com/vn/tai-lieu/tu-dien-tham-khao/12869-con-nguoi-suy-nghi-bang-bung-da-ruot-gan-hay-tim-oc.html ...
(2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf
(2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf
(2019) "Tản mạn về tiếng Việt 'hiện tượng đồng hoá âm thanh' (phần 4) – phong phanh hay phong thanh?" có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2019/01/07/tan-man-ve-tieng-viet-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-4-phong-phanh-hay-phong-thanh/ …v.v…
17) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).
18) Jean Vanmai (1980) "Chân Dang: Les Tonkinois de Calédonie au temps colonial" NXB SEHNC Société d'études historiques de la Nouvelle-Calédonie (Nouméa)
(1983) "Fils de Chân Dang" Édition de l'Océanie (Nouméa)
(1991) "Centenaire de la présence vietnamienne en Nouvelle-Calédonie" NXB CTRDP (Nouméa)
19) VTV Đài Truyền Hình VN (2007) YouTube (3/2017) "Ký sự Tân Đảo" loạt bài phóng sự về người VN ở Tân Đảo và Tân Thế Giới.
20) VTV4 (31/7/2015) YouTube "Biết đâu nguồn cội - The Roots" bộ phim tài liệu về lịch sử hình thành và phát triển 120 năm của cộng đồng người Việt tại Nouvelle Calédonie.
[2] Vào thập niên 1850, thuỷ quân đế quốc Pháp rất mạnh. Tháng 9 năm 1858, Pháp đánh Đà Nẵng nhưng không chiếm được nhưng tháng 2 năm sau Pháp chiếm được Gia Định. Các hoạt động bành trướng quân sự như vậy cần hậu thuẫn của một nền kinh tế dựa vào tài nguyên kim loại như sắt, thép, kền ...v.v... Tập đoàn Niken (Société Le Nickel/SLN) của Pháp, thành lập năm 1876, bắt đầu khai thác mỏ kền rất ‘sốt sắng’ ở NC tuy không hấp dẫn được nhân công từ Âu Châu. Kim loại kền được tìm thấy vào năm 1751. Kền có khả năng chống rỉ sét và chịu được nhiệt độ cao, do đó thường được dùng để đút tiền (nickel tiếng Mỹ là đồng 5 xu/tiền kim loại) và chế tạo vũ khí, thép không rỉ (stainless steel/A) ...v.v...
[3] Ngày 14 tháng 3 năm 1891, con tàu đầu tiên Chéribon chở 791 người VN từ Hải Phòng đến Nouméa, trong đó khoảng 50 người là phái nữ và 750 tù nhân từ Côn Đảo. Chuyến đi mất khoảng cả tháng. Tuy trên giấy tờ là năm năm, nhưng có thể gia hạn ở lại NC thêm ba năm ... Các cuộc thế chiến cũng như chiến tranh Đông Dương và tình hình chính trị phức tạp làm vấn đề hồi hương trở thành vô cùng khó khan. Không thấy tài liệu nào ghi "chân đăng" chỉ các phu mộ qua NC trong những thập niên đầu tiên của TK XX. Ngay cả cuốn sách nổi tiếng "Tales of the South Pacific" (Những câu chuyện từ Nam Thái Bình Dương) của nhà văn Mỹ James A. Michener (phát hành vào năm 1947) có một câu chuyện về mối tình giữa một chàng đại úy hải quân người Mỹ và một cô gái Bắc Kỳ (người chân đăng), nhưng trong cuốn này không thấy dùng chân đăng (mà thường dùng Tonkinois).
[5] Cây nhauly (Niaouli - Melaleuca quinquenervia) là loại cây tràm thường gặp ở NC. Thế hệ thứ hai ở Tân Đảo gọi là Bù-rầu (Bourao) cũng là loại cây thường gặp ở Tân Đảo (Vanuatu). Các cách gọi tên thế hệ thứ 2 dùng tên cây cối địa phương cho thấy dấu ấn của môi trường sinh hoạt hàng ngày trong ngôn ngữ của cộng đồng người Việt, do đó ta có thể cảm thông phần nào với cách gọi "chân đăng" cho thế hệ thứ 1.
[8] Cách giải thích này cũng giống như lời tường thuật trong bài báo (27/9/2016) "Một thế kỷ người Việt ở Vanuatu" của tác giả Đặng Thái:"Cuộc sống của người làm phu vất vả khổ cực, làm việc nặng nhọc mà vẫn bị đánh đập dã man. Họ bị coi như những “nô lệ da vàng”. Tuy nhiên khi ở nhà thì không ai biết những điều kiện lao động ấy, chỉ thấy lương cao thì quyết tâm xa quê một thời gian để thoát khỏi đói nghèo ở những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ đông dân, hay bão lũ. Họ gọi nhau là những người “chân đăng”. Đến nay nguồn gốc của từ “chân đăng” này vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng theo một số người mà tôi tiếp xúc thì họ cho rằng các cụ ngày xưa hay nói: “Đăng ký cho tôi một chân đi Tân Đảo/Tân Thế Giới” nên từ đó mà ra. Sang đến nơi rồi không còn đường lui, mọi người chỉ còn biết bảo nhau cố làm cho hết hạn hợp đồng rồi sẽ được tự do. Nhưng nhiều người trong số họ đã không bao giờ có cơ hội trở về quê hương". Cách giải thích này cũng được LM Trần Công Nghị nhắc lại trong bài viết (27/4/2010) "LM Truyền giáo Việt Nam tiên khởi và Cộng đoàn Việt Nam ở Đảo quốc Vanuatu" …v.v… Đăng trong đăng ký lại có nghĩa trùng hợp với vần đầu *đăng của d'engager (hay d'engagé). Engagé cuối TK XIX từng có nghĩa là lính mộ (P. G. Vallot, H. Ravier và J.B. Dronet - sđd).
[10] Chân đăng ~ túc + đăng = 蹬 (đặng/đăng HV) so với chữ lệ ~ nước + mắt ~ thuỷ + mục = 泪 (lệ HV).
[11] Chữ đẳng 等 (thanh mẫu đoan 端 vận mẫu hai 咍 hay đăng 登, thượng thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết
多肯切 đa khẳng thiết (TVGT, QV, LTCN 六書正?, CV) - để ý khẳng có dạng khứng (khấng) vào thời VBL
得肯切 đắc khẳng thiết (TV, VH, LT)
登上聲 đăng thượng thanh (HT 海篇)
多改切 đa cải thiết (QV)
打亥切 đả hợi thiết (TV, LT)
TNAV ghi vận bộ 庚青 canh thanh (thượng thanh)
多肯切, 登上聲 đa khẳng thiết, đăng thượng thanh (TVi)
補里切 bổ lí thiết (TVi, CTT, KH) - TVi ghi thêm 音比 âm tỉ/bỉ/bì
多改切, 音歹 đa cải thiết, âm đãi (TVi) ...v.v...
Giọng BK bây giờ là děng so với giọng Quảng Đông dang2 và các giọng Mân Nam 客家话: [陆丰腔] den3 [宝安腔] den3 [沙头角腔] dien3 [客英字典] den3 [台湾四县腔] den3 den1 [梅县腔] den3 [海陆丰腔] den3 den1 [东莞腔] den3 [客语拼音字汇] den1 den3 ten4, giọng Mân Nam/Đài Loan tan2, tiếng Nhật tou và tiếng Hàn tung.
[12] Chữ Hán dùng mã đăng/đặng 馬鐙 để chỉ bàn đạp ngựa ~ chân đăng; so với tiếng Khme cnoan ឈ្នាន់, tiếng Chong (nhánh Pearic) là cʰnoan, cʰnan - một tương quan đáng chú ý! Học giả Gustave Hue (sđd, 1937) ghi nét nghĩa thứ 3 của đưng trong 4 nét nghĩa là "Đưng (đâng) ~ étrier, pédale (bàn đạp - NCT)" và dùng trong các từ ghép như bả đưng, chân đưng. Các nét nghĩa này không thấy trong tiếng Việt hiện đại như trời đưng (trời tốt ~ temps calme/P), cây đưng (cây không sinh sản được ~ arbre stérile/P), đưng đi không con (ĐNQATV) ...
[13] Phương pháp ẩn dụ như chân đăng còn thấy trong cách dùng bù nhìn (cụ thể ---> trừu tượng) như chính phủ bù nhìn, tổ chức bù nhìn... Dù rằng ít người VN biết hình dạng cụ thể của bù nhìn là gì (cũng như chân đăng).
[14] Một nét nghĩa mở rộng khác của chân đăng (bàn đạp) có thể là tình trạng bị chà đạp, ép buộc trái với ý muốn của người trong cuộc - phản ánh quá trình leo lên lưng ngựa người cỡi ngựa phải luôn đạp mạnh lên bàn đạp.
[15] Theo tác giả Jean Vanmai thì tên người Việt dài và khó đọc quá nên bị thay bằng con số, ngoài ra người VN đi làm thuê cũng bị đối xử như những tội phạm trong nhóm (tội nhân thường chỉ biết qua con số trong tù).
[16] Chân đăng đã thật sự 'hoá thạch' qua bức tượng ghi "Chân Đăng Vietnamiens" dựng tại thành phố Noumea (17/10/2013) với hàng chữ Pháp và Việt bên dưới “Ghi nhớ công ơn những người Chân Đăng Việt Nam đã góp phần phát triển nền kinh tế tại Nouvelle - Calédonie và Nouvelle - Hébrides từ cuối thế kỷ mười chín.”
[17] Tham khảo thêm tiếng La Tinh dùng vào thời VBL qua tự điển tiếng Pháp và La Tinh năm 1635 "Inuantaire des deus langues, françoise, et latine" của LM Philibert Monet (Jesuit).