Tri phủ Tạ Thuấn người Thanh Oai thân hình mập mạp, tóc hoa râm, đôi mắt ti hí như hai sợi chỉ mỏng hững hờ dính trên khuôn mặt nửa chuột nửa dê, tính tình tham lam nhỏ nhen, nhiều thủ đoạn dơ bẩn. Từ lính tráng trong phủ đến quan chức đồng liêu ai cũng ghét, nhưng vì Thuấn có mối quan hệ rộng rãi với các quan trong triều nên ai cũng phải đóng kịch trước mặt Thuấn. Một hôm Thuấn được dân chài tặng con cá tai tượng ( một giống cá quý hiếm có giá trị rất lớn) , Thuấn liền mở tiệc Trưng Ngư ( khoe cá) , mời tất thảy quan viên trong phủ đến dự, hễ ai đến tay không Thuấn đều cho người đuổi về. Có tay tri huyện là Đinh Lữ xưa nay thấy Thuấn bòn rút của dân quá tàn bạo vốn đã căm hận lắm chuyến này đến dự tiệc Trưng Ngư thấy Thuấn xử sự với mình và các quan viên thanh liêm như thế liền nói mấy câu có ý mỉa mai, bị Thuấn chửi vuốt mặt không kịp, Lữ cay cú lắm, hằm hằm quay đít bỏ ra về, đến nhà lẩm bẩm chửi rủa từ sáng tới tận tối, tay thư lại tò mò hỏi:
-Bẩm đại nhân ,chẳng hay có kẻ nào làm cho đại nhân bực bội đến mức như vậy?
Lữ đem chuyện kể lại, nghe xong tay thư lại vuốt râu ngẫm nghĩ giây lát cười to mà rằng:
-Tôi có ý này chẳng biết đại nhân có dám dùng không?
Lữ nói:
-Tiên sinh cứ trình bày ta nghe thử.
Thư lại nói:
-Chi bằng đại nhân viết sớ gửi lên kinh thành vạch hết tội trạng và những hành vi ác ôn mờ ám của Thuấn, biết đâu nhà vua lại chẳng điên tiết lên mà giáng tội xuống đầu Thuấn, bấy giờ dân chúng vừa được cởi ách mà đại nhân cũng cởi bỏ được oán giận vậy.
Lữ nghe nói bùi tai liền đó soạn giấy bút dùng lời lẽ gan ruột mà viết sớ trình tấu lên nhà vua, viết xong trao qua cho thư lại đọc, đọc xong viên thư lại gục gặc đầu khen:
--Lời lời đẫm lệ thương dân, ý ý vì non sông mà tẩy uế, ôi đến như thế này mà nhà vua còn không thấu tấm lòng ưu quốc ái dân của đại nhân thì cũng đến chịu.
Liền đó tay thư lại bọc tờ sớ cẩn thận gọi tay lính thân cận vào trao cho hắn nói:
-Ngươi tức tốc cưỡi ngựa băng rừng vượt núi ngày đêm đưa cẩm nang này lên kinh thành, tìm mọi cách trao cho hoàng thượng, nhớ lỡ có xảy ra điều gì có chết cũng không được khai ra ta và Lữ đại nhân rõ chưa?
Tay lính rưng rưng nhận cẩm nang nói:
-Tiểu nhân mang ơn của Lữ đại nhân thề óc gan lầy đất hết lòng hoàn thành nhiệm vụ.
Tay lính đi rồi Lữ ở nhà đêm đêm nhìn sao Hôm mà đoán quẻ hung kiết, một hôm bỗng thấy sao Hôm sáng lên rực rỡ, Lữ mừng tự nhủ “ trời giúp ta đấy chăng”, nhưng vừa dứt lời, bỗng từ đâu một đám mây đen kéo đến phủ kín vì sao Hôm, lại có tiếng chim từ ngoài đồng vắng thê thiết dội vào, Lữ giật mình buông rơi chén trà, than “ thôi rồi, vậy là tay lính ta cử đi đã gặp nạn”. Tay thư lại ngồi bên, giơ tay bấm quẻ hốt hoảng la lên, “ mau lên thôi đại nhân, chúng ta hãy thu xếp hành lý mà rời bỏ chốn này, theo như tôi bấm độn thì chỉ mai hoặc mốt đại nạn sẽ lâm đầu”.
Lữ nhanh chóng đứng dậy quay vào thư phòng mở các ngăn tủ lấy những giấy tờ quan trọng cho vào tay nải, cùng tay thư lại âm thầm theo cổng sau của phủ lẻn đi.
Vì Lữ và tay thư lại đều là những kẻ chưa vướng bận thê nhi nên hai người lén lút vào nhà dân lấy trộm hai bộ quần áo mặc vào, lại lấy bùn đất trát lên mặt mà hóa trang thành hai gã khất cái. Hai người cứ đi mãi, đi mãi, chiều hôm đó đã đi qua ba cánh đồng, hai con sông, hoàng hôn hai người đến gần bìa một cánh rừng, mệt mỏi ngồi xuống nghỉ chân, chưa kịp thở đã nghe tiếng ồn ã vọng đến, chốc lát xuất hiện một toán lính tráng, gã dẫn đầu hầm hầm chỉ Lữ và tay thư lại lớn tiếng hỏi:
-Này hai gã khất cái kia, đường đến dinh tri huyện Đinh Lữ đi lối nào hả?
Lữ cố bóp méo giọng khàn khàn nói:
-Dạ bẩm các vị cứ đi thẳng tầm nửa dặm rồi rẽ trái nửa dặm sau đó cứ thế mà đi thẳng sẽ đến ạ.
Tay thư lại cũng bóp méo giọng chen vào:
-Dạ chẳng hay các vị đến phủ tri huyện Lữ làm chi thế ạ?
Gã dẫn đầu toán lính cười ha hả nói:
-Chúng ta theo lệnh thái úy đi tróc nã tay Lữ vì tội vu oán giá họa cho tri phủ Thuấn, xưa nay trên dưới trong triều ai cũng hết lời khen ngợi tri phủ Thuấn là người đức độ chăm dân như con, đối với cấp trên thì biết trước biết sau, một đời làm quan thanh khiết liêm bần thế mà tay Lữ dám ngậm máu phun người tội thật đáng phanh thay róc thịt.
Nói dứt càng cười khoái trá hơn. Cười chán giơ roi đánh vút một phát hô lớn:
-Anh em tiếp tục lên đường.
Vó ngựa tung bụi mù, xõa bờm trên con đường bắt đầu đổ đầy bóng tối.
****
Lữ và tay thư lại chờ cho đám lính đi khuất vội vã đứng dậy tiếp tục lên đường. Tay thư lại nói:
-Chúng ta nên men theo đường rừng mà đi, bọn lính kia đến phủ không thấy ta chắc chắn sẽ điên tiết đuổi theo chúng ta, rừng núi rậm rạp tuy là chốn hùm nấp beo ẩn nhưng sẽ an toàn hơn đi nhơn nhơn ngoài đường xá.
Lữ khen phải. Tay thư lại trước, Lữ sau cứ thế im lặng mà đi. Trời tối hẳn, ánh trăng như ngàn tia bạc xuyên qua cây lá rải xuống khu rừng, trong ánh trăng thấp thoáng những đôi mắt của lũ thú hoang, khung cảnh càng thêm phần khủng bố, Lữ và tay thư lại đi sát vào nhau, đến thở cũng chẳng dám.
Chợt từ xa thấp thoáng ánh sáng , nhìn kỹ chừng như là ánh đèn, Lữ mừng rỡ nói:
-Tuyệt thật, ta còn lo đêm nay phải nơm nớp ngủ ngoài rừng hoang , có ánh đèn ắt có nhà dân, chúng ta đi nhanh lên, xin người ta tá túc một đêm mai tiếp tục lên đường, bây giờ mà tụi lính kia có đuổi theo chúng ta cũng không dễ dàng tìm ra đâu.
Tay thư lại run run nói:
-Đại nhân khoan mừng vội, tôi thường nghe, nhà ở ven sông không là phường trộm sông cũng là phường hải tặc, nhà ở trong rừng không là bọn lưu manh cũng là hồ ly ma quái, biết đâu chúng ta thoát tay bọn lính lại lọt vào nhà lũ ác ôn chuyên cướp của giết người thì có khác gì thoát phận cá kho lại sa đời tép rang?
Lữ cười nói:
-Tiên sinh thật khéo lo xa, cho dù đó có là nhà của bọn trộm cướp chúng ta cũng có gì phải sợ, ta và tiên sinh tay nải chỉ đựng vài ba món vật dụng không có giá trị, không tiền không bạc thiển nghĩ dù có bị sa vào tay bọn cướp trộm chúng cũng chẳng thèm làm gì chúng ta đâu.
Tay thư lại nghe có lý liền như trút hết mọi suy nghĩ nặng nề, cùng Lữ rảo bước thật nhanh, chẳng mấy chốc hai người đã đi đến trước một trang viện, rào chăng bằng loài cây mây, nhà lớp bằng lá lau rừng, trông u nhã thanh tĩnh vô cùng. Lữ đánh bạo gọi:
-Xin hỏi trong nhà có ai còn thức chăng, bọn tôi là hai kẻ hồi hương lỡ bước, xin được vào tá túc qua đêm, mong gia chủ rộng lòng đón nhận.
Một giọng già nua vẳng ra:
-Xin quý khách chờ chút.
Liền đó cửa mở, một bà lão bước ra, tay cầm chiếc gậy tre hình đầu rắn, mái tóc bạc như cước run run dưới ánh trăng vàng, nhìn vừa ma mị vừa như thần tiên.
Ra đến cổng nhìn Lữ và tay thư lại nhẹ giọng nói:
-Mời hai vị vào.
Vào đến bên trong, bà lão vui vẻ nói:
-Mời hai vị ngồi, để tôi gọi người pha ấm trà nóng mời hai vị dùng cho đỡ phần lạnh lẽo .
Nói xong gọi ngay:
-Thanh Nhi pha trà để ta đãi khách.
Tức thì giọng một cô gái như tiếng chim oanh đáp lại:
-Dạ , mẫu mẫu đợi con một chút, con pha xong ngay đây.
Lát sau từ sau rèm một bóng hồng tha thướt đi ra, cô gái tầm mười sáu mười bảy mặt trái xoan, môi tựa trái anh đào, long mày như hai chiếc lá liễu càng tôn thêm vẻ sắc núi hương ngàn.Lữ và tay thư lại bất giác như si như dại.
Đột nhiên cô gái chạy về phía Lữ reo lên:
-Ồ đại ân nhân, ngài có phải là ĐinhLữ đại nhân chăng?
Lữ giật mình như kẻ vừa từ cõi mộng trở về, đáp:
-Vâng chính tại hạ, nhưng cô nương là ai, thứ cho ta không nhận ra.
Cô gái không đáp lời Lữ mà quay sang nói với bà lão :
-Mẫu mẫu lần con gặp đại nạn chính vị này đã cứu nguy cho con đấy.
Bà lão gục gặc đâu nói:
-Đúng là duyên trời .
Lữ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ngồi đực ra như phỗng đá. Cô gái nhìn Lữ hé nụ cười duyên dáng nói:
-Sao đại nhân lại thẫn thờ như thế.
Lữ bưng chén trà uống một ngụm để lấy lại bình tĩnh, trà nóng làm Lữ rùng mình, bà lão và cô gái càng cười lớn, tay thư lại không kiềm chế được cũng cười theo.
Bà lão nói:
-Đây là Cực lạc thôn, quanh đây có tất cả hai mươi tám nóc nhà, gia đình chúng tôi họ Kỳ. Con nhóc này cách đây mấy năm theo chúng bạn đi chơi vô ý lạc đường bị người ta bắt cóc suýt chút nữa thì nguy đến tính mạng may nhờ một vị quan xuất hiện kịp thời giải cứu cho, từ bấy giờ trong trái tim nó đã in sâu hình ảnh của vị quan nọ, ngày đêm nó nhung nhớ chỉ mong có dịp gặp lại cùng gá nghĩa trăm năm. Chỉ vào Lữ mà nói, vị quan ấy chính là ngài đấy.
Lữ dở cười dở mếu nói:
-Xin hai người nói rõ hơn có được chăng, càng lúc tôi càng trở nên hồ đồ chẳng biết mình đang tỉnh hay mơ.
Cô gái ngồi xuống, một làn hương thơm dịu dàng len vào tâm hồn Lữ, khiến Lữ như đang bay bồng bềnh trên chin tầng thiên đàng màu nhiệm.
Ánh trăng nồng hương hoa rừng xuyên qua cửa vào phòng khách, chiếu lên khuôn mặt cô gái, khiến người ngọc càng như bóng sương hình khói. Như từ cõi viễn ảnh nào đó giọng cô gái cất lên ngọt ngào như ngọc tửu:
-Tiểu nữ nói ra mong đại nhân đừng quá e sợ, chúng tiểu nữ vốn là loài kỳ nhông tu luyện ngàn vạn năm mà có tiên cơ có thể biến hóa thành người, cách đây mấy năm con kỳ nhông mà đại nhân mua lại của bọn thợ săn chính là tiểu nữ đó.
Lữ nghe cô gái nói xong không những không tỏ vẻ sợ hãi mà còn cảm thấy muôn phần thú vị, nhấp chén trà thơm vui vẻ nói:
-Nếu quả trên thế gian có chuyện lạ như thế thì Lữ này là kẻ may mắn biết bao, không ngờ trong lúc trốn chạy ta lại có duyên gặp được cảnh ngộ thần tiên như thế này.
Câu chuyện càng lúc càng trở nên thân mật nhu tình, vầng trăng khuya lui dần về cuối cánh rừng già, nơi nơi thú hoang đã chìm vào giấc ngủ, chỉ còn gió khẽ khàng đùa giỡn mùi hoa đêm. Bà lão giục Lữ cùng tay thư lại đi ngủ sớm, cô gái tên Thanh Nhi dẫn Lữ và tay thư lại đi vào bên trong, cả ba đi qua một hoa viên nhỏ đến một căn phòng, cô gái nói:
-Đây là phòng của ông nội tiểu nữ, nay ông đi công chuyện xa chưa về, nếu không phiền xin mời hai vị tạm nghỉ tại đây.
Lữ và tay thư lại nói mấy lời cảm ơn, bước vào, trong phòng đèn nến sáng trưng, vật dụng bày biện cực kỳ tươm tất.
Sau một ngày hành trình vất vả gặp giường nhung nệm gấm Lữ và tay thư lại nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau tỉnh dậy Lữ và tay thư lại định chia tay gia đình Thanh Nhi lên đường nhưng bà lão đã lên tiếng bày tỏ muốn lưu hai người ở lại chơi ít lâu, Lữ nghĩ mình và tay thư lại hiện tại như lá không nguồn nước không cội chi bằng cứ ở lại rồi tính sau, liền gật đầu ưng thuận. Thời gian như gió qua đồi trọc. Thu qua đông đến, khắp rừng lá vàng rơi rụng, khung cảnh thê lệ khôn tả, một chiều kia Lữ ngồi bên mái hiên ngắm cảnh, thấy gió may run rẩy cành vàng bất chợt lòng dâng lên dòng cảm khái. Nghĩ mình là mệnh quan không thể đem tâm huyết vì dân mà làm thân trâu ngựa lại phải bỏ xứ trốn đi, nước mắt tự dưng tuôn lả chã. Thanh Nhi đúng lúc đi ra nhìn thấy, hỏi:
-Chẳng hay đại nhân có chuyện gì phiền muộn mà lệ buồn tuôn rơi như thế?
Lữ vội gạt nước mắt gượng gạo cười:
-À có gì đâu, ta thân nam nhi mà lòng như nhi nữ nhìn cảnh đông tàn bất chợt sầu vơ vẩn nước mắt chảy lúc nào chẳng hay.
Thanh Nhi bước lại ngồi xuống cạnh Lữ, dịu dàng cất tiếng, lời lời như thấu rõ từng ngóc ngách tâm can Lữ:
-Đại nhân chẳng cần phải nói dối tiểu nữ đâu, tiểu nữ biết tuy đại nhân thân ở tại đây nhưng lòng thì ở chốn khác, hẳn đại nhân đang đau đáu suy nghĩ về việc làm cách nào trở lại chốn quan trường đem sức mình phụng sự cho dân chúng, có phải chăng?
Lữ xúc động bất giác cầm tay Thanh Nhin, rưng rưng nói:
-Lời của nàng quả đúng suy nghĩ của Lữ đây.
Thanh Nhi nói:
-Nếu đại nhân muốn trở lại quan trường cũng chẳng khó, chỉ có điều…
Nói đến đó ngập ngừng như có gì vường mắc trong tâm. Lữ vội vàng hỏi:
-Có điều thế nào, hay là nàng sợ ta quay về thế giới con người sẽ bị tay Thái Uý và gã tri phủ kia hãm hại?
Thanh Nhi nói:
-Chuyện ấy không quan trọng, bọn ta có thể biến hóa thành người dưới nhiều dung mạo khác nhau, nếu đại nhân muốn ta cũng có thể giúp đại nhân hóa thân thành người khác.
Lữ nóng ruột hỏi:
-Nếu thế thì còn có chuyện gì khiến nàng không thể quyết định được?
Thanh Nhi nói:
-Nếu đại nhân muốn ta giúp đại nhân thì đại nhân phải chấp thuận thu nhận ta làm người cùng chia mưa xẻ nắng với đại nhân, bởi vì khi ta dùng phép giúp đại nhân tức là ta đã phạm vào giới luật của giống loài mình, mọi người sẽ không tha thứ cho ta, nhưng nếu ta làm vợ của đại nhân thì mọi việc sẽ khác.
Nghe Thanh Nhi nói Lữ mừng như bắt được vàng, trong lòng sung sướng vô hạn, gật đầu chấp thuận ngay. Rồi đó , Thanh Nhi liền chạy đi thông báo cho mẫu mẫu của mình, ngay chiều hôm ấy đèn chăng hoa kết , khách khứa được mời đến đông đủ, rượu quý cùng sơn hào hải vị bày biện linh đình, tiệc cưới kéo dài đến tận khuya. Khách khứa ra về hết cùng là khi Lữ đã mềm oặt đi vì men rượu. Hôm sau tỉnh dậy, soi gương chải tóc Lữ giật mình khi nhìn thấy kẻ trong gương đã hoàn toàn không còn là mình.
Thanh Nhi ôm ngang lưng Lữ nũng nịu nói:
-Đêm qua chàng đã chiếm đoạt sự băng trinh của thiếp , thể xác và linh hồn hai chúng ta đã hòa làm một vì thế dung mạo chàng biến đổi có gì lạ đâu, sao chàng phải hốt hoảng làm vậy.
Lữ vỗ trán bật cười:
-Ôi ta thật là hồ đồ quá, xin lỗi hiền thế nhé.
Quay lại ôm Thanh Nhi đặt lên bờ môi bé nhỏ một nụ hôn nồng cháy.
***
Vậy là sau hơn nửa năm ẩn thân nơi rừng núi Lữ lại nhìn thấy ánh mặt trời nơi cõi nhân gian.
Lữ cùng Thanh Nhi rời Cực lạc thôn tìm đến kinh thành, thuê nhà trọ rồi mua sách vở về ôn lại nhưng kiến thức mình đã học trước đây, chờ ngày triều điều tổ chức thi sẽ vào ứng thí. Tay thư lại không trở lại nhân gian cùng Lữ, gã đã chán ngấy cảnh đấu đá tranh giành nơi trần thế nên quyết định ở lại hợp hôn với một nàng kỳ nhông sống cuộc đời thần tiên.
Năm sau, Lữ thi đỗ đầu, được triều đình phong hàm tam phẩm, làm quan tri phủ tại kinh thành. Lữ nảy sinh ý niệm sẽ nhân cơ hội tiếp cận thái úy Đỗ Anh Vũ tìm cách trừ khử hắn . Thế nhưng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Lữ chưa thực hiện được ý định thì tâm ý của Lữ đã bị chính người vợ đầu ấp gối ôm của mình là Thanh Nhi làm cho thay đổi. Từ một kẻ thù ghét họ Đỗ tận xương tủy, Lữ lại trở thành tay chân đắc lực của Đỗ Anh Vũ. Thật là má hồng không thuốc mà say. Cái mùi nhan sắc còn hiểm nguy hơn trăm lần độc dược vậy.
Vì Đỗ Anh Vũ lo vơ vét lèn chặt túi tham nên chẳng mấy chốc ngân khố triều đình cạn kiệt, hắn bèn nghĩ kế bắt các quan viên dưới quyền phải tìm cách bóp họng nấn xương nhân dân tìm nguồn tiền đổ vào ngân sách triều đình. Lữ đem chuyện hỏi vợ, Thanh Nhi hiến kế:
-Chuyện đó dễ như bỡn, chàng đường đường là một tri phủ , lại được triều đình giao trọng trách cai quản vấn đề giao thông đi lại của bọn dân đen, chi bằng nhân cơ hội này chàng cho người xây dựng các đồn bốt ở các tuyến đường bắt lũ dân đen ai muốn đi qua phải đóng thuế chẳng mấy chốc mà tiền rót về như nước.
Lữ vỗ tay khen vợ rối rít, từ đó dân chúng hễ ai muốn đi lại giao thương buôn bán đều phải đóng phí , tiếng hờn căm đậy đất lệch trời, nơi nơi nhân dân chửi rủa không tiếc lời, Lữ nghe bọn lính bẩm báo lại chỉ vuốt mép cười ruồi. Sau vụ đó Lữ còn nghe lời vợ tạo ra muôn ngàn thứ thuế vô lý khách để bón xương mót tủy của dân chúng.
Dân kêu ca chán chẳng nên cơm cháo gì rồi tất cả cũng thôi, đành còng lưng chấp nhận.
****
Năm đó Lữ bước sang tuổi sáu mươi, vẫn chưa sinh được mụn con nào, tóc Lữ đã hoa râm, da nhăn nhúm như vỏ cây bàng, nhưng Thanh Nhi thì vẫn phơi phới như gái đương xuân.
Một đêm ăn cơm xong Lữ bỗng thấy xây xẩm mặt mày, vội hối gia nhân dìu vào phòng. Mệt mỏi ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ Lữ thoáng nghe có tiếng nói chuyện. Lữ nín hơi lắng nghe, là giọng vợ mình và một người đàn ông.
Lữ rón rén rời giường, gượng bước lại gần vách, dùng tay châm một lỗ nhỏ qua giấy dán. Nhìn sang phòng bên, kẻ ngồi đối diện với Thanh Nhi chính là Đỗ Anh Vũ.
Vũ nói:
-Cháu làm rất tốt.
Thanh Nhi cười nói:
-Con nai khù khờ như Lữ có là cái gì, con cáo già như Tạ Thuấn kia còn bị Xuân Muội làm cho trở nên tham tàn bạo ngược .
Cười ha hả tiếp:
-Kẻ nào có ý định chống lại loài kỳ nhông chúng ta kẻ đó phải gánh hậu quả.
Lữ nghe hai kẻ trao đổi thầm nhủ :
-Thì ra bao nhiêu kẻ làm quan thanh liêm đều bị loài biến màu này tẩy não sai khiến. Chẳng trách càng ngày tham quan càng nhiều mà thanh quan hiếm hoi như lá mùa thu.
Phòng bên Vũ bưng chén trà uống một hớp cười:
-Lữ không còn giá trị nữa, xem chừng đã đến lúc xử trí hắn rồi vậy. Tính ra hắn đã được sống thọ thêm mười hai năm.
Thanh Nhi nói:
-Cháu đã đắp sẵn mả cho hắn ở phía tây kinh thành rồi.
Lữ nghe đến đó bất chợt một làn gió lạnh từ đâu xuyên qua cửa sổ thốc vào phòng, khiến Lữ rùng mình ớn lạnh, ngã luôn xuống nền nhà, phút chốc hồn lìa khỏi xác. Hồn Lữ nương theo gió bay về phía tây kinh thành, bay mãi bay mãi, dừng lại Lữ thấy hồn mình đang đứng ngay trên mảnh đất nơi trước đây Lữ làm tri huyện.
Lữ đau đớn thốt lên:
-Thì ra ta đã sa vào âm mưu của Đỗ Anh Vũ ngay từ lúc ban đầu. Hắn là loài kỳ nhông thành tinh biến hình, ta chỉ là kẻ trần mắt thịt , chỉ vì một phút đam mê nữ sắc mà thân bại danh liệt, biết oán trách ai bây giờ.
Đang nói bỗng nghe tiếng động, từ bóng tối bò ra một con kỳ nhông, phút chốc hóa thành tay thư lại. Hồn Lữ ngạc nhiên hỏi:
-Sao tiên sinh lại ở đây?
Tay thư lại cười man rợ nói:
-Ta chính là người nhà của thái úy, tất cả mọi sự đều do thái úy sắp đặt và ta là kẻ đã dẫn giống người các ngươi sa vào cái bẫy ấy. Chỉ ngôi mộ xây sẵn tiếp. Vì ngươi đã lấy Thanh Nhi làm vợ và cũng có công giúp sức cho thái úy nên chúng ta ưu ái dành cho người chốn an nghỉ tươm tất thế này, âu cũng là phúc phận của ngươi không nhỏ vậy.
Dứt lời lao đến nắm hồn Lữ lôi lại, mở cửa huyệt ném vào, hồn Lữ chẳng kịp kêu lên một tiếng đã chìm lịm vào bóng tối vĩnh viễn.