Trong khoảng hơn sáu trăm ca khúc của Trịnh Công Sơn, có rất nhiều hình ảnh mà sau này dưới nhiều góc độ đã trở thành một một ám ảnh, như: phố (phố xưa, phố khuya, phố mùa đông, phố hẹn, phố cao nguyên, phố xa lạ, phố hư không*,...), ru (ru em, ru tình, ru người, ru ta ngậm ngùi,...), tóc (, tóc dài, tóc âm u, tóc chiều, tóc úa, tóc gió thôi bay,… ), tình (tình xa, tình gần, tình nhớ, tình sầu, tình reo vui,...), hay cái chết, mộ phần hoặc đơn giản chỉ là một bãi bờ (bờ cỏ non, bờ mộng mị, bờ xa mời gọi, bờ xa nước cạn, bờ xa cỏ dại,…), một loài hoa, một bóng chim, dòng sông hay cơn mưa. Trong đó, ngựa, với người nhạc sĩ tài hoa này là một sự lặp lại nhiều cung bậc.
Tuy tần số xuất hiện không nhiều (Khoảng hơn mười lần), nhưng bóng ngựa dù thấp thoáng hay lộ diện rõ nét cũng đã là một dấu ấn, chi phối hồn vía những ca khúc của anh.
Ngựa, bản thân nó là biểu tượng của sự kiêu hãnh, tự do và mạnh mẽ. Điều đó, hình như chỉ thể hiện duy nhất một lần trong tác phẩm của TCS: Ngựa bay theo gió, lòng reo muôn vó, trong bài hát “Huế, Sài Gòn, Hà Nội” khi anh muốn nói lên cái không khí háo hức, vui tươi chan hòa của một mơ ước người dân Việt cùng bắt tay nhau xây dựng một mài nhà chung. Còn lại, tất cả hình ảnh ngựa của anh là tuyên ngôn cho những cô đơn, thất bại, đuối mõi, rã rời.
Là những chuyến đi về mõi mệt: Một ngày như mọi ngày xe ngựa về ngủ say (Một ngày như mọi ngày), Ngựa buông vó, người đi chùng chân đã bao lần (Dấu chân địa đàng), thậm chí là cái chết: Ngựa hồng đã mõi vó chết trên đồi quê hương (Xin Mặt trời ngủ yên).
Ngựa với Trịnh Công Sơn còn là nỗi nhớ. Trong bài “Em còn nhớ hay em đã quên” anh viết: Nhớ ngoại thồ ngoại ô xa vắng, hoặc sự trống vắng: Đường phố buồn mọi người đi vắng, trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng (Có những con đường). Trong ca khúc “Phúc âm buồn” ngựa còn là một chia li, đi và ở, một níu kéo tuyệt vọng, là hư vô trên tháng ngày: Người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi, người nhìn dấu xe lăn đi lăn đi trên đời, ngựa xa rồi người vẫn ngồi bụi về với mây. Hoặc Ngưạ xa rồi ngựa xa rồi trên ngày tháng vơi.
Trong “Đóa hoa vô thường”, một trường ca hiếm hoi của Trịnh Công Sơn, ngựa mang một đa sắc thái độc đáo, vừa kiêu hãnh, cuống quýt vọng động đất trời: Ngựa hí vang rừng xa, vọng suốt đất trời kia, vừa chấp nhận chia lìa như một tất yếu định mệnh: Để thấy trên đường xa một chuyến xe tựa như vừa đến nơi chia lìa.
Ngựa, đôi khi chỉ là một nốt nhấn xôn xao trong cái tịch mịch của đời người: Gió núi bay qua lao xao bờ bụi, lao xao bờm ngựa (Giọt lệ thiên thu), hay đơn giản là chút đông vui phố xá, bởi, anh vốn cô đơn ngay trong cái đô hội ồn ào xung quanh anh chăng? Có ngày xưa em theo tôi ra quán ngồi bên đường xe ngựa ngược xuôi (Rơi lệ ru người).
Thường khi, trong nhiều ca khúc, với TCS, ngựa còn là cái gì đó vuột thoát như thời gian, chớp mắt đã không thể nào nắm bắt: Vó ngựa trên đời hay dấu chim bay (Xa dấu mặt trời), hoặc chỉ là những gõ nhịp tháng năm của một người ngồi thảnh thơi không chờ đợi: Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ, một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa (Một cõi đi về)
Và cuối, như một thông điệp tự nhiên, ngựa là bắt đầu của một cuộc rong chơi, một ra đi tìm kiếm trong cuộc đời chính mình, dù đôi khi, kiếm tìm ấy có thể chỉ là vô vọng. Trong bài hát “Chỉ có ta trong cuộc đời” TCS viết: Đời vẽ tên tôi mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng, từ đó lên đường phiêu linh.
Tháng mười hai rồi, năm ngựa sắp qua đi, nhớ người nhạc sĩ tài hoa, tản mạn đôi chút với ngựa trong những bài hát của anh để thấy anh cứ mãi đa tình và đa đoan, mãi hoài lãng du và kiếm tìm, có phải? Ta về mang hồn ngựa/ Rượt đuổi tình bâng quơ**. Cảm ơn anh đã mang đến cho cho đời nhiều cung bậc thi vị, dù là những cung buồn.
12/2014
* Từ in nghiêng, từ trong ngoặc đơn, ngoặc kép là chữ dùng của TCS
** Thơ Vũ Dy