Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.108
123.139.284
 
Khuất Nguyên trong trái tim Nguyễn Du. Bài III : Bạn đồng tâm xưa nay được mấy người ?
Nguyễn Anh Tuấn

      

 

Tám bài thơ viết về Khuất Nguyên hoặc có liên quan tới Khuất Nguyên mà chúng tôi đã/ sẽ khảo sát đều được đại thi hào Nguyễn Du viết khi chu du trên sóng nước Tiêu Tương, vùng Hồ Nam - nơi nổi tiếng với “Tiêu Tương bát cảnh” từng thu hút cảm hứng vô hạn của bao thế hệ văn nhân, nghệ sĩ Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam… Đặc biệt là thơ đi sứ của Việt Nam, theo thống kê của một nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong toàn bộ tác phẩm của 53 sứ giả Việt Nam từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX, thơ có nội dung viết về Hồ Nam, Tiêu Tương có tới hơn 700 bài!(1) Một nhà nghiên cứu Trung Quốc khác sau khi thống kê sáng tác của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục (có 132 bài, từ bài số 24 Thương Ngô tức sự đến bài số 64 Nhạc Dương lâu, hơn 40 bài thơ này đều viết ở đoạn hành trình Hồ Nam - Tiêu Tương, tỷ lệ chiếm một phần tư cả tập), đã so sánh với mảng thơ cảm hoài của các sứ thần Việt nam, rồi đi tới nhận định: “Các danh nhân lịch sử thường được các sứ thần Việt Nam đề cập như Khuất nguyên, Giả Nghị, Liễu Tông Nguyên, Chu Đôn Di,… trong đó những bài thơ viết về Khuất Nguyên, Giả Nghị chiếm tới bảy tám mươi phần trăm…Thông qua những bài thơ này, chúng ta không chỉ thấy sự am hiểu của sứ thần Việt Nam đối với kinh điển, điển cố Trung Quốc, đó còn là sự kết hợp tuyệt vời giữa tài học và tình cảm cao thượng được tu dưỡng trong bản thân các sứ thần Việt Nam. Nói về thơ vịnh danh nhân, không thể không kể tới những bài thơ viết theo thể thất luật của Nguyễn Du, như Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu, Trường Sa giả Thái phó, Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch, những bài thơ này thảy đều viết hết sức cảm động.”(2)

Chúng ta tiếp tục tìm hiểu về mảng thơ viết về Hồ Nam - Tiêu Tương của Nguyễn Du có liên quan tới Khuất nguyên.

5. Biện Giả

Bất thiệp Hồ Nam đạo,

An tri Tương Thuỷ thâm?

Bất độc Hoài sa phú

An thức Khuất Nguyên tâm?

Khuất Nguyên tâm, Tương giang thuỷ,

Thiên thu vạn thu thanh kiến để.

Cổ kim an đắc đồng tâm nhân,

Giả sinh nhất phú đồ vi nhĩ.

Liệt nữ tòng lai bất nhị phu,

Hà đắc thê thê “tướng cửu châu”.

Vị tất cổ nhân tri hữu ngã,

Nhãn trung Tương Thuỷ, không du du!

辯賈

不涉湖南道,

安知湘水深。

不讀懷沙賦,

安識屈原心。

屈原心湘江水,

千秋萬秋清見底。

古今安得同心人,

賈生一賦徒為耳。

烈女從來不二夫,

何得栖栖相九州。

未必古人知有我,

眼中湘水空悠悠。

Dịch nghĩa:

Không đi qua Hồ Nam, Sao biết sông Tương sâu. Không đọc phú Hoài sa, Sao hiểu lòng Khuất Nguyên. Lòng Khuất Nguyên, nước sông Tương, Nghìn thu vạn thu trong suốt thấy đáy. Xưa nay mấy ai có được bạn đồng tâm. Bài phú của thư sinh họ Giả chẳng có nghĩa lý gì, Liệt nữ xưa nay không lấy hai chồng, Cần gì phải tất tả đi khắp chín châu tìm vua khác. Chưa chắc người xưa biết có ta, Trước mắt dòng sông Tương lững lờ trôi mãi…

Bản dịch thơ của Mai Quốc Liên:

BÁC GIẢ NGHỊ

Chẳng qua đất Hồ Nam

Sao biết sông Tương sâu?

Chẳng đọc phú Hoài Sa.

Sao biết Khuất Nguyên đau.

Lòng Khuất Nguyên, nước sông Tương

Ngàn năm vạn năm trong thấy đáy.

Đồng tâm xưa nay được mấy ai,

Bài phú Giả sinh vô nghĩa lý

Liệt nữ xưa nay lấy một chồng

Sao lại tìm vua trong chín cõi?

Chắc gì người xưa biết có ta.

Trước mắt dòng Tương dằng dặc mãi.

              Vương Trọng dịch thơ:

Đất Hồ Nam chưa qua

Tương Thuỷ sâu sao biết?

Chưa đọc phú Hoài sa

Lòng Khuất Nguyên cách biệt.

Lòng Khuất Nguyên, nước Tương Giang

Trong veo thấu đáy hàng ngàn vạn năm

Cổ kim hiếm bạn đồng tâm

Những lời Giả Nghị chỉ nhàm đôi tai

Một chồng, liệt nữ xưa nay

Khuất Nguyên sao có thể thay vua thờ?

Sông Tương trước mặt lững lờ

Người xưa chắc cũng không ngờ có ta.

Giả Nghị (200-168 TCN) người Lạc Dương (nay thuộc Hà Nam) là một nhà từ phú và chính luận nổi tiếng thời Tây Hán. Ngoài hai mươi tuổi làm quan cố vấn cho nhà vua, không đầy một năm, thăng lên làm Thái Trung Đại Phu (đảm nhiệm chức quan nghị luận, ngự sử), nhiều lần dâng vua nghị luận chính trị đương thời, đề xuất chủ trương cải cách, nhưng bị các đại thần bài xích, ông bị biếm đẩy ra khỏi triều đình làm Thái Phó Trường Sa. Bất đắc chí chết năm 33 tuổi. Khi đi qua sông Tương, ông làm bài phú Viếng Khuất Nguyên, đồng thời than thở cảnh ngộ mình. Tư Mã thiên đã chép về Giả Nghị chung một thiên với Khuất Nguyên trong Sử ký.

Nguyễn Du viết: Không đi qua Hồ Nam, Sao biết sông Tương sâu? Không đọc phú Hoài sa, Sao hiểu lòng Khuất Nguyên? (phú Hoài sa là tên một thiên trong Cửu Chương gồm : Quất tụng, Tích tụng, Trừu tư, Tư mỹ nhân, Bi hồi phong, Thiệp giang, Ai Sính, Hoài sa, Tích vãng nhật). Trong Hoài Sa phú Khuất Nguyên nói lên nỗi lòng bi phẫn của mình sinh không gặp thời, ví mình như ngọc tốt mà không có kẻ dùng, chỉ cái chết mới có thể kết thúc được nỗi đau vô hạn. Sử Ký kể: Hoài Sa được viết sau khi trò chuyện lần cuối với ông lão đánh cá trong tưởng tượng (Ngư phủ từ), như một “tuyệt mệnh từ”, trước khi ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La.

Nguyễn Du cho rằng không ai hiểu Khuất Nguyên bằng mình, kể cả Giả Nghị, và cần đọc Hoài Sa phú để có thể cảm nhận được tấm lòng Khuất Nguyên như một bạn đồng tâm hiếm có xưa nay, như ông: Khuất Nguyên tâm, Tương giang thuỷ, Thiên thu vạn thu thanh kiến để. Cổ kim an đắc đồng tâm nhân- Lòng Khuất Nguyên, nước sông Tương, Nghìn thu vạn thu vẫn trong suốt thấy đáy, Xưa nay mấy ai có được bạn đồng tâm.

Chúng ta hãy thử đọc “tuyệt mệnh từ” Hoài sa phú để hiểu nỗi lòng Khuất Nguyên như Nguyễn Du đề nghị.(3)

Hãy trở lại những lời thơ ngắn gọn mà trang trọng như nỗi niềm thổn thức của Nguyễn Du trước dòng sông Tương trong suốt tưởng nhớ Khuất Nguyên. Sau khi nói về cái lẽ đời chẳng mấy ai có được bạn đồng tâm tương khí, Nguyễn Du bắt đầu nói về bài phú của người dù yêu quý trân trọng Khuất Nguyên, dù đã ném bài viếng xuống sông Tương như mấy tiền nhân đã làm để tìm sự đồng cảm, song đã không hiểu thấu tấc lòng của Khuất Nguyên bằng câu viếng: Lịch cửu châu nhi tướng kỳ quân hề, hà tất hà thử đô dã (Trải chín châu mà tìm vua, hà tất ôm lấy cố đô ấy mà nhớ mong), có hàm ý chê Khuất Nguyên ngu trung, cổ hủ. Nguyễn Du đã bác lại luận điểm mà theo ông chẳng có nghĩa lý gì (đồ vi nhĩ) của người thư sinh họ Giả: Liệt nữ tòng lai bất nhị phu, Hà đắc thê thê “tướng cửu châu”. Liệt nữ xưa nay không lấy hai chồng. Cần gì phải tất tả đi khắp chín châu tìm vua khác. Khi viết Phản Chiêu hồn, Biện Giả Nghị, Nguyễn Du rõ ràng đã thấy rằng: Tống Ngọc và Giả Nghị tuy đều là những nhân sĩ có lòng thương tình trọng tài của Khuất Nguyên một cách chân thành, song đã không thấu hiểu tấc lòng cùng ý chí cao vời của ông. Nguyễn Du phản đối Giả Nghị chê Khuất Nguyên không biết đi khắp chín châu mà tìm vua khác, trong khi đó lại kêu gọi Hồn đừng trở về nơi có vua ấy ngự, tưởng đâu có sự mâu thuẫn; song thực ra, điều gan ruột mà Nguyễn Du muốn bộc bạch là: nếu có đi tìm vua khác, hay tìm chốn dung thân, thì cần tìm về chốn thái hư (Tảo liễm tinh thần phản thái cực- Phản chiêu hồn) - nơi trong sạch, nguyên sơ có thể sản sinh nuôi dưỡng những vị vua biết quý trọng hiền tài… Hơn nữa, chúng ta cần nhớ, Nguyễn Du cũng từng chê trách sự thiếu sáng suốt của Phạm Tăng- người chỉ biết giữ lòng trung với nước Sở mà không chịu hiểu “mệnh trời” đã thuộc về nhà Hán: Bao nhiêu kẻ hết lòng trung với người mình thờ, Thường bị thiên hạ cười là ngu (Đa thiểu nhất tâm trung sở sự, Mỗi vi thiên hạ tiếu kỳ ngu. Á phủ mộ). Và cũng chính Giả Nghị đã cho rằng mình lầm, chưa hiểu nổi Khuất Nguyên; theo Sử ký: “Thái sử công nói: tôi đọc Ly tao, Thiên vấn, Chiêu hồn, Ai Sính thương cho chí ông. Tôi sang Trường Sa xem quãng sông Khuất Nguyên trẫm mình, không lần nào không khóc. Khi thấy Giả Sinh viếng ông, tôi lấy làm lạ về chỗ tài giỏi như Khuất Nguyên nếu đi sang chư hầu thì nước nào mà chẳng dùng, tại sao làm khổ mình như thế? Đến khi đọc bài phú Phục điểu thấy nói đến việc coi sống chết như nhau, coi thường việc đi hay ở, bấy giờ lòng luống bâng khuâng tự biết là lầm!” (4) (Bài Phục điểu phú - phú con cú, Giả Nghị viết: “Sống như trôi chừ, chết kia như nghỉ”- ý nói Khuất Nguyên là một người không phải như hạng Tô Tần lo mưu lợi cho mình mà là người yêu nước cho nên coi thường sự sống chết”). Không phải ngẫu nhiên mà Tư Mã Thiên đã chép Khuất Nguyên và Giả Nghị vào chung một thiên trong Sử ký.

Từ những suy tư về chính sự đó, Nguyễn đi vào hai câu kết: Vị tất cổ nhân tri hữu ngã, Nhãn trung Tương Thuỷ, không du du! Chưa chắc người xưa biết có ta, Trước mắt sông Tương lững lờ trôi mãi.

Người xưa biết hay không biết đến ta, đâu có phải là điều đáng bận tâm, điều quan trọng là ta đã hiểu nỗi niềm người mà ta kính phục, thế là đủ; và dòng sông ngàn đời vẫn cứ lững lờ trôi theo quy luật, bất chấp mọi thị phi, hiểu lầm, sỉ nhục, sự sủng ái hay thất sủng, để lưu dấu trong đáy lòng sông hình bóng một Con người mà thế gian muôn đời thương xót, quý trọng, cảm phục.

Nếu ở bài thơ Biện Giả Nghị, Nguyễn Du có ý chê trách chàng thư sinh đời Hán không hiểu Khuất Nguyên, thì ở bài thơ sau đây, ông lại có thái độ khác hẳn đối với người được chép chung một thiên với Khuất Nguyên trong Sử ký, điều đó có lý do xác đáng mà ông sẽ diễn giải chân tình:

6. Trường Sa Giả thái phó

Giáng Quán võ nhân hà sở tri,

Hiếu Văn đạm bạc đạn canh vi.

Lập đàn bất triển bình sinh học,

Sự chức hà phương chí tử bi.

Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ,

Nhật tà dị vật hữu lai thì.

Tương Đàm chỉ xích tương lân cận,

Thiên cổ tương phùng lưỡng bất vi.

長沙賈太傅

絳灌武人何所知,

孝文澹泊憚更為。

立談不展平生學,

事職何妨至死悲。

天降奇才無用處,

日斜異物有來時。

湘潭咫尺相鄰近,

千古相逢兩不違。

Dịch nghĩa:

GIẢ THÁI PHÓ Ở TRƯỜNG SA

Giáng Hầu, Quán Anh là những kẻ võ biền có biết gì. Vua Hiếu Văn không tha thiết gì cả nên sợ thay đổi. Đứng mà bàn luận suông không thể bày tỏ cái học một đời mình. Làm hết chức phận, còn ngại gì mà đến nỗi phải chịu chết đau thương. Trời ban cho tài lạ mà không có chỗ dùng. Trong bóng chiều tà có lúc chim lạ đến. Tương Đàm với đây gần nhau chỉ trong gang tấc. (Sống cách nhau) nghìn năm, gặp nhau, cả hai bên không có gì trái nhau.

                   Vương Trọng dịch thơ:

Biết gì Quán, Ánh võ biền

Hiếu Văn sợ mới, chỉ quen duy trì

Giúp vua chẳng được mấy khi

Không tròn phận sự, chết đi tỏ lòng

Kỳ tài không có chỗ dùng

Điềm hung, chim lạ báo ông chiều tà

Tương Đàm gần với Mịch La

Ngàn năm ý hợp hai nhà gặp nhau.

Đất Hồ Nam chưa qua

Tương Thuỷ sâu sao biết?

Chưa đọc phú Hoài sa

Lòng Khuất Nguyên cách biệt.

Lòng Khuất Nguyên, nước Tương Giang

Trong veo thấu đáy hàng ngàn vạn năm

Cổ kim hiếm bạn đồng tâm

Những lời Giả Nghị chỉ nhàm đôi tai

Một chồng, liệt nữ xưa nay

Khuất Nguyên sao có thể thay vua thờ?

Sông Tương trước mặt lững lờ

Người xưa chắc cũng không ngờ có ta.

Giả Nghị là bậc hiền tài, muốn cải cách nhưng gặp bọn võ tướng nắm giữ triều chính chẳng biết gì, nhà vua Hiếu Văn, tính cũng ngại mọi sự đổi thay nên Giả Nghị bị đày ra làm Thái Phó Trường Sa. Được ba năm thì chết vì bất đắc chí, tài không có chỗ dùng. Giả Nghị với Khuất Nguyên: hai người ở cách nhau ngàn năm, nhưng Tương Đàm và Trường Sa cách nhau không xa. Hai người cùng gặp gỡ nhau chỗ này, người thì ôm đá trẫm mình, người thì làm thơ viếng thả xuống sông, phải có mối đồng cảm ở mức độ sâu xa.

Nguyễn Du đưa ra những nhân vật lịch sử mà ông đánh giá trực tiếp về tài năng, nhân cách để đối lập với Giả Nghị: Giáng Hầu (tước Chu Bột) và Quán Anh đều là võ tướng, có công khai quốc nhà Hán được Hán Văn Đế trọng dụng, nhưng thực chất chỉ là bọn võ biền. Vua Hiếu Văn tức Hán Văn Đế tính đạm bạc chẳng thiết tha gì nên ngại mọi sự thay đổi. Sau đó, ông luận bàn về cách hành xử của Giả Nghị, có ý tiếc cho người tài năng, tâm huyết mà không thức thời, thiếu tỉnh táo: Đứng mà luận bàn thì không thể bày tỏ hết cái học một đời mình. Làm hết chức phận, còn ngại gì mà đến nỗi phải nhận cái chết đau thương. (Đương thời có câu thơ khen Giả Nghị: Cố nhân sự nhất chức, khởi cám cấu nhiêu vi, nghĩa là người xưa giữ chức vụ gì không dám làm cẩu thả; đồng thời cũng nói tới chuyện Giả Nghị coi cái chết của Lương Hoài vương do ngã ngựa là bởi mình không làm tròn trách nhiệm, nên đau buồn mà mất năm mới 33 tuổi.) Nhưng sau khi có hàm ý trách nhẹ như thế, Nguyễn Du liền bày tỏ mối đồng cảm sâu sắc với người Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ. Bởi chính ông trong nhiều năm ròng cũng là người ôm nỗi niềm tương tự: Trời ban cho tài lạ mà không có chỗ dùng, Đeo đẳng thông minh để thiệt đời (Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân-Tự thán II), Văn chương bình sinh như chim phượng trong lồng nát (Sinh bình văn thái tàn lung phượng- Tống Nguyễn Sĩ Hữu Nam quy). Giữa cảnh hoàng hôn cô quạnh trên sông Tương, Nguyễn Du tưởng tượng ra cảnh một con chim lạ đến đậu bên chỗ Giả Nghị ngồi khiến ông rất lo lắng, cho là điềm gở: Trong bóng chiều tà có lúc chim lạ đến. Và chi tiết này tựa một ký ức lóe sáng giúp Nguyễn Du chợt nhận thấy oan hồn Khuất Nguyên quanh quất đâu đây, giữa mối “liên tài liên tình” giữa những con người xa cách trong thời gian song lại xiết bao gần gũi trong không gian: Tương Đàm với đây gần nhau chỉ trong gang tấc. (Sống cách nhau) nghìn năm, gặp nhau, hai bên không có gì trái ngược nhau, chung một nỗi chua cay! Viết về Giả Nghị cũng là thêm một cơ hội để Nguyễn Du tưởng nhớ tới con người mà ông xót thương, ngưỡng mộ vô hạn.

7. Ngũ nguyệt quan cạnh độ

Hoài Vương qui táng, Trương Nghi tử,

Sở quốc từ nhân ký bội lan.

Thiên cổ chiêu hồn chung bất phản,

Mãn giang tranh cạnh thái vô đoan.

Yên ba diểu diểu không bi oán,

La cổ niên niên tự tiếu hoan.

Hồn nhược quy lai dã vô thác,

Long xà quỷ vực biến nhân gian.

五月觀競渡

懷王歸葬張儀死,

楚國詞人記佩蘭。

天古招魂終不返,

滿江爭競太無端。

煙波渺渺空悲怨,

羅鼓年年自笑歡。

魂若歸來也無托,

龍蛇鬼蜮遍人間。

Dịch nghĩa:

THÁNG NĂM XEM ĐUA THUYỀN

Hài cốt của Hoài Vương được đưa về chôn (ở nước Sở), Trương Nghi đã chết. Nhớ người thơ nước Sở đeo hoa lan. Nghìn thuở gọi hồn nhưng cuối cùng hồn chẳng về. Đầy sông đua tranh thuyền, thật chẳng có nghĩa lý gì. Trong khói sóng mênh mông, (lòng ta luống) những đau thương và oán giận. Hàng năm chiêng trống chỉ để vui chơi nô đùa. Hồn ví có về thì cũng không có nơi chốn nương tựa. Rắn rồng quỉ quái ở khắp nhân gian.

Bùi Kỷ- Phan Võ- Nguyễn Khắc Hanh dịch thơ:

Hoài vương qui táng, Trương Nghi chết,

Nước Sở còn ghi khách bội lan.

Nghìn thuở gọi hồn nào có thấy?

Đầy sông đua chải thật thêm nhàm!

Nước mây nhiều lúc sầu thương hão,

Chiêng trống hàng năm hát múa tràn.

Nếu thật hồn về không chỗ ở,

Rắn rồng quỷ quái khắp nhân gian.

Vương Trọng dịch thơ:

Hoài Vương táng, Trương Nghi tiêu

Lòng dân nước Sở nhớ nhiều Khuất Nguyên

Ngàn xưa, phí hội đua thuyền

Gọi hồn, hồn chẳng chịu lên lần nào

Mịt mù khói sóng nhìn đau

Hàng năm chiêng trống gọi nhau tưng bừng

Giá hồn về được, cũng đừng

Rắn, rồng, quỷ quái khắp vùng nhân gian

Theo ông Phạm Trọng Chánh, Nguyễn Du viết bài Ngũ Nguyệt Quan Cạnh Độ khi đi giang hồ năm 1789, ngày mùng 5 tháng 5 Ất Dậu. Trên khắp sông Tương ngày này có tổ chức đua thuyền, và ném bánh lá tro xuống sông tưởng nhớ Khuất Nguyên. Khi đi sứ, Nguyễn Du đi qua nước Sở từ 18-7 đến 30 tháng 7 năm  Quí Dậu (1813). Ngày mùng 5 tháng 5, Nguyễn Du còn ở thành phủ Ngô Châu. Đợt về thì ngày 29-3 năm Bính Tuất, Nguyễn Du đến Trấn Nam Quan, do đó không thể dự tết Đoan Ngọ tại sông Tương.(5) Chúng tôi tán thành luận điểm này.

Câu đầu là một dòng thơ mang tính chất sử ký cô đúc lịch sử: Hoài Vương vua nước Sở không nghe lời can của Khuất Nguyên cứ đi hội với vua Tần, bị Tần bắt giữ lại, sau khi chết mới được đưa về nước Sở chôn. Trương Nghi  là nhân vật thuyết khách chủ trương thuyết  “liên hoành” liên kết sáu nước Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Ngụy để phò Tần chống thuyết “hợp tung” sáu nước hợp thành một để đánh Tần của Tô Tần. Trương Nghi từng làm tướng quốc nhiều nước, từng sang Sở mua chuộc các đại thần và Trịnh Tụ, vợ yêu của Sở Hoài Vương, dèm Khuất Nguyên để Khuất Nguyên bị đi đày và hắn ta làm tướng quốc. Sau bị lộ mưu, chạy về Tần rồi sang Ngụy, chết ở Ngụy.

Câu hai trực tiếp nói về Khuất Nguyên: Sở quốc từ nhân ký bội lan, nhớ người đeo hoa lan nước Sở, gợi đến Ly tao có câu: Xâu kết hoa lan để đeo vào người (Nhận thu lan dĩ vi bội), một câu thơ mà khái quát lên toàn bộ nhân cách cao quý của một con người hương thơm lưu truyền mãi từ ngàn xưa tới nay. Nhưng Thiên cổ chiêu hồn chung bất phản, cũng trong nghìn thuở ấy, nỗi oan của Hồn lớn đến nỗi biết bao người viếng hồn, gọi hồn, nhưng hồn chẳng thể về, nỗi buồn nặng trĩu cả câu thơ! Hồn chẳng về bởi nhiều lý do, trong đó có cảnh tượng bày vẽ hình thức: Đầy sông đua tranh thuyền, thật chẳng có nghĩa lý gì. (Mãn giang tranh cạnh thái vô đoan). Chính vì thế mà Yên ba diểu diểu không bi oán - Trong khói sóng mênh mông, lòng ta xiết bao đau thương và oán giận, có cả nỗi bi oán của Khuất Nguyên khi đương thời không hiểu ông và đến ngàn năm sau vẫn chưa hiểu nổi, thế nhưng, bao thế kỷ qua, hàng năm chiêng trống vẫn diễn ra chỉ để vui chơi nô đùa phù phiếm, (La cổ niên niên tự tiếu hoan). Hai câu thơ trong liên 2 và 3 (thực và luận) như đay lại cùng một ý: sự vui chơi vô tâm chẳng có nghĩa lý gì hết trong ngày 5 tháng 5, thực ra để chuẩn bị cho hai câu kết nặng nề phản ánh tâm trạng nhà thơ lúc ấy, cái tâm trạng sẽ được diễn tả một cách bi phẫn trong Phản chiêu hồn về sau này. Trước cảnh tượng đám đông hồ hởi say sưa trong lễ hội truyền thống kỷ niệm Khuất Nguyên, nhớ lại những lời thơ Chiêu hồn của Tống Ngọc, thi hào Nguyễn Du bất giác thốt lên lời gọi Hồn oan nước Sở: đừng có về nữa Hồn ơi, dù hồn muốn về, bởi nếu có về thì đâu có nơi nương tựa, khắp trần gian này chỉ rặt có quỷ quái rắn rồng độc ác ăn thịt người! Hai câu kết điệp với câu bốn của bài Ngũ nguyệt quan cạnh độ càng làm nổi bật sự xót thương niềm kính trọng vô hạn của tác giả đối với Khuất Nguyên: Thiên cổ chiêu hồn chung bất phản, Nghìn thuở gọi hồn nhưng cuối cùng hồn chẳng về!

Bài thơ này nếu so sánh, chồng văn bản với các bài thơ đã khảo sát sẽ thấy sự trở lại về chủ đề, tiếp tục mạch suy tưởng sâu nặng, nguồn thi hứng dạt dào của Nguyễn Du đối với nhân vật lịch sử Khuất Nguyên.

Để hiểu thêm bài thơ này, có lẽ nên tham khảo đoạn văn của tác giả Vương Dật thế kỷ II: “Nhân dân ở đấy (quanh sông Tương) tin vào thần linh và sùng kính chúng. Trong thời gian cầu nguyện thì phải hát và biểu diễn, đánh trống và múa nhảy để cầu các thần linh về. Khuất Nguyên trong những ngày lưu lạc của mình đã tìm thấy chốn nương thân ở vùng ấy. Nỗi buồn chất đầy ngực, nỗi đau thiêu đốt trong tim, nhà thơ tràn đầy những suy nghĩ u uất. Để khuây khỏa, ông đi ra xem người dân bình thường múa hát vui vẻ như thế nào, uốn nắn họ trong nghi thức hành lễ. Ngôn từ của họ rất mộc mạc, vụng về, và vì vậy ông đã viết ra Cửu ca.”(6) Rõ ràng là dòng sông Tương gắn với những ngày tháng cuối đời Khuất Nguyên khi ông bị đi đày và viết chùm Cửu ca, sau đó chúng đã trở thành những ca khúc dân gian Nhạc phủ trong các chương trình biểu diễn dân gian kéo dài ít nhất đến thời Nguyễn Du được chứng kiến và làm ra bài thơ ta vừa tìm hiểu.

Các chương trình biểu diễn dân gian đó đã biểu hiện sức sống ngàn đời của người dân lao động, trong đó đặc biệt nhất là mang đậm dấu ấn của Khuất Nguyên ở khắp vùng Thương Ngô - Hồ Nam mà Nguyễn Du viết tới 15 bài từ, đây là bài thứ 11:

8. Thương Ngô Trúc chi ca – kỳ 11

Thập chích long châu nhất tự trần,

Xao la qua cổ điếu Linh quân.

Hoàng hoa khuê nữ tham hành lạc,

Khiêu xuất thuyền đầu bất tị nhân.

蒼梧竹枝歌 其十一 

十隻龍舟一字陳,

敲鑼撾鼓弔靈均。

黃花閨女貪行樂,

跳出船頭不避人。

Dịch nghĩa

CA ĐIỆU TRÚC CHI KHI QUA ĐẤT THƯƠNG NGÔ (bài thứ 11)

Mười chiếc thuyền rồng bày hàng chữ nhất. Khua thanh la, đánh trống viếng Linh quân (Khuất Nguyên). Cô gái cài hoa cúc mải xem cuộc vui. Nhảy ra đầu thuyền không tránh người lên xuống…

             Vương Trọng dịch thơ:

Thẳng hàng mười chiếc thuyền rồng

Viếng Linh Quân, tiếng trống cồng vang vang

Mái đầu cài đoá hoa vàng

Mải vui, cô gái chen ngang trước thuyền.

Bài thơ này nằm trong loạt 15 bài cùng tên, viết theo điệu Trúc chi - điệu từ chuyên viết để ca ngợi phong thổ của một địa phương nào đó. Thương Ngô là đất thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay, xưa kia nằm trong bản đồ nước Sở. Nguyễn Du có nhiều bài viết về đất Thương Ngô, như Thương Ngô tức sự, Thương Ngô Mộ vũ, Sở vọng… Cũng theo ông Phạm Trọng Chánh, Nguyễn Du viết chùm thơ này lúc đi giang hồ 1787-1790, có nói đến đua thuyền nhân ngày tết Đoan Ngọ trên sông Tương.(7) (Bài Ngũ nguyệt quan cạnh độ- Tháng năm xem đua thuyền được xếp tiếp liền sau chùm bài này). Lễ hội đua thuyền này được phổ biến rất nhiều vùng Nam Trung Quốc kể cả Đông Nam Á,  nơi có người  gốc  Nam Trung Quốc, nước Sở cũ trú ngụ.

Trong cả chùm 15 bài này, Nguyễn Du miêu tả rất nhiều các cuộc đua thuyền, dạo chơi bằng thuyền, và bày tỏ tình yêu với cảnh sắc, con người Thương Ngô, cho dù nơi đó còn có những tệ nạn, bất công xã hội mà ông châm biếm khá sâu cay. Và trước cảnh đua thuyền trong ngày 5-5, ở bài ca điệu Trúc Chi thứ 11, Nguyễn Du đã không hề có cái cảm giác u uất nặng nề như bài Tháng năm xem đua thuyền - dù trong bài có nhắc tới Khuất Nguyên. Vào ngày này, người ta dùng xương ngãi có vị thuốc rất nồng làm thành hình nhân, hình hổ treo ở trong nhà ngoài sân làm bùa chú đánh dẹp bọn quỷ quái; có người đem xương ngãi treo trên cửa gọi là Kiếm ngãi chém bọn yêu ma trong nhân gian; nhiều nhà đổ đầy gạo nếp vào ống tre, thả xuống sông Mịch la để mong Khuất Nguyên không bị đói. Theo quan niệm: giao long sợ cây chít và màu ngũ sắc, nên không ít nhà đã dùng lá chít gói bánh, dùng chỉ ngũ sắc buộc xung quanh ném xuống sông tế cúng Khuất Nguyên. Còn trên sông Tương, dân chài ở các nơi ở phương Nam đều cử từng đội thuyền tới đây để đua thuyền rồng. Nguyễn Du đã miêu tả chân thực, như một ký sự về cuộc đua thuyền: Mười chiếc thuyền rồng bày hàng chữ nhất. Khua thanh la, đánh trống viếng Linh quân. Linh Quân là cách gọi sùng kính tôn trọng của nhân dân sau khi ông ôm đá trầm mình trên sông Mịch La- một con sông nhỏ chảy vào sông Tương. Hai chữ Linh quân vô tình tạo ra cái hồn thiêng liêng bao trùm cả cuộc vui. Nguyễn Du rất tinh tế và như giấu nụ cười hóm hỉnh khi tả: Cô gái cài hoa cúc mải xem cuộc vui. Nhảy ra đầu thuyền không tránh người lên xuống… Nguyễn Du như hòa cả tâm hồn mình vào sự náo nhiệt tưng bừng của cuộc đua thuyền truyền thống tưởng nhớ Khuất Nguyên, và để bằng cách đó thêm một lần nữa đến với “người đồng tâm” vĩ đại của mình…

***

Trong khi trải nghiệm trên sóng nước của vùng “Tiêu Tương bát cảnh”, đại thi hào của chúng ta đã viết hơn chục bài thơ nhưng hầu như không có một dòng thơ nào ngâm vịnh những cảnh đẹp nổi tiếng của chúng; thiên nhiên tuyệt mỹ như chỉ càng giúp ông thấm thía hơn cái bi kịch đau buồn của Khuất Nguyên dường còn ẩn hiện giữa khói sóng từ suốt hai ngàn năm qua. Và viết về vùng Hồ Nam, ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm hồn Nguyễn Du chỉ là cảnh tang thương khốn khổ của người dân lành gây ra bởi biết bao kẻ Không để lộ nanh vuốt nọc độc, Mà cắn xé thịt người ngọt xớt như đường (Bất lộ trảo nha dữ giác độc, Giảo tước nhân nhục cam như di) khiến ông phải thốt lên tiếng than: Không thấy sao mấy trăm châu ở Hồ Nam, Chỉ có người gầy gò, không ai béo tốt! (Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu, Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì. Phản chiêu hồn), và ông đã không chỉ một lần chảy máu mắt trước cảnh dân lành trong nước cũng như ở nước bạn chết lăn nơi ngòi rãnh, Máu thịt nuôi béo lũ sói lang (Nhãn hạ ủy câu hác, Huyết nhục tự sài lang. Sở kiến hành).

Viết về Khuất Nguyên với tất cả sự đồng cảm sâu sắc của một “đồng tâm nhân” cùng sự đánh giá xác đáng của một người cầm bút “quán thông kim cổ”, Nguyễn Du đã vô tình bộc lộ bản lĩnh tâm hồn lẫn bản lĩnh văn chương có thể sánh ngang với văn hào Trung Hoa cổ đại. Tám bài thơ trên quả là đã mang những phẩm chất cao quý để văn chương Nguyễn Du đạt tới độ Nghìn thuở nơi chín suối vẫn có mùi hương (Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương. Âu Dương Văn Trung Công mộ).

_______________________

1,2. Zhan Zhihe. Thơ đi sứ chữ Hán của Việt Nam trong mối quan hệ với văn hóa Hồ Nam. Nguyễn Đình Phức dịch (Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Du. Nxb ĐHQG, TPHCM, 2015, tr.133, 134)

3. Phú Hoài Sa: Tiết đầu hè nóng bừng, cây cỏ tươi tốt xanh  mượt. Lòng cứ tưởng nhớ thương xót mãi. Rảo bước nhanh về phương Nam, trông vời mù mịt, bốn bề lặng im phăng phắc. Uất ức rồi đau, chỉ thấy lòng sầu khổ mà khốn hoài. Suy tình xét chí. Oan khuất mà tự dằn lòng. Chỉ vì mình ngay thẳng không thể  đẻo vuông  ra tròn, biết sự phải lòng không thể thay đổi.  Đổi đầu bỏ gốc, người quân tử lấy làm hổ thẹn. Vạch rõ đúng mực, ý trước sau cũng không đổi. Tính tình trong dày thẳng thắng, bậc đại nhân ưa thích. Lòng như gỗ thẳng, thợ khéo không cần đẽo, ai xét được là thẳng cong. Màu sắc không thể nhìn thấy trong bóng tối. Người mù bảo rằng không đẹp, lim rim đôi mắt. Kẻ loà bảo rằng mắt anh ta không sáng. Không thể lấy trắng làm đen, lấy trên làm dưới. Phượng hoàng bị nhốt trong lồng, để gà vịt múa may. Ngọc lẫn với đá, không thể cùng sánh nhau. Nghĩ người bè đảng, chật hẹp ngoan cố, chẳng biết lòng ta như thế nào ?. Lòng như gánh nặng chở nhiều nên sa lầy không qua được. Mang ngọc cẩn, cầm ngọc du không biết giơ lên để ra hiệu lệnh cho ai. Chó trong ấp sủa cả bầy, vì con này sủa con khác cũng sủa.  Sủa vì thấy quái dị. Chê tuấn ngờ kiệt vốn là thói của kẻ hèn. Văn thì sơ mà chất thì chắc, chúng chẳng biết tài vẻ lạ của ta. Tài năng bỏ xó vì chúng không biết ta có gì. Ta trọng nhân theo nghĩa, lấy cẩn thận trọng hậu làm sự giàu có. Ta chẳng gặp được minh quân như vua Thuấn, ai biết được ta ung dung đúng đắn. Thánh hiền xưa nay vốn chẳng sánh cùng nhau. Há biết là vì cớ gì. Vua Thang, vua Vũ đã xa từ lâu. Xa xôi rồi không  ai mến biết tài ta, nên ta nuốt tủi nhịn hờn, tự gắng dằn lòng. Gặp đau khổ chẳng thay đổi. Nguyện ý chí làm mẫu mực. Đường tiến về Bắc, ngày xâm xẩm tối rồi, khuây buồn thương nguôi. Đời có hạn ở  cái chết. Nhìn mênh mông sông Nguyên Tương, cuồn cuộn sóng dồi, khúc cuối sông chia hai nhánh chảy vào Động Đình Hồ. Đường dài tối tăm, nẻo xa mù tít mù. Mang tâm sự một mình, cô đơn chẳng thổ lộ cùng ai. Bá Nhạc đã mất, ngựa ký  chạy ngàn dậm ai xem được. Đản sinh đều có mệnh, mỗi người yên một chỗ. Lòng vững chí rộng ta có sợ hãi gì. Sau cứ xót thương nhiều than thở mãi… Đời đục ngầu chẳng ai biết đến ta. Lòng người không thể phó cho thiên hạ. Biết chết mà không thể tránh được. Nguyện chớ yêu tiếc thân mình. Các bậc quân tử sáng suốt, Ta lấy làm mẫu mực cho mình. ( Khuất Nguyên. Sở Từ. Đào Duy Anh và Nguyễn Sĩ Lâm dịch và chú thích. Nxb Văn Học, Hà Nội 1974.)

4. Sử ký. Tư Mã Thiên. Phan Ngọc dịch. Nxb Văn học & TT văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, HN-1999

5, 7. Nguyễn Du trên quê hương Khuất Nguyên. Vanhoanghean.

6. Dẫn theo: I.X. Lixêvich. Tư tưởng văn học cổ Trung quốc. Trần Đình Sử dịch. Nxb Giáo dục 2000. tr. 233

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 3746
Ngày đăng: 22.04.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con người hiện hữu tồn lưu - Võ Công Liêm
Hiện hữu tồn lưu đặc chất ưu tiên - Võ Công Liêm
Phố quê trong thành phố - Vinh Anh
Lưu Quang Vũ, càng thương yêu càng không vừa ý - Nguyễn Đức Tùng
Điêu khắc Mỹ - Võ Công Liêm
Đạo mẫu và tín ngưỡng Thờ Tam Phú, Tứ Phủ qua trật tự các giá hầu - Đặng Xuân Xuyến
Ý niệm mới về ngã mạn - Võ Công Liêm
Trương Văn Dân – Nếu không từ một áng mây trôi… - Hoàng Kim Oanh
Khuất Nguyên trong trái tim Nguyễn Du. Bài I : Hương hoa lan của hồn oan nước sở - Nguyễn Anh Tuấn
Văn chương vượt thoát - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)