Tôi thật sự bị cuốn hút bởi hình ảnh người mẹ trong bài thơ Ngôi nhà của Vũ Trọng Quang:
“Một tay ôm con một tay ôm đàn
không còn tay nào mẹ vẫy chào khu rừng lãng mạn khói lửa”
Hai câu thơ đầu chứa đựng nhiều lạ lẫm. “Một tay ôm con một tay ôm đàn”, nếu đây là người mẹ của thời bình thì đã rất đẹp. Bởi vì giữa bao vất vả, bận rộn, và có thể là cả khó khăn nữa, người mẹ vẫn giữ niềm đam mê thời thiếu nữ. Đó là tình yêu với âm nhạc. Tình yêu này lớn lắm, khiến người mẹ trẻ phải thu vén thời gian và công việc để nuôi dưỡng nó. Tuy nhiên, đến câu thứ hai, Vũ Trọng Quang đã hướng người đọc sang một tiêu điểm khác. Người mẹ ôm con và ôm đàn trong tao loạn. Mẹ phải giã từ quê hương khói lửa, không còn tay nào để vẫy chào khu rừng lãng mạn. Vậy là, trên hai tay mẹ là con thơ và cây đàn, trong tấm lòng mẹ là quê hương. Mẹ phải rời xa quê hương vì chiến tranh đã lan đến những vùng quê hẻo lánh yên bình nhất. Trong giờ phút nguy cấp đó, giữa cuống quýt hốt hoảng, giữa cái sống và cái chết, giữa bao nhiêu tài sản quý báu cần phải mang theo, mẹ chọn con và cây đàn. Theo bản năng của người phụ nữ, mẹ chọn con là không có gì phải bàn cãi. Nhưng cây đàn thì sao? Nó là âm nhạc, và cao hơn nữa, nó là Cái Đẹp. Từ hành động ôm đàn chạy loạn, có thể nhận ra xuất thân, sở thích và tâm hồn của người thiếu phụ.
Hai câu thơ trên rất giàu sức gợi, nó biểu đạt được hiệu quả của bút pháp ý tại ngôn ngoại trong thi ca. Chỉ với hai câu thơ, người đọc có thể hình dung được tính khẩn trương, gấp gáp, nghiệt ngã của chiến tranh; quyết địnhđầy khó khăn của mẹ và xúc cảm trước cái đẹp bị đọa đày. Đứa con thơ, cây đàn và khói lửa - những hình ảnh tương phản nhau lại có chỗ đứng bên nhau tạo nên một bức tranh đẹp, lạ và độc đáo về người thiếu phụ. Người đàn bà này chắc hẳn không chỉ yêu âm nhạc, có lẽ bà còn yêu cả thơ ca, tiểu thuyết, sân khấu, hội họa(?). Bởi vì, ở thời đại của bà, mẫu phụ nữ được bồi dục thi ca nhạc họa thường có những sở thích và năng khiếu tổng hợp ấy. Họ là những người đẹp hiếm có của nghệ thuật trên nhiều ý nghĩa: vừa là nguyên mẫu của sáng tác, vừa là người thực hành nghệ thuật, vừa là người thưởng thức. Con ngườiquý phái tao nhãnhường ấy lẽ ra phải được sống trong bầu trời hoa mộng với những nốt nhạcvà núi rừng lãng mạncủa mình. Nhưng không, chiến tranh đã cướp đi của bà tất cả, biến bà thành một nạn dân, một chinh phụ vất vả nuôicon trong mòn mỏi ngóng chinh phu, và cuối cùng là trở thành góa phụ.
Rời khu rừng bình yên trong lành, mẹ bắt đầu những tháng ngày lam lũ cơ cực với bầy con thơ dại:
“tôi bắt đầu tôi dưới chân cầu
thở mùi tanh của cá
tắm dòng sông nước đen
từ tiếng rao bán báo tôi lớn lên
từ tiếng gõ vào thùng đánh giầy tôi lớn lên
em dậy thì bên kia sông
tôi tỏ tình bằng im lặng”
Tác giả đã dịch chuyển điểm nhìn sang “tôi”, vừa để thay đổi đối tượng miêu tả, vừa tăng độ chân xác cho hiện thực được nói đến. Tôi lớn lên trong tận cùng cơ cực. Cái nghèo đã buộc tôi kìm nén tất cả những ước vọng, cảm xúc; buộc tôi giấu cơn sóng tình với những rung động đầu đời xuống tận đáy lòng của kẻ hạ lưu. “Tỏ tình bằng im lặng” nghĩa là tôi đang đau khổ, buồn tủi đến cùng cực. Từ những ẩn ức, kìm nén của tôi, có thể thấy được nỗi khó khăn, chua xót của mẹ. Người đàn bà thượng lưu vốn yêu nghệ thuật như lẽ sống của đời mình ấy chắc chắn sẽ phải dằn vặt ghê gớm trong nghịch cảnh này. Đây là bút pháp vẽ mây nẩy trăng. Nhà thơ không miêu tả chi tiết người mẹ đã phải trải qua những tháng ngày che giấu thân phận, vất vả nuôi con như thế nào khi có chồng đi kháng chiến. Anh chỉ nói về mình, về chàng thanh niên đang tuổi dậy thì không dám ngước mặt lên với đời, không dám tỏ bày tình cảm yêu đương của mình bởi sức nặng của thân phận đè nghiến lên tất cả. Đắng cay, thua thiệt, tủi hổ, lặng lẽ, câm nín… đó là tôi; và đó cũng chính là mẹ. Cách thay đổi điểm nhìn này vừa mở rộng trường nhìn của bài thơ, vừa tạo không gian liên tưởng, vừa tăng tần số cảm xúc trong độc giả.
Mẹ nhận được tin mình trở thành góa phụtrong một ngày đan áo:
“Cha tôi bỏ xác trên rừng
mẹ ngồi đan áo mũi kim đâm vào đầu ngón tay
nước mắt rơi xuống hai chữ anh hùng”
Thế giới vỡ vụn. “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy ai về)*. Quy luật của chiến tranh đã ập xuống đời mẹ. Nỗi bàng hoàng, đớn đau sắc nhọn như mũi kim đâm vào đầu ngón tay, xuyên qua trái tim, xuyên qua sự chờ đợi mỏi mòn, xuyên qua ngọn lửa hy vọng phấp phỏng trong phút chốc đột nhiên tắt ngúm.
Kết thúc chiến tranh, người ra đi đã vĩnh viễn không về, mẹ lại chất chồng thêm nỗi đau thời hậu chiến:
“cuộc chiến khốc liệt cuối cùng đã kết thúc
mỗi chúng ta chưa có hòa bình
tôi và em bày ra một xung đột khác”
Xung đột nào giữa tôi và em khiến lòng mẹ chưa nguôi? Xung đột nào khiến trái tim mẹ lại một lần rỉ máu? Trong tột cùng buồn đau mất mát, mẹ lại tìm đến với cây đàn. Âm nhạc sẽ giúp mẹ nguôi ngoai. Cây đàn đã cùng mẹ theo dặm dài năm tháng giờ đây nâng đỡ trái tim tan nát của mẹ:
“Mẹ không còn ngồi đan áo
ngón tay còn nhỏ máu
ngón tay bấm vào dây đàn
nốt nhạc rơi xuống hai chữ anh hùng”
Hình ảnh về nỗi đau được miêu tả rất đẹp, đẹp đến mức dẫu phải rơi nước mắt người đọc cũng nhận rađó là một niềm bi mỹ. Người đàn bà đan áo, người đàn bà đánh đàn là những hình ảnh quen thuộc, nhưng Vũ Trọng Quang đã dựng câu, lập ý vô cùng độc đáo khi gắn kết chúng với những nỗi đau vô bờ bến: tử biệt và sinh ly. Ngón tay nhỏ máu trên mũi kim, ngón tay nhỏ máu trên dây đàn. Máu ứa trên tay, lệ ứ trong tim, không một lời than vãn, người đàn bà của nỗi đau trở nên bất tử. Người đàn bà đan áo, người đàn bà đánh đàn, người đàn bà có chồng tử trận, người đàn bà có những đứa con ly tán trong ý thức hệ... Đẹp đẽ vô cùng, đau đớn vô cùng, thánh thiện vô cùng, bình thường vô cùng, nhưng cũng vĩ đại vô cùng! Oằn vai gánh bi kịch của cá nhân, của gia tộc và dân tộc, mẹ nhấn xuống dây đàn, truyền vào nốt nhạc để cho nỗi đau cắt cứa dần lan tỏa, thấm vào, ngân lên, chìm sâu…
Ta nghe khắc khoải, xót xa trong hai câu thơ có cấu trúc trùng điệp: “nước mắt rơi xuống hai chữ anh hùng…/nốt nhạc rơi xuống hai chữ anh hùng”. Chính hai chữ “anh hùng” đầy ám dụ đã biến cái quen thuộc trở nên lạ lẫm, dập tắt cảm hứng ngợi ca hào hùng thường thấy trong văn chương một thuở, đưa người đọc đối diện với nỗi chua xót trên tầm cao của chủ nghĩa nhân văn.
Vũ Trọng Quang đã đúc kết cuộc đời của mẹ cha trong bài thơ lục bát ngắn sau:
“Từ khi Mẹ bỏ núi rừng
Là buông thân phận xuống đường trầm luân
Máu xương Cha gửi lại rừng
Ngàn thu đổi lấy anh hùng ngàn thu” (Song thân)
“Trầm luân” đời mẹ bắt đầu từ cái ngày “một tay ôm con một tay ôm đàn” giã từ khu rừng lãng mạn để về nơi phố thị, tiếp nối với ngày mẹ nhận tin cha trở thành “anh hùng”.Trầm luân còn đăng đẳng với năm mươi năm “Mẹ ngồi đan thời gian thành chiếc áo sông dài núi cao biển vô tận/hết thảy con đường thanh xuân” để tìm kiếm xác chồng trong bài thơ Chỗ nằm dưới lòng đất. Đó là chuỗi trầm luân trong phần đời còn lại của mẹ được Vũ Trọng Quang viết nên bằng những câu thơ chập bóng u minh, dữ dội hiển linh, hạnh phúc cay lòng ngập chìm trong giằng xé giữa lý trí và tình cảm, va chạm giữa tỉnh thức và mê muội, hoang mang giữa ảo giác và tri giác.
Người cách mạng đi tìm xác người cách mạng bằng ngoại cảm. Đó là gì? Là sự bất lực của hiện thực, duy vật, biện chứng trước vô hình, duy tâm, siêu hình? Là tột đỉnh của nỗi khát khao đưa người đã khuất về lại nơi chôn rau cắt rốn bằng mọi giá? Là khát vọng kiếm tìm để xác minh một sự thật trước những hồ nghi, hoang mang? Là an ủi vong linh người anh hùng mấy mươi năm làm ma phiêu bạt, làm chiến sĩ vô danh? Là làm yên lòng người đang sống suốt một đời mong ngóng nắm xương tàn?...Đi tìm hài cốt cha trong phức cảm đó, “tôi” chẳng có gì ngoài việc “trang bị mãnh liệt lòng thành khẩn”,mở cửa tâm linh, bóc từng bí mật dưới lòng đất “như bí mật sống bí mật yêu bí mật cầm súng bí mật ngã xuống”. Và cuối cùng, sau bao chân thành khấn nguyện, ngoan ngoãn phục tùng,nhạy bén cảm nhận, “toàn thân tôi run lên miệng tôi há hốc mắt tôi rực sáng”. Tôi đã tìm thấy người cha năm mươi năm nằm dưới lòng đất hoang lạnh. “Thắp hàng nến sáng lên nhang khói mịt mùng”, “đêm nay không mộng mị nhớ câu thơ tiên tri”, không còn thao thức kiếm tìm, không còn hồ nghi băn khoăn, tôi ngủ “được giấc tròn thanh thản”.
Giữa niềm hạnh phúc oái oăm của kẻ thành công trong việc xác minh sự chết, tôi gom những chữ nghĩa được chắt ra từ đau thương của đứa con mồ côi để chắp vào đôi cánh cú mèo huyền ảo vút lên, “đưa chiếc áo năm mươi năm đan xong bay về trời”. Chiếc áo của người góa phụ sau nửa thế kỷ đã trao đúng tay người nhận. “Thêm một lần Mẹ rưng rưng đội mang khăn đẹp”. Vẫn là màutrắngcủa mất mát nhưng đó là màu khăn tang mãn nguyện.Vành khăn vừa như tiễn biệt vừa như chào đón một người về với thiên thu, thỏa mãn ước vọng cuối cùng của người góa phụ khao khát tìm kiếm chồng dẫu chỉ là xương cốt, chỉ là tro bụi. Hiểu được nỗi niềm đó của người đan áo, nhà thơ bật lên tiếng kêu tha thiết vò xé tâm can người đọc:
“Cha ơi
con yêu tro bụi vô cùng”
Từ những câu thơ chân thực, Vũ Trọng Quang đã cho ta thấy hai quãng đường đời của mẹ: quãng đời núi rừng lãng mạn và quãng đời phố thị trầm luân. Bằng những hình ảnh đời thường, ý thơ khắc khoải, tình cảm mạnh mẽ dữ dộikhitiết chế, khi bung tỏa mang đậm khí chất nam nhi, nhà thơ đã thể hiện tình yêu thương, lòng trân trọng đối với tình mẹ, đời mẹ một cách da diết chân thành. Vậy mà, khi mẹ lìa xa cuộc sống này, tổng kết đời thơ của mình trong bài Mẹ, Vũ Trọng Quang vẫn không thôi dằn vặt:
“Con vẫn thiếu hồn thơ viết về Mẹ”
Viết về mẹ, trước tình mẹ, đời mẹ, mọi chữ nghĩa đều bất lực. Cũng đúng thôi:
“Thơ nhỏ bé bởi do Người vĩ đại
Chới với chạy theo con lạc dấu chân
Lúc Mẹ núi rừng chữ còn khờ dại
Khi Mẹ trầm luân ý tứ hóa không không”(Mẹ)
Không chỉ riêng gì chữ của Vũ Trọng Quang, mà chữ của con, của chúng con - của tất cả những nhà thơ trên thế gian này - vẫn luôn luôn và sẽ mãi còn khờ dại trước những người mẹ. Tôi hiểu, với bàiMẹ, Vũ Trọng Quang đang khóc mẹ bằng thơ, bằng vốn chữ nghĩa sau một thời trai trẻ “bay bổng mộng mơ vô ích chao nghiêng”, chợt giật mình nhìn lại, nhận ra cómột khoảng trống lớn lao cho sự tôn kính thiêng liêng chưa được lấp đầy. Có lấp được không? Chắc chắn là không! Bởi vì, để báo đáp mẹ, dù báo đáp bằng thơ hay bằng gì đi nữa, chúng ta vẫn như đang đi về phía đường chân trời, cứ thấy đường chân trời trước mặt nhưng đi hoài không tới. Vì thế, những lời tự dằn vặt sau đây của anh đã nói hộ bao người:
“Những dòng này như những dòng tự khảo
Những dòng này không xứng gọi bài thơ
Bút mực của đời, của con cân não
Đã từ lâu bất lực đến bây giờ” (Mẹ)
Tôi hiểu, đây không phải là sự khiêm tốn. Đây chính là sự bé nhỏ của người con trước mẹ. Bút mực bất lực, ý tứ chênh chao, lòng riêng thổn thức, bao nhiêu câu thơ là bấy nhiêu niềm đau của chữ.
Tuy nhiên, với tư cách là một người con, một người mẹ và là một độc giả, xin nhắn gửi với nhà thơ rằng: Chỉ trong bốn bài thơ, anh đã khắc ghi trong chúng tôi một hình tượng người mẹ đẹp đẽ tuyệt vời. Anh đã báo hiếu mẹ bằng chính tâm hồn yêu văn chương nghệ thuật mà anh thừa hưởng từ mẹ trong những tháng ngày trầm luân cơ cực nhất. Mặc dù vẫn biết anh sẽ không thôi day dứt, nhưng đành vậy, vì muôn đời là vậy: “Thơ nhỏ bé bởi do Người vĩ đại”. Do Mẹ anh, Mẹ tôi, Mẹ của chúng ta quá vĩ đại mà thôi!
Huế, Mùa Vu Lan 2018
------------------------
CHÚ THÍCH
* Thơ trong bài Lương Châu từ của Vương Hàn