Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.128
123.141.061
 
Vương vị vô thường
Đỗ Nhựt Thư

 

 

   

            Ngày 12 tháng tư năm Giáp tí  - 1744 Nguyễn Phúc Khoát được quần thần suy tôn lên ngôi chúa, lấy hiệu là Võ vương.

  

            Ông vốn thông minh, cương nghị, quyết đoán… Đã yên bề nội trị, cho xây dựng phủ Phú Xuân thành kinh đô có quy củ tương đối hoàn chỉnh lại huấn luyện được lực lượng quân sự hùng cường, các xứ Chân- lạp, Ai- lao đều thần phục và triều cống.

   Ông định lại y phục cho các quan và nội cung, là người sáng tạo ra cái áo dài cho dân Việt phỏng theo áo của người Chăm và xường xám của Trung Hoa.

   Năm 1757 vương hoàn thành xong cuộc nam tiến của Đại Việt, các tôn thất của nước Chân- lạp vì tranh giành vương vị đã dâng đất đai cho ông để được ông cứu giúp và lãnh thổ nước ta đã giáp biển xứ Hà Tiên.  

     Ông cao ngạo lắm, cha ông ai được như ông? Lãnh thổ rộng lớn, tài vật dồi dào, lân bang nể sợ. Ông chỉ cho vài đạo quân là đánh đuổi Nặc Hinh chiếm được Nam Vang dựng ngôi cho Nặc Ông Tôn dễ như trở bàn tay, Ông Tôn là con Nặc Ông Nhuận, ông bị rễ là Nặc Hinh giết để cướp ngôi nên Ông Tôn qua cầu cứu Vũ vương giúp đỡ nhằm lấy lại ngôi báu.

    Còn chúa Trịnh ở đàng ngoài thấy thế lực của ông hùng hậu cũng e ngại nên bao năm không dám xâm phạm.  

            Ai ai cũng ca ngợi ông là một vị vương anh hùng. Những tưởng là thời thịnh trị dài lâu nào ngờ hết thịnh rồi suy.

   Xứ sở thái bình, việc cai trị đã vào nề nếp, vương rãnh rỗi lắm, ông cho phép mình hưởng lạc, những sơn hào hải vị, những vò rượu quý uống mãi cũng nhạt phèo, thê thiếp nhiều nhưng ông chưa một lần biết yêu, họ dâng hiến cho ông như cua gặp ếch, ông chán. 

   Mới ngoài tứ thập, tinh lực dồi dào mà ông không vui. Trương Phúc Loan vốn là cậu của vương, đang là đại thần phụ chính kề cận biết được ý ông. Vốn tham tàn độc ác, mưu sâu lại muốn leo cao, lão ton hót và dẫn vương vào con đường tình ái, nhưng bao nhiêu gái đẹp lão tiến dâng mà vương vẫn không tha thiết mặn nồng.

   Biết Công nữ Ngọc Cầu con Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền có nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn, thi thư gồm đủ, yểu điệu thục nữ lại thông minh lanh lợi, lời lời nhờ biết đoán ý mà đẩy đưa lại có tư kiến; âm giọng dịu êm như rót mật vào tai làm mê hoặc lòng người. Nàng là em con ông chú của vương, nhưng vì mong ân sủng Trương đã dàn xếp cho nàng vào cung cho vương gặp gỡ.

 

   Thầy tui khoái hoạt: - A ha! … Thần ái tình đã bật dây cung, tim vương rộn rã, người bỗng lơ ngơ, ông nhuốm bệnh tương tư, sa vào lưới tình tục lụy.

  

   Thế rồi họ mê đắm nhau không kể trời đất, đạo lý, quân thần, dư luận. Quấn quýt không rời, việc nước xao nhãng và Trương Quốc phó dần dần thao túng.            

   Nàng có thai, vương liền rước nàng vào cung phong làm Tứ Vương phi. Họ có 2 trai, vương tử thứ 15 chẳng may mất sớm, vương tử thứ 16 Nguyễn Phúc Thuần lại ra đời trong tiếng rì rầm bêu riếu của các bà phi thất sủng, đành phải nuôi kín trong hậu cung. Hậu cung là chốn ghê gớm lắm, họ đầy rẫy những thủ đoạn và phe nhóm hãm hại nhau, tất cả cũng vì cái ngôi vị tột đỉnh kia: - vương tử nào được nối ngôi là mẫu hậu được hưởng bổng lộc, quyền thế của một bậc thái hậu, được góp ý với vua giải quyết việc quốc gia đại sự. Phụ nữ nhìn xa không qua ngọn cỏ và yêu bằng tai thế là cất nhắc những người thân tình và lũ nịnh hót, bãi chức những trung thần nói năng nghịch nhĩ, cả dòng họ của bà hoàng được hưởng bổng lộc phú quý hiển vinh và đương nhiên các dòng họ của các bà phi kia sẽ bị suy vong, lưu tán. Hậu cung của các đế vương là chốn hang hùm nọc rắn.

    

    Thầy bâng khuâng: - Ngoài đời dân mà loạn luân như thế là lệ làng đã cạo đầu bôi vôi và thả trôi sông, nhưng với hoàng tộc thì không thế, họ là dòng dõi tôn quý trời sinh ra là để đứng trên thiên hạ, đứng ngoại lệ luật. Tất cả tài vật trong lãnh thổ này đều là của thiên tử, vua muốn là trời muốn, nhà có mỹ nhân được vua chúa chọn tiến cung thì thật là đại phúc, thập phần vinh hạnh.

 

     Mà vinh hạnh thật, hai người em trai của công nữ vốn lười nhác, ăn chơi bỗng được làm quan to mặc tình hưởng thụ, hậu phòng của Nội hữu Nguyễn Phúc Viêm có cả trăm thê thiếp, quanh năm gã chỉ biết kiếm lộc và hưởng lạc.

    Trương Thái phó nhờ thế mặc tình thao túng, hãm hại người chống đối, ra sức vơ vét cho vừa lòng tham vô đáy. Có năm sau cơn lụt lão trải vàng bạc châu báu ra phơi đầy cả mảnh sân to trong phủ đệ ở Phần Dương làm sáng rực cả một vùng.

   Hoan lạc quá độ dù được thần y lo liệu hằng ngày nhưng vương cũng mất sớm, ông mới 51. May là ông còn tỉnh táo để di chiếu cho thế tử nối ngôi chúa theo định lệ. Nhưng thế cũng đủ để gây loạn, thế lực của Trương Thái phó và Ngọc Cầu đã đủ sức khuynh đảo triều đình.

     Thế tử Luân sẽ nối nghiệp theo ý vương và quần thần nhưng Ngọc Cầu và Trương Thái phó đã dùng 100 đô sĩ uy hiếp bá quan giành ngôi cho vương tử Thuần khi ấy mới 12 tuổi. Loan cho giết Ý đức hầu Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỳ là thầy của thế tử, thái giám Chữ Đức đem quân lính lên Dương Xuân bắt thế tử tống ngục … Chỉ có giáo Hiến thoát được chạy vào đất võ Bình Định và là thầy của ba anh em nhà Nguyễn Tây Sơn.

     Năm 1771 nhà Tây Sơn khởi nghĩa lấy danh nghĩa phò Hoàng tôn Dương (cháu đích tôn Võ vương) và đánh đổ Trương Quốc phó tham tàn. Họ chiếm dần Bình Định, Phú Yên, Quảng Nghĩa rồi một phần Quảng Nam.

    Chúa Trịnh cũng nhân cơ hội ấy năm 1774 cử danh tướng Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc làm Bình Nam đại tướng quân cất binh vào nam lấy danh nghĩa là giúp Nguyễn đánh Tây Sơn và trừ quyền thần Trương Phúc Loan. Các tướng nhà Nguyễn bấy lâu nay bất mãn Trương Quốc phó nên lần lượt đầu hàng hoặc không ra sức chống trả vị danh tướng nhiều mưu lược, họ tiến như vũ bão.

    Quân Trịnh chiếm đến Hồ Xá. Các quan bày mưu cho Định vương Thuần bắt Trương giao cho Hoàng đại tướng, lại xưng thần với nhà Lê và lễ hậu cho Hoàng  tướng quân mong ông thể tình cho giữ nghiệp chúa. Vị danh tướng vẫn tiến công, đầu năm 1775 tiến vào Phú Xuân, triều đình và tôn thất nhà Nguyễn phải bỏ chạy vào Quảng Nam lại bị quân Tây Sơn đánh ép phía Nam nên phải chạy tiếp vào Gia Định. Quân Trịnh vượt Hải Vân đánh tan quân Tây Sơn tại Cẩm Sa, làm chủ xứ Quảng.   

    Còn Trương Quốc phó trước đó y cũng đã sai con mình ra gặp Hoàng tướng quân, than khóc giải bày hòng chạy tội và dâng vàng bạc châu báu lo lót mong tìm đường sống. Việp quận công cười mỉa: “Vàng bạc châu báu này ở đâu ra mà cha ngươi có nhiều đến thế?” Trương công tử thẹn thùng lí nhí: “Gia đình tiểu nhân phải bán sạch ruộng đất để mong cứu mạng phụ thân.” Trên đường giải về Thăng Long chịu tội Trương vì quá lo sợ mà chết.

    Năm 1777 chúa Thuần bị quân Tây Sơn bắt và xử tử bên bờ sông Cửu Long, họ Nguyễn mất nghiệp chúa từ đó.

 

    Thầy tôi bảo: - Lời nguyền anh hùng không qua ải mỹ nhân lại thêm một minh chứng. Tiếc thay! Một minh quân anh hùng, cũng vì giai nhân mà u mê ám chướng, trọng dụng gian thần phá tan cơ nghiệp bao đời của ông cha nằm gai nếm mật ngót hai trăm năm dựng nên nhà chúa.

    Lại cười cười: - Vua chúa cũng là người, mà người thì có lúc. Thế thôi.

                                                        

                

  20/10/2015

 

 

 

 

 

Đỗ Nhựt Thư
Số lần đọc: 1574
Ngày đăng: 20.06.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Say - Nguyễn Thanh Huyền
Nghệ thuật chân thành - Nguyễn Thanh Huyền
Để Ông đón - Lê Hứa Huyền Trân
Bát đậu hủ - Lê Hứa Huyền Trân
Mùa phượng vĩ - Nguyễn Đại Duẫn
Sự nhầm lẫn ngọt ngào - Bùi Thanh Xuân
Bà bán nước trước cổng trường - Lê Hứa Huyền Trân
Hạnh phúc trở về - Lê Hứa Huyền Trân
Dáng Mỏng - Trần Yên Hòa
Hương thu - Lê Hứa Huyền Trân