Người Việt thường có tính "phóng đại hoá" trong khi nói. Chuyện một nói thành năm, thành mười. Chuyện nhỏ vẽ vời thành lớn. Nói theo ngôn ngữ bình dân: "Người mình có tính ba hoa, thích nổ." Hay nói theo ngôn ngữ khoa bảng: "Dân Việt có khuyng hướng thậm ngôn." Nhưng "thậm ngôn" không phải để khoe khoang hay tự đề cao mình, mà cốt ý thêm mắm dặm muối cho tình tiết câu chuyện thêm ly kỳ, thú vị.
Có lần, đi Sài gòn thăm nhà, tôi ra chợ mua cá thác lác về nấu canh. Tôi nói với chị bán cá:
»Em bán cho chú hai trăm gờ-ram cá thác lác.«
Chị vội vã cân lấy cân để.
»Ủa, sao nhiều vậy em?«, tôi hỏi.
»Dạ, hai trăm ngàn nhiều lắm, chú à!«, chị ngớ mặt.
Tôi lặp lại:
»Chú mua hai trăm gờ-ram, đủ để nấu canh cho một bữa cơm thôi.«
Chị bán hàng xịu mặt ủ ê:
»Vậy mà con tưởng chú muốn mua hai trăm ngàn. Sao chú không nói hai lạng cho dễ hiểu? Làm con mừng muốn chết!«
Giọng điệu thất vọng của chị làm tôi ái ngại. Nhưng lại tức cười trong bụng. Chỉ vì cách sử dụng động từ "chết" của chị bán cá. Hẳn là chị nói theo thói quen. Chị cứ nói thôi, chẳng cần tìm hiểu tại sao chị lại "thậm ngôn" như vậy. Còn tôi không màng chuyện cá mắm, tôi chỉ quan tâm chuyện từ ngữ.
"Mừng" là một tĩnh từ dùng biểu cảm khi gặp phải một tình huống tốt. Nhưng cớ gì phải thêm từ "chết", là một biểu cảm vô cùng xấu, vô đây để diễn tả một nỗi hân hoan tột độ, một cảm xúc "vui mừng khủng khiếp"? Nói theo ngôn ngữ Việt hiện đại là "mừng khủng"! Nghe mà "mắc cười muốn chết!"
Tôi chợt nhớ, có xem một lần trong mạng truyền thông YouTube, một đoản phim chiếu cảnh con chó nhỏ gặp lại chủ sau nhiều năm xa cách. Nó nhảy mừng ủng oẳng một lát, bất chợt lăn ra bất tỉnh. Vài phút sau mới tỉnh lại. Trường hợp này, tiếng Việt gọi là "chết giấc". Con chó mừng tới độ "bất tỉnh cẩu sự". Nhưng, cái mừng của con chó là cảm xúc trước một sự kiện có thật; còn nỗi vui của chị bán cá là nỗi vui giả, chị mừng hụt, vì hiểu sai.
"Chết" có nghĩa gì, người Việt mình, ai cũng hiểu. Nhưng rất nhiều khi, "chết" còn được sử dụng để phóng đại, cường điệu hoá một sự việc. Không phải chỉ trong những trường hợp bất lợi: "Mệt gần chết!", "Mỏi chân muốn chết!", "Thèm muốn chết!"; mà ngay cả những lúc thuận lợi: "Ngon gần chết!", "No muốn chết!" Có luôn chuyện "sướng muốn chết!«
Thay cho "chết" là "dễ sợ". "Sợ" cũng là một từ có biểu cảm không tốt. Với "dễ sợ", chúng ta có thể hoán chuyển trọn vẹn thay cho "chết", nhưng hàm ý nhẹ hơn: "Chỉ thấy sợ thôi, chưa đến nỗi chết!"
Để diễn tả một nhan sắc ngoại hạng, đẹp... khủng, kiểu chim sa cá lặn, của một người con gái, sẽ có người thậm thọt:
»Không biết con nhỏ đó, nó ăn cái giống gì mà đẹp dễ sợ vậy ta!«
Thông thường người ta chỉ cảm thấy sợ khi gặp phải một hiện tượng xấu, thí dụ "mưa lớn dễ sợ", "đau bụng dễ sợ", "đường xấu dễ sợ". Còn đằng này: "đẹp dễ sợ", "giàu dễ sợ"; thậm chí có người còn nói: "Tốt dễ sợ". Những cái đẹp, cái giàu, cái tốt đó đâu có gì bắt người khác phải sợ hãi. Mà có lẽ chỉ là những kiểu cách ví von, sử dụng những từ ngữ cường điệu cốt để lột tả một trạng thái phản diện.
Giới trẻ, để thay thế cho "sợ", họ nói "tè": "dễ tè". "Tè" có nghĩa gì, dễ hiểu thôi. Điểm đặc biệt ở từ này là âm điệu. Chỉ cần nghe thôi, là ngộ ra nghĩa. Và, khác với cách sử dụng "chết" và "dễ sợ", "dễ tè" chỉ được dùng để diễn tả những biểu cảm thuận lợi:
»Thằng nhỏ mới năm tuổi mà lanh dễ tè, biết hát nhạc vàng, nghe hay dễ sợ!«
Hoặc:
»Ngó cái mặt ông đại gia, xấu muốn chết, mà giàu dễ tè!«
Còn nữa:
»Cái quán hủ tiếu thấy dơ dễ sợ, mà rẻ và ngon dễ tè!«
Chỉ cần nghe, là xúc cảm... vỡ oà, thiếu điều ướt cả quần!
Tính thậm ngôn trong ngôn ngữ Việt không chỉ dừng lại ở đó, mà đạt tới cao điểm cường điệu với từ "ghê".
"Ghê" là trạng từ thường khi sánh đôi với một động từ hay một tĩnh từ nhằm nhấn mạnh ý nghĩa. Khi có ai đó buột miệng phán một câu vu vơ: »Thấy ghê!«, là hiểu rồi, không cần giải thích dài dòng. Lôi thôi ghê!
»Chị bán, tui trả giá. Hổng chịu thì thôi, làm cái gì ghê vậy?«
Ở ngoài chợ, khi nghe có người đôi co như vậy, có thể thấy trước chuyện chẳng lành sắp sửa xảy ra.
Anh con trai tới tuổi lập gia đình, theo má và bà mai tới xem mắt cô con gái nọ. Về nhà, đứa em gái tò mò dọ hỏi. Anh trả lời vắn tắt: »Ghê quá em!« Chỉ vỏn vẹn một từ ghê, cô em gái có thể hình dung ra ngay cái dung nhan người phụ nữ chưa từng gặp mặt kia. Nói vậy, ghê là sao? Không dễ giải thích. "Ghê" không phải chỉ diễn tả cái bề ngoài không mấy ưa nhìn, mà còn là một từ gây ấn tượng không thoải mái. Ở đây, phải tận dụng cả năm giác quan: Thính, thị, khứu, vị và xúc giác; mới có thể giải thích rõ ràng từ "ghê". Còn gì gớm ghiếc hơn cái cảm giác khi luồn tay xuống bùn, chạm phải một vật gì đó trơn lầy, lại còn biết nhúc nhích. Ghê muốn chết!
Đó là bàn về những biểu tượng không mấy đẹp. "Ghê" còn được dùng rộng rãi hơn vậy nữa: "Con nhỏ đó đẹp ghê!", "Thằng nhỏ thông minh ghê!", "Cô bé hát hay ghê!", v.v... Đã đẹp, đã thông minh, đã hay mà còn ghê nữa, nghĩ lại, nghe là lạ, nhưng vui tai. Và nhất là, một khi có từ ghê thêm vô, người ta mới có thể lột tả trọn vẹn nét đẹp, tính thông minh, giọng hát hay của người được nhắc tới.
Tuy nhiên, trong câu sau:
»Con mụ đó, một đống cháu nội, cháu ngoại, mà còn đi sửa mắt, bơm môi, độn vú, hút mỡ bụng, mới ghê!«
Có vẻ như "ghê" trong câu này là một từ đệm, được thêm vô hàm ý nhạo báng, và bắt buộc phải đi chung với "mới", cho đủ ý mỉa mai. Với kiểu nói này, phải nghe, phải thấy, mới hiểu thấu, chữ viết không diễn tả nổi. Tác giả đành bó tay!
Ý xấu của "ghê" còn tăng thêm mấy bậc, khi đi chung với một vài nhân xưng đại danh từ giống cái: mẹ, bà hay mụ nội. "Ghê thấy mẹ!". "Ghê thấy bà!". "Ghê thấy mụ nội!". Lạ quá, tại sao chỉ có bà con dòng họ bên cánh phụ nữ được chiếu cố, còn những người thuộc cánh "phụ nam" chẳng được đếm xỉa tới? Tác giả bó tay lần nữa!
Viết tới đây, tác giả mới nhận ra những ý kiến của mình mang nhiều địa phương tính. Hình như chỉ có người Sài gòn hay người miền Nam mới nói năng như vậy. Còn những người miền khác thì sao?
Tác giả bó tay lần cuối cùng và xin kết thúc bài tản văn này ở đây.
(05.2019)