(Tiểu thuyết của Trương Văn Dân, cty vh Phuong Nam-Nxb Hội Nhà văn, 2011)
Thật là đã lâu lắm tôi có mới có trong tay một cuốn sách đáng đọc đấy là cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của tác giả Trương Văn Dân – Việt kiều sống ở Ý. Mấy trăm trang tiểu thuyết đã hấp dẫn tôi đọc một cách say mê từ chương này đến chương khác, đến mức gập sách lại tôi còn có cảm giác thèm thuồng muốn được đọc tiếp.
Có thể nói ngoài nội dung phong phú được sắp xếp chặt chẽ, cẩn thận, logic để toát lên tinh thần nhân hậu và nếp sống lương thiện của các nhân vật, với thái độ cư xử giữa con người với con người một cách tốt đẹp, gợi cho người đọc nhiều bài học về tính nhân văn. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà những bạn đọc khác ai cũng có cảm nhận chung như vậy. Tuy nhiên điều tôi muốn nói lại không phải chủ yếu ở nội dung mà chính là hình thức nghệ thuật của tác giả. Với sự lựa chọn câu chữ, hình ảnh một cách hết sức cẩn thận tác giả đã giúp cho người đọc thấy từng câu từng chữ trong tiểu thuyết trong suốt như những hạt mưa rơi xuống một bàn tay nhỏ đẹp đẽ xinh xắn, kiều diễm và thánh thiện.
Trong đó, nhiều chương, đoạn cách hành văn của tác giả khiến ta không chỉ cảm nhận được những câu chữ giống như những hạt mưa mà còn hơn thế nữa đấy còn là những hạt kim cương được mài dũa cẩn thận lúc nào cũng sáng lên long lanh trên từng trang sách.
Có lẽ nhiều người dù chưa được gặp Trương Văn Dân nhưng đọc tiểu thuyết của ông người ta sẽ trở nên rất có cảm tình về một con người cẩn thận kỹ lưỡng trong việc sử dụng ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ dân tộc. Tôi có cảm nhận những năm sống xa Tổ quốc, quê hương Trương Văn Dân càng thêm yêu quê hương, càng ít có dịp sử dụng Tiếng Việt, ông lại càng yêu tiếng Việt một cách tha thiết, đúng như tâm trạng chung của mọi người: “Xa thương gần thường”. Có lẽ đây cũng là trường hợp cụ thể trong cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của Trương Văn Dân. Phải chẳng thái độ ấy cũng giống như những cảm nhận của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Và vì vậy những con chữ dưới ngòi bút của Trương Văn Dân không chỉ là những nét mực mà ẩn sâu trong đó còn tâm hồn mà tác giả gửi gắm và muốn bày tỏ.
Trong bối cảnh hiện tại, khi mà đất nước đang bộn bề từ việc lo phát triển kinh tế, lo bồi dưỡng nhân tài, lo bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và lo chống tham nhũng, ít người có đủ bình tĩnh để làm nên những trang viết như những trang của tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của Trương Văn Dân.
Khép lại cuốn tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” tôi cứ cảm thấy luyến tiếc vì số trang còn ít quá, không có để đọc tiếp và trong lòng lúc nào cũng mong muốn có được những tác phẩm không chỉ mang nội dung phong phú mà còn trau truốt về nghệ thuật, chọn lựa về hình ảnh và sử dụng con chữ một cách chuẩn mực để tôn thêm giá trị nội dung của cuốn sách.
Tôi phải cảm ơn tác giả Trương Văn Dân đã cho tôi được đọc một cuốn sách đáng đọc và mong ông có nhiều tác phẩm hay hơn nữa để đóng góp cho nền văn học nước nhà. Đặc biệt là những đóng góp về hình thức nghệ thuật.
Hà Nội 6-1019
(Nhà văn Nguyễn Thiện Luân, nguyên là thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp- Phát Triển Nông Thôn)