Bậc Thánh nhân đứng giữa Trời, Đất, hợp với Trời, Đất mà tìm ra lý, làm thành đạo lý, cốt truyền lại cho muôn đời. Về sau, con người ngày càng đông, của cải ngày càng nhiều, mắt mũi ngày càng tối tăm đi, lòng tham cũng theo đó mà tăng mãi không ngừng... Kẻ học giả xét không kĩ, thấy đạo lý của Thánh nhân cũng ngày càng được bàn thêm ra đến thiên kinh vạn quyển, thì lại cho đó là sự nâng cao, là đã “phát triển” thêm được cái đạo lý ấy của Thánh nhân, càng đời sau thế là (đạo lý) càng cao hơn đời trước(?). Thật là sai lầm. Bởi được như thế thì thiên hạ đã có phúc quá. Đạo lý nếu cứ được nâng cao mãi cho đến tận bây giờ, thì làm gì còn tranh giành, khủng bố, làm gì phải giết nhiều người đến thế. Giết mấy nghìn năm chưa đủ, còn đang tiếp tục giết nữa đến bao giờ?... Than ôi! Thiên hạ vốn vô phúc. Cho nên dẫu của cải ngày càng tăng, hiểu biết ngày càng rộng... song đạo lý của Thánh nhân thì cơ hồ cứ đi theo chiều ngược lại... Vẫn “Lời tựa” trong “Luận ngữ Tân thư”. Sau đây xin trích tiếp một phần của bộ sách đó:
- Tục ngữ có câu: “Con hơn cha là nhà có phúc.” Thế nếu ngược lại, con kém cha thì nhà... vô phúc hay sao?
- Cũng chưa chắc đã đến nỗi như thế, vì đó chẳng qua chỉ là chuyện trong một “nhà”. Khối kẻ cứ việc xài mãi “lộc” của ông cha để lại mà vẫn không hết đó sao. Nhưng chuyện của cả thiên hạ thì đúng như thế thật. Thiên hạ có phúc thì đạo lý đời sau cao hơn đời trước. Thiên hạ vô phúc thì ngược lại, càng đời sau càng hạ thấp đạo lý của đời trước xuống.
- Hạ thấp như thế nào?
Cách đây hai ngàn rưởi năm, Khổng Tử làm Dịch. Ngài biết rằng khi đặt ra tam tài (Thiên, Địa, Nhân) là ý Thánh nhân xưa muốn nói tới một loại “Người” (Nhân) đặc biệt nào đó, có đủ phẩm chất xứng được với Trời, Đất, sánh ngang với Trời, Đất, cùng với Trời, Đất mà làm nên mọi lẽ huyền vi trong vũ trụ này. “Nhân” mà đạt tới mức như thế thì tất phải không giống ai, không “chơi” nổi với ai, mà Ngài gọi đó là: “Chẳng phải con Truỷ, chẳng phi con Hổ, ở ngoài đồng vắng...”. Chữ “Nhân” ấy ở trong “Thiên, Địa, Nhân” chỉ cái phần (hồn vía) của vũ trụ có “tượng” là “Người”, thuộc về con Người... Chứ không phải hễ cứ là “người”, hễ cứ mồm ngang mũi dọc, đi đứng bằng hai chân, biết ăn nói leo lẻo thì bất kể thế nào, cũng ứng vào chữ “Nhân” trong cái “tam tài” ấy được. Ngài bèn đặt ra đạo “Nhân”, định nghĩa về “Nhân” mà theo đó, chỉ khi nào đạt đến đạo ấy, đúng với định nghĩa ấy thì mới đích thị đóng vai trò là “Nhân” trong bộ ba Thiên, Địa, Nhân kia. Còn lại tất thảy đều bình đẳng với mọi loài sinh vật khác, thậm chí nếu không cẩn thận thì có lúc, có thời chỉ ngang hàng với những thứ “sô cẩu” (chó rơm) mà thôi.
Nhưng từ khi Ngài đặt ra đạo ấy, thiên hạ chẳng mấy ai đạt tới. Khối kẻ lừng lẫy, nổi tiếng là “người” nhất trong tất cả giống người. Vậy mà khi hỏi thế đã “Nhân” chưa, Ngài đều bảo: “Chưa lấy gì làm chắc!”. Môn chữ “Nhân” vì thế cho đến nay, vẫn là một tuyệt kĩ làm người của riêng trí tuệ Khổng Tử. Sinh thời, học trò có kẻ từng khuyên Ngài nên hạ thấp đi một chút, may ra ở đời có người hiểu mà theo kịp, song Ngài nhất quyết không chịu, đến nỗi suýt mắc họa vào thân.
Hơn một trăm năm sau, nước Lỗ lại sinh ra một Thánh nhân khác là Mạnh Tử. Vị Thầy này nghiên cứu chữ “Nhân” của Đức Khổng Tử, thấy quả nhiên ghê gớm, người đời khó lòng hiểu nổi, đừng nói là theo đòi tu dưỡng ra làm sao. Bấy giờ thiên hạ đã loạn (vô phúc) lắm rồi, con người chỉ còn biết đâm chém, tranh giành nhau mà thôi, không thể nào thoát ra được nữa. Đạo “Nhân” nếu không được thi hành, thì con người rốt cuộc sẽ đi đến đâu? Nhưng oái oăm thay, đó lại là cái mà cả thiên hạ không ai hiểu nổi, thì thi hành thế nào? Thôi thì cố vớt vát được chừng nào hay chừng đó. Thế là cái việc mà Đức Khổng Tử ngày trước nhất quyết không chịu làm, giờ đến lượt Thầy đành phải làm thôi. Thầy bèn hạ thấp cái đạo “Nhân” kia đi một chút bằng cách thêm vào đằng sau một chữ “nghĩa”, thành ra “Nhân nghĩa”. Theo đó thì làm người (Nhân), không nhất thiết cứ phải đòi cho bằng được ngang với Trời, Đất. Cốt sao đạt tới “nhân nghĩa” là được rồi. “Nhân” là cái thuộc về cả Trời, Đất, vũ trụ... khó lắm! Còn “Nhân nghĩa” là cái chỉ thuộc về mỗi con người mà thôi, hy vọng con người có thể hiểu được mà thi hành. Đạo “Nhân nghĩa” này của Thầy Mạnh Tử tuy cũng là một trí khôn trùm thiên hạ đấy, song vẫn chỉ là một phần, vẫn thấp hơn cái đạo “Nhân” lồng lộng kia của Đức Khổng Tử nhiều lắm.
- Sau đó thì thế nào, có bao giờ thiên hạ trở lại được cái đạo lý ấy của Đức Khổng Tử không?
- Chưa bao giờ, bởi thiên hạ vẫn ngày càng vô phúc. Cho nên đời sau cứ thế tiếp tục hạ thấp dần những đạo lý của đời trước theo phương châm: “Vớt vát được chừng nào hay chừng đó”.
- Tiếp tục hạ thấp như thế nào?
Cứ mỗi đời lại phải giảm cái “Nhân nghĩa” kia đi một chút, giảm bằng đủ các kiểu trên đời, kể ra không xuể. Ví dụ hơn một nghìn tám trăm năm sau, ở phương Nam có một vị Thánh nhân, khi xem xét cái đạo “Nhân nghĩa” của Thầy Mạnh Tử, đem đối chiếu với cuộc đời lúc bấy giờ, vị Thánh nhân ấy thấy nó cao quá, xa vời quá, không cách gì thực hiện cho được. Nhân nghĩa nếu được thi hành, được “tưới” khắp thiên hạ, thì kẻ làm vua không còn cái thú làm vua, kẻ làm quan không mơ màng đến bổng lộc, kẻ làm dân tha hồ tự do, tha hồ ung dung tự tại mà vẫn không ra ngoài phép tắc. Một “thiên hạ” như thế chẳng phải là điều không tưởng hay sao? Không tưởng, chẳng lẽ lại bỏ qua nhân nghĩa? Thôi thì vẫn thi hành. Nhưng lại phải hạ thấp xuống, chỉ còn: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...” mà thôi. Yên được dân, thế cũng coi như “Nhân nghĩa” rồi, không đòi hỏi đến sướng dân, mạnh dân, sáng dân hay tốt dân... gì nữa. Muốn “yên dân”, thì trước tiên phải lo “trừ bạo”. Luôn luôn trừ bỏ kẻ hung bạo trong thiên hạ cho dân được yên, thì cái việc nhân nghĩa ấy, so với cả cái đạo “Nhân nghĩa” kia, tuy có thấp hơn nhiều lắm, song thời bấy giờ, mong đạt được đến đó cũng là tuyệt lắm rồi.
- Cứ hạ thấp mãi như thế, vậy chẳng lẽ thiên hạ mấy nghìn năm, chưa bao giờ là “có phúc” hay sao?
- Thỉnh thoảng cũng có đấy, nhưng chỉ là những “phúc” nhỏ, riêng, ngắn ngủi, nằm trong cái “vô phúc” lớn, tổng quát, bao trùm.
- Đến bây giờ thì sao?
- Bây giờ, các Thánh nhân đã chìm vào dĩ vãng cùng với đạo lý của các Ngài. Thế giới ngày nay tự hào là văn minh, là giỏi giang lắm. Đã bay vào vũ trụ, lại còn bắn phá được cả sao Chổi... thế mà cái đạo lý “yên dân” kia, xem chừng vẫn còn quá cao, nói chi đến “nhân nghĩa” làm gì nữa cho nhàm. Kẻ hung bạo trừ mãi không hết, thậm chí ngày càng hung bạo hơn, lại có bom đạn, súng ống, thậm chí cả quyền lực trong tay. Yên dân tức là yên được cả thiên hạ, trong khi kẻ hung bạo đủ các kiểu lớn, bé... vẫn còn nhan nhản, vẫn lù lù giữa thanh thiên bạch nhật như thế, vẫn tự xem dân như những thứ tài sản riêng trong túi mà muốn sao được vậy, bất chấp luật lệ, thi nhau hoành hành. Thậm chí coi dân chẳng khác gì thịt chó, thịt mèo cần phải ướp riềng mẻ, mắm tôm... trước khi làm những món chả, hấp, nhựa mận, tiết canh... Thế thì cái đạo lý “yên dân” kia xét cho đến đời nay, lại tiếp tục là một điều không tưởng nữa.
- Nghĩa là tiếp tục phải hạ thấp?
- Tất nhiên, không theo được đạo lý của người xưa thì đành phải hạ thấp xuống chứ còn biết làm thế nào.
- Đạo “yên dân” mà hạ thấp xuống nữa thì thành cái gì?
- Thì thành cái đạo... “yên thân”. Bây giờ thì chỉ còn mong: “Việc nhân nghĩa cốt ở... yên thân...” mà thôi. Không yên được cả thiên hạ, cả thiên hạ không yên thì cốt sao yên lấy cái thân mình là tốt lắm rồi, mình cố không “động” đến ai, cũng cố mong đừng ai “động” đến mình... Tóm lại là “Nhân nghĩa” kể từ thời Thầy Mạnh Tử cho đến bây giờ, chỉ còn lại... có thế mà thôi.
- Thế thì có còn là đạo lý nữa không?
- Vẫn còn một chút đạo lý ở trong ấy đấy. Cho nên cũng không dễ mà đạt cho mĩ mãn. Biết đâu đến một lúc nào đó, ngay cả cái đạo “yên thân” này, vẫn còn là một mơ ước... quá cao. Thì sao?
Ăn cơm nhà... (26)