Ở Phú Quốc bây giờ, một kilôgam trái sim rừng đổi ngang một kilôgam hồ tiêu đặc sản. Sim có giá, nên có người đã “dời” rừng sim về rẫy.
Sim rừng về rẫy
Nhắc chuyện cây sim, anh Triệu Văn Chì, ở ấp Suối Mây, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), đưa mắt nhìn ra cánh đồng sau nhà, vẻ tiếc nuối: “Mấy năm trước, nay là đồng sim bạc ngàn”.
Bây giờ, cả cánh đồng hàng chục héc-ta, kéo dài đến tận dãy núi Hàm Ninh xa xa, trở thành
vùng đất “chết”, cây cỏ cháy khô. Mới hơn chín giờ sáng, ngồi trong bóng râm hiếm hoi sót lại trước nhà, nhưng cái nóng nung người vẫn không tha. Khoảng hai năm trước, khi đất Phú Quốc trở thành cơn sốt, giá tăng vùn vụt, người ta đã “đem” quy hoạch đến, cho xe ủi, xe ben san trụi cánh đồng sim. Đất hoang, cứ chiếm. Đất có chủ như của anh Chì, họ thỏa thuận đền bù với giá trên 200 triệu đồng cho bốn hécta. Sự vụ vỡ lở, nhiều quan chức dính líu đến vụ tiêu cực đất đai hầu tòa. Hơn chín triệu mét vuông đất ở Phú Quốc, UBND huyện đã có quyết định thu hồi. Mảnh đất này cũng rơi vào tình trạng “treo”, chờ giải quyết sự cố. Nhưng thiên nhiên thì mất trắng. Nay, ngồi từ nhà anh, có thể nhìn được những chiếc Honda lao vút ngoài con đường nối Dương Đông với An Thới. “Lúc trước, sim che kín cả tầm mắt, nhìn đâu cũng toàn sim và sim” - Anh Chì lại tỏ ra tiếc nuối. Nói cho đúng, anh Chì – người nông dân chất phác, tiếc đồng sim không hẳn vì anh là người yêu thiên nhiên. Điều khiến anh ấm ức, là nếu cánh đồng sim này còn, giờ anh hốt bạc khi trái sim rừng trở thành đặc sản. Người ở Phú Quốc lâu năm, không lạ gì cây sim và cũng chẳng ai bỏ công để thống kê, công bố có bao nhiêu hécta sim. Chúng mọc đầy trên những mảnh đất hoang ven núi, thậm chí, cả trên núi. Đây là loài cây hoang dã có sức sống mãnh liệt, chịu được cả hạn lẫn ngập úng.Vào độ tháng 4, tháng 5, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu đổ xuống huyện đảo, cây sim cũng bắt đầu vươn cành, đâm hoa. Độ xuân về, sim bắt đầu chín rộ. Những quả chín căng tròn, trông như quả ổi nhỏ,... Bây giờ, những cánh đồng sim vẫn còn rải rác ở các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm... Chỉ có điều, từ 3 - 4 năm nay, người ta đã nhìn loại cây rừng này bằng ánh mắt khác. Đến mùa trái chín, cánh đồng đầy người đi thu hái trái – chuyện hiếm có trước đây. Anh Huỳnh Phước Huệ, chủ nhân khu phòng trưng bày ngọc trai, đồ lưu niệm Cội Nguồn tại khu phố I, thị trấn Dương Đông, cho biết: “Cứ đến mùa sim, vài nhân viên của tôi lại xin nghỉ việc để đi hái sim vì thu nhập cao hơn”. Và có người đã lên rừng, bứng sim về trồng trên đất rẫy.
Một kilôgam sim bằng một kilôgam tiêu
Từ lâu, tiêu Phú Quốc khá vang danh. Nhưng theo Phòng Nông lâm ngư nghiệp huyện, hiện tại, diện tích tiêu ở Phú Quốc chỉ còn khoảng 467 hécta, dù không giảm so cùng kỳ, nhưng sản lượng thu hoạch giảm gần 50% vì nông dân bỏ phế không chăm sóc. Ông Nguyễn Thành Xuân, ở xã Dương Tơ, trước đây chỉ lo đầu vào vườn tiêu đặc sản. Nhưng thời gian gần đây, tiêu liên tục xuống giá. Từ những lúc đỉnh cao 80.000 đồng/kilôgam, tiêu rớt giá dần, giờ chỉ còn 17.000 - 18.000 đồng/kilôgam. Trong khi đó, mức đầu tư đâu ít. Chỉ tính bình quân một héc-ta tiêu với 3.000 gốc, riêng khoản phân bón cho cả vụ trên tám triệu đồng, chưa tính khoản xây cọc, cây giống, nước tưới, công chăm sóc. Qui ra, giá tiêu phải trên 25.000 đồng/kilôgam, người trồng mới nhẹ nhõm. Ông nhẩm tính, với giá tiêu bây giờ, riêng chuyện thuê nhân công thu hoạch đã lỗ chắc. Ngờ đâu, thất tiêu gỡ bằng sim. Vụ rồi, ông Xuân bán được trên hai tấn sim với giá hơn 15.000 đồng/kilôgam từ mảnh đất bỏ hoang của mình. Háo hức, ông khoanh vùng, chăm sóc sim. Trồng sim không phải tốn một đồng chi phí. Giống thì cứ lên rừng mà lấy. Bình quân, sau ba năm, mỗi cây cho thu hoạch 5 - 7 kilôgam trái/năm – tương đương sản lượng một gốc tiêu. Trong khi đó, giá bán có lúc tương đương - 18.000 đồng/ kilôgam. Ông Bảy Trường, ở xã Dương Tơ, hiện gầy dựng được “rẫy” sim gần ba héc-ta. Với diện tích này, ông cứ ung dung thu hoạch hàng năm, bởi cứ khi cây sim già cỗi, trái ít, chỉ cần cắt nhánh, sim sẽ vươn chồi trở lại thành một gốc sim sung mãn. Nếu đủ phân bón, sim cho trái quanh năm. Trở lại chuyện của anh Chì. Sau khi nhận tiền “đền bù”, trở thành nông dân không đất, ngẫu nhiên đúng vào dịp sim “lên đời”. Vợ chồng anh chuyển sang nghề thu mua sim. Mới vụ rồi, anh thu mua trên hai tấn. Rải rác ở Phú Quốc, có trên dưới mười người cũng trở thành “thương lái” sim như anh. Lúc ngồi xe ôm đi về từ cảng An Thới đi về thị trấn Dương Đông, tôi đã nghe anh Thái – bác tài, kể về chuyện cây sim. “Khách du lịch, mê trái sim lắm. Mỗi lần ra chợ, họ lại tìm mua bằng được 3 - 4 kilôgam để nhấp nháp cái vị ngọt thanh của nó”. Năm 2004, trên 130.000 khách du lịch đến Phú Quốc, tăng hơn 20.000 người so với năm 2003. Khách đến càng đông, sim càng bán chạy.
Những người giúp sim lên ngôi
Chuyện bán sim cho khách du lịch, không mấy khiến người trồng sim an tâm, bởi đầu ra khó ổn định. Nhưng chuyện trên mười cơ sở sản xuất lớn tại Phú Quốc đang thu mua nguyên liệu ổn định mới là điều đáng nói. Và một trong những người tiên phong, biến sim trở thành nguyên liệu sản xuất giá trị cao chính là anh Trịnh Công Phát, chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Phát, tọa lạc tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ.
Nghe dân đi rừng và nhiều bạn bè xứ xa bàn, rằng trái sim có thể ủ lên men thành món uống “cay cay” dùng rất có lợi cho sức khỏe, năm 1995, anh Phát hăm hở bắt tay vào sản xuất thử. Thành công! Khách mua uống thử, liên tục tìm đến. Năm 2003, anh Phát chính thức đóng chai và tung ra thị trường loại rượu sim đặc sản - hiện mang nhãn hiệu Simson. Mới đây, anh hoàn tất việc đăng ký bảo hộ độc quyền cho thương hiệu này. Cũng có người cho rằng, ông Mạc Văn Nghiêm, nguyên Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc huyện, là người đầu tiên chế biến thành công rượu sim từ hướng dẫn của một đoàn cán bộ đến từ Tây Nguyên. Nhưng chuyện ai là người đầu tiên, có lẽ không quan trọng bằng việc trái sim đã thoát kiếp nằm lặng trong rừng. Theo tài liệu Dương liệu Việt Nam của Bộ Y tế (1978) và Cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chí (1991), Đỗ Tất Lợi (1986), trái sim có vị ngọt, tính mát. Trái tươi hoặc ủ thành rượu có thể chữa suy nhược thần kinh, thiếu máu, kiết lỵ, bổ huyết và một số chứng bệnh đường ruột... Hiện nay, rượu Simson đã có mặt ở nhiều nhà hàng, khách sạn tại Phú Quốc và nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL, TP.HCM... Giá trị một chai rượu Simson không thua những chai rượu vang - trên 100.000 đồng/lít. Hàng năm, cơ sở của anh Phát sản xuất khoảng 20.000 lít rượu sim, theo đó, thu mua khoảng mười tấn trái sim nguyên liệu - chiếm khoảng 20% sản lượng sim của Phú Quốc. Mới đây, anh nghiên cứu thành công, chuẩn bị bắt tay sản xuất đại trà rượu vang sim... Sim nguyên liệu tại Phú Quốc đang có xu hướng khan hiếm. Một vài cơ sở sản xuất, buộc phải lên tận Tây Nguyên tìm mua bổ sung, duy trì sản xuất. Phần tiếp theo về câu chuyện là làm sao trái sim tránh được vết xe đổ như cây tiêu, sẽ dành phần cho chính quyền, những nhà sản xuất và kinh doanh du lịch tại huyện đảo nổi tiếng hấp dẫn du khách này.