Tháng 1-1999, tại Tiền Giang, hội nghị đầu tiên về phát triển giáo dục đào tạo ĐBSCL cho biết, mặt bằng giáo dục vùng này mới ngang bằng Tây Nguyên. Năm năm sau, một hội nghị thứ hai (tại Cần Thơ trong hai ngày 1 và 2-8)bàn chuyện phát triển giáo dục đào tạo vùng này đến năm 2010, nhưng người trong cuộc lại đánh giá mặt bằng giáo dục ĐBSCL đang ở mức thấp hơn Tây Nguyên...
Bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, sau một ngày rưỡi nghe thảo luận, viết sẵn bài phát biểu nhưng không có cơ hội lên diễn đàn, bức xúc nói: “Chưa có qui hoạch tổng thể phát triển giáo dục ĐBSCL gắn với qui hoạch phát triển kinh tế, xã hội của vùng này thì vẫn còn mạnh ai nấy làm, còn đầu tư dàn trải. Bây giờ lại bàn chuyện tới năm 2010, mỗi huyện phải có một trường dạy nghề, nhiều như vậy liệu có trùng lắp không?”.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Minh Hiển đã đánh giá là “sau hơn 5 năm, giáo dục và đào tạo ĐBSCL đã có những thay đổi bước đầu quan trọng” nhưng “ĐBSCL vẫn nằm ở vị trí thấp nhất trong bản đồ giáo dục đào tạo của cả nước”. Theo ông Hiển,có nhiều nguyên nhân nhưng ông nhấn mạnh nguyên nhân hàng đầu là do “một bộ phận không nhỏ nhân dân trong vùng chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em và chưa đầu tư thích đáng cho việc học hành của con trẻ”.
Nhiều đại biểu không đồng tình. Tiến sĩ Lê Quang Minh, Hiệu trường Đại học Cần Thơ, nói: “Chừng nào Trung ương còn nhận thức như vậy thì đến hội nghị lần sau cũng giống như hôm nay. Chỉ vì người dân đồng bằng còn nghèo quá nên không đủ tiền cho con em họ đi học. Khi chúng tôi làm chương trình xóa đói giảm nghèo trong vùng, các gia đình nông dân nghèo khó đều mong muốn cho con em mình được đi học”. Giáo sư Nguyễn Công Bình, Hiệu trưởng Đại học dân lập Cửu Long, nói rằng nhờ nông thôn miền Tây chuyển dịch cơ cấu kinh tế thoát dần thuần nông từ vài năm nay nên bà con nông dân dành dụm được tiền của cho con em đi học nhiều hơn, thi vào đại học nhiều hơn; năm nay Đại học Cửu Long tuyển được 1.400 sinh viên, hơn hẳn ba năm trước.
Ông Lê Nam Giới, Bí thư Thành ủy thành phố Cần Thơ, cho rằng do chính sách vĩ mô của Nhà nước đối với nông dân, nông thôn miền Tây chưa hợp lý, đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn thấp kém nên dù có làm ra lúa gạo, thủy sản nhiều nhất nước nhưng nông dân vẫn nghèo. Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Lê Thanh Tâm, khẳng định: “Giáo dục không thể tách rời kinh tế”. Ông nói, Long An ráng hết sức, đã đầu tư tới 20% ngân sách cho giáo dục nhưng trường lớp vẫn chưa đâu vào đâu. Ông bảo, nền đất miền Tây yếu, lại chằng chịt sông rạch nên phí đầu tư làm đường, xây trường...mắc gấp 2 - 3 lần nơi khác nhưng trung ương vẫn đầu tư bình quân như mọi miền, thậm chí “bắt phải xây phòng học theo đúng ba-rem của bộ đưa xuống, không đổ bêtông móng mà phải đổ bê-tông cho... nóc!”. Ông Tâm kể, từ Long An về Cà Mau chỉ có một con đường quốc lộ trong khi có tới 52.000 lượt ô-tô qua Long An mỗi ngày, rồi hỏi: “Miền Tây đường ít xe nhiều thì làm sao kinh tế miền Tây lên cho được?”. Ông Huỳnh Minh Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp thì báo động hệ thống trường lớp trong tỉnh, “cả ở vùng ngập nông, trong mùa nước cũng không học được”.
Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học An Giang,cho rằng cái gốc tụt hậu của chuyện dạy và học ở miền Tây là do chất lượng thầy cô giáo từ mầm non đến trung học đều bị hẫng. Ông cho biết, tuyển sinh đại học “ba chung” mấy năm nay, chất lượng học sinh miền Tây chỉ bằng học sinh miền núi. Tới giờ, Đại học An Giang vẫn phải dạy vi tính theo chương trình của bộ ban hành từ hàng chục năm trước. Window 3.1 trong khi máy móc đã là Window 2000. Giáo sư Xuân nói: “Nếu chúng ta vẫn chưa thay đổi qui trình, phương pháp đào tạo giáo viên sư phạm thì xin thưa bộ trưởng, giáo viên vẫn không thể nào đào tạo ra được học sinh có tư duy độc lập”.
Bao giờ theo kịp cả nước?
Giáo sư Võ Tòng Xuân đề nghị và được Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - chủ trì hội nghị - đồng tình: “Cho phép Đại học An Giang làm thí điểm cải tiến qui trình đào tạo giáo viên từ mầm non đến phổ thông để giúp thay đổi cục diện chất lượng giáo dục đào tạo ĐBSCL”. Kiến nghị của Giáo sư tiến sĩ Trần Phước Đường (cựu Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ) và Tiến sĩ Lê Quang Minh (Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ), cũng được Chính phủ chấp thuận đưa vào kế hoạch phát triển giáo dục ĐBSCL đến năm 2010: mở rộng hệ thống trường cao đẳng cộng đồng ở 13 tỉnh, thành trong vùng. Tiến sĩ Lê Quang Minh nói: “Cao đẳng cộng đồng là mô hình đào tạo liên thông từ dạy nghề lên cao đẳng và đại học, đa ngành đa cấp, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của từng tỉnh”. Giáo sư Trần Phước Đường nói: “Cao đẳng cộng đồng là loại trường thích hợp nhất với ĐBSCL về lâu dài, gắn bó học sinh với cộng đồng địa phương. Nên chọn mô hình trường của Mỹ và Canada đã làm hàng trăm năm nay, họ dạy uyển chuyển, từ cắt tóc, may vá cho đến các chương trình lên đại học”. Rồi ông chứng minh, một anh cắt tóc với bộ đồ nghề 200.000 đồng vẫn có thể nuôi được một vợ, một con ăn học nên người.
Riêng với việc đầu tư ngân sách cho giáo dục đào tạo ở ĐBSCL 5 năm tới, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phải tăng lên 22% tổng ngân sách trung ương (hiện nay mới hơn 17,5%) và 18% ngân sách địa phương (hiện hơn 13%). Bên cạnh đó là thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhưng ông Dũng nhấn mạnh: “Ngân sách là chính”. Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê bình Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính đã không làm đúng với quyết định 206 của Thủ tướng Chính phủ từ sau hội nghị năm 1999 là phải đầu tư kinh phí giáo dục vùng ĐBSCL đạt mức 22% tổng ngân sách.
Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Giáo dục -Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,sau hội nghị này phải xây dựng đề án phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề trong 5 năm 2006 - 2010 trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, chỉ rõ những dự án ưu tiên đầu tư với cơ chế chính sách riêng cho ĐBSCL, có phân cấp tổ chức thực hiện cụ thể cho từng bộ,ngành và địa phương. Đề án này phải thống nhất ba quan điểm: phát triển giáo dục đào tạo là nền tảng phát triển ĐBSCL; phát triển giáo dục phải đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ĐBSCL và phát triển cho đồng bằng cũng là cho cả nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đề án này phải đạt được mục tiêu cuối cùng là đưa mặt bằng văn hóa giáo dục ở ĐBSCL bằng với mặt bằng cả nước vào năm 2010 theo tinh thần Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về phát triển toàn diện ĐBSCL.