Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.131
123.140.982
 
Chiến tranh – Thân phận và ý thức hòa giải – hòa hợp: sự gặp gỡ giữa Lưu Quang Vũ với Trịnh Công Sơn
Mai Bá Ấn

 

 

            Tâm hồn thơtrong sáng, những vần thơ hào hùng hòa trong giai điệu chung của thơ ca chống Mỹ của Lưu Quang Vũ đã được nhiều người đề cập đến. Và với bấy nhiêu đó, Lưu Quang Vũ cũng đã thực sự trở thành một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu của nền thơ chống Mỹ Việt Nam. Ở phạm vi tham luận này, tôi xin được đề cập đến một “góc khuất’, “góc tối” trong thơ anh mà khi chiến tranh đã qua, đất nước thống nhất, hòa bình đã gần nửa thế kỷ, ta mới chợt nhận ra, cái “góc khuất”, “góc tối” thơ kia, như những viên ngọc mà do những thiên kiến phủ lên một lớp bụidày, ngày càng sáng lên và có sức chiếu rọi đến góc gách tâm hồn con người trong không khí hòa giải, hòa hợp của nền thơ ca đương đại.Không hiểu sao, đọc thơ Lưu Quang Vũ, đặc biệt là những bài thơ thuộc loại thơ không thể in được ở miền Bắc trong thời kỳ ấy, tôi cứ liên tưởng đến dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn ở miền Nam.Với riêng tôi, nếu yêu tình ca của Trịnh mười lần thì tôi lại đam mê dòng nhạc phản chiến của người nhạc sĩ này đến gấp đôi hơn. Nó ma mị một cách mạnh mẽ, nó hàm chứa một triết lý cô đặc về chiến tranh, về thân phận bằng những giai điệu, ca từ giản dị đến thật thà.

 

Bằng một tinh thần khoa học, tạm gác qua bên vấn đề ý thức hệ, khi cảm nhận về chiến tranh, thân phận con người trong chiến tranh, ta dễ nhận ra đã có sự đồng điệu, gặp gỡ giữa hai tâm hồn nghệ sĩ lớn này, nhất là ở ý thức hòa giải, tinh thần hòa hợp được nẩy sinh từ rất sớm - ngay trong lúc cuộc chiến diễn ra khốc liệt nhất mà hai người đang đứng ở hai đầu của cuộc chiến tranh ấy.

 

1. Chiến tranh và thân phận con người

 

Đọc những vần thơ chiến tranh của Lưu Quang Vũ, bằng rung cảm của thơ, tôi đã viết:chiến  tranh trong anh ít tiếng reo hò/ chỉ thấy buốt đau bạo tàn hủy diệt/ tang thương trùm khắp hiện tại - tương lai/ một vệt đau dài - Lưu Quang Vũ…(Lưu Quang Vũ). Vâng, chiến tranh và thân phận con người trong thơ Lưu Quang Vũ, từ trong “góc khuất” kia dần dần hiển lộ ra một gương mặt rất khác so với thơ ca cùng thời ở miền Bắc.

 

1.1. Gương mặt chiến tranh

 

Việc đối sánh thơ ca viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc ta giữa Lưu Quang Vũ và các nhà thơ thời chống Mỹ cũng đã được một số nhà nghiên cứu đề cập đến. Ở đó, chúng ta đã nhìn nhận ra sự giống nhau và những khác biệt trong cách phản ánh về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta qua thơ Lưu Quang Vũ.

 

Đất nước đang chiến tranh và chính sự hào hùng của cuộc chiến tranh ấy đã tạo nên những “Dáng đứng Việt Nam” kỳ vĩ như những tượng đài. Lưu Quang Vũ cũng nhìn nhận tư thế của dân tộc mình như thế, nhưng dẫu sao, chiến tranh cũng đang tàn phá một đất nước nhỏ và nghèo, đang dày xéo một dân tộc vốn bao đời nay đã bị quá nhiều kẻ thù dày xéo. Vì thế, đất nước chìm trong nỗi đau:Mấy mươi năm đã mấy lớp người/ Chia lìa gục ngã/ Đã tận cùng nỗi khổ/ Người ta còn muốn gì Người nữa/ Việt Nam ơi? (Việt Nam ơi).Đó là một “mảnh đất nghèo máu ứa”, một “Việt Nam khốn khổ”. Hàng chục triệu người Việt Nam chỉ có một Tổ quốc Việt Nam, nên dẫu có “rách nát”, khốn khổ” vẫn “là nơi tỏa bóng yên vui”, nơi ru “lòng ta yên tĩnh”. Quá yêu Người, nên khi nghĩ đến thân thể mẹ Việt Nam đang bị đạn bom dày xéo, người con Việt Lưu Quang Vũ yêu nướcđến “xót xa”, nghĩ đến sự tang thương của Người là lòng anh “rách nát”. Anh đã dám nói thật lòng mình và mong mẹ Việt Nam “đừng trách giận”:Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người/ Tất cả sẽ ra sao/ Mảnh đất nghèo máu ứa?/Người sẽ đi đến đâu hả Việt Nam khốn khổ?/ Tổ quốc là nơi toả bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất/ Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát/ Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi (Việt Nam ơi).Ở đây, chúng ta chợt bắt gặp cơn “đau nặng” của một đất nước nhỏ và “điêu tàn” trong nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn ở miền Nam:Ôi gian nan đời nước nhỏ. Sao đau thương nhiều lắm thế. Quê hương bây giờ những ngày điêu tàn còn đó.Cùng ghi nhớ. Những phố phường kia đã lên mộ bia. Dân ta chết trong ngẩn ngơ (Quê hương đau nặng).

 

            Gương mặt chiến tranh trong thơ Lưu Quang Vũ vì thế cũng tang thương, “hoảng hốt”, “tê dại” đến “kinh hoàng” với “đường tàu”, “những bàn ghế những lá thư, những cánh tay người”“gãy nát”, “mùi thịt cháy” trộn lẫn với “khói bom cay”:Lửa cháy đỏ trời bốn phía ngoại ô/ Tro lả tả xuống mặt gầy hoảng hốt/ Bom ném lên cao những đường tàu gẫy nát/ Những bàn ghế những lá thư những cánh tay người/ Mùi thịt cháy rợn mình mùi khói cay/ Ta đứng lặng trong tiếng gầm báo động/ Dưới vầng trăng tê dại nỗi kinh hoàng/ Bom xé trời, mặt đất chao nghiêng/ Vụt mở hoác những vực sâu khủng khiếp (Ghi vội một đêm 1972).Có thể nói, rất khó tìm trong thơ chống Mỹ thời ấy, những câu thơ vẽ nên nỗi thảm khốc, bạo tàn của chiến tranh một cách trần trụi như đoạn thơ trên của Lưu Quang Vũ. Và tất nhiên, dưới các loạt bom thù, người già, trẻ con bị giết hàng đêm:B52 suốt đêm gầm rít/ Bom giết cụ già và trẻ nhỏ suốt đêm(Ghi vội một đêm 1972).Lại hiện về trong ta những lời hát trong “Đại bác ru đêm” của Trịnh Công Sơn:Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng. Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng… từng vùng thịt xương có mẹ có em (Đại bác ru đêm).Vâng! Hai trận bom ném ở hai đầu đất nước (Ở miền Bắc của Lưu Quang Vũ chính là bom Mỹ năm 1972, còn ở các thành phố miền Nam của Trịnh Công Sơn thì không biết bom của ai?), nhưng nỗi đau thì vẫn chung, đối tượng hứng bom vẫn là chỉ một: Đất nước Việt Nam; người già, phụ nữ, trẻ em Việt Nam.

 

Miêu tả chiến tranh, trong thơ Lưu Quang Vũ còn có những trận chiến diễn ra “bên những ngọn đồi”, “bên kia núi đá, “những thương bình giập nát”, thắng thua “vật vã”, lộn xộn không đầu không cuối “chập chờn sau khói đen”:Mặt trận ầm ĩ bên kia núi đá/ Người ta khiêng về/ Những thương binh giập nát/…/Giữa vật vã thương vong và thắng trận/ Chập chờn sau khói đen/ Những hình ảnh không đầu không cuối (Em (I)).

            Để lột tả sự bạo tàn, hủy diệt của chiến tranh, Lưu Quang Vũ đã dùng ngòi bút tả thực với những cái chết kinh hoàng với nhiều tư thế chết và cách chết khác nhau: những người chết trong đêm thân gãy nát/ óc chảy ròng trên gạch/ những người chết cháy đen/ miệng há mắt mở trừng/ những xác vùi đẫm máu dưới cầu thang/ tay chân vặn vẹo thịt xương/ lòng ruột mắc trên dây điện/ phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp/ tiếng người la khủng khiếp xé đêm dài (Khâm Thiên).Và đây là những “xác người” trong thơ Lưu Quang Vũ:xác ngườinằm ngổn ngang/ báo đậy mặt, ruồi đậu bàn chân xám/ ngẩng đầu ngơ ngác/ bên xác anh xác chị xác mẹ cha (Khâm Thiên).Đọc những dòng thơ này không thể không liên tưởng đến nhạc Trịnh Công Sơn. Có cảm giác, sự cảm nhận về những cái chết, xác chết trong chiến tranh của hai người nghệ sĩ này có những điểm trùng hợp khá đặc biệt:Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này. Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây. Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này. Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai  (Bài ca dành cho những xác người).Bên cạnh “Bài ca dành cho những xác người” trên đây, Trịnh Công Sơn còn có bài “Hát trên những xác người” khá nổi tiếng:Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá. Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con.Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em (Hát trên những xác người).

 

Không những thế, ta lại bắt gặp khá nhiều sự trùng hợp trong cách phản ánh về những cái chết trong chiến tranh giữa Trịnh Công Sơn và Lưu Quang Vũ bằng bút pháp tả thực. Nếu trong bài thơ “Khâm Thiên”, Lưu Quang Vũ viết:mặt trời lên trên bãi thây người/ mặt dập vỡ ngực trần thủng hoác/ những đống tóc gân đầu mình lẫn lộn/ những xác tím bầm lạnh buốt sương đêm (Khâm Thiên) thì trong bài “Một buổi sáng mùa xuân”, Trịnh Công Sơn cũng đã miêu tả rất cụ thể cái chết của một em bé:Một buổi sáng mùa xuân. Một đứa bé ra đồng. Đạp trái mìn nổ chậm. Xác không còn đôi chân. Một buổi sáng mùa xuân. Ngực đứa bé tan tành. Ngàn hoa đồng cỏ nội. Cúi xuống nhìn con tim (Buổi sáng mùa xuân).

Ở Miền Bắc, Lưu Quang Vũ viết: Bạch Mai Yên Viên Vọng Láng An Dương/ phố đầy khăn tang/ đêm không đèn tối mịt/ chúng tôi ngồi bên nhau chờ cái chết/người các ô lên nằm ngủ vườn hoa (Khâm Thiên).Ở Miền Nam, Trịnh Công Sơn hát:Từng mái gia đình, nay chỉ thấy khăn tang đi về. Đêm đêm là lo sợ (Lời ru đêm) Ghế đá công viên dời ra đường phố. Người già co ro chiều thiu thiu ngủ. Người già co ro buồn nghe tiếng nổ. Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi (Người già em bé).Cảnh chạy giặc ở Miền Bắc, Lưu Quang Vũ viết:gió cuối mùa xót xa/ thổi xõa tóc đoàn người chạy giặc/ những dòng người kéo đi xé ruột/ đội chiếu, ôm chăn, đeo làn, vác bọc/ chút gia tài nghèo cực địu trên lưng/ bao gia đinh dắt díu chị bồng em/ những quần áo khói bom lấm rách(Khâm Thiên).Cảnh chạy giặc ở Miền Nam, Trịnh Công Sơn hát:Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn (Hát trên những xác người).Và cảnh mẹ già tản cư, gia tài không còn gì, chỉ mang theo trái bí sau vườn chạy để làm hành trang trong cơnloạn lạc:Bí nằm bí ngủ đường xa. Trên vai mẹ già. Bao nhiêu vốn liếng.Nhớ tới một đời đã xới vun. Hôm nay bỏ vườn với xóm thôn(Trịnh Công Sơn - Bà mẹ Ô Lý).

            Đã một thời, chúng ta gay gắt phê phán Trịnh Công Sơn coi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta là một cuộc “nội chiến”. Nhưng dù sao, Trịnh Công Sơn chỉ là một người trí thức yêu nước, nhạc của anh không đặt trên quan điểm của ý thức hệ. Điều lạ lùng không hề có trong thơ ca miền Bắc viết về cuộc chiến tranh này, là, chính Lưu Quang Vũ, dù biết rằng đây là cuộc “chiến tranh phá hoại” của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, nhưng xét trong phạm vi dân tộc, cũng đã ít nhất là hai lần thốt lên như vậy:Biết nói gì nữa em, cô gái hoang/ Của hải cảng tối/ Của tấm chăn nghèo thời chiến tranh phá hoại/ Của nỗi buồn nội chiến? (Chiều cuối).Chúng ta không biết, lúc này, Lưu Quang Vũ đã nghe bài hát “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn hay chưa, nhưng sự gặp gỡ này rõ ràng là một sự hiếm lạ trong thơ ca kháng chiến chống Mỹ ở miền Bắc thời ấy:Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày (Gia tài của mẹ).

1.2. Thân phận con người

 

            Nhà văn Bửu Ý - Một người bạn cùng thời với Trịnh Công Sơn đã từng viết: “từ lâu lắm Trịnh Công Sơn đã được giới ái mộ trao tặng danh hiệu là kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận”(1). Đó là thân phận của một trí thức miền Nam yêu nước, căm ghét chiến tranh, cũng là thân phận của cả một thế hệ thanh niên miền Nam lúc bấy giờ. Trong thơ ca cách mạng, đặc biệt là nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, con người Việt Nam, đặc biệt là những chiến sĩ Giải phóng quân được xây dựng thành nhân vật điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khó có thể tìm ra tiếng nói của thân phận con người. Nhưng Lưu Quang Vũ, bên cạnh con người Việt Nam anh hùng, anh còn suy nghĩ rất sâu về thân phận nhỏ bé của con người trước chiến tranh hủy diệt. Khi trong đêm tối chiến tranh ở miền Nam, Trịnh Công Sơn ước mơ:Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường (Tôi sẽ đi thăm) thì ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ cũng hướng về những lời đồng dao một thời “yên ấm”: “Hoa lá quên giờ tàn/ Mây trắng bay tìm đàn”/ Ngày xưa yên ấm quá/ Trẻ hát đồng dao trên phố (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn). Khi ở miền Nam, Trịnh Công Sơn hát:Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người,này em có nhớ cuộc đời. Này em có biết loài người(Này em có nhớ) thì ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ viết:Không phải nến thắp trên quan tài/ Kẻ giết người ngủ yên trên giường đệm/ Không phải nến bàn thờ/ Mọi thần thánh đã trơ gỗ mọt (Những ngọn nến-1972).

 

            Chiến tranh đến, theo Lưu Quang vũ, Chúa cũng bị hủy diệt cùng kiếp con người nên chẳng còn ai cứu rỗi:Chúa của tôi ngồi ở bên đường/ Ngủ gục trên nắp hầm trú ẩn/ Chúa của tôi bom thiêu cháy xém/ Chúa của tôi hát xẩm trên tàu điện/ Chúa của tôi bới gạch vụn tìm con/ Chúa của tôi đêm nay lang thang/ Không cửa không nhà vật vờ đói rét/ Tôi lớn lên giữa thời bạo ngược/ Biết trông đợi gì biết tin tưởng vào đâu (Cầu nguyện).Lưu Quang Vũ từng khẳng định “Nhân dân là lẽ sống của đời tôi”. Trong cuộc chiến tranh này, Chúa đã bất lực, cũng đã bị chiến tranh hủy diệt như thân phận nhỏ nhoi của kiếp con người. Và vì vậy, niềm tin cũng mai một. Từ nửa thế kỷ XIX, bàn về thân phận con người, nhà triết học Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900) đã từng tuyên bố: Chúa đã chết! Do đó, con người phải tự gánh lấy xác và hồn của mình giữa cuộc trần ai. Dường như cả Lưu và Trịnh đều đã đọc Nietzsche và cùng cảm nhận sâu về thân phận con người với tất cả sự nhỏ nhoi và bất lực trước cuộc chiến hung tàn:Lại sắp hết một năm/ Đất nước chưa xong giặc/ Bao nhiêu người chết/ Tiếng súng đóng đinh trên ngực cuộc đời (Lưu Quang Vũ - Lại sắp hết năm rồi).Về hình tượng người lính trong chiến tranh, Lưu Quang Vũ cũng đã từng ca ngợi:Máu ướt đẫm bàn tay khi tôi nâng xác bạn/ Anh ấy chết cho Hà Nội của tôi/ Cho mỗi ngôi nhà, cho mỗi niềm vui (Viết lại một bài thơ Hà Nội).Nhưng cũng chính anh, trong những phút giây bất lực trước sự tàn phá, cắt chia, hủy diệt của chiến tranh, đã bộc lộ cái cô đơn, “vui buồn nín lặng” của thân phận người lính nói riêng và cả thế hệ trẻ lúc bấy giờ nói chung:Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông/ Ta kịp biết gì đâu/ Vừa hết trẻ con đã làngười lính/ Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng/ Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu/ Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh/ Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết/ Ta đã vượt bao đèo cao chót vót/ Bao điều nhà trường chẳng dạy cho ta/ Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ/ Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng/ Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt/ Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông (Những bông hoa không chết).Kể cả người lính từ chiến trận trở về, cũng được anh lột tả về thân phận hơn là về tư thế hào hùng như ta thường thấy:Người con giai đi tìm em mười năm/ Hắn từ mặt trận trở về/ Từ quán rượu từ phố đông huyên náo/ Từ những câu thơ tuyệt vọng trở về/ Bị lừa dối, bị lăng nhục/ Rách rưởi, bơ phờ, cô độc/ Hắn ngồi trước mặt em (Người con giai đến phòng em chiều thu).Với Lưu Quang Vũ thì đó là người chiến sĩ mang chính bóng dáng cuộc đời anh, còn với Trịnh Công Sơn thì người lính này dường như để chỉ tuổi trẻ Việt Nam ở cả hai phía. Thế nhưng tâm trạng của Lưu và Trịnh vẫn cùng ngùi thương cho thân phận tuổi trẻ trong mối quan hệ với chiến tranh:Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu. Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù. Chờ đã bao đêm(Trịnh Công Sơn - Chờ nhìn quê hương sáng chói) Ngày mai đây con sẽ vềdù thân xác thiệt thòi (Trịnh Công Sơn - Hãy cố chờ).

Ở miền Nam, Trịnh đã thật sự rơi vào cô đơn và bế tắc muốn rời bỏ thế nhân:Xin cho tôi yên ngủ một ngày. Xin cho đêm không có đạn bay. Xin cho chim góp nhạc về trời
Xin cho tôi là kiếp của  mây.Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời. Để bao giờ trời đất yên vui. Xin cho tôi xin lại cuộc đời (Xin cho tôi)
thì ở miền Bắc, chính Lưu Quang Vũ đã tự nhận mình là:Tôi là đứa con cô đơn ngay khi ngồi cạnh mẹ/ Thằng bé lẻ loi giữa lớp học ồn ào/ Bàn chân hồ nghi giữa đường phố xôn xao/ Giữa sự thông minh của đông vui bè bạn/ Vứt sách xuống gầm bàn đi ra mặt trận/ Tôi là người lính cô đơn ở giữa trung đoàn/ Bao lâu rồi vẫn chỉ có thế thôi/ Nỗi cô đơn hoàn toàn cô đơn khủng khiếp/ Trước và sau trong và ngoài cuộc đời và trang sách/ Những người lính ngồi hút thuốc/ Mũ sắt mưa rào/ Những người lính mặt đen má hóp/ Hát gì nghêu ngao (Em (I)).Trong gia đình, Lưu Quang Vũ là một “đứa con cô đơn”, giữa lớp học là “thằng bé lẻ loi”, ra mặt trận lại là “người lính cô đơn”. Cả tuổi trẻ của Lưu là “Nỗi cô đơn hoàn toàn cô đơn khủng khiếp”. Cái tư thế “người lính ngồi hút thuốc” với hình hài “mặt đen má hóp” miệng “hát nghêu ngao” hoàn thoàn khác với tư thế người chiến sĩ Giải phóng quân “xuôi ngược tung hoành, bước dài như sóng lay thành chuyển non” (Tố Hữu)trong thơ cùng thời. Thân phận người lính gắn liền với những thân phận nhỏ nhoi của những người thân trước sự sống chết của đạn bom, chia cắt:ta cùng uống ấm chè trong ca sắt/ rồi vội vã lên đường/ đứa Nam Bộ Tây Nguyên/ đứa ngã xuống ở Đông Hà Đường Chín/ đứa nheo nhóc vợ con, đứa già nua trước tuổi/ có gương mặt đã thành tro bụi/ đã cứng khô như mảnh tôn gầy (Tuổi thơ). Với những “gương mặt đã thành tro bụi” của người lính chết trận “cứng khô như mảnh tôn gầy”, rõ ràng Lưu Quang Vũ đã gợi cho ta những thân phận người chết trong chiến trận, chứ hoàn toàn không đơn giản chỉ là sự hi sinh cao cả của người chiến sĩ quân giải phóng. Cũng trong cảm thức như vậy, Trịnh Công Sơn đã hát cho những người lính chết ở cả hai miền:Tôi có người yêu  chết trận Asao. Tôi có người yêu nằm chết cong queo. Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu. Chết nghẹn ngào mình không manh áo.Tôi có người yêu chết trận Ba Gia. Tôi có người yêu vừa chết đêm qua. Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò. Không hận thù nằm chết như mơ (Trịnh Công Sơn - Tình ca người mất trí).Và đọc những câu thơ dưới đây, lại càng gợi cho ta cảm giác, Lưu Quang Vũ đang nói chung về thân phận tuổi trẻ và quê hương ở cả hai miền đất nước:Những năm nhà nào cũng thiếu người/ làng mạc ruộng vườn vắng bặt con trai/ chúng tôi đi/ cơn bão dữ thổi hai đầu đất nước/ tuổi trẻ, ước mong, những gì quý nhất/ đều trôi qua trong bụi xám chiến hào (Cơn bão).Tất cả đều cùng một số phận “nhà nào cũng thiếu người”, “làng mạc ruộng vườn vắng bặt con trai” giữa “cơn bão dữ thổi hai đầu đất nước” cùng đánh mất tuổi thanh xuân trong “bụi xám chiến hào”. Đọc đến đây, lại nhắc nhớ ta những lời ca phản chiến như kinh nhật tụng phổ biến ở miền Nam thời ấy. Đó là những bà mẹ nguyện cầu hàng đêm cho con mình ra trận được bình an, vượt qua hoạn nạn:Mẹ ngồi nguyện cầu hằng bao đêm.  Lời kinh vọng xa thật êm đềm. Mẹ cầu cho con. Vượt qua ngày tròn.Mẹ cầu cho em tuổi trẻ xanh còn nguyên đừng biến mất (Trầm Tử Thiêng - Kinh khổ).Và Trịnh Công Sơn:Đêm mẹ ngồi cầu kinh. Tường trắng im lìm…Ngày tháng ưu phiền.Tóc mẹ trắng như bông. Đêm chờ bom rung từng liếp cửa (Lời ru đêm).

            Những năm chiến tranh ấy, trong thơ ca miền Nam xuất hiện rất nhiều thân phận của những “người điên”. Điên thật bởi thời cuộc và vì tâm trạng bế tắc trước cuộc chiến tranh, tao loạn có; điên giả để khỏi ra chiến trường cũng có. Đó là bản trường ca dài “Ngụ ngôn của người đãng trí” của một thủ lĩnh phong trào đấu tranh sinh viên - nhà thơ, liệt sĩ Ngô Kha. Đó là Trịnh Công Sơn với bài hát “Tình ca của người mất trí”, và:Một người già trong công viên. Một người điên trong thành phố.Một người nằm không hơi thở. Một người ngồi nghe bom nổ (Ngày dài trên quê hương).Và có cả những “người điên” trong cơn “vô thức tập thể” bế tắc và sự mâu thuẫn giữa cảnh chết chóc hàng ngày với khát vọng bình yên:Mẹ vỗ tay reo mừng xác con . Mẹ vỗ tay hoan hô hòa bình. Người vỗ tay cho thêm nhịp nhàng. Người vỗ tay cho đều gian nan (Hát trên những xác người).Và lạ thay, trong thơ Lưu Quang Vũ thời bấy giờ, ở miền Bắc, cũng xuất hiện rất nhiều những người điên có dáng dấp và hành vi“bí hiểm” như thế:Như anh điên trước quán tóc bù xù/ Cứ mỉn cười bí hiểm dõi nhìn ta/…/ Chỉ anh điên vẫn đứng sững ngoài đường/ Thân tiều tụy ôm mặt cười lặng lẽ (Quán cà phê ngoại ô). Không chỉ có một lần, tôi thử thống kê sơ bộ trong tập “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” đã có tới 18lầncó sự xuất hiện của những “người điên” cả nam và nữ, cả già và trẻ, mà hầu hết là những người điên vì thời cuộc. Đây cũng là một hiện tượng lạ trong thơ thời ấy.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng, trở thành “lương tri của nhân loại”. Điều này ta bắt gặp nhiều trong dòng chính lưu của thơ ca chống Mỹ. Lưu Quang Vũ bên cạnh ca ngợi chủ nghĩa anh hùng và truyền thống vẻ vang của dân tộc, đứng trước cuộc chiến, anh còn cảm nhận được thân phận “người Việt da vàng” nhỏ nhoi trước sự uy hiếp chiến tranh của các nước lớn. Có lẽ, cho đến hiện nay, trong thơ ca chống Mỹ ở miền Bắc lúc bấy giờ, quan niệm “Người việt đói nghèo, cơ cực” và cụm từ “người Việt da vàng” chỉ có Lưu Quang Vũ sử dụng. Sử dụng không phải một lần mà còn lặp đi lặp lại:Người Việt đói nghèo thân cơ cực/ Đất hẹp trụi trần vạn khổ đau/ Tối đen thành phố đêm lưu lạc/ Máy bay giặc rít ở trên đầu/ Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu (Đêm đông chí, uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn). Đó còn là một “dân tộc bốn ngàn năm đói rách”, người Việt “đói khát vật vờ đi” cùng với “cái nỗi buồn bị đọa đày lăng nhục”:Dân tộc tôi bốn ngàn năm đói rách/ Những người chết đặc trong lòng đất/ Những mặt vàngsốt rét/ Những bộ xương đói khát vật vờ đi/…/Cái nỗi buồn dân tộc/ Cái nỗi buồn bị đọa đày lăng nhục/ Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang (Đất nước đàn bầu). Trong khi đó, trong thơ ca miền Nam thời ấy thì những khái niệm, những cụm từ này được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Đó là bài ca “Người nô lệ da vàng” nổi tiếng:Người nô lệ da vàng. Ngủ quên, ngủ quên trong căn nhà nhỏ. Ðèn thắp thì mờ. Ngủ quên, quên nước quên non. Ngủ quên, quên đã bao năm (Người nô lệ da vàng).Và:Một ngục tù nuôi da vàng. Người Việt nằm nhớ nước non (Ngày dài trên quê hương).Đó còn là “gia tài để lại” cho con của người Mẹ Việt Nam:Gia tài của mẹ để lại cho con. Gia tài của mẹ một nước Việt buồn… Mẹ mong con chớ quên màu da. Ôi chớ quên màu da. Nước Việt xưa.Mẹ mong conlũ con đường xa. Ôi lũ con cùng cha. Quên hận thù.(Gia tài của mẹ).

 

Và cái “màu vàng trên da thơ”, “sắc vàng như hoa mặt” của màu da Việt đã được Trịnh Công Sơn và Lưu Quang Vũ nâng lên thành biểu tượng cho một dân tộc khổ nghèo:Mẹ Việt nằm hai mươi năm, xương da mềm, đợi giờ sông núi thiêng. Một màu vàng trên da thơm, nên giữ gìn màu lúa chín quê hương (Trịnh Công Sơn - Ngày dài trên quê hương)Sắc hoa vàng như hoa mặt chúng ta/ Một chủng tộc đói nghèo bên biển cả (Lưu Quang Vũ - Những đêm hoa vàng).Và với quan điểm phản chiến phi giai cấp của Trịnh thì đàn con Việt là con chung của cả hai miền:Đứa con của mẹ da vàng. Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương. Hai mươi năm đàn con đi lính. Đi rồi không về, đứa con da vàng của mẹ . Ngủ đi con (Ngủ đi con); hay:Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng, đại bác như kinh không mang lời nguyện, trẻ thơ chưa lớn để thấy quê hương (Đại bác ru đêm)và: Người con gái Việt Nam da vàng (Người con gái Việt Nam)...Đứng về phương diện cá nhân, ngay những năm tháng miền Nam điêu tàn ấy, Trịnh Công Sơn đã tự nhận mình “đứa con da vàng Lạc Hồng” thì ngay giữa ngày tháng hào hùng ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ cũng tự nhận mình là “gã làm thơ da vàng” đầy thân phận:Có một gã làm thơ da vàng/ Không đêm nào ngủ được (Liên tưởng tháng hai).Điều khác nhau giữa Lưu và Trịnh là, khi ởđô thị miền Nam, Trịnh đã nhận thấy những người con da vàng rời thành phố đi về đồi hoang như một tín hiệu cách mạng lặp đi lặp lại: Người nô lệ da vàngbước đi, bước đi, đi về đồi hoang.Người nô lệ da vàngbước đi, bước đi, đi về đồi hoang (Người nô lệ da vàng)thì ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ cũng đã nhận thấy dáng hình “bất khuất” của những người Việt da vàng trong cuộc kháng chiến không cân sức ấy:Người nô lệ da vàng bất khuất/ Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son (Đất nước đàn bầu).

            Tóm lại, nếu trong thơ kháng chiến chống Mỹ của dòng văn học cách mạng, xuất hiện rất nhiều những hiện thực vĩ đại và hào hùng cùng những nhân vật điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thì riêng trong thơ Lưu Quang vũ lại có một mạch ngầm riêng trong cách phản ánh về chiến tranh và thân phận con người. Điều này, bây giờ, bình tĩnh nhìn lại, ta nhận ra được “tầm thơ” riêng vô cùng độc đáo của Lưu Quang Vũ.

 

            2. Ý thức hòa giải, tinh thần hòa hợp

 

            Không biết trong gần 70 tham luận của cuộc Hội thảo văn học vềhòa giải, hòa hợp được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vừa rồi có ai chú ý đến trường hợp Lưu Quang Vũ hay chưa. Nhưng theo tôi, ý thức hòa hợp và tinh thần hòa giải đã xuất hiện trong thẳm sâu của hồn thơ Lưu Quang Vũ ngay từ thời chiến.

 

            2.1. Ý thức hòa giải:

Điều đặc biệt ở Lưu Quang Vũ so với các nhà thơ khác ở miền Bắc chính là ý thức hòa giải đã hình thành ngay trong lòng cuộc chiến. Lịch sử dân tộc Việt Nam luôn phải gánh chịu những cuộc chiến tranh xâm lược, gánh trên vai quá nhiều đau khổ. Chính vì lẽ đó, Lưu Quang Vũ luôn canh cánh bên lòng và kêu gọi sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau để sống:Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ/ Phải thương nhau mới sống được trên đời (Đất nước đàn bầu).Ở miền Nam, Trịnh Công Sơn vẫn say mê hát những lời ca hòa giải:Hãy nhìn lại, từ Nam Quan cho đến Cà Mau. Hãy nhìn lại, tình anh em vẫn cứ ngọt ngào (Hãy nhìn lại).Với một lòng yêu nước đằm sâu và từ trong “nghèo kém, khó khăn” của đất nước, trong sự “héo hon” của lòng người, Trịnh đã xác quyết rất vững một niềm tin ngày “tan hoang lao tù”, ngày “hòa bình sẽ trổ bông” trên một giang sơn thống nhất:Chị hãy nói với em thơ yêu đất này, dù nghèo kém khó khăn. Mẹ hát lớn cho tan hoang những lao tù, dù đời đã héo hon. Đường sẽ đến ta thấy rồi,có vạn lời hò reo mênh mông. Bình minh ơi hãy lên nhanh, bao nhiêu năm đứng chờ, Hoà Bình sẽ trổ bông (Hãy cố chờ).

 

            Dù thừa biết thanh niên miền Nam hầu hết chỉ là những người cầm súng đánh thuê, nhưng Lưu Quang Vũ cũng thấy thực sự đau lòng vì sự bắn nhau vô nghĩa lý ấy:Bây giờ/ Hai đạo quân đã giết hết nhau/ Tiếng trống cuối cùng đã bặt/ Người ngựa đều ngã gục/ Chỉ còn con quạ xám đậu trên bờ (Bây giờ).Trong “cơn bão” chiến tranh ấy, những người con hai miền đứng hai đầu chiến tuyến cực chẳng đã phải bắn giết lẫn nhau. Dù tên tuổi của đội quân miền Nam mang đầy chất “dã thú” do những kẻ cầm đầu đặt tên thì họ vẫn là những chàng thanh niên Việt. Lưu Quang Vũ cũng như nhiều người khác cùng đau nỗi đau này. Nhưng nói lên điều này ở miền Bắc lúc bấy giờ, có lẽ chỉ là Lưu Quang Vũ:một bên là con trai Thanh Hóa, Thái Bình/ một bên là con những bà mẹ Thừa Thiên, Phan Thiết/ những sinh viên Sài Gòn/ những sĩ quan Đà Lạt/những đội quân mang tên dã thú/ những tiểu đoàn không còn sót một ai/ những mô đất con đổi bằng mạng trăm người/ bằng pháo kích, lưỡi lê, bằng chân tay vật lộn/ chúng tôi nằm dưới đường hào ngập nước/ xa mọi người, xa mẹ, xa quê hương/ ai bảo chúng tôi là tuổi trẻ tươi xanh/với mũi lê, với phát đạn đầu tiên/ chúng tôi đã không còn trẻ nữa(Cơn bão).“Tuổi trẻ tươi xanh” của họ là những người “bạn cùng làng”, nhưng thời cuộc đã kéo họ về hai bên của cuộc chiến. Ở miền Bắc, Lưu Quang Vũ viết: Bạn cùng làng mỗi đứa mỗi phương/ Kẻ lính ngụy, người thành quân giải phóng/ Em xa cách trong cắt chia, lửa đạn/ Hai mươi năm người cũ khác xưa không (Mùa xoài chín).Ở miền Nam, Trịnh Công Sơn hát:Hãy nhìn lại, người anh em trên chiến trường xa.Hãy nhìn lại, tìm đâu ra những nét mặt thù. Hãy nhìn lại, được hay thua những thắng bại kia.Hãy nhìn lại, mặt quê hương tan nát từng giờ (Hãy nhìn lại).Khi viết về “quân thù”, Lưu Quang Vũ vẫn cho ta cảm giác, tác giả đang đau cùng nỗi đau của chính họ:bên kia đồi gianh khét lẹt/ quân thù cháy giữa vòng vây/ mấy gã tù binh ngồi khóc/ run run những cánh tay gầy (Những đứa trẻ buồn).Và:    Những tuổi thơ không có tuổi thơ/ Những đôi mắt tráo trơ mà tội nghiệp/…/ Những bông hoa chưa nở đã tàn/ Những cành cây chưa xanh đã cỗi (Những tuổi thơ).Nếu Lưu có “Những đứa trẻ buồn”, “Những tuổi thơ” thì Trịnh cũng đau trước nỗi đau này trong lời rất nhiều bài hát của chính mình: Dù trong tôi đã héo hon đợi chờ. Dù môi em đã héo hắt nụ cười. Nhưng ta bền gan chờ đón những ngày mai (Chưa mất niềm tin) và anh xem ngày chào đời của những đứa trẻ là “ngày của tin buồn”: Trẻ thơ ơi! Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người (Gọi tên bốn mùa).Và cho dù gọi họ đích danh là “lính ngụy” thì Lưu Quang Vũ cũng dành cho họ những lời thơ dữ dội và đau thươngvề cái chết của họ:xác nguỵ nằm ruồi muỗi bâu đầy/ những đôi mắt bệch màu hoa dại/ những gương mặt trẻ măng xanh tái/ những bàn tay đen đủi chai dầy (Những đứa trẻ buồn).Những cái chết đớn đau này của Lưu gợi ta nhớ đến những xác người nằm khắp nơi trong cuộc chiến ở miền Nam của Trịnh: Tôi có người yêu,chết trận Chuprong.Tôi có người  yêu,bỏ xác trôisông,Chết ngoài ruộng đồng,chết rừng mịt mùng. Chết lạnh lùng mình cháy như than(Tình ca người mất trí).Thậm chí, ý thức hòa giải của Lưu Quang Vũ còn mạnh mẽ đến mức, anh mong họ và người thân hãy tha thứ cái việc “chẳng thể làm khác được” của người ở phía bên này:

các anh ơi, đừng trách chúng tôi

các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi

chúng tôi chẳng thể làm khác được (Những đứa trẻ buồn).

            Táo bạo hơn, Lưu Quang Vũ còn gọi “cuộc chiến tranh này là khoản thuế đò ngang” phải nộp để bước qua dòng sông lịch sử, để bước đến hòa bình, thống nhất - bước sang một “bờmới chín vàng”, “được làm con người trở lại”:quả đồi cháy như một phần quả đất/ bao đời người ta đã giết nhau/ với các anh tôi oán hận gì đâu/ nhưng còn có cách nào khác được/ cuộc chiến tranh này là khoản thuế đò ngang/ con người sang một bờ mới chín vàng/ con người được làm con người trở lại (Những đứa trẻ buồn).Trịnh Công Sơn cũng đã từng đau thương như thế. Một nỗi đau lớn được Trịnh hát bằng những lời bạo liệt:Bao nhiêu năm còn nô lệ. Anh em ta nhận vũ khí. Quê ta bãi hoang chiến trường diệt nhau như thú. Trôi bao nhiêu dòng máu đỏ. Bao yêu thương lùi trong quá khứ. Ôi giấc mơ thanh bình còn quá xa (Quê hương đau nặng).Và nếu, ở miền Bắc,  Lưu ước mơ mai nàycon người sang một bờ mới chín vàng/ con người được làm con người trở lại”thì ở miền Nam, Trịnh cũng đứng từ “đêm bây giờ” ruộng lúa tàn hoang để ước mơ có một “đêm mai này” “người Việt hái lúa ngoài đồng chín”“người Việt sống như chưa bao giờ” như thế:Đêm thôi dài, cho mai này,người Việt hái lúa ngoài đồng chín. Đêm no lành. Đêm thanh bình người Việt thấy tương lai rất gần.Đêm vui mừng, đêm tưng bừng, người Việt hát cuối làng đầu phố. Đêm xa lạ, đêm chói lòa, người Việt sống như chưa bao giờ (Đêm bây giờ, đêm mai này).Với Trịnh, tất cả thanh niên ba miền Bắc Trung Nam đang đứng hai đầu cuộc chiến đều là những “người tình” của những người con gái Việt:Tôi mất trong chiến tranh này, bao nhiêu bao nhiêu người tình. Người tình của tôi lớn lên trên khắp ba miền. Một ngày đạn bom giết em, người tình Việt Nam lớn lên chưa gặp một lần. Tôi mất trong chiến tranh này, bao nhiêu bao nhiêu nụ cười. Em từ Hà nội có bao giờ được yên vui. Bao năm lửa khói nung khô trái tim yêu người. Mộ bia quanh đây chôn theo những cuộc tình tôi…Tôi mất trong chiến tranh này , bao nhiêu bao nhiêu hẹn hò. Từng ngày miền Nam dấu đạn mù. Từng ngày miền Bắc những đợi lo(Tôi đã mất).

Cũng như Lưu Quang Vũ, Trịnh Công Sơn cùng khát khao, tin tưởng những người chưa chết sẽ có một tương laiđẹp tươi ngày hai miền thống nhất: Tôi mất trong chiến tranh này, bao nhiêu bao nhiêu người tình. Những người còn lại cố vững lòng chờ tương lai. Bay trong lời gió, nghe ra tiếng oán bên trời.Tuổi xuân xanh ơi , cho em muôn vạn ngày mai (Tôi đã mất) và:Đêm mai nầy, trời im tiếng súng.Cho mẹ hát ca dao trên đồng. Đêm mai nầy hỏa châu hết sáng. Cho mẹ thấy tương lai đàn con.Đêm huy hoàng trời mưa trút xuống. Ôi từ đó nghe như thiên đàng.Đêm mai nầy phố xá thênh thang. Quê hương đầy bóng dáng anh em. Đêm yên lành trong mắt trong tim . Khóc bên nhau bằng đêm vui mừng (Đêm bây giờ, đêm mai này).

 

Và Trịnh đã “nhân danh hòa bình”, “nhân danh cơm áo”, “nhân danh xương máu”, “nhân danh Việt Nam”, “nhân danh phú cường”, “nhân danh đổ nát”,  “nhân danh ước mơ”, “nhân danh tình thương” đểchống chiến tranh, đòi lại hòa bình:Nhân danh Hòa Bình ta chống chiến tranh. Nhân danh cơm áo ta chống chiến tranh. Nhân danh xương máu ta quyết đòi Hòa Bình (Nhân danh Việt Nam).Lưu Quang Vũ cũng đã từng nhân danh như thế:nhân danh cuộc sống, nói về cái chết/ nhân danh niềm vui, nói về nước mắt/ nhân danh tình yêu, tôi mãi mãi căm thù (Khâm Thiên).Và có thể nói,  đỉnh cao của ý thức hòa giải Lưu Quang Vũ được thể hiện rất rõ trong bốn câu thơ trong bài “Tiếng Việt” nổi tiếng:

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về
(Tiếng Việt).

2.2. Tinh thần hòa hợp

Với ý thức hệ giai cấp của mình, Lưu Quang Vũ vẫn nhận biết rất rõ “phía bên kia” nhưng bằng tinh thần hòa hợp, anh vẫn đặt quan hệ giữa “phía bên kia” với “phía bên này” trên tinh thần dân tộc. Đặc biệt hơn nữa, là anh không gọi người thân của những người ở “phía bên kia” gây ra tội ác là “kẻ thù”, dù chính những người ấy là kẻ đã “gieo bom xuống” phía bên này:Em ở phía bên kia/ Giữa ta là đạn lửa/ Dẫu chồng em là kẻ/ Gieo bom xuống đất này/ Anh cũng chẳng gọi em/ Là quân thù cho được(Những vườn dâu đánh mất).Lưu Quang Vũ đã đứng trên tư thế của phía chính nghĩa để mở lòng bao dung vượt lên “trên mọi điều thù hận” để “những vườn dâu còn lại với con người”:Bao giờ em về/ Phù Lưu hoa gạo thắm/ Nong tằm đã mất/ Sẽ bàng hoàng lá tươi/ Trên mọi điều thù hận/ Những vườn dâu còn lại với con người (Những vườn dâu đánh mất).Đây chính là điều “khác thường” trong thơ Lưu Quang Vũ so với thơ ca cùng thời. Lại vọng về trong ta lời nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn:Hãy nhìn lại, người anh em trên chiến trường xa. Hãy nhìn lại, tìm đâu ra những nét mặt thù (Hãy nhìn lại).

            Trên tinh thần hòa giải dân tộc ấy, Lưu Quang Vũ muốn kéo gần mọi người lại với nhau vì theo anh, điều “đáng sợ nhất trên đời này là những khoảng cách”. Chúng ta là người chiến thắng, nên hãy là người chủ động xích lại gần nhau trên cơ sở của tình yêu Tổ quốc:Tổ quốc là gì, nếu nơi đó không có người mình yêu dấu?/ Tình yêu là gì, nếu không vì nó ta yêu thêm Tổ quốc?/ Chúng ta yêu nhau, chúng ta chiến thắng/ Cái đáng sợ nhất trên đời này: những khoảng cách/ Những khoảng cách giữa thực tại và ước mơ/ giữa những điều ta mong với những gì ta có được (Cho Quỳnh những ngày xa).Ngay trong những ngày chinh chiến ấy, mà chính bản thân mình là người trong cuộc đứng ở phía chính nghĩa, phía “vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” (Chế Lan Viên), Lưu Quang Vũdự cảm về phía tương lai. Đọc đoạn thơ đầy tinh thần hòa hợp này của Lưu Quang Vũ ở thời bây giờ ta vẫn có cảm giác lo sợ sự chụp mũ của những người còn quá nặng nề về ý thức hệ:mai đây bão táp lùi xa/ những lớp người sau bình tâm nhìn lại/ gọi chúng tôi là những người vĩ đại/ hay chỉ là những thế hệ đáng thương?/ sẽ xuýt xoa thán phục biết ơn/ hay kinh hãi trước bạo tàn bắn giết? (Cơn bão).Lại thầm thì trên môi ta lời hát của Trịnh Công Sơn:Khi đất nước tôi không còn chiến tranh. Bạn bè mấy đứa đều xanh nấm mồ… Khi đất nước tôi không còn chiến tranh. Mẹ già lên núi tìm xương con mình ( Tôi sẽ đi thăm).

            Có lẽ chính vì những suy ngẫm sâu sắc ấy, mà ngay sau trận giáp chiến thắng lợi đã thuộc về phía ta, Lưu Quang Vũ vẫn không “thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm” cho dù đã phải đổ máu xương chiến đấu với tất cả lòng yêu thương và ý chí căm thù:ta đã qua/ bao phố làng đổ sụp/ cổ nghẹn lòng thù hận/ nhìn bao em bé mồ côi/ mà sao chiều nay/ giết xong quân giặc/ chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm/ chỉ nỗi buồn trĩu nặng/ dâng lên như đá trên mồ (Những đứa trẻ buồn).Điều đáng ghi nhận là tinh thần hòa giải của Lưu Quang Vũ được xác lập rất rõ giữa những người “chưa gặp đã cùng chung tiếng nói”khác với những kẻ “thở ra bóng tối”, những kẻ “phá cầu ngăn lối”:dù lạ dù quen/ ở đâu cũng nhận ra nhau/chưa gặp đã/ cùng tiếng nói/ còn lũ thở ra bóng tối/ còn kẻ phá cầu ngăn lối (Những gương mặt).Và Lưu Quang Vũ cũng khẳng định, cho dù có kẻ cản đường, ngăn lối thì cũng không thể nào “ngăn nổi” sự hòa hợp tất yếu của hai miền khi chúng ta cùng “đứng bên nhau sống chết với đất này”. Từ quá khứ đau thương đã trải, tinh thần hòa hợp sẽ khiến cho dòng sông cách ngăn “tối đen trước mắt” lúc đó sẽ “trong xanh chảy đến với con người”:nhưng chúng ta đã lớn lên/ không gì ngăn nổi/ trải qua mọi điều, không sợ hãi/ chúng ta đứng bên nhau/ sống chết với đất nầy/ nhớ từng nấm mồ, vết đạn, bàn tay/ ôm trong lòng từng viên gạch vỡ nát/ bao thảm kịch, lo âu còn trước mặt/ nhưng dòng sông tối đen trước mắt/ đã trong xanh chảy đến với con người (Những gương mặt).Trịnh Công Sơn, bằng thực tiễn đấu tranh trong phong trào phản chiến ở miền Nam của chính bản thân mình cùng những người chung chí hướng, cũng tin tưởng rằng, những người “góp máu cho tương lai đất nước” và truyền thống giữ nước chưa một phút “nguôi ngoai trên môi người”, tất sẽ “vượt qua chông gai” để vươn đến ngày mai cho dù tuổi trẻ đã phải trải qua nhiều “thiệt thòi” vì chiến tranh tàn phá:Người góp máu cho tương lai đất nước này, mười năm qua nhớ bóng cờ bay phấp phới. Lời giữ nước chưa nguôi ngoai trên môi người, đường chông gai ta cố vượt qua từng ngày.Ruộng đất ơi hãy cố chờ cùng bãi sắn nương khoai. Ngày mai đây con sẽ về,dù thân xác thiệt thòi(Hãy cố chờ).Trong bài “Tìm về”, Lưu Quang Vũ viết:những binh lính áo quần vằn vện/ những tướng già tóc bạc/ những kẻ lãng du những hồn uất hận/ anh em ruột thịt cầm tay/ lạy mẹ lạy thầy/ chúng con hư để thầy mẹ khổ/ từ nay chẳng tham lam mê muội nữa/ súng đạn người ném trả/ oán thù đổ xuống ao sâu/ anh đón em bên cầu/ em xuống hồ sen tắm mát/ rửa sạch đất bùn nhơ nhuốc/ chúng mình tha thứ cho nhau/ anh thương em, lòng đau/ cái mối tình Lạc Việt(Tìm về).Và tất cả hận thù sẽ được nguôi quên, như Trịnh - Lưu hằng mơ ước: Dù hôm nay tôi chưa nhìn Hà Nội. Dù hôm nay em chưa thấy Sài Gòn.Nhưng em và tôi cùng nói tiếng Việt Nam. Lòng ta ơi hãy biến tan thù hận. Đón nghe tiếng cười trên đất nước nát tan (Trịnh Công Sơn - Chưa mất niềm tin).Mẹ mong con mau bước về nhà. Mẹ mong con lũ con đường xa. Ôi! Lũ con cùng cha quên hận thù (Trịnh Công Sơn - Gia tài của mẹ), Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay… Biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam (Nối vòng tay lớn)và:đập vỡ mọi xích xiềng đê nhục/ cho xoá sạch những niềm vui chém giết/ cho ta về lợp lại mái nhà xưa/ một tương lai mơ ước đã ngàn đời/ nơi đoàn tụ mọi con người cách biệt/ nơi quây quần mọi gương mặt khác nhau(Lưu Quang Vũ -Những đám mây ban sớm).

*

            Khi tôi vừa hoàn thành bài tham luận này thì PGS.TS Lưu Khánh Thơ - người em gái của Lưu Quang Vũ gửi tặng cuốn “Di cảo Lưu Quang Vũ” vừa mới phát hành. Rất tiếc, Di cảo chỉ mới công bố Nhật ký của anh trong 3 năm (từ 1963 đến 1965) nên chưa thể biết những năm sau đó, Lưu Quang Vũ có nói gì về sự tiếp nhận nhạc Trịnh hay không. Nhưng may quá, sau phần nhật ký, Di cảo đã công bố tập thơ “Những bông hoa không chết”, trong đó có bài “Những gương mặt”. Bài thơ này, dưới nhan đề, Lưu Quang Vũ ghi: “Tặng một người bạn Huế”. Tất nhiên, thời điểm viết bài thơ, Lưu Không thể ghi tặng trực tiếp cho Trịnh. Nhưng rõ ràng qua nội dung bài thơ, ta hiểu ngay là Trịnh, bởi ở đó, ngoài việc miêu tả hành tung của “người bạn” ấy, Lưu Quang Vũ còn trích lời hai đoạn nhạc phản chiến của Trịnh là “Tình ca người mất trí” và một bài khác (chưa tìm được tên bài). Ta thử đọc một đoạn, sẽ nhận ra ngay điều này:anh thành kẻ cô đơn trong tổ quốc của mình/ kẻ tha thương ngay ở giữa quê hương/ đêm đêm quân cảnh vây lùng/ gác xép tối tăm ẩn núp/…/điệu blue nức nở/ "tôi có người yêu chết trận Plâyme/ tôi có người yêu, ở chiến khu Đ/ chết trận Đồng Xoài.../chết không hẹn hò"/…/ thành phố gặp nhau những buổi xuống đường/ đốt lửa lên chiếu soi bè bạn/ đốt lửa lên nhìn rõ mặt quân thù/ lựu đạn cay, ma-trắc, lưỡi lê/ Viện hoá đoạ, Tổng nha, Toà đại sứ/ máu Lê Văn Ngọc, lửa Nhất Chi Mai/ máu thiêng liêng liên kết triệu con người/ Trần Quang Long, Tống Phước Thọ, Lê Văn Nuôi/ những người đã khuất/ còn lung linh trong tiếng hát dập dồn/ "không bao giờ nô lệ trăm năm/ không bao giờ nô lệ một năm/ không bao giờ nô lệ một ngày" (Những gương mặt).

            Như vậy, ta có thể kết luận, khi làm bài thơ này ở miền Bắc cũng như những bài thơ khác, Lưu Quang Vũ, qua báo đài đã nghe và nắm rất rõ về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở miền Nam và bằng cách nào đó đã nghe rất nhiều nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn (Điều mà phần trên bài tham luận này, tôi còn nghi vấn), cũng tương tự như trí thức, sinh viên miền Nam đã từng nghe và hát nhạc đỏ của miền Bắc giữa lòng đô thị miền Nam. Có lẽ chính sự tìm hiểu về ý nghĩa của phong trào đấu tranh này đã đưa Lưu đến với nhạc phản chiến của Trịnh. Từ đó nẩy sinh trong Lưu Quang Vũ sự “tìm gặp nhau” để “đặt lại những câu hỏi về cuộc chiến tranh này” của tuổi trẻ hai miền: Cô đào nổi loạn Giên Phôn-đô/ trên đê Hải Dương vung nắm tay họp báo/ người ta giết sinh viên Nguyễn Thái Bình/ bằng năm viên đạn/ tuổi trẻ chúng tôi tìm gặp nhau/ đặt lại những câu hỏi/ về cuộc chiến tranh này/ về mọi giá trị trên đời/ nguồn gốc những nguyên nhân/ của chém giết và thù hằn/ bất công và đói rét (Hồ sơ mùa hạ 1972).Câu hỏi đặt ra đó là: Tuổi trẻ hai miền “cần phải làm gì để có lý do mà hy vọng?”:cần phải làm gì/ Hải Phòng Thanh Hóa Nam Định/ những thành phố bị hủy diệt/ những vụ thảm sát khổng lồ/ những thành phố điên/ Huế Đà Nằng Sài Gòn/ Quảng Trị An Lộc Đường 13/ cần phải làm gì (Hồ sơ mùa hạ 1972). Trong khi đó, ở miền Nam, những đoàn sinh viên biểu tình đang hát to những lời nhạc Trịnh:

Chính chúng ta phải nói hòa bình. Khi đất này địa ngục dựng lên. Chính chúng ta dành lấy mọi quyền. Quyết chối từ chém giết anh em.Em đã thấy các anh lên đường. Những tay trần làm cơn bão lớn. Cùng đứng bên nhau. Triệu bước nôn nao. Biểu ngữ giăng cao. Ta hãy nói hãy kêu tung trời. Ta phải đến khắp nơi ta đòi. Ruộng cần bàn tay. Nhà cần người xây. Vũ khí xếp lại (Chính chúng ta phải nói).

Sự gặp gỡ giữa thơ Lưu Quang Vũ lúc này và nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn, theo tôi, có lẽ bắt nguồn từ đó.Trịnh Công Sơn sinh năm 1939, Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, cách nhau gần 10 tuổi. Giai đoạn Trịnh sáng tác mạnh mẽ dòng nhạc phản chiến để cổ vũ cho phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam cũng là giai đoạn cuộc chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt (khoảng từ 1968 đến 1972). Đây cũng là giai đoạn Lưu Quang Vũ làm những bài thơ bày tỏ những “góc khuất”, “góc tối”, nỗi cô đơn trong lòng mình - những bài thơ không phải viết để in (vì không thể in) vào lúc đó. Nhưng anh phải viết ra bởi sứ mệnh của thơ ca, thiên năng của một thi sĩ. Khi đọc những bài thơ của giai đoạn sáng tác này của anh (tập thơ “Cuốn sách xếp lầm trang”), Vũ Quần Phương đã thảng thốt kêu lên: “Tôi đọc và sửng sốt, đây là một Lưu Quang Vũ khác, một Lưu Quang Vũ bạn bè còn ít biết tới. Ở đây anh cô đơn hơn, cay đắng hơn và nhiều ý nghĩ của anh bế tắc quá. Nhưng cũng chính ở đây anh viết thực chân thành, trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái - chưa bao giờ tôi thấy Lưu Quang Vũ chân thành đến tàn nhẫn với chính mình như ở tập này”(2). Đây là nỗi cô đơn rất Lưu Quang Vũ:Thời đau khổ chung quanh đều đổ nát/ Nỗi cô độc đen ngòm như miệng vực (Lá thu).Và cách nhìn nhận chiến tranh theo cảm nhận của riêng anh:Cuộc chiến tranh tàn ác/ Xô tháng ngày vỡ nát nối nhau trôi/ Điều anh tin không có ở trên đời/ Điều anh có không giúp gì ai được/ Gương mặt em chỉ còn là kỉ niệm/ Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi (Quán cà phê ngoại ô) và: Trong buổi chiều phiêu bạt/ Những chiếc xe bò đi vào thành phố…(Chiều cuối).Đọc hai câu thơ này của Lưuxui ta nhớ lời bài ca “Du mục” của Trịnh:Đàn bò vào thành phố. Đêm buồn vắng buồn hơn.Đàn bò vào thành phố. Không còn ai hỏi thăm. Đàn bò tìm dòng sông. Nhưng dòng nước cạn khô (Du mục).

 

            Lưu Quang Vũ không những chỉ gặp gỡ Trịnh Công Sơn trong thơ viết về chiến tranh, thân phận và ý thức hòa giải, hòa hợp mà, ở mảng thơ tình của Lưu và nhạc tình của Trịnh vẫn có những gặp gỡ rất vô tình:“Từ cát bụi sẽ lại về cát bụi”/ Màu cỏ xanh ngàn năm/ Tia nắng chiều trước biển mênh mông/ Anh nắm bàn tay bé nhỏ (Lưu Quang Vũ - Lời cuối); Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi phận này, vệt mực nào xóa bỏ không hay(Trịnh Công Sơn - Cát bụi).Đau đớn đến quằn quại trong thơ và thậm chí có lúc cả hai đều lâm vào bế tắc trước cuộc chiến kéo dài, nhưng Trịnh và Lưu vẫn có một điểm chung, đó là một niềm lạc quan như thể đó là thiên chức của người nghệ sĩ:Cuộc sống anh không chấp nhận/ Mà thương đến xót xa lòng (Lưu Quang Vũ - Vẫn thơ tình về một người đàn bà không có tên II); Hãy cứ vui như mọi ngày, dù chiều nay không ai qua đây, hỏi thăm tôi một lời, vẫn yên chờ đêm tới(Trịnh Công Sơn - Hãy cứ vui như mọi ngày); Dẫu đường dài xa ngái/ Đừng phút nào mệt mỏi thơ ta ơi (Lưu Quang Vũ - Nói với mình và các bạn); Hãy yêu ngày tới, dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời, ta cứ vui, dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai (Trịnh Công Sơn -Để gió cuốn đi).

            Sống ở hai miền trong thời đất nước cắt chia và chiến tranh tan tác, ý thức hệ của hai người thanh niên hai đầu chiến tuyến cũng đối lập nhau. Nhưng có lẽ cùng nuôi trong tim một tình yêu nước đến xót xa, cùng một thái độ phản đối và căm ghét chiến tranh hủy diệt đối với “người Việt da vàng”, đau đớn khôn nguôi trước những cái chết của tuổi trẻ hai miền và khát vọng hòa bình, cộng với phẩm chất bao dung, tính nhân bản của những tâm hồn người nghệ sĩ lớn đã dẫn Trịnh Công Sơn và Lưu Quang Vũ đến những gặp gỡ rất thú vị này. Trịnh được xem là người giữ vị trí số một trong dòng nhạc phản chiến ở miền Nam và Lưu cũng được xem như hiện tượng số một trong nền thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lúc bấy giờ.

 

               Xóm Chòi Dầu, tháng 5/ 2018

--------------

Ghi chú:

- Hầu hết thơ Lưu Quang Vũ sử dụng trong bài được trích từ: Lưu Quang Vũ -  “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” (Nxb Hội Nhà văn, 2010) và một vài đoạn trích bổ sung trong “Lưu Quang Vũ Di cảo” (Nxb Trẻ, 2018).

- Nhạc Trịnh Công Sơn được trích dẫn qua trí nhớ tác giả và kiểm định qua băng, đĩa, các trang mạng vì hầu hết những bản nhạc trong dòng nhạc phản chiến của Trịnh chưa được in thành tập..

 

 

 

Bài tham luận đã trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia“Lưu Quang Vũ – Cuộc đời và sự nghiệp” tổ chức tại Thành phố Đà Nẵng (Ngày 28/8/2018)nhân 70 năm sinh và 30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ, đã công bố trong tập Tiểu luận – Phê bình “Lô gic của tưởng tượng”, Nxb Hội Nhà văn, 12/2018

---------------

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



(1)  Theo Giang Nguyễn, Thân phận trong thơ Trịnh, VNExpress, 21/8/2010

(2) Lưu Quang Vũ, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr.356

 

Mai Bá Ấn
Số lần đọc: 1809
Ngày đăng: 25.09.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lại nói về Ba Tàu và các Chú - Thiếu Khanh
Người Nhật - Đỗ Nhựt Thư
Thủ pháp Show, do not Tell - Nguyên Lạc
Châu Đốc xứ Hành Hương - Vĩnh Thông
Cảm nhận sau khi đọc tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” của tác giả Trương Văn Dân - Nguyễn Thiện Luân
Feb 08, 2015 : Nhà Văn Nhật Chiêu phát biểu và giới thiệu về tập truyện “ Một phút tự do” của nhà văn Elena Pucillo Trương - Nhật Chiêu
Chữ Bậu trong hò, ca dao và lục bát - Nguyên Lạc
Bước thời gian (*).Chặng đường thơ mới của Tùng Bách - Yến Nhi
Tản mạn với CAFE - Phan Văn Thạnh
Người xưa không cho như thế là “Đạo văn” - Thiếu Khanh
Cùng một tác giả
Hoa mai chùa cổ (truyện ngắn)