Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.161.800
 
Góc vườn
Trần Thanh Giao

Vườn nhà tôi nho nhỏ, giống như các mảnh vườn khác nằm dọc theo con rạch quanh co của vùng làng quê xanh um cây trái. Góc vườn, chỗ con mương giáp ranh miếng vườn bên cạnh, chẳng hiểu sao lại mọc lên hai cây trứng cá. Điều đó sau này tôi mới để ý, vì trứng cá thường mọc cạnh nhà, chỗ có tường vôi, hoặc người ta trồng nó cạnh bờ sông, bên chiếc cầu cắm chân từ bờ xuống nước, nơi đậu xuồng, chỗ con nít hay ra tắm. Có lẽ chim ăn trái làm rơi hạt xuống đây, và những cái hạt "cứng đầu" đã không chết mà mọc lên thành hai cây trứng cá. Hoa trứng cá trăng trắng, đến mùa trái chín bóng lưỡng, căng mọng và đỏ rực như đèn cầy. Cho vào miệng, chỉ cần lấy lưỡi ép là nó vỡ bụp, phọt ra vô số những hạt nhỏ li ti như trứng cá, trộn với nước trong quả sền sệt, thơm ngọt lạ lùng. Hai cây trứng cá này là kho báu của riêng tôi, vì tụi con nít trong xóm không thể lại qua mà trèo lên nhặt trụi trái chín như mấy cây trồng dọc bến nước, cũng không như các cây gần tường nhà mà lũ em tôi cứ tót lên từ khi bảnh mắt, trong lúc tôi còn ngủ nướng  trong mùng. Hai cây này cũng là cái "mộc đàng" (vì chẳng lẽ lại gọi là "thiên đàng" hay "địa đàng") cho lũ chim trao trảo , đến mùa trái chín, từng đôi bay đến, ríu rít suốt ngày. Dường như ở cái xứ nhiều cá của tôi, cá hết chỗ đẻ dưới nước, nên trời cho có loại cây mang trứng cá ở trên cành! Và trời cũng dành riêng cây này cho bọn trẻ chúng tôi, vì trái nó tuy thơm ngon lạ lùng như vậy nhưng chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay, xinh đẹp và mỏng manh như một bong bóng con tí xíu, chỉ chờ được vỡ bụp trong miệng trẻ nhỏ khi chúng dám leo tuốt lên cành, chớ không bao giờ có thể biến thành loại "trái cây hàng hóa"!

 

Một bữa tôi dậy trễ, sật sừ đi ra góc vườn chỗ hai cây trứng cá. Bỗng tôi thấy có một bóng người nho nhỏ vội vàng tuột cái rột từ cành cây xuống đất. Bụng giận sôi, tôi vụt xông tới ngay. Trước mắt tôi, một đứa con gái đang tròn mắt nhìn tôi, vẻ bối rối, sợ sệt hiện lên sau hàng mi đen dài và đôi ngươi đen lánh. Hóa ra là con Ba Nở! Vườn nó ở cạnh vườn tôi, phía bên kia con mương. Con mương cũng khá rộng, chẳng biết nó qua đây bằng cách nào. Tôi liếc nhìn chân nó: hai bên chân còn dính bùn, nhưng hai ống quần cao trợt khỏi mắt cá chẳng thấy ướt chút nào. À, mày qua đây lâu rồi chớ gì? Tôi nổi giận xông tới. Con Ba Nở chậm chạp lùi sát mé mương. Chỉ cần tôi dậm chân hay giơ tay, chắc nó sẽ nhào xuống mương và biến mất sang bên vườn nhà nó. Phải bắt sống! Nhưng làm sao? Nó lớn hơn tôi vài tuổi, cao hơn tôi chỏm tóc, và da thịt của con gái cũng nở hơn tôi. Tính sao đây? Phải "lông-giông" chụp hai chân nó như tôi đã làm khi giữ gôn cho đội banh xóm mình? Nhưng con Nở không biết luật đá banh nên nó có thể cho tôi dập mặt lắm! Chắc nó đọc được những suy nghĩ trong đầu tôi. Và bất ngờ, nó thò tay vào túi áo nhỏ, móc một nắm trái trứng cá chín đỏ chìa thẳng ra trước mặt tôi. Tôi sựng lại, chưa biết tính sao. Nó bước tới một bước, lại móc hết hai túi áo, bụm trái chín trong tay chìa ra cho tôi. Đâu có dễ dàng vậy em! Nhưng mà… nhận lấy thì kém mà hất bỏ thì tiếc! Làm sao? Nó lại nở cười, nhón lấy một trái chìa cho tôi:

- Ăn đi! Trứng cá này thơm ngon kỳ lắm!

Tôi đành bĩu môi:

- Tao dư biết!

- Dư biết mà hổng ăn à?

Nó tỏ ra kinh ngạc thật sự khi thấy tôi từ chối những trái trứng cá "thơm ngon kỳ lạ" như vậy. Tức thì, nó bỏ tọt trái đó vô miệng, ngậm chặt. Tôi nghe được tiếng quả ngon vỡ bụp trên lưỡi nó, phía sau cặp môi! Nó nhấm nháp một chút, mắt vẫn nhìn tôi như truyền sang vị ngon mà nó đang thưởng thức. Tôi nuốt nước miếng.

Nó lại nhón lấy một trái nữa, lại chìa ra phía tôi. Và có lẽ nó đọc được ngay sự khát khao và bối rối trong mắt tôi nên nó lại nở cười, tự tin bước tới đưa trái trứng cá đến tận môi tôi:

- Ăn đi! Rồi mình hái nữa! Để chim ăn hết, uổng lắm!

Nó hướng tôi về phía "chính danh thủ phạm" là mấy con chim trao trảo! Mà quả thật, trong khi tôi đang "giằng co chiến tranh" với nó thì lũ trao trảo đã kéo đến, ríu rít mổ trái chín đỏ trên vòm lá xanh um của cái "mộc đàng". Tôi nhón một trái trong lòng tay nó cho vào miệng. Rồi trái thứ hai, thứ ba… Nó cũng không chậm hơn tôi. Vừa ăn, nó vừa cười:

- Bây giờ lại thấy ngon hơn! Đúng không?

Mà đúng thật. Hai đứa ăn thi với nhau và với lũ chim trao trảo quả thật ngon hơn. Sợ nó ăn hết, sợ trao trảo ăn hết. Vừa ăn vừa sợ như vậy mà ngon hơn chăng? Nhờ con Ba Nở, tôi biết trứng cá góc vườn mình quả thật là ngon tuyệt, ngon hơn tôi tưởng! Tôi nói:

- Mai mày cứ qua đây! Để tao kiếm khúc cây bắc cầu, mày khỏi lội mương.

- Đừng, đừng! Đừng cho ai biết…

Nó đặt một ngón tay lên môi làm ra vẻ chuyện này bí mật và quan trọng lắm! Tôi cũng thích, vào hùa với nó, gật đầu lia lịa.

.

.      .

Vậy là đáng lẽ tôi "tuyên chiến" với con Ba Nở, giờ lại về phe nó mà "tuyên chiến" với đám trao trảo. Nói đúng ra là chỉ có tôi "tuyên chiến". Con Ba Nở nói vậy chớ nó không ghét chim. Còn tôi, không phải tôi ghét chim, mà tôi chỉ muốn "chứng tỏ". Chứng tỏ cái gì nhỉ? Lúc đó, tôi nào có hiểu, nhưng cái ý muốn "chứng tỏ" thì mạnh mẽ lắm, nó mạnh như nguồn sống sẵn có trong mỗi con người…

 

Lúc đầu, tôi quyết sắm cái giàn thun để bắn lũ chim trao trảo. Tôi đi ra vườn tìm một cái chạc ổi. Thịt cây ổi dẻ dặt, chắc mà lại dẻo. Tôi lén má tôi, chặt một cành ổi ở tít cuối vườn, chọn lựa mãi mới được chỗ chạc vừa ý. Tôi lấy dao chuốt gọt mất vài ngày cho thật vừa tay, rồi dùng lá ngái ram ráp đánh thật kỹ, tới mức cái chạc bóng mịn như bào. Tôi mua hai sợi dây thun ruột xe hơi buộc vô, lại có một miếng da mềm kẹp đạn. Tôi móc đất sét đỏ vò đạn, phơi trong bóng râm se khô mà không nứt, những viên đạn đều tăm tắp, đẹp những viên đạn cu-li (viên bi) người ta bán cho con nít chơi, chỉ khác là không sơn xanh, đỏ, tím, vàng… Cầm cái giàn thun với nắm đạn, tôi vênh mặt ra đường, vì mình cũng đã "chứng tỏ" được một cái gì rồi đó !

 

Tôi mang giàn thun đi qua lại trước nhà con Ba Nở. Lâu lâu, tôi lại giơ nó lên, ngắm vào vòm lá xanh um, rê tới rê lui, chĩa vô mấy trái ổi, hay xa hơn, tới tận mấy trái xoài lủng lẳng tít trên cao. Tôi kéo thun ra, rồi lại thả thun vô, một mắt liếc ổi xoài, một mắt liếc vô nhà con Ba Nở. Tôi không dám nhả đạn, phần thì tiếc viên đạn công phu làm kỹ, phần sợ bắn trật thì quê, mà bắn trúng rớt xoài người ta mắng cho. Cái trò "chứng tỏ" này cũng mệt thiệt! Nhưng giương giàn thun hoài mà không bắn phát nào thì cũng bằng chứng tỏ rằng anh là một thằng rất… xệ! Tôi bèn nảy ra một ý: cứ lượm mấy cục đất hơi tròn tròn, bắn đại rẹt rẹt vô vòm lá. Con Ba Nở nghe tiếng chạy ra, ngó tôi mỉm cười, chẳng biết là nó khoái trò chơi hay đang giễu tôi. Lúc đó, bỗng có một con chim sâu nhỏ xíu lông phớt xám xanh, mỏ dài đen nhánh từ đâu tới sà xuống cây ổi, vừa kêu chích chích vừa nghểnh đầu nghiêng ngó tìm sâu. Tôi móc túi lấy ra viên đạn láng coóng, lắp vào giàn thun, giương hết tay, ngắm vào con chim sâu mà buông cái rẹt. Con chim trúng đạn, rớt bịch xuống đất nằm sải cánh. Tôi hí hửng chạy tới lượm ngay. Con Ba Nở cười, nói trống không như nó vẫn hay nói với tôi, chẳng biết khen hay là giễu:

- Bắn giỏi quá ta!

Tôi giả bộ phớt lờ, không thèm đáp, phủi lông chim xem nó trúng đạn chỗ nào. Mới phát đầu đã chứng tỏ được ngay, mà lại có khán giả, tôi khoái chí lắm.

 

Nhưng chỉ sau mấy ngày thì niềm kiêu hãnh của tôi biến thành sự ghen tức. Đó là do cái giàn thun bằng sừng trâu của thằng Năm Lé. Năm Lé hơn tôi vài tuổi, khoảng tuổi con Ba Nở, nhưng nó lùn lùn, mập mập. Đặc biệt là nó không có con mắt nào lé  hết, vậy mà tên Lé mới kỳ. Tên trong trường của nó là thằng Lánh. Nó học tới lớp ba trường làng rồi thôi. Tôi thì mỗi ngày cuốc bộ bốn cây số ra huyện, học lên lớp nhì, một năm, hai năm…. Nhưng nó có một biệt tài là bắn giàn thun rất giỏi, bắn trao trảo, cu cườm, cu đất, bắn rớt cả dơi quạ bay đi ăn trái chín ban đêm! Mỗi lần nó nheo nheo mắt ngắm bắn là y như có một con chim phải rớt. Có lần nó ngứa tay, muốn chứng tỏ trước lời thách của đám con nít, bèn giương giàn thun bắn trúng cuống trái xoài tượng trước nhà dì Bảy. Trái xoài xanh rớt xuống, bể làm tư làm tám. Dì Bảy chạy ra la, nó cãi: "Tại tụi nó thách. Con bắn trúng bon cái cuống đây nè. Tụi nó phải đền trái xoài cho dì chớ không phải con". Tất nhiên là không có đứa nào đền xoài, nên dì Bảy rủa: "Mày bắn chim, nó chết nhiều quá, nó oán, nó bắt tội cho con mắt mày thành lé đó! Coi chừng!" Lũ trẻ ré lên cười rộ. Và ngó cái bộ nheo mắt kéo giàn thun rất chi đặc biệt, chỉ riêng nó mới có, đám con nít kêu nó là Năm Lé! Riết rồi thành danh. Nó cũng muốn chứng tỏ tài bắn nên o bế và tìm kiếm giàn thun dữ lắm. Và cuối cùng, nó kiếm đâu được một cái bằng sừng trâu, đen thui, láng bóng, con nít đứa nào ngó thấy cũng ghen tức và nể sợ. Mấy cái giàn thun bằng chạc gỗ của đám con nít trong xóm dần dần biến mất. Bữa nào đi bắn chim, nó thường đeo giàn thun trước ngực như người ta đeo xâu chuỗi hay đeo thánh giá, cái chạc sừng đen bóng đập đập trước bụng trần, quần xệ rốn, theo mỗi bước đi của nó. Lũ con nít kéo năm, bảy đứa theo sau, tự nguyện làm đệ tử. Đứa thì cầm túi đạn, đứa thì cầm xâu chim mỗi khi nó bắn được. Còn mấy đứa trẻ năm, bảy tuổi thì đeo cái chạc nhỏ xíu, thô kệch, cố bắt chước bộ đi của nó, lưng khòm khòm, tay cong cong, và nhất là cái kiểu kéo giàn thun mà nheo nheo con mắt. Bắn xong một phát, nếu trúng chim, nó hô "lượm!" thì một thằng nhóc, có khi phải tuôn bụi tuôn gai đi lượm về. Còn nếu trật, nó hô "đạn!" thì một thằng khác vội móc túi đưa ra ngay viên đạn đã được vo, phơi và đánh bóng kỹ lưỡng cho nó bắn tiếp, tới khi con chim rớt hoặc bay mất mới thôi.

 

Bữa đó, thằng Lé bắn rớt con cu đất đậu trên một nhánh của bụi tầm vông trước vườn nhà con Ba Nở. Lũ trẻ hò reo thán phục thằng Năm Lé. Con Ba Nở cũng ngó thấy và tôi cũng đang láng cháng ở gần đó. Con Ba Nở chỉ mỉm cười, cái kiểu cười nửa khen nửa giễu. Còn tôi, chẳng nói chẳng cười, bụng có phần ghen tức, chê cái con cu đất quá dại, dám đậu trên ngọn tầm vông cạnh đường cặp bờ sông, nơi mọi người thường qua lại. Năm Lé thấy tôi mặt hầm hầm liền bước tới. Nó cầm cái giàn thun chạc ổi tôi vẫn đeo trước ngực, lật qua lật lại, ngắm nghía rồi nói giọng kẻ cả:

- Cũng khá. Nhưng mà… ai cũng làm được.

Tôi tức lắm, định tìm lời đáp trả thì chợt nghe nó hỏi:

- Mày có dám bắn thi với tao không?

Tôi hơi lúng túng:

- Thi cái gì?

- Thi bắn trúng cái… dái mít kia kìa!

Tôi nhìn theo tay nó chỉ, vụt nghĩ ra một ý:

- Ừ! Mày bắn cái dái mít đó đi. Còn tao, tao sẽ bắn… trúng cái ngọn tầm vông kia.

Tôi giơ tay chỉ lên chót bụi tầm vông. Năm Lé hơi ngơ ngác

- Nhưng mà…

- Nhưng mà cái gì. Nếu mày bắn trúng dái mít, nó bể nát, còn đâu tao bắn? Với lại tao đâu có dại mà bắn cái mày chỉ. Đó là cái mà mày cảm thấy quen tay. Còn tao, tao chọn cái quen tay của tao. Vậy mới công bằng!

Đám con nít ó ré lên phản đối tôi. Lúc đó, con Ba Nở bước ra nói:

- Phải đó. Ai quen tay kiểu nào, cứ bắn theo kiểu đó. Tao làm chứng cho.

Năm Lé nghênh mặt nhìn con Ba Nở, mắt nheo nheo, đầu nghiêng nghiêng, như khi ngắm bắn chim. Bọn con nít cười ồ lên.

Bỗng Năm Lé khoát tay:

- Thôi. Đi tụi bây. Lại kia nướng cu ăn. Còn đứa nào thích tầm vông, cho nó ăn đọt tầm vông!

Cả bọn kéo đi, hả hê như một đoàn quân chiến thắng. Thằng cầm con chim vừa bị bắn rụng, xướng lên: "Nướng cu! Nướng cu!" Cả đám phụ họa theo như một bài hát oai hùng!

Tôi liếc nhìn con Ba Nở và cảm thấy mình bị quê quá! Mà bỏ đi bây giờ, lại càng quê hơn. Tôi đành giả bộ nghiêng nghiêng ngó ngó lên vòm lá xanh um, tay lột cái giàn thun ở cổ ra, hờm sẵn. Con Ba Nở vẫn đứng đó và cứ bưng miệng cười, chẳng rõ nó cười cái bộ dạng lom khom của tôi lúc đó hay cười câu hát đắc thắng của bọn thằng Năm Lé vẫn vọng lại trong khi chúng đang lúi húi nướng cu?

 

Chẳng mấy chốc, từ gốc cây sát mé rạch đã bốc lên làn khói trắng của ngọn lửa nướng chim và tiếp theo là mùi lông chim khen khét, rồi mùi mỡ chim rơi xuống than cháy thơm lừng. Tôi phải mấy lần nuốt nước miếng vì mùi chim nướng thơm thật là thơm. Và chim nướng trong hoàn cảnh này, đối với bọn trẻ chúng tôi, quả là một miếng ngon nhớ đời! Gió sông cứ đưa mùi chim nướng dậy lên, cùng những đọt tầm vông ngúc ngoa ngúc ngoắc. Và cái bộ dáng con Ba Nở bụm miệng nín cười.

.

.      .

Một buổi trưa chủ nhật, tôi lại ra góc vườn, cụ bị đầy đủ đồ lề để làm một việc bí mật mà tôi đã nghiền ngẫm suốt mấy hôm nay. Vừa tới nơi, tôi chợt nhìn thấy con Ba Nở đang đứng dưới gốc hai cây trứng cá, túi áo căng phồng chắc vừa hái trái, và mắt ngó mông có ý đợi chờ ai. Trông thấy tôi, nó sáng mắt lên. Còn tôi thì xụ mặt xuống, bực mình vì chuyện bí mật mà bị con nhỏ này phá đám. Tôi dẹp các thứ mang theo sang một bên. Con Nở hỏi:

- Cái gì đó?

Tôi đáp nhủng nhẳng:

- Ờ… Mày con gái mà biết cái gì?

Nó lõ mắt nhìn tôi như muốn cự nự sao đó. Nhưng nó bỗng đổi nét mặt, mỉm cười nói:

- Ừ, thôi. Xếp cái đó lại đi, há. Bữa nay (nó ngập ngừng, liếc nhanh mấy cái về phía tôi), bữa nay… mình chơi nhà chòi đi…

Tôi chán quá nhưng chưa biết cách nào xua nó cho sớm mà khỏi lộ bí mật. Thấy tôi làm thinh, nó rấn tới:

- Có đủ hết rồi nè. Mình cất chòi đi.

Nó bày ra mấy cành cây, cao quá đầu tôi, đem cắm bốn góc làm cột nhà, rồi lấy mấy nhánh nhỏ hơn giục tôi cùng buộc lên làm đòn, làm xà nhà, lại buộc thêm mấy nhánh nhỏ nữa làm rui để gác mái… Chơi nhà chòi là một thú vui của trẻ con miệt vườn chúng tôi, vả lại "cột, kèo, đòn tay…" làm chòi đầy rẫy trong các khu vườn, quơ tay chỗ nào cũng có. Cuối cùng thì nó cắt mấy cái lá chuối lợp lên thành mái chòi và trải ra đất làm nền, làm chiếu. Xong xuôi, nó đi hái mấy lá cam, lá bưởi, tách mấy cái mầu trên cuống quả dừa bị sóc ăn rụng rải rác mặt đất làm dĩa, làm chén… đem bày giữa nhà chòi. Nó hí hửng móc túi xếp ra những trái trứng cá chín đỏ, bắt tôi ngồi xuống đối diện với nó. Nó xoa hai tay, miệng nở cười, mắt nhìn tôi và bắt chước giọng người lớn mà chỉ có trẻ con chơi trong cuộc mới hiểu cái luật chơi giả mà lại thật này. Nó nói:

            - Bữa nay, anh đi cày về mệt, em nấu món canh chua cá lóc cho anh ăn. Nè, cặp trứng cá bằng ngón tay cái, béo lắm, ngon lắm, anh ăn đi.

Nó bưng cái mầu dừa đầy trứng cá chín đỏ, đưa cho tôi. Rồi nó cũng bưng lên một cái, giả bộ xì xụp húp và đổ hết trứng cá vào mồm, vừa ăn vừa xuýt xoa:

                   - Ngon quá, canh chua ngon quá! Kìa, anh ăn đi!

                  Tôi đổ quạu:

      - Ngon thì mày ăn đi! Tao không ăn đâu!

      Nó nhìn tôi ngơ ngác, mắt rơm rớm:

      - Coi kìa, mình chơi nhà chòi mà. Em xưng em với anh, anh đừng mày tao chớ!

     Nghe nó nói, tôi thấy mình hơi cộc, lại không hiểu luật chơi. Đúng ra, nó lớn tuổi hơn, có quyền mày tao với tôi, thế mà nó đã xưng em. Khó có khi nào bắt con gái lớn xưng em với mình lắm chớ. Cái trò chơi nhà chòi này làm cho nó xưng em với mình, cũng hay. Tôi dịu giọng:

     - Ờ, ờ… nhưng mà anh đang mắc nghĩ một chuyện…

     - Chuyện gì vậy?

     - Chuyện… bí mật…

     - Nói cho em biết đi. Em có giúp anh được gì không?

     Nhớ tới cái hôm nó đứng về phe tôi trong cuộc thi không thành với Năm Lé, tôi hạ giọng:

     - Mà mày ("Em chớ") … Ừ, mà em không được nói cho ai biết nghe.

     Nó gật đầu, mắt có vẻ hồi hộp chờ tôi. Tôi nói nhỏ, mặc dù trong vườn chỉ có hai đứa:

     - Anh… đang chế ra một… cái súng…

     - Cái súng!

     - Ừ, súng này bắn chim trúng như để. Mình bắn thật nhiều trao trảo, cu ngói, cu cườm… Rồi mình nướng lên… À không, mình sẽ ru-ti, làm chim quay! Anh cũng đã nghĩ ra một cái lò quay chim bằng hai miếng ngói ống ốp lại. Y như lò quay heo của chú Xồi ở chợ Vàm! Lúc đó, bọn thằng Năm Lé sẽ hết làm tàng, làm phách!

     Con Nở tròn xoe mắt nhìn tôi, miệng lắp bắp:

     - Anh cho em… cùng làm với anh, được không?

     Tôi gật đầu thiệt mạnh để chứng tỏ mình đáng cho nó gọi bằng anh và xưng em:

     - Được, anh sẽ làm cho em coi. Mà… anh biểu gì, em phải làm nấy, nghe?

     - Dạ!

      Tiếng dạ nghe rất dễ thương, chỉ có ở em gái mình và (sau này tôi mới biết) ở người yêu mình.

Vậy là bí mật của tôi đã có người chia sẻ, ngay ở góc vườn tôi, trong một cuộc chơi nhà chòi mà đứa trẻ con nào ở miệt vườn ít ra cũng một lần biết tới.

.

.      .

Phải mất một tuần tôi mới làm xong cây súng.

Trưa đó, tôi ôm súng ngồi rình trao trảo dưới gốc hai cây trứng cá. Con Ba Nở ngồi sát phía sau, hơi thở nó phả ấm gáy tôi. Nó giữ chặt túi đạn trong hai tay, cái túi do nó may lấy. Còn đạn phần lớn cũng do nó làm, phơi khô trong bóng râm, theo sự chỉ dẫn của tôi. Tôi khoái chí vì mình cũng có "đệ tử". Chỉ tiếc có một đứa, lại là con gái. Nhưng cũng chẳng sao. Cứ nhìn nó trầm trồ, vuốt ve cái súng mình chế ra đủ thích rồi. Cái súng bằng gỗ thau lau, nhẹ bâng, đẽo từ một miếng ván theo hình cái súng bắn chim. Nòng súng dài, khoét rãnh lõm hình trăng khuyết, cái rãnh này tôi phải nhờ chú thợ mộc trong xóm lấy đục vũm dũi cho. Cái súng có cò hẳn hoi, làm bằng dây thép cứng. Hai sợi thun buộc đầu nòng súng kéo căng ra, có khoen nhỏ móc vào cò. Tôi kê súng lên vai, theo đường rãnh, ngắm thẳng. Khỏi sợ run tay, khỏi sợ dây thun dùng quá hay căng quá, đường đạn đi rất tin. Thử ổi, thử xoài, thử đọt tầm vông đều không trật! Con Ba Nở háo hức xin bắn, tôi cũng cho và nó bắn hai phát đều xém trúng đích. Nó sướng quá, ôm tôi, hôn cái chụt! Bây giờ, không chơi nhà chòi, nó cũng xưng em với tôi.

 

Nắng lên cao thì lũ trao trảo bay tới càng đông, tiếng kêu lích rích. Tôi quay lại ra hiệu cho con Ba Nở. Nhìn ánh mắt nó, tôi biết nó đang hồi hộp lắm. Tôi cũng hồi hộp vì lần này là bắn thật chớ không phải bắn thử. Tôi lên đạn, giương súng, ngắm vào một con chim đang mổ trái trứng cá đỏ mà bóp cò. Đạn bay xé lá rẹt một phát và con chim rơi bịch xuống đất! Cái súng rất tin! Con Ba Nở không chậm một giây, nhào tới lượm chim. Cầm con chim còn run giần giật trong tay, nó nhìn tôi rất lạ, vừa như khen, vừa như trách. Nhưng tôi không để ý, cứ dõng dạc bắt chước Năm Lé: "Đạn!" Con Nở hơi ngần ngừ nhưng cũng mở túi nhái lấy đạn đưa cho tôi. Tôi bắn tiếp ba phát, được thêm hai con chim. Con Nở nói:

- Thôi, anh ơi! Bữa nay đủ rồi.

Tôi đang nhuần tay, muốn bắn nữa nhưng con Nở không nghe. Tôi bực mình. Chơi với con gái chán quá! Tôi nói như quát:

- Đưa túi đạn đây!

Con Nở lắc đầu, bước thụt lùi, tay vẫn giữ chặt cái túi đạn sau lưng:

- Thôi mà…

Tôi nổi sùng, xông tới, vòng tay qua eo nó giật cái túi đạn. Đà xô tới của tôi khá mạnh, nó lại đang bước lùi nên loạng choạng, ngả ngửa. Nó vội ôm chặt lấy tôi và kéo tôi té theo. Tôi lồm cồm toan đứng lên nhưng hai tay nó cứ ghì tôi chặt cứng. Mắt nó, phía dưới, nhìn thẳng lên mắt tôi. Trong ánh mắt nó, không phải sự hờn giận, trách móc, cũng không phải cái đau do cú ngã, cũng không phải sự nể nang, kính phục mà là cái gì đó lạ lùng lắm, từ nhỏ tới lớn, tôi chưa từng biết bao giờ… Chạm ánh mắt đó, sự bực mình, tức giận trong tôi tan biến, cả niềm kiêu hãnh, cả sự muốn "chứng tỏ" trong tôi cũng tan biến. Có cái gì lớn, rất mênh mông, làm tôi ngộp thở… Chúng tôi cứ nằm đó mà nhìn nhau, túi đạn vãi ra một bên, không ai buồn tranh chấp, cả tiếng chim trao trảo đang tranh nhau ăn trái chín trong cái "mộc đàng" cũng không còn ai để ý. Tôi chỉ còn nghe con Ba Nở thở dồn dập và nhịp tim tôi đập thình thình…

.

.      .

Nhưng mà, con người ta cho tới chết cũng không bỏ được sự muốn "chứng tỏ".

Sau bữa đó, tôi không bắn chim trong góc vườn với con Nở nữa. Tôi đeo cái súng lên vai, đi dọc con đường cặp theo mé rạch, túi đạn bên hông, không có con Nở làm đệ tử mang theo. Và tôi ngó thấy, phía đàng kia, đám thằng Năm Lé cũng đang ồn ào kéo tới. Chợt Năm Lé đứng lại. Tôi làm bộ không để ý đến bọn nó, lột súng ra khỏi vai, giơ lên ngắm nghía cái chót ngọn tầm vông. Một thằng trong bọn la lên:

- Ê, nó mới có cây súng tụi bây ơi!

Một thằng nhỏ hơn chạy lại phía tôi, vui vẻ nói:

- Cho mượn coi nghe?

Tôi đưa súng cho nó. Nó trở qua trở lại có vẻ khoái cây súng:

- Mày kiếm đâu vậy?

Tôi chưa kịp đáp, Năm Lé hất hàm bảo:

- Đưa coi!

Thằng kia trao súng cho Năm Lé. Nó xem qua, kê lên vai, nheo mắt, rồi hạ xuống nói:

- Bày đặt! Mỏi tay thấy mồ!

Một thằng giật súng coi:

- Mà bắn chắc ăn hông?

Tôi đáp:

- Mày cứ thử thì biết.

Tôi lắp đạn cho nó. Nó kê súng lên vai, ngắm đọt tầm vông. Chờ một lúc. Cả bọn nhao nhao:

- Sao không bắn đi?

- Gió lúc lắc hoài, làm sao tao bắn?

Năm Lé cười ha ha:

- Vậy mà cũng đòi bắn súng! Coi nè!

Nó rút giàn thun, lắp đạn, giương lên, nheo mắt, và xoẹt một phát, nó bắn trụi lá ngọn tầm vông! Nó lại khoác giàn thun vô cổ, nói tỉnh bơ:

- Súng với siếc! Bày đặt!

Một thằng nói:

- Như vầy chưa biết được. Đi kiếm chim bắn thi mới chắc.

Tôi liền nói một câu mà sau này nghĩ lại, tôi mới thấy ân hận:

- Ra cây trứng cá sau vườn tao. Nhiều trao trảo lắm!

Cả bọn hò reo hưởng ứng, rần rần kéo đi theo tôi. Ngang nhà con Ba Nở, tôi thấy nó đang ngồi chẻ củi. Nhìn đám con nít ồn ào kéo vô vườn tôi, con Nở chợt hiểu sự tình. Nó buông rựa, chạy theo kéo áo tôi:

- Anh làm gì vậy? Biểu tụi nó ra đi. Không em méc bác Sáu.

Đang hăng mà bị cản mũi, tôi xì nó:

- Cho mày đi méc. Má tao đi chợ rồi.

Và tôi dẫn tuốt lũ trẻ vô góc vườn. Con Ba Nở không còn cách nào khác đành nhập bọn đi theo.

Trời trưa, nắng gắt, nhưng ở góc vườn nhà tôi, hai cây trứng cá vẫn tỏa bóng mát rượi, cạnh con mương nước bạc đang lên đầy ắp. Tôi giao hẹn:

- Tụi bây im lặng hết nghe, chim nó mới về. Tao với thằng Năm Lé, mỗi thằng thay phiên nhau bắn, không được bắn lộn xộn.

Cả bọn đồng tình, cử ra mấy thằng, tiếp đạn và lượm chim, riêng cho hai phía. Nhưng con Nở giành phần tiếp đạn cho tôi. Cũng được thôi. Đạn để ra trước mặt, mười viên cho mỗi bên. Thằng Năm Lé chấp tôi bắn trước. Nó nói:

- Vườn mày, mày được quyền bắn trước.

Tôi gật và đưa tay lên môi, trợn mắt nhìn khắp xung quanh. Im lặng. Bắt đầu.

Góc vườn trở lại yên ả, vắng tanh trong nắng trưa. Gió thổi vào cành trứng cá lào xào, lật những chiếc lá nham nhám trắng xanh, phơi ra đầy trái chín đỏ. Lũ trao trảo dần dần kéo đến. Một con, hai con, rồi cả đàn hơn chục con. Tôi mừng rơn trong bụng. Nấp dưới gốc cây, đám trẻ lom khom ngó về phía tôi. Con Ba Nở ngồi sau lưng tôi nói nhỏ: "Rán nghe anh!" Tôi lắp đạn, giương súng hướng về phía con chim ở cành cây gần nhất đang nhảy qua nhảy lại, nghiêng ngó tìm mồi. Chờ nó đứng yên mổ vào trái chín, tôi bấm cò. Đạn bay xoẹt, tôi nghe bộp một phát như mình vừa thụi trúng con chim. Nó rơi phịch xuống đất. Con Ba Nở vọt ra, nhặt ngay về. Tôi chưa kịp cầm con chim lên xem, đã thấy Năm Lé lắp đạn vào giàn thun. Tôi căng mắt theo dõi. Bốn, năm con chim đang nhảy nhót trên cành, nó nheo nheo mắt ngắm, tôi chẳng biết nó định bắn con nào. Bỗng roẹt một phát và một con chim rơi bịch xuống đất. Nó bắn thiệt lẹ, đến nỗi lũ chim không biết có người đang rình bắn mình. Thằng lượm chim cho Năm Lé nhào ra. Vậy là một đều.

 

Cuộc thi căng thẳng, hồi hộp và cả đám trẻ đều theo đúng luật chơi. Chỉ có những tiếng xuýt xoa, những ánh mắt nở tròn, những nhịp tim đập rộn chớ không có la lối ồn ào. Còn con Ba Nở, mỗi lần chim rơi, nó cứ chắc lưỡi làm tôi phát bực mình: "Chết hết chim của mình, anh ơi!"

Thời gian trôi qua chẳng biết là bao lâu. Trước mặt tôi, năm viên đạn đã bắn xong và ba con chim rụng nhặt về nằm chết sải cánh. Phía thằng Năm Lé, hết bốn viên đạn, được hai con chim. Tôi đang dẫn trước nhờ cái súng. Năm Lé lắp viên đạn thứ năm. Tôi thấy rõ nó đang xúc động, tay run run, mắt nheo giật giật. Nó đang ngắm một con trao trảo mái, không đội mũ ca-lô (mũ chóp chào mào) như con trống, nhưng con chim khá to, mập. Bắn chim lớn chắc ăn hơn, tôi đoán vậy. Thằng Năm Lé thình lình buông đạn khi con chim vừa chuyền cành đậu xuống. Đường đạn của nó thiệt tài, trúng bịch lúc con chim mới quặp chân vào cành. Con chim lảo đảo rồi ngả chúi, cắm đầu xuống. Nhưng hai chân chim vẫn quắp chặt lấy cành cây. Hai cánh chim đập lạch bạch. Trúng mà chưa chết! Con chim vẫn đang đập cánh, gượng bay! Nó muốn bay về mớm mồi lần cuối cho con nó?

Lúc đó, thằng Năm Lé quên cả luật chơi. Nó la lên:

- Đạn! Đạn!

Thằng tiếp đạn vọt tới. Năm Lé vừa lắp đạn vào giàn thun chưa kịp giương lên thì con chim bị thương kiệt sức, buông chân rơi phịch xuống đất. Năm Lé mừng quá, thuận miệng xuống xề như ca vọng cổ:

- Đạn, đạn, đạn… ơ… ơ… trường!

Cả bọn hứng chí ào ra nhặt chim, vừa hát theo, khi thấy con chim bị trúng đạn ở bụng, ruột lòi ra ngoài:

- Đạn, đạn, đạn… ơ… ơ… trường!

Ở đây, xin mở một dấu ngoặc: Người miệt vườn Nam Bộ chúng tôi trong phát âm thường không thích gò bó cái miệng mình. Ví như "song toàn" thường nói "song tàng", "đoạn trường" và "đạn trường" thường không phân biệt, cho nên thằng Năm Lé trong khi lính quýnh bèn kết luôn "đạn" với "trường" và cả bọn đều hiểu nó muốn xướng lên câu hát "đoạn trường"!

Và khi cả bọn rập ràng ca lên câu hát ngẫu hứng đó thì lũ chim hoảng sợ vỗ cánh bay đi hết. Cuộc thi dừng lại ở tỉ số ba đều. Nhưng phần thắng thì nghiêng về phía Năm Lé với một đám đệ tử kéo theo sau, xâu chim ba con giơ lên phía trước và câu ca chiến thắng hô đều nhịp: "Đạn, đạn, đạn… ơ… ơ… trường! Đạn, đạn, đạn… ơ… ơ… trường!"

 

Sau đó, góc vườn trở lại im ắng và vắng vẻ. Chỉ còn có tôi và con Ba Nở. Nó cứ ngồi im thẫn thờ nhìn ba con chim nằm chết trước mặt. Hai cây trứng cá dường như xơ xác qua một cuộc "chứng tỏ" gay cấn của đám trẻ con chúng tôi. Lũ trao trảo chẳng biết đã bay về đâu và những con trống, con mái mất bạn chẳng biết có buồn không…

Con Ba Nở thấy tôi ngồi thừ trong đám cỏ liền gượng cười, đứng dậy kéo tay tôi:

- Thôi, ăn thua gì chuyện ăn thua. Mình lại đây chơi nhà chòi, hay hơn nhiều…

Tôi nhìn nó. Ánh mắt nó hứa hẹn một điều mà chỉ riêng hai đứa chúng tôi mới hiểu. Cũng như lần trước, mọi giận hờn ghen tức, cả sự muốn "chứng tỏ" trong tôi đều tan biến để sau này đọng lại thành những dư vị ngọt bùi chua đắng… khi người ta tự dưng được sinh ra và một lần được sống giữa chốn "mộc đàng"…

.      .

Cách mạng thành công. Và chưa được bao lâu thì Tây trở lại. Tàu nó ngoài sông Cái xả đạn vào tận góc vườn nhà tôi, trúng một thân cây trứng cá. Tôi đi kháng chiến. Năm Lé cũng vào bộ đội…

Bốn mươi năm sau, tôi mới có dịp trở lại làng mình. Góc vườn xưa đã thay đổi hẳn, chủ mới đã biến nó thành một vườn cam trồng ngay hàng thẳng lối, quả nặng trĩu cành, nhưng trao trảo thì không còn nữa. Bên kia mương là ngôi mộ con Ba Nở. Nó chết vì đạn lạc ở tuổi ba mươi…

Năm Lé về hưu với quân hàm đại tá. Có lần, tôi tình cờ gặp nó, tay xách súng hơi, tay xách xâu chim, ở một góc vườn ngoại ô thành phố. Tay bắt mặt mừng hỏi thăm nhau một hồi, bỗng nó cười bảo:

- Tao đã tìm ra bí kíp để bắn chim rồi!

Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Bí kíp gì?

- Là phải bắn bằng súng chớ không nên bắn giàn thun!

Nó cười lớn, đập vào vai tôi thật mạnh, làm tôi đau điếng. Tôi đứng ngẩn ngơ, nhìn theo tay nó vẫy chào cho tới khi bóng nó khuất hẳn sau góc vườn…

 

Tháng 10-1996

Trần Thanh Giao
Số lần đọc: 2532
Ngày đăng: 01.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đàn ông đi tìm thần chú - Trần Thôi
Sông quê - Trần Thôi
Tiếng vọng ngàn xưa - Bùi công Ba
Bập bùng giai điệu - Hồ Tĩnh Tâm
Dòng sông tuổi thơ - Hồ Tĩnh Tâm
Có căn phòng sáng đèn - Nguyễn Đức Thiện
Hồi ức Xóm Nghĩa Địa - Ngữ Yên
Đêm đợi lũ - Hồ Việt Khuê
Xuân về, trên nhịp cầu Quay - Dương Ðình Hùng
Chuyện kể người đánh cắp tượng PHẬT THÍCH CA MÂU NI - Vĩnh Nguyên