(Đọc Tiểu thuyết ĐẤT KHÁT của Trác Diễm
NXB Quân đội nhân dân - Hà Nội - 2017)
Trác Diễm sinh năm 1986 tại thôn Khương Hà, xã Hưng Trạch, Huyện Bố Trạch, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, chị viết khỏe, in nhiều. Tôi rất thích đọc chị nhưng nếu nói đọc hết tác phẩm của chị thì chưa thể. Song với Đất khát tôi đã bắt gặp một sức hút kỳ lạ, đó là nỗi ám ảnh đáng sợ của con người khi nói đến chiến tranh, dục tôi phải “lên tiếng” ngay khi gấp lại trang cuối của cuốn sách.
Anh chấp nhận chịu đựng sự cô đơn khi xa em nhưng em đừng bao giờ coi đây là một cuộc chạy trốn và em đang cố gắng để thoát khỏi những ám ảnh sau tất cả những gì đã xảy ra đối với cuộc đời của em. Em nói nơi em đến được mệnh danh là “vùng đất chết” và bây giờ em muốn nó được hồi sinh… Thì ra, chàng họa sỹ Nguyên Ninh (Du Tử) đã cân vấn nhiều lắm khi đồng ý để người yêu toại nguyện với lựa chọn của mình. Ta hãy nghe họ thổn thức trong những phút chờ đợi ở ga tàu, ba mẹ em là những người làm vườn chăm chỉ. Niềm vui thú được hưởng cuộc sống điền viên không bao giờ vơi cạn trong lòng họ và họ muốn dành hết cả phần đời tự do của mình sau khi nghỉ hưu để về quê mở trang trại… Họ đã biến vùng đồi lay lắt khát cháy thành một nông trại… Chỉ vì em muốn trồng thêm một cây keo hoa vàng ở đấy… Em rời ngọn đồi đi kiếm cây trong khi hai ông bà giúp em đào hố… Em hối hận, khi để cả hai người chôn vùi cuộc đời mình dưới hố sâu tử thần sau một tiếng nổ kinh thiên động địa và sau đó một cột khói đen ngất ngưởng bao trùm lấy ngọn đồi, mùi thuốc bom thọc vào tận phổi em khi em vừa chạy lên tới đó….
Tốt nghiệp khoa báo chí nhưng ám ảnh ấy đã khiến Lư tìm đến với một công việc đẩy nguy hiểm, dự án giải quyết bom mìn vật liệu nổ sau chiến tranh. Nơi cô đến đầu tiên là ngôi làng bên bờ biển có cái tên Yên Bình nhưng chưa bao giờ được bình yên. Ngay trong câu chuyện với lão ngư, người dân làng Yên Bình, nhắc đến bom mìn tui lại nhớ tới một vụ cách đây mười hôm ở xóm tui, hai cha con đi rà sắt vụn bị trúng mìn… Nhìn lên bàn thờ trong ngôi nhà của người ngư dân này là bức ảnh đen trắng của một người đàn bà còn rất trẻ. Vợ tui chết bom khi cuốc đất làm vườn. Tui một mình nuôi ba đứa con… Nói đến đó người đàn ông không tiếp tục được nữa, ông cầm chiếc mũ tai bèo dính đầy nhựa phi lao xỉ mũi và chặm những giọt nước mắt rỉ ra hai bên khóe… Xúc động trước tình cảnh của lão ngư cô nghĩ đến con số khủng khiếp ước tính mười lăm triệu tấn bom đạn được sử dụng trong chiến tranh, khoảng mười phần trăm không phát nổ… Nhất là loại bom chùm cùng với đầu đạn M79, nguyên nhân dẫn đến đa số thương vong cho dân thường…
Được nhận vào làm việc tại dự án, Lư gần gũi chị Mẫn người nữ Đội trưởng có chồng là bộ đội Công binh và không nói đâu xa, ngay trong gia đình chị Mẫn cũng đã trải qua nỗi đau do bom mìn thời hậu chiến. Cách đây mấy năm, khi chị sinh con bé thứ hai thì cha chồng chị qua đời trong lúc đào đất làm chuồng gà, không may đụng phải một quả bom bi loại BLU26… để những đứa con sau này không phải khó khăn khi hình dung cái chết của ông nội, chồng chị đã kiếm cái vỏ bom bi cất đi để sau này giải thích cho chúng và thỉnh thoảng anh ấy vẫn lấy vỏ bom ra ngắm nghía như một mảnh ký ức đau buồn…
Với trách nhiệm là nhân viên truyền thông, cô đã tổng hợp tới hàng chục loại vũ khí sát thương Mỹ sử dụng ở Việt Nam nhưng Lư càng cảm thấy kinh khủng hơn khi làm việc với người Đội trưởng tên Thắng. Chừng đó chưa ăn thua gì đâu Lư, cô thử hình dung đi, ba mươi năm chiến tranh, Hoa Kỳ đã thả hàng chục triệu tấn bom mìn xuống Việt Nam. Một con số gấp bốn lần so với số lượng bom mìn được dùng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng điều còn kinh khủng hơn là Việt Nam phải cần đến một trăm năm và hơn mười tỷ đô la để dọn sạch số bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh… Số kinh phí khổng lồ đó chưa tính đến chi phí cho công tác tái định cư và an sinh xã hội tại các khu vực bị ô nhiễm…
Mỗi ngày làm việc ở đây luôn đặt mọi người trong tâm trạng bất an nhưng Lư không hề thấy mệt mỏi, bởi trong cô luôn ám ảnh thân phận những con người, mái nhà, làng xóm từng xơ xác do chiến tranh nay đang sống trong sự đe dọa của bom mìn vật nổ. Cô thì thầm với người mình yêu qua trang nhật ký, anh có tin nổi không Du Tử, chỉ trong vòng bốn thập kỷ mà có đến hơn bốn hai ngàn người thiệt mạng và số bị thương tật là trên sáu hai ngàn người do hậu quả bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Và em cùng với đồng đội của mình đang nổ lực hết sức để giảm thiểu những cái chết thương tâm…
Là cây bút nữ, sinh ra sau chiến tranh nhưng Trác Diễm đã có một vốn sống thực tế sâu sắc, dày dạn… nhất là trong địa hạt xử lý bom mìn vật nổ… như chính chị đã đi qua cuộc chiến, đi qua công việc mà cái chết đang rình rập từng ngày giữa thời bình vậy. Chẳng hạn, các thiết bị chuyên dùng để rà tìm bom mìn vật nổ dưới biển, một tàu phục vụ định vị, lặn xử lý tín hiệu, hai tàu phục vụ dò tìm, bốn tàu phục vụ điều tiết khống chế giao thông, một tàu đảm bảo hậu cần, thiết bị lặn, thiết bị hút và xói bùn cát, thiết bị ROV, thiết bị lặn không người lái điều khiển từ xa, thiết bị dò bom mìn vật nổ, máy dò bom dưới nước, thiết bị SONA, từ kế… Hay một quy trình làm việc, sau khi tàu điều tiết giao thông cho biết vùng biển đảm bảo không có ngư dân hoạt động, tàu dò tìm sử dụng các trang thiết bị hiện đại như máy quét siêu âm Klein, máy dò từ tính Sequest kết hợp với định vị thủy âm Tracpoint III. Sau khi dò tìm xong, dữ liệu sẽ được chuyển cho bộ phận phân tích, sau đó các dữ liệu lại tiếp tục chuyển đến cho các tàu xử lý tiến hành trục vớt hoặc hủy nổ tại chỗ. Và kết quả sau hai giờ, một quả bom MK82 nặng gần hai trăm hai bảy kilogam, hai quả MK84 được kéo lên tàu… Đội lặn ra hiệu còn hai quả bom dưới nước nữa nhưng chưa thể xử lý vì cấu tạo và tính năng của hai quả bom này vô cùng lợi hại nên phải cần đến tay rô-bốt đưa thuốc nổ mồi để hủy vật nổ tại chỗ…
Chứng kiến điều kiện làm việc của các đồng nghiệp, Lư cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ họ những con người nhận về phần mình cái chết để đem lại sự bình yên hạnh phúc cho mỗi vùng đất mà họ đi qua… Lúc này Lư vẫn chưa hết bàng hoàng run rẩy, tiếng nổ đã đưa cô quay về với vùng ký ức đau thương và có lẽ nó sẽ ám ảnh suốt cả cuộc đời cô… Lư lại nhớ tới lời chị Mẫn, những quả bom mà chị chỉ cho em lúc nãy may là có thể hủy bỏ bằng phương pháp thông thường và an toàn. Chứ có những quả bom nằm trong khu vực không thể di chuyển, bất khả kháng phải dùng phương pháp hủy tháo thì lúc ấy những người rà phá bom mìn như bọn chị mới thực sự đứng giữa lằn ranh sinh tử… trong mắt cô chị Mẫn đúng là một nữ anh hùng thật sự.
Nỗi ám ảnh về chiến tranh do bom mìn vật nổ còn đeo đẳng nhiều phận người, phận đời, vùng biển, rừng núi… Tác giả đưa ta đến với những làng bản hẻo lánh nằm cheo leo các sườn núi trên dãy Trường Sơn. Ngoài sự thiếu thốn bởi thiên tai, sự đe dọa bởi tử thần dưới lòng đất, những trẻ em được sinh ra ở đây còn phải gánh chịu cả những nỗi bất hạnh do nhiễm chất độc đi-ô-xin. Lư như chết điếng khi ba đứa trẻ từ trong buồng nhào ra chào đón cô. Hình hài chúng thật kỳ dị. Đứa lóng tay lóng chân dài lều khều, đứa đầu to hơn cơ thể và đứa thì mắt to mắt nhỏ, mặt vẹo sang một bên như quả dưa biến dạng… Lư cúi xuống bế lấy một cậu bé nhỏ nhất… Lư mỉm cười hôn lên má nó, hai đứa trẻ còn lại đứa khóc đứa cười. Chúng không ý thức được niềm vui cũng như sự bất hạnh của mình nhưng trong ánh mắt của chúng vẫn bộc lộ một bản năng khát sống mãnh liệt… Và rồi trong mùa đông năm đó, hai em học sinh đã chết ngay trên sân trường vì tung hứng một quả bom bi nhặt được. Nghe tiếng nổ “đùng” bọn trẻ ù té chạy như bầy ong vỡ tổ và khi làn khói tan loảng ra, các thầy cô giáo cùng với các em học sinh không dám nhìn vào cảnh tượng trước mắt mình… Và nhiều nỗi ám ảnh rùng rợn không kém, trường hợp em bé hái măng tên Nhin được đồng đội của cô cứu sống từ năm ngoái, đến hôm nay phần dưới của cái hình người không chân ấy đã hoại tử đến tận bẹn, bốc mùi kinh khủng. Lư gọi tên em, Nhin nhận ra giọng nói quen thuộc, nhưng sức em đã kiệt, Nhin ơi, em uống một ngụm nhé… Vành môi em khẽ cọ quậy, liếm láp. Những giọt sữa trắng đục tràn ra bên khóe miệng em và nước mắt Lư trào ra giàn giụa… Người đàn bà (mẹ em) rú lên một tiếng rõ to rồi quay mặt về hướng núi lẩm nhẩm khấn…
Ám ảnh về chiến tranh không dừng lại trong biên giới quốc gia bị xâm lược, với cả những kẻ xâm lược còn mang theo đến cuối đời những nỗi ám ảnh khủng khiếp. Ngoài những người nước ngoài có mặt tại dự án như Giô-na-than, Mắc là một người con sớm bị cha ghẻ lạnh. Chiến tranh Việt Nam mà ông chứng kiến hàng ngàn vụ chết chóc đẫm máu và trong những cuộc tàn sát đó chính ông cùng với các binh lính Mỹ đã gí súng vào đầu những người già và trẻ em gây nên những cái chết thương tâm. Sau một thời gian dài ném mình vào cuộc chiến tranh tàn khốc, bố tôi chợt nhận ra đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sự tham gia của ông chỉ góp phần mang lại đau khổ cho dân thường… Mắc kể, chiến tranh đã “ăn mòn” con người trong ông ấy, dù không bị chết trận thì ông cũng chết dần chết mòn bởi những ám ảnh của chiến tranh, ông lao vào rượu chè ma túy và thậm chí cả gái điếm. Ông giật cục liên hồi mỗi khi nghe ai đó nhắc đến đề tài chiến tranh hoặc hai từ Việt Nam… Chỉ tới lúc người cha già nua bị liệt hai chân tích cực tham gia các hoạt động xã hội, kêu gọi các quỹ hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, xây dựng trường học, cung cấp các thiết bị liên quan cho người khuyết tật, giúp đỡ những người dân sống trong các vùng bị nhiễm bom mìn phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao đời sống… Đó là cách để ông hàn gắn được phần nào vết thương chiến tranh… Sự có mặt của Mắc tại Việt Nam chính là để đáp ứng nguyện vọng cuối cùng của cha mình.
Chiến tranh và hậu quả của nó là đề tài lớn cho nhiều cây bút. Ở đây, với chưa đầy hai trăm trang viết, Đất khát đã liên tục hệ thống giúp ta những ám ảnh đáng sợ, thậm chí đáng nguyền rủa của chiến tranh, cụ thể là cuộc chiến tranh Việt Nam. Nếu không có “thần chết” do cuộc chiến này để lại, ba mẹ Lư vẫn say sưa với những giống cây năng suất cao trên trang trại của mình. Lư sẽ là phóng viên đúng nghĩa của một tòa soạn và mối tình giữa cô với chàng họa sỹ Nguyên Ninh có bút danh Du Tử chắc chắn đã buông neo cập bến hạnh phúc. Sự cao thượng của anh đã thể hiện trong việc bằng lòng để người yêu đi theo tiếng gọi của trái tim, Lư quyết định đi đến “vùng đất chết” để làm cho nó được hồi sinh, bởi vùng đất ấy đang cần những người như cô. Càng đến với nghề, đến với vùng đất ấy, những phận đời, phận người khư khư giữ lấy Lư, không muốn để cô tuột khỏi kiếp người kiếp đời của họ. Ở đó, mỗi mãnh đời đều là một nỗi ám ảnh đáng sợ, là một lời kêu van khẩn thiết, khiến cô coi nơi đây là cuộc sống của mình và hậu quả chính là sự hiểu lầm, khe hở bé nhỏ đầu tiên cho vết rạn giữa hai người đã trở thành lối nhỏ để Du Tử đến với Tuyến. Cuộc hôn nhân không đằm thắm khi hình ảnh Lư ngày đêm bám riết ở vùng đất tử thần khiến họa sỹ như đánh mất mình. Thêm một nỗi ám ảnh đáng sợ xuất hiện từ Tuyến, cô yêu hết mình, thể hiện hết mình thiên chức làm vợ làm mẹ và mong muốn được yêu như thế. Tuyến luôn muốn biến căn nhà của mình lúc nào cũng chan chứa đầy nét lãng mạn nhưng Du Tử luôn cảm thấy ngộp thở… Cô đã nhận ra những gì ở anh? Ngay trong buổi chụp hình ngoại cảnh chuẩn bị cho đám cưới, ngắm nhìn ngọn đồi thoai thoải, những tiếng nổ, làn khói bom và những giọt nước mắt cứ ùa về xóa sạch hưng phấn hạnh phúc của anh, khiến Tuyến bóp nát bó hoa trên tay và bỏ chạy xuống đồi… Chuyện bữa cơm do Tuyến tự nấu nướng bị bỏ dỡ ngang xương vì sự ương bướng của đứa con trai bốn tuổi. Chuyện anh hứa chở mẹ con Tuyến đi chơi cuối tuần rồi bổng dưng thay đổi kế hoạch. Nỗi uất ức bừng lên thành cơn điên đột ngột khiến cô đưa tính mạng hai mẹ con để đùa với tử thần tốc độ, khi cô đạp phanh “kít’ thì mùi khét bốc lên…
Du Tử tự cởi bỏ ám ảnh cho mình bằng cách trở về với không gian cũ. Anh sử dụng nhiều nhất gam màu đỏ và xám. Đỏ của máu và xám của khói bom. Màu xám chiếm phần chủ đạo. Xám từ trong đôi mắt tràn lên nét mặt đau đớn oan khất của những kiếp người bất hạnh và xám từ hơi thở của các vị thần chết đang trùm lên không gian lạnh ngắt… Những đôi măt vô hồn đang nhìn anh, những cái miệng không tròn trịa vành môi và đầy đủ răng, những bàn tay bàn chân thiếu ngón, nhuộm đầy máu. Tất cả chúng đang vờn lên mặt anh mà gào thét… như hàng nghìn con sóng dữ cùng ùa về một lúc. Đầu anh đau như búa gõ…
Dù sao, cuộc hôn nhân của anh đã dội vào Lư những cơn sóng đa chiều. Cô đến với Mắc (anh ta vô tội) và ấp ủ niềm vui khi biết mình sắp được làm mẹ. Để rồi càng đau xót hơn, thê thảm hơn khi biết con mình đã được các bác sỹ đưa ra, bởi đó là dị nhân. Nhìn những chiếc áo sơ sinh trên móc lúc la lúc lắc nghiêng bên này rồi lại nghiêng sang bên khác làm lòng cô dấy lên một niềm vui. Cô khẽ mỉm cười đưa tay sờ lên bụng mình… Cô không hay biết rằng đêm qua các bác sỹ đã gây tê màng cứng trong lúc cô thiếp đi để đưa cái thai ra ngoài… Có phải con tôi không còn nữa? Là ai đã giết chết con tôi? Cô ném các đồ vật trong phòng bởi không kìm nổi sự điên loạn đau đớn đang diễn ra trong tim cô lúc này… Theo vị bác sỹ phòng trực của bệnh viện, trước đây cô ấy đã tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, khói bụi, môi trường ô nhiễm… cho nên đã hít vào buồng phổi một lượng khí độc rất lớn làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Dù trong hoàn cảnh nào Du Tử vẫn không xa rời cô, không để cô đơn phương vượt cạn. Cái thai trong bụng của cô ấy được hơn ba tháng, là con trai nhưng rất tiếc chúng tôi buộc phải can thiệp đến nó…
Du Tử thấy tim mình như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực.
- Đứa bé bất thành nhân, sinh ra chỉ thêm tội tình. Anh hiểu ý chúng tôi chứ?
Du Tử bước ra khỏi phòng siêu âm và ngồi thụp xuống băng ghế đá trong dãy hành lang của bệnh viện. Anh vò đầu tóc mình rối bung lên như tổ quạ. Mắt anh đỏ vằn như thiếu ngủ, một nỗi giận dữ bùng lên ngang với sức mạnh hủy diệt của bom nguyên tử...
Dẫu khuất lấp trong vô vàn nỗi đau khủng khiếp do chiến tranh, truyền thống nhân hậu vị tha đã giúp những người dân của một đất nước từng chịu quá nhiều đau thương và ám ảnh của chiến tranh, xóa bỏ thù hận xích lại gần nhau. Mối tình của Lư và Mắc phần nào nói lên điều đó, tiếc thay kết tinh tình yêu của họ đã bị “biến dạng” cũng từ cơn lốc hậu chiến. Mắc cởi trần hì hục đào những căn hầm chữ A… những vỏ thân bom được dựng đứng. Có khoảng năm ngôi nhà được tạo dựng từ rơm và bùn đất nằm chìm dưới lòng đất… Mắc muốn tự tay mình dựng lên một bảo tàng chiến tranh, có đầy đủ hình ảnh mọi sinh hoạt trong thời chiến, Mắc đã biến vùng đồi thành một chiến khu xưa hết sức khốc liệt và cảm động… Đây là nơi để những người đến tham quan, nhất là những cựu chiến binh đã từng đi qua cuộc chiến… Người cha khốn khổ của anh đã qua đời, ông đã trút hơi thở thanh thản vì biết con trai đã thay mình thực hiện mọi ý nguyện của ông ở Việt Nam. Mừng thay, một mầm sống mới đang nẩy chồi và từ chân đồi những gương mặt tươi vui tung tẩy nhào tới trước khi trời ngừng gió…
Dù biết những cảm nhận của mình còn đơn điệu, song tôi tin Tiểu thuyết Đất khát của Trác Diễm xứng đáng có mặt trên bàn đọc của độc giả.
Quảng Bình 10-2017