Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.233
123.161.508
 
Thông điệp CẦU NGANG
Lê Vũ Tuấn

Bài “Xuôi dòng Quan Chánh Bố” và bài “Kênh tắt vẫn chưa thông” có nhiều tư liệu phản biện rất hay đã đưa lên mục tin mới nhất. (Tiếp bài “Thông điệp Cầu Ngang” , rất khô khan, không hợp với một website văn học nghệ thuật, nhưng đặt vấn đề trước thềm đại hội đảng bộ điểm ở phía nam sắp diễn ra ở Bến Tre – xoá nghèo cho đảng viên để lãnh đạo nhân dân giảm nghèo.)Theo thư Anh Lê Vũ Tuấn (Văn phòng ĐBSCL Báo Lao Động) gửi cho SCL Bài này chưa đăng. Nhưng SCL thấy cần chia sẻ trách nhiệm với anh về vấn đề anh nêu qua Phóng sự sau đây và xin phép đưa vào chuyên đề Lịch sử.

 

THÔNG ĐIỆP CẦU NGANG

LÊ VŨ TUẤN -TRƯƠNG THANH DŨNG

 

Nâng chuẩn nghèo lên gấp đôi, duyệt chi hơn 60.000 tỉ đồng cho 5 năm tới, những tưởng không còn gì phải nói về quyết tâm của VN trong cuộc chiến giảm nghèo. Nhưng từ Cầu Ngang, chúng tôi nghe vang lên câu hỏi: Trong 4,6 triệu hộ nghèo tính theo chuẩn mới, có bao nhiêu gia đình đảng viên? Cách nay hơn 10 năm, chính đây là đảng bộ huyện đầu tiên ở Trà Vinh và cả vùng ĐBSCL đặt vấn đề “giảm nghèo cho đảng viên để lãnh đạo nhân dân giảm nghèo”. Bây giờ trở lại, số lượng đảng viên “ôm” sổ nghèo vẫn là... hơn 100. 

 

“ĐẢNG VIÊN CŨNG LÀ CÔNG DÂN, NHƯNG...”

 

“Muốn xoá nghèo cho dân, đảng viên phải xoá trước mới lãnh đạo được” – Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Đường Văn Quân mở đầu câu chuyện bên lề hội nghị đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh vào hạ tuần tháng 9. “Trước đây, chúng tôi có cho đảng viên mượn vốn, phân công đảng viên khá hỗ trợ đảng viên nghèo, chọn xã Thuận Hoà làm điểm. Tuy cũng có kết quả, nhưng đến nay vẫn còn hơn 100 đồng chí “ôm” sổ nghèo”.

“Năm 1994, Đảng bộ huyện Cầu Ngang có 1.177 đảng viên, trong đó hơn 24% nghèo khó, chủ yếu công tác ở các vùng nông thôn: 2/3 có đất mà thiếu vốn, 1/3 hoàn toàn chỉ sống nhờ lương. Đảng bộ xã Hiệp Mỹ có 30% xã uỷ viên làm đơn xin cấp trên cho tạm ngưng công tác để đi... làm mướn! Trong 11 xã của huyện, hầu như nơi nào cũng cũng có đảng viên xin đi làm mướn. Có người ngưng sinh hoạt quá lâu nên buộc phải khai trừ ”. Đó là nguyên văn đoạn trích từ bài viết đăng trên Báo Lao Động tháng 3.1997 do chúng tôi thực hiện nhân sự kiện Tỉnh uỷ Trà Vinh tổ chức kê khai nhà, đất, tài sản và thu nhập của gia đình cán bộ, đảng viên đầu tiên ở VN.

 

Sở dĩ hồi đó chúng tôi có được những thông số mà nhiều huyện uỷ hiện giờ không có là do từ năm 1994, cựu Bí thư Huyện uỷ Trầm Thanh Vân đã đề xuất và được đảng bộ chấp thuận xây dựng chương trình riêng giúp đảng viên giảm nghèo. Sau khi nghỉ hưu, ông Vân chuyển sang làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông nhắc lại: “Chúng tôi nắm chắc hoàn cảnh của từng đảng viên, biết rõ cả huyện còn 117 đồng chí quá nghèo, không có đất đai gì ráo. Mà bản thân anh nghèo, không có kinh tế thì làm sao lãnh đạo nhân dân làm kinh tế? Nói người ta hổng tin. Muốn người ta tin, anh phải khá, tự nhiên có uy tín. Tôi họp Thường vụ thống nhất quan điểm như thế, rồi đề nghị Uỷ ban cho mượn 100 triệu đồng để trợ vốn cho 20 đảng viên trong vòng 1 năm (sau đó nâng lên 2 năm), lại giao Tổ chức phân công đồng chí khá kèm cặp đồng chí nghèo. Cứ thế, đến hết nhiệm kỳ 1996-2000 trước khi tôi nghỉ hưu, tất cả đều trả vốn đầy đủ”.

 

Thật ra, ông vẫn chưa kể hết, bởi trong sổ tay của chúng tôi còn ghi: Tháng 2.1997, chị Nguyễn Hồng Dịu – Bí thư Chi bộ Phòng Kế hoạch – Đầu tư kiêm Chủ tịch CĐ khối Nhà nước huyện Cầu Ngang – cho biết: “Từ năm 1994, hưởng ứng chủ trương của huyện uỷ, ở chi bộ tôi (và tất cả các chi bộ khác trong khối), mỗi đảng viên đóng góp 50.000 đồng/tháng, chọn người nghèo nhất cho mượn vốn, mỗi lần 4,2 triệu đồng. Tới nay, đã có 36 đồng chí nhận vốn”. Ông Lê Thanh Phong – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ – cho biết thêm: “Đảng viên ở xã, ấp thì vay vốn xoá đói giảm nghèo của huyện uỷ dưới dạng tín chấp. Con số vượt hơn 1 tỉ đồng. Tình trạng xin đi làm mướn chấm dứt. Không còn đảng viên đói, diện nghèo thu hẹp dần”.

 

Thế nhưng sau hơn 10 năm, con số vẫn là hơn 100. Hơn 100 đảng viên “nói người ta hổng tin” – có phải đây là lý do khiến Cầu Ngang không thể kéo tỉ lệ hộ nghèo xuống thấp hơn 28% (tính theo chuẩn mới)?. Người từng nêu sáng kiến “giảm nghèo cho đảng viên để lãnh đạo nhân dân giảm nghèo” thở dài: “Tỉnh uỷ không chỉ đạo nhân rộng mô hình, huyện uỷ nhiệm kỳ mới nghiêng theo quan điểm “đảng viên cũng là công dân”. Tức là cho đảng viên vay vốn chung với nhân dân mỗi khi có dự án giảm nghèo. Đúng, đảng viên cũng là công dân, nhưng làm vậy khó lắm. Tôi xuống nhiều xã, dân họ nói ông đảng viên này, dự án gì ổng cũng vay trước, thậm chí vay 3-4 dự án. Cái đó nó tạo ra cái “tì”, làm uy tín đảng viên giảm dần”.

 

ĐÂU PHẢI CHỈ GIẢM NGHÈO

Chúng tôi tìm đến Long Sơn, một trong những xã nghèo thuộc loại “đầu bảng”. Người dân ở đây vẫn nhắc chuyện 11 cán bộ xã thông đồng “ém” 23 tấn lúa giống được trợ giá, trợ cước thuộc chương trình 135 để ăn chia chênh lệch... 2.000 đồng/ký vào năm 2003 khiến Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an cũng phải vào cuộc. Danh sách tham nhũng toàn ... đảng viên: Phó bí thư Đảng uỷ, Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ, Trưởng ban Nông nghiệp, Trưởng ban Tư pháp, Phó trưởng Công an, Chủ tịch Hội LHPN, Phó chủ tịch Hội ND... Tất cả đều đã bị xử lý kỷ luật, nhưng xem ra vẫn là cái “tì” trong quan hệ Đảng – Dân. Bởi vậy, càng thấy quí những gương sáng đảng viên đi tiên phong nắm bắt khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tự giảm nghèo và giúp đỡ người dân giảm nghèo. Một trong số đó là ông Nguyễn Văn Bến, Bí thư Chi bộ ấp Huyền Hội. Từ chỗ nghèo nhất nhì ở xã Long Sơn, người đảng viên già phấn đấu 10 năm để trở thành chủ nhân 30 công đất, 1 trang trại bò và ngôi nhà tường 200 triệu đồng mới xây. Ông kể: “Năm 1995, Đại học Cần Thơ về triển khai chương trình cải tạo đất giồng cát. Là bí thư, tôi hăng hái đi đầu. Tham gia mới thấy khoa học kỹ thuật thật kỳ diệu, biến vùng đất chết thành đất sinh lãi”. Cái hơn người của ông là không chỉ làm giàu riêng mình. Chị Trần Thị Phượng ở cùng ấp cho biết: “Vợ chồng tui không cục đất chọi chim,  làm mướn quanh năm mà vẫn không đủ ăn. May được chú Út Bến cho mượn 2 công đất, chỉ cách trồng bắp lai kết hợp nuôi bò nên lần hồi khấm khá. Mới đây, chú bỏ ra 4 triệu đồng giúp nhà tui kéo điện. Có điện, vụ tới tưới bắp bằng mô-tưa, càng dễ trúng mùa”. Đảng viên Nguyễn Văn Bến đúc kết kinh nghiệm: “Muốn giảm nghèo cho dân, đương nhiên phải giao vốn. Nhưng thời buổi này, giao 2-3 trăm ngàn không làm được gì, giao 5-7 triệu không khéo lại gây nợ cho dân. Bởi vậy, phải có những đảng viên cụ thể biết làm ăn, Đảng mới giúp được dân”.

 

Chúng tôi lại ghé thăm “xã điểm” Thuận Hoà, nơi có 56% tổng số 1.625 hộ là đồng bào Khmer. Tác động giảm nghèo đáng kể nhất, theo lời Bí thư Đảng uỷ Trần Văn Thành là đã có 358 hộ Khmer (không phân biệt đảng viên hay người dân) được Chính phủ cấp vốn cất nhà, xuất hiện nhiều đảng viên biết nêu gương trong các dự án bởi bà con Khmer thấy rồi mới tin. “Cả xã hiện có 21% hộ nghèo (chuẩn cũ), không còn nghèo nhất huyện, mà tuột xuống hạng ba, trong đó có 9/125 đảng viên còn phải “ôm” sổ nghèo”. “Nhưng các anh đã triển khai chương trình giảm nghèo cho đảng viên 10 năm rồi mà” – chúng tôi thắc mắc. Ông Thành đáp: “Không, chính xác là từ năm 1996, lấy ấp Giồng Chùa làm điểm. Bây giờ 15 đảng viên ở Giồng Chùa không còn ai nghèo. Nổi nhất là Sơn Si Quilai, phụ trách tổ 5, ven 3 - chỉ có 5 công đất nuôi 4 đứa con mà thoát nghèo, kéo theo 10 hộ Khmer khác thoát nghèo”. Nói tới đây, ông tặc lưỡi: “Chỉ tiếc đảng viên mình toàn dân làm ruộng, chưa ai mở trang trại hay cơ sở công nghiệp gì lớn tạo thêm việc làm cho người nghèo”. Chúng tôi hỏi vui: “Giả thử làm được, các anh có sợ bị đánh giá là “bóc lột” không?”. Bí thư Đảng uỷ xã... cười trừ.  

    

THÔNG ĐIỆP MƯỜI NĂM

 

Thăm 2 xã, chúng tôi “nghe” được 2 thông điệp: Đảng không chỉ lãnh đạo giảm nghèo mà còn lãnh đạo công nghiệp hoá. Và để đạt được điều ấy, phải có “những đảng viên cụ thể biết làm ăn”, nếu mở được “trang trại hay cơ sở công nghiệp gì lớn tạo thêm việc làm cho người nghèo” thì càng mừng. Nhưng xem ra thông điệp ấy còn “sặc mùi lý thuyết” nên chúng tôi tham khảo các vị cán bộ dạn dày kinh nghiệm ở Cầu Ngang.

 

Ông Đường Văn Quân - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ đương nhiệm nói: “Giảm nghèo cho đảng viên suốt từ năm 1994 đến nay chưa đạt 100% là quá chậm. Tỉnh uỷ cần xây dựng chương trình riêng trên địa bàn Trà Vinh. Nhìn ra cả nước, đảng viên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nghèo cũng không phải ít, nếu Trung ương Đảng nâng lên thành chương trình quốc gia thì quá tốt”.

Cựu Bí thư Huyện uỷ Trầm Thanh Vân còn tỉ mỉ hơn: “Ngân hàng chính sách xã hội nên mở tài khoản riêng cho đảng viên vay 10 triệu đồng/người, thời hạn 2 năm, lãi suất ngang bằng với dân. Tôi cam đoan vốn này không mất, dân cũng không so bì, thậm chí còn giúp Đảng giám sát cho tốt (vì bà con đã được Đảng lo rồi). Nó sẽ do Tổ chức huyện uỷ quản lý, kết hợp phân công đảng viên khá giúp đỡ đảng viên nghèo. Chỉ vài ngàn tỉ đồng mà xoá nghèo 100% đảng viên, sức chiến đấu của Đảng chắc chắn sẽ tăng lên”.

 

 

Lê Vũ Tuấn
Số lần đọc: 2919
Ngày đăng: 02.11.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sài Gòn năm xưa-Phần một - Vương hồng Sển
Văn minh thắng bạo tàn - Lê Phú Khải
Điện Biện vời vợi nghìn trùng - Lê Phú Khải
Chuyện 40 năm sau trong hầm Đờ Cát - Lê Phú Khải
Điện Biên Phủ: Mùa Xuân thứ 50 - Lê Phú Khải
Người hỏi cung Đờ Cát bây giờ ở đâu? - Lê Phú Khải
Dân Bến Tre đi đánh trận Điện Biên - Lê Phú Khải
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Cần có thêm nhiều Điện Biên Phủ - Lê Phú Khải
Những người không biết mình tham gia chiến dịch Điện Biên rất sớm - Tô Hải
Một tháng ở Nam kỳ-Phần I - Phạm Quỳnh