Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.465
 
Thư tình cho bươm bướm
Ngô Lạp

 

 

 

Chiếc xe giường nằm ghé vào một trạm dừng chân bên quốc lộ I. Đó là một nhà hàng khá lớn và đầy đủ tiện nghi. Hành khách vào đây có thể ăn uống hay mua sắm những thứ trái cây địa phương như chôm chôm, sầu riêng, măng cụtđể mang về làm quà cho gia đình. Đa số hành khách trên xe vào bàn ăn gọi món, những người khác đi dạo quanh các quầy hàng tìm mua những thứ bánh trái mà họ thích và cũng có vài người thả bộ qua phía bên kia đường, nơi có một quán cà phê xinh đẹp nằm dưới giàn hoa thiên lý...

 

Hai người khách chọn một cái bàn nằm ở góc sân dưới giàn thiên lý và gọi hai ly cà phê. Từ chổ ngồi thoáng mát này, họ có thể nhìn thấy chiếc xe giường nằm với một vài hành khách vẫn còn ở lại trên xe. Người khách trung niên lặng lẽ ngắm nhìn tấm bảng hiệu của quán với hàng chữ màu xanh nhạt treo phía trên giàn hoa thiên lý. Nhấp một ngụm cà phê, ông tiếp tục câu chuyện với người bạn vừa mới quen trên xe:

 

- Tôi đã đi khá nhiều nơi, và ở nơi nào tôi cũng tìm đến những quán cà phê có giàn hoa thiên lý. Tôi mong sao có thể gặp lại người ấy, dù chỉ một lần thôi.Vậy mà đã bao nhiêu năm nay, tôi vẫn hoài công tìm kiếm, còn người ấy thì không biết đã ra đi đến tận phương trời nào...

 

Với nhiều người, quán cà phê là nơi để thư giản sau những giờ làm việc căng thẳng, là nơi để chuyện trò, tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp và cũng là nơi để hẹn hò thầm kín với người yêu. Nhưng với tôi thì đã từ lâu, quán cà phê là nơi để hồi tưởng về một mối tình, để suy ngẫm về một nụ cười và để nhớ thương một dòng nước mắt...

 

Ngày ấy tôi vừa tròn mười tám tuổi, lứa tuổi hoa niên tràn đầy nhựa sống. Cứ mỗi ngày chủ nhật, tôi cùng nhóm bạn tụ họp trên căn gác nhỏ sau nhà mà chúng tôi đặt cho cái tên rất nên thơ là“ Vườn Mộng” để cùng nhau học hành và bàn luận về văn chương thi phú. Thời ấy rất thịnh hànhbản nhạc  “Ngày xưa Hoàng Thị” của Phạm Duy.Tôi và các bạn thường pha một bình trà nóng, bật máy cassette lên, lắng nghe và bình phẩm từng câu từng chữ trong bản nhạc. Chưa có lấy một mối tình vắt vai, nhưng không ai bảo ai, chúng tôi đều cảm thấy những câu như “Anh theo Ngọ về gót giày lặng lẽ đường quê” hay “Hôm nay đường này ai mang bụi đỏ đi rồi” sao mà hợp với tâm trạng của chúng tôi đến thế...Tôi cũng thích xem phim võ thuật. Trước khi có phim quyền cước của Lý Tiểu Long, tôi thích xem những bộ phim kiếm hiệp với diễn viên Khương Đại Vệ đóng vai chính mà ở cuối bộ phim nào chàng ta cũng...chết, và trước khi chết lúc nào chàng ta cũng phải nở một nụ cười thật là duyên dáng...

 

Rồi buổi sáng chủ nhật đáng nhớ ấy đã đến.Hôm ấy tôi và một người bạn đi xem một bộ phim quyền cước do Lý Tiểu Long đóng cặp cùng nữ diễn viên Miêu Khả Tú. Khi chúng tôi vào rạp, bộ phim đã được chiếu trước đó vài phút và chúng tôi phải dò dẫm tìm chổ ngồi trong bóng tối. Tìm được chỗ ngồi còn trống, chúng tôi lặng lẻ ngồi xuống và cố gắng không làm phiền khán giả ngồi kế bên. Tuy nhiên, tôi có cảm giác là người ngồi ở ghế kế bên mình là phái nữ, vì cứ lâu lâu tôi lại nghe thoang thoảng mùi hương tóc mới gội đưa ngang mũi, nồng nàn một mùi thơm khó tả làm cho tôi cứ bồi hồi xao xuyến. Bộ phim thật hay và có ý nghĩa. Câu chuyện tình nên thơ giữa chàng võ sĩ và cô bạn gái mang một phong cách thật là lãng mạn cùng với khuôn mặt xinh đẹp của nữ diễn viên có mái tóc mượt mà và đôi mắt dài thăm thẳm như muốn hút hồn người xem...Cảnh phim sáng rực làm cho rạp chiếu bóng cũng bừng sáng lên, soi rõ mọi khán giả đang có mặt trong rạp. Tôi khẻ liếc sang bên cạnh để tìm sự đồng cảm. Cô gái ngồi bên cạnh “hình như” cũng mĩm cười với tôinhưng bỗng dưng tôi cảm thấy choáng váng. Trời ơi, cô nàng...quá đẹp ! Có lẻ cô ấy nhỏ hơn tôi vài tuổi và điều kỳ diệu hơn là cô có nét mặt giống y như nữ diễn viên Miêu Khả Tú, chỉ khác là cô có một nốt ruồi duyên trên khóe miệng...

 

Từ lúc đó, tôi thấy bộ phim chẳng còn “ xi nhê” gì nữa. Cái làm cho tôi quan tâm duy nhất lúc đó là cô bé Miêu Khả Tú bằng xương bằng thịt đang ngồi kế bên tôi. Mùi thơm dịu dàng của mái tóc vừa gội hình như có pha trộn cả mùi hương bưởi lẫn hương chanh làm cho tôi thấy lòng vô cùng bối rối. Bộ phim cứ trôi qua mà tôi chẳng còn chẳng còn nhớ nổi Lý Tiểu Long đã sử dụng chiêu thức nào để hạ thủ Trần Hồng Liệt...

 

Sau buổi chiếu phim, tôi đã một mình theo sau hai chị em cô gái, nhưng đến trước quán cà phê Thiên Lý thì cả hai bỗng dưng biến mất như chị em Thanh Xà-Bạch Xà. Tối hôm đó, tôi đã thức thật khuya để học thuộc lòng bài thơ “Một chút tình” của Lưu Trọng Lư:“ Chửa biết tên nàng, biết tuổi nàng/ Mà sầu trong dạ đã mang mang/ Tình yêu như bóng trăng hiu quạnh/ Lạnh lẽo đêm trường giãi gió sương...”


***

Điếu thuốc lá đầu tiên tôi hút là ở quán cà phê Thiên Lý và từ khi quen Vân, tôi bắt đầu nghiện uống cà phê.Nói là “quen”, nhưng Vân chưa bao giờ chịu nói chuyện trực tiếp với tôi. Mọi giao tiếp giữa chúng tôi đều phải thông qua “ thông dịch viên” là chị Nguyệt của nàng. Kể từ buổi xem phim hôm nọ, tôi đã nhờ anh bạn thân điều tra lý lịch của nàng. Nàng và chị của nàng là cháu của ông chủ quán cà phê Thiên Lý. Ban ngày hai chị em phụ bán cà phê, ban đêm đi học may tại một trung tâm dạy nghề gần đó. Buổi đầu tiên tôi cùng anh bạn vào uống cà phê, tôi nghe các cô chạy bàn đùa cợt lẫn nhau, và tiếng của Vân trả lời có vẻ rất là bẻn lẽn: “ Em đâu có quen người ta. Các chị cứ chọc em hoài à...!” Nàng nói giọng Bắc rất nhanh và ấm, với âm điệu thật ngây thơ và dịu dàng làm lòng tôi ngây ngất...

 

Suốt nửa năm học mười hai, tôi như người mộng du. Đầu óc tôi lúc nào cũng tràn đầy hình bóng của Vân. Tình đầu bao giờ cũng đẹp, đặc biệt là mối tình ...câm. Khi tôi hỏi Vân điều gì đó, chị Nguyệt của nàng là người trả lời. Khi tôi đến quán cà phê, chị Nguyệt của nàng là người phục vụ. Vân chỉ đứng trong quầy nhìn ra với đôi mắt sáng ngời và nụ cười bẽn lẽn. Thật dễ thương làm sao ! Những lúc ấy tôi thấy lòng mình nao nao một nỗi niềm khó tả, những cảm giác yêu thương, nhung nhớ cứ xen lẫn vào nhau, cùng nhau bóp nghẹt lấy trái tim đa sầu đa cảm của tôi làm cho tôi nhiều lúc không thở được. Tôi có cảm giác như không khí trong quán cà phê Thiên Lý bỗng nhiên hết sạch và con người tôi sắp sửa tan ra thành ảo ảnh hư vô. Mỗi đêm tôi tình nguyện đưa Vân và chị Nguyệt đi học may. Buổi tối ở Quy Nhơn man mác mùi hoa trứng cá và thoang thoảngbài hát “Ngày xưa Hoàng thị”...Những lúc ấy tôi nói rất nhiều, nói thao thao bất tuyệt, còn Vân thì chỉ im lặng mĩm cười thôi. Có lúc tôi cảm thấy không vừa ý với nụ cười “Mona Lisa” của nàng. “ Em câm à?”-Tôi hỏi. Nàng vẫn không nói, chỉ mĩm cười. Nụ cười xinh đẹp và bí ẩn của nàng cứ đi theo tôi suốt cả cuộc đời. Mãi đến sau này, trong những giấc mơ về sáng, tôi vẫn còn mơ thấy rất rõ nụ cười xinh đẹp của nàng...

 

***

Năm 1975, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Các bạn học cùng lớp của tôi lần lượt nghỉ học, đứa thì bị bắt lính, đứa bỏ học về quê. Tôi cũng chểnh mãng việc học, hàng ngày ra sạp báo chờ đọc những tin chiến sự đầy bi quan từ chiến trường miền trung và cao nguyên  được đăng đầy trên các báo. Tôi vẫn thường xuyên đến quán cà phê Thiên Lý, vẫn hút những điếu Salem bạc hà, vẫn yêu Vân với một tình yêu thánh thiện, một mối tình...câm. Tôi vẫn đưa chị em Vân đi học may buổi tối, vẫn thích nghe bài hát“ Ngày xưa Hoàng Thị” và vẫn hỏi Vân một câu bất hủ: “ Em câm à?”.Vân vẫn mĩm một nụ cười rất là “Mona Lisa” và vẫn đùa cợt với các cô bạn ở quán cà phê bằng một giọng Bắc rất nhanh và ấm, với âm điệu vô cùng ngây thơ và thánh thiện làm lòng tôi ngây ngất...

 

Tôi vẫn không thể nào ngờ được là có ngày mình phải xa Vân...

Cảm thấy chiến tranh đến gần, ba tôi cho cả gia đình di tản về Bình Thuận. Là con trai trưởng, tôi được giao nhiệm vụ đưa mẹ và các em về quê, rồi sau đó quay lại Quy Nhơn để dọn nhà. Một tuần xa cách Quy Nhơn đối với tôi là cả một thế kỷ dài dằn dặt. Đêm đêm tôi ra ngắm sao trời, nhìn bóng tối bao phủ trên cái “ thị trấn đèn dầu” quê tôi mà xót xa thương nhớ Quy Nhơn. Những con đom đóm cứ bay lập lòe như lửa ma trơi càng làm tôi thấy buồn ray rứt. Tôi khêu cao ngọn đèn dầu và viết cho Vân một lá thư tình. Lá thư đầu tiên hay lá thư sau cùng?... Tình đầu hay tình cuối ?...Làm sao tôi biết được...Ở cuối thư, tôi làm tặng Vân một bài thơ tình như sau:

 

“Thôi thế là em cách biệt rồi/ Đường lên mỗi bước mỗi xa xôi/ Tim tím hoa sim tim tím núi/ Trời em tim tím tím đôi nơi./ Gặp gỡ họa còn xanh nếp giấy/ Súng bom em nhỉ? Đến bao giờ./ Đời hai mươi tuổi thương tràn ngập/ Tim tím ban chiều, tim tím mai/ Ban chiều tim tím nhớ mong nhau/ Đêm tím kìa em tím rất nhiều/ Anh cúi đầu hôn màu giấy tím/ Thư về em tím nét thân yêu/ Mai tím rồi đây lầm cát bụi/ Anh lại đường xa trải kiếp người/ Tim tím khung cầu tim tím suối/ Đời sau nhiều tím đấy em ơi...”

 

Viết xong bài thơ tình siêu...lãng mạn, tôi cho vào phong bì, xếp cẩn thận cùng với một chiếc lá thuộc bài rồi kẹp vào giữa quyễn sách “Những bức thư tình hay nhất thế giới”, lòng thầm nhủ ngày mai khi trở lại Quy Nhơn tôi sẽ ngay lập tức chạy đến thăm Vân...

 

Buổi sáng hôm ấy mọi người ở Quy Nhơn đều cùng nhau di tản. Những chiếc xe chở đầy đồ đạc và người đang bắt đầu chuyển bánh. Thời gian quá cấp bách, tôi xin phép ba tôi để đi từ biệt bạn, rồi chạy thẳng đến nhà Vân. Quán cà phê Thiên Lý đã đóng kín cửa, đằng trước có một chiếc xe tải chất đầy đồ đạc đang nổ máy chuẩn bị khởi hành. Quá đổi tuyệt vọng, tôi đâm liều bước đến gõ cửa nhà Vân. Cửa mở, tôi thấy nhiều người bên trong đang thu xếp đồ đạc. Một người đàn ông dong dõng cao bước ra gặp tôi:

 

“ Em muốn gặp ai?” - Ông ta hỏi.

“ Thưa bác cháu muốn gặp em Vân” - Tôi trả lời.

 

Người đàn ông quay lại kêu to tên Vân rồi cất bước vào bên trong.Vài phút sau, một bóng người xuất hiện. Vân đây rồi. Mới một tuần xa cách mà cả hai chúng tôi đều không dấu được vẻ xúc động. Tôi cố giấu cảm xúc, móc túi lấy ra một chiếc vòng đeo tay làm từ những con ốc biển mà tôi đã mua được ở Nha Trang đưa cho Vân và nói: “ Anh xin tặng Vân chiếc vòng này để làm kỷ niệm thời gian chúng mình quen nhau. Mai này dù không còn gặp lại nhau, xin hãy nhớ về nhau Vân nhé!”

 

Vân lúc đó cứ đứng lặng thinh nhìn tôi hồi lâu không nói gì, mặt đầy vẻ ngạc nhiên và ngơ ngác đến tội nghiệp. Rồi trong lúc tôi còn đang bối rối không biết nói gì thêm, Vân đột ngột òa lên khóc.Nàng nhào đến ôm chầm lấy tôi, gục đầu vào vai tôi mà nức nở mãi không thôi. Mãi đến sau này khi tôi đã lập gia đình và mỗi lần vợ tôi khóc, tôi đều xót xa mà nhận ra rằng Vân đã yêu tôi biết là bao.Buổi sáng hôm ấy tôi đã đứng vẫy tay tạm biệt cả nhà Vân trên chiếc xe tải đang từ từ chuyển bánh.Khi còn lại một mình, tôi mới chợt nhận ra là mình chưa kịp đưa cho Vân lá thư tình ...xuyên thế kỷ. Một mình trước quán cà phê Thiên Lý điêu tàn, tôi đã xé lá thư ra thành nhiều mảnh nhỏ và thả tung theo một làn gió mạnh. Kỳ lạ làm sao, lá thư như hòa lẫn vào một đàn bươm bướm vừa mới bay ngang...

 

***

Chiếc xe giường nằm rồ máy khởi động và hành khách đang lần lượt bước lên xe. Hai người đàn ông cũng vội vàng đứng lên gọi tính tiền rồi rời khỏi quán. Người ra tính tiền cho khách là một cô gái có gương mặt trái xoan trắng hồng trông rất là xinh xắn. Ông khách trung niên mĩm cười chào tạm biệt cô gái rồi cùng bạn băng qua đường.Cô gái bước ra ngoài cửa quán nhìn mông lung như trông đợi một ai đó. Có tiếng xe máy chạy đến gần rồi nhẹ nhàng dừng bánh bên dưới giàn hoa thiên lý. Một người phụ nữ bước xuống xe, tay xách một chiếc giỏ chất đầy những thứ hàng hóa vừa mua ở chợ về. Cô gái reo lên như mừng rỡ:“ Dì Vân mới đi chợ về hả? Để con xách giỏ cho dì! Sao dì mua nhiều đồ dữ vậy.?” Người phụ nữ nở nụ cười trông thật dễ thương, chiếc nốt ruồi duyên trên khóe miệng làm cho bà trông trẻ đi cả chục tuổi. Nụ cười của bà thật lạ, nó vừa dịu dàng nhân hậu lại vừa kín đáo bí hiểm, trông chẳng khác nào nụ cười của nàng Mona Lisa...

 

 

 



 


 

 

 

 

 

Ngô Lạp
Số lần đọc: 1447
Ngày đăng: 19.11.2019
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuốn sổ tay bìa xanh - Vân Hạ
Mùa nấm mối - Trang Thùy
Chuyện anh chàng đào hoa nở muộn - Đặng Xuân Xuyến
Cơn bão nóng - Trần Yên Hòa
Học trò của thầy - Lê Hứa Huyền Trân
Bức thư tuyệt mệnh của cô bé Anne Frank Đất Việt - Nguyễn Anh Tuấn
Nghe tục dân nói sứ - Vân Hạ
Chuyện Tình Bát Nháo - Trần Yên Hòa
Người sửa đồng hồ và cây phượng - Lê Hứa Huyền Trân
Câu chuyện từ một bộ sưu tập - Lê Ký Thương