1.
NHỮNG LẦN THU
Nhớ lại một sáng chớm thu Hà Nội, xe thồ chạy băng băng qua những ngả riêng rẽ lòng người...Tôi đã chở mình sang nhiều con phố lạc để thăm ai đó không biết tôi bao giờ. Ngõ hẹp bỏ ngỏ cho hoang hóa rêu móc màu thu. Một sớm ấy nghe bình yên qua đây, thỏ thẻ với tôi rằng, nét tinh khôi rất thần và rất hồn. Thần hồn đã gặp được thần hôn, nên mình không nên bồn chồn bộn chộn bổn chổn bốn chốn nữa. Có lẽ thu Hà Nội ngày càng có nhiều màu sắc lên ngôi, chắc là do bởi một phần hơi thở cùng với nhịp đập rất riêng rẽ của mỗi ai đó phả vào nó những giá trị khoảnh rỗng ưu tư. Chiếc áo thu được Hà Nội khoác vào nó những rạng ngời khó tả trong mỗi bước cỏ đang còn lan man con phố lạc. Cảm xúc đã lên cao và hồn bắt đầu lao xao. Và hình như ai đó mắt vẫn xanh một ánh nhìn đăm chiêu và cũng rất ngây dại. Vô tình đã qua đây. Ta hãy triển lãm những gót hồng trong khu bảo tồn đồng tiền tiếng nói, để biết đâu ai đó được khắc khoải thu đầy, Hà Nội sẽ xanh hơn...Ôi, anh này lan man quá, nên thu đã sương khói lòng em...
Dẫu biệt dấu giang hồ
Mộng hồn còn ở lại
Dù thu đi tuyệt mù
Chút khói sương còn mãi...
(Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Thời gian mới đấy mà vội bạc sắc bạc màu thật! Ký ức cứ ghim mãi vào trái tim ta như định phận treo lủng lẳng trên tầng không thu...Chỉ một chút vời vợi thôi cũng làm suy tư ta bội phần heo may...Biết ngày nào đây, những lần xưa cũ gọi đúng tên nàng... Nàng là thời đại hôm nay của mai sau tìm về...Thu Hà Nội hay thu Huế cũng không phải trong mơ, trong mộng mà sao hồn vẫn đắng đọng đến cuộc người...Lại lật dở những lần thu, trang ký ức chẳng thu một lần đúng nghĩa...
Nếu tên em là Mai
Hãy gọi tôi là Trúc
Nếu em là hoa cúc
Tôi sẽ là mùa thu...
(Hoàng Phủ Ngọc Tường)
2.
RIÊNG NHỮNG NGẢ LẺ
Tôi lại vẽ suy tư chạy dọc những ngã riêng lẻ Huế. Những ngã riêng thơm mùi chân đất cùng với những con đường chật trội ký ức. Phố dạo này thiếu một ánh nhìn thân thuộc xưa cũ. Một ánh nhìn đầy bí ẩn và cũng rất hoang dại được đặt nghiêng bên hông hành lang Thần Kinh. Vội vã cho trầm tích thay màu hoen gỉ. Những dấu xưa loang lỗ nhiều lỗ chỗ vết rêu phong. Rêu phong thành quách. Rêu phong không gian. Rêu phong ý nghĩ. Và rêu phong thầm thì. Ở đây, khu bảo tồn tiếng nói được triển lãm trước sự vo viên hồn nhiên của bao lữ khách mang nặng tâm cảm và cả tâm thức cuộc người. Còn cuộc chữ thì mặc sức chạy vạy khắp chốn kinh thành để tìm dấu ấn ông phỗng và tìm một chữ ký đúng nghĩa cho mình lên ngôi khoảnh khắc. Đôi khi lên núi Ngự hoặc xuống dòng Hương, không thì qua Bao Vinh rồi sang Vỹ Dạ, chỉ được đổi mùa mùa ý tưởng cho miền con gái ướt sũng vầng trăng. Có lẽ, tôi nợ nần những con chữ rất nhiều thung lũng, nên đến đây, tôi bị trầm tích hoang hóa mưa lòng. Không biết đến khi nào tôi trả hết cuộc chữ miền xanh của cỏ và miền nắng của phố. Ai có thể cho tôi vay chút ký ức để tôi trả xưa cho con chữ làm cuộc ngày lên ngôi thần hôn, nhưng không tính nặng lãi nhé, vì tôi không thể trả hết thần hồn của tôi được.
Có lẽ mai đây, tôi theo bản ngã để tiến về Hà Nội, hội tụ những khó khăn toàn tập. Và cũng có lẽ, hành trình lại doãi ra thêm nhiều ngã riêng lẻ suy tư, tôi lại tiếp tục chạy vạy cuộc chữ. Và suốt đời, tôi trả không hết hư không...Ôi, phù du một kiếp phù du. Tôi mang kiếp chữ đánh đu cuộc người…
3.
VỚI HAI NHÀ THƠ
(Nguyễn Quang Thiều & Nguyễn Quang Hưng)
Ra Bắc có nhiều cái thú vui cuộc người. Ngoài việc học các chuyên đề xong, mình còn tranh thủ ít thời giờ để tìm ngõ hầu của hầu ngõ cho lối rẽ những con chữ gọi tên mình đúng nghĩa. Nghĩa của chữ sẽ phụ thuộc vào nhiều câu chuyện có tích trữ hoặc cộng hưởng với không gian liên tưởng để làm nên tư duy trừu tượng trong ngã thể sáng tạo hay không, đòi hỏi câu chuyện phải có đối tượng làm giải trung tâm của chữ, thì may ra, chữ có thể khai phóng cho sự tồn tại của nghĩa lên ngôi. Thực vậy, hiện thực nào cũng cần nuôi dưỡng thời gian để cảm hoá có thể sủi bọt mép chữ nghĩa, thì hiện thực đó mới vo viên được hồn nhiên, không thì phù thế cũng gọi là. Gọi gì thì ta nên hỏi thần hôn mới biết ban mai rụng mùa. Chấp vá cho cuội mặc áo trăng, thì nghĩa của chữ cũng hoang trắng một vùng. Một vùng vô nghĩa. Ta nào ăn bận chưa sạch nghĩa của chữ, thì lấy đâu 24 chữ Cái để nhiên tạo ra con cón, con cỏn, con còn, con cõn, con cọn, con con, và đánh cho chúng đổ phèo phổi cảm xúc vì cái sự rấm rứt ấy ăn ngốn từng cá thể hô hấp như sợi dây tế bào treo giỏ hoa mắt. Rồi đây, 24 chữ Đực sẽ phóng tinh cho sự sinh sôi nảy nở hàng loạt vấn đề vô nghĩa trở thành có nghĩa hiện thực của nó. Tất cả bắt đầu từ đối thể của chữ, còn nghĩa lại theo đối tượng của cái khác khác với cái khác. Như vậy, tư duy mới tồn tại. Tồn tại trong cái khác của chữ và của nghĩa.
Trở lại câu chuyện giang hồ chữ nghĩa, rất nhiều người đi hoang để hái ra nhiều sản phẩm văn chương về tinh luyện thành bột ngọt nguyên chất để nấu chữ chữa bệnh cay đắng phận mình. Có người thành công, nhưng thất bại thì nhiều hơn. Vì nghĩa của chữ khác với chữ của nghĩa, nên chúng không nhìn mặt nhau thôi. Cái quan trọng trong sáng tạo là không tạo được ánh sáng để đào sẫu sâu vào đáy tối. Vì sẫu sâu là đáy tối rồi, ta đào làm gì để ánh sáng mang nghĩa mất hút.
Những ngày đẹp cuốn vào bằng lăng tím nở rộ dọc đường Hà Nội, một mình dắt ưu tư về thăm cô đơn bên phòng hờ. Những cây Sấu già rụng mùa chưa tới. Đòi trả chữ cho cây, để mùa còn nghĩa xanh xưa...
Chuyến tàu đã mang tôi ra khỏi Hà Nội, làm chữ nghĩa leo thang ngoài lan can ký ức. Tôi nhớ lại những câu chuyện đầy thú vị và rất ấn tượng. Những câu chuyện với giọng kể ấm áp được pha lẫn với những bản piano trữ tình và với những mảng nắng mai đủ màu lạ thường được chiếu qua vách kính làm bức tường loang lỗ đầy thủy tinh, đầy cả hư không, làm tôi nghĩ đến chủ nghĩa Tân chiết trung một thời đại của Mỹ...
Hành trình lại về Huế trong buổi sớm mai từ khi lông tơ sương xuống muộn, ta sẽ dắt chữ nghĩa đi hoang để kiếm tìm cái mới khác về nấu chín mùa xanh ý tưởng. Chia tay Hà Nội thực rồi, lòng cứ nhớ mãi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - người luôn mang trong mình những dòng chảy mới cho thơ ca thời đại, và với nhà thơ Nguyễn Quang Hưng - người cũng đau đáu thường trực trong lối rẽ tìm ra cái mới hay hơn cái mới khác nữa. Buổi trò chuyện văn chương với các anh thật thú vị và đáng nhớ trong đời mình. Hành trình sẽ còn tiếp tục khơi mở nhiều hướng sáng tạo riêng lẻ cho sự phóng sinh cái mới khác sắp tới tồn tại và phát triển theo kịp thời đại mới. Thế nào đó cái duyên chữ nghĩa cũng thành chính danh tạo tác thành hình.
4.
CÁI NHÁY MẮT
. Về thăm Huế bằng cái nháy mắt, nỗi ưu tư chưa làm đủ phiếm tơ ngẫu giăng những lối riêng rẽ vào cơ thể thần hồn. Ai đó dạo một bước lạc trên ngọn cỏ hờ chạm vào khoảnh cách tưởng tượng với không gian mở. Mở mùa biếc xưa sau. Thôi đành về với cõi riêng mình khi giá trị ẩn còn đong đo cân đếm lòng người. Ta về thôi phố đã chưa mùa. Mùa bao dung lãng bước.
Tuy thời gian ngắn nhưng ít ra có được cơn mưa nhè nhẹ thoáng qua thần hồn. Cảm giác mơn man còn trai tráng. Tí bần thần làm con người cũng tần ngần tẩn ngẩn. Hành trình lại bắt đầu chuyển hướng ra Hà Nội, và chắc chắn sáng mai phải có mặt ở đó cho kịp hội nhập những khó khăn toàn tập. Vậy nhé, tôi ơi! Hãy tự thức để háo hức làm hành trang cuộc người.
5.
HUẾ CỦA NHỮNG XƯA SAU
Ngẫm lại thời còn xưa cũ, những dấu chân ai đã quên mùi chân đất và cả chân chất lên mùa. Cái thời mà mình đã tốn nhiều phí hào hoa và nước mắt thần hồn, nhưng rốt cuộc cảm xúc cũng cho ta được gọi là đúng nghĩa cuộc người. Thời ấy, cách đây hơn 15 năm có lẽ, ta cũng đã men theo dấu hài của các vị vua, cung tần mỹ nữ và cũng lần ra được mấy kiếp đã hoang hóa bao thế kỷ hin hít. Hình như tiền kiếp ta đã ngang qua đây, và có lẽ ngẫm nhiên ta lại suy tưởng của kiếp này. Sự thật thế nào ta phải đặt dấu ảo để hỏi tâm thức viển vông của ta đã. Chứ không hiểu sao mỗi khi bước chốn này, ta có cảm giác quá đỗi xâm mặt từ những đường cỏ, gốc xanh rơm rạ trong vô thức thường trực của trung tâm hành lang trí lừ lự...
Hơn 15 năm trở lại dấu xưa, bước kinh thành thậm thịch từ hoang hóa màu phế tích. Nghe xa xăm vọng vào tiếng ai loang lổ một lỗ thủng cơ thể vô hồn. Lịch sử lại rêu rong trên khuôn mặt ảo khi ngôn ngữ chợ đen đầy ải cô hồn các bác. Một mớ suy tư hổ lốn trước những con chữ chưa được nấu chín mùa xanh ý tưởng. Ai đó bước qua đây cõi hồ như. Tâm thức là thứ mệt lử của kẻ sáng tạo đi bỏ chợ đen dong duỗi. Ngày rót vào đêm những đường lông lá hậm hự ban mai. Nét mày ngài cứ doãi ra thêm dòng liên tưởng từ vô hình mang lại. Và có khi ai đó bỏ vào lọ trang điểm để Huế khoác thêm vẻ đẹp thiên cổ. Thiên cổ móc xanh những sợi gân rờn rợn trên da thịt em. Lại trôi qua khoảnh khắc trừ phi tâm tưởng ở lại vùng trũng cô đơn. Huế đã xanh mùa anh chẳng ai hiểu và chỉ ai đó tìm tư cách điểm chỉ tôi một cách tội đồ. Bạc nhược và lếu láo. Thôi, ta ở đây hoang hóa lịch sử, biết đâu thời đại xa xưa lên ngôi khoảnh khắc, khi đó ta là ta của thời vua trước đi...
6.
VẬY THÔI
16 năm trước, tôi tìm mình khắp nẻo những riêng lẻ trầm tích từ mấy thế kỷ trôi vào hin hít gió. Những phế tích mọc đầy nội sinh trong từng lớp lớp tế bào cơ thể như mang hơi thở bỏ vào hồng hoang chạm trổ đầy rong rêu xanh, có lúc màu nâu úa nổi đóa long lanh cho mặt trời vó ngựa khai tử. Khai tử để phóng sinh.
16 năm sau, tôi lại mang hình hài len lỏi in trên vách mùa những thinh không thủng thỉnh dấu vết loang loáng ai bước dường như đã. Tôi lẫn vào cái ta xưa tưởng để lần ra lịch sử đời mình ẩn từng con số ảo. Tôi tự thức những lần trầm mình không số má để suy tư hoang hóa mỗi khuôn mặt nã chữ. Thế là ý tưởng lên mùa mùa đòng đỏng bay bay. Tôi tiếp tục dắt những con chữ đi hoang để đỡ đẻ cho mỗi mặt trời xuống vó. Vó vào thời cuộc.
Một ngày mới với mỗi bước ai đã hồ như. Tôi cứ một hồ hởi cho ngày loay hoay khó diễn. Lặn vào thinh không, tôi thỉnh cầu những lớp tích chằm chằm chăm chắm lên ngôi. Lên ngôi cho xưa xửa hái hương từ cây chữ thập hoặc từ cây thánh chữ. Tôi mãi là tôi của muôn năm trước. Vậy thôi.
Một ngày lang thang, tôi lan can từng ngõ ngách. Mỗi con phố gọi ký ức vào mùa. Mùa hội tụ của các anh em về cái mái chèo, mái đẩy Huế, để Huế ngày càng thơ hơn, và rất Huế hơn. Vậy thôi.
7.
GẶP LẠI THẦY NGUYỄN VĂN PHƯỢNG
Về với Huế chỉ vỏn vẹn vài tiếng, nhưng lòng rất vui khi được thăm lại thầy cũ đã từng công tác với mình tại trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Quả thật, khi gặp lại thầy, mình không nghĩ thầy đã 69 tuổi. Thời gian mới đó mà hơn nhiều năm không gặp, thầy vẫn giữ phong độ và tính cách như xưa. Nhớ lại những năm mình mới bước chân về trường, thầy là người thường gần gũi với mình bằng những câu chuyện vui tính, có khi đàm chuyện thơ ca, hoặc lai rai vài ly bia rượu nói về chuyện dạy học thời xưa và nay, và cũng hay thường ngồi với nhau bên tách cà phê nghe những câu chuyện đời rất ư vô kể, hài hước. Giọng nói của thầy rất trầm ấm, nhẹ nhàng, có lẽ vì thầy nói tiếng anh như gió, nên âm vang phát ra cũng mênh mông, phóng khoáng. Nhìn thầy trông có vẻ mô phạm, chỉn chu nhưng lại dễ gần gũi, thân thiện. Thầy dạy môn Địa lý, nhưng lại hiểu sâu rộng về văn hóa, lịch sử, thiên văn, nghệ thuật...Mỗi khi đàm chuyện với thầy, mình học rất nhiều kiến thức mới, kể cả phong thái niềm nở lẫn những tình huống ứng xử trong giao tiếp.
Sau khi về hưu, thầy chuyển cả gia đình về quê sinh sống. Và tôi đã có mặt hôm nay, tại quê của thầy, gần 10 năm xa cách. Trước ngôi nhà của thầy là dòng sông Ngự lãng mạn - một trong những nhánh sông bồ bắt nguồn từ thượng nguồn sông Hương trong xanh đổ về. Có thể nói, chỉ có kẻ sĩ trí thức thứ thiệt mới tìm cho mình cái thú tao nhã và nên thơ khi trở về với cội nguồn dân dã, đơn sơ.
Tuy chỉ gặp thầy trong thời gian ngắn, nhưng mắt ướt vẫn đỏ hoe mùa ký ức. Bao nhiêu chuyện râm ran của ngày xanh xưa vọng về trong tiếng thầm thì biện minh cho dòng nuối tiếc tràn đầy cả sông Ngự, khi chiều sắp đổ bóng mây ngang cùng với tiếng tơ mành giăng sợi hồng ngang vai. Thế là, tôi phải xa thầy. Xa những ngày thiếu nhau một tiếng cười và cả tiếng người. Lần lữa bắt đầu trôi. Và trôi xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa xa...
8.
LAN MAN VẬY THÔI
Đến Huế vào một sáng quang đãng, những hơi ấm cổ kính từ trong đáy hồn ai đó làm cho Huế tô vẽ nét suy tư chạy dọc thành quách rêu phong, rồi ẩn náu vào dòng sông Hương thầm thì...Tôi có mặt ở đây với những gì tâm cảm còn mắc nợ cả núi Ngự hồ như. Nghe trong xa xăm tiếng gót hài của thâm cung lanh canh lách cách từ bao tiền kiếp vọng lại, làm cõi thức bật xanh thời gian hun hút...Hihihi, lan man vậy thôi.
Hành trình của Huế chỉ là điểm dừng cho khoảnh khắc lên màu. Ta phải tiếp tục một hành trình mới hăm hở ở Hà Nội, để cho khoảnh khắc lên ngôi mùa thu. Ta nghe nói mùa thu Hà Nội có đẹp hoặc lãng mạn hay không, đòi hỏi mình phải biết vun vén nhiều tâm hồn và cả trí tuệ để có được cảm xúc thực tại...Hihihi, lan man vậy thôi.
Ít khi cô đơn được chuyển màu, nhưng có lẽ hôm nay là ngày đặc biệt, nên cô đơn làm cho mình vui lên và thấy ý nghĩa tồn tại hơn. Vì mấy hôm trước, cuộc sống làm mình luôn xô bồ trên bàn tròn anh em, nên những con chữ lại say sưa mặt mày. Nay trống vắng ngẫm nhiên trú ngụ trong ta, vô tình cô đơn lại chuyển màu, chắc màu này lạ hoắc và sâu hoắm...Hihihi, lan man vậy thôi.
9.
LẠI SUY TƯ
Mai lại về Hà Nội. Mình sẽ đem một ít mưa của Huế ra tặng các anh em văn nghệ ngoài đó. Ở Huế, cái nóng dễ chịu hơn, vì đã có Dr.Thanh. Chứ Hà Nội thì không biết kiếm Dr.Thanh ở đâu, nên cái nóng nó cứ hâm hâm vào cái mặt mâm của mình. Phải lặn lội đẩu đâu mới tìm được cái sẫu sâu thay cho Dr.Thanh nhỉ. Kiểu này, chắc cái nóng sẽ rang dòn suy tư quá. Nhưng ít ra, mùi thơm cũng tỏa hây hẩy đâu đó còn tận ở xa xa chừng vài trăm mét so với mặt bằng tâm hồn.
Lại nhớ Hà Nội có những lần làm ta suy tư bạc cả tóc, bạc cả tư duy. Không biết sáng tạo có bạc không nhỉ. Văn hoá và Cuộc sống ở đó bắt đầu mọc rễ trên bộ não và trên cây chữ thập của ta. Có những lúc tâm thức vẽ cho mình bao khó khăn toàn tập. Biết là phải vượt thoát bản thân, nhưng ý thức cần dự hướng ngả rẽ của từng tập chông gai và trắc trở.
Có ai đi học xa mới thấy được cái bao la cuộc người. Quan trọng là cái khó kiểu nào, ướt lạnh ra sao, mình phải chuẩn bị cái khăn cho thật dày để đắp ấm con đường dài ta đi. Vấn đề chỉ là vấn đề mà thôi.
10.
THIÊN DI
Mưa Huế kéo những ngày oằn oại mắt lũ bị chọc thủng cơ thể mặt trời. Ta như hờ hững giọt thủy tinh rơi từ đáy sâu nước mắt dội vào cuộc trần ai đã. Những phận người làm vô cảm chảy máu cơn mưa màu xám tro và màu nâu chó. Ta buộc ta vào dây dưa những sợi mưa chằng chịt để thêu dệt tội lỗi của tạo hóa làm nên con người chỉ thiên về núi ngàn rậm xanh. Bức tranh mùi khói biếc bên những đụn lam chiều ngày nào xanh mắt lũ không tròng không trành đen đỏ đỏ đen tròng trắng. Mắt nắng một ngày mù tăm không xỉa vào điểm tâm cho hàm răng thêm trắng niềm yêu. Ta vẫn vậy. Và vẫn luôn chở ngả đau nhìn từ hướng nghiêng mặt trời. Mong bình yên qua đây. Qua những lần chưa biết nỗi đau có cánh từ loài chim thiên di bay về...
11.
DẤU ẢO
Nhớ lại thời còn xưa cũ ở Huế (tính từ những năm 2000 cho đến nay), những dấu chân ai đã quên mùi chân đất. Cái thời mà mình đã tốn nhiều phí hào hoa và nước mắt thần hồn, nhưng rốt cuộc cảm xúc cũng cho ta được gọi là đúng nghĩa cuộc người. Thời trước, cách đây hơn 15 năm có lẽ, ta cũng đã men theo dấu hài của các vị vua, cung tần mỹ nữ và cũng lần ra được mấy kiếp đã hoang hóa bao thế kỷ hin hít. Hình như tiền kiếp ta đã ngang qua đây, và có lẽ ngẫm nhiên ta lại suy tưởng của kiếp này. Sự thật thế nào ta phải đặt dấu ảo để hỏi tâm thức viển vông của ta đã. Chứ không hiểu sao mỗi khi bước chốn này, ta có cảm giác quá đỗi xâm mặt từ những đường cỏ, gốc xanh rơm rạ trong vô thức thường trực của trung tâm hành lang trí não.
Giờ đây, lòng bắt đầu cảm thấy rưng rưng ngoài miền mắt ướt. Chơi vơi thời trước nay cũng thành chới với mùa sau. Chới với những ngày vui hớn hở quá đỗi gặp nhau. Quá đỗi để xâm mặt lại chơi vơi. Hình như có bước ai riêng lẻ đọng vọng vào hư hao một phím tơ ngẫu phù du ngón khao mùa. Mùa của yêu thương đầy biếc xưa xanh…